Số phận từng người

Số phận của các anh chị sống bên ông ngoại cũng thật chẳng ai giống ai. Nhưng có một điều chị Hồ và cô Quý khi lấy chồng ra làm việc cơ quan nhà nước tôi đều thấy các chị giống nhau ở một điểm hai người đều là người vợ, người mẹ rất đảm đang và rất mực yêu thương chồng con. Biết hy sinh sự nghiệp của riêng mình để dành cho chồng có thời gian và tâm trí gánh vác việc nước vẹn toàn, tự giành lấy việc nuôi con được chu đáo.
Công việc xã hội các chị đều làm với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm cao, hết lòng vì người bệnh nhưng không hãnh tiến mà hết mực khiêm nhường, chan hoà với tất cả mọi người.
Chị Hồ đủ sức để có thể học cao hơn nhưng suốt cuộc đời không hãnh liến chỉ làm một việc thành thạo gây mê cho các ca mổ của anh Tôn Thất Tùng (chồng chị).
Cô Quý một mình gánh vác việc nhà để chú Trần Bá Kỳ hoàn thành nhiệm vụ của bác sĩ, Viện phó Quân Y viện trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ. Có lúc cô phải làm bánh bán và nuôi trẻ để ổn định cuộc sống gia đình. Khi các con khôn lớn, cô đã toàn tâm lo việc phục vụ Bệnh viện. Khi nghỉ hưu cô là thiếu tá Quân Y và chú Kỳ là Đại tá Quân Y.
Anh Ái, Phác, Mãn, Lục đều tham gia Cách mạng từ những năm 1945, 1946. Sau này các anh đều là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt nam. Ngày 1-10-1948, mẹ tôi viết nhật ký khi đang ở Thanh Thuý: “ Những đứa cháu thân yêu Ái, Phác, Mãn, Lục đang ở trong Quân dội trẻ tuổi. Các cháu cũng thiếu thốn vật chất như toàn quân, nhưng các cháu có đầy đủ tấm lòng vì nước vì dân. Cô vô cùng tự hào có các cháu… Cô bằng tuổi các cháu mà cô không dám mạnh dạn chọn cho mình chí hướng mà mình ước mong đấy… Ái, Mãn, Phác, Lục sẽ làm rạng rõ cho ông cho cha mẹ sung sướng tuổi già”.
Hoặc có lúc mẹ tôi viết riêng cho anh Phác, có lúc mẹ tôi viết riêng cho anh Mãn, anh Ái: “… Cô mong các cháu không thẹn với dòng họ ta, dòng họ cũng một thời oanh liệt chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương của Tổ quốc… Các cháu hãy cố gắng học tập rèn luyện để trỏ thành những chàng trai đất Việt thời Trầu Quốc Tuấn (1948)”.
Tháng 4 năm 1948, mẹ tôi gặp lại anh Phác (sau khi tiễn anh đi Nam tiến): “Bất ngờ quá! Không đợi mà tới. Ôi thương quá. Mấy năm bác cháu xa cách… Bác cháu cùng lệ rơi đầm đìa vừa vui gặp nhau. Vừa buồn thấy Phác gầy xanh… (anh bị đau tim giống như bệnh của anh Phiên vậy).
Tháng 9 năm 1949, mẹ tôi gặp anh Ái trước khi rời Thanh Thúy lên Chiêm Hoá: “Bất ngờ quá!… Ôm cháu âu yếm hôn hít như hồi chái còn bé bỏng ngồi lòng bà, lòng cô… Ái đưa nhật ký cho cô xem. Cũng một thời oanh liệt xứng đáng chàng trai dòng họ Vi…”.
Cha mẹ tôi gắn bó nhiều với con cháu trong họ. Mẹ tôi là người điều hành công việc đâu ra đấy. Lúc nào cũng nhẹ nhàng vui tươi, đĩnh đạc.
Rõ ràng qua mẹ tôi, tôi thấy sự điều hành như bằng uy tín của người đức độ hiền từ và lòng thương yêu mọi người, điều hành bằng cả một sự thông minh và từng trải của chính mình. Sự quan tâm của mẹ tôi đối với các anh chị bên ngoại cũng như bên nội sau này (khi ở trên Việt Bắc) tôi đều được chứng kiến. Mẹ tôi là người biết an ủi những nỗi buồn, những khúc mắc trong cuộc đời người thân. Mẹ tôi biết khích lệ sự tiến bộ của tuổi trẻ và hết sức tôn trọng con cháu trong nhà. Vì thế ai cũng cảm nhận được tình thương yêu của mẹ tôi và tìm đến mẹ tôi để được chia sẻ. Sau Cách mạng Tháng Tám, mẹ tôi hiểu được tàn dư phong kiến để lại nên thái độ của mẹ tôi đối với các cô chú là con các bà thiếp của ông hết sức quan tâm, tạo cơ hội cho các cô chú học tập tiến bộ, có việc làm. Đó là tấm gương cho chúng tôi noi theo và chúng tôi được thừa hưởng tình cảm của các anh chị, cô chú đối xử với chúng tôi rất mực yêu thương và chăm nom chúng tôi chu đáo. Điều đó chúng tôi phải cảm ơn cha mẹ rất nhiều.