26
Tôi nhớ Huế

THUẬT LẠI MỘT CHUYẾN ĐI SĂN ĐỒ CỔ Ở HUẾ. ĐI TÌM TÔ TẾ KHÍ ĐẶNG HUY TRỨ, CHẾ TẠO NĂM MẬU THÌN ĐỜI TỰ ĐỨC (1868)
A. Mấy lời biện minh trước khi vào đề.
1. Đồ cổ xứ Huế, tôi mua khá nhiều và mua hoài vẫn còn. Thuật chuyện lại không bao giờ hết. Nay xin đơn cử một cổ vật tôi mua để chấm dứt tật ghiền đồ cổ: các bạn lấy đó làm gương cũng đủ. Không chơi thì miễn luận, chớ bước vào nghề chơi đồ sứ cổ, không khác ôm bịnh ghiền nha phiến: không hút thì khó chịu bứt rứt; tôi cũng vậy, không mua đồ cổ cũng bứt rứt khó chịu y như ghiền chị phù dung. Tôi đã suy nghĩ nhiều trước khi mua cái tô nầy, gọi tô Đặng Huy Trứ.
2. Bình sinh tôi mê thích đồ xưa còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng Quốc Chí, người ta mau chán ngán.
Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên khúc khích mình cười chuyện một mình, rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ xưa. Vả chăng quan niệm “sống” là gì? Mỗi người hiểu mỗi khác. Chung qui phải có vui mới đáng sống. Có kẻ muốn được sống nhẹ nhàng lành mạnh, phải cần đánh bạc đến thua sạch túi, cần mua rượu về uống cho thật say, còn những người cần cho gái nhiều tiền, tôi sợ nên không dám nói. Vì suy nghĩ làm vậy, nên tôi đành cứ việc mua đồ cổ.
3. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ. Tìm cho ra manh mối một nước men đồ sứ cổ, tìm cho được một lời đáp đúng của một bài toán khó, sửa một chiếc xe nằm vạ làm cho xe chạy bon bon, đem thằng con sa ngã vào đường ngay, một tỷ dụ nầy tôi không dám nhấn mạnh, nhưng cứ nói ra đây còn bàng quan phán đoán, mở nẻo cho một gái ăn sương bỏ nghề, cứu vớt một món đồ cổ ra khỏi chốn vô danh, mấy cái khoái ấy như nhau, khác nào ông tướng xuất binh, giờ chót mới hô thắng trận, nỗi mừng càng lớn.
Ở đời thấy nên mà ra hư, và đã thấy hư bỗng lại hoá nên. Có con làm tá, làm ông quận nầy quan kia, là con nên. Đùng một cái, tá đi cải tạo, quan đi học tập, quận đi hốt phân, nhà cửa bị tịch, cái hư từ ngoài cổng hư vô. Tôi nói “đa thọ tất đa nhục”, bạn tôi, ông Vi Huyền Đắc, ra Bắc chết năm ngoái, cãi lại là “đa nghiệp” chớ chưa phải đa nhục. Tôi nói: “Đa nam tất đa ưu”, ông không trả lời và hẹn sẽ gặp nhau dưới ấy. Trở lại cái tô xưa, tôi đã trút cạn nỗi lòng là để cầu người tri kỷ ban cho một tiếng: “Ừ! Anh nói cái đó, tôi nghe được, có lý lẽ vững”. Nghe được bao nhiêu đó sá chi kẻ ngoài cuộc cười chê là gàn. Tóm lại, sở dĩ tôi cạn bày ý nghĩ vụng về là muốn được người có mắt xanh chú ý đến ba cái đồ cổ đang lạc loài nó đang bị nạn như mình, nếu không lo cứu vớt tự bây giờ thì một ngày kia hối tiếc e không kịp.
4. Đời đang chuyển mình, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, những chuyện phiếm đáng nên gác bỏ. Nhưng đây là một sự tìm tòi đánh dấu một bước đi chập chững, chậm lụt của khoa nghiên cứu đồ sứ men lam xứ Huế, tôi không hư và chỉ muốn nên. Tài liệu có trước mắt, thiết tưởng nên xuất ra một số tiền để mua cái tô rồi sẽ hay. Phải khai thác nó khi còn bốc hơi còn nóng chờ đến mai, rủi có sự gì xảy đến, cái tô nát đi hay thất lạc rồi, khi ấy có bao nhiêu tiền cũng vô ích, có bao nhiêu nhơn tài và thiện chí cũng trễ mất, người ta làm lớn lo việc đại sự, mình ở trong kẹt ra công lượm mót đồ xưa để bảo tồn cái gì đáng gọi là quốc tuý quốc hồn, nên hay hư, xin hỏi.
B. Kể lại sự tích một chuyên di săn một cái tô xưa
Dùng để chấm dứt một thiên khảo cứu hay nói một cách khách tự mình kể nỗi gàn ương của mình, của một nhà chơi cồ ngoạn “già kén chẹn hom”.
Từ năm 1965 đến năm 1967, mỗi năm tôi đều có dịp ra Huế bốn kỳ, mỗi kỳ tôi ở lại Huế đô suốt tuần có khi đến mươi bữa, tiếng rằng đi dạy học, kỳ trung tôi thừa dịp nầy để thoả thích tánh ham đi săn cổ ngoạn. Tiền tôi lãnh được bao nhiêu ở Đại học Văn khoa, tôi đều cúng trum vào đó. Có khi không đủ còn lén châm thêm liền nhà. Đừng nói lớn, vợ con nghe, nhưng tôi không tiếc. Mua được thì mừng vui, không mua được thì bứt rứt xốn xang, nên thà mua như ai kia mua sâm nhung, hoặc thuốc an thần. Tôi có thể kể ra đây, đóng thành tập sách dày những món quý đã mua được trong mấy kỳ ra Huế, nhưng trong buổi nầy ai còn đầu óc rảnh rang để nghe mình thuật chuyện trồng xoài, vậy để tôi lựa nhón và đơn cử ra một thí dụ nhỏ, đó là chuyện cái tô chế tạo năm Mậu Thìn (1868) đời vua Tự Đức, cũng gọi tô Đặng Huy Trứ.
Thứ ba 5 tháng 10 năm 1965 Ra Huế, ghé nhà ông Khoá Ổi trong Thành Nội. Gặp cái tô nầy lần thứ nhứt. Mãi đến 31 tháng 3 dương lịch 1968, tức trên hai năm trường tôi mới mua tô được.
Mà sự mua chác nầy, theo tôi là do một tiền định, một duyên kiếp, một phần may rất lớn, tuỳ người ngoài hơn là tuỳ ở nơi tôi.
Khoá Ổi lấy cái tô ra cho tôi xem. Ông ra giá sáu ngàn đồng (6000S00). Tôi chê mắc, nhưng không nói, và tôi chê thầm nước men còn mới quá. Lại nữa, mấy lúc gần đây, tôi xét lại tôi mua đã nhiều, nên tốp bớt và nên dành tiền dùng khi bóng xế về chiều không lột da sống đời và cũng không chắc sống thêm bao lâu nữa hòng tham lam chất chứa của nợ. Con gà ăn no thì bươi; người chơi đồ cổ đã nhiều thì hay kén chọn. Tôi trả bốn ngàn. Khoá Ổi bao giờ chịu bán... Tôi ra về, mà lòng nửa tiếc, nửa làm gan: cắn răng thi đua, xem ông bán trước hay tôi mua trước.
Thứ bảy 16 tháng 10 năm I965 - Về Sài Gòn nhớ tới cái tô, khó chịu. Viết thơ cho một bạn lão thành cố tri là ông ấm Tư, cậy bạn hỏi thăm dò xét về cái tô, điều tra lý lịch... Trong thơ tôi nhấn mạnh: “Tô đẹp thì có đẹp, nhưng tựa hồ còn mới, ấm huynh là người cao kiến, xin xem lại kỹ giùm”.
Thứ năm 4 tháng 11 năm 1965 - Được thơ cụ Ấm trả lời.
Từ bữa được thơ không ngày nào tôi không nhớ cái tô, nhớ và bứt rứt, giận lấy mình sao không mua quách, từ đó tôi trở nên quạu quọ trong nhà không ai chịu nổi. Tôi vừa ăn năn vừa hối tiếc nhưng làm gan cố lỳ, cố lỳ rồi quạu. Sở dĩ tôi không mua với giá 6000 đồng, vì theo tôi: 1) Giá 4000 là vừa; 2) Nếu mua cao hơn không khác nào bắc cầu cho lão Ổi, sau nầy vịn theo đó và leo thang mãi thì ai chịu được; 3) Lại nữa nếu mua giá 6000, lại e cụ Ấm khi hay tin nầy sẽ phiền chăng. Rồi sau nầy, nếu ra Huế, còậii làm bạn với mình trong những buổi đi săn cổ vật. Còn đang phân vân bất nhứt, đấu trí với một người bán đồ cổ bản lĩnh cao, trong cuộc thi đua, tôi cũng cố lý, cho nên mấy tháng sau, nhiều dịp ra Huế, tôi đều đến chào Khoá Ổi, không khác chàng rể ra mắt ông bô mà chưa nhứt định rước “bô-tê” kia đem về. Không thấy Khoá Ổi bớt giá, tôi cứng đầu cũng không ưng trả thêm, cũng vì một chút ỷ y, nhấm không ai biết nhà Khoá Ổi, có tô cổ quý mà đến mua giành. Bỗng một kỳ nọ ra Huế, nghe tin sét đánh: bác sĩ Hà, bạn thân của cụ Ấm và của tôi, mách rằng có con cháu gái Khoá Ổi đến khám bịnh, cho hay cái tô, dường như đã bán về tay một người Pháp chơi đồ cổ, làm chức đại diện (délégué ) gì đó, ông nầy từ Đà Nẵng được một người dẫn mối đến mua và Khoá Ổi đã bán rồi. Giá sáu ngàn đồng không bớt một xu. Nghe tin nầy rồi, đầu xây bồ bồ, choáng váng mặt mày y như lúc bị chúng giựt mất vợ đẹp. Không dám lại nhà Khoá Ổi nữa, trong bụng tức giận mà không biết giận ai. Trông mau về Sài Gòn để gởi thơ cho cụ Ấm nhờ dò lại đích xác xem có quả Khoá Ổi đã bán cái tô thật hay không, hay đây là một tin bịa để thúc hối mình sớm mua. Vài ngày sau quả tôi nuôi hy vọng trở lại, vì thơ trả lời cụ Ấm nói “Khoá Ổi trả lời với cụ, rằng lô kia còn đó chưa bán cho ai”. Được tin như vậy, mừng khấp khởi, tôi vui lại như cũ và rất trông mau mau tới kỳ ra Huế để xem cho hản sự tình.
Thứ ba 4 tháng giêng năm 1966 - Tôi ra Huế dạy được hai ngày.
Bữa nay náo nức trong lòng không thể chịu được, trưa ăn cơm hối hả, bỏ giấc ngủ ngày, gọi xe kéo tuốt lại nhà Khoá Ổi để mau nhìn mặt cái tô Nhưng khi đến nơi, lão Ổi tỉnh bơ, không đả động gì đến chuyện cái tô, lại còn mở tủ bí mật lôi ra hết món nầy đến món khác, làm tuồng như dỗ trẻ con, hãy quên cái tô đi, đây nầy thiếu gì đồ chơi, không thiếu gì đồ cổ quý và đẹp bằng mười bằng trăm cái tô kia vậy. Thật lão già nầy cầm mình không hơn đứa bé lên ba, hễ khóc thì lấy bánh ra nhem là nín. Kỳ trung cái tô không còn trong nhà nầy nữa, nếu còn thì lão đã lấy ra rồi. Mà nói cho ngay, sự cám dỗ nầy ghê gớm thật. Đồ xưa tại nhà lão, món nào cũng hấp dẫn, vừa thấy là mê ngay. Mỗi lần lão đưa ra một món, là lòng tôi rung lên, mí mắt chớp lia, nhưng tôi cố dằn, một một hai hai đòi thấy cho được cái tô nọ. Sau rốt biết mình bị gạt mớp, không dằn được nữa, tôi xổ hết nư giận, nói thẳngg vài lời từ giã, cho lão Khoá Ổi biết: tô đã bán mà còn đong đưa không nói thật, như vậy là thiếu chữ tín, ăn ở không thật tình, và tự hậu đừng trông mong tôi trở lại cũng không còn muốn mua chác giao thiệp gì với ông. Giận rồi. Tuy sức trói gà không chặt mà nư giận cũng lớn khá. Giận đến muốn chừa, bỏ tật mua đồ cổ cho khỏe thân, và xem có chết ai. Trong tập nhựt ký, nay lấy ra đọc lại, thấy ghi: Tháng giêng 1966, một thất vọng chua chát là mua hụt tô nhà Khoá Ổi có chữ đề “Đông mạch tụ cô tùng”. Nghe đâu tô đã lọt về tay một người Pháp ở Đà Nẵng, y mua với giá 6000 đồng của Khoá Ổi đã đành. Tuy biết mua hụt thì tức và uổng, nhưng đã trễ rồi. Khác nào bị giựt vợ!
Tháng 8 dương lịch 1966, hay tin buồn. Khoá Ổi đã đi bán đồ xưa dưới địa phủ, không ép được tôi mua cái tô theo giá ông định, ngã lòng và thất bại, ông ra đi không trống không kèn, bỏ tôi lại đây bơ vơ mà nào có vui, vì bị chúng hớt tay trên một món thích, vì tánh chần chờ nên lỡ mất cơ hội tốt. Tôi không còn hờn giận ông nữa và xét cho kỹ, lại có chỗ thương tình. Đã buồn sẵn nay lại buồn thêm, nhớ tiếc cái tô hơn lúc nào cả, vì con cá sẩy là con cá lớn. Nhớ giọng Khoá Ổi ngâm câu “Đông mạch tụ cô tùng”, lây cho mình chứng bịnh tiếc nhớ hão. Tự trách hà tiện làm chi năm sáu ngàn bạc, để nay phải khổ tâm sầu nát. Chưa dứt được tánh phàm, lòng dục vọng làm khổ con người không nhỏ. Dứt khoát được sớm chừng nào, là rảnh nợ đời và khỏi đi tu chùa. Lý luận cho đã rồi nai lưng kệch chạy đi tìm tông tích cái tô hòng mua vớt lại như vậy mới phải là cái thú chơi cổ ngoạn. Nghe tin một người Pháp ở Đà Nẵng mua được cái tô, không nhịn được, hèn viết thơ ngay ra Đà Nẵng, gởi khống nguyền cho ông đại diện lãnh sự Lang-sa vì căn cứ theo lời người mách, chữ delegué rộng nghĩa quá, biết đó là ông đại diện, nhưng đại diện cho ai, cho ông nào, cơ quan hay quốc gia nào? Trong thơ tôi viết gởi đi, cố nhiên là bằng Pháp ngữ, tôi chọn lời khiêm tốn, hết sức yêu cầu, nếu quả có mua, xin bằng lòng nhượng tô ấy lại cho tôi, tôi dùng làm vật nghiên cứu. Xin délégué đến tệ xá, lựa món cổ vật nào vừa ý, thì chúng ta đổi chác với nhau, và trong thâm tâm, sự nhẫn nhượng hy sinh nầy đã là tột bực. Qua ngày 5 tháng 9, quả tôi có nhận của ông lãnh sự Pháp ở Đà Nẵng, một bức thư khá nhã nhặn, nhưng than ôi, ông cho biết ông không bao giờ có mua một cái tô xưa nào ở xứ Huế.
Câu chuyện đi săn mù một cái tô mua hụt, đến đây kể như kết thúc, bài tôi viết hôm nay chỉ làm thất công người đọc, riêng tôi thì hoàn toàn thất vọng, tật buông mồi bắt bóng là tật hư; cũng tại mình, trách ai?
Không khác chuyện một cô gái tân, hồi nó còn ở nhà cha mẹ thì không chịu bỏ trầu cau, mảng chần chờ để nó bị người khác cưới khi ấy nằng nặc xin chuộc, mặc dầu cái tân đã không còn. Quả tôi hư hay không, tôi không cần nói.
Chúa nhựt 24 tháng chạp tây 1967 - Bác sĩ H. từ Huế bay vô Sài Gòn. Ông ghé nhà báo tin mừng đã tìm ra manh mối lão Tây mua cái tô. Có hy vọng nài được duy giá phải cao. Tôi trả lời giá nào bây giờ tôi cũng ưng, miễn đừng lên tới mười hai ngàn đồng, gấp hai giá cũ, thì tôi chịu thua, không với tới.
Tháng hai dương lịch 1968 - Đầu xuân Mậu Thân, thành Huế bị nạn chiến chinh, ngót hai chục ngày, đôi bên đánh nhau, ngày rút lui, thành trì chỗ hư, chỗ đổ nát, cung điện, nóc điện bị bắn bị bom. Rất đỗi thành vua còn bị vạ lây, có ai có lòng dạ nào nhớ đến cái tô quèn. Xin đừng nhắc tới nữa, đau lòng.
Ngày 31 tháng 3 dương lịch 1968 - Buổi chiều, thỉnh lình có bác sĩ H. đến. Ông từ Huế vào, vì máy bay giao thông trở lại. Anh em tay bắt mặt mừng, cả hai nói chuyện không thôi. Bỗng ông rút trong cặp da, cái tô “Đông mạch tụ cô tùng”, ông giao tô cho tôi, nhận đủ mười ngàn bạc, ông ra về, tôi cho giá nầy rẻ hơn giá bán ra của lão Khoá Ổi.
Được tô mừng không chỗ nói; ngâm nho nhỏ đủ nghe: “Rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”! Cầm cái tô trên tay, vì trong trí đã từng gặp nạn như vầy nhiều phen, khiến tuy chưa làm thân chủ dưỡng trí viện Biên Hoà, nhưng trong trí óc phân vân tự ví cái tô kia không khác con người là mấy. Nếu con người nầy là trai trẻ, là đứa con dại đứa con hoang bỏ nhà đi biệt tích biệt tăm suốt mấy năm nay, nay trở về đó, lòng tôi bỗng quên hết chuyện cũ, để vui câu đoàn tụ, huynh đệ cha con sum họp; hơn nữa, hoặc giả người ấy là phận gái một đứa gái hư, một con vợ hỏng, đi biệt mấy năm mất tin mất dạng, nay tần ngần chường mặt ra đó, mình đã không ngầy ngà lại còn chứa chấp, không dám nặng nhẹ nửa lời tỷ dụ “Há” bó đi đâu khiến người ta thương thương nhớ nhớ. Nay về đó, lại còn nhõng nhẽo làm eo làm xách”. Lòng tưởng vậy, tay rút sổ vừa rung rung vừa ghi số mục lục cái tô là số 891. Cả đêm, mừng không ngủ.
Ông Khoá Ổi - Nhơn nói chuyện cái tô tái ngộ, xin có đôi hàng giới thiệu người chủ trước của nó là một nhân vật lạ lùng đất Huế.
Người mà tôi có can đảm đến viếng và được nhắc hôm nay, vì ông không có thi cử khoa nào, nhưng ông đã mua được chức “khoá” và ông tên Ổi, cho nên tôi gọi ông và viết tắt tên ông là K.O hoặc K. Ô. Nhắc lại, cụ Ấm là con nhà quan. Cụ nghè, cậu khoá, tuy không còn thi cử theo lối xưa, nhưng ai cấm cản mình tự.phong hay mua phứt nếu triều đình bán: để xưng hô mà. Vì vậy mà tại Huế, trong thành nội, có ông Khoá Ổi, cũng như đường Hàng Bè có cụ Nghè Hưng, cả hai đều mua bán đồ sứ cổ. Trước đây, ông Cố Trầu, hễ ai muốn dâng lễ lộc, hễ Cố nghe món ấy vật ấy từ nhà cụ Nghè có chân bước ra, là Cố cười hì hì, hai tay thâu nhận, cũng như sau lưng nhà cụ nghè, trên đường Phan Bội Châu, ở trong một hẻm cùng ở sát bờ thành, có đến hai nhà chuyên bán đồ cổ, hai nhà đâu mặt nhau: người anh mập mạp, tên Nai, thì đã dời sự nghiệp về Sài Gòn, còn người em gái, vẫn còn nhà y chỗ cũ; trước đây, chồng chuyên đi lùng mua từ xóm quê nhưng chưa vội trả tiền, kẻ bán gánh gánh hàng đến nhà người vợ thì bị chê mắc, chê xấu, lỡ đem đến đây không lẽ gánh ngược trở về, thôi thì chịu ép hạ giá, vợ chồng toa rập như thế mà làm giàu rất mau. Nơi đường Võ Tánh (Minh Mạng cũ), mé hữu đầu cầu Đông Ba, từ phía chợ bước qua, có một nhà chuyên bán từ chiếc mề đay cũ bằng đồng, bằng bạc của thời các vua xưa nhà Nguyễn, đến bạc nén bạc thoi, hoặc cổ tiền đủ niên hiệu từ Cảnh Hưng đến Bảo Đại, ở đây thỉnh thoảng còn gặp bán vài món cổ vật có giá trị.
Nhưng đi lên một đỗi nữa, cũng còn trên đường Võ Tánh nhưng mé tả, số nhà 53 có một cụ già, theo tôi, lúc đó tại đất Thần kỉnh, cụ Ấm Tư, mới thật là một tay sành sỏi biết chơi cổ ngoạn. Một nhân vật hiếm có, sót lại của thời đại cũ. Lúc sinh tiền, cụ thường dặn tôi rằng: “Ở đời phải biết đờn cho thật tươi, nhưng nên đờn khi hứng cho mình đủ nghe, và nhứt là không nên làm nghề đờn cho đào nó hát lấy tiền; cũng như nên tập chơi đồ cổ cho thật tinh, nhưng chơi đồ cổ để di dưỡng tỉnh thần, mà không nên và tránh đừng trở nên một con buôn đồ sứ phớm phỉnh”. Nhà cụ rất thanh bạch, nhưng tánh cụ rất hào phóng. Khi cụ thích ai, mến được tánh ý, cụ chơi hết mình: ấm gan gà, ấm Thế Đức, bầu sành be sứ, cụ tặng không, không tiếc, một hai không nhận tiền, ép nài cách mấy, không là không. Giữa nhà, nhà lợp tranh nhưng rất tỉnh khiết, thấy treo một biển son đề ba chữ vàng: “Thừa Thiên Sủng” và hai câu liễn cũng chữ vàng:
Long chương nhựt tuấn tam quân lịnh.
Hổ trướng nhân khâm bát diện tài
Hỏi ra ông thân của cụ trước là võ quan hai đời Thiệu Trị và Tự Đức, tức là thống chế, vốn một tay thiện xạ từng theo vua lên núi nhiều phen đuổi thú, săn hổ, săn nai, nên biển và liễn kia không xấc. Cụ Ấm thường đóng cửa ở nhà không giao thiệp với ai, và tôi nhờ cụ Hường Trung Nguyên Hữu Tiến giới thiệu, nên cụ xem là bạn vong niên, nhưng tôi phải học đi bộ cho giỏi, thì mời theo kíp bước chân của cụ, mỗi lần không biết lướt mấy cây số ngàn mà kể. Người quắc thước, lúc tôi đến nhà là xuýt xoát tám mươi, nhưng trông cụ còn khỏe người lấm. Ngờ đâu cách vài năm sau, bỗng nghe cụ Ấm đã mất, vì bị giết trong một đêm mưa dai. Ô hô! tám mươi chưa khoe mình lành. Khoá Ổi tôn cụ Ấm làm hàng thầy, và thường đến nhà vấn kế.
Còn vài nhà nữa, rải rác trong một thành phố nhỏ, cũ kỹ, chung quanh là núi lấp thấp và một con sông rất làm biếng Sông Hương lờ đờ. Muốn tìm các nhà ấy không khó, nhà trong lỗ miệng. Toàn là các tay tập chơi và học bán, chưa phải lành khoa cổ ngạn, và cả thảy đều thua xa ông Khoá Ổi. Ông khoá biết chữ Nho nhiều để đáng mặt thầy khoá. Nhờ ông sưu tập lâu năm và có học thức khác nên nhà ông có chứa chấp nhiều món cồ vật độc đáo. Khác hơn những hạng kia, Khoá Ổi bán với một giá cắt cổ, người nào không ưng mua. Ông không ép, nhưng dám mua, khi đem về nhà, xem lại thì quả không chỗ chê, và rất đáng tiền. Chính nơi đây, tôi đã đào ra một cái đĩa mà nhiều tay mơ cho rằng không đáng mặt làm nắp hũ dưa chua”! Vì cái đĩa ế độ nên chờ lọt tay tôi. Khi tôi có đĩa rồi tôi cậy người hay chữ đọc hai câu thơ đề trên đĩa, thì tôi mừng như ai cho vàng. Thơ đề:
Mó rận luận chơi thời sự
Ngã lừa, mừng tuổi thái bình
Một cái đĩa thứ hai cũng gặp nơi này, trong một kỳ khác đọc là:
Vắt chân nằm ệch ngáy o o,
Ngẫm xem chẳng khác Đường, Ngu thói thuần
Hai đĩa nầy, với cách trình bày đơn sơ, mộc mạc, ẩn một mỹ thuật kín đáo, mới mẻ, theo tôi, quả là hai vật quý của triều Tây Sơn, người chơi đồ cổ có bản lĩnh, dẫu có duyên phần cách mấy, cũng không chắc gặp lại hai lần. Vàng ròng không đổi. Nhưng tôi đã sa đà, quá trớn.
Trở lại Khoá Ổi, trong khi các tay mơ tập bán đồ xưa, chưng bày đầy nhà để câu khách, trái lại Khoá Ổi, cao tay ấn và theo một phương pháp khác hẳn, đồ cổ của ông, ông giấu ém trong hai cái tủ gỗ kê sát bộ ván gõ là chỗ ông nằm khi trưa cũng như lúc tối, còn món nào xét ra quý hơn nữa, thì ông để trong tủ sắt kiên cố cũng kê khít đó. Khi nào có khách sộp đến nhà, ông chưa vội đem ra bán đâu, ông nói chuyện vòng vo Tam quốc, ông lấy ấm quý trà ngon ra bày, ông pha trà thật ngon, thật khéo để đãi khách, cách ông chuyên trà là cả một nghệ thuật khó bắt chước, thảm một nỗi là người ông khô đét và ông ho sù sụ, người khách phát ngán, vì xã giao, bưng chén trà lên ngửi rồi để xuống, nhưng ông không thèm để ý, vì ông mắc lo lấy từng món lạ ra cho xem, và ngã giá. Khách thích đĩa xưa, thì ông có đến mấy chục bộ khác nhau, và cái nào cũng có điển tích hay và lạ, món nào đĩa nào khách cũng ham muốn. Nhược bằng khách thích tô có thơ nôm, hoặc các món khác hằng cổ ngọc, món chi ông cũng đều có và rất khác, không giống những vật chưng bày nơi mấy nhà kia. Người khách nào ngã giá xong và đang sắp sửa gói đồ ra về, khi ấy, ông thu xếp những vật khách không để mắt xanh, ông cất tiền kỹ càng, ông chờ khách nói câu từ giã, ông mới nói một câu thòng mời khách nán lại đôi giây, rồi ông lôi từ tủ kín lôi ra, ông khoe một món chưa cho xem và ông bán nữa. Khách nào như tôi, không dằn lòng ham muốn được khi ở nhà Khoá Ổi ra về, tuy nặng ba ga, mà túi nhẹ không hay. Còn gì tiền mai nầy mua mè xửng, mua nằm Huế về lo lót má bầy trẻ? Nhà Khoá Ổi ở số 12o đường Nguyễn Thành, trong Thành Nội ngõ Đông Ba đi vô một đỗi. Không biết bây giờ cảnh ấy còn như lúc tôi được biết hay chăng