Chương Kết

 Cây cột ấy đã ở trước mặt hắn rồi. Đã nhiều lần cái lạnh chạy dọc xống lưng hắn. Mỗi bước đi của hắn là mỗi đoạn đời, ào đến, vụt qua. Bước đi cuối cùng hắn ngoảnh lại nhìn và giật mình khi nhận ra hai gương mặt vừa xa lạ vừa thân quen, vô tình mà duyên nợ với cuộc đời hắn. Tại sao hai gương mặt này lại ám ảnh hắn cho đến lúc chết nhỉ. Hắn nhắm mắt lại, cố lý giải bằng cách tập trung tái hiện trong đầu những hình ảnh cuối cùng về họ.
Gương mặt thứ nhất: Vị điều tra viên có nốt ruồi ở đuôi mắt trái.
Hắn được gặp người này lần cuối cùng khi anh ta đến trại tạm giam tống đạt tận tay hắn bản Kết luận điều tra. Người này bảo hắn hãy đọc cho hết bản kết luận đó rồi đề đạt ý kiến riêng của mình. Hắn cầm lấy tập giấy anh ta đưa cho, đọc chậm rãi, đến dòng cuối cùng thì dừng lại, ngẩng lên bảo:
- Bản kết luận này được bắt đầu bằng một buổi nói chuyện phiếm giữa cán bộ và tôi. Bây giờ, trước khi cầm bút ký nhận nó, tôi muốn nó cũng được kết thúc bằng một buổi nói chuyện phiếm, cán bộ có thể chiếu cố cho tôi điều ấy không?
Vị điều tra viên bật lên một tiếng cười rồi bảo:
- Quả là tôi đã không sai khi nghĩ về anh. Anh là một trong số những phạm nhân sẽ được đưa ra pháp trường. Những phạm nhân loại này bao giờ cũng để lại trong tôi những suy nghĩ vẩn vơ nào đó. Có thể đó chỉ là những giây phút hoài cảm về cuộc đời và số phận của mỗi cá nhân. Nhưng với riêng anh, thành thực mà nói, chút suy nghĩ vẩn vơ trong tôi nhiều hơn, trở đi trở lại nhiều hơn, và có vẻ như cố rõ nét mà không sao rõ được.
Hắn bảo:
- Tội tôi quá nhiều, cái án dựa cột đối với tôi là không thể tránh khỏi. Kết luận điều tra đã đề nghị truy tố tôi ra toà với rất nhiều tội danh. Đó là chuyện của cán bộ, chỉ xin hỏi cán bộ đã bao nhiêu lần viết bản này rồi, và sau mỗi bản như thế này, cán bộ có thấy là mình đang làm một việc có ích không?
- Tại sao anh lại hỏi tôi câu đó? - Vị điều tra viên hỏi lại hắn.
- Vì cái ác chẳng bao giờ bị triệt tiêu, nó luôn tồn tại cùng con người - Hắn bảo.
- Cứ cho là cái ác không bị triệt tiêu nhưng giới hạn nó trong phạm vi và mức độ nhỏ nhất thì cũng là việc nên làm chứ!
- Có bao giờ cán bộ nghĩ rằng mình cũng đã từng sinh ra cái ác không?
- Suy nghĩ của anh mạch lạc và tôi còn thấy ở anh một chút nhạy cảm thái quá nữa kia đấy. - Vị điều tra viên đáp lời hắn - Anh muốn tôi làm rõ cái gọi là "Chút suy nghĩ vẩn vơ" chứ gì? Loại bỏ cái ác ra khỏi đời sống xã hội là nhiệm vụ của những người như chúng tôi. Tuy nhiên nói thì có vẻ nghe xuôi tai nhưng cái ác cũng là con người, mà chúng tôi thì cũng là con người. Không thể có chuyện con người loại bỏ con người, dù với danh nghĩa gì đi nữa mà lại không đem lại chút suy nghĩ vẩn vơ nào đó. Anh đã uống bia vào một buổi chiều mùa hè nóng nực ở một quán ven đường với một nhóm bạn bao giờ chưa?
Đang nói vị điều tra viên bỗng dừng lại bất ngờ đặt ra một câu hỏi có vẻ chẳng ăn nhập gì với mạch suy nghĩ trước đó.
Hắn nhíu mày một lát rồi đáp:
- Thưa cán bộ, rồi ạ!
Vị điều tra viên tiếp:
- Tôi và đám bạn của tôi thường mời nhau ra quán uống bia với những lý do khác nhau, có thể là vớ vẩn, có thể là nghiêm túc. Ví như tuần trước chẳng hạn, thằng bạn học cùng trường cảnh sát với tôi mời tôi ra quán uống bia để mừng cho vợ nó vừa đẻ con trai. Nó bảo nó vừa ở nhà hộ sinh về, thức suốt đêm, nhưng mừng quá, vui quá, muốn được san xẻ với ai đó, và chọn tôi làm người nâng ly cùng nó. Được vài vại thì điện thoại của nó rung chuông. Người ta bảo cho nó biết đối tượng mà nó theo dõi trong một chuyên án X, Y nào đó đang có mặt. Thế là nó "bai, bai" tôi để lao đến địa điểm đã định như trong phương án vạch trước. Và đối tượng của nó đã nhằm vào nó để bóp cò. Nó đã chết, thằng bạn của tôi ấy mà, đã chết khi chưa hưởng trọn niềm vui làm bố. Kẻ bắn nó đã bị bắt. Thử hỏi lúc đứng trước cái thằng giết người ấy, anh là tôi, anh sẽ nghĩ gì? Thằng giết người ấy tất nhiên rất đáng ghét, không, phải nói là đáng kinh tởm và căm thù mới đúng. Thằng ấy có thể xấu xí, lì lợm, ngổ ngáo, cũng có thể là một thằng bảnh chọe, đa cảm, mau nước mắt. Thằng ấy lưu manh, côn đồ, vô học nhưng cũng có thể là một thằng trí thức, chỉn chu, thậm chí học triết như anh, và học rất giỏi. Tuy nhiên, dù thằng ấy có thế nào thì cái máu căm hờn đang trào sôi lên trong tôi cũng buộc phải kìm lại khi đứng trước kẻ giết người cụ thể đó. Tình cảm phải nhường cho lý trí làm việc. Mà tình cảm thì như cái quả lắc đồng hồ ấy. Nó lắc đi lắc lại theo qui luật. Lý trí nhiều khi như ngón tay, thò vào giữ cho quả lắc đứng yên. Cứ như thế một lần, hai lần, nhiều lần cái quả lắc tình cảm trong tôi trở nên tội nghiệp biết nhường nào...
Vị điều tra viên nói đến đây, quay ra bật lửa châm thuốc hút. Anh ta đi đi lại lại, mắt dõi nhìn ra ngoài cửa sổ như cân nhắc xem cái gọi là "chuyện phiếm" với hắn như thế đã quá đà chưa?. Hắn bảo:
- Tôi hiểu những điều cán bộ nói. Nếu cứ theo cái lôgíc ấy mà suy diễn thì những người như cán bộ cũng chẳng sung sướng gì, cũng có những nỗi khổ tâm. Liệu cái đầu lạnh lên thì con tim có giảm sức nóng đi không?
- Với anh, tôi, đã từng tham gia chuyên án ngay từ những ngày đầu tiên - Vị điều tra viên như không nghe những lời hắn nói, tiếp tục những lời như bộc bạch - Đã có những đồng đội của tôi ngã xuống trước sự chống trả điên cuồng của anh. Khi nâng súng lên bắn anh ở dưới chân núi có ngôi chùa Áng Sơn, tôi đã nghĩ đến chuyện có thể nâng cao tầm ngắm lên chút nữa. Pháp luật sẽ ủng hộ tôi nếu viên đạn đó đi qua bả vai, cứa đứt cuống tim anh. Nhưng lúc ấy cái quả lắc đồng hồ trong tôi lắc liên hồi, lắc loạn nhịp và tôi đã hạ nòng súng xuống. Quay trở lại câu hỏi của anh, rất khó có thể đặt vấn đề cái đầu lạnh với quả tim nóng có tỉ lệ thuận với nhau không? Khi nâng súng nhằm vào anh, tôi cũng nghĩ đến việc một lúc nào đó anh nâng súng nhằm vào tôi. Tôi nhân danh cho cái thiện, còn anh là cái ác. Tôi có quyền bắt anh phải trả giá, cũng là để cho những họng súng trong bàn tay của cái ác không bao giờ còn có cơ hội xoáy về phía tôi. Và tôi hãy bóp cò sao cho đích đáng nhất. Cái đầu lạnh của tôi bảo thế. Nhưng rồi tôi đã không làm thế. Điều ấy lý giải thế nào? Thật khó diễn đạt bằng lời. Tôi đã khép lại nhiều cuộc đời bằng những bản kết luận điều tra như anh đã đọc. Và tôi cũng có một thói quen. Một thói quen không nên có.
- Là gì vậy, cán bộ?
- Là thả một vật kỷ niệm nào đó vào quan tài của những tử tội trước khi được đem đi chôn cất. Điều này vất vả đối với tôi nhưng đổi lại, lương tâm tôi thanh thản, đồng thời cũng là để khoả lấp cho cái giới hạn không thể nào lý giải được về sự hiện sinh của cái ác.
- Thưa cán bộ, với tôi, vật kỷ niệm ấy là gì?
- Anh không nên đặt câu hỏi đó.
- Vậy tôi muốn hỏi cán bộ một câu khác, một câu liên quan đến cá nhân tôi, được không ạ?
- Anh cứ hỏi?
- Cán bộ có thể nói thêm đôi chút về bức ảnh mẹ con cô Nhung được không? Đứa trẻ ấy là... là thế nào ạ?
- Câu chuyện của chúng ta nghe chừng vượt khỏi khuôn khổ của nó rồi đấy. Tôi không thể nói gì hơn về bức ảnh đó vì tôi đã hứa với người trong ảnh là không tiết lộ bất cứ một thông tin nào về mẹ con cô ta cho anh hay. Anh đừng làm khó tôi nữa. Anh hãy cứ tin rằng có hai mẹ con cô ấy đang tồn tại ngoài đời, vui vẻ và hạnh phúc. Có thể trong ký ức của cô ấy không còn có anh, hoặc cũng có thể, cô ấy muốn cuộc sống hiện tại không có bóng dáng của anh phủ xuống phần đời mình. Đã thế, anh cũng nên chấp nhận những gì mà cô ấy muốn.
Cho đến lúc này, khi hắn đang đi vào cõi chết, hắn cũng không biết gì hơn về bức ảnh mà vị điều tra viên kia đưa cho xem. Lần gặp cuối cùng ấy, ấn tượng để lại trong hắn là anh ta NGƯỜI hơn dẫu anh ta phải mang nhiều gương mặt trong đời để làm cái việc là loại bỏ những phần tử như hắn ra khỏi xã hội. Bây giờ gương mặt của anh ta vẫn đang theo dõi hắn cho tới bước chân cuối cùng. Gương mặt ấy rõ nét hơn lên trong hắn cũng là lúc gương mặt khác chen vào, làm bừng thức trong hắn những xúc cảm và dư chấn tâm lý mới trước giờ phút định mệnh của đời mình.
Gương mặt thứ hai đang hiện lên trước mắt hắn lúc này là Tâm "cận", chàng cuồng sĩ xuất hiện giữa bãi vàng Lũng Sơn lộn nhộn, lở loét, hỗn loạn ngày nào. Tâm cận mang một vẻ mặt khổ đau tiền kiếp, chiếc ba lô có quai đeo chéo trước ngực, gió thổi bạt tóc, đôi giày khủng bố dẫm lên cát bụi, cặp kính lấp loá dõi nhìn theo hắn. Đó là hình ảnh Tâm ở phiên toà phúc thẩm. Còn Tâm ở lần gặp hắn trong những ngày chờ Chủ tịch nước xét đơn xin ân xá gầy guộc, nhỏ bé, khuôn mặt nghĩ suy, đôi mày hơi nhíu và ánh mắt quét đi quét lại những tia sắc sảo, thông minh đến nghi ngại. Tâm là một ký giả trẻ đang được ghi nhận. Tâm bảo với hắn rằng: "Em đang viết về anh trong một phóng sự nhiều kỳ theo sự phân công của báo nhà. Nhưng những gì về anh trên mặt báo mới chỉ là cái vỏ bề ngoài, cái phần hành động mà thôi. Em hiểu về anh sâu hơn, cái phần không hành động ấy, những đớn đau vật vã, những im lặng nghĩ suy, những run rẩy dại khờ, những sợ hãi tuyệt vọng, những tàn nhẫn độc ác, em chẳng thể đưa vào mấy bài báo cỏn con ấy được".
Hắn bảo:
- Tâm bận tâm đến những thằng tử tù như mình làm gì, chỉ mất thời gian, lại thấy cuộc sống nó kém đi phần tươi tắn. Tâm đã lấy vợ chưa?
Tâm lắc đầu.
Hắn bảo:
- Mình vẫn còn nhớ chuyện của Tâm. Cô Loan rất yêu Tâm kia mà? Cả chị Thái nữa. Tâm có tìm được chị ấy không?
- Tâm bảo:
- Loan đã nhiều lần yêu cầu em cưới nhưng em đã từ chối. Em rất yêu Loan nhưng hình như lấy Loan thì em sẽ mất đi tình yêu của mình. Em sợ điều đó. Còn chị Thái vẫn biệt vô âm tín. Sau này khi đã ra trường rồi, đã về công tác ở toà soạn, em có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người từ bên kia trở về, em có ý hỏi nhưng trong dòng người hồi hương ấy không có ai biết chị Thái. Có lẽ chuyến đi ấy của chị Thái đã vĩnh viễn không cập bến, mà cũng có thể chị ấy chưa hề ra khỏi đất nước này. Em đã nghiệm ra được một điều, chị Thái là khát vọng về cái đẹp thời thơ bé của em. Nhưng hình như người ta luôn hướng về khát vọng quá khứ để không bằng lòng với hiện tại. Em triền miên sống trong những mối mâu thuẫn mà không sao giải quyết được. Phải chăng vì em là nốt nhạc trầm rời rớt lại từ sợi tơ lòng của người đàn bà yếu đuối đoản mệnh nên tâm hồn em là một khối kết tinh những giọt buồn trong suốt?
Hắn thành thực:
- Tâm là một trường hợp đặc biệt mà mình được gặp trong đời. Có vẻ như cái gì ở Tâm cũng phức tạp và không bình thường.
Tâm cười:
- Thế nào mới được coi là bình thường ở đời hả anh? Cái thiện và cái ác, cuộc đấu trường sinh, là bình thường phải không? Cái chết của anh cũng là bình thường phải không? Ôi nhân loại sẽ ra sao nếu không có thơ ca nhỉ? Có lẽ cũng chẳng sao, mọi sự vẫn diễn ra bình thường. Nhưng cái bình thường ấy mới kinh khủng làm sao? Cái bình thường của một nhân loại không có hồn thơ, không có nghệ thuật, không có cái đẹp, có còn gọi là một cuộc đời nữa không? Mà thôi, em chẳng nên đưa anh vào những khái niệm chưa hoàn chỉnh, lại lắm trúc trắc, hoài nghi ấy làm gì. Em chỉ nên đọc thơ cho anh nghe là đủ.
Phải, chỉ cần Tâm đọc thơ cho hắn nghe là đủ. Nắng phai để mộng tàn lây, Tình đi cho gió sương đầy quán không, Chợ tan ngàn nẻo cô phòng, Sầu dâng bàng bạc cánh đồng tịch liêu, Hồn đơn lắng bước chân chiều.... Ôi, những câu thơ như một lời hát ru cho cuộc đời tử tội. Những câu thơ hay những câu kinh số phận được dành riêng cho hắn?
Hành trình của tử tội chẳng dài lắm đâu
Cây cột có hình thánh giá trước mặt
Hãy bước lên và nhìn lại
Nơi cái ác bị kết liễu
Là cái thiện hồi sinh
Những giọt máu rớt xuống chân cột
Đất sẽ lại nảy mầm...
Và bây giờ thì hắn quay lưng lại với chiếc cột. Đã có bao nhiêu người dựa lưng vào chiếc cột này? Đã có bao nhiêu người chụm chân đứng trên mỏm đất này? Có ai trở về với cuộc sống sau khi đã một lần đứng ở nơi đây vào lúc bóng đêm đang nấn ná trước sự xua đuổi của ánh ngày? Không! Không có ai trở về cả. À có. Có chứ! Có một người đã từng lơ lửng dưới cây cột, đã từng chảy máu và vãi đái xuống lớp đất lạo xạo, gớm ghiếc này. Người ấy bây giờ thành Phật rồi. Người ấy không chờ giải thoát bằng súng đạn. Người ấy tìm thấy sự giải thoát dưới mái chùa bên chân núi kia.
Trước mặt hắn đội hành quyết đã đứng thành một hàng ngang. Hắn bỗng thấy mình tỉnh táo đến lạ thường. Hắn thấy rõ người đội trưởng hô khẩu lệnh. Bầu trời có vẻ như thoáng đãng ra. Và đạo hồng quang xuất hiện như một dải sông uốn lượn trên tầng không. Một con đò. Đúng rồi, hắn nhìn thấy một con đò! Trên con đò ấy có một tiên ông đang ngồi gảy đàn nguyệt....Mênh mang quá một ánh nhìn hư ảo, khi Phật Bà ban phước khắp muôn nơi. Phép nhiệm màu đựng trong bình nhỏ thế, đủ làm sao cho tất cả muôn người... Ông Thảnh ơi, ông về đón cháu đi đấy à? Dòng sông Măng sáng láng thế kia, con đò thanh lịch, trang nhã, tôn quí thế kia có chỗ cho một kẻ tội đồ như cháu không? Ở phía cuối dòng sông, nơi đạo hào quang mất hút trước chân trời là địa ngục đang chờ cháu phải không hả ông? Hay bản thân con đò là địa ngục rồi, là chỗ trú ngụ vĩnh viễn cho linh hồn tội lỗi của cháu? Ô kìa, những vì sao! Những vì sao bỗng vọt ra từ những chùm pháo hoa từ đâu bắn tới, toả ra miên man, dày đặc, giăng khắp dòng sông ảo ảnh. Những vì sao đủ sắc màu cứ vọt ra, vọt ra liên tục, lấp lánh trên dòng sông Măng, trên con đò đang bồng bềnh trôi, phủ xuống dáng ngồi tiên ông, xuống cây đàn nguyệt, xuống cả thứ âm thanh réo rắt, nỉ non lúc trầm lúc bổng. Những vì sao đang rơi xuống, rơi xuống bất tận và như không đủ sức chứa nổi triệu triệu những vì tinh tú, dòng sông Măng đáng tương, đạo hào quang tội nghiệp bỗng vỡ ra kèm theo một tiếng nổ long trời, phá rách khoảng đêm mê muội giăng mắc trên những mỏm núi đá. Ngàn vạn những sắc xanh, đỏ, hồng, tím ùa vào mắt hắn sau cái rùng mình rung cả cây cột. Cây cột phát ra một lực rung truyền vào đất. Đất truyền lực rung ấy đến một vài thực thể khiến họ bật ngồi dậy giữa giấc ngủ mê của một đêm mùa hè oi bức. Người bật dậy đầu tiên và ôm mặt nức lên những tiếng hờn tủi chính là mẹ hắn. Khi ánh ban mại rọi đến trường bắn Áng Sơn thì mọi cảnh tượng trong đêm đã biến mất, như thế đêm đen vốn bí ẩn và huyền nhiệm, sinh ra tất cả để rồi lại lấy về tất cả. Khu trường bắn lại trở về với khung cảnh hoang sơ, buồn nản của nó. Dẫu sao đêm cũng đã để lại một sự biến dạng nhỏ. Một khoảnh đất dài độ hai mét mới được đào lên và đắp xuống. Đất vẫn còn vụn tơi. Trên đất ấy có hương và hoa...
...
Sau này người dân ở làng Áng Sơn còn bàn tán mãi về cái đêm thi hành án tử hình ấy. Dù sao thì tử tội cũng là người làng, cũng có bạn bè, họ mạc, người quen, có chút dư âm kỷ niệm với người này người kia nên cái sự bàn tán âu cũng là chuyện thường tình.
Ông Đỗ Văn - Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, cũng người làng Áng Sơn, một thành viên của Hội đồng thi hành án tử hình, sau này về hưu, khi kể lại đêm hành quyết đó, đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, sau lúc nấm mồ được đắp lên ông đã nấn ná ở lại và gặp hai người rất lạ. Một người lặng lẽ rút trong túi áo ngực ra tấm ảnh nhỏ bằng bàn tay, vùi xuống dưới chân hương, nghiêng mình tiễn biệt tử tù như một cái nghĩa với đồng loại. Rồi anh ta lẩm bẩm một câu rất khó hiểu: " Cầu chúc cho anh được siêu thoát, cô ấy đang đợi anh ở dưới đấy. Đây chỉ là một tấm ảnh được làm bằng kỹ thuật vi tính. Tôi đã thắp nên trong anh tình yêu cuộc sống để rồi anh lại phải vĩnh viễn xa nó. Chắc anh cũng không trách tôi về điều này". Còn người thứ hai đeo đôi kính cận. Anh ta đến trước mộ và đọc một bài thơ rất dài. Ông còn nhớ được hai câu: Áo thêu khăn gấm ngày đi, Lều không quán bỏ hồn si chợ tàn.
Những người dân trong làng thì lại kháo nhau rằng đêm hôm đó chuông chùa Áng Sơn đổ dồn 108 tiếng vào quãng 5 giờ sáng. Sư Pháp Thiện trụ trì chùa tụng kinh suốt đêm. Sau 35 ngày sư Pháp Thiện lại làm lễ cầu siêu cho tử tội để rước vong về chùa. Buổi lễ hôm ấy sư trụ trì đọc kinh Adiđà, kinh ấy có đoạn như thế này:
Nguyện sinh Tây Phương tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vãng sinh.
Nhất thành thượng đạt vạn tội băng tiêu, nguyện hương linh đắc độ cao siêu, kỳ gia quyến hàm triện lợi lộc.
Bây giờ nếu có du khách nào đến chùa Áng Sơn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được biết trong đất chùa có xây một ngôi mộ cho kẻ tử tù. Trên nóc mộ có treo một dải phướn nhỏ. Vào những đêm trăng sáng, cô giáo Dịu ở dưới làng thường lên chùa ngồi chơi với sư Pháp Thiện. Hai người ngồi ngoài sân uống trà và xem hoa nở. Thỉnh thoảng họ lại ngước mắt lên nhìn dải phướn nhỏ tung bay trong gió.../
HẾT

Xem Tiếp: ----