26 (tt)
B. Hình dáng cái tô.

Cái tô nầy tròn và khá rộng lòng tô cạn trẹt trẹt, kiểu chuyên môn quen gọi là kiểu “lòng chảo”. Tô nầy đo:
- Bề ngang trên miệng kinh tâm, đo 215 ly Tây (215 mm);
- Bề cao, từ đáy đo lên miệng: 80 ly Tây (80mm);
- Kinh tâm dưới khu tô: 85 ly Tây (85mm);
- Số vô bộ mục lục: 891.
- Ngày mua: 31-3-1968.
- Giá mua 10.000 bạc năm 1968.
Trong lòng tô, trắng buốt còn bên ngoài, vẽ năm con nai da lốm đốm như bông mai điểm trên mặt đất, chuyên môn gọi kiểu “điểm mai hoa lộc”, năm con lộc nầy đứng dưới gốc một cây cổ tùng, và cảnh trí xơ rơ hiểu ngầm là vào mùa thu, mùa đông lạnh lẽo. Kế bức vẽ, có đề một hàng chữ Hán, đọc là “Đông mạch tụ cô tùng”. Đặc biệt của cái tô nầy là ở dưới đáy, có đề mười sáu chữ vẽ trong một vòng tròn và đọc là: “Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí đông mạch cô tùng”.
Tôi xin dịch tùng chữ là
- Tự Đức: đời vua Tự Đức (1847-1883);
- Mậu Thìn: năm Mậu Thìn đời Tư Đức là năm 1868 dương lịch;
- Trung thu: tức ngày rằm tháng tám âm lịch;
- Đặng: họ Đặng;
- Quý: nhỏ, bực thứ;
- Từ đường: nhà thờ tổ tiên, phủ thờ của một họ;
- Tế khí: đồ dùng trong việc cúng tế tổ tiên, hoặc thần Phật;
- Đông: mùa đông;
- Mạch: đường huyết chạy trong thân thể;
- Cô: một mình;
- Tùng: cây thông, cây nầy lá được luôn luôn xanh, biểu hiện người quân tử, gặp cảnh ngộ nào cũng không đổi tánh, vẫn giữ y như cũ.
Mười sáu chữ ấy gộp lại có nghĩa chung là: “Làm vào ngày Trung thu năm Mậu Thìn đời vua Tự Đức (1868), vật dùng làm đồ thờ để tại nhà từ đường của họ Đặng, dòng út”. Riêng bốn chữ “đông mạch cô tùng”, viết luôn thêm chữ “tụ” cho đúng câu thi ngũ ngôn “Đông mạch tụ cô tùng” mới xem dường khiêm tốn, nhưng xấc ngầm, ý hiểu: thân tôi khác thể gốc tùng già, trơ trọi lá tuy vào mùa đông, nhưng nhờ đất có phong thuỷ tụ, chứng cớ là có năm con nai (ngũ lộc) tựu hội nằm dưới gốc.
Dựa theo hai chữ “tế khí” thì định chắc tô nầy đặt làm để dùng chứa nước tinh khiết dâng trên bàn thờ, gọi tất là “tô thờ, tô cúng”. Đúng ra phải đủ cặp, vì tục dạy thờ đủ cặp, để kèm hai bên chiếc lư đồng, hai đầu có hai chưa đèn lớn. Vả lại, vì là tế khí, nên lệ đặt làm có một đôi, hoặc làm hai đôi nếu nhà có hai bàn thờ tả hữu, và như vậy không bao giờ đặt làm nhiều hơn, như các vật dụng chén đĩa từ khí khác. Hiểu như vậy rồi, trong trí tôi nảy ra câu hỏi: “Vậy thì còn một cái tô nữa cho đủ cặp, hiện nay ở đâu?”.
a) Nếu có tại nhà họ Đặng, thì cố nhiên người đi tìm mua (có lẽ là ông Khoá Ổi) không dại gì bỏ sót lại, vì bán đủ cặp được tiền hơn bán lẻ, và đã rinh luôn một lượt và đã như cái tô nầy, hiện nay lọt về tay tôi rồi.
b) Theo ý riêng tôi, thì tôi định cái tô thứ hai, nếu có, thì lúc ông Khoá Ổi gặp, đã không còn nữa, hoặc đã bể hoác đã mất, chớ không lý, tôi xin lặp lại, không lý ông Khoá Ổi là người lão luyện trong nghề, lại thiếu tâm lý rứt tô đủ cặp ra bán từng cái một cho mất giá, và tô trở nên vô dụng vì không ai thờ tô lẻ loi trên bàn thờ. Về tục lệ đồ hương hoả, nếu có chia chác, lúc phân chia gia tài, thì đồ tế khí thuộc về người con trưởng thừa hường để tiếp tục việc phụng tự tổ tiên và vẫn được lãnh đủ cặp đủ đôi mới dùng được Như thế thì tô thứ hai kia đã không còn, và cái tô hiện tôi có đây là tô duy nhứt, nói theo chữ là tô “độc nhất vô nhị”. Chính ông Khoá Ổi không nghĩ đến chi tiết nầy, nếu ông biết ắt ông không bán với giá 6.000 đồng mà còn bán mắc nhiều hơn nữa. Đối với gia đình thờ phụng ông bà thì cần dùng tô đủ cặp, còn đối với người chơi đồ cổ như tôi, thì càng hiếm lại càng quý, và tôi có cần dùng làm chi tô đủ cặp, tô lẻ còn một cái một, mới là quý cho chớ!
Mà cũng không phải vì nó có một cái duy nhứt, nên tôi gọi rằng quý, và vì vậy mà tôi tìm mua cho kỳ được. Sở dĩ tôi mua mắc là tôi hiện cần dùng những cổ vật để chứng minh về nước men các đồ sứ gọi bleu de Huế (đồ sứ men lam chế tạo cho Huế), (tôi nhấn mạnh “đồ sứ chế tạo cho Huế”, làm riêng cho Huế dùng, chớ không phải đồ chế tạo tại đất Huế, làm và sản xuất tại Huế. Danh từ Pháp “bleu de Huế” nầy đã làm cho nhiều người chơi đồ cổ hiểu lầm về chi tiết nầy, nay xin đính chính).
Hiện thời, trong nhà tôỉ cũng như suốt một đời tôi, tôi đã hi sinh, nhịn ăn nhịn mặc, nhịn đi ciné, thà để vợ con rách rưới, là vì tôi mê đồ cổ: có bao nhiêu tiền tôi đều cúng cho đĩa sứ men lam.
Kể ra, tôi sưu tập khá nhiều và đã có nhiều món đủ chứng minh những vật chế tạo vào những năm có phái đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc, tỉ như:
1) Bộ chén trà năm Giáp Tý (1804), tức bộ chén nầy làm để kỷ niệm năm vua Gia Long nhân sắc phong của thanh đế. Đúng ra vua tức vị năm Nhâm Tuất (1802) đã lập đàn lễ cáo trời đất, thiết triều cho các quan lạy mừng, và đặt niên hiệu “Gia Long nguyên niên” vào tháng năm năm Tuất ấy, nhưng thật ra đến năm Giáp Tý (1804), Thanh triều mới sai án sát sứ tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang Hà Nội tuyên phong, và đến năm Bính Dần (1806), vua mới làm lễ xưng đế hiệu tại điện Thái Hoà (Bao nhiêu chi tiết vặt vãnh nầy đủ chứng minh mấy năm đầu niên hiệu Gia Long, trong nước vẫn chưa đại định).
2) Một bộ chén khác, vẽ tích “ngũ liễu”, làm vào nam đi sứ triều vua Tự Đức, chén trà ngũ liễu có rất nhiều, nhưng đây là bộ chén chế tạo vào năm đi sứ năm Đinh Tỵ (1857), ngụ ý mượn hai chữ “ngũ liễu”, cũng đọc trại trại “ngũ lão” để cầu viện binh, lấy cớ năm ông lão đời cổ rất là thân thiện với nhau. Hai năm sau, năm 1859, thì xảy ra trận giặc Việt đánh với giặc Pháp và I-pha-nho hiệp sức cấu xé nước ta và đoạt đất Nam Kỳ (giặc năm Kỷ Mùi 1859);
3) Tô vẽ tứ thời, để niên hiệu đi sứ năm Gia Long Mậu Thìn (1808);
4) Tô vẽ tích “anh hùng độc lập”, vẽ một con gấu đúng dưới gốc cổ thụ, và một con ó dữ đậu trên cao, kiểu nầy vì vậy cũng gọi kiểu “ngấu ó”. Niên hiệu đề “Canh Thìn” (1820), đây là năm đi sứ triều Minh Mạng sang Trung Quốc cầu tấn phong. Xét theo nước men, bộ chén nầy cổ hơn men bộ “ngũ liễu năm 1857” thì đã đành, nhưng phải cẩn thận và không nên đưa bộ chén lên một con giáp nữa, tức năm đi sứ 1760, Cảnh Hưng năm 21, sứ bộ do ông Lê Quý Đôn cầm đầu. Bộ chén nầy, nước men tuy già dặn, nhưng định năm 1820 là đúng, chớ định năm 1760 là quá hớp.
Phàm chơi đồ cổ có chân tâm, phải dè dặt, phải cẩn thận, thà định tuổi thấp, cho người thức giả kéo lên là vừa, chớ định cho cao để sau nầy có người bác bỏ thì còn gì uy tín;
5) Lại có một bình tích sứ thật to còn đời nắp vòi, vẽ tứ linh và mỗi con long lân qui phụng, đều có kèm một bài thơ kế bên. Hiệu đề “Thạnh tường thuỵ chế”. Bình tích nầy, do vóc thật to, làm cho tôi suy nghĩ, trong Nội phủ, thuở xưa đã chế tạo vật nầy để dùng chung trong phủ, trong nhóm cung nữ phi tần, khác với ấm con dùng riêng vua chúa. Ban đầu, tôi định vật nầy làm để dâng cho chúa Trịnh Sâm (1767- 1782). Vì Tĩnh Đô Vương, lấy hiệu là thánh Tổ Thạnh Vương. Nhưng xét một lẽ khác thì bình tích nầy khéo quá, độc đáo quá, nên sắp vào hạng “quân diêu” (kuan-yao) mới vừa. Phải cũ kỹ hơn men Kiền Long (1736-1796) là vua đồng thời chúa Sâm. Nhưng năm Canh Tý (1780), chúa ăn lộc tứ tuần; qua năm 1782 (Nhâm Dần) chúa mất (chúa sanh năm 1739, Kỷ Mùi): còn nước men nầy già giặn hơn nhiều, thì phái làm sao Vì lẽ ấy sau tôi định lại, rằng bình tích nầy chế tạo vào đời vua Khang Hy (1662-1722), và vì xét theo bốn chừ “Thạnh tường thuỵ chế”, tôi định chục lại là làm vào năm ăn mừng Khang Hy trị vì đúng mười con giáp (sáu chục năm), như ấy là năm Nhâm Dần 1722. Thuyết nầy thêm vững, vì sau nầy tôi cậy người dịch kỹ những bài thi trên bình thì đều ca tụng một buổi thạnh triều thạnh trị, ám đời chỉ Khang Hy mới đúng, việc nầy tôi có nói rõ trong tập số 9 bộ Hiếu cổ đặc san, nên ở đây tôi không lặp lại. Còn cái thuyết trước định chế tạo cho chúa Sâm, tôi xin nói, vẫn chưa sai, vì bình nầy gặp tại Huế, tức trên đất Việt Nam và có lẽ do một sứ bộ Việt thỉnh về từ trước, để dâng chúa Sâm vào dịp lễ tứ tuần: rồi sau đó, bình theo gót lưu vong, lạc loài mãi, vô Huế, sau rốt lọt về tay lão Vương già. Việc tuần hườn trời đất nói không cùng: riêng về khoa giảo nghiệm đồ sứ cổ phải cho phép bàn đi cãi lại, và không nên quyết đoán lắm, e sai với thực tế, còn hấp tấp quá, vội vàng quá, cũng không xong. Sức bực các nhà thông thái giỏi hơn bá bội còn lầm; duy có người chê đè, ghét triều Nguyễn, rồi ghét luôn đồ sứ Nguyễn, thì cho tôi can. Mẹ cú đẻ con tiên; thằng an ninh, thằng công an, ghét đã đành, nhưng con nó có tội tình gì, thêm thật đẹp, thì mới làm sao? Tôi đã quá tuổi tôi không dám thêm thắt lời nào, duy sẵn tánh khoan dung, nếu không ai thâu nạp thì tôi sẵn lòng chấp chứa, dẫu có tội cũng chịu.
Tóm lại, tôi có đủ dùng để nghiên cứu, duy thiếu một vài món để chứng minh giai đoạn gần đây, khoảng một trăm năm làm hạn.
Ban sơ tôi gặp được cái tô Đặng Huy Trứ nầy, để rõ làm vào năm Mậu Thìn đời Tự Đức (1868), tức được một trăm năm, đáng lẽ tôi mua liền đó, nhưng tôi đã dại dột bỏ mất cơ hội nào chê men mới, nào chê giá mục, đến khi giựt mình hồi tâm, biết rõ “nó mới”, chính vì nó chỉ có một trăm tuổi (1868- 1968), và nước men đồ sứ làm năm 1868 là dường thế, cái tô nầy đã có niên hiệu Mậu Thìn (1868) làm chứng, mà tại sao lúc gặp tôi còn chần chừ?
Trở lại thiên khảo luận của tôi, “Tìm hiểu men lam xứ Huế” thì được cái tô nầy, không khác ai cho một trang kết luận lý lẽ xác đáng, tôi không mừng sao được. Một điều nên tha thứ và thông cảm cho nhau, là trên đời không ai dám khoe trọn lành và lành nghề. Dẫu kinh nghiệm có thừa mà trong túi anh Hai đi vắng thì người đó cũng hoá dở, vì mảng do dự làm mất cơ hội như tôi là thường thấy. Nếu phải được chánh phủ viện trợ, tài trợ, tiếp tay chút ít, thì đâu có xảy ra việc lôi thôi, nhưng nếu được cung cấp dồi dào quá, nhiều khi cũng không hay, vì bạ đâu cũng mua, gặp đâu cũng gọi là quý, cho nên tôi nói: thiếu hay thừa đều có sở trường sở đoản. Dám khuyên ai muốn bước chân vào nghề hãy có đủ can đảm chịu nghèo, thà mua lầm, nhưng cũng cần xem đi xem lại, cho kỹ trước khi mua một món đồ, miễn đừng quá chần chờ như tôi, không khéo sẽ bỏ qua nhiều dịp tốt.
b) Để hiểu biết thêm về chuyện cái tô, tôi xin trích ra đây hai tài liệu về tiểu sử ông Đặng Huy Trứ, là người đã đặt lò sứ bên Trung Quốc làm cái tô và vốn là người chủ trước nhứt của cái tô nây:
1) Tài liệu dựa theo bản dịch ra quốc ngữ của bộ Văn hoá Sài Gòn:
Lúc ấy có lời ca dao rằng:
Thế gian Đặng Trứ là đầu,
Chiếc thuyền thương mại sang Tầu, sang Tây.
2) Và sau đây là tài liệu theo bản dịch của NXB Văn hoá, Hà Nội, sao lục từ Paris gởi về:
511 - Đặng Huy Trứ (thế kỷ XIX):
Đặng Huy Trứ, tên tự là Hoàng Trung, người tỉnh Thừa Thiên.
Không rõ ông sinh và mất năm nào. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thần đồng. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu cử nhân, rồi thi hội trúng cách, nhưng bị phạm trường quy, thành ra hỏng tuột.
Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông thi lại đậu thủ khoa. Niên hiệu Tự Đức (1848-1883), ông làm tri huyện, thường dâng sớ điều trần về những điều ích nước lợi dân. Tự Đức cho làm Bình chuẩn sứ, trông nom việc buôn bán ở các cửa biển và tàu thuyền xuất nhập.
Tác phẩm có:
- Hoàng Trung thi sao (thơ), VHV. 83, VHV.294;
- Tứ thư văn tuyển (văn), VHV. 341;
- Tân niên Thanh Khang Hy ngự đề canh chức đồ phó bản (nghệ thuật) VHV. 823;
Nhị vị toàn tập (văn), VHV. 942;
- Việt sử thánh huấn diễn nôm (sử, văn);
- Nhị Hoàng di ái tập (văn);
- Bách duyệt tập (văn);
- Tòng chính di quy (văn);
- Sách học vấn tân (giáo dục);
- Đông nam tân mỹ lục (văn);
- Tứ thập bát hiệu ký sự (sử, văn)
Ngoài ra ông còn san khắc nhiều sách, như Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái.
(Lược truyện các tác giả Việt nam (tập 1): tác giả các sách Hán, Nôm. Trần Văn Giáp chủ biên. Tạ phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng, Đỗ Thiện, trang 408-409), căn cứ theo tài liệu xuất bán ở Hà Nội, thì Đặng Huy Trứ thi đậu thủ khoa năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Còn xem lại tài liệu Sài Gòn thì ông đậu giải nguyên năm Tự Đức thứ 7 (1854). Không biết bên nào nói đúng? Muốn tra cứu bộ Đại Nam chính biên liệt truyện, thì bộ nầy chưa dịch ra quốc ngữ, đành chịu thôi.
Khi tôi ra Huế, về tiểu sử Đặng Huy Trứ, tôi nghe thuạt lại ông có một tiểu thơ gả cho một người Pháp, sanh được hai trai đều làm giáo sư, một ông dạy ở Huế, một ông dạy ở Sài Gòn, đều tên có chữ C. đứng đầu, tin nầy xin cho hậu cứu.
Năm 1955, ở Viện bảo tàng Khải Định (Huế), tôi có chụp được ảnh một đĩa cổ, tuy đĩa đã nứt làm đôi, nhưng nếu tàng trữ tại viện thì rõ là đĩa hiếm lạ: đĩa nầy vẽ hình cá lội giữa đám rong, và sau đáy có đề một vòng tròn Hán tự, đọc là: Tự Đức Mậu Thìn, Trung thu, Đụng quý từ đường tê khí ngư tạo” cả thảy mười bốn chữ, và xin đọc kỹ “ngư” là cá, đừng lầm “ngự tạo” là đồ ngự chế cho vua dùng.
Ngoài ra, cũng đồ từ khí tìm được tại nhà thờ họ Đặng, nhưng thuộc dòng cả, tôi may mắn gặp lại hai cái tô chấm san thuỷ giống nhau và da rạn, đáy ký hiệu chữ “nhựt” (đời Tự Đức). Nơi đáy có chạm thêm rất sâu, bốn chữ đọc là “Đặng bá từ khí”. Như vậy đây quả là tô chứa nước cúng trên bàn thờ nhà họ Đặng và thuộc dòng lớn. Nhưng đây không phải là tô đặt làm riêng, vì ký hiệu “Nhựt” chớ không phải hiệu “Đặng quý tế khí” v.v... Sau nầy, tôi từng gặp lại nhiều tô ký hiệu Nhựt và cũng chấm san thuỷ y như tô nầy, khi ấy tôi khám phá ra tô san thuỷ Nhựt cũng là tô do Nam triều đời vua Tự Đức phái cho ông Đặng Huy Trứ, chức dinh điền sứ đặt lò Trung Quốc làm, và có lẽ ông Trứ, nhơn thấy kiểu tô khéo, nên có lấy lên vài cái chạm thêm bốn chữ “Đặng bá từ khí” và dùng làm tô cúng nước nơi nhà riêng chăng, và đây cũng là lập luận phóng ước của tôi mà thôi. Như đã nói, tôi gặp lô kiểu “san thuý hiệu đề chữ Nhựt” nầy nhiều lắm, gặp trong Nội phủ và rải rác gặp nơi các hiệu buôn đồ cổ Huế và ở Sài Gòn đâu có, nhưng tôi dám quả quyết đây là loại tô đặt riêng cho triều đình Huế dùng, một là vì có bài thi nôm hai là nét chấm phá nùi non đều đặc biệt là núi non vùng Huế. Nội cái bài thơ chữ Nôm nầy, cũng đủ gọi tô quý. Trong giới chuyên môn chơi đồ cổ, thường đặt nhiều danh từ chuyên môn riêng để dùng, tỉ dụ những đồ đặt chế tạo trong năm đi sứ thì gọi “đô sứ”, hoặc giả đó là đồ vẽ theo ý thức riêng của mình thì gọi “đồ ký kiểu”, và cặp tô nhà họ Đặng nói đây, đều thuộc hai loại nầy. Bài thi nôm là bài ngũ ngôn bát cú nhưng không viết làm tám hàng:
Một thức nước in trời,
Đò ai chiếc lá khơi (hay là “lửng lơ khơi “)
Non xanh xem vọi vọi,
Dòng biếc thấy vơi vơi,
Mắng khúc Thương Lang khảy
(có người đọc: “Hò khúc Thương Lang gởi”)
Ưa tình lữ khách chơi;
Mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời.
Chớ chi người chế tạo cái tô nầy, ưng viết bài thi nôm ra tám câu như trên đây thì không có chuyện. Đằng nầy, nhơn khúc san thuỷ choán gần hết chỗ là một lẽ, còn một lẽ khác là người Trung Quốc họ thích trớ trêu đấu trí, cho nên bài ngũ ngôn bát cú nầy, họ ghi trên tô làm sáu hàng, mối hàng bảy chữ y như sau đây:
Một thức nước in trời đò ai
Lửng lơ khơi non xanh xem vọi
Vọi dòng biếc thấy vơi vơi mắng
Khúc Thương Lang khảy ưa tình lữ
Khách chơi mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời CẨN BÁI
Đã là thơ ngũ ngôn bái cú có bốn chục chữ, mà không viết làm tám hàng theo cổ lệ, mà nhè viết làm sáu hàng bảy chữ, vị chi là bốn mươi hai chữ, thiếu đi hai chữ, ông thợ Tàu ta bèn thêm đại hai chữ “cẩn bái” vào, khiến nhà văn Tàu “lạc ông Bổn”, và nhà nho Việt cũng lạc lối, không ai đọc cho ra nghĩa, thiệt là rắc rối và thú vị. Vả chăng chữ nôm đã là mắc mỏ, thêm người viết không thành thạo lối chữ nầy, khiến cho nhiều chữ hoặc thiếu nét hoặc dư nét, và sắp đặt bay bướm theo kiểu “Ba Tàu” nầy, thì quả là một bài toán đố hay một lối phát toa kiểu Cống Quỳnh? Cái thú bất ngờ của khoa chơi cổ ngoạn là vậy.
Việc đâu còn đó, nay dựa theo câu “Mong chờ yên sóng gió, Qua lại mặc người đời”, nhắc lại năm tôi còn làm nơi Viện bảo tàng Sài Gòn, tôi có viết đăng báo Việt và báo Pháp, trong bài tôi đưa ra lập luận định chừng:
1) Tô làm vào những năm đại loạn sau khi vua Dục Tôn (Tự Đức) thăng hà (1883),
2) hoặc làm vào năm vua Hàm Nghi mông trần (1885);
3) Hoặc giả làm lúc vua Tự Đức còn tại vị (1847-1883).
Tôi đã nói từng gặp tô nầy ngót mấy trăm cái, chứa nơi kho của Viện bảo tàng trong Nội ở Huế, vả chăng đức Dục Tôn, tên huý là Nguyễn Phước Thời, (chữ Thời, cung đọc Thì, thuộc bộ Nhựt), cho nên ngài lựa chữ “Nhựt” làm hiệu đồ sứ. Có lẽ tô nầy đặt làm cả lố bên Trung Quốc khi đem về tới Huế thì rủi vua băng, chưa kịp phân phát trong hoàng thân hoàng tộc, cho nên còn rất nhiều như tôi đã thấy.
4) Một thuyết khác nữa, và chỉ định chừng, không bằng cớ nào chứng minh, là tô nầy cũng có thể do một ông hoàng nào đó ra kiểu. Ông hoàng nầy có lẽ được triều đình rước lên ngôi báu thay vua Dực Tôn, nhưng ông hoàng ấy ngao ngán thế sự thấy toàn những gương không tốt đẹp, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phước, đều bất đắc kỳ tử, làm vua chưa nóng ngôi tôn, nên ngài nhượng bộ cho ông khác, và thổ lộ can tràng trong bài thi có nhiều ý nghĩa nầy, thà làm ông hoàng nghèo mà sạch, thà làm ông thi sĩ được danh lưu hậu thế, còn sướng hơn làm vua trong ba hồi trống giục.
Ông hoàng phi-lô-sốp nầy là ai, cũng như trong bốn thuyết, thuyết nào là đúng? Tôi nêu câu hỏi đã nhiều năm mà chưa thấy trả lời. Kỳ tháng chín năm 1967, tôi ra dạy ở Huế là kỳ chót, tự tôi xin rút lui, vì linh tính bảo không nên kéo nhây ra ngoài ấy mãi.
Kỳ đó, tôi ngỏ ý muốn đến tận nhà cụ Đặng Huy Trứ để xem cho hản. Nhưng tất cả anh em đều khuyên tôi bỏ ý định lãng mạn ấy vì vùng Bao Vinh lúc đó kém an ninh. Vả lại nhà ấy đã bán đến đồ tế khí, thì liệu nầy còn giữ được chi nữa mà hòng đi.
Xét lại theo câu vè và câu ca dao để lại, và tin đồn “con ông lấy chồng Tây”.
Trong bài thơ, câu nhì có “thuở nào”, xuống câu năm có “thuở trước”, chữ trong bản Lê Quang Chiểu làm sao, tôi chép ra làm vậy, cũng như câu tám “liều khuây” hay “liền khuây”, tôi không dám động tới và xin chừa các nhà sành điệu dạy cho. Sau đây, xin ghi lại một giai thoại: Có một đôi thơ cũ là “Vi thuý đầu can nhựt, Kỳ sơn nhập mộng thần”. Hai câu nầy ghi trên một món đồ cổ, ông Trứ đã đổi lại làm hai câu thất ngôn như vầy: “Trước anh Vị thuỷ đầu can nhựt, Đại thánh Kỳ Sơn nhập mộng thần”. Một ông đồ nho đọc giùm tôi hai câu nầy và chép cho tôi “Trước anh vị thuỷ”, nhưng mặc dầu tôi dốt chữ, nhưng tôi tò mò mãi và khám phá ra, nên đọc “Trứ anh Vi thuý đầu can nhựt”, đọc “Trứ” chớ không phải “Trước”, và “Trứ anh” tức là “Anh Trứ”, tức Bố Đặng Huy Trứ chớ không ai dám làm như vầy. Ông đặt làm bình vôi có ghi câu Trứ Anh, ông bán bình vôi được nhiều tiền, ông sửa câu thi cũ, ông là người dám ăn dám làm, cho nên việc gả con cho Tây, tôi tin rằng có. Sanh tiền ông quá quắt không vừa: đạp đổ nề nếp xưa nên gả con cho dị quốc, giao thiệp rộng, nghe thấy xa, đi Tàu, đi Tây, những việc ấy, đã có người bàn nhiều, tôi không dự, duy tôi xin đồng bào ngày nay nhìn nhận: dừng về phương diện mỹ thuật và văn hoá, phải ghi công lớn cho ông, như vậy mới công bằng. Chính nhà vua rất hiểu, nên tuy “làm hao hụt công quỹ”, nhưng vua không làm tội nặng, chỉ giáng chức. Những tác phẩm ông để lại, nay còn giữ được chăng. Có phải vì mắc tội không đáng, nên ông soạn bộ “Nhị độ mai” mà không đề tên tác giả, và mượn nhân vật trong truyện, kể nỗi oan của mình?
Kết luận. Về cái tô “Đông mạch tụ cô tùng “, chuyện có ông Tây nào đó mua cái tô rồi nhượng lại mắc tiền, theo tôi, ắt là chuyện bịa của một người tập buôn đồ cổ, tôi không muốn nói nhiều, e mếch lòng một người bạn đất Thần kinh, dầu chi nay thảy đều là nạn nhơn của thời cuộc. Duy cho phép tôi nói, tôi chơi đồ cổ đã gần suốt một đời dài, mà chưa thấy nên thân chút nào. Nay đã gần xuống lỗ, tôi lại muốn chỉ cái “hư” đáng trách cho hết thảy mọi người thấy hòng lánh xa, vậy những lời tôi nói đây, đều thiết yếu và chân thật. Tôi dám khuyên các bạn, nếu còn đủ sức, nếu có phương thế, cũng nên tập chơi đồ cổ, mặc dầu đất đứng một ngày mỗi eo hẹp, nhưng theo tôi, cũng vì vậy, mà nên chơi để giết thì giờ. Lúc trước, có người giỡn tiền, vãi bạc cho gái, hết triệu nầy qua triệu kia, lại sao? Nếu lúc nhỏ, tôi học nghề thợ bạc theo gương ông bà, thì nay đã sạt nghiệp, treo giò. Nếu tôi bỏ nghề cạo giấy, xin môn bài buôn cổ vật, thì nay đã không còn mà chớ, thêm con cháu ắt đi vùng kinh tế mới (viết câu nầy năm 1978). Có dè đâu, đeo đuổi nghiên cứu ba cái lọ cổ ba cái đĩa xưa mà được an thân? Đố ai biết trước mà đi con đường đúng?
Trở lại nghề chơi đồ cổ, tôi xin nhắc không phải đụng giống gì cũng mua, mua của bá láp, đã tốn tiền thêm chật nhà, con cháu rủa cũng phải. Mua lếu mau sạt nghiệp, thêm không sắm được món gì bổ ích. Đó là phí công đi quét lá rừng, lá còn mãi, biết bao giờ rừng sạch? Phải lập chí và tìm bộ môn nào hạp với ý mình, như vậy mới thấy thích thú. Sơ lược tôi có mấy tỷ dụ nầy, mặc ý chọn lựa:
a) Đồ sứ có thơ nôm - Sắm nó, vừa có món lạ, vừa học nhom nhem chữ nôm chơi. Đây là môn tôi ưa thích, và khi tôi chỉ cho bạn, vô tình tôi kiếm thêm cho tôi nhiều địch thủ lợi hại, vì có nhiều tiền, nhưng vì là môn sở trường nên tôi không sợ. Đã là người Việt thì phải lo cứu vớt đồ sứ nôm, kẻo kíp chầy, đồ sứ nôm, tuy không chân, nhưng biết chạy.
b) Đồ sứ ký niên hiệu những năm đi sứ: Giáp Tý (1804) v.v... Phần nhiều, đây là những bộ chén trà độc đáo, của ông Tiên Điền, của ông Nghè Chu Mạnh Trinh, nói tỷ dụ, vân vân vừa chơi đồ đi sứ đem về, vừa chơi đồ của các nhà văn thời cổ? Bộ chén trà Mai Hạc (năm Quý Dậu 1813, có lẽ năm nầy cụ Tiên Điền đem về bộ sách Hán đẻ ra bộ nôm Kiều), một bộ nữa không đề thơ nôm, nhưng vẽ tích “tỵ dực điểu “, dưới đáy ký một niên hiệu đi sứ, trên mặt vẽ tích chim liền cánh, cây liền cành, đúng là của ông cha ta ký kiểu cho thợ Trung Hoa vẽ. Một bộ chén khác vẽ tích Trương Lương lượm dép cho Hoàng Thạch Công, sau trở nên thầy của vua, có thi câu: “Vĩ kiều trích ly trương, Trương Hoàng chuyển đạo thông”, ký hiệu “nhã ngoạn lưu phương” nhưng rõ là đồ đi sứ mua về, nhưng bộ nầy làm sao bì một bộ khác cũng vẽ một tích lượm giày, nhưng câu thi vẫn đổi ít chữ: “Trích lý yên hà ngoại, ân cần cố quốc tâm”. Câu nầy tôi hiểu nghĩa mập mờ thì đã thích thú rồi, nhưng một hôm, có một bạn đưa tôi đi tìm thăm chị Phù Dung trên một động cao, dưới thang ông bạn bắt tôi tuột đôi giày Ba ta, và khi leo lên lầu, tôi gặp yên hà đủ mặt, chợt nhớ câu thi, tôi tỉnh giấc, rõ ràng “trích lý” và “ân cần cố quốc tâm” của tôi là như vậy,
c) Đồ đá, đồ đàn, chén trà, đĩa trà, tô uống nước trà Huế... Đừng chê đó là vật xấu xí, vì vật khinh hình trọng. Đồ da đá, đồ đàn là vật dụng của bình dân, của người củi lụt tay làm hàm nhai. Nếu có một bộ gồm chén bát đĩa tô của người khám phá khai khẩn ruộng vùng Hậu Giang, của đời Tây Sơn, của đời Lê Văn Khôi, Mai Xuân Thưởng, thì hay biết mấy. Trong khi có nhiều nhà quý phái sưu tập đồ ngự đồ quan, mình có đồ bình dân, mới là lạ mắt. Sách kể năm làm cách mạng bên Pháp, có một anh trốn trên gác sàn với một đồng chí phái đẹp, giặc lụt soát dưới nhà nhột quát chị nín không được, gởi bầu tâm sự vào cái mũ của anh chàng cùng trốn, ấy đừng chê dơ bỏ uổng, sau bọn ăng lê đầu sói nài cái nón làm cò-lét-xông, đội trên đầu tóc biết mọc ra?
d) Đồ gốm Bát Tràng là đồ da sành, sản xuất riêng biệt của làng Bát Tràng, nhưng đồ nầy, mình mua không lại anh em ngoài Bắc và trong Nam, đã có đồ gốm Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) chơi tạm đỡ, và cả hai đều là đồ nội hoá quý.
e) Đồ sứ ngự chế - Toàn là của quý, gọi ngoạn hảo, của vua chúa khi xưa dùng. Có một món, vẽ trong lòng, còn chữ thì đề dưới đáy, làm như vậy cho bức tranh vẽ thêm lộng lạc. Và để phá một dị đoan, đĩa làm vào một ngày mười bốn âm lịch là ngày hộ, nên đề dưới đáy thế cho hiệu ký: “Trung thu tiền nhứt nhựt”, (làm trước trung thu một ngày, tức tránh được ngày mười bốn?), (hiện tôi có đĩa mà không có chén, ai có xin cho tôi biết).
f) Đồ gốm Thanh Hoá - (xin đừng lầm với đồ Thành Hoá là đồ bên Tàu).
Có thứ Tiền Tống, có thứ Hậu Đường, có thứ đời Nguyên (1279-1368). Đồ đời Đường, xưng Đường Ngọc, gốm đời Tống tặng là Tông Ngọc, mỗi món giá bằng một gia tài lớn, trên triệu, nhiều triệu. Đồ gốm đời Nguyên, cũng gọi Quan, đã là rất khó kiếm trên nước ta. Trên đồng bào Thượng thỉnh thoảng lại có, và đó là những chóe rượu cần đời Cố Hỷ lưu lai lại đến nay. Họ quý trọng lẩm, không bán đâu. Tôi dặn riêng coi chừng giả hiệu, vì bán được giá, nên con buôn thường giả mạo. Phải lão luyện sành sỏi lấm mới nên chơi các vật nầy. Nếu mua lầm, tốn nhiều tiền, rồi mau thất vọng, bỏ nghề chơi. Ngày xưa, khi làm đường xe hoả xuyên Đông Dương, phu đào đất gặp một vùng cổ mộ đời Tống tại Thanh Hoá, moi ra vô số đồ gốm cổ. Buổi sáng mỗi món thằng Passignat, chuyên bán đồ cổ ở Hà Nội, nó đến đây mua mỗi món một cắc bạc, tức một hào-chỉ (0$10). Đến buổi chiều, vẫn còn đem lại nườm nượp. Tây làm eo, trả năm xu mỗi món lành, có nứt một chút cũng không được. Ngày nay, những món sót lại, giá trên bạc triệu. Nhưng thủ lợi không phải là phu khai thông đường xuyên Đông Dương,
g) Đồ xưa da kiểu, đời Minh Thanh - Bộ môn nầy rộng lớn vô cùng, nếu bắt từ Đại Minh vua Hồng Võ, khởi sự năm 1368, đến vua chót Sùng Trinh (1643), nối qua đời Thanh từ Thuận Trị lập quốc (1644), đến Tây Thái Hậu Từ Hy (1911), giàu địch chánh phủ cũng chưa chắc đủ tiền để mua đủ bộ và đủ hiệu. Biết như vậy rồi, thì nên sắm chơi vừa phải, mua món nào thích, để cho có với người là được rồi. Nhưng bụng tham không đáy, và người chơi cổ ngoạn như bợm say rượu, như gái sai con, hứa với hẹn và thực hành, khó đi đôi. Người nầy vẫn đẻ, người kia vẫn say, còn tên chơi cổ ngoạn vẫn bòn rút vợ con để mua để sắm.
h) Đồ men lam xứ Huế - Tôi còn nhớ năm xưa, tôi viết làm vầy, nhưng có một anh ngồi ty kiểm duyệt, làm tài khôn, cho tôi viết sai, và sửa lại: “Đồ men làm ở xứ Huế”? Rõ ra anh chưa biết men lam là gì. Nay nói bleu de Huế, thì bị bắt lỗi là còn nói tiếng Tây? Tuy gọi làm vậy, nhưng vẫn là đồ Tàu, nguyên đồ các chú đem qua. Ngoại quốc mua tại đây, đem ra gần hết. Khi mua phải dè dặt. Mua vật ăn cắp chỉ nối giáo cho giặc. Bọn trộm biết bán có người mua, bắt bén ăn quen càng trộm già, và bán theo kiểu bán chạy: tiền trao cháo múc, nó bán được rồi rút lui, mình mua lầm, ráng chịu. Vả chăng mua lén đồ gian, tỷ như gặp đồ gốc của viện Huế bỉ mất cắp, những vật ấy đã có đánh số vô bộ kỹ càng, vốn là của công, sau truy ra, đã mất tiền mất của, lại thêm lôi thôi khổ thân bị đòi hỏi, đi chầu chực lòng thòng, nên đừng mua là hay hơn. Một điều dặn riêng, nói chung về mua đồ cổ, là cũng không nên quá nhát, không dám mua thì làm sao có của quý. Luận cho xác đáng, đồ gì lâu đời làm gì cũng đổi chủ, cho nên miễn mua chánh thức lại nhà buôn có môn bài thì khỏi lo, và chẳng nên mua vật nào của trẻ vị thành niên của bọn tôi tớ đánh cắp, của bọn bán dạo vô căn cứ, của bọn mua bán ve chai, những người ấy tình nghi là buôn đồ lậu, không nên rớ đến. Đại phàm, đồ xưa không khác tờ giấy bạc nhà băng, vốn là vật lưu động, hễ vào tay ai là người đó làm chủ. Đã có câu chữ Pháp “povsesion vaut titre” làm thông lệ rồi. Sở dĩ tôi dám khuyên mua sắm thêm, là vì tôi ước ao những người dư ăn dư để, nên tìm cách nâng cao mỹ thuật bằng cách tìm mua cổ vật, trước bày chơi cho vui cửa vui nhà, sau nữa hiểu biết thêm về cổ tích và lịch sử. Cũng là một lối vừa chơi vừa trau giồi văn hoá. Có người có tánh gian và chỉ muốn một mình mình có của lạ, nên xúi quân gian trộm của người khác bán lại cho mình. Đó là một mánh khóe của giới chơi cổ ngoạn, nên tránh. Bài nầy vì tôi muốn dẫn nhiều chi tiết nện đã quá rườm rà, đến lẩn thẩn. Về khoa chơi đồ cổ, không biết nói làm sao cho tường tận. Trở lại đất Huế, tuy vua chúa đã không còn, nhưng cổ tục nếp xưa vẫn còn. Nhơn vật ngoài ấy, quả rất nhiều tự ái. Không nên sớn sác khi ra ngoài nớ, rồi làm như còn ở đất Sài Gòn, xông đại vào nhà lạ rồi xin coi hoặc hỏi mua đồ cổ. Bị mắng cho biết chừng và mang xấu. Trừ những nhà buôn tôi không kể, các nhà khác đều còn giữ vật kỷ niệm, vật lưu lại của ông bà dòng họ để lại. Những nhà nầy, khi nào họ muốn bán ra, thì thường họ nhắn một người quen, làm môi giới, cho biết trước, rồi thương lượng với nhau. Giấy rách giữ lề mà. Nhứt là nhà mấy ông lớn, mặc dầu túng tiền, nhưng thể diện họ vẫn rất lo. Đừng hỏi đến, chạm lòng... Khi cần dùng tiền, các cụ sai tôi tớ ruột thịt đem ra mãi mại giùm. “Mi làm cho ta cái nầy một nghìn!” Đứa ở dạ một tiếng ba làng cũng nghe, ôm món ấy ra, bán được hai nghìn, đem về cho chủ đúng một ghim, và cả hai đều bằng lòng. Nếu bán cho người lạ mặt, sẽ được nhiều hơn gấp mấy, nhưng các cụ sẽ đỏ mặt, chửi đổng: “Quân bây vô lễ? Sao dám nhè nhà ta như vầy mà hỏi? Hói cái gì hừ? Đi ra!” Lật đật ngơ ngác rút lui, ấy là chưa hiểu tâm địa của người đất Huế.
(Viết ngày 1-7-1968)