Chương 7

Quả mỏ vịt của Lân sáu ngón bùng loé lên giữa ban ngày ban mặt, xé phăng, xoá nát lán trại trung tâm của bọn Hùng quăn cũng là lúc cái gọi là cuộc sống chồng vợ của hắn được đặt dấu chấm hết.
Hùng quăn vốn không ưa gì hội Áng Sơn, chẳng qua vì sợ cái máu liều của Lân, sợ cái khả năng tổ chức hội nhóm rất chặt chẽ của hắn, mà phải chịu chung sống hoà bình để các bên cùng có lợi nơi khoảnh rừng heo hút này mà thôi. Nhưng quyền lực, dù là thứ quyền lực giang hồ, bao giờ cũng có xu thế biến thể theo hình chóp. Hắn mạnh lên thì bọn Hùng quăn phải yếu đi. Quyền lực giang hồ vốn là thứ quyền lực cơ bắp, được thực thi chóng vánh, được củng cố bắng dao, kiếm, súng đạn và sự liều lĩnh. Đám Hùng quăn không phải không liều lĩnh. Nhưng vì thực lực yếu, không đủ sức cưỡng lại với hội Áng Sơn của hắn. Phạm trốn trại và những kẻ gây án bị truy nã mò lên bãi Lũng Sơn ngày một nhiều. Số này sẽ phải lựa chọn một hội nhóm nào đó để mà đầu quân. Nếu phận mọn thì xuống làm cửu, hàng ngày đào đãi, tìm kiếm sự sống từ những hạt cám vàng nhỏ li ti. Nếu chứng minh được bản lĩnh, dần dần đi vào vòng sóng trung tâm quyền lực của một nhóm thì sẽ hưởng lợi theo tỉ lệ phần trăm được phân chia theo tiêu chuẩn "đại ca" mà không phải trực tiếp đào đãi. Cuộc chiến khốc liệt nhất giữa các nhóm vơi nhau là cuộc chiến tranh giành mốc hầm. Ban đầu tất cả đều ra sức đào, ra sức cắm mốc, ra sưc đặt lán trại. Nhưng rồi đất được chia thành từng thửa, đồi cũng được đánh dấu, xác định quyền khai thác, sử dụng của từng nhóm. Cửu, hoặc là người tự nguyện tìm đến, hoặc là được tuyển mộ khắp nơi, đến bãi vàng này muốn bổ nhát cuốc xuống bất kỳ vạt đất nào cũng phải biết rằng nó đã có chủ. Đất đã có chủ rồi thì cửu đành giữ phận người làm thuê. Cửu đào đãi được bao nhiêu, được giữ lại bao nhiêu, phải nộp lên bao nhiêu, điều đó phụ thuộc vào sự ấn định của từng hội nhóm. Hội Áng Sơn duy trì tỉ lệ 4/6. Cửu được 6, các bưởng được 4. Vấn đề còn lại là làm sao phải tìm ra những chỗ đất có mạch cám vàng. Khu vực tìm kiếm cứ thế mà rộng ra mãi, vết cuốc xẻng loang theo những triền đồi chạy dọc hai bên bờ suối. Những lán trại liên tiếp dựng lên trên phạm vi không giới hạn. Hội Áng Sơn cắm mốc ở những phần đất đai gần suối nhất. Các hội khác rất khó chịu vì xa nguồn nước, việc đãi vàng hay bị hội Áng Sơn nhòm ngó, gây khó dễ. Đám Hùng quăn chịu ức chế đã lâu. Khi cơ hội đến là quyết ăn thua đủ một phen với bọn hắn.
Và cơ hội đã đến với Hùng quăn khi cùng lúc trại của hội Yên Mĩ nhận ba tên tù trốn trại về đầu quân.
Cảm thấy thế và lực đã đủ phân thua với hội Áng Sơn, Hùng liền cho ngăn dòng suối để nước chảy sang hướng khác. Hùng tuyên bố nhánh suối mới thuộc quyền quản lý của hội Yên Mĩ, ai muốn đãi vàng trên nhánh suối này phải nộp mười phần trăm số vàng thu được cho bọn Hùng. Hàng chục hội nhóm còn lại hận Hùng đến thấu xương nhưng ngay lập tức chưa có cách gì để đối phó. Nơi đầu nguồn suối, Hùng cho dựng một chiếc lán, lúc nào cũng có gần chục thằng tù trốn trại đầu trọc lốc, mắt đấy ám khí chốt ở đó để bảo vệ nhánh suối mới. Cả bãi vàng nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Con suối cũ chỉ còn là một cái lạch nhỏ, nước bám sát lòng, không thể đãi được vàng. Chỉ riêng cửu của hội Yên Mĩ là hả hê chuyển từng bao đất ra nhánh suối mới trang đất, đãi vàng. Bọn Thành dê, Tùng chột đành đến thương lượng với Hùng quăn để bàn với nhau cho ra một quy chế mới, tất nhiên là bất thành văn, để làm sao nguồn nước được sử dụng một cách hợp lý nhất. Giữa lúc các bên còn đang giằng co nhau về quyền khai thác nguồn nước như thế thì Lân sáu ngón bảo số cửu đang đứng nằm rải rác bên những lỗ hầm đào dở:
- Chúng mày theo tao. Khi nào tao bảo chúng mày phá đập thì cứ thế ào lên. Phải trả con suối này về đúng với dòng chảy của nó.
Nói xong, Lân sáu ngón đi trước, đám cửu kéo theo sau. Không chỉ cửu của hội Áng Sơn mà cửu của các hội nhóm khác cũng vác xẻng, cuốc đi theo xem sự thể thế nào. Hùng quăn tuyên bố: "Nếu mày bước đến vành đập ngăn bọn tao sẽ ra tay. Thằng nào cũng chỉ có từng ấy máu thôi. Nếu muốn chảy thì cùng chảy".
Lân chẳng nói chẳng rằng, móc quả mỏ vịt, giật chốt rồi liệng luôn vào giữa đám của hội yên Mĩ. Tất cả đều quá bất ngờ trước sự tàn bạo của Lân, nằm hết cả xuống, đến khi choàng tỉnh thì một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Đất bạt đi, lán đổ nghiêng, hàng chục xác người nằm ngang dọc. Lập tức đám cửu kéo theo không còn nghĩ đến việc phải tháo đập tràn cho nước chảy về đúng dòng nữa, vội lao tới chỗ máu mê chân cẳng rơi rụng kia để chuyển xuống chân núi tìm cách đưa đi cấp cứu. Hai người chết ngay tại chỗ, ba người lần lượt chết vào những ngày sau đó. Như thế là tiếng nổ đã xuất hiện nơi bãi vàng Lũng Sơn. Tiếng nổ sẽ gọi tiếng nổ. Người chết sẽ gọi người chết. Máu sẽ gọi máu. Và sự bình yên cho cuộc sống gọi chính quyền đến ra tay can thiệp.
Sáng sớm hôm ấy từng đoàn xe, đủ kiểu chở công an, bộ đội tới bao vây bãi vàng Lũng Sơn. Tất cả những người đào vàng được tập trung lại để kiểm tra căn cước và được yêu cầu ra xe rời bãi vàng ngay lập tức. Một số phạm nhân trốn trại bị bắt lại, số có lệnh truy nã trước khi thụ hình cũng dễ dàng bị nhận diện. Đám còn lại rút sâu vào trong núi lẩn trốn. Hắn cùng Nhung và Lân sáu ngón chạy vào trốn trong một ngách hang bí mật vẫn để dự phòng khi bị truy đuổi. Nhưng nghe chừng lần này chính quyền ra tay có vẻ cương quyết. Suốt một tuần trôi qua mà lực lượng công an, quân đội, tự vệ vẫn không rút. Lân là đối tượng cần phải bắt bằng được. Thức ăn và mấy can nước dự trữ đã hết. Bọn thằng Xế cùng các thành viên của hội Áng Sơn hầu hết đã bị lùa ra xe đưa về thị trấn để từ đó tìm đường mà về lại bản quán. Số cửu sẽ bám lại thị trấn hoặc dạt về các huyện, chờ khi nào yên lại lần mò quay trở lại. Họ là những người dân tự do, ở đâu có thể kiếm ăn được thì đến, đuổi thì đi, không đuổi nữa thì lại tụ về. Hắn đã giao ước với bọn thằng Xế rồi. Khi tình huống bất lợi xảy ra, bọn thằng Xế cứ chấp hành theo mọi yêu cầu của chính quyền, còn hắn và Lân sẽ trốn vào núi. Khi nào tình hình yên ắng trở lại, cả bọn sẽ gặp nhau tiếp tục tìm cách làm ăn.
Thế nhưng hắn không ngờ lần này công an lại truy đuổi gắt gao đến thế. Những lần trước họ chỉ ở lại vùng này dăm ba ngày rồi rút. Bãi Lũng Sơn quá heo hút, xa huyện, xa tỉnh, theo đuổi đến cùng để bắt lại bọn hắn không phải là chuyện dễ. Lần này họ có vẻ quyết tâm bắt cho hết đám tù trốn trại như hắn. Lân là mục tiêu số một của họ vì Lân vừa gây một vụ mà theo như cách nói của họ là cực kỳ nguy hiểm. Còn để Lân ngoài xã hội một ngày nào là Lân còn có thể gây ra những vụ như thế. Hắn cũng chung một con đường sống với Lân. Hắn bàn với Lân cách tắt núi, băng rừng tìm sang tỉnh bên để thoát thân, chứ cứ ở lại trong hang đá này trước sau cũng bị bắt. Lân đồng ý. Hắn và Lân mò ra chỗ chôn tiền vàng, đào lên, lấy mang theo. Lân ôm khư khư con lợn đất bọc trong chiếc áo Pilot. Hai đứa quay trở lại hang để đón Nhung. Gần về tới cửa hang thì một tiếng quát to làm hắn giật bắn mình: "Đứng lại! Các anh đã bị bắt". Hắn vội lăn xuống triền núi, nấp vào một tảng đá, rút súng ra bắn lại. Tiếng AK, tiếng K54 rít lên, chiu chíu, nhoáng nhoàng bên tai hắn. Hắn tiếp tục lăn xuống dưới chân núi rồi tìm đường vòng trở về hang đá.
Trong hang, một cảnh tượng bất nhẫn đập vào mắt hắn. Dưới ánh nến leo lết, chập chờn, Nhung đang ngồi quị xuống, hai tay ôm chặt lấy cổ chân bầm đỏ, tóc tai rũ rượi. Thấy hắn trở về, Nhung vẫn không kêu than một tiếng, chỉ trào nước mắt, lã chã cả xuống đầu gối. Hắn vội thò tay vào hốc đá rút ra chiếc đèn pin. Dưới ánh đèn loé sáng, hắn nhìn thấy cách chỗ Nhung không xa một con rắn cạp nong màu vàng đen, đầu bị dập nát, thân giập mấy khúc, cong queo, chết tự bao giờ. Hắn hiểu ngay việc gì đã xảy ra với Nhung. Chính hắn cũng đã từng đập chết tới bốn con rắn ở trong chiếc hang này. Nhưng với Nhung thì điều này quả là vô cùng kinh hãi. Và hình như Nhung đã bị rắn cắn? Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ thế nhỉ? Nhung rất thuộc mẩu chuyện về đàn ông, đàn bà và con rắn, để rồi chính nỗi khủng khiếp ấy lại xảy ra với Nhung như sự linh ứng của một lời nguyền không thể hoá giải. Hắn còn đang loay hoay chưa biết xử trí ra sao thì một tràng AK rộ lên ngoài cửa hang. Có tiếng chân chạy gấp gáp rồi Lân hiện ra, một tay ôm chiếc áo bọc con lợn đất, tay kia cầm khẩu AK cưa báng. Giọng Lân hổn hển:
- Tất cả đã bị bao vây rồi. Công an đã mò đến đây, quyết bắt bằng được tao với mày. Đã có thằng dính đạn của mày. Bây giờ phải biến khỏi đây thôi. Mau lên.
Hắn bảo:
- Nhung bị rắn cắn. Máu vẫn còn đang rỉ ra ở gót chân.
Lân vứt chiếc áo và khẩu súng xuống nền hang, chạy đến bên Nhung, đưa tay nhấc cổ chân của cô lên xem. "Bỏ mẹ rồi". Lân buông ra một câu như vậy rồi lập tức lao tới góc hang, xé roàn roạt mảnh áo lót của hắn treo ở đấy. Băng cho Nhung xong Lân quay ra bảo:
- Rồi. Bây giờ tao với mày biến khỏi đây ngay. Chậm thêm phút nào là ăn đạn phút đấy.
Hắn bảo:
- Để tao cõng Nhung cùng chạy.
Lân giữ hắn lại, giọng gầm gừ:
- Mày ngu thế? Muốn chết chùm với nhau à? Tao đã ga rô cho nó rồi, tí nữa công an đến sẽ đưa nó đi. Nó sẽ không sao cả. Còn tao với mày bị bắt lại là chết. Hiểu chưa?
Lân đẩy hắn ra khỏi hang, rồi kéo hắn chạy xềnh xệch xuống dốc núi. Hắn vừa chạy vừa quay lại nhìn nhưng còn nhìn thấy gì nữa khi mà xung quanh là màn đêm tối đen. Hắn không ngờ Nhung lại chịu lỳ đến thế. Không nói, không rằng, không kêu than, thậm chí khóc cũng cố nén lại để không thành tiếng. Nhung đã chờ cái ngày này từ lâu rồi. Nhung biết một kết cục không hay ho gì tất yếu sẽ phải đến với cả hai đứa. Nhung cũng không phải là người dễ khóc. Sự đời đã làm Nhung trở nên chai cứng. Nhưng hôm nay thì Nhung đã khóc. Khóc vì rắn cắn, khóc vì những tiếng nổ xé rách không gian thấp thỏm trong lòng hang, hay khóc vì sự chia lìa? Hắn vừa chạy theo Lân vừa suy nghĩ về Nhung. Dẫu sao thì cũng là vợ chồng. Dẫu sao thì cũng là sự gắn bó như là tiền định, không thể không vấn vương trong hoàn cảnh này. Nhung cũng đã mang trong người một sự sống do hắn gieo trồng. Nhung có thể sống được nếu công an đến kịp, Hắn cầu mong cho công an đến sớm. Hắn bỗng dừng lại, rồi chạy ngược về phía hang đá nơi có Nhung đang trú ẩn, đưa súng lên trời, bóp liên hồi. Lân quay lại theo, giật tay hắn, gào lên:
- Mày điên à?
Hắn quay sang bảo:
- Để họ biết mà tìm đến ngọn núi này. Nếu không Nhung sẽ chết.
Bỗng một tràng AK rộ lên từ phía sườn núi dẫn lên hang đá. Họ đến rồi. Bây giờ thì hắn có thể yên tâm chạy được. Hắn quay sang bảo Lân:
- Nào, biến.
Cả hai lao xuống dốc núi dẫn ra con đường tắt để đi sang dãy núi phía sau. Vượt qua dãy núi đó bọn hắn sẽ đặt chân sang đất Hà Sơn Bình. Từ đó chúng có thể về Hà Nội hoặc ngược trở lại Vinh theo đường 1A. Hắn rời bãi vàng Lũng Sơn lần này là lần thứ hai. Rồi hắn sẽ trở lại nếu dòng người đào đãi còn mò đến tìm sự sống ở đó.
Và hắn đã trở lại sau hai năm lang bạt.
Đó là hai năm khốn khổ, khốn nạn cho cái kiếp chui rúc của một thằng tù trốn trại. Hắn và Lân đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi nguy hiểm rình rập. Kinh nghiệm cho biết trốn trại mà mò về quê hương bản quán là dễ bị bắt nhất. Lân rủ hắn vượt biên giới đường bộ sang Lào. Lúc đầu Lân tưởng với vốn sống của mấy năm làm lính ở Campuchia sẽ giúp hai đứa dễ thích nghi với xứ Lào hoang sơ, đất rộng, người thưa. Nhưng bọn hắn đã lầm. Kiểu sống đặc trưng của các nhóm dân cư thưa thớt trên đất Lào không dễ gì du nhập được. Chúng tìm đường qua Thái Lan mấy lần nhưng không thành, luẩn quẩn mãi vẫn không sao ra khỏi mấy tỉnh Pusamsao, Puhoạt, Pulaileng giáp biên giới Việt-Lào. Đói rách quá, cuối cùng hai đứa lại lộn trở về Việt Nam. Đêm cuối cùng trước khi hắn và Lân chia tay để mỗi đứa một phương, Lân bảo:
- Trước mắt tao về quê xem thế nào đã. Nếu con nhỏ vẫn không sao thì tao sẽ tìm đường vào Sài Gòn.
Hắn buột miệng hỏi:
- Người đàn bà ở nhà mày là ai thế?
Lân bảo:
- Khốn nạn gặp nhau thôi. Tao ơn người ấy.
Hắn không muốn hỏi thêm, bảo:
- Tao sẽ quay trở lại Lũng Sơn xem thế nào. Nếu một trong hai thằng kiếm được chỗ làm ăn khá thì báo tin cho nhau. Mẹ kiếp, sao bây giờ dân thành phố giàu thế. Đi đâu cũng thấy xây dựng nhà cửa, đường xá, xe máy chen chúc, to nhỏ các kiểu, hàng hoá thì xanh đỏ, hoa cả mắt. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt mà tao với mày thì lại như thế này. Án chồng lên án, biết đến bao giờ mới gỡ được ra?
Lân bảo:
- Cái thằng trí thức đến đầu gối trong mày lại trỗi dậy rồi đấy. Quên mẹ nó đi. Xã hội có thay đổi đến đâu thì làm thằng tù cũng không sung sướng gì. Mà án của tao với mày đều đáng phải dựa cột. Coi như kiếp này bỏ, làm lại vào kiếp sau. Đừng nghĩ ngợi nhiều, nó bủn rủn người ra, rồi chẳng làm được gì đâu.
Hắn vẫn không quên trong hắn còn một con người "trí thức đến đầu gối" như cách nói của Lân. Nhưng hắn đã sa chân lỡ bước rồi. Hắn luôn phải sống bằng cái danh phận một thằng tù trốn trại. Hắn lấy con người sau đè bẹp con người trước. Hắn lấy sự bung phá bản năng đè bẹp nỗi sợ hãi, lấy cái khắc nghiệt của cuộc sống giang hồ mỉa mai, chế giễu những ánh xạ trong trẻo đôi khi vẫn lấp lánh trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Hắn sợ đối diện với chính mình. Sợ phải trả lời những câu hỏi về tương lai cuộc đời. Hắn vịn vào những kẻ như Lân để quên đi nỗi sợ, vịn vào những môi trường sống như bãi vàng Lũng Sơn để quên đi cái tôi nhỏ nhoi, thánh thiện, tựa hồ như đang hấp hối trong hắn.
Trở lại bãi vàng hắn mừng rỡ như chết đuối vớ được cọc khi thấy mọi sự dường như không thay đổi. Người đón hắn đầu tiên vẫn lại là thằng Xế. Sau gần ba tháng giải toả, đám người đào vàng như những cánh bèo tấm, dạt đi rồi tụ lại, lúc đầu lẻ tẻ, sau rộ lên, đông đúc dần. Chính quyền cắm một cái chốt trị an, để một tổ công an trực ở đó, sẵn sàng giải quyết những xích mích từ đám người đang dốc kiệt sức mình ra cho việc đào đãi kia. Được sáu tháng thì cái chốt chẳng còn ma nào ở nữa, nó bị bỏ không, mặc cho nắng mưa phủ lên màu quên lãng. Không ai hơi đâu bỏ công sức, tiền của ra để trông coi cái đám bát nháo này làm gì. Quả thực, bãi vàng Lũng Sơn trong thời gian này cũng có tạo được một vẻ mặt yên bình. Các hội nhóm vẫn ngấm ngầm hình thành nhưng việc "Bốc của giời" có vẻ như hoàn toàn khách quan, không có thế lực nào áp chế cả. Lực lượng ở chốt trị an rút đi rồi, các thành phần bất hảo như hắn mới bắt đầu tìm đến. Đám Thành dê, Tùng chột khiếp hồn khi thấy hắn lù lù dẫn xác về. Tất cả đều nghĩ hắn và Lân đã bỏ mạng hoặc bị lưu đầy mất xác từ lâu rồi. Trận đọ súng trong đêm Nhung bị rắn cắn đã bị những kẻ thích buôn chuyện giang hồ chế tác thành những huyền tích giật gân lưu truyền ngầm ngấm trong đám dân đen bấy lâu nay. Trong cái mớ chuyện truyền kì rẻ tiền ấy, ở phần kết hắn cùng Lân và Nhung đã được miêu tả là chạy vào hang sâu và mất tích trong đó. Rồi xảy ra mấy cái kết như thế này: Có người bảo cả ba đã tìm ra được một cửa hầm dẫn vào lòng núi và chúng phát hiện ra nơi đó chứa rất nhiều vàng. Bọn hắn đã vơ vét cho bằng đủ rồi tìm đường vượt biên. Con tàu chở hắn đã bị hải tặc cướp, cả ba bị bắn chết và bị quẳng xuống biển. Người khác lại bảo bọn chúng đã cho nổ mìn tự sát khi bị truy đuổi, núi sập xuống và cả một đại đội công an cũng chết theo. Cũng có người lại bảo nửa đêm dậy đi đái, chính mắt nhìn thấy ba đứa ngồi uống rượu bên triền núi, nhìn trăng cười ha hả. Bọn hắn đã thành ma rồi. Những con ma ấy cứ quanh quẩn quanh bãi này để giữ vàng, thấy ai đào trúng vỉa là bóp cổ cho chết rồi lấp hầm luôn. Những mẩu chuyện kiểu ấy cứ thế lan truyền. Nhiều người lập bát hương, kêu cầu khấn vái cho ba đứa hắn trước khi động thổ đào hầm. Chính thằng Xế cũng nửa tin nửa ngờ về điều này. Vì vậy khi hắn xuất hiện cả bãi vàng nháo nhác cả lên. Hắn bỗng được khoác lên người tấm áo choàng huyền bí. Tấm áo choàng ấy biến hắn thành một tên cướp đặc biệt, một tên cướp thần thánh và đầy huyền tích.
Hắn cũng ngay lập tức hiểu ra cái trò nực cười đó. Và việc đầu tiên hắn bắt tay vào là tích trữ thật nhiều gạo, mì tôm cùng những thứ thực phẩm khác trong một cái hang sâu. Hắn biết vùng Lũng Sơn này vô cùng hẻo lánh và heo hút. Công an có thể bủa vây cả tháng trời nhưng nếu hắn đủ lương thực thì vẫn có thể ung dung ngồi trong hang đá chờ cho kiếp nạn trôi qua. Lần trước hắn cùng Lân không thể nào trụ lại được là vì thiếu ăn. Lần này hắn chọn một cái hang chưa ai đặt chân đến. Và với số lương thực có thể dùng được trong hai tháng cho năm người ăn, hắn tin là hắn sẽ tránh được mọi phiền phức mỗi khi công an muốn thanh lọc đám đào vàng để tìm bắt những kẻ trốn trại như hắn.
Nhưng còn một điều khiến hắn luôn băn khoăn, ấy là số phận của Nhung hiện giờ ra sao?
Không một ai biết là Nhung còn sống hay đã chết. Không một ai biết cái đêm súng nổ đì đùng ở mấy cái hang đá nơi vùng núi Lũng Sơn kết cục xảy ra điều gì? Nếu Nhung chết thì phải có phần mộ ở khu vực này. Nếu Nhung được cứu sống thì phải tìm đến bọn thằng Xế theo địa chỉ đã hẹn trước. Nếu Nhung bình an vô sự thì bây giờ nàng đang nuôi con hắn. Đứa trẻ là gái hay trai? Giống hắn hay giống Nhung?
Nghe ngóng thấy tình hình có vẻ yên ắng. Cái lệnh truy nã hắn có vẻ như đã bị phủ lấp lên hàng trăm hàng ngàn cái lệnh khác, hắn liền cùng thằng Xế mở cuộc tìm kiếm người đàn bà Chúa sinh ra để giành cho hắn. Ở công an huyện người ta bảo: "Lần ấy hình như có bắt được một con bé là người tình của thằng tướng cướp Bạch Đàn. Họ đưa về tỉnh ngay đêm hôm ấy.Con bé bị thương rất nặng. Lại đang chửa. Thật là khốn nạn. Đời cha như thế rồi đời con biết sẽ ra sao?".
Ở công an tỉnh người ta bảo: "Rất may là lần ấy có đoàn bác sỹ ở trên Bộ xuống khảo sát một số cây thuốc nam ở vùng núi Lũng Sơn. Họ đã dùng mấy cây thuốc đó đắp vào chân cho con vợ thằng tướng cướp nên nọc độc rắn được rút ra hết, bó chân vài hôm thì khỏi. Điều đặc biệt nữa là trong đoàn có một bác sĩ còn rất trẻ, vị bác sĩ này đã nhận ra con vợ thằng tướng cướp chính là em ruột của mình, từng bị mất tích năm lên sáu tuổi. Sau khi lấy lời khai và làm các thủ tục xong, cô gái ấy đã được anh trai đón về Hà Nội để nhận lại gia đình".
Ở Hà Nội, người của Bộ bảo rằng: "Đúng rồi, bác sĩ Bảo quê ở vùng đạo Ninh Bình. Nhưng bác sĩ Bảo đi nghiên cứu sinh ở bên Nhật rồi. Cả vợ con cũng sang bên ấy. Ở quê bác sĩ Bảo vẫn còn một người mẹ già và một cô em gái".
Ở vùng đạo Ninh Bình người ta bảo: "Cả cái huyện này biết bao nhiêu là nhà thờ, phải biết xã nào hay thuộc họ nào thì mới tìm được. Tháp chuông hai tầng thì nhà thờ nào chả có. Phù điêu khắc đoá Mân côi thì nhiều vô kể, còn khắc trên đá thì thử đến nhà thờ đá xem".
Ở nhà thờ đá, người ta bảo: "Trẻ em bị bắt cóc từ những năm nảo năm nào thế ai mà biết được? Người đến đây dự lễ từ các nơi trên khắp cả nước chứ đâu chỉ một xã này. Bác sĩ Bảo à? Dân này làm bác sĩ có tới cả ngàn. Lạy Chúa tôi, tìm gì mà cứ như tìm chiên lạc thế?"
Cuộc tìm kiếm của hắn đã trở lên vô vọng. Điều hắn nhận ra một cách chua xót là hình như Nhung không muốn gặp lại hắn. Có thể Nhung đã tìm lại được gia đình của mình, đã muốn quên đi quãng đời lưu lạc khổ đau, đã tìm thấy hạnh phúc ở một nơi nào đó, bên người mẹ già hay ngay dưới nóc tháp chuông, và không muốn có một chút liên hệ nào với hắn. Đã thế thì hắn cũng không nên tìm kiếm làm gì nữa. Chẳng ai muốn neo bám cuộc đời vào một thằng cướp đêm như hắn. Chẳng ai muốn làm vợ hắn, làm con hắn để rồi phải chứng kiến cái phút giây hắn phải đền trả mọi lỗi lầm của mình. Lần đầu tiên hắn thấy chán sống. Hắn đã dặn dò lại cho thằng Xế tất cả những điều phải làm rồi lẳng lặng ra bờ sông nâng khẩu K54 lên áp nòng vào thái dương. Đúng lúc ngón tay hắn đang run run thì thằng Xế lao đến ôm trầm lấy hắn, gào lên:
- Đàn ơi, mày đừng chết. Biết đâu cái Nhung nó lại đang đi tìm mày thì sao? Nếu một ngày nào đó nó tìm đến chỗ tao, với cả con mày nữa, hỏi mày đâu thì tao biết trả lời thế nào? Nó khổ thì được nhưng chẳng lẽ con mày cũng phải chịu khổ sao? Thôi mày cố sống mà dành dụm lấy ít tiền, bao giờ trao được cho nó thì mày hãy chết. Còn chuyện này nữa tao chưa kể với mày. Mấy năm qua mẹ mày cứ lang thang đi tìm mày, cố gặp mày bằng được. Đợt mày còn ở bên Lào, mẹ mày tìm lên bãi vàng, không gặp được mày, bà cụ bảo: "Tôi chết mấy lần nhưng trên đường đến âm ti địa ngục chợt nhớ ra là chưa gặp được thằng Đàn nên lại quay trở lại.". Rồi mẹ mày khóc lóc thảm thiết lắm. Mày cũng cần phải sống để mẹ mày được nhìn mặt trước khi bà ấy chết chứ.
Thằng Xế đã đánh đúng vào nỗi đau trong hắn.Không ai có thể chết được khi nỗi đau còn nảy mầm trong ý nghĩ. Người ta chỉ có thể tự sát khi xác lập được một vùng cảm nghĩ bình yên và thanh thản dẫu vùng cảm nghĩ ấy chỉ tồn tại trong một giây. Nếu trong một giây ấy nỗi đau trồi lên, phá vỡ vùng cảm nghĩ vừa xác lập thì con người ta lại phải sống, cái sống lúc ấy cần thiết không những cho bản thân, mà còn cho chính nỗi đau không thể hoá giải kia. Hắn chỏ súng xuống mặt sông, bóp cò rồi cùng thằng Xế quay trở lại bãi vàng.
Hắn thực sự trở nên tàn bạo từ bữa ấy.
Hắn tìm thấy niềm vui khi gọi chệch Lũng Sơn thành Lương Sơn, và thích thú khi được mọi người gọi là Tống đại ca. Hắn huyễn hoặc cuộc sống phi pháp của mình theo kiểu Thi Nại Am viết Thuỷ Hử truyện. Hắn tuyên bố: "Tất cả những kẻ trốn trại cần một mái ấm để trú ngụ thì hãy đến với Đàn tôi. Đàn tôi có cơm cho các vị ăn, có việc cho các vị làm, có tự do cho các vị hưởng..."
Trong vòng một năm sau đó những trang hồ sơ tội lỗi về hắn không ngừng được bổ sung. Hắn đã lôi kéo về nơi hang đá của mình tới gần hai chục tên tù sổng. Hắn có tới cả nghìn viên đạn dùng cho ba khẩu súng, hàng trăm trái nổ các loại. Nơi bờ sông hoang vắng đêm nào, bên thằng Xế, hắn đã sống vì một động cơ tưởng như rất tình người. Còn bây giờ hắn sống vì hắn sợ ngày mai hắn phải chết. Nghĩa là hắn sống gấp. Với hắn lúc này hưởng thụ đi kèm với nổi loạn. Chính điều đó đẩy hắn bước nhanh lại chỗ cây cột dành đợi sẵn cho hắn.
Hắn đã tính nhầm khi cho rằng với số lương thực chất trong hang có thể dùng được hàng tháng đó sẽ giúp hắn tránh được những đợt lùng bắt của công an. Hắn đã không nhận ra được một điều rằng truy bắt tội phạm với giải toả khu đào vàng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ là giải toả nửa vạn người đang ngày đêm cần mẫn đào đãi kia, thì hắn có thể trốn chui trốn lủi ở trên núi vài tháng, chờ cho việc giải toả qua đi, sẽ xuống núi như một cánh bèo tấm hết tan lại tụ. Nhưng truy bắt một nhóm tội phạm thì lại không đơn giản thế. Hắn và cái lũ trốn trại quanh hắn đã được đưa vào một chuyên án mang mật danh X,Y, Z nào đó, và tổ chuyên án sẽ có cách ra tay riêng, hoàn toàn bất ngờ đối với hắn. Thoạt tiên họ gửi đến cho hắn một bức thư. Nội dung bức thư ấy nhắc đến cái vốn tri thức cỏn con của hắn, kêu gọi hắn hãy ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng. Hắn cười gằn, xé nát bức thư trước mặt đám bạn bè chiến hữu vẫn thường tâng bốc hắn là Tống Giang của thời đại. Rồi sau đó là khoảng thời gian im ắng đến tệ hại. Chính thời điểm này Cuồng sĩ xuất hiện.
Bản thân Cuồng sĩ đi vào "hang cọp" mà không hề biết mình đang mang trên người sứ mệnh của một "đặc tình". Hình ảnh một cậu sinh viên báo chí nửa đời nửa nghệ trên đường đi tìm một hình mẫu nửa trí thức nửa lưu manh đã đập vào mắt một điều tra viên già dặn kinh nghiệm phá án. Lập tức Cuồng sĩ (tức chàng Tâm cận) được hướng dẫn một cách rất tự nhiên đường đến Lũng Sơn. Những cái đầu biết tính toán nhất trong tổ chuyên án đã kiên trì chờ đến ngày Tâm cận phải về trường trả bài thi. Vào ngày ấy họ lại khéo léo moi được toàn bộ thông tin cần thiết về đặc điểm tâm lý, địa hình hoạt động, thói quen ăn nghỉ của hắn từ chàng Cuồng sĩ luôn yêu đời yêu người đến độ cả tin kia. Các biện pháp nghiệp vụ cùng lúc được triển khai. Khi đã căn chính xác toạ độ ẩn náu của hắn, họ giả làm những người đào vàng để tìm cách tiếp cận và ra tay. Gần chục khẩu súng chỉ có một khẩu duy nhất cất được giọng, đó là khẩu K54 lúc nào cũng giắt trong cạp quần hắn. Viên đạn đầu tiên mà hắn bắn ra trong lần bắn cuối cùng ấy đã xé rách phổi và lá lách của vị điều tra viên có công "sử dụng" Cuồng sĩ như một đặc tình bất đắc dĩ. Viên đạn thứ hai qua gan, dạ dày, nhiều quai ruột và găm lại trong đốt sống Đ3 của một trinh sát viên trẻ. Viên đạn thứ ba phá vỡ mảnh xương đùi của người lao tới quật ngã hắn. Viên đạn thứ tư, thứ năm hắn bắn vào vách đá. Viên đạn cuối cùng hắn bắn vào một con gà mái tơ để thoả mãn cái dạ dày đói ròng rã suốt ba ngày ba đêm liền của hắn.
Sau này hắn cứ tiếc mãi về viên đạn cuối cùng ấy. Giá viên đạn đó được đưa vào thái dương khi hắn mò về đến đầu làng thì tốt biết mấy. Hắn đã thoát khỏi cuộc vây bắt hết sức công phu, và không biết bằng sức mạnh nào, hắn đã mò về đến quê hắn sau ba ngày không ăn, không uống, không ngủ nghỉ.
Cho nên khi nhìn thấy con gà mái tơ của nhà ai đó đang thơ thẩn kiếm ăn ở bờ ruộng đầu làng, hắn đã nâng súng lên và bóp cò trong sự nín nặng hoá đá. Viên đạn đã xé nát một bên cánh, đi xuyên qua phần lưng, phá vỡ bọc diều chứa đầy giun và thóc. Hắn lấy đất ruộng bọc con gà lại rồi nổi lửa lên nướng.
Tất nhiên đó là một bữa ăn đáng nhớ trong đời hắn. Nhưng rồi đám xương gà đã báo hại hắn. Những người lùng bắt hắn tưởng đã đứt mối lại phát hiện ra vùng ẩn náu của hắn từ đám xương gà nát vụn rơi vãi bên chân ruộng. Hắn thực sự thấy cùng đường. Khẩu súng trong tay hắn lúc này chỉ còn là một cục sắt vô hồn mà thôi. Nếu hắn chạm mặt những người đang lùng bắt bắt hắn lần này nữa là coi như chấm hết khoảng trời tự do mà hắn đã phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt. Nhưng hắn đói. Đói khủng khiếp. Hắn đã nhiều lần mò về nhà nhưng chỉ bén mảng đến ngõ nhà ông Thảnh là đã lại phải quay lưng vì phía trước có rất nhiều những kẻ khả nghi. Hắn cũng đã tạt sang xóm bên, định vào nhà cô giáo Hường, gặp Dịu nhưng lại thôi vì loáng thoáng cảm thấy bất ổn. Không còn chỗ nào cho hắn tá túc cả. Thiên la địa võng đã bủa vây xung quanh hắn. Có lúc hắn đã mừng đến thót tim khi nhìn thấy một con đò chầm chậm trôi trên dòng sông lưu dấu cả tuổi ấu thơ của hắn. Nhưng hắn đã thở dài ngao ngán vì đó không phải là đò của ông Thảnh. Ông Thảnh đi đâu về đâu rồi hắn cũng không biết nữa. Nếu còn sống ông cũng đã già lắm. Có lẽ đã ngoài tám mươi rồi. Cuộc đời ông Thảnh dài lắm, đoạn trường lắm. Còn cuộc đời hắn sao mà ngắn ngủi, tù túng, đơn điệu và ảm đạm thế. Cuộc đời ông Thảnh ghềnh thác nổi chìm nhưng ông luôn sống hết mình, lại biết lựa theo dòng trôi, nên ông là lịch sử, lịch sử là ông, trọn vẹn một kiếp người. Còn hắn, muốn sống trọn vẹn một kiếp người sao mà khó thế? Hắn là thứ đá cuội bị hất văng ra bên đường và bánh xe lịch sử nghiến lên, nghiền nát. Hư vô quá thể. Tủi phận quá thể. Hắn lại đưa nòng súng lên dí vào thái dương và nghiến răng bóp cò. Nhưng viên đạn cuối cùng đã được dùng cho việc hoá kiếp con gà mái tơ. Hắn chua chát lẳng mạnh khẩu súng xuống sông. Tiếng "bùm" từ nước sông vọt lên làm hắn chợt nghĩ đến một sự giải thoát mới. Thôi thì cũng "ùm" một tiếng như thế, rồi để cho thân xác chìm nghỉm xuống lòng sông kia, thế là xong, mọi sự sẽ thành hư vô hết. Nhưng hắn không sao đủ can đảm để nhảy xuống dòng nước chất chứa trong mình vô vàn những huyền thoại ấy. Với những đứa trẻ làng Áng Sơn, dòng sông này là cả một kho cổ tích. Ông Thảnh đã gieo vào đầu những đứa trẻ như hắn khát vọng một lần được tìm xuống đáy sông, đến với thế giới của ba ba, thuồng luồng, của thuỷ cung với Long vương và Hà Bá để thoả mãn trí tưởng tượng non nớt về một thế giới cổ tích huyền nhiệm. Hắn cười gằn trong cổ họng. Sao ngày xưa những truyện ông Thảnh kể lại có sức hấp dẫn đến thế, lại làm hắn tin đến thế. Tới mức hắn đã thần thánh hoá ông, coi ông như một thứ người giời, một ông tiên có bàn tay phù thuỷ. Chắp nhặt tất cả những mẩu chuyện của ông lại, hắn đã từng lơ mơ nghĩ rằng ở dưới lòng sông kia là cả một thế giới riêng với những điều kỳ diệu không thể giải thích được. Và hắn đã từng ước có ngày được đặt chân xuống đáy sông. Khi ấy hắn sẽ sục sạo vào những toà lâu đài, sờ lên những báu vật, nhìn ngắm thoả thích những nàng tiên cá thân hình uốn lượn, lấp lánh vẩy vàng vẩy bạc. Có thể hắn sẽ cứu được những người chết đuối, những cô gái bị lẳng xuống sông một cách oan uổng, những em bé chẳng may đang bơi bị chuột rút... Ước vọng thơ trẻ mới buồn cười làm sao. Ước vọng ấy đã có cơ thực hiện được khi hạn hán kéo về rút kiệt dòng chảy xanh trong này. Chỉ hiềm nỗi khi mép nước đã tụt xuống đến mức kỷ lục, hắn bỗng nhận thấy một cảm giác đau xót đang vỡ ra trong mình. Thế giới long cung đang hiện nguyên hình ra kia. Những bờ bãi lở loét, những hang hốc khô kiệt, những vạt bùn nứt nẻ, thao láo nhìn trời. Bao câu chuyện vẫn giữ kín trong lòng sông, giờ đây sông đãi hết, chỉ còn lại một lạch nước nhỏ đang thở hổn hển giãy chết cùng những vết nứt vô hồn, vô nghĩa. Thuỷ thần ở đâu? Hà Bá ở đâu? Bao xác người vô tội ở đâu? Những nàng tiên cá xoè đuôi giỡn nguyệt trong những đêm trăng sáng đâu? Ôi ông Thảnh ơi, sao thế giới cổ tích của ông tàn tạ, hoang hoá, vô hình, vô ảnh thế! Hắn ôm mặt khóc hu hu, khóc tức tưởi. Ông Thảnh bảo: " Cậu bé đa sầu đa cảm của tôi ơi. Tôi không lừa dối cậu đâu, tại cậu cứ thích khám phá tận cùng sự thật đấy thôi. Sự thật chỉ dành cho người lớn, còn cổ tích dành cho trẻ con. Cậu đã là người lớn đâu mà cứ thích xé bỏ đi lớp cổ tích cuộc đời?"
Hắn đã một thời ngây thơ như thế đấy. Ngây thơ như chính những mảnh ruộng này, những đá núi kia, những con đò dọc, những đứa trẻ làng Áng Sơn đêm đêm mò vào trường bắn xem tử tù đền tội. Sự ngây thơ ấy bây giờ bị đánh đổi đi đâu? Những mảnh ruộng cũng trở nên lạnh lùng, chứa đầy hiểm nguy, những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đều đeo băng đỏ, lượn lờ như thể chờ bắt hắn từ lâu. Chỉ còn đá núi là bao bọc chở che hắn. Nhưng đá núi không thể ăn được. Hắn bỗng nhớ đến Trạm Đá. Đúng rồi, khe núi lúc nào cũng rào rạt gió. Hắn đã từng ở đó gần một năm trời để trông coi máy nghiền đá và ôn thi. Hắn vội vã tìm về nơi ấy. Đói và mệt. Nhưng kia rồi. Người ra kẻ vào có vẻ nhộn nhịp. Một lô một lốc những máy nghiền đá nằm rải rác quanh chân núi. Cái khe đá năm nào bây giờ đã được mở rộng. Mấy quả núi được bạt đi, xe công nông, xe tải ra vào thoải mái, không còn lén lút, gượng nhẹ, như cái thời xửa xưa khi hắn còn làm ở đây nữa.
Hắn nhận ra một người quen: Trạm trưởng Trạm đá. Người mua bánh bao nhân thịt cho anh em cải thiện năm nào vẫn vậy, không già đi chút nào cả. Hắn chạy ào tới, khẽ gọi tên anh. Người trạm trưởng quay lại nhìn hắn, thoáng một nét bất ngờ rồi như khó xử, anh cứ gằm gằm nhìn xuống, nói mãi không diễn đạt nổi một ý, rằng anh không giúp gì được cho hắn đâu, hắn hãy đi ngay đi. "Em đang đói. Anh còn tiền không?". Hắn hỏi luôn vào mục đích chính để người trạm trưởng khỏi phải rườm lời. Nhưng đúng lúc người trạm trưởng thò tay vào túi móc tiền ra cho hắn thì trong căn phòng ở phía đầu hồi nhà Trạm Đá hai bóng người mặc thường phục chạy bổ ra, lao về phía hắn. Khốn nạn rồi. Hắn lách qua vai người trạm trưởng, thoắt cái đã biến vào hẻm núi. Một trong hai người mặc thường phục đuổi theo hắn rút ở thắt lưng ra một vật nhỏ màu đen, đưa lên trời và "đoàng...đoàng", những phát súng chỉ thiên làm cả Trạm Đá chết lặng đi. Đám lái xe, công nhân đều lơ ngơ không biết điều gì đã xảy ra. Còn hắn, sau một hồi cắm đầu, cắm cổ chạy, cảm thấy như đứt hơi ngã gục xuống một triền dốc nhỏ dẫn lên một quả núi đất. Mặt hắn đập vào một đôi giầy vải mầu đen. Hắn cố ngước mắt lên nhìn lần cuối người đi đôi giầy vải ấy. Nhưng hắn chỉ kịp nhìn thấy vạt áo nâu sòng phất phơ trong gió thì gục xuống, bất tỉnh.