43.
Tổng luận chuyện: bà V.A., Ba Trà

Tôi viết mấy chuyện nầy, cốt ý là để quên buồn, và cũng muốn bổ túc quyển “Sài Gòn năm xưa” và nếu còn sống thêm ít tuổi, không biết chừng tôi sẽ viết tiếp những gì tôi biết về cảnh cũ trong nầy.
Trong câu chuyện, tôi thường viết tên thật của những nhân vật tôi không sợ búa rìu dư luận, vì tôi cho rằng những nhân vật nào đã mất, tức đã vào sử, miễn khi viết đừng có ác ý là được, việc xảy ra sao, tôi biết được là cứ viết, nếu có sai lạc là ngoài ý muốn, tôi chỉ muốn sao những gì tôi ghi lại đây, không là “tiểu thuyết hoá” và chỉ là sự thật hay gần như thật, và chỉ có vậy thôi.
Tài liệu tôi đã dùng, là những bài vụn vặt cắt trong sách báo cũ may còn giữ được, nay tôi lấy ra đọc và viết lại, như đã nói, cho đỡ buồn, tỷ dụ:
1) Chuyện 1 về bà V.A., là chuyện tôi thuật lại theo một bộ của ông Trần Thiện Thành đã viết từ năm 1916, tôi từng ghi chép nay dọn lại cho suôn sẻ, và tôi gọi đó là loại “viết phỏng theo” Pháp gọi: “à la manière de...”. Trong tủ sách của tôi, có một quyển Pháp văn, nhan là T.S.V.P. (petites histoires de ous et de personne) của đôi tác giả viết chung J. W. Bienstock và Cumonsky (Editions Grès). T.S.V.P. nên đọc là Toumez s’il vous plait (mới lật qua chương khác) và petites histoires de tous et de personne, tôi hiểu là “chuyện nhỏ vặt của chung mọi người mà cũng không cả một ai”, tức là của bá tánh, của vô danh, tôi xin lấy đó làm nòng cốt miễn đừng đạo văn là được.
2) Đến chuyện 2, về cô Ba Trà, tôi vần nói thêm nhiều. Cô nầy khi trước từng thuật chuyện của cô cho tôi ghi lại, sau đó tôi hay cô đã giao cho ông Trần Tấn Quốc đăng trên báo TIẾNG CHUÔNG năm 1952, dưới bút hiệu Thanh Quyền, Thanh Huyền, khi hay tin nầy, tôi thôi ghi, và nay cách ba chục năm sau, trong khi sách báo cũ hiện ít ai tàng trữ, hai ông Trần Thiện Thành và Văn Sen, tôi không tin tức, riêng cố nhân Trần Tấn Quốc, tôi biết hiện dưỡng nhàn nơi quê nhà là Mộc Hoá, cũng vô phương, xuống tới đó mà xin phép, nếu ngày nào những gì tôi viết đây lọt dưới mắt xanh, tôi tưởng cố nhân cũng không làm khó cho tôi làm chi, vì biết đâu khi xuất bản tập nầy, tôi còn nào ở trên nầy mà tranh luận. Xin ba ông miễn nhớ, ngày nào tập nhỏ nầy chào đời, thì công trước tác ba ông chưa phải mất. Về đoạn nầy, tôi viết theo điệu narration văn kể chuyện, nói sao viết vậy, không đẽo gọt, không cốt ý làm văn.
Tiếp theo tập Bên lề sách cũ (en marge des vieux livres) tôi viết tập nầy “cho qua ngày tháng”, cũng là một cách tưởng niệm tác giả “Trước đèn xem chuyện Tây Minh” - (Viết từ 9-6-1982 đến 24-8-1982, tức 18-4 nhuận đến 6-7 năm Nhâm tuất).
Vân Đường Phủ
Vào khoảng 1915-1945 thời Pháp thuộc, ruộng miền Nam trúng mùa liên tiếp, trong xứ tiền bạc dồi dào, nhưng cái hoạ ngấm ngầm phát sanh từ đó, duy chưa hiện ra rõ rệt. Hoạ tôi nói đây là hoạ đất cát nhà cửa ruộng vườn của cải, phần lớn đều chuyển sang tay khác, không ai cầu không ai muốn nhưng không sao tránh được, và cũng không phải một sớm một chiều sanh ra.
Và ai cười ai bây giờ?
Thằng bo bo giữ của cười thằng con hư phá sản, hay thằng phá sản không có gì để kê khai đăng ký, cười lại thằng giàu, không dám ăn không dám xài, mà nay tiền của bi tịch thu, thân bị đi cải tạo con trai chạy trốn, con gái thôi việc trau chuốt phấn son, cháu nội ngoại phải quét đường làm lao công, “tụi bây còn dại khờ hơn tao mấy lần, thà bán đất cầm nhà mà nay khỏi phải bận tâm khai báo, lại thêm được tiếng “tiến hoá sớm”, phe họ bần họ cố nông”. Ai dại hơn ai?
Tại sao khoảng ấy, 1915-1945, con sanh ra phần đông đều hư: trai hư theo trai, chuộng gái chơi bời có sắc hơn vợ nhà, cha mẹ cho đi ăn học phương xa, không lo trau giồi kinh sử, rủi thời cha mất, chỉ trông có tiền để cho gái, cầm cố bán mau bán lẹ, chê làm ruộng cực nhọc muỗi mòng, quen ăn sung mặc sướng sống ở thị thành xem hát, đi ăn cơm nhà hàng, nay xuống ruộng bùn đỉa, ai mà chịu thấu?
Trong khi ấy, gái hư theo gái, có chút nhan sắc, chê lấy chồng quê là phí đời hưởng nhan, giữ chữ trinh chữ hạnh, suốt đời gánh nước mướn chai vai, thổi bếp nấu cơm đã mất đẹp vì khói xông xốn mắt, bửa củi chai tay, sao bì con A con B, xuống chợ làm nghề rước khách, đã khỏi nhọc nhằn, lại được lên xe xuống ngựa, v.v...
Nguyên do những cái hư hèn ấy, oan hay ưng, tôi đổ tội cho quan thầy thời 1915-1945 đó là quan cai trị Pháp bất tài. Họ qua đây chỉ lãnh lương cho cao, ở nhà chỗ rộng, trông mau mau đến tuổi về hưu, lùi về xứ thưởng thức đồng tiền thuộc địa biến thành hưu bổng, việc giáo hoá, tuyên truyền rùm beng, mấy ông quả có dạy chữ mới, dạy cách trí phổ thông, nhưng ấy là đào tạo mớ “bồi Tây” làm mọi cho mấy ông, còn phần đạo đức, vẫn chê Khổng Mạnh là lỗi thời và phổ biến văn minh Tây phương của mấy ông là dạy con nghịch ý cha, vợ tranh quyền với chồng. và nếu tranh cãi không lại thì đã có luật sư biện hộ giúp!
Mấy ông có đào kinh phá rừng thật, nhưng luật “khẩn đất” viết tiếng Pháp và dịch ra quốc ngữ, chỉ người biết chữ học trò trưởng các ông hiểu được, còn bọn củi lục làm ăn, khai hoang biến rừng thành ruộng vẫn quê kịch dốt nát, tưởng có công mở mang làng xã sau nầy sẽ làm chủ đất, dè đâu ruộng khai phá xong vừa phát, thì đã có thằng dân chợ đến trưng đơn khẩn hợp pháp, bằng khoán hợp lệ làm chứng rồi phổng tay trên quịt ruộng của dân nghèo, không làng xã quan tỉnh nào binh vực cho một lời, một tiếng cho mát dạ kẻ ngay nhưng thất thế vì dốt luật.
Tồi tóm tắt lại đây, vấn đề khai hoang.
1) Sau trận tranh giành Tây Sơn với nhà Nguyễn Phúc, miền Nam trải qua một thời loạn lạc không yên, dân thưa rừng rậm.
Người ngũ Quảng, người miền Đông, để tránh bắt lính làm xâu, nên kéo vô Nam, tìm rừng mà ở yên thân hơn. Vùng Sốc Trăng, Bạc Liêu đến năm 1860, còn quan Cơ-me cai trị, chưa thuộc bờ cõi cai trị của quan Việt.
Những dân tứ chiếng ấy, với cái tục tảo hôn, vả lại dân Việt có tiếng rất nhạy con, nên chẳng bao lâu miền Nam đổi ra mặt mới:
Lấy một tỷ dụ, cứ cái đà mươi tám, đôi mươi là dựng vợ gả chồng đến trễ lắm là tuổi hai mươi lăm, đã có con đầu lòng, “làm cha thằng xích tử” dễ như chơi.
Tuổi năm mươi đã thành ông nội ông ngoại, tuổi bảy mươi làm nên cố, lối 90 lên ông sơ, và nhà xưng “ngũ đại đồng đường” đếm lại chưa tới trăm năm.
Đông con mà con hư, nào có ích gì?
Chưa tới ba đời, nhà đổi chủ, của vườn sang tay khác, lỗi tại đâu?
Nhà giàu chỉ lo sắm ruộng cho nhiều.
Nhà nghèo mất ruộng, đêm khuya vợ chồng than thỉ với nhau, mấy con nghe được, oán tích nhiều đời, nên trai nghèo lo học và đọc nhiều sách mới, thành người cách mạng, gái thì nghĩ ra cách đục khoét tủ sắt nhà giàu bằng cách rủ rê con họ vào con đường ăn chơi đàn đúm, để bán ruộng cầm nhà, tung tiền cho gái, gái vãi tiền qua tay bác tài, chú bếp, khiến cơ đồ tư bản đổ sụp còn mau hơn trong giấc mộng huỳnh lương.
a) Bà V.A., như kể, còn sanh tiền, nay cư trú bên Pháp, xin miễn luận. Cỡ bà hoạt động là năm 1915, thì nay bà hơn tuổi tám mươi lăm. Xin bả thứ lỗi, chớ lớp bà còn quê, chỉ lấy Hạch, bị má ăn trên đầu, rồi bà trả thù cạo lại đầu khô hội đồng tỉnh nửa quê nửa chợ, cũng không chi đáng nói nhiều.
b) Cô Ba Trà, đã là vào thuở văn minh tân tiến, nhưng Trà ít học, chỉ có sắc mà còn thiếu nhiều điều kiện mới xứng hay chưa xứng danh từ “gái bao” (femme entretenue), nói cách khác chưa phải “điếm sang” và chỉ biết đập lột, khảo của, cô phát minh lối mới “lựa chồng” nhưng thiếu chữ “tình chung” và lọt vào tay ông toà, ông lục sự là mất danh thì có.
Về công tử, tôi không nghe có công tử miền Đông vì Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một vẫn là xứ rừng, núi, những đồn điền cao su sau nầy là của Pháp, nên công tử không mọc nơi đất đỏ, đất đen, đất xám nầy.
Ở Tiền Giang có Bạch công tử một người.
Còn lại bao nhiêu công tử vẫn ở Hậu Giang, đen đúa thì xưng “Hắc công tử”, đều là con chủ điền giàu, đứa ăn cắp lúa bồ bán để tiêu pha, đứa thì bò đi kiếm gái rồi xưng “cậu Tám bò”, đứa nữa cha chết cố ruộng cho xã tri, lấy tiền mua một lần chín mười xe hiệu Wihpep để được danh cậu, rồi thảy đều lui vào bóng tối chết vô danh hay chỉ danh “con hư phá của của mẹ cha”. Nhục nhã thì có chớ danh thơm chỗ nào?