Tình hình trên quê

Từ Bản Chu, ngày 23-1-1945, chú Dư gửi thư cho mẹ tôi và các cô, các bác ở Hà Nội: “Các chị ơi! Sống ngày nào thời biên ngày ấy thôi. Về quê thì lấy gì mà phong lưu nữa. Thóc gạo đủ ăn là tốt rồi, rau cháo cho qua bữa thời thôi… Các cháu nó đều chạy trốn nhà đi chiến khu cả rồi… Thằng Ái và thằng Mãn chỉ có chúng nó nhớn ở nhà giúp đỡ nhiều nay nó đi, sớm tối em và anh Cả lấy ai mà sai bảo công việc… Cháu Phác ở dưới ấy nhờ chị chỉ bảo nó, dạy nó cho em nhờ…”.
Thế là về sau anh Phác đã cùng thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi của Cách mạng tham gia “Nam tiến”. Hôm tiễn đưa anh Phác thật là bịn rịn nhưng cũng đáng tự hào. Được tiễn người trong gia đình đi chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc là lẽ sống và nghĩa vụ của mỗi người Việt nam yêu nước.
Trước khi anh Phác “Nam tiến” anh cùng sống với chúng tôi ở 45 Phố Cột Cờ. Một hôm tôi theo mẹ và cô Quý ra cổng chờ anh về ăn cơm mà mãi không thấy về. Đến khi trời gần tối, chúng tôi mới thấy anh từ xa trong bộ quần áo trắng. Mừng quá cả nhà chạy ra đón anh. Bởi vì tình hình bấy giờ rất căng thẳng. Bên cạnh nhà tôi ở là nhà của một sĩ quan Nhật. Ngày ngày lính Nhật tập hợp ngoài hè. Từ trên hiên nhà tôi thấy nhiều lần sĩ quan Nhật đeo gươm dài bên mình tát quân lính. Anh Phác làm cả nhà hoảng hốt vì trên người đầy vết máu Anh nói vừa đưa bạn về Bệnh viện Phủ Doãn…
Ngày ấy cô Quý được anh Phác dạy cho rất nhiều bài hát cách mạng như bài “Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều…” hay là bài “Diệt Phát xít”, “Tiên quân ca”…
Sau chiến dịch Thu Đông 1947, gia đình tôi gặp lại anh. Bấy giờ anh bị ốm rất nặng. Hình như anh cũng có bệnh tim như anh Phiên của anh. Mẹ tôi lo lắng ghi trong nhật ký như vậy.
Tuy anh Phiên mất đã lâu mà nhật ký mẹ viết ngày 2-4-1948, trên đường tản cư rẽ Quả Cảm - Đoan Hùng đã viết: “Phiên ơi, Phiên có biết các bác qua đây đi tìm nơi an nghỉ ngàn năm của Phiên không? Sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cả họ nhà ta cháu nhé”.
Vào dịp tôi đang học ở Trung Quốc, tôi đã gặp anh Phác sang tu học hoá nghiệm tại Trung Quốc. Anh em gặp nhau mừng khôn tả… Khi tôi viết hồi tưởng về cha mẹ tôi thì anh đã nghỉ hưu. Tình cờ tôi đọc trên báo “Sức khỏe” (3-l-1996, số 657) nhắc tới anh. Họ viết: “Anh Vi Phác là một thầy thuốc thật thà, khiêm tốn, tin tưởng ở đồng nghiệp… Bản chất của dân tộc Tày sống giản dị chất phác như chính tên của anh…”.
Vì sao lại có bài báo này? Đó là nhờ sau khi tu học ở Trung Quốc anh đã sáng chế và bộ môn cùng góp công để làm ra thuốc chữa bệnh lậu, Rồi bẵng đi rất lâu, có người báo cáo thành công trình của riêng họ, rồi lại có người lên tiếng bênh vực chống lại… Vì đồng tiền và danh vọng nên có bài báo “Nguyên cáo trở thành bị cáo”. Khi đưa ra công luận người viết đến tìm anh (vì anh không lên tiếng), anh đã trả lời: “Trong thâm tâm tôi không thắc mắc gì vì nghĩ rằng tất cả việc mình làm chỉ vì cái chung, vì người bệnh cả thôi”.
Trong khí thế chung, thanh niên lúc bấy giờ đều có nhận thức: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Mọi tầng lớp thanh niên đều đã chọn con đường ấy.
Trước lúc đó bác Chinh tôi còn có hai anh Quế và Lục cũng đã từ Yên Thế ra nhập Đội Cứu quốc quân, ra nhập Mặt trận Việt Minh, tham gia vũ trang đánh đổ Pháp Nhật và tay sai của chúng, để cứu nước cứu dân khỏi vòng nước sôi lửa bỏng, để tuổi thanh niên được tự do vươn tới sự đổi mới.
Con đường bước theo Cách mạng của các tầng lớp thanh niên cũng khác nhau. Do đói nghèo, do căm thù và cũng do mong muốn được tự do, được đổi mới. Các anh Lục, Quế, Ái, Mãn lần lượt ra đi từ những năm 1945, 1946 cũng là do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ đã làm cho các anh thấy khao khát được hưởng tự do và đổi mới, đồng thời cũng vì truyền thống gia lộc vốn làm nghĩa vụ trấn ải biên cương. Anh Quế hy sinh ngay đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp; mãi đến năm 2002 các anh chị gia đình bác Chinh mới tìm thấy mộ anh Quế và đưa về Bất Bạt gần hai bác.
Thư bác Cả gái đã viết:
“Bản Chu 4-4-1945…
Thầy lúc nào cũng muốn đè nén, lúc nào thầy cũng an chỉ là lũ con thầy vô dụng… Không có gì là lạ vì làm sao đời thầy sinh, ông bà lại hiếm hoi chiều quý thầy, đến năm 22 tuổi, thầy ra làm quan, 25 tuổi thì ông bà quy tiên. Thế là từ ấy thầy cầm đầu tất cả công việc đối với xã hội cũng như trong gia đình. Ai cũng sợ nể thầy…”.
Rồi bác kể rằng: “Dù sai trái phận làm dâu, Tết đến vẫn phải đứng lên xin tạ lỗi để cụ tha thứ vui vẻ ăn tết với con cháu”. Rồi bác bảo rằng bác đã dạy bảo các anh các chị không được cãi lại ông, ngay đến bác Cả trai đã lớn rồi, già rồi mà “không bao giờ dám cãi nữa là chúng mày con cháu. Thật thế em ạ, gia đình nhà ta chưa xảy ra cha mắng con cãi lại rầm rầm như thế đã là đại phúc rồi em ạ”.
Các anh thuộc thế hệ thứ ba sống bên cạnh người ông, như vậy thì hỏi làm sao mà cam chịu nổi trong lúc Mặt trận Việt Minh kêu gọi chống phong kiến, chống áp bức. Thế hệ thứ hai như mẹ tôi là điển hình mà còn quyết chí vượt ra khỏi vòng áp chế nữa là lớp trẻ - lớp con cháu.
Sống trên Yên Thế, Tuyên Quang, Lạng Sơn là nơi căn cứ địa cách mạng, rất may mắn cho các anh tôi, không khí cách mạng trên chiến khu đã rất nhanh chóng thổi đến và cuốn hút các anh vào cơn bão táp của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc. Sau này trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Ái, anh Mãn, anh Lục và chúng tôi gặp lại nhau nhiều lần. Lúc ở Phú Thọ, lúc ở Chiêm Hoá. Mỗi lần gặp lại các anh là thay sự trưởng thành của Vệ Quốc đoàn, !!!8347_2.htm!!! Đã xem 57657 lần.

Đánh máy & Hiệu đính: Nguyễn Học
Nguồn: VNTQ
Được bạn: CT.Ly đưa lên
vào ngày: 3 tháng 10 năm 2006