21.
Đáo đầu trở về Sài Gòn

Ở Tây Ninh tôi có quen một ông thợ bạc, tên Tự, nhưng vì phạm huý ông vua Tự Đức, nên anh em đổi gọi Chữ, và bác Tư Chữ có người vợ thật khéo, làm nghề may, bác đột tay mà đều hơn đột máy và mấy hàng “chỉ rận” đột trên nhiễu xuyến đen, trông thật đều nhìn kiếm chỗ nào sơ sót kiếm không ra. Bác Tư Chữ gái vừa may cho tôi xong hai mớ áo với hàng ông kiểm mua hôm trước, chưa chi ông nhà tôi thúc hối cùng đi với ông xuống Sài Gòn trả lễ vợ chồng quan hai. Lúc đó tôi lại bịn rịn vì biết chim sổ lồng không trông mong trở lại, ngày thường soi kiếng, thấy bề nhan sắc như vầy quyết không thua ai, lúc còn con gái, tôi hơi gầy, nay xông pha trận mạc như tập thể thao, lại nở nang hơn xưa, hơi có da có thịt hơn trước một đôi chút, nhưng lằn cong nét thẳng như tô đậm thêm, còn cái đẹp tự nhiên là mắt liếc ngọt như dao, cạnh mũi luôn luôn như khóc vừa rồi, tôi không cần thoa dầu gió và chỉ cô đọng tinh thần là mi mắt có giọt luỵ gần rơi, giết anh hùng dễ ợt môi tôi luôn đỏ thắm, chắc da săn thịt, một hôm ông kiểm là Tây mà biết nói: “Tôi muốn ăn thịt chị Hai mới sướng!”. Tôi nghĩ nếu gặp dịp nầy mà không thừa thế tung hoành, thì biết đời thuở nào vẽ mày vẽ mặt với thế gian nầy cho đặng? Vậy tôi lén tom góp vàng bạc của cải từ hồi đụng thằng Tư trời đánh, với số tiền chia được của anh Tiều Châu, nay thêm được mó hàng giẻ vừa cắt xong, tôi nói với ổng sẵn dịp nầy cho tôi mang về Sài Gòn may thêm được khéo hơn. Cơ khổ! Thiệt tại cái bụng mình tẹo, tính chuyện gian hùng rồi tự nhiên nó bắt sợ phập phồng phải bày điều nói láo, chớ đời nào mà ông ở nhà tôi biết nghi kỵ cho tôi chuyện gì?
Xe đò tới đậu trước nhà dây thép chánh đối diện với nhà thờ nhà nước đầu đường Catinat, ông kiểm chưa vội đi nhà quan hai và tay xách va li, hai đứa lên xe kéo cho chạy thẳng lại khách sạn lớn của Pháp là nhà hàng Rotonde, ở mé sông đầu đường Catinat, sắp đặt cho ổng xong rồi, tôi mới xin ông cho tôi đem ba món đồ cho thợ nó may liền cho lợi thì giờ tôi lại dặn ổng tới bữa cơm trưa thì cứ dùng đi đừng chờ tôi vì còn ghé thăm chị em bạn, chắc sao người ta cũng cầm ở lại và có lẽ chứng ba bốn giờ, trễ lắm là năm giờ tôi mới gặp lại ổng được. Tội nghiệp quá! Nghe tôi nói mướn thợ may, ổng lật đật móc bốp-phơi rút ra một tờ giấy xăng (một trăm), biểu trả tiền thợ, còn dư bao nhiêu hãy bỏ túi để xài vặt. tôi hun ổng vào hai má, không dám nói là lần chót, ổng lại căn dặn xứ Sài Gòn nắng nôi độc địa, chị Hai phải đi xe kéo hoài hoài, chị Hai đừng hà tiện đi bộ, đau, không nên. Nói cho có hai bên vai vác, thấy cái tính ông Tây nầy ở với tôi như vậy, tôi muốn biểu quay xe trở lại, không may vá làm gì và cũng không tính chuyện phong trần làm chi, nhưng mà còn nỗi đời nham hiểm mị thường nó đày nó đoạ cái thân tôi từ trong trắng nhận xuống sình nhơ mới mượn tay ai mà rửa mối thù hằn nầy cho thoả dạ được. Ông ở với tôi rất tốt, tôi ghi vào lòng. Ông giữ đạo Thiên Chúa, ông không tin luật luân hồi, tôi theo đạo Phật, kiếp nầy gây nợ, nếu kiếp sau còn gặp, tôi sẽ báo đáp tận tình. Nghĩ tới đây, bị cái xe khi không vùng ngửng lại, tôi giựt mình nhìn kỹ mới hay gặp cổng xe lửa Mỹ Tho, tôi ngồi trên xe đợi cho chuyến xe Mỹ Tho qua kế có xe điện trong Chợ Lớn vừa ra, tôi trực nhớ ông thầy tưởng số Vi Kỉnh Trang mà lúc nhỏ mình đã từng nghe nói việc tương lai của mình hay quá, nay ngụ ý, tôi biểu xe ghé ga, tôi mua kịp vé vô Chợ Lớn tốn có một cắc bạc, ngồi toa hạng nhứt, xe ngừng đầu đường Jaccaréo (nay là Tản Đà), tìm được gác ông Vi, trên lầu căn phố toán mì chiên tôm ngon nhứt đất nầy, ý cái ông thầy tướng nầy, thật là danh bất hư truyền, làm sao mà ổng coi sơ tướng vóc rồi nói trúng phong phóc trúng bon việc cũ in như chuyện ổng thấy trước mắt, mấy việc qua ổng thuật không sai một nét, làm cho mình thêm vững tin, hỏi phăng về hậu nhựt. Ông thầy tưởng ngó tôi vừa thở ra mà rằng:
- Kiếp đời cô đây là kiếp đoạn trưởng, nay chưa dừng chơn lại được”. Ông tiếp: “Cái tướng, cái tuổi, cái số của cộ, đương còn bay nhảy lắm, trụ lại chưa được. Nếu cô lấy chồng, chồng có bao nhiêu của, cực cô phải chịu cùng cực. Còn cô mà ra đi chơi bời, thì khỏi sợ thua sút ai, sung sướng nhứt trên đời. Bước qua cái tháng tám lại có tài lợi. Tiền của đến như không.
Tôi nghe ổng nói thích quá, tặng ổng năm đồng, nhưng ông chỉ nhận năm cắc bạc như mọi người. Ngồi xe ra về, tôi suy nghĩ hoài, chồng tôi ăn ở có nghĩa có tình đủ điều, đáng thương đáng mến là phải. Song số mình còn lưu lạc, chưa trụ được, và không phép dám cải trời hay sao? Ấy, sự bói toán lợi hại là vậy.
Tôi đâu dám đổ thừa tại cụ Vi mà tôi bỏ chồng, song phần đông các bốc sư không phải hết thảy đều đoán giỏi như Vi Kỉnh Trang hoặc sau nầy là thầy Tư Nên, nhưng các cha kéo dài câu chuyện, chuyện không nói có chuyện có nói không, việc đi coi bói và đàn bà đinh ninh phải thay chồng, lỗi phần nào cũng tại mấy thằng thầy bày điều đặt chuyện. Tôi với Lu-y, đến đây, mối tình đã đoạn, thì a-dơ (adieu) và ông đừng kiếm tôi, thất công. Xưa ông cha ông qua đây làm cho ông cha chúng tôi nước mất nhà tan, nay ông khóe một lần cho biết.
Từ đó tôi an phận sống ẩn dật, tôi ra vô Chợ Lớn thường thường, cũng hay gặp lại những người quen lớn với tôi hồi trước, mà không có ai nhìn ra hết. Tưởng tôi đã thay đổi, không còn vẻ nai tơ hồi đó.
Có một bữa nọ, vào chiều thứ bảy, tôi ở Chợ lớn về, cắc cớ đi xe lửa điện mé sông để đổi không khí, tới Chợ Quán, thình lình tôi đụng đầu với cô chủ sự năm xưa, con mẹ đã làm cho tôi hư hồi đó đó. Cô ngồi đối diện tôi trên xe điện, xe lắc lư như thầy pháp lên đồng, mụ chủ sự nhìn tôi liền nhắm tôi tứ cách ăn mặc và cử chỉ, rồi bỗng xề qua bên tôi vì chỗ ấy băng còn trống. Mụ làm quen, mời tôi hút thuốc, và bắt qua chuyện chồng con, gia thế hỏi thăm.
Tôi đáp tỉnh bơ dường như tâm sự cùng một bạn lâu năm chợt gặp:
- Chồng tôi là người Ăng-lê, làm chủ hãng tàu chạy đường Hương Cảng, vừa rồi bị đau ruột nặng, quan thầy bắt buộc phải về xứ điều trị, mới đi hôm kỳ tàu đầu tháng giao hết sự nghiệp tại Sài Gòn cho tôi quản thủ, và tiền mặt không có bao nhiêu, độ mươi, mười lăm ngàn đủ xây xài, vả tôi lo quá vì sợ chồng tôi không qua được nữa.
Cô chủ sự nghe nói chuyện muốn bạc vạn, coi bộ thích lắm, ân cần ra mặt, vừa mau mắn vừa niềm nở đủ điều. Xe điện tới chợ Bến Thành, cổ một hai mời tôi thế nào cũng phải vô nhà cổ chơi một chuyến.
Nhà cổ ở xóm Tân Định, đường Monceaux trải đá đỏ (trước đây mang tên đường Huỳnh Tịnh Của), ở độc thân mà mướn đến hai căn phố có vẻ kín đáo lắm và chưng dọn thật là sang trọng sạch sẽ. Vừa vô cố hối trẻ dọn đãi tôi một bữa cơm trưa, long trọng hơn đám giỗ trong làng. Tôi từ chối, rằng đã dùng bữa trưa ở nhà rồi mới đi đây, nhưng cổ không nghe, nài ép: “Chị em tuy môi quen biết chưa được mấy ngày, song nó hạp nhãn làm sao tôi không biết, mà tôi thấy cô tôi thương tất tình”. Thấy cổ ép quá tôi mới chịu cầm đũa ăn sơ sài, trong bữa cơm cô thổ lộ tâm tình rằng cổ cũng ở một mình đơn chiếc như tôi, chồng là chủ sự đoan, tới kỳ nghỉ nên xuống tàu về Pháp đã gần hai tháng rưỡi nay, nhờ ky cóp tiện căn, giấu đút cũng đặng trót ngàn đồng, mà đất Sài Gòn củi cao gạo kém, định ở vầy cho tiền mướn đắp đỗi qua tháng ngày, miễn cơm tẻ ngày hai, đất nước ông bà cho mạnh giỏi là hơn, chớ không trông mong gì khác!” Mẹ ôi! Tôi nghe mụ chủ sự bán máu ăn tiền nầy nói chuyện hiền từ đạo đức mà tôi lạnh xương sống: Cơm nước xong, tôi bước ra ngoài ngắm cảnh.
Tôi ước với cô chủ sự, chớ chi xóm nầy có nhà ai cất sẵn và muốn bán, bao nhiêu tôi cũng mua, đặng chị em gần gũi nhau hôm sớm. Cô chủ sự liền nói: “Tưởng là cô ao ước chuyện gì khó, chớ việc nầy, dễ như chơi. Để lát nữa, cô đi chơi với tôi, chị em mình sẽ tính”.