Chương 3

 Anh Dương vừa nhìn thấy Đàn, bảo ngay:
-Tuần sau anh đi thực tập. Bằng tầm này sang năm là anh đi làm rồi. Đời sinh viên sao mà dài thế. Không biết đến bao giờ mới hết khổ.
Đàn bảo:
- Hôm nay là sinh nhật em...
Anh Dương tiếp:
- Anh cũng đã tính rồi, học song có thể anh sẽ được điều đi công tác ở Việt Trì hoặc Quảng Ninh. Hai nơi đó mới xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp nên cần đến bọn anh. Nhưng nhiều khả năng anh sẽ xin về Việt Trì vì có một cô là con gái ông giám đốc công ty vật tư tổng hợp ở trên đó yêu anh lắm. Hôm nọ ông ấy xuống đây cũng hứa là sẽ nhận và xếp việc cho anh.
Đàn bảo:
-Hôm nay là sinh nhật em...
Anh Dương tiếp:
-Cô ấy thì không được đẹp, chỉ được cái mũm mĩm thôi. Anh hỏi mẹ rồi. Mẹ bảo: chỉ cần cái sức khoẻ. Mẹ cũng hỏi anh: Con ở trên đó có giúp được gì cho em nó không? Anh bảo: Nó chẳng thiếu thứ gì, con sang trường nó thấy còn sướng hơn trường con. Công nhận ký túc trường em đẹp thật. Mà cơm bên đó nấu cũng ngon.
Đàn bảo:
-Hôm nay là sinh nhật em...
Anh Dương tiếp:
-Hôm đi mẹ đưa anh trăm bạc, bảo lên đây nếu em cần tiêu gì thì đưa em một nửa. Nhưng chắc em chả tiêu gì mà cần đến tiền. Anh lấy tiền đó mua bộ quần áo với ít đồ lặt vặt để chuẩn bị đi thực tập. Vừa vặn hết. Nếu còn thì anh mua thêm đôi dép quai hậu. Nhưng thôi, chả có cũng được.
Đàn bảo:
-Hôm nay là sinh nhật em...
Anh Dương tiếp:
-Anh còn thích một cái mũ nồi nữa cơ. Nhưng cô bạn anh bảo ở nhà bố cô ấy có mấy cái liền dùng chả hết, hôm nào cô ấy sẽ tặng anh một cái.
Bỗng anh Dương dừng lại, có vẻ như khó chịu khi phải dừng dòng tâm sự của mình để chuyển sang vấn đề khác.
-Em bảo... sinh nhật á? Lại đua đòi với bọn sinh viên tiểu tư sản rồi. Không hợp với nhà mình đâu Đàn ơi. Thôi thì hôm nay ở đây ăn cơm với anh. Cô bạn anh có món ruốc ngon lắm. Nhé?
Anh Dương vẫn là anh Dương của Đàn dăm năm về trước. Hồn anh toàn đá với núi thôi, hoa không thể mọc được trên đó. Đàn chào anh rồi về, chiều cũng đã muộn. Đàn rẽ vào khu tập thể giáo viên. Thầy Quý đang cởi trần quạt than tổ ong. Thấy Đàn thầy bảo: Vào nhà đi, nước thầy để trong chai đấy. Cô đi chấm thi ở Hải Dương mai mới về. Đi cả tuần mà để lại cho ba bố con có hơn chục bạc. Đúng là đàn bà, keo kiệt lắm!
Rồi giữa khói bếp mịt mù thầy lại nói về bi kịch của Aiskhylos. Thầy Quý là chủ nhiệm lớp của Đàn. Thầy dậy lịch sử Hy Lạp cổ đại, thỉnh thoảng có dạy thêm mỹ học. Niềm đam mê lớn nhất của thầy là kịch. Thầy đặc biệt mê kịch Aiskhylos.
-Hôm nọ thằng sân khấu có mời thầy giảng về Sếchpia. Chẳng thích bằng Aiskhylos. Thầy đang liên hệ với thằng Nhà hát kịch Hà nội dựng vở Các thiếu nữ van xin. Kể ra dựng được vở Prométhée bị xiềng thì hay hơn.
Đàn hỏi:
-Cô để lại ít tiền thế thì thầy sống bằng cách nào?
Thầy Quý để cho cửa lò quay ra hướng gió rồi vào nhà ngồi tiếp Đàn. Thầy bảo:
- Thầy dịch xong bộ ba Agamemnon-Các phụ nữ mang rượu lễ và Các nữ thần dịu hoà rồi. Tuyệt lắm! Nhưng thầy nói thêm cho em hiểu về đặc trưng của kịch nhé. Về phương diện nhìn, nghệ thuật trình diễn sử dụng những phương tiện của hoạ và điêu khắc. Về phương diện nghe, nó sử dụng những phương diện của thơ và nhạc. Nhưng trình độ nó cao hơn cả họa, điêu khắc, thơ và nhạc, vì nó có hành động tạo cho mắt những mĩ thú trực tiếp, cụ thể, sinh động. Cái thú ấy lên tới cực độ khi các hành động diễn ra trong một khung cảnh chung, xen kẽ, đối lập nhau, cái nọ giải quyết cái kia và cùng nhau diễn tiến theo một chiều hướng chung tới một kết cục hợp tình, hợp lý, dường như tất yếu. Nghệ thuật trình diễn phát huy tác dụng trên hai diện, diện các hành động cụ thể gây cảm thú mĩ thuật cho giác quan đặc biệt là mắt và tai, diện tính cách tức nội tâm nhân vật qua các xung đột tạo cho lý trí cái thú tìm hiểu nội dung một câu chuyện.
Đàn hỏi:
- Cô để lại ít tiền thế thầy sống bằng cách nào?
Thầy Quý tiếp:
-Tới thế kỷ năm trước công nguyên thể loại thơ đã thu được một số thành tích trong các thể anh hùng ca, thơ trữ tình. Nhưng từ anh hùng ca đến thơ trữ tình, thơ đi vào con đường ngày càng chật hẹp xét trên phương diện rung cảm thẩm mĩ. Kịch và nhất là bi kịch không thể nào thoả mãn với các rung động nghèo nàn, nhỏ bé của cá nhân trong khi thời đại đang rung chuyển dưới chân, xã hội Hy Lạp đang không ngừng biến chuyển. Chức năng của bi kịch là phản ánh những sự kiện vĩ đại ấy, rung động do bi kịch đem lại thật vô cùng mãnh liệt. Aiskhylos đã soạn tới bảy mươi vở bi kịch trong đó có những vở kinh điển như Các thiếu nữ van xin, Quân Ba Tư, Bảy tướng đánh Thèbes, Prométhée bị xiềng, đặc biệt là bộ ba vở Oreste.
Đàn hỏi:
- Cô để lại ít tiền thế thầy sống bằng cách nào?
Thầy Quý tiếp:
- Bi kịch của Aiskhylos toàn đưa ra những vấn đề kinh khủng như công lý, cưỡng hôn, loạn luân, trả thù, hành quyết xoay quanh các chủ đề tôn giáo, đạo đức, dân chủ, chiến tranh, hoà bình, con người, phụ nữ, hạnh phúc. Đoạn cuối của vở Các nữ thần dịu hoà trong bộ ba vở Oreste có đoạn đối thoại rất tuyệt. Tại phiên toà do nữ thần Athena xét xử, các nữ thần Phục thù cáo buộc Oreste giết mẹ. Oreste bào chữa việc mình giết mẹ là vì mẹ giết cha. Việc làm ấy của mẹ sao không bị trừng phạt? Các nữ thần Phục thù trả lời: Vì Klytemnestra không cùng huyết thống với chồng. Oreste cũng lập luận: Tôi không cùng huyết thống với mẹ. Các nữ thần Phục thù hỏi: "Hung thủ kia, trong lúc anh nằm trong bụng mẹ, bà ta nuôi anh thế nào? Chẳng lẽ anh chối không uống máu quí vô ngần của người mẹ hay sao?". Để bào chữa cho Oreste, thần Apollon lập luận: "Người mẹ chỉ có công nuôi dưỡng mầm hạt đã gieo trong bụng mình mà thôi. Người sinh, chính là người đàn ông giao hợp với người phụ nữ. Như nữ thần Athena, con của thần Zớt trên núi Olimpe, đâu phải sống và được nuôi dưỡng trong đêm tối của bụng người mẹ". Cuộc tranh luận kết thúc. Hội đồng xét xử bỏ phiếu, số phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau. Thực ra đây là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm: Giết người cùng huyết thống mới có tội hay đã giết người đều là có tội? Suy rộng ra là tiến hành chiến tranh xâm lược tàn hại người khác dân tộc có tội hay không có tội? Nữ thần Athena đã bỏ lá phiếu cuối cùng của mình cho quan điểm thứ hai.
Đàn bảo:
- Cô để lại ít tiền thế thầy sống bằng cách nào?
Thầy Quý tiếp:
- Một dân tộc có nhiều bi kịch là một dân tộc có số phận long đong. Bi kịch thường đẩy các dân tộc tới sự huỷ diệt hoặc vụt lớn mạnh mẽ chưa từng thấy. Lịch sử dân tộc ta cũng là lịch sử những bi kịch nhưng lại không được phản ánh nhiều bởi nghệ thuật. An Dương Vương chém Mị Châu, Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng, Trần Thủ Độ ép chết cả một dòng họ để tiếm ngôi, Vũ Như Tô xây cửu trùng đài thoả mãn khát vọng nghệ thuật nhưng lại chấm hết sự tồn tại một triều đại, dòng họ Trần loạn luân, triều đình Nguyễn có những ông vua thiếu niên lê xích sắt đi đầy. Toàn những vấn đề lớn, những mảng miếng mầu mỡ của bi kịch, vậy mà...
Đàn bảo:
- Thầy ơi, hình như nước sôi?
Thầy Quý như chợt nhớ ra, vội đứng dậy chạy xuống bếp. Lúc quay lên Đàn thấy thầy cầm chiếc rá con. Chết thật, mải nói chuyện quá quên cả đi vay gạo. Hà hà. Cô có đi cả tháng thầy cũng vẫn có cái ăn. Ngồi uống nước nhá, thầy sang bên này một tí. Đàn nhìn theo dáng đi tất bật của thầy Quý mà nén tiếng thở dài. Xung quanh Đàn không thiếu những người tốt nhưng không phải ai trong số họ cũng sẵn có ba chục bạc trong túi. Đàn từ chối ở lại ăn bữa cơm tối với thầy Quý, lặng lẽ lên xe đạp đi một cách vô định. Những khu nhà lắp ghép ngửa ngang, dãy bách hoá tổng hợp hào nhoáng nhưng rỗng tuếch, rặng xà cừ xanh thẫm, thảm nhiên hứng bụi, xe điện bánh hơi vờn mình bò đi chậm chạp, những cô gái Hà Thành mỏng manh, vẹo vọ trên những chiếc xe đạp Mipha, đôi ba chàng sinh viên khoác bị đi bộ dưới lòng đường. Tất cả nhoang nhoáng lướt qua mắt Đàn. Dãy hàng hoa người đứng, kẻ ngồi đông đúc hơn cả. Hà Nội có lẽ là nơi tiêu thụ nhiều hoa tươi nhất. Cuộc sống vẫn vận động như nó vốn thế. Anh Dương ăn ruốc của người yêu mơ tới ngày ra trường và thèm một chiếc mũ nồi đen. Thầy Quý vác rá đi vay gạo hàng xóm miệng vẫn nói không dứt về Promethée bị xiềng bằng sự say sưa vô lo. Người ta vẫn vào bách hoá tổng hợp để mua xà phòng và thuốc lá. Nam nữ vẫn lựa những bông hoa thật đẹp để thi vị hoá cuộc sống. Chỉ có Đàn chạy vạy, vất vưởng, lạc lối ngay trên con đường của mình. Không thể trở về phòng để va mặt vào thằng Bằng lúc này được. Bọn Phương lé, Hải cẩu, Tiến sẹo, Hùng ve cũng đã lần lượt biến khỏi ký túc xá. Có đứa ra trường, có đứa vào tù, cũng có đứa bỏ về quê. Đừng tìm kiếm bất cứ điều gì ngoài tri thức ở giảng đường đại học. Sự yêng hùng, thói trăng hoa, những khát vọng phù phiếm rất dễ đẩy anh đến chỗ đánh mất đi mục đích ban đầu. Đầu vào của trường đại học là A, đầu ra sẽ là A phẩy nhưng cái phẩy ở đây phải là thứ tri thức mà A tắm rửa, ngụp lặn trong suốt năm năm trời. Đừng để lúc ra trường A lại là một A ngược, chân chổng lên trời đầu lộn xuống đất, bi kịch của một thằng tri thức nửa mùa sẽ lập tức ập đến. Nhưng những suy nghĩ của Đàn lúc này không được minh bạch, rạch ròi như thế. Đàn chỉ thấy sự réo gọi, xỉ vả ở sau lưng nếu Đàn quay lại mà không có ba chục đồng bạc trong túi. Tư cách của Đàn, danh dự của Đàn đang bị dồn đuổi. Đàn chạy đến phờ phạc cả người mà chẳng biết là chạy đi đâu, chẳng tìm nổi một chỗ dừng chân bình yên khả dễ có thể du ngủ thứ danh dự hão huyền kia. Cuối cùng thì Đàn cũng tìm thấy một nơi trú ngụ cho mình. Đàn ngồi trong góc kín nhất của quán bà Xuân béo. Đàn uống rượu với lạc rang, với bánh dừa, với chuối và với cái bánh mì ế sót lại nguội ngơ nguội ngắt. Quán xá chỉ có thế, Đàn dùng thế. Nhưng lạ một điều là lần đầu tiên Đàn thấy rượu có vị ngọt. Ngọt quá thể, lan từ đầu lưỡi xuống cuống họng, rồi râm ran, tê tê. Khoái thú quá. Mà cũng đáng uống quá, lúc này uống là tuyệt nhất, thưởng thức nhất, đời người đôi khi cũng phải có những lúc độc ẩm, những lúc một mình ta với ta, những lúc trở về với cái vị trí của một chút triết nhân ngồi trầm ngâm trong bào thai. Bà Xuân cứ ghi vào sổ nhá. Kỳ học bổng này sẽ thanh toán hết.
Đến lúc lũ bạn cùng phòng cũng phát hiện ra Đàn đang bỏ bom chúng nó để trốn ra quán bà Xuân ngồi thì Đàn đã chếnh choáng, đi không vững nữa rồi. Chúng nó lôi Đàn về. Ô hay, sao nhiều thứ thế này. Hoa, quà để đày trên mặt hòm, giắt cả vào thành giường nữa. Chúng tao phải tiếp khách thay cho mày đấy Đàn ạ. Các em bên B2 sang đông quá. Thằng Bằng bảo mày đi lấy bánh ga tô, cứ chờ một tí là mày về. Chúng nó ngồi mãi chẳng thấy mày đâu, đành kéo nhau lốc nhốc ra vế. Mày làm bọn tao dơ quá. Mà cái thằng Bằng cũng dẫn trò dai quá. Nó bảo anh Đàn chỉ thị cho anh rồi, phải lo phần nhạc, phần đồ nhắm và phần văn nghệ, còn lại nó sẽ lo hết. Các em cứ ngồi đây chờ anh Đàn tí chút rồi chúng ta sẽ vui hết đêm. Ai dám động đến phòng này? Thanh niên xung kích là anh Đàn chứ là ai nữa Ban quản lý Ký túc xá là anh Đàn chứ là ai nữa. Bây giờ nó đang chửi mày kia kìa. Nó bảo: Bố Đàn ơi, bố lừa chúng con thế này thì con cũng xin lạy bố. Chắc lại mò ra cánh đồng, tìm đến gốc cây bạch đàn nào đó gồi tưởng nhớ về cái thủa hoài thai của mình rồi chăng? Đâu? Nó đâu? Đàn bỗng rũ mình, gạt lũ bạn cùng phòng ra xăm xăm đi tìm Bằng. Bằng vẫn nửa nằm nửa ngồi ở giường trên, một chân buông thõng xuống giường dưới, vung vẩy theo điệu nhạc. Nghe tiếng lao xao, Bằng ngồi dậy, ngoảnh ra, thấy Đàn mắt đỏ vằn đi vào, Bằng hơi ngán nhưng vẫn lên giọng xỏ xiên: Mày đi đâu mà kỹ thế, chẳng ở nhà mà nhận hoa của các em, đẹp hết xẩy, cả đống kia kìa, quả là một đêm giáng sinh đáng nhớ.Đàn bức tới cầm lấy cái cổ chân vẫn đang vung vẩy của Bằng giật mạnh. Bằng quá bất ngờ ngã lộn một vòng từ trên giường tầng xuống, hai tay cố nhoài lên bám vào thành giường trước khi ngã uỵch xuống nền nhà. Chuyện đời tao mặc mẹ tao, không khiến mày chúi mõm vào, nghe chưa? Bằng đau điếng người, máu nóng cũng bốc lên, đang ở tư thế nằm ngửa, tiện chân Bằng đạp luôn một cái vào vai Đàn. Đàn ngã ra, toàn thân bốc nhiệt, lập tức cuộn người bật dậy, thò tay xuống dưới giường rút ra thang gỗ nhằm Bằng vụt túi bụi. Bằng chạy hết từ góc giường này sang góc giường nọ, mặt tái nhợt, mắt bạc phếch, lạc giọng kêu cứu. Mấy thằng bạn cùng phòng nhao vào can nhưng lại dạt ra vì Đàn chẳng còn biết gì nữa cứ lia thang gỗ khắp mọi ngóc ngách để lùa Bằng. Rồi trong lúc Bằng ngã xấp mặt xuống đất, khiếp đảm đến đứt hơi, Đàn lẳng lặng tiến đến nhấc bổng hai chân Bằng lên mang tới cửa sổ. Đàn! Những tiếng thét giật lên gọi Đàn dừng hành động rồ dại ấy lại. Nhưng Đàn như không nghe thấy gì hết. Đàn giữ chân Bằng, dốc ngược, bảo: Mày có muốn tao thả mày ra cho mày tan xác không? Bằng cong người lên, vòng tay cố bám lấy thành cửa sổ, mặt trắng bệch, miệng lắp bắp: Đừng... Đừng... Chết... Chết... Ngay lúc ấy, không chậm hơn, hàng chục người vội lao đến chỗ Đàn ra sức lôi Bằng lên. Có rất nhiều cánh tay vòng ngang ôm chặt lấy người Đàn. Đàn gầm lên muốn thoát ra nhưng không giãy nổi. Những cánh tay cứ xiết lại, xiết lại, cặp cứng lấy Đàn. Nó say quá rồi, trói nó lại, đưa xuống phòng quản lý. Hình như có ai đó hét lên như thế. Nghe thấy bắt trói Đàn gồng người lên cố sức dẫy dụa bứt phá ra nhưng những vòng dây đã bủa lên người Đàn. Rồi trong ánh đèn mờ đục Đàn nhìn thấy thấp thoáng những mảnh vải đỏ trên những cẳng tay đang dơ ra túm lấy Đàn. Chiếc vòng số 8 duy nhất mà đội xung kích được trang bị bập vào tay Đàn. Những cánh tay gân guốc lôi Đàn đi xềnh xệch. Trước khi chúi đầu xuống đất chìm vào khoảng trống vô tư, Đàn còn nhận ra khuôn mặt non choẹt của cậu đồng hương khoá dưới đang hò hét hăng hái giữa đám đông. Trên cánh tay của cậu ta cũng có một tấm băng đỏ. Đàn chợt nhận ra là Đàn chưa trả hết cậu ấy số tiền 14 đồng bạc oan nghiệt hôm nào.Thầy Quý tự nhận về mình vai trò của thần Appollon đứng ra bào chữa cho Đàn trước Hội đồng kỷ luật nhà trường, và thầy cho rằng với cách lập luận đánh tráo khái niệm, các vị uỷ viên Hội đồng sẽ mềm lòng và lần lượt biến thành nữ thần Athen để bỏ phiếu trắng cho Đàn. Đàn cay đắng nhận về mình sự bất lực ngôn từ, không tự bào chữa nổi một câu. Từ một sinh viên hiền lành chăm chỉ, đã từng giữ cương vị đội phó Đội xung kích được thầy yêu bạn mến, Phạm Bạch Đàn đã sớm tự phụ, kiêu ngạo, không ngừng trượt dài trong sự sa ngã, cưỡng đoạt, xin đểu tiền của các em sinh viên mới nhập trường, uống rượu say gây rối, đánh đập bạn bè trong phòng, hành vi đã trở lên nguy hiểm khi định thả bạn từ cửa sổ tầng hai xuống mặt đất. Đàn đã có chuỗi hành động ngày một côn đồ, hung hãn, đánh mất dần bản chất tốt đẹp của một người sinh viên chân chính dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Mặc dù Đàn là một sinh viên có thành tích học tập khá, có đóng góp cho việc lập lại tình hình trị an ở ký túc xá nhưng với những lỗi phạm của mình không thể không nhận hình thức kỷ luật của nhà trường. Mỗi lời nói của chủ tịch Hội đồng kỷ luật là một cái tát thẳng cánh vào mặt Đàn. Khủng khiếp quá. Hư hỏng quá. Đốn mạt quá. Lẽ nào Đàn lại là thế ư? Lưu manh, côn đồ, sa ngã, hư đốn. Thôi, thầy Quý ơi, thầy đừng mất công bênh vực cho em làm gì. Những lời lẽ có cánh của thầy giờ đây lạc điệu, tả tơi, rách nát rụng rơi lả tả, thảm hại lắm. Chẳng giúp gì cho em đâu. Thôi thì việc em làm em xin chịu, án kỷ luật buộc thôi học chưa phải đã đẩy em vào con đường cùng, chưa khiến em trở thành một thứ bỏ đi. Giá hôm ấy em ở lại ăn bữa cơm đạm bạc với thầy, ngồi nghe thầy nói về Các thiếu nữ van xin, về Quân Ba Tư, về Prômêtheé bị xiềng đến nửa đêm rồi ngủ lại với thầy thì có lẽ mọi sự đã khác. Bây giờ thì thầy đừng nhọc lòng xin xỏ hộ em nữa, em xin nhận về mình hình thức kỷ luật mà không dám kêu than gì. Thằng Đàn này xin về quê cuốc ruộng một năm rồi sẽ quay trở lại cắm mặt mà học cho xong những năm tháng đắng đót để có mảnh bằng đại học, để đủ lông, đủ cánh mà bay ra ngoài đời. Khốn khổ cho thân mày, nhớ đời chưa, Đàn ơi!
Người đầu tiên Đàn gặp khi bước chân đến đầu làng là Dịu. Dịu mặc một chiếc áo màu hồng nhạt, cổ lá sen, xẻ một lỗ hình quả bầu trước ngực có thắt hai sợi dây trắng hình cánh bướm. Dịu bảo: Đêm qua em nằm mơ thấy anh về chơi. Tự nhiên chiều nay không làm được việc gì cả, một mình thơ thẩn đi ra đây. Đón vu vơ vậy thôi, không ngờ anh về thật.Đàn quẳng chiếc túi xách xuống rệ cỏ, ngồi bệt lên một tảng đá dưới gốc gạo non, ngẩng mặt nhìn trời thở dài.
Dịu hỏi: Anh không thích phải nhìn thấy mạt em à?
Đàn không nói gì, đàn cò trắng lượn qua vòm lá, rẽ hướng về phía sông Măng. Dịu bảo: Anh có về bây giờ không hay cứ ngồi đấy mà nhìn trời? Sao anh lạ thế?Đàn cố đẩy khối khí nặng nề đang đè trĩu trong ngực mình ra. Dịu ơi, Dịu có thể hiểu và thông cảm được cho Đàn, nhưng còn cả làng cả xã, Đàn biết ăn nói vơi họ thế nào đây? Đàn khổ tâm lắm. Về đến đây rồi lại chẳng muốn về nhà nữa, ước gì hoá đá ở ngay dưới gốc gạo này, Dịu biết không?Đàn úp mặt xuống đầu gối. Tán gạo rung lên những tràng cười ngạo nghễ.Dịu tiến đến chỗ chiếc túi của Đàn, xách lên rồi bảo: Em mang túi về về trước cho anh, anh về sau nhé!Đàn bật dậy, chạy đến giằnglại chiếc túi xách rồi lại vứt bịch xuống đất, mặt cúi gằm:- Đàn bị đuổi đấy, Dịu ra đón làm gì.
- Thảo nào trong giấc mơ hôm qua em thấy anh buồn lắm. Anh chẳng nói năng gì cả, cứ đứng yên để cho bọn con trai lớp B trêu em. Anh đã phạm lỗi gì vậy? Đuổi hẳn hay chỉ cảnh cáo thôi?
- Đuổi hẳn.
- Khiếp. Bây giờ biết ăn nói với mẹ anh như thế nào? Mà anh nói thật hay nói đùa đấy? Em không tin đâu.
- Thật đấy Dịu ạ. Đàn đang chán đời, đang không thiết gì nữa đây. Chẳng lẽ lại bỏ làng mà đi?
- Đừng. Thôi anh cứ về nhà đi. Nghỉ một năm rồi lại thi tiếp, sức học của anh như thế lo gì. ở nhà giúp mẹ một năm rồi lại đi học cũng được chứ sao. Chả ai quan tâm tới việc anh nghỉ đâu. Anh cứ bảo là ốm xin nghỉ một năm về nhà chữa bệnh, ở lớp em cũng có một đứa bị đuổi đã nói dối như thế đấy. à, em ra trường rồi. Tháng sau lên lấy bằng. Em lại về dậy ở trường mẹ em đấy.
Dù sao thì Dịu cũng giải toả giúp Đàn phần nào những lo âu đang đè nặng trong lòng. Đàn cúi xuống xách túi rồi theo Dịu đi về. Dịu líu lo kể cho Đàn nghe bao nhiêu là chuyện. Chuyện trường lớp, chuyện quê nhà, chuyện đi tìm hài cốt bố, chuyện mẹ từ chối đi bước nữa với ông phó chủ tịch xã, chuyện hôm nọ có mấy anh ở phố về chơi, đi bốn, năm chiếc xe máy liền làm cả làng cứ xì xào, bàn tán mãi. Đàn hỏi: Thế có nhận được thư không? Dịu cười: Tổng cộng em gửi cho anh mười sáu lá, anh gửi về cho em có tám lá. Anh keo kiệt, bủn xỉn lắn. Làm em cứ dài cổ mà đợi. Bọn bạn em nó bảo con Dịu mất ăn mất ngủ vì chờ thư Hà Nội. Chúng nó nói láo. Có lá thư của anh gửi em bỏ đấy hàng tuần không thèm đọc. Ghét cái mặt.
- Thì có mấy thứ, nói hết rồi còn gì nữa đâu mà viết. Nhiều lúc cũng thấy nhớ Dịu nhưng chẳng biết viết thế nào.
- Điêu nhá. Văn hay nhất trường mà lại bảo không biết viết thư. Còn mải chơi, mải ngắm mấy cô gái Hà Nội chứ gì?
- Chả có gì để ngắm đâu, họ cũng như Dịu thôi. Nhiều lúc cũng muốn tâm sự với Dịu điều này điều kia, nhưng toàn chuyện đàn ông con trai với nhau, lại thôi.
- Hình như lên học trên đó anh nghịch lắm phải không? Ngày xưa anh hiền lắm cơ mà, anh có thích đánh nhau đâu. Em không thể tưởng tượng được anh lại cầm cây gậy vụt vào một ai đó. Mẹ em cũng bảo anh hiền như thế sau này thể nào cũng bị vợ bắt nạt. Vậy mà có lần anh bảo một mình anh đánh nhau với ba thằng đầu gấu liền.
- Con trai khó tránh được chuyện va chạm xô xát. Đàn lại làm trật tự viên nên cũng phải tham gia quản lý ký túc xá, tức là làm cái anh đeo băng đỏ, thổi còi đấy. Bây giờ thì Đàn sợ tất cả những chuyện đó rồi. Được cái hào quang hão huyền nhưng lại mất đi cái thực chất là học tập. Đàn bị đuổi cũng vì chuyền ấy.
- Con trai bây giờ sao mà dễ bị kích động thế. Chả giống mấy chú bạn bố em gì cả. Họ hiền ơi là hiền, mà đánh nhau với Mĩ - ngụy thì gan góc, dũng cảm vô cùng. Nghe các chú kể chuyện thời chiến trường em lại càng thấy thương bố quá. Bố em chết ở một khu ruộng thuộc xã vùng sâu Hương Trà của Thừa Thiên- Huế. Bẩy người chôn chung một nấm mồ. Phải chôn vội để địch không phát hiện ra xác. Bên trên mộ có trồng một bụi dứa. Các chú chỉ còn nhớ láng máng có thế thôi. Vậy mà anh biết không, bụi dứa ấy vẫn sống cho đến khi những đồng đội của bố em trở lại.
- Nhưng làm sao biết được đâu là xác của bố Dịu?
- Thế mới biết ngày xưa các chú sáng tạo vô cùng. Anh có biết thứ gì không phân huỷ theo thời gian mà điều kiện chiến trường lại có sẵn không? Mỡ bò. Tên tuổi, quê quán, đơn vị được viết ra một mảnh giấy, phết mỡ bò lên mảnh giấy ấy, cho vào lọ Penicilin, buộc chặt bằng ni lông. Trước khi vào trận mỗi người làm sẵn cho mình một cái lọ. Khi an táng, đồng đội chỉ việc cho cái lọ ấy vào miệng các liệt sĩ. Khoang hàm sẽ giữ cái lọ ấy vài ba chục năm cho người thân đến nhận. Tất nhiên cũng chỉ nhận được chính xác cái sọ thôi, còn tay chân khi ghép thành bẩy bộ hài cốt có thể có nhầm lẫn. Mẹ em cứ ôm chắt lấy cái sọ của bố khóc nấc lên. Lúc đầu em sợ, chết ngất đi. Đến khi tỉnh dậy lại khóc nhiều hơn mẹ. Các chú bảo: Thôi, hai mẹ con khóc nhiều quá anh ấy buồn đấy. Gặp nhau phải vui chứ. Rồi anh ấy sẽ phù hộ cho hai mẹ con nhiều điều tốt lành.
- Sao mẹ Dịu lại không lấy ông Hùng phó chủ tịch?
- Chú Hùng tốt lắm, giúp hai mẹ con em rất nhiều, cả chuyện đi tìm bố em về nữa. Nhưng mẹ em bảo ở làng gái goá còn nhiều, chú ấy nên thương lấy một đám khác, mẹ em không thể ở với một người đàn ông nào nữa. Ngày xưa em ghét chú Hùng lắm, nhưng từ ngày lớn lên đến giờ em lại thấy thương chú ấy. Em mong chú ấy về ở với mẹ em nhưng mẹ em nhất định không chịu.
- Nhà chú ấy có khó khăn không?
- Không. Chú ấy ở một mình nhưng việc gì cũng giỏi. Công điểm của chú ấy lúc nào cũng nhất nhì xã. à mà chú ấy cùng với xã tổ chức cho dân mình làm khoán chui đấy. Anh thấy ruộng lên xanh chưa? Nghe bảo trên trung ương đang cãi nhau găng về cái khoán này, ở tỉnh mình nhiều nơi ngấm ngầm cho làm trước. Còn đá núi cũng được khoanh vùng, phân chia từng khu vực. Khu dành cho quốc phòng, khu giành cho cảnh quan, khu để dân vào khai thác, khu của hợp tác xã. Chú Hùng định mua chui cho xã mấy cái máy nghiền đã cũ của xí nghiệp xây dựng. Nếu trót lọt xã mình sẽ có máy nghiền đá. Oách chưa? Cơ giới hoá nông thôn đấy.
- Chả ăn thua gì đâu. Tất cả các kiểu làm ăn mang tính tư hữu ấy rồi cũng sẽ bị bóp chết thôi. Thầy anh bảo sắp tới còn xây dựng hàng loạt các hợp tác xã bậc cao, kiểu nông trang tập thể như ở bên Liên Xô cơ. Chú Hùng cứ làm việc theo kiểu lách cơ chế thế dễ bị khởi tố lắm.
- Chú Hùng rất thân với ông Thảnh. Người ta bảo ông Thảnh là con ma xó ở cái làng này, xã này, huyện này. Ông ấy từng là huyện uỷ viên từ những năm trước hoà bình lập lại. Chú Hùng nghe ông ấy lắm. Thì thụt đi lại với nhau như tình nhân ấy. Nghe bảo sắp tới chú Hùng sẽ lên làm Bí thư xã. Đàn lặng im khi nghe Dịu nhắc đến ông Thảnh. Đã lâu lắm rồi Đàn không gặp ông. Đò dọc bây giờ ít người đi. Từ ngày đá được đưa xuống vận chuyển theo đường sông, dòng Măng mảnh dẻ, dịu hiền sùng sục cau có suốt cả ngày. Lại nghe đâu mấy tỉnh kề cận tìm ra được nguồn khí đốt ngoài khu vực cửa biển nên tàu của chuyên gia nước ngoài ra vào tấp nập lắm. Ông Thảnh lên bờ nhưng cũng không bỏ đò. Người làng thường mượn đò của ông khi lên tỉnh. Ông Thảnh yêu con đò chứ chưa hẳn đã vì kế sinh nhai mà ông phải cầm chèo, bởi thế mà nhiều người muốn nhượng lại mà ông chẳng bán.
Đàn quay sang hỏi Dịu:
- Sao bảo ông Thảnh vào Nam với con?
- Ông ấy vào rồi ông ấy lại ra. Già rồi xa quê làm sao được. Có người bảo con ông ấy cho ông ấy nhiều tiền lắm. Nhưng lại có người bảo ông ấy mang của chìm vào cung cấp cho con cái vì tiếng thế chứ con ông ấy cũng khổ. Chả biết thế nào.Đàn và Dịu đi qua chân núi Ngựa thì gặp một thằng bé độ năm, sáu tuổi đang bê một xảo khoai lang từ trên núi xuống. Dịu bảo:
- Thằng Viên Minh con chị Tình đấy.
Đàn dừng bước, chờ đứa bé đến gần, hỏi:
- Cháu mang khoai đi đâu thế?
- Cháu mang cho mẹ cháu.
- Mẹ cháu ở đâu?
- Mẹ cháu ở nhà.
- Thế khoai này cháu lấy từ đâu?
- Khoai này trồng ở chùa, cậu cháu dỡ, bảo cháu mang về cho mẹ.
- Cậu cháu tên gì?
- Cậu cháu là Hiến, nhưng ở chùa gọi là Pháp Thiện.
- Cháu có hay lên chùa chơi với cậu không?
- Từ ngày mẹ cháu sinh em bé, rồi bố cháu hy sinh ở bên Campuchia, cháu lên chùa ở với cậu. Cậu cháu sẽ nuôi cháu ăn học đỡ cho mẹ cháu, cậu cháu bảo thế.
- Thế cháu đã đi học chưa?
- Cháu vào vỡ lòng rồi. Cậu cháu xin cho cháu vào lớp cô Dung. Cô Dung là bạn cũ của cậu Hiến.Dịu quay sang Đàn bảo: Cái Dung con bà Kết ấy. Nó học mười cộng hai, mới ra dạy năm ngoái, cùng trường với mẹ em.
Đàn vẫn tiếp tục hỏi thằng Viên Minh:
- Mẹ cháu sinh em trai hay em gái?
- Em gái. Nó giống cháu lắm nhưng mà nó hay khóc nhè vì mẹ cháu thiếu sữa.
Đàn xoa đầu thằng bé rồi đưa tay bê hộ nó xảo khoai.
Vừa đi Đàn vừa hỏi:
- Cháu ở trên chùa có vui không?
- Chỉ vui vào ngày rằm, mồng một thôi. Ngày thường cháu theo cậu Hiến đi trồng rau.
- Thế ăn uống có khổ không?
- Chả có gì. Nhưng vẫn còn hơn ở nhà.
Dịu lại quay sang bảo: Mấy lần xã định phá bỏ chùa nhưng chú Hùng kiên quyết không cho phá. Chắc lại nghe lời ông Thảnh. Ông Thảnh trông thế mà cũng mê tín dị đoan lắm, toàn hát những bài phù thuỷ.Đàn bật cười. Những bài hát mà Dịu cho là phù thuỷ chính là những bài hát văn mà ông Thảnh đã nhiều lần hát cho Đàn nghe. Có lần Đàn hỏi thầy Quý: Hát văn và lên đồng là mê tín dị đoan, là tàn tích phong kiến sót lại, là xấu độc, nên bỏ đi phải không thầy? Thầy Quý đáp: Nếu bỏ đi như thế là bỏ đi quá khứ của mình đấy. Dân tộc ta thích hợp với các tín ngưỡng dân gian hơn là các tôn giáo lớn. Nhưng chúng ta đang làm cuộc cách mạng văn hoá nên phải bỏ đi thôi. Thầy thấy tiếc nhưng có lẽ tinh thần cách mạng của thầy chưa được triệt để lắm. Không có hát văn, lên đồng, rước kiệu thì đình chùa, miếu mạo chỉ còn là những cái xác vô hồn. Nhưng thôi, thầy không luận thêm về vấn đề này nữa. Thầy chưa được chuẩn bị nhiều. Nếu có viết về vấn đề này, tốt nhất em nên theo giáo trình.Đến chỗ rẽ, thằng bé xin lại xảo khoai rồi lễ phép chào Đàn và Dịu trước khi bê đi. Tối hôm ấy Đàn kể hết chuyện với mẹ. Mẹ Đàn bảo: Cũng chả có gì đáng phải xấu hổ. Học mà khổ quá, không chịu được thì về làng mà làm đá. Từ nay chừa cái rượu đi nhá. Hôm ấy mà thả tay cho con người ta rơi lộn đầu xuống thì có mà đi tù.Đàn nhẹ cả người. Hôm sau chú Hùng đến tận nhà gọi Đàn đi làm. Dịu đã kể chuyện của Đàn cho chú Hùng nghe. Chú Hùng hiểu cả, biết cả, không đả động gì đến chuyện của Đàn, chỉ bàn vào công việc hiện tại.
Chú bảo Đàn:
- Cháu có chút chữ nghĩa, từng biết đến cái sân trường đại học nó tròn hay nó méo, kể ra về giúp chú một tay văn thư ở uỷ ban thì hay nhưng lại không có tiền để trả cho cháu. Thôi thì cứ về mỏ đá trông hộ cho chú, đủ để nuôi cháu, đỡ phải ăn bám mẹ. Rồi sang năm thi lại. Mà lần này thi Bách khoa nhé. Học về cơ khi ấy, để có gì bí chú còn hỏi. Sắp tới lớp cán bộ lãnh đạo là phải biết về cơ giới hoá. Mà chú thì mù tịt. Ngày xưa học mới đến lớp bốn ấy mà. Vào bộ đội được học tí chút về quân khí cũng thấy cái đầu nó sáng ra một ít. Mà chú là chú máu mê cơ giới lắm. Nhìn bức ảnh mấy cái máy cày chạy trên đồng lúa mì của nông trang tập thể Liên Xô chú thích quá. Bao giờ đồng ruộng của mình cũng được như thế thì tuyệt cú mèo.
Đàn khẽ thưa:
- Chú ơi, nghe bảo trạm đá của hợp tác có sử dụng máy nghiền chạy dầu có phải không ạ?
- Suỵt!
- Chú Hùng đưa tay lên môi ra hiệu rồi cúi sát nói nhỏ vào tai Đàn
- Chui đấy, chú mới đưa về được một cái thôi, còn một cái chưa dám. Sướng lắm. Ngày nó xơi vài khối là chuyện bình thường.
- Thế việc của cháu là...?
- Trông cái máy ấy chứ còn sao nữa. Rồi chú trích phúc lợi của hợp tác xã ra trả công cho cháu. Tối bao cấp thêm cho ngọn đèn dầu mà ngồi học. Nhưng mà kín miệng nhá. Trên kiểm tra là phải tháo máy giấu đi đấy. Tư liệu sản xuất hiện đại chỉ thuộc các xí nghiệp quốc doanh thôi. Còn hợp tác xã chỉ được sử dụng máy móc theo trên cấp, mua tắt ngang là sai nguyên tắc, chết cả thằng bán lẫn mình là kẻ mua. Hiểu chưa?Đàn hiểu và chấp hành đúng theo những lời chỉ bảo của chú Hùng. Cuộc sống bỗng trở lên thoáng đãng và dễ thở quá. Thỉnh thoảng đội sản xuất Trạm Đá còn được cải thiện bánh bao nhân thịt mua từ cửa hàng ăn uống ngã tư huyện. Một năm quay đi quay lại trôi vèo như lá rụng. Đàn lại cắp giấy bút đi thi. Thi đúng trường Bách khoa như chú Hùng mong đợi. Mẹ Đàn vảo: Vẫn chưa chán, lại đòi đi học à? Kể ra lấy vợ rồi ở nhà làm đá thì tốt hơn. Đàn cự: Đi học kiếm cái hộ khẩu thành phố, có sổ lương thực, có tem phiếu thực phẩm, vải vóc, mọi thứ được phân phối chả thần tiên sao? Mẹ chả hiểu gì cả, đúng là bà già nhà quê.Ngày Đàn đi thi cũng là ngày chú Hùng bị đình chỉ công tác để trả lời trước đoàn thanh tra liên ngành về một loạt những vi phạm kéo dài hơn một năm qua. Càng ngày việc càng to ra. Nghe bảo đâu động chạm đến cả huyện, cả tỉnh, cả trung ương. Chú Hùng sai bét ra rồi. Cứ theo chủ trương, đường lối, chính sách mà kẻ barem thì chú Hùng đúng là một tên phản động chứ chả chơi. Người ta còn cách ly chú Hùng không được gặp gỡ rộng rãi mọi người nữa. Thỉnh thoảng xe con lại về tận xã đưa chú Hùng lên huyện, lên tỉnh để trả lời chất vấn, để viết kiểm thảo. Có lần huyện giữ tới bốn ngày mới cho về. Tin tức về chú Hùng cứ trái ngược nhau, loang ra như vết dầu, đến cả mẹ Đàn vốn bàng quan với sự đời cũng háo hức hỏi thăm, nghe ngóng. Có người bảo chú Hùng tranh luận tay đôi với bí thư tỉnh uỷ suốt sáu giờ đồng hồ liền. Lại có tin bảo ông gì to lắm ở trên trung ương về làm việc với chú Hùng trắng cả đêm, sáng hôm sau ra xe về Hà Nội ngay, không kết luận gì cả.Cứ hư hư thực thực như thế, cứ lơ lửng như thế. Mọi việc ở xã đã có người lo. Những người mới này dõi theo kết luận về chú Hùng như ruộng hạn mong mưa. Dù thế nào thì phán quyết của trên đối với chú Hùng cũng sẽ liên quan đến họ, đến cả Đảng bộ và Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Trong khi chưa có kết luận chính thức thôi thì cứ theo nếp cũ, cứ đúng nguyên tắc mà làm. Không khoán, không cơ giới hoá, không cho làm dịch vụ gì hết. Cứ theo chỉ tiêu pháp lệnh mà làm, cứ đúng quy chế hướng dẫn ở trên mà làm. Đàn lại lò dò cầm lý lịch nhập học lên xin chứng nhận vào đúng lúc kỷ cương đang được lập lại một cách tích cực, triệt để như thế. Nghe tin Đàn đỗ Dịu là người vui sướng nhất. Dịu hăng hái viết lý lịch hộ cho Đàn. Chữ Dịu đẹp có tiếng ở trường huyện. Dịu lại cùng ngồi xe đạp với Đàn lên xin dấu ở uỷ ban. Nhưng Dịu đã tái mặt khi thấy Đàn trở ra, hai tay xé nát túi hồ sơ, lắc đầu ngán ngẩm. Theo quy chế của bộ đại học, những sinh viên bị buộc thôi học phải hai năm sau mới được thi vào trường khác. Thế là một năm qua việc bút nghiên của Đàn thành công cốc rồi. Đàn đã cố thuyết phục, cố năn nỉ, cố van xin, nhưng những người có thẩm quyền nhất xã đã xin ý kiến, đã hội ý với nhau và thống nhất là không thể ký sai nguyên tắc, không thể chứng nhận trái quy định. Thanh tra vẫn đang cày bừa, xới tung mọi việc của xã, không ai dám làm thêm một điều sai trái nữa. Đàn ôm nỗi chán chường, thất vọng về nằm vật ra giường. Ngoài đường người ta ơi ới gọi nhau đi làm đồng, ơi ới hút thuốc lào vặt, nhìn mắt trời và chờ nghe tiếng kẻng để tích công điểm. Nhà nào nhà nấy lại thì thụp vần đá về nhà đôm đốp, chan chát, dâm dấm dui dúi xúc đá lên xe cải tiến chở đi bán trộm. Núi rừng, đất đai, sông biển là tài sản của toàn dân, là của nhà nước, nhưng dân lại cứ chặt, cứ phá, cứ bạt núi đi mà đổi chác, bán mua chẳng cần biết đến nỗ lực ngăn chặn, bảo vệ của các cơ quan chức năng. Đói. Đói dài rạc. Đất ấy, ruộng ấy, màu mỡ thế, tươi tốt thế mà thóc cứ lép, sản cứ thấp, sống trên đất lúa mà cứ thèm gạo, sống bên núi đá mà cứ nhà tranh vách đất, cứ lầy lội lép nhép trên con đường nhão nhoét, lồi lõm ổ trâu, ổ gà. Đám trai làng bạn Đàn bỏ làng kéo nhau đi đào vàng. Thằng Tá, thằng Xế, thằng Học đi được vài chuyến về làng miệng ngậm Hêrô, Queebe, áo đuôi tôm thả chùng, có vẻ súng sính ngất ngưởng lắm. Chúng nó bảo Đàn: Hội áng Sơn trên bãi mạnh lắm, cứ vỉa nào màu nhất thì nhẩy vào chiếm. Đi không?Dịu xin Đàn đừng đi. Sốt rét. Ngã nước. Sập hầm. Phù thũng. Rừng xanh núi đỏ, hay ho gì, kiếm tìm gì, rồi thân tàn ma dại, rồi sống vô gia cư chết vô địa táng, ở nhà đói một tí, chịu khổ nốt một năm rồi lại thi. Thi được là bay nhảy, là tung cánh, trời xanh bao la, khí trời khoáng đạt, chả thoả sức làm trai sao? Nhưng Đàn không nghe Dịu nữa. Đàn lại như người say rượu hôm nào ở ký túc xá rồi. Đàn muốn có vàng để thay đổi, dù ít dù nhiều, cái khoảng đời đơn điệu, tẻ nhạt, nghèo hèn này. Đàn đi không một lời từ biệt Dịu. Đàn đi được hai tháng thì chú Hùng có kết luận. Ngay sau kết luận của chú Hùng là nghị quyết 100 ra đời, nhà nhà thì thào, người người thì thào. Mẹ Đàn cũng nói đến khoán 100 dù chẳng biết con số 100 có nghĩa là gì.
Còn Đàn, hương lúa ngậm đòng ngày một trở lên xa mờ, nhợt nhạt trong ký ức.