Bà là thợ xây lâu đài vững chắc

Quả thực là mẹ tôi đã được “Êm ấm trong cảnh đào nguyên giữa trần”.
Là người phụ nữ yêu kiều duyên dáng và tinh tế. Mẹ tôi là người hết mực hiền dịu thương yêu trìu mến chăm chút tổ ấm gia đình. Các bạn của mẹ tôi ví mẹ tôi đẹp như tiên, cuộc đời của mẹ tôi cũng đẹp như tiên. Còn chính mẹ tôi cũng tự mãn nguyện với cuộc sống hạnh phúc của mình. Khi mẹ tôi qua đời, con trai tôi Kim Hiền là cháu đầu của bà còn đang ở bộ đội, đóng quân trên biên giới quê hương của bà. Khi cháu trở về đã cầm lá thư bà gửi cho cháu ngày 8-9-1987 (trước khi mất một năm) có đoạn viết:
“ Biết bao người mong ước trên đời này được sống trong hạnh phúc ấm cúng gia đình… Bà không dám tự hào mãn nguyện, nhưng bà thấy có thể mỉm cười trước ngoài tuổi 70 này. Suốt cuộc đời tâm tâm niệm niệm làm điều tốt cho mình, cho người, trong tâm không có điều gì phải ân hận… Với gia đình ta, bà đã xây đắp từng viên gạch nhỏ đầu tiên… Cứ thế cần cù kiên trì tin tưởng, phân khởi bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Suốt 50 năm trời trôi qua, bà không mệt mỏi bà đã thành công. Bà đã được phần thưởng vô giá, Hiền ạ. Bà có con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, ngoại mà bằng ấy trái tim đều có một tâm hồn con người… biết vì lẽ phải, biết vì mọi người để mình sống trọn vẹn. Đấy Hiền ngẫm xem bà có xứng đáng được một phần thưởng quý đó không? Tuỳ Hiền nhận xét bà đã xây lầu cao xây lâu đài vững chắc. Đó chỉ còn là danh từ…”.
Tiếp theo, mẹ tôi đã tâm sự cùng cháu như đã từng viết thư cho chúng tôi: “Từ viên gạch đầu cho đến khi hoàn thành… những ngườí được hưởng ắt phải gìn giữ và tô điểm thêm. Phẩn tô điểm thêm là thế hệ Hiền đấy. Hiền là con chim đầu đàn, sống như thế nào để các em sẽ noi gương của người anh cả”.
Khi chép lại những dòng chữ này cháu Hiền của bà đã được sang Pháp học (sau đại học). Như vậy là năm 1934, ông ngoại đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbone. Sau 60 năm (1994), cháu ngoại đầu của ông đã có mặt tại Sorbone, con chim đầu đàn của bà đã theo chân ông bước vào trường đại học, hiện nay là một phần của hệ thống đại học Paris - thành lập năm 1257. Đó là công của ông bà đã vun đắp một cách cần cù, kiên trì từng việc rất nhỏ trong nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.
Vào năm 1986, khi còn khỏe, mẹ tôi đã dẫn cháu Hiền về tận quê ngoại của bà để thăm bà con họ Hà (Hà Thị Bạch là tên bà ngoại tôi) ở Điềm He, xã Văn An thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Sau chuyến về thăm quê ngoại bà còn bảo cháu Hiền về nhà vẽ lại cho bà toàn bộ sơ đồ mối quan hệ họ ngoại của bà hiện ai còn ai mất và thế hệ sau đã trưởng thành phát triển đến đâu. Bà mong con cháu sẽ không quên họ hàng mà phải nối tiếp nhau giữ tình thương yêu, giúp nhau tiến bước. Tôi hiểu hành động của mẹ tôi là giáo dục con cháu có tấm lòng nhân ái, có tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương không thể chỉ bằng lời khuyên mà phải bằng chính tình yêu nhỏ bé từ trong lòng gia đình ra họ hàng thôn xóm rồi mới đến được tình nhân ái cao hơn, lớn hơn. Đấy cũng là một đặc điểm nổi trội xuyên suốt trong cả cuộc đời của mẹ tôi mà tôi luôn được biết qua hành động cư xử với bà con nội ngoại, qua dòng nhật ký từ thời kỳ Kháng chiến gian khổ cho đến nhiều bức thư gửi cho các con, các cháu lúc xa nhà, cảm được lòng bà, cháu Hiền khi đóng quân tại Lạng Sơn đã tìm đến bà con dân bản để hiểu thêm về Bản Chu, về Lộc Bình quê bà. Cháu đã chụp ảnh phần mộ của cụ ngoại Hà Thị Bạch, cháu đã chụp cổng vào nhà cụ Vi Văn Định ở Bản Chu, nơi mẹ tôi ra đời, nay chỉ còn toàn bộ “cái cổng”. Nhà cửa đã bị pháo bắn sập năm 1979, không còn lại dấu tích gì. Bác Kim Yến nhớ lại: “Ngày xưa dinh trại Bản chu có tất cả ba cấp cổng. Mỗi cổng có một chiếc trống rất to. Khi có người đến thì cổng thứ nhất dánh trống, tiếp đến cổng thứ hai rồi báo vào cho cổng thứ ba hồi âm. Trong dãy “nhà bông” của dinh thự đặt rất nhiều súng kíp để bảo vệ.
Chiếc cổng mà cháu Hiền chụp phần còn lại là di tích của cổng thứ hai. Bác Kim Yến muốn sửa lại để gìn giữ một di tích của dòng họ có công phò vua Lê bảo vệ biên cương đã ở đấy mười ba đời. Rồi bác nhắc là còn mộ Tổ, mộ cụ Lý và bà ngoại cùng các thím…
Các cháu ở quê ngoại là cô giáo như chị Hoàng Thị Bảy, Hoàng Thị Tới và các con, các cháu… nhiều người là thầy cô giáo ở Văn Quan, Đồng Mỏ… Các chị, các cháu đều được mẹ tôi động viên, khuyến khích. Mỗi lần các anh các chị hoặc các cháu qua Hà Nội dự thi Đại học hoặc cùng đoàn giáo viên về nghỉ hè tham quan Hà Nội hoặc về học nghề tại Hà Nội, nếu có dịp là mẹ tôi dẫn về Mai Dịch thăm mộ cha tôi. Ở đấy còn có chú Di con rể họ Vi, có anh Tôn Thất Tùng cháu rể họ Vi và có ông Hoàng Văn Thụ là chú của các chị.
Lần cháu Nụ Hồng con chị Tởi về thi đại học, cháu chỉ còn được thắp nén nhang báo cáo với bà về kết quả học tập của cháu. Tuy rất lâu chưa gặp nhau nhưng hai bà cháu vẫn thư từ động viên và hứa hẹn phấn đấu học tập thành đạt. Tôi đã thay mẹ tôi dẫn mẹ con chị Tởi tới trường dự thi. Trước khi cháu vào trường, tôi đã dẫn cháu tới nghĩa trang Mai Dịch thắp hương.
Khi mẹ tôi còn trên cõi đời này, mẹ tôi đã làm như ông ngoại, sẵn sàng tạo điều kiện cho các cháu từ miền ngược được về thủ đô nghìn năm văn hiến để học tập, học nghề, học được nhiều điều để về xây dựng quê hương, bảo vệ vùng biên của Tổ quốc. Không lần nào tôi thấy mẹ tôi quên không tâm sự dặn dò các cháu cố công học lập và “phải có tâm hồn con người, có như vậy mới biết lẽ phải, biết sống vì mọi người và cũng để mình sống trọn vẹn”.
Cậu Huy gặp bác Bẩy… kể về việc ông ngoại đưa các cháu ở Bản Chu (Thất Khê) hay cháu Đàm Đức Dậu ở Lạng Sơn về học ở Hà Nội. Vào năm 2001, 4 chị em về thăm quê ngoại gặp chú Quỳnh em họ của mẹ cũng kể về ngày xưa chú cũng được ông đưa về ở “Ha le” để đi học. Không cứ người mang họ Vi mà cả những con cháu mang họ Hà, họ Nguyễn, Hoàng… nếu có năng lực đều được cưu mang để phát triển.
Khi cháu Kim Hiền đóng quân trên vùng biên cương của Tổ quốc, cháu đã yêu mến một cô gái tại Lộc Bình đang học Đại học Y Bắc Thái. Cả nhà tôi đã vui mừng tổ chức hôn lễ cho hai cháu, chắc chắn là có sự dẫn đường của bà ngoại từ phương trời xa. Cháu dâu đầu của bà - Nguyễn Thu Hằng ngày nay đã là cán bộ nghiên cứu khoa Tâm lý Giáo dục trẻ em.