Thay lời nói đầu

Thư của Giáo sư Nguyên Văn Huyên từ Hội nghị Fontainebleau (Pháp) gửi về cho vợ: bà Vi Kim Ngọc và các con: Nguyễn Kim Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Văn Huy.
Fontainebleau 18 Julilet 1946.
(Bây giờ hội nghị ở đây cách Paris 60 cây)
Em Ngọc,
Chị Hạnh, các chú Bích Hà, Nữ Hiếu, Huy,
Hôm trước Huyên nhận được thư của Ngọc lại càng nhớ nhà thêm. Thấy chú Huy cứ đau bụng là Huyên lo ngại, lại ân hận trong lòng là để Ngọc ở nhà phải một mình sớm hôm áy náy vì con. Nghĩ tới lệ càng thêm tràn mắt. Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế. Ngọc cũng cảm thấy là trong 10 năm, hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh lạm bợ mà thôi. Ngọc thấy Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng không ham muốn; có thì dùng không bao giờ tự đi kiếm.
Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ.
Trong mấy năm tuy chúng ta lủi thủi cùng nhau như một đàn chim lạc nhưng trong lòng lúc nào cũng hy vọng có ngày lần tới được một cảnh rộng mà vẫy vùng. Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. Tương lai là ở chúng ta cả, chúng ta phải cố. Xưa cổ nhân có tin là năm trăm năm rồng mới mở miệng một lần, tương lai của Tổ quốc chúng la không biết bao giờ mới lại có dịp như ngày nay nữa nhỉ. Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay. Chúng ta dắt tay nhau mà cố lên vậy.
Vả chúng ta đã thường bàn với nhau là những năm này là những năm tuyệt vời tốt đẹp trong đời chúng ta. Chúng ta nếu muốn làm giầu thì không có gì là khó. Nhưng chúng ta dùng nó mà gây cái hạnh phúc chung, cho tất cả các con em thì tốt đẹp biết chừng nào. Ngọc cũng thường nghĩ thế với Huyên từ khi chúng ta mới đắp cái tổ chim con ở gần Ga Hàng Cỏ.
Nữ Hạnh sinh ra ở đó, trong một bầu không khí mịt mù. Khi chú Bích Hà ra đời thì chúng ta đã thấy một chút tia sáng ló lên ở phương Đông. Vì thế mà Hà mới có tên là Bích Hà, Bích Hà là một vùng ánh sáng đỏ khi mặt giời mới hé trong cảnh bình minh. Đó là lúc bên Tây phương sao đã đổi ngôi rồi vậy! Và Hạnh sinh ra lúc thế giới đảo điên cần phải trau dồi lấy tính nết, sửa mình để chờ thời tranh thủ. Hạnh là chị lớn gây lấy cái rễ cái để đưa đường cho các em. Bích Hà sinh rồi thì chúng ta thấy ở ngoài trận thế vẫn không thuận lợi cho ta, ở trong thì cả nhà ốm yếu cảm như lòng trời không tựa lòng ta. Nên khi sinh được Nữ Hiếu chúng ta lại nghĩ hay quay lại gia đình, sửa cái bụng Hiếu đã cảm giời đó. Hiếu là nghĩ đến trước ta mà cũng nghĩ đến sau ta nữa đó. Khi xảy ra việc Nhật đuổi Pháp ở nước ta thì chúng ta mới thấy cảnh bình minh năm xưa mới mất hẳn. Chúng ta xoa tay nhảy vào vòng mà hy vọng. Chú Huy ra đời trong một buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Nhưng chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hoà bình trong thế hệ tương lai này nên chú Huy mới gọi là Văn Huy. Bố là Văn Huyên một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc một vật quý không vết, con Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn.
Đó là những sự mong mỏi của chúng ta. Cùng nhau ngậm hờn nuốt tủi trong bấy nhiêu năm, ngồi ăn những bữa cơm mà khách là kẻ cừu, chuyện trò với những kẻ tự cho những cái học danh của mình là danh thiên cổ. Nhưng Huyên thấy Ngọc cũng như Huyên chỉ nhún vai mỉm cười mà ở lòng Huyên trong bao năm chí hăng hái của tuổi trẻ không hề phai nhạt. Huyên cách biệt Ngọc và các con đến hôm nay đã ngoài 40 ngày rồi? Khi Ngọc nhận được thư này không biết công việc ở đây đã xong chưa. Nhưng chúng ta cũng can đảm mà tin ở tương lai. Việc rất khó, nhưng hy vọng vẫn còn chứa chan. Làm suốt ngày thâu tối, không hôm nào được đặt mình trước 12 giờ khuya. Lúc nào cũng cảm thấy mình trên bãi chiến trường, nhưng tính Huyên điềm tĩnh nên nhờ đấy mà khó đến đâu cũng không hề rối loạn.
Ngọc ở nhà nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để nuôi các con. Ngày tái hợp không bao xa nữa, Ngọc ạ. Các con phải ngoan ngoãn. Hôm qua cậu đã mua một cái radio cho các con rồi. Chắc là Bà cũng nhớ cậu lắm, Ngọc và các con cứ nói là Huyên mạnh khoẻ và sắp về. Mẹ nuôi con 10 năm cho đi học nên người, nay con đi sứ mệnh phương xa, trong lúc tuổi cao mắt kém, tưởng không cảnh nào tết đẹp hơn và thương tâm hơn vậy. Ngọc ạ, đời chúng ta sẽ tốt đẹp. Ngọc viết thư lên bẩm Thầy là Huyên lúc nào cũng nhớ Thầy lắm, phen này Huyên về sẽ dàn xếp xong các việc cũ, Thầy nên tĩnh dưỡng, Huyên hiểu Thầy hơn tất cả mọi người, tuy tất cả anh em trong nhà ai ai cũng yêu Thầy như nhau. Ngọc bảo Hưởng đánh cho Huyên cái dây thép nói số kính của Đẻ và số găng tay của Ngọc. Chuyện thì còn nhiều. Thôi hãy tạm biệt Ngọc hôm nay.
Nguyễn Văn Huyên
Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên
Tác giả: Nguyễn Kim Hạnh (con gái ông Nguyễn Văn Huyên)
Nhà xuất bản Giáo dục