4
Nhớ song thân

Hà Thị Hùa - Sanh năm Mậu Dần (1878) ngày 19 tháng 8 giờ dần. (Tự Đức năm thứ 31 - Quang Tự năm thứ 4).

Tử năm Quý Sửu (1913) ngày 17 tháng 2 giờ Dần. (Duy Tân năm thứ 7. Trung Hoa dân quốc năm thứ 2).
Mẹ tôi mất sớm nên tôi nhớ mẹ tôi nhiều. Lúc ấy tôi vừa được mười một tuổi đầu. Mẹ con hủ hỉ quyến luyến không rời. Bỗng mẹ mất. Đồng xu miếng bánh nay phải hỏi Ba tôi, ông vốn có tánh nghiêm bình sanh tôi sợ lấm lét. Thét rồi cũng quen, nhưng trong thâm tâm hình dáng người mẹ không thay thế càng in sâu vào, không bao giờ quên.
Mẹ tôi gốc gác người làng Tài Sum, tục danh làng Xoài Cả Nả, nay là làng Đại Tâm. Làng nầy nay đã cải tiến, có nhà gạch, sân nóc bê-tông bằng phẳng, văn minh quá, nhưng làm sao đổi được mấy gian nhà lá dưới bóng xoài cổ thụ, từng che chở tuổi xanh vô tư lự, chơi giỡn dưới bóng nầy, lòng chưa bợn chút trần ai. Khi lấy chồng thì Ba chúng tôi được hai mươi lăm tuổi, mẹ tôi hai mươi hai tuổi năm ấy là năm 1900.
Lễ sính. Ba tôi nói lại gồm:
- Một cây kiềng cổ hằng vàng trơn một lượng năm chỉ;
- Một đôi vàng chạm bát tiên ky thú, kế bên mỗi ông tiên có một hàng chữ; (nay còn giữ được một chiếc làm dấu tích);
- Một bộ cà rá vàng năm chỉ;
- Một đôi bông dâu, một chỉ vàng;
Và bạc mặt để lo liệu đám cưới và đãi tiệc: “một trăm đồng bạc lớn” (100 Đ).
Những đồ nữ trang nầy đều do Ba tôi tự tay sáng chế.
Mẹ tôi nằm bếp cả thảy bảy lần, có một lần song thai, nếu còn sống đủ là tám mặt con, đều là trai, nhưng chỉ tôi còn sống sót, nên được cưng nhiều.
1 - Vương Cẩm, sanh năm Canh Tý (1900);
2 - Một trai sanh năm Tân Sửu (1901);
3 - Vương Hồng Sển, sanh năm Nhâm Dần, 27 tháng 9 ta, giờ Dần (bốn giờ rưỡi sáng).
4 - Một trai sanh ngày mồng 6 tháng 8 năm Mậu Thân (1908).
5 - Vương Tuyền, sanh ngày mồng 7 tháng 11 giờ Thân năm Kỷ Dậu (1909). Không dám nuôi ở nhà nên gởi cho một người Thổ ở Xà Lôn nuôi, người vú đó tên Thock, nên gọi Tuyền là “côn nặc Thock” (con ông Thock). Nuôi mạnh sân sẩn, tôi từng thấy chú nầy, rất sổ sữa. Được ba tuổi bỗng đau rồi chết, theo tôi vì lúc đó không biết cách nuôi hài nhi như ngày nay.
6 - Một kỳ tiểu sản. Tôi còn nhớ năm ấy, đương vây quanh mâm cơm buổi sáng, lối chín giờ ban mai, mẹ tôi mệt, bỏ đũa vô giường nằm. Chưa kịp kiếm bà mụ hay mụ đến chưa kịp thì sảo, làm mệt, trong nhà lăng xăng. Không biết làm cách nào cho người mệt dễ thở, chỉ có cách hơ lửa xoa bóp tay chân. Có người bàn kiếm mai rùa đốt xông cho có khói thì mau thấy khỏe. Bởi không có sẵn mai rùa nên trong lúc bối rối Ba tôi lấy cái xe cát của tôi chơi hằng bữa, đập nát cho vào lò, mà cái xe ấy vốn là mai con cần đước là giống rùa thật lớn; nhờ đó mẹ tôi thoát cơn nguy. Tôi không tiếc cái xe do tay Ba tôi chế, có tra bốn bánh cây và chở cát được nhiều, chơi rất thú, duy nhớ mãi tích nầy, cho đến nay tôi chưa thấy món đồ chơi trẻ con nào ngộ bằng cái xe mai cần đước nầy.
7. Lần sau rốt, năm 1913, nhơn sanh rồi mẹ tôi đau kiết. Thuở đó thuốc men lôi thôi, người sanh mà đau bịnh nầy là rất khó trị.
Thêm trong nhà còn tin nhiều dị đoan. Chỉ rước ông thầy đàn thổ là Cụ Lên đến đọc kinh làm phép giải tà. Uống thuốc Tàu rồi thuốc ta, không gặp thuốc nên mẹ tôi từ trần(1).
Mẹ tôi chỉ có một lần lên Sài Gòn đi một chuyến với Ba tôi. Kỳ đó có sắm được một cái quả xách bốn ngăn bằng tre đan, sơn đen chạy chỉ vàng, nay tôi còn giữ kỹ, để trên bàn thờ làm kỷ niệm. Kỳ đi nầy trước năm sanh tôi, ắt lối năm 1901 gì đó. Thế là cái quả đến nay, đã trên bảy mươi năm.
Mẹ tôi, nước da trắng. Những người bạn gái sau nầy nói lại với tôi “má cháu lịch sự người lắm”(2). Người dáng xinh xinh không cao không thấp, không mập cũng không gầy, tóc đen và dài chí gót. Ra chợ kết duyên với Ba tôi không đầy một năm mà nói tiếng Việt rất rành, pha thêm những thành ngữ Miên dịch lại cho nên lời nói có một hình dung lạ tai, các ý, các bà cùng xóm đều thích và mong kết làm chị em bạn. Có lẽ một phần nào tôi giống mẹ tôi về cách ăn nói, chớ Ba tôi ít cười ít nói, có tánh nghiêm và ngạo thầm nên câu chuyện có hơi buồn tẻ. Mẹ tôi rất giỏi về khoa nấu nướng hằng đổi bữa với các điệu Miên Việt và Tàu đi chợ ít tiền, mà món ăn lạ miệng. Có tánh khéo chiều chuộng chồng, còn đối với tôi thì cưng đáo để. Một tỷ dụ nhỏ là mẹ tôi lựa cá lớn miếng cho tôi ăn mà không dạy cách thức ăn cá có xương nhiều, cho nên ngày nay tôi không biết lựa xương cá. Mẹ tôi biết tôi có tánh thích những gì gọi là cổ điển cho nên thường hay ghẹo. Thậm chí món mắm lóc chưng nguyên con với thịt băm nhỏ là món tôi ghét và ít khi mó đũa vào. Một hôm mẹ tôi dọn trên mâm món đó và nói nhỏ với Ba tôi là mắm lạ của bà Phủ An biếu, mắm cũ để dành đã trên mười năm rồi. Tôi nghe làm vậy ráng nín thở ăn mắm chưng đến quen mùi, tôi biết ăn mắm từ đó; nhưng cũng từ đó mỗi lần dọn mâm lên mâm là mẹ tôi mỗi lần nhạo tôi tật ham đồ cổ.
Mẹ tôi về tướng diện không phải là người yểu số, nhưng không biết vì sao thọ chỉ có ba mươi lăm tuổi. Khi mẹ tôi mất, trong nhà cuộc làm ăn đang phấn chấn bỗng bị ngưng trệ, trong nhà vắng bóng người quán xuyến, buồn bã vô cùng. Tôi vì mê say tiểu thuyết truyện Tàu, lại có ý nghĩ viễn vông muốn tự tử để theo mẹ!
Cái buồn vu vơ nảy sanh từ đây.
Căn bịnh khởi nguyên từ sanh sản, rồi trong lúc nằm bếp, bịnh biến ra chứng kiết. Nếu ngay như bây giờ thì một là không lâm bịnh kiết, vì ăn uống đầy đủ, không nằm lửa nóng nực thì ất bịnh không sanh; hai là với khoa y học tối tân, bịnh dữ cách mấy cũng dễ trừ. Hại thay, thời buổi ấy, thuốc Tây không mấy ai tin dùng vì chưa đủ đảm bảo. Ban đầu mẹ tôi đau sơ sài, uống thuốc thầy Tàu không thấy bớt, tai hại nhứt là bên ngoại tôi một hai ép theo phương pháp cổ truyền trong Xoài Cả Nả rước thầy Miên là Cụ Lên, đưa đến nhà mỗi ngày hai bữa cơm tươm tất có món nhậu ngon lành, để thầy trưa và tối làm phép, đọc thần chú, bắt mẹ tôi ngồi trên bộ ván vạch trần lưng cho thầy vẽ bùa, phun nước phép và cúng bông hoa đèn sáp... Làm như vậy mà muốn con ma bịnh rút lui. Chỉ tốn gà giò, đầu heo luộc, cho sướng miệng thầy nhậu. Bịnh một ngày một nặng. Nằm lửa nóng quán đến lở lưng phải lót lá chuối mà nằm. Cụ Lên đã chạy, day qua rước con của lão, lại tốn thêm rượu trắng, cơm ngon.
Gần Tết, mẹ tôi còn rán ngồi dậy may cho Ba tôi một bộ áo quần lục soạn đen, nói pha lửng “e cho chưa kiếm được người mới” dè đâu đó là lời trối trăng để vĩnh biệt. Rồi còn gượng ăn Tết mua cam Tàu hồng khô, ra giêng thì nằm liệt. Mẹ tôi gọi tôi đến bên giường, căn dặn đủ điều, phải chăm học, coi trong coi ngoài, nữ trang để lại rán giữ để nữa cưới vợ, nói với tôi rất nhiều, nay mới biết đó là lời từ giã, lúc ấy tôi chỉ biết khóc. Ngày mười bảy tháng hai năm ấy, Quí Sửu (1913), mẹ tôi từ trần. Ba tôi là người chặt dạ, tôi không bao giờ thấy Ba tôi chảy nước mắt, thế mà tôi còn nhớ Ba tôi đứng bên giường, khóc lớn khi mẹ tôi tắt hơi: “Mình ôi! Mình bỏ tôi mà đi, sao mình?” Nhớ đến mà đứt ruột.
Mẹ tôi được tẩm liệm trong một cái hòm bằng gỗ sao, giá sáu, chục bạc, một số tiền khá quan trọng vào thời ấy, cho nên ngày nay còn danh từ thường thấy mà không ước lượng giá trị và nghĩa đúng của nó là “đồng bạc lớn”.
Khi liệm tôi cố ý khóc cho rơi nước mắt vào xác mẹ tưởng mong mẹ sẽ về báo mộng cho mình thấy trong giấc chiêm bao, nhưng nào thấy hình dáng mẹ lần nào? Khi động quan, tôi nằm hòm, tức nằm dài xuống đất cho khiêng quan tài đi ngang qua thân thể, gọi rằng báo hiếu theo tục xưa. Rồi phò gậy tang, một nhánh vông nhỏ suôn đuột không có mắt, tượng trưng cho tình mẹ thương con vô bờ bến. Mẹ tôi được an táng trong rẫy nhà, nơi nầy có người ở, không dám chôn ngoài đồng vì sợ quân phù thuỷ trộm đào luyện thiên linh cái. Ma chay làm theo tục cổ giữ đúng theo Thọ mai gia lễ, nhưng năm tôi được mười hai tuổi (1914), nhơn dịp bãi trường, bên ngoại tôi đưa tôi lên chùa Xà Lôn, gần Xoài Cả Nả, xuống tóc cạo luôn chơn mày(3), cho mặc bộ áo vàng của sãi Miên, quỳ trước bàn Phật, có một ông lục Thổ quì kế bên, ông nói tiếng nào tôi nhái lại tiếng nấy, ấy là phép tụng kinh sám hối, cầu cho vong hồn mẹ được sớm siêu thăng. Tục ấy là tục tu tất, chỉ có hai mươi bốn giờ kể một ngọ, trai giới tỉnh túc, lễ cầu siêu theo phép Thổ. Báo hại khi nhập trường, lột nón chào thầy, cái vành nón ở lại trên đầu vì tóc mọc chưa kịp cản vành nón lại như có kim gút cài hay đinh đóng chặt. Miễn hồn mẹ được siêu sinh tịnh độ, mấy chị em bạn gái thấy tôi trọc đầu, nhạo cười tôi nào kể sá gì(4).
Mẹ tôi rất thích truyện Tàu. Tối nào, trong lúc tôi học bài nơi bộ ván, Ba tôi đọc Tam Quốc hay Kim cổ kỳ quan trong nguyên văn chữ Hán, rồi dịch lại cho gia đình nghe, cảnh đầm ấm nầy, khi mẹ tôi chết thì không còn nữa.
Về sau mẹ tôi chắt mót mua truyện Tàu phiên âm ra quốc ngữ, giá mỗi cuốn bốn cắc bạc, lúc ấy chỉ có bán ở Sốc Trăng tại nhà thím bang Quảng Sen (Tchoan-seng) mua từ Sài Gòn về. Mẹ tôi tập đọc với thầy là Ba tôi, và rất sáng dạ, không bao lâu đọc được truyện quốc ngữ. Ngày nay những bộ truyện nầy tôi còn cất giữ trong tủ sách, đóng bìa tử tế nhưng giữ luôn tờ giấy bìa cũ có in năm xuất bản, nhờ vậy biết được truyện Tàu dịch ra quốc ngữ, trong Nam có trước hơn ngoài Bắc.
Tôi nhớ lại mẹ tôi là người có tay đổ bác, đánh bạc ít khi thua, và có linh tánh, bữa nào trong lòng hồi hộp thì ai mời cách mấy cũng không đi và bữa ấy nếu gượng đi thì thua là cái chắc. Nhưng mẹ tôi rất kính nể chồng, khi nào Ba tôi cho phép, mẹ tôi mới dám đi chơi bài, khi thì nhà Bà Phủ An (là bà nội sau nầy của cô Tư Tuyết, người vợ tôi đã ly dị), khi khác nhà ông Bang Tư (Lưu Liễu). Tôi còn nhớ một hôm mẹ tôi đi chơi nhà bà Phủ An về, cầm cho tôi năm ba trái bòn bon, khi khác năm ba trái buồn quân (chứ gọi ngộ quân), khi khác nữa một thẻ sô-cô-la hiệu Nestlé trong có nhân hột điều hạt dẻ, toàn là những thức ăn ngon mẹ lén giấu đem về cho con, khác với gương Lục Tích trong Tam Quốc là con đem về cho mẹ.
Mẹ tôi mất, Ba tôi thủ tang kể ba năm (hai mươi bảy tháng) rồi mới tục huyền. Trên cửa cái, lúc tang khó, có dán bốn chữ Hán giấy xanh kẻ chữ phấn “Tam niên thủ lễ”.
Tôi tuy hư nhiều nhưng tốt số. Mẹ tôi chỉ đánh tôi một lần hai roi nhẹ, vì tội làm biếng ở dơ, không chịu tấm. Tôi có cả thảy ba người dì nối tiếp nâng khăn sửa túi cho Ba tôi, nhưng không có dì, nào nói nặng tôi một tiếng chớ đừng nói chi là đánh đập. Vậy mà, mẹ tôi lo sợ nhứt lúc lâm chung là để con lại e người sau hành hạ.
Đồ nữ trang của mẹ tôi, trên mười lượng vàng, đều do Ba tôi tự tay chế tạo. Về sau Ba tôi đều có trao lại tôi đủ số. Tôi lấy đó cưới bà Tuyết. Không phải tôi nói xấu, nhưng ông nhạc tôi dạy tôi phong lưu tứ đổ tường.
Nhạc mẫu tôi mất năm 1928, tôi được đổi về toà bố Sa Đéc. Lạy cha vợ xin lãnh của hồi môn mười lượng vàng về, là cái hộp không. Cờ bạc thua cầm cố hết. Trao cho tôi ba cái giấy cầm đồ mà tôi làm sao mới ra đời, có tiền để chuộc? May thời sót lại một chiếc sáu chỉ Tuyết đeo trong tay nay đã trả về tôi. Lúc dựng nhà tại Gia Định, mấy phen đem cầm chiếc vàng nầy nơi tiệm nhưng dầu nghèo túng thiếu hụt đến đâu, cũng rán chạy tiền chuộc về vì là di tích duy nhứt của mẹ, các món vàng kia đã bị bên vợ trước cầm bán đánh bạc hết rồi.
Ngày nay trời cho được khác. Tiền tài mà chi? Sang giàu mà chi? Của cải sắm mới chứa đầy nhà thế mà mấy chiếc vàng của mẹ chúc ngôn để lại không gìn giữ được.
Mãi cho đến ngày nhắm mắt lìa đời, mẹ tôi không biết cây son hộp phấn là gì. Cho đến nhiếp ảnh chụp hình lúc đó cũng kiêng vì sợ máy ảnh hớp hồn. Bởi vậy mẹ tôi không lưu ảnh để lại. Với cái đẹp dung dị tự nhiên của hoa mọc ngoài trời, sanh nơi thôn dã, mẹ tôi không sợ dầm sương dang nắng. Chết sớm thật là tức tối. Mẹ tôi mất, thọ ba mươi lăm tuổi. Còn trong tuổi Nhan Hồi (ba mươi ba), nên tục lệ cước thêm ba tuổi (một tuổi vua cho, một tuổi làng xã cho, một tuổi do ông bà cho), trên giá triệu đề thọ tam thập bát tục”, không phải có ý dối trời, thật sự cầu chúc con cháu khỏi nạn yếu số.
Tội nghiệp, tiếng mẹ tôi gọi đây là để viết vào sách. Khi sanh tiền, tôi gọi mẹ tôi hằng cô. Vì nhà có nuôi hai anh học trò học nghề thợ bạc với ba tôi, anh Diệp Hủi (Húc) và anh Hứa Siêu, vốn là cháu gỏi mẹ tôi là cô ruột, tôi bắt chước gọi theo. Gần đậy nắp quan, tôi khóc kể, huyên thiên, cũng réo “Cô ơi! Cô hỡi!”. “Con mà không gọi mẹ bằng mẹ, chữ Hiếu để đâu?”. Quả thật tôi là đồ hư.
Vương Kim Hưng - Sanh năm Ất Hợi (1875), ngày 21-11, giờ Sửu (Tự Đức năm thứ 28 - Quang Tự nguyên niên).
Tử: năm Canh Tý (1961), mồng hai tháng chạp (18-1-1961).
An táng trong rẫy nhà, gần mộ mẹ tôi, ngày mồng sáu (22-1 năm 1961).
Dẫn - Tiểu sử của Ba, tôi viết lúc Ba còn sanh tiền, năm Kỷ Hợi 1959 lúc ấy Ba tôi đã tám mươi lăm tuổi, đã ăn bát tuần cách bốn năm trước, và vẫn còn đủ trí nhớ, minh mẫn và sáng suốt, kể chuyện xưa tích cũ có mạch lạc không lẫn quên chút nào.
Chúng con mừng riêng có hạnh phúc lớn của trời dành lại, còn cha già khương kiện, và con xin phép Ba cho con viết cảm tưởng của con để nhờ Ba đọc và xem lại, như có chỗ nào chưa đúng sự thật, sẽ chỉ dạy cho con điều chỉnh lại, trong lúc Ba còn đủ minh mẫn xét đoán, con cố ý rán viết đúng như con được nghe thấy Ba từ nhỏ, không tô điểm văn hoa, hoạ chăng các em các cháu trong gia đình, khi đọc chương nầy, sẽ biết thêm lịch sử một người cha, một ông nội, một người trong kiễng họ Vương đáng tôn đáng kính.
Cẩn Tự
Sển
° ° °
NHẮC LẠI
Khi ông nội chúng tôi còn sanh tiền, ông có mua được một miếng đất thổ trạch toạ lạc đường Đại Ngãi, giá ba trăm đồng bạc lớn. Sở đất nầy diện tích lối ba trăm thước vuông, hiện có xây hai căn phố một từng lầu do gia đình em chúng tôi là Vương Minh Quan đang ở. Đất nầy thuộc quý địa vì ở ngay trung tâm châu thành trên một con đường thị tứ, thế mà vài năm sau người kế cận nài bán một sở đất y như vậy ở sái sở đất ông nội tôi, cũng định giá ba trăm bạc y như sở nọ, nhưng ông nội tôi không ham mua, nhiều viện lẽ rằng chánh phủ có lệ bỏ tù người thiếu thuế, sợ khi mua rủi hụt tiền trả thuế vào tù là oan uổng quá. Sở đất nầy chớ, chi mua lúc đó thì nới rộng miếng đất kia ra xấp hai, (và nay đã trở nên lai căn phố lầu, một là quán nước, hai là nhà cho vay bạc chetty nay bán lại cho một Huê kiều).
Lúc mua đất, thì ba tôi chưa trưởng thành, cho nên ông tôi khai cước tuổi Ba tôi lên mười tám để có quyền đứng bộ làm chủ đất.
Việc làm nầy có ba ý nghĩa: một là ông tôi thương Ba tôi là con trai trưởng nam; hai là ông tôi tránh đứng tên, e ngày sau có việc tranh tụng lòng dòng giữa hai dòng con chánh và thứ; ba là ông tôi đã có linh ứng không thọ, nên thà để Ba tôi làm chủ là một cách lo xa.
Ba năm sau, ông tôi mất. Ba tôi xiết bao bối rối, vì tuổi hai mươi mốt còn quá thơ, làm sao hiểu hết việc đời. Thêm tứ cố vô thân, không bà con họ hàng, không người chỉ dẫn. Giữa lúc ấy lại gặp nạn bị chủ đất đuổi nhà đòi đất lại. Đất nầy của ông Xường Há là thân phụ bà Năm Ky, bạn của mẹ tôi, vị trí ở ngã tư đường trưởng toà Xavary, nay là dãy phố cha sở họ đạo. Tang cha còn mang nặng trên đầu, vì không chỗ ở nên Ba tôi phải cương ra xây cất ba căn nhà trệt trên sở đất của ông nội tôi để lại. Ba căn nhà ngói nầy, tôi từng ở từ lúc ấu thơ cho đến năm đi học trường lớn Sài Gòn, ngót hai mươi năm trường. Nếu không xảy ra nạn làm đẹp thành phố, dỡ phố trệt xây phố lầu, thì đến nay ba căn nầy vẫn còn tồn tại và trở nên một cổ tích vì rất kiên cố, ít nữa đã từng che chở cho ba anh em chúng tôi, tôi và em Quan em Cảnh, vui sống những năm dài vô tư lự dưới mái ngói tuy thấp nhưng ấm áp và hạnh phúc nầy.
Năm Ba tôi cất nhà là năm Kỷ Dậu (1897). Năm ấy trong tỉnh Sốc Trăng đang bị nạn thất mùa và đói kém. Buôn bán ế nhệ khó khăn. Vì tình thế như vậy, cho nên ông bang Sáo, tên thiệt là Nham A Sao, vừa là bang trưởng bang Quảng Đông, vừa chủ một nhà hàng bán cơm Tây và rượu Tây rất đông khách, vừa là chủ một lò gạch, ông bang Sáo ấy ưng bán chịu vật liệu xây cất nhà cho Ba tôi, chi trả trước mớ nhắm còn lại lần hồi chừng nào có thì trả cũng được. Lại may thời lúc ấy có một nhóm thợ Triều Châu từ bên Tàu sang qua Sốc Trăng cất chùa và hiện đang lâm cảnh không công thất nghiệp, toàn là tay thợ mộc thợ hồ chuyên môn, nhóm nầy đến lãnh làm ăn công vừa hồ vừa mộc, vừa xây gạch lợp nóc vừa bao đồ mộc cửa nẻo hết thảy mà chỉ có một trăm mười hai đồng bạc lớn, thì đủ biết vào đời đó đồng bạc trắng cân nặng hai mươi bảy cà ram quả lớn và nặng đến bực nào. Ba tôi cắt nghĩa cho tôi nghe, trong lời giao kết với thợ: nếu trả một trăm đồng bạc tiền công (100$00) thì thợ khỏi phong tô trên nóc ngói, bằng trả đủ số ruột trăm mười hai đồng (112$00) thì ngói trên nóc phải phong tô lăn tròn như ống, y như nóc các chùa Tàu Chợ Lớn luôn cả con lươn trên nóc cũng phải phong tô chạy chỉ khéo léo.
Sở dĩ đoạn nầy tôi nói dài dòng là muốn cho thấy bạc tiền khoảng 1897 rất có giá trị, công tạo tác 112$00 lúc đó cũng vì bằng bạc triệu ngày nay chớ chẳng chơi.
Ba căn nhà trệt kiểu Tàu nầy rất kiên cố và rất đẹp, theo ý tưởng của tôi. Mỗi lòng căn có ba thước ba tấc bề ngang, bề sâu gần hai chục thước. Mặt tiền nhà, gần mười thước Tây, có một, hàng song cây bằng gỗ dầu vừa đưa ánh sáng vào nhà vừa tôn vẻ đẹp; uổng cho một vuông nhà xưa như vậy cũng như các nhà cổ, lớp trước, nay không còn cái nào để nhắc lai dĩ vãng chợ Sốc Trăng của đầu thế kỷ 20.
Vừa cất xong, qua trận bão to năm Giáp Thìn (1904), nhà của Ba tôi chịu nổi không hề hấn gì. Đầu hôm mưa rất lớn, rồi gió thổi một ngày một mạnh, càng về khuya gió càng to và chuyển hướng, thổi qua lại, đến nỗi gốc me to trồng nơi lề đường trước nhà trốc gốc và ngã luôn vừa tàn vừa nhánh lá, nằm gọn trên nóc, mưa càng lớn hột, gió thổi vù vù, nhà kêu răng rắc, Ba tôi và mẹ tôi đều thức, mẹ tôi ôm tôi vào lòng, đèn đuốc tối thui, bà nội tôi ôm cái mền trùm hết mình mẩy mà còn rên lạnh, cả nhà không dám nới đi đâu, ngồi một chỗ mà chịu trận, vì ngoài đường mưa gió càng ghê rợn hơn nữa. Mấy cánh cửa thông như muốn tốc ra khỏi ngạch; các chốt cây đập qua đập lại, gió chen kẽ khe vách cửa, thổi lòn vào nhà tiếng kêu kèn kẹt nghe như ai rên rỉ và nghiến răng. May sao khi trời gần sóng gió dịu bớt rồi êm luôn. Gần trưa mở cửa ra thì nhà không sao cả, nhưng ngoài đường cây cối nằm la liệt, nóc thiếc, mái hiên hai dãy phố bay tứ tung. Trận bão năm Thìn đến nay còn nhắc. Cả nhà xúm nhau mừng vì tải qua hạn. Một ngôi nhà chắc chắn như thế, vốn xây cất đồng một kiểu với toà công sở Quảng Đông và toà công sở Triều Châu cùng ở một con đường Đại Ngãi, nhưng ở không được suốt một đời người.
Lối năm 1918-1919, có tham biện lang-sa tên Antoine Bon, ông nầy thanh liêm và tử tế như tên đã đặt, cùng đi với một Uỷ ban ra thành phố xem xét từng dãy nhà và ra lịnh trọn phố hai bên con đường Đại Ngãi và đường trổ ra chợ thịt, phải triệt hạ tất cả để thay thế bằng phố có lầu, gọi chỉnh trang thành phố. Nay xin nói ra để thấy sự vị thân vị kỷ của thời đại nào cũng có. Nguyên trên đường đi ra chợ có ba căn nhà trệt của một ông huyện về hưu, ông nầy lại có người con gái đầu lòng gả cho một ông kỹ sư Việt, gốc người ở Sa Đéc(5). Lúc ấy ông Trường tiền ở Sốc Trăng, tên Noncet, có ý tấn ơn quan thầy mình là ông kỹ sư, nên đề nghị chừa lại khỏi triệt hạ ba căn nhà ông huyện, lấy cớ ông là cựu công chức, thanh bạch nên không tiền xây cất nhà lại mới, và tình cảnh đáng nên cứu giúp. Nhưng không lý nội thành phố chỉ chừa có ba căn nhà ấy. Bởi thế, nên tham biện Antoine Bon, khi xét đến ba căn nhà của Ba tôi, thấy còn chắc chắn và mới, nên đề nghị chừa buôn ba căn nầy khỏi triệt hạ lập tức và được triển hạn thêm ba năm nữa, như vậy để tránh lời dị nghị, và đó cũng là công bình vì nhà Ba tôi còn chắc chắn và khá đẹp. Kỳ thật Ba tôi không có vận động và xin xỏ với ông nào cả. Nhưng mặc dầu được triển hạn, đến lối năm 1920-1921, trong lúc tôi lên học trường Chasseloup, Sài Gòn, thì Ba tôi dỡ nhà và cất lại hai căn phố lầu bằng xi măng cốt sắt. Hai căn nhà nầy, mỗi căn bốn thước hai bề ngang, hai chục thước bề dài, lúc xây dựng, chỉ tốn có tám ngàn đồng bạc (8.000$00 và nay mang số hiệu 31 và 33 đường Hai Bà Trưng. Với giá hiện thời, hai căn nhà nầy trị giá phỏng dưới hai chục triệu (bạc năm 1974). Nhưng năm 1920-1921, như đã nói, sở phí xây cất chỉ có tám ngàn bạc (8.000$00) vì lúc ấy sắt chỉ có năm xu một kí và xi-măng bán trong thùng cây một trăm kí, hiệu Port- lanh, sản xuất tại Hải Phòng, chỉ có năm đồng bạc ngoài mỗi thùng. Thợ mộc thợ hồ lành nghề, lãnh mỗi ngày công một đồng năm cắc (1$50) và nhơn công tay ngang tức cu-li thì trả năm cắc bạc một ngày công. Nhưng phải nói một đồng bạc thuở ấy lớn lắm, nên có câu “một đồng bạc xài một ngày không hết”, và có người từ nhỏ đến già, chết xuống lỗ, vẫn chưa thấy mặt tờ giấy một trăm.
Năm Ba tôi cất nhà đây là năm 1895. Lúc đó Ba tôi được hai mươi hai tuổi, kể vào tuổi ấy mà đã có nhà, tự mình bay nhảy với cánh lông của mình, thì cũng là hạnh phúc. Nhưng qua năm hai mươi bốn tuổi thì cô Hai, người chị xốc vác gánh gồng lại qui tiên, bỏ Ba tôi một mình bơ vơ không ai giúp đỡ. Năm hai mươi lăm tuổi thì Ba tôi cưới mẹ tôi.
Nay trở lại, nhà cất xong, khi dọn vô ở, để ăn tân gia, thì Ba tôi chỉ còn vỏn vẹn bốn đồng bạc trắng. Không dám mời ai để đãi đằng. Với bốn đồng bạc nầy, Ba tôi kể lại, thì Bà nội tôi dặn lấy ra một đồng mua một nan sáp trắng Cà Mau để xe cặp đèn lễ Phật; một đồng mua một mâm gạo trong cúng Phật; còn lại hai đồng thì sắm lễ vật rước ba ông Sãi trên chùa Nhâm Lăng đến tụng kinh cầu an theo phong tục Thổ cho trong nhà trong cửa được mát mẻ êm ấm, gọi là lễ “sott monn”. Gọi là sắm sanh lễ vật, nhưng khỏi tốn vì lấy của nhà đã có. Duy khi lễ cầu an tụng xong, sáng ngày tạ công đức ba ông sư Miên, kiếng ông sãi nhì chủ đám một đồng bạc và kiếng hai ông sãi nhỏ theo phụ sự, mỗi ông năm cắc bạc, thế là sau khi rước thầy về làm phép cầu lễ bình yên trong nhà rồi là hết sạch, không còn đồng bạc nào sót lại trong rương. (Mời được sãi nhì vì sãi cả giữ chùa ít đi làm đám).
Tuy vậy trời sanh trời dưỡng. Nhờ Ba tôi làm nghề thợ bạc được nhiều tin cậy nên đồng ra đồng vào cũng đủ chi tiêu. Ba tôi thuật tiếp rằng díp Tết năm đó, trong nhà còn hai phong xu đồng mỗi phong đếm được một trăm đồng xu, tức cả thảy là hai đồng bạc. Ba tôi định bụng sẽ xuất ra hai phong để rước một gánh hát chặp Triều Châu vào nhà hái chơi một chầu thì cũng chưa sao, vừa cầu hỷ cho năm mới, vừa mua vui đầu năm, vừa trút hết những khổ cực ưu tư năm cũ trong chầu hát nầy. Ngờ đâu tang tảng sáng bữa mồng một, cửa nhà vừa hé mở thì đã có một gánh hát chặp vào chảo chía(6). Ba tôi để bọn nầy vào, chúng vừa leo lên bộ ván gõ bên tay mặt trong nhà, ngồi đờn chưa dứt một bản, thì bỗng đâu có một gánh khác nghe trong nầy có tiếng đờn, chúng nó làm như cào cào ăn lúa, chúng xô cửa khép ra vào và leo lên bộ ván bên tay trái ngồi đối diện với gánh kia không đợi mời và cũng bày đờn bày trống ra vừa ca vừa hát vừa chảo chìa, vừa chúc mừng năm mới cho chủ gia câu tân xuân đa thắng sự...”
Hai gánh hát chặp hát xong, Ba tôi thưởng mỗi gánh một phong một trăm đồng xu gói bằng giấy đỏ gọi tiền lì xì (và đây mới đúng nghĩa hai chữ nầy, tức là tiền thưởng công hát; ngoài ra đều lợi dụng và lì xì có nghĩa là hối lộ). Hai gánh hát vừa lui ra khỏi cửa, Ba tôi lật đật gài song đóng kín lại, vì hai đồng bạc (hai phong xu) để dành ăn Tết đã xài hết cả hai rồi. Trong nhà không còn một đồng một chữ nào, nếu cửa không đóng, rủi có một gánh nào đến chảo chìa, tiền đâu mà lì xì, chằng là đầu năm gặp xúi quẩy?
Chuyện tuy ti tiểu, nhưng tôi muốn nhắc lại để cho thấy đời nay hời hợt tiền ngàn bạc vạn chuốc lấy một tiếng cười không tiếc tay, tôi ân hận cho tôi mua đồ cổ quá nhiều tiền, tôi xót thương đời trước cổ nhân và ông bà tôi quá chật vật.
Nhắc việc ba căn nhà cũ, nay tôi thầm tiếc vì nếu không có việc kiến thiết canh tân, thì ắt đến nay vẫn còn tồn tại vì xây cất kỹ lưỡng chắc chắn lắm. Một việc vặt nhỏ xin lấy làm gương để chứng tỏ lòng hiếu hoà và cố tránh việc tranh tụng của Ba tôi, là khi dỡ nhà cũ để xây nhà mới, vào năm 1920-1921, khi đào đất nền để đổ bít-ton nơi vách sát căn phố tiệm hớt tóc của Xửng (Tường), vì đào sâu hơn bên kia thêm bỏ trống, chưa kịp đổ xà bần bít-ton, giữa lúc ấy bị mưa dai suối đêm đất thấm ướt, thêm vách phố chà không làm nền đủ sức khiến nên vách phố của Xửng bỗng rạn nứt tuy chưa đè chết ai nhưng sáng ngày chủ phố và người ở phố xin đòi tiền thiệt hại và hăm he đòi kiện Ba tôi ra toà.
Nhưng Ba tôi chịu điều đình, và không đợi kiện thưa, dạy thợ phá vách nứt xây lại vách mới, sở tốn hết bảy trăm đồng bạc. Ba tôi nói thà chịu tốn cho êm chuyện giữ được niềm hoà khí với láng giềng và khỏi đình trệ việc tạo tác. Tánh Ba tôi giỏi nhịn nhục, “thối nhứt bộ tự nhiên an”, không chịu cãi lẽ kéo dài, không trông mong nơi sự thưa kiện lôi thôi có khi xử hoà. Tánh Ba tôi ngay thẳng và không thích sự tranh tụng. Bây giờ tôi xin kể lại đoạn tiểu sử nầy để các em và các con cháu họ Vương biết rõ và thêm kính mến cha chúng tôi là ông Vương Kim Hưng.
NHỚ BA TÔI
Ba tôi tên là Vương Kim Hưng, ngoài ra còn gọi “anh Ba Kim Hên”, vì thuở ấy thích xen tiếng Tàu và xưng hô theo giọng Tàu. Tánh người rất hiền nhưng cộc. Ít ăn ít nói. Rất là cương trực và hễ nghe ai ăn nói phách lối thì ghét ra mặt. Cũng vì cộc, không dằn được tánh nóng thêm mau giận giỗi, mau buồn phiền nên Ba tôi có nhiều mối lo không đáng, cũng vì sắn tánh đa sầu đa cảm. Và có lẽ tôi cũng lây mối ưu tư vô căn cứ nầy cho nên không biết tận hưởng hạnh phúc trời dành. Lo nhiều vui ít, khi có việc thì sầu muộn lấy mình, thêm có tánh quan trọng hoá chuyện vặt, khiến cho tâm hồn ít được thơ thới. Trát đòi ra làm chứng đã mất ăn mất ngủ cả đêm ngày. (Cũng như tôi vừa rồi có giấy tờ cảnh sát miền Đông đòi đến điều tra lý lịch về việc tôi gia nhập hội Đông Dương hiếu cổ (Société des Etudes Indochinoises), khi nhận được giấy mời, tôi tưởng tượng đủ thứ trong óc và lòng chỉ toan muốn trốn hơn là đi trình diện?).
Về hào phu thê Ba tôi có đến bốn đời vợ. Khi mẹ tôi mất thì Ba tôi tục huyền. Khi mẹ của hai em tôi là Quan và Cảnh qua đời thì Ba tôi cưới mẹ của em Vinh. Hai người kế mẫu nầy đều biết lo làm ăn và giúp ích cho gia đình chúng tôi rất nhiều. Đến khi mẹ của Vinh đau bịnh mà mất, thì Ba tôi chắp nối với mẹ của Phát (đã từ trần); bà nầy tuy hiền từ và biết nấu ăn khéo léo duy phải một tật là ham bài bạc, đánh nhỏ thôi chỉ cầu vui, nhưng đủ làm cho Ba tôi buồn phiền lúc tuổi già. Sự thật Ba tôi có bốn đời vợ nhưng đều tiếp nối nhau và không ai làm lẽ ai.
Bản tánh của Ba tôi không ưa sự lai vãng bạn bè. Ai đến nhà thì tiếp đãi trò chuyện niềm nở, nhưng Ba tôi ít khi tới lui nơi nhà người khác. Trong hàng anh em đồng nghiệp, duy có chú Ba Vị là người thường đến nhà Ba tôi nhiều nhứt. Cứ mỗi lần chú đi đánh bài, có khi cả tuần lễ mới về nhà. Nhà chú ở trước mặt nhà Ba tôi, vốn một căn phố nhỏ hẹp, nên chú Ba thường qua nhà Ba tôi mượn ghế trường kỷ nơi gian giữa làm chỗ đánh một giấc trừ bì, khi thì chú ngủ trọn cả ngày bỏ cơm nước. Khi khác chú ngủ như vậy cả ngày lẫn đêm, không thấy chú cơm nước hay đi tiêu, đi tiểu.
Ngoài chú Ba Võ Thế Vị thì có bác Tư Chữ và chú Tư Khánh cũng thường đến nhà đàm đạo với Ba tôi, nói tiếu lâm pha lửng pha trò cười nói giòn giã vang nhà, nhưng cũng không thấy tốn trà rượu bánh trái chi cả. Bác Tư Chữ, tên thật là Tự, nhưng vì huý vua Tự Đức nên anh em gọi bác là Chữ. Tuy Miền Nam đã bị Pháp chiếm, mà lòng dân còn tưởng niệm vua và trung với vua không đổi. Một điểm tôi cho là đặc biệt là bình sanh Ba tôi thường dặn con dặn cháu đừng dự chức hội tề và riêng Ba tôi thì rất sợ làm hương chức làng. Ba tôi có quan niệm là làm làng làm tổng có hại nhiều hơn có lợi. Không phải Ba tôi có ý khinh khi hương chức làng và thuở đó đâu dám nói là làm làng làm tổng tức làm việc cho Tây! Ba tôi là người thiệt thà, không chịu nói cái giọng chánh trị xu thời đó đâu. Dẫu cho nói như vậy, ngày nay sẽ đề cao rằng biết yêu nước. Sự thật Ba tôi có kinh nghiệm và quan niệm riêng là hương chức làng là người, vì nghề nghiệp và chức vị, phải phí tốn nhiều thì giờ tại nhà làng nhà vuông, nếu mình là người có lương tâm và hiểu biết trách nhiệm, và như vậy thì còn thì giờ đâu lo việc gia đình, tức nhiên phạm cái tội bỏ phế gia càng mà không biết. Thêm nữa làm làng khó tránh tật rượu chè, chén chú chén anh, mà hết rượu thì con đường đàn điếm đĩ thoã không xa, cờ bạc nợ nần, hút xách, chi cho khỏi chầy ngày vướng bịnh kín, lâm nợ, vay bạc chà, thiếu thuế quan, hễ ít thì làm khổ cho vợ con, khi quá nhiều thì đi đến tiêu tan thanh danh sự nghiệp. Bao nhiêu ấy cũng vì ham làm quan, ông làng vả chăng là một ông quan nhỏ trong làng chứ gì?
Bởi có ý nghĩ như vậy cho nên Ba tôi rất sợ được cử hay gọi ra lf làng. Thảm nỗi thời ấy hương chức làng Khánh Hưng, biết được chỗ yếu của Ba tôi là sợ làm làng, lại càng doạ bợm, thường điểm chỉ với tổng, quận, quyết lôi kéo ép ra phụ sự với họ trong việc làng, vì họ thấy toàn những lợi riêng cho họ. Ba tôi có điền sản dễ giúp họ đi hỏi đi vay bạc, mỗi khi trong làng thiếu hụt thuế má bạc công nho; Ba tôi lại là người thiệt thà án nói ít oi, dễ cám dỗ, dễ húng hiếp Giá thử ở vào đời bây giờ thì không đễ gì ai ép buộc ai. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, xã hội ta còn kém mở mang, những người có máu mặt mà không có người che chở rất là khổ tâm với nạn bè đảng trong làng. Ba tôi có một cách làm cho khỏi được bầu cử ra làm làng mà không bao giờ có ai suy nghĩ đến hoặc dầu suy nghĩ đến cũng khó đem kế ấy ra để thực hành, số là mấy ông mấy thầy có vợ đến làm vàng với Ba tôi chỉ nước lén rằng hễ người nào có hồ sơ cá nhân không đặng tốt, tỉ như có án tù, thì không được làm hương chức làng. Vì Ba tôi nhớ như vậy nên rắp tâm làm cho có án tiết xấu xa để bị loại ra khỏi hội tề làng xã. Bản tánh của Ba tôi là lo làm ăn nuôi vợ nuôi con và rất ghét cờ bạc. Thế mà lối năm 1905, sau trận bão năm Giáp Thìn, người ta thấy Ba tôi ngồi sòng bạc đánh công khai để cho bị bất bị giam và bị phạt. Nhưng toà chỉ phạt vạ tiểu hình năm ngày tù và mười lăm quan tiền vạ vì mới phạm lần đầu. Khi nghe có người bảo án nhẹ như vậy thì chưa đủ điều kiện “được chê không cho vụ tất việc làng”. Nghe làm vậy Ba tôi lập tâm tìm cách vô ngay nhà bếp quan tham biện chủ tỉnh, để đánh me do một chủ cái người Tàu hốt, để rồi bị bắt và bị giải ra toà một phen nữa, hai phen cách nhau không đầy mấy tháng. Qua toà, có lẽ là ông Grimaud, sau thăng chưởng lý toà thượng thẩm Sài Gòn, lấy làm lạ nên ra lịch cho thông ngôn hỏi Ba tôi “duyên cớ nào, vừa bị phạt mới đây cũng vì ham mê cờ bạc, nay lại tật cũ không chừa, dám tái phạm một lần nữa như vậy?”. Ba tôi đành thú thật muốn có án tù để khỏi làm làng. Quan loà bèn kêu án phen nầy là mười lăm ngày tù ở vì tái phạm, cộng với phen trước năm ngày án treo, cả thảy là hai mươi ngày tù chẵn.
Xin hỏi mấy ai trên đời nầy lại muốn mắc vòng lao lý do nơi ý muốn của mình như Ba tôi vậy chăng? Và câu hỏi tức phải có câu trả lời: chính tôi ngày nay vẫn có ý nghĩ viễn vông thỉnh thoảng muốn làm khác hơn thiên hạ, để giống Ba tôi, và luôn luôn từ công chức đến đời tư, tôi vẫn làm hư cũng vì thế).
Về Ba tôi, cách đó ba năm thì vẫn chưa thoát khỏi nạn làm làng. Một lần ông hương chủ Trần Hữu Phương, sai mời Ba tôi lại nhà làng khuyên nhủ Ba tôi nên nhận một chức nhỏ trong làng để làm tròn phận sự công dân, vì cái án kia không kể và ai ai cùng biết Ba tôi không phải là người bê tha bài bạc. Một phen nữa là ông cai tổng ông Hưng Kỳ, là hàng anh cả của ông nội tôi, trước kia cũng người trong Thiên Địa Hội, đòi Ba tôi đến công sở làng, phủ uỷ và ép buộc phải nhận một chức việc với người ta. Phen nầy hết phương chạy chối, nên Ba tôi nhận làm hương tuần là chức làng nhỏ nhứt để có tiếng không cãi lệnh trên và để khỏi ba chỗ Ba tôi sợ nhứt là làm Xã trưởng, hoặc hương hào hay là hương thân là ba chức quan trọng lo về thuế vụ. Thường thường ba vị nầy đi chung nhau, ký chung nhau giấy tờ làng mạc, thâu thuế cũng ba ông mà bất lính bắt làm công sưu (xâu) sanh ra thù oán cũng ba ông, và cũng ba ông, dễ bị cám dỗ, sa ngã, không ngồi tù vì thâm lạm bạc công nho, thì cũng sạt nghiệp, vì bồi thường thuế thâu không đủ số, không kể ghiền gập vợ đôi vợ ba, bài bạc, đàng điếm và bịnh tật đủ thứ.
Lúc Ba tôi kẹt trong khám, tôi vừa được bốn tuổi ta ba tuổi Tây, nhưng tôi còn nhớ ràng ràng như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua, là tôi có từng theo chân mẹ tôi đến tại chỗ Đá Hàn, đường ngó ngay qua sở vọng thoàn, để dâng cơm cho Ba tôi ăn và để chứng kiến Ba nón tơi áo xanh quần cụt, đi chân không, đập đá và đẩy xe rùa, tức loại xe thùng sắt rất nặng, chạy trên đường ray sắt, thứ Pháp gọi matériel Decauville, ngày nay tù khổ sai cũng không làm công việc lao lực và nguy hiểm nầy. Mà hỏi vì tội tình gì? Thưa không tội gì khác hơn là tội muốn giữ trọn phận sự làm cha tốt làm chồng ngoan, muốn nuôi con nuôi vợ được ấm no, không muốn bỏ bê gia đình, muốn làm tròn phận sự con dân vì biết phận mình là thấp hèn, nhứt là không thuốn làm trò khỉ đội mão, tường mình ở trên đầu trên cổ đồng bào, ngày thường ăn xới ăn bớt của dân, và khi vô cửa quan thì vâng vâng dạ dạ, khúm núm lạy từ Tây mũi lõ đến lon-ton (planton) toà bố? Biết đâu chừng nhờ Ba chịu khổ nếm mùi tù mà ngày nay con cháu khỏi mắc nợ và có nhà che thân có cơm no dạ.
Thảm nhứt là ngày Ba tôi mãn tù ra về là trong nhà đang làm tuần thất thất (bốn mươi chín ngày) cho bà nội tôi và như vậy cũng vì tránh nạn làm làng mà Ba tôi không tròn chữ Hiếu. Ba tôi rất lành nghề thợ bạc, có thể nói trong tỉnh không ai giỏi hơn.
Ngày nay người chủ lò chỉ biết nấu vàng, thổi vàng cho chảy ra cục, rồi cân và giao cho thợ con trổ ra món đồ bán lấy tiền, biết bao nhiêu ấy đủ xưa là chủ hiệu kim hoàn. Đối với lớp xưa, nhứt là đối với Ba tôi thì khác:
1) Làm đồ ngang, tức là đồ nữ trang trơn bóng, tỉ như kiềng vàng trơn hay có chạm, hoặc như vòng trơn đeo cổ tay hay cổ cẳng, thì Ba tôi làm thật trơn bén, khéo léo, không sần sượng, và nếu có chạm thì không lủng lổ nhưng nét chạm phải thật sâu và tinh vi mới gọi là khéo.
2) Về đồ vàng chạm, ngày nay chỉ có thợ Bắc và thợ Huế còn giữ được cổ truyền. Hại thay vì ít người biết thường thức nên nghề chạm ngày càng mai một, thêm ăn tiền công mắc lắm nên ít ai dám đặt làm. Ba tôi thọ giáo với những người thợ có danh lớp trước do ông nội tôi rước về dạy, cho nên nội Sốc Trăng thợ chạm đều chạy mặt Ba tôi, kể về nghề nghiệp. Hiện tôi còn giữ một chiếc vàng sáu chỉ chạm kiểu bát tiên kỵ thú nhứt thi nhứt hoạ, dưới mỗi ông tiên đều có một hàng năm chữ nho giải thích, thiệt là một kỳ công xảo thủ. Chiếc vàng nầy là kỷ niệm duy nhứt của mớ nữ trang trên mười lượng của mẹ tôi để lại.
3) Về đồ đậu, tức là vàng đậu bông đậu trái như trâm cài tóc, nĩa cài đầu, móc tai, hoa tai, đồ trang sức nầy thuộc đồ nhỏ, đậu vàng, kết chỉ vàng thành chim phụng hay bông tai, cài trên đầu mỗi bước mỗi rung rinh, linh động, nhưng nay đàn bà phụ nữ cắt tóc ngắn, không thấy dùng nữa. Xưa Ba tôi học đủ nghề đồ đậu và đồ nghiêng. (Nghiêng là vàng cắt khứa từ sợi ra bình con cuốn chiếu, v.v... Vàng nghiêng nguyên miếng khác với vàng đậu do nhiều miếng ghép và đậu vào).
4) Nghề làm đồ dát, đồ bịt, Ba tôi đểu khéo. Ngày nay thợ Huế bịt tô xưa theo kiểu “lá hẹ” ba lá”, “giăm trống”, “bịt tam khí”. Những danh từ nầy thuộc chuyên môn ít ai hiểu. Bịt lá hẹ là giống lá hẹ cọng hẹ; bịt ba lá thì y như ba lá ghép lại có cạnh vuông vắn sắc sảo; bị giăm trống thì tròn như vành trống; (mấy nghề nầy ở Huế thợ còn giữ được cổ truyền). Bịt tam khí, chuyên môn của thợ Bắc, là bịt món đồ bằng ba kim khí khác nhau, một lớp đồng đỏ, một lớp bạc, một lớp thau Ngày xưa lối 1900, ở Sa Đéc có thợ Vĩnh bịt khéo, từng gởi nữ trang qua dự đấu xảo bên Pháp. Món chuyên môn là bịt chân voi cất thành ống để giắt bút, giắt quạt v.v...
5) Nghề vấn neo đặc kiểu chữ ngủn kiểu đuôi chục, v.v., lại có thứ neo bộng, bên trong có đổ đè cho đừng móp (đè là đá cà ra cắt mịn). Nghề vấn neo, Ba tôi làm rất khéo và rất mau. Mỗi cây neo tiền công là năm đồng bạc, làm ròng rã một ngày là xong, tính ra ăn sướng tiền hơn làm nghề thầy thông thầy ký, lương tháng không hơn hai chục đồng (không kể tiền trà nước).
Ba tôi rất sáng, lại có hoa tay, những món đồ gì kiểu lạ, miễn thấy một lần là nhái lại y hệt. Ba tôi rất thận trọng, vàng của ai đem lại đặt làm món khác thì không khi nào tráo đổi, tuổi vàng nào giữ y tuổi đó, còn số cân số lượng thì có chạm khắc vào món đồ không sai chạy ly nào. Thuở đó những lò kia như của chú Sáu Lâu, chú Ba Vị, bác năm Cài. Bác Thợ Đợt, chú Tư Khánh, vẫn thường cho vợ con đi các nhà quen vợ mấy thầy hay ỷ bang (vợ các bang trường), mấy bà chủ tiệm hàng xén, lãnh đồ về làm. Ba tôi rất ghét sự ấy, và một đôi khi mẹ tôi vị bụng chị em bạn tay bài lãnh đồ đặt làm đem về đều bị Ba tôi trách cứ. Kỳ thật Ba tôi ghét sự quảng cáo, theo ý Ba tôi, hễ nghề mình hay khéo thì tự nhiên tiếng lành đồn xa, “hữu xa lự nhiên hương”, hà tất phải đi lính mồi từng nhà cho chúng khinh.
Nhà cũ của Ba tôi, như đã nói, có ba căn mát mẻ. Căn giữa có lót bộ ghế trường kỷ đặc làm tại Vĩnh Long. Trận tản cư vô Thanh Thới An bị cướp Thổ đoạt đi một thời gian sau chuộc về (nay tôi đem về nhà tôi ở Gia Định). Hai căn hai bên thì bên tả để bộ ván gõ ba lấm thật dày kế một tủ áo gõ và sát vách buồng là bàn thờ ông bà, tổ tiên. Căn hữu trước hết có một bàn kê sát vách trên để những ống gõ đựng đồ nghề thợ bạc (búa, giũa, v.v...) kế đó là bộ ván ba gõ sừng bóng thây mặt, bên trong là bàn thờ mẹ tôi, dựa vách buồng day mặt tiền ra trước. Trên đầu bộ ván sừng có để một má y cán vàng do Ba tôi mua lại của hội đồng Thái Vãn Bổn. Bàn cán nầy ông Bổn mua tận Marseille trong một cuộc đấu xảo thủ công nghệ. Bán lại Ba tôi giá một trăm bạc. Bàn cán nầy vừa nhẹ, cán vàng rất khỏe, hai ống thép trụi rất kỹ, sáng ngời; xài mấy chục năm mà vẫn còn như mới, không hề hấn, những lò khác vẫn mua máy cán tân thời nhưng không sánh bằng, tiếc thay năm tản cư vô Thạnh Thới An bị giặc cướp của Quản Keo chiếm đoạt(7).
Vì nhà Ba tôi rộng rãi và mát mẻ, thêm có hai bộ ván bằng phầng, nên nhóm chà chetty cho vay bạc lại là ai quen và trưa nào họ cũng kéo nhau lại đây nằm nghênh ngang như trâu nước, sau khi chà lết thì ngồi ăn trầu, mỗi lần ăn một hơi mười mấy lá trầu chớ không như ta một miếng là một lá, rồi châm với nhau nghe trân “hoạch ne nẹ?” Không một ai hiểu nổi. Buổi ban sơ vì tốt bưng Ba tôi không nói năng gì, nhưng về lâu Ba tôi thấm mệt, nhớ lại bọn nầy là bọn cho vay cắt cổ, mình vốn không thiếu nợ nó, nay hà cớ chúng tụ tập nhà mình chi cho khỏi chòm xóm dị nghị, và từ ấy Ba tôi từ chối không tiếp họ nữa. Có một lần lão tào kê mập nài nỉ muốn bán chịu cho Ba tôi một sở đất thổ trạch toạ lạc lại Đầu Voi dọc bờ kinh xàng, lúc đó vừa mới đào xong. Gặp người khác thì đây là một hoa lợi to về tương lai và một cơ hội ít có. Nhưng đối với Ba tôi là người sợ nợ và ăn chắc mặc dày, nên Ba tôi không khứng mua liều lĩnh như vậy.
Vào khoảng năm 1917-1918, tôi có theo Ba tôi qua tỉnh Rạch Giá dự cuộc bán đấu giá, cũng gọi bán phái mãi, ruộng làng Phước Long, dọc theo kinh xàng mới đào. Mỗi lô đất thuộc ra giá năm chực đồng bạc, và trung bình bán được từ bốn trăm đến năm trăm, mỗi sở ruộng mười mẫu Tây (10 ha). Ba tôi có mua được một lô sáu trăm bạc, vì là đất tốt, của ông già Mây khai khẩn và chịu nhượng quyền tiên mãi cho Ba tôi. Vài năm sau Ba tôi bán sở đất nầy, vì mỗi năm đi thâu lúa ruộng xa xôi quá. Ba tôi có xin xăm nơi chùa ông Bổn tại Châu Thành Số Trăng, cây xăm có câu rằng:
“Vân hoành Tần lãnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam quan mã bật tiền”.
Đây là dẫn tích ông Hàn Dũ vì can vua nên bị đày qua đất Triều Châu, Ba tôi cho là điều không tốt nên bán ruộng không tiếc.
° ° °
TRỞ LẠI BA TÔI
Ba tôi thôi làm nghề thợ bạc rất sớm, lúc chưa hơn bốn mươi lăm tuổi. Cũng tại chánh phủ bày ra sổ biên chép phiền phức, mỗi ba tháng phải ôm sổ đi trình cò bót duyệt ký, chờ đợi lôi thôi. Lại thêm môn bài lăng hoài chớ không bớt.
Ba tôi tánh không ưa câu thúc, bèn trả quách ba tăng (patente) và cũng vì năm 1919, khi đưa tôi lên Sài Gòn học trường Chasseluop, Ba tôi đem tiền theo mua năm chục lượng vàng hiệu Đồng Thạnh có đóng dấu nổi con ngựa, là vàng tốt hơn hết thời đó. Sở dĩ mua 50 lượng vàng là vì hãng buôn bán ra vàng mua lẻ thì gói giấy bạch, còn mua 50 lượng thì cho thêm một hộp đựng bằng trắc khéo lắm. Mỗi lượng mua tại Chợ Lớn đường Quảng Tống Cái (Quảng Đông Nhai nay là Triệu Quang Phục) giá năm chục đồng bạc. Đem về Số Trăng bán lại năm mươi mốt đồng, lời mỗi lượng một đồng. Nhưng lời đâu không thấy, từ ngày mua về giá vàng cứ sụt mãi, thét rồi tới năm kinh tế khủng hoảng lối 1933, giá vàng chỉ còn mười chín đồng một lượng, Ba tôi lại không biết phương pháp mua nhồi theo, giữ đúng số năm chục lượng mặc dầu trồi sụt, thành thử vốn một ngày một hao mòn, Ba tôi không thối chí và dẹp nghề làm sao được.
Ba tôi có nhờ người sang Trung Hoa lấy số Tử vi và lá số đoán Ba tôi tuổi không quá năm mươi. Lúc đó Ba tôi được bốn mươi hai, bốn mươi ba tuổi, bởi tin nơi lá số nên dạy tôi nghỉ học và ra làm thơ ký. Ngờ đâu Ba tôi thọ đến năm nầy là tám mươi lăm tuổi giận sách số trật, lấy ra xem lại, thì trong Tử vi có phê câu hớ:
“Phú quý song toàn, hiềm thọ đoản,
Đa hành thiện sự chuyển thiên cơ”
Giận sách không xong, chỉ nên mừng Ba tôi được thọ, và cái thuyết “an phận tuỳ duyên” là hay nhứt.
Tóm lại, Ba tôi càng cưng tôi nhiều, vì cho đến năm 1915, tôi là trai nhứt duy nhất:
1) Lúc tôi nhỏ, làm xe cát có bánh xe chạy được bằng mai con cần đước cho tôi chở cát chạy chơi trong nhà;
2) Khi tôi đã trọng còn nách tôi đi xem hát;
3) Khi tôi trưởng thành, ra làm việc, tôi có tánh thích chơi đồ cổ Ba tôi không nề hà cực nhọc, ra công bịt vàng bịt bạc và biến chế nhiều món xảo thủ không ai có. Mặc dầu trải qua nhiều cảnh thiếu thốn, tôi không dám bán ra và xin dặn con cháu nên giữ làm kỷ niệm: một thố lớn thợ Thiệu (xem sự tích nơi trang 177 cuốn “Sổ tay của người chơi cổ ngoạn”), nhiều bình vôi có nắp bằng vàng nạm ngọc, chính người dì của tôi, mẹ của Vương Tấn Phát (đã mất), mặc dầu không tiền cũng rán mua cho tôi nhiều món lạ tôi phải giữ gìn cho xứng ơn người kế mẫu hiền.
4) Một kỷ niệm khác là khi tôi vừa ra trường làm việc nơi trường máy đường Đỗ Hữu Vị, mỗi lần Ba tôi lên thăm, mướn phòng gởi hành lý rồi đến trường trao danh thiếp cho người tuỳ phái cầm vào cho tôi. Thưa Ba, con đâu phải ông lớn nào đâu mà Ba trịnh trọng thế, ngày nay nhớ lại con cảm động làm sao.
5) Những bức thơ của Ba tôi viết và gởi cho tôi từ khi còn đi học Chasseloup trải qua các tỉnh tôi đã làm thơ ký mướn. (Sa Đéc, Cần Thơ, Sài Gòn) đều đượm nhuần một giọng yêu thương, vì tôi là con trai trưởng, tôi hưởng nhiều tình thương và ân huệ của Ba tôi hơn các em Quan, Cảnh, Hạnh, Vinh và Phát. Những thơ nầy tôi kết thành một tập, sau nầy sẽ trao lại cho con tôi, là Bảo.
Tiếc thay tôi là một đứa bất hạnh bất tài. Hai phen trước cưới vợ đều gặp người chẳng chung tình. Một chị vừa chín tháng đã hồ tan keo rã, không phải lỗi về tôi. Một chị sau, thề thốt đủ điều, ở với nhau mười chín năm trường rồi cũng bước sang thuyền khác.
Tôi quả là hư. Phen thứ ba không làm hôn thú, chỉ làm tội cho người tình thật. Ngày nay Ba tôi đã già, tôi biết thương thì quá muộn. Chiến tranh kéo dài, tôi không ở được tỉnh nhà để thần tỉnh mộ khang, trăm sự đều trông cậy vào Quan, tôi lãnh phần bất hiếu. (Từ Nhớ Ba tôi đến đoạn nầy, viết trước ngày 14-7-1959 là ngày gởi tập nẩy cho Quan cầm tay về cho Ba duyệt lại nhưng sau rõ ra Ba tôi không đọc được vì bản chép tay, mắt già đọc nhức mất, nên không đọc)
Qua nầy 20-2- 1961 (mồng sáu tháng giêng Tân Sửu) viết tiếp:
Ngày 1-1-1961 (rằm tháng chạp Canh Tý), nhân được nghỉ lễ Tết tây, vợ chồng chúng tôi và Bảo, đồng về Sốc Trăng, được thấy mặt Ba lúc còn khỏe mạnh. Đây là vì nhớ thương mà về chớ không có thơ báo trước, ngờ đâu đó là mười bảy ngày trước khi Ba tôi lâm chung, cha con thấy mặt nhau lần nầy rồi vĩnh biệt. Lúc ở nhà tại Gia Định, tôi thấy trong lòng xốn xang bứt rứt như có linh tánh báo điềm. Về nhà thấy Ba tôi ốm hơn kỳ viếng thăm mấy tháng trước, khi đi đứng lưng thấy khòm hơn ngày thường. Tôi đề nghị rước bác sĩ, nhưng Ba tôi nói: “Thầy thuốc rước cũng vô ích. Họ cũng là người họ cũng chết và không cãi trời được. Chỉ tốn tiền cho con cháu. Ba nay như đèn hết dầu, chừng nào tất cứ để cho nó tắt, vậy thôi!”.
Tôi hẹn ngày hai mươi ba tháng chạp sẽ về, hay đâu ngày mồng một tháng chạp, Ba đứng trên cầu thang định bước xuống lừng dưới nhưng không được, chợt có đứa cháu nội đi lên, Ba nhắn bảo “Quan lên Ba biểu”, nhưng nhà đèn tắt, Quan là em tôi sửa được rồi chạy lên mới hay lúc nãy trong mình Ba thấy mệt, định đánh dây thép gọi tôi về, nhưng nay đã khỏe và Ba tôi đổi ý kiến sợ gọi tôi về mà không có việc gì thì tốn hao nên không muốn. Quan thuật lại lúc ấy thấy Ba khóe mắt ướt tròng. Đêm mồng một rạng mồng hai, Ba ho suốt đêm không ngủ. Ba tôi nói với Quan bữa đó là ngày đại hàn, nên trời lạnh hơn mọi khi. Sáng mồng hai đúng bảy giờ rưỡi, ở dưới phố tiếng nhạc chào quốc kỳ trỗi vang, nơi phòng thông tin thì trên lầu Ba tôi thở hơi cuối cùng. Chỉ có mặt Quan bên gối. Mỗi lận Quan đỡ Ba nằm dựa lưng vào gối. Ba đều day mặt ngó về hướng bàn thờ tổ tiên. Quan hỏi xin giắt mùng, Ba còn gặc đầu ưng chịu. Quan hỏi thêm: “Trong mình Ba có khỏe chăng?”. Ba cũng gặc đầu, nhưng răng đánh bò cạp nhiều. Mắt Ba đổ ghèn, Quan lấy khăn ấm lau mặt cho Ba, kế Ba tắt thở.
Lúc gần lâm chung, vợ Quan hỏi Ba có trối lại gì không, thì Ba lắc đầu, kê một lát rán nói: “Các con rán lo mà trả nợ!”. Quan tiếp, hỏi thì Ba còn nhắn rõ: “Trong rương Ba còn ba ngàn bảy trăm đồng của Sển cho, hãy lấy lên cất kỹ, lo việc tống táng, kẻo mất”.
Lời nói chí tình tỏ ra cho đến phứt chót Ba không lẫn lộn, vẫn minh mẫn sáng suốt cho đến khi tắt hơi. Tiền nầy tôi dâng đã nhiều năm, té ra Ba tôi không dám sử dụng, và vẫn lấy ra có ba trăm xài vặt cho chác mấy đứa cháu nội thường níu áo xin tiền ăn bánh. Ba tôi có tánh kỹ lưỡng, trong rương những mảnh giấy con để ghim xấp bạc, Ba tôi cũng không đành bỏ ra. Bạc Ba để trong ô thau là vật duy nhứt sót lại của cái gia tài Ba mất trọn trong điền Xã Lớn, anh vợ của Quan, trong làng Thạnh Thới An, năm tản cư 1946, sau tìm lại được mớ nhấm và cái ô thau nầy.
Tám giờ sáng, Quan đến sở bưu điện đánh dây thép lên tôi, mười một giờ tôi nhận được tin dữ tại Viện bảo tàng. Lật đật viết thơ để trên bàn xin phép nghỉ vài ngày tang chế. Về nhà lấy mớ y phục, dắt vợ con chạy ra bến xe, thời may chuyến xe chót về Sốc Trăng, xe Nhơn Hoà vừa sắp chạy. Hai mươi giờ xe tới Số Trăng.
Hai mươi giờ bốn mươi lăm về tới nhà, lên lầu quì dở khăn đậy mặt thì mất Ba nhắm hi hí, không khít. Khóc, lạy, lấy tay vuốt mí: “Xin Ba nhắm mắt yên lòng, và đừng nuối Cảnh, lúc ấy còn trong lao tù ở Phú Lợi”. Vái rồi quì lạy. Độ hai chục phút sau khi dở khăn đắp mặt lần cuối cùng để từ giã giờ phút chót thì mất Ba nhắm khít rịt, ôi thiêng liêng thay. Mặt Ba tươi như người ngủ, da trở lại hồng hồng, không tái mét như bữa hội ngộ một tháng giêng Tây. Miệng Ba nở một nụ cười, bằng lòng. Mười một giờ khuya tẩn liệm. Quàn linh cữu năm ngày. Cái thọ bằng cây trai sắm sẵn từ lâu.
Ngày mồng sáu tháng giêng tây 1961, đưa linh cữu về an táng trong rẫy nhà gần bên mộ tổ tiên và gần mả của mẹ tôi.
Suốt một đời lêu lổng, chỉ làm khổ tâm cho cha già, xa thì nhớ thương, khi đến gần thì cãi lẽ, xung khắc cha tuổi hợi con tuổi dần, Ba nằm yên nơi đây, có tha tội hư của con chăng?
Chú thích:
(1) Về Cụ Lên, xem lại bải “Hũ đựng ngải Cao Miên“ trong tập 6 Cuốn Sổ tay của người chơi cổ ngoạn” từ trang 204 đến trang 226.
(2) Lời nói của ý Năm Dương Thị Ky và của mẹ xã Chung Hiếu Quí (ý là dì)
(3) Phong tục Thổ thầy sãi phải cạo chơn mày, vì nhướng mày lên xuống là một cách ra dấu hiệu chọc gái
(4) Đoạn nói về phong cảnh chùa Xà Lôn, xin xem trong tập Hậu Giang Ba Thắc nơi chương nói về chim diệc làm ổ chung quanh chùa và nín lặng khi sãi lụng kinh sáng, (chương sân chim Rạch Giá)
(5) Ông Lưu Văn Lang kỹ sư công chánh và cha vợ là Trần Quang Thuận
(6) Mấy chục năm về trước, tại Sốc Trăng có một gánh phát Tiều, vì thùng đựng y phục của họ sơn đen nên gọi là gánh thùng đen (ô láng). Mỗi dịp Tết họ tổ chức nhiều tốp đi hát dạo, gọi hát chặp và nói theo tiếng Tiều là hát chào chía. Hai tiếng này dịch ra là “tẩu thực”, tức hạt chạy gạo, hát cho mau cho lẹ rồi chay đi chỗ khác hát nữa, đó là chảo chía
(7) Cũng mất luôn trong kỳ chạy giặc nầy: một bắp trầm ngà trước mua của chà Châu Giang tên Tằng Khạo Keo, một ngà ung tối cổ, một nanh heo đạc, một nanh cọp bộng, một nanh sấu đặc và một sừng nai ung lâm cán dao ăn trầu, những món nầy nay kể ra nghe buồn cười, nhưng đó là đấu tích kỷ niệm gia bảo trong gia đình chúng tôi riêng quý trọng. Chính tên thổ Keo trước làm hương quản đến năm đảo chánh ra mặt ăn cướp làm khổ cho đồng bào ta một lúc, chính nó chiếm đoạt những vật nầy, xin chuộc lại không được. Sau tên Keo cũng bị thủ tiêu vì tàn ác quá.