Trưng thu độc lập

Tết Trung thu mẹ không bày cỗ ở nhà
Ông ngoại tôi trở về Hà Nội, mẹ tôi mời ông về ở nhà 20 Ngô Quyền. Đây là ngôi nhà công vụ là dành cho Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Cha mẹ tôi đã có lần dẫn tôi đến chơi ông bà Giám đốc thời trước Cách mạng.
Bấy giờ cha tôi vẫn đang dự Hội nghị Fontainebleau, mẹ tôi mời ông ở ngay phòng ngủ của cha tôi. Từ phòng ông tôi bước ra là phòng rộng lớn, nơi đặt bàn làm việc, tủ sách, đài radio và bộ bàn ghế tiếp khách. Tôi còn nhớ những cuốn sách của cha tôi được đóng bằng bìa da nâu, chữ vàng. Cuốn nào cũng dày và chắc chắn xếp đầy trên tủ. Từ phòng khách bước vào phòng nhỏ đó là phòng ngủ của hai chị em tôi và Bích Hà. Có thêm giường kê cho cô giáo Kim. Một gia sư vừa dạy tiếng pháp và văn hoá cũng như thêu thùa cho chị em tôi. Chúng tôi có thể từ trên giường mình nhảy xuống đất, đi trên thảm đỏ để leo ngay lên chiếc giường đôi của mẹ. Đây là phòng của mẹ tôi và Nữ Hiếu. Trước bàn hướng ra cửa sổ có giấy bút và vài cuốn sách được xếp gọn. Bên cạnh là chiếc máy khâu luôn có chồng quần áo đang may dở. Cạnh cửa sổ thứ hai là bàn phấn. Chúng tôi có thể đi chân đất trên sàn gỗ bóng để sang phòng em Huy và dì Quý. Mẹ tôi không rời các con, bên trái bên phải phòng mẹ tôi đều có chúng tôi. Mẹ tôi luôn giữ nếp nhà trật tự, ngăn nắp sạch sẽ. Việc nào mẹ tôi cũng tổ chức làm đâu ra đấy. Không bao giờ tuỳ tiện, tuỳ hứng. Cho nên việc sắp đặt cuộc sống đều rất quy củ. Đó là nét đặc trưng của mẹ tôi dù trong hoàn cảnh Kháng chiến chỉ có một phòng ở nhưng trong phòng vẫn có bàn học cho các con, có bồ thúng đựng đồ chơi, mùa đông vẫn có bếp lò sưởi trong nhà…
Dù xa mẹ, chúng tôi không bao giờ quên được nền nếp mẹ đã tạo cho chúng tôi. Tôi còn nhớ cả nhà vây quanh đài thu thanh tại phòng lớn lắng nghe tường thuật ngày nhân dân Hải Phòng đón Bác Hồ lên tầu hoả về Hà Nội. Sở dĩ hôm đó chúng tôi không được ra ngoài vì em Huy đang bị ốm. Tiếng hoan hô reo hò vang dội trong loa truyền thanh rộn vang khắp phòng: “Nhanh bước nhanh nhi đồng, treo cờ dỏ sao vàng, kìa lời gió ngàn, kìa lời song núi…” theo nhịp trống ếch, chúng tôi hát bài “Già Huỳnh”, “Già Hồ”…
Trong Kháng chiến mẹ tôi thường mang cuốn “Loại sách tự học trích giải lời Hồ Chủ tịch” để đọc cho chị em chúng tôi nghe, cho chúng tôi theo đó tập chép. Có đoạn thư Bác viết sau khi từ Pháp trở về: “Bác đi Pháp mấy tháng, nhớ các cháu luôn. Chắc các cháu cũng nhớ Bác. Khi Bác về Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu mang nhau đi đón Bác. Có lẽ hơn mười vạn cháu, tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chật hai bên đường hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát, vui vẻ như một đàn chim…” Đọc thư, chép thư tôi lại nhớ không khí ngày ấy, lòng tôi lại xốn xang nhớ ngày Trung thu độc lập đầu tiên. Hồi đó mẹ tôi may cho tôi và Bích Hà mỗi người một bộ áo trắng, quẩn xanh có yếm và mua cho chúng tôi chiếc ca-lô đội như các bạn.
Mẹ tôi là người mẹ tuyệt vời nhất. Mọi ao ước của con trẻ đều được mẹ đón trước để thoả mãn một cách hợp lý. Chúng tôi theo trống ếch nhịp nhàng của đoàn thiếu nhi khối phố đến khu vực gần Hồ Hoàn Kiếm chờ xem xe hoa. Chiều hôm đó chúng tôi lại gọn ghẽ trong bộ quần áo công nhân, hai túi đầy vỏ bưởi theo đội ra Bờ Hồ chiến đấu với “tầu chiến địch”. Chiến hạm dựng ở phía góc đường Bà Triệu, Hàng Khay, còn chúng tôi được chia đứng ở vườn hoa Chí Linh. Cuộc chiến đấu bắt đầu từ chiến hạm bằng cót, các thuyền con bơi ra mọi phía để đổ bộ lên bờ! Chúng tôi tới tấp ném vỏ bưởi… Ai đã dự Trung thu năm ấy hẳn còn nhớ chiến hạm bị đổ tung toé…
Mùa thu Cách mạng năm ấy, Bác Hồ đã mang lại cho trẻ nhỏ Việt Nam niềm tự hào là con một dân tộc độc lập và với niềm tin, lòng dũng cảm để bước tiếp theo con đường mà Bác đã mở ra…
Tết Trung thu năm ấy Bác còn gọi nhi đồng Việt nam là “các em”. Chép trong cuốn tự học: “Đây là Hồ Chí Minh, nói chuyện với các em vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức. Như thế là tốt lắm. Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập”.
Tôi còn nhớ mẹ tôi cho viết mấy dòng: “Trước khi phá cỗ vui vẻ chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: “Trẻ Việt nam sung sướng! Việt nam độc lập muốn năm”.
Lời Bác vẫn giản dị, vừa yêu trẻ, vừa thắm thiết như người trong nhà.
Chúng tôi đã hát trong Kháng chiến với một tình cảm vô vàn kính yêu Bác Hồ
“Già Hồ ơi! Bé đến đây.
Già Hồ ơi! Bé yêu Hồ.
Cười rúc rích, cười rúc rích bên tai già Hồ
Mời già Hồ xơi kẹo với em
Chúng em đây lớn thế này
Già Hồ bế em nhiều nhé!”
Tối hôm đó chúng tôi trở về ngôi đến ở phố Bà Triệu để phá cỗ. Tại đây các mẹ, các chị đã bày sẵn nào là hồng, nào là chuối, là bưởi… những con chó bông bằng bưởi có lưỡi đỏ, có mắt đen nhánh. Ai vào cỗ cũng nói: “Đẹp ơi là đẹp! Giống thật quá!” tại đây mẹ tôi cũng có mặt để chờ chúng tôi. Mẹ dạy tỉa hoa
Nhân dịp Trung thu, mẹ tôi dẫn tôi đến Tràng Tiền xem trưng bày một phòng toàn hoa đặt trong tủ kính cùng các con vật làm bằng đu đủ, những múi bưởi ghép lại sao mà đẹp thế, đáng yêu đến thế. Mầu sắc hồng hồng, vàng nhẹ, của những bông hoa hồng, những bông cẩm chướng vàng, thuỷ tiên thật là tươi tắn, mắt dịu. Mẹ nói: “Đây là những thứ bày bán đấu giá góp tiền cho Chính phủ Cách mạng”. Hình ảnh hai mẹ con dắt nhau đi trong phòng hoa đó vẫn còn đọng lại trong tôi cùng với lời giảng giải của mẹ. Mẹ tôi quả là người mẹ tài đức.
Trước biến cố trong lịch sử xã hội, cha mẹ luôn là người hướng đạo từng bước cho các con. Trước 1945, Trung thu nào, mẹ tôi cũng dẫn tôi đi sắm tết, tự chọn mua những con giống, những bộ bàn ghế “salông”, những nồi niêu bằng bột được dán trên một mảnh bìa… để về bày cỗ. Kể cả ngày chạy Nhật vào Hà Đông mẹ tôi vẫn lo bày cỗ cho các con. Duy có Trung thu năm 1946 là mẹ không bày cỗ ở nhà, mẹ đã dắt chúng tôi bước vào không khí đầy nhiệt huyết của cách mạng lúc bấy giờ. Chưa bao giờ mẹ tôi để chúng tôi ngồi hè đường, kể cả lúc nhà ở ngay trước cổng chợ Hà Đông, thế mà bấy giờ mẹ tôi đã cho chúng tôi ra đường ngồi bên vệ đường cùng tất cả mọi người xem diễu hành, xem xe hoa. Đó là lần đầu tiên mẹ tôi cho chúng tôi hoà nhập vào xã hội.
Tôi còn nhớ vào một năm, cả nhà ngồi trên hiên nhà “Hale” để tập tỉa hoa. Bấy giờ tôi còn bé chỉ chạy quanh xem mẹ dạy các chị Hồ, Lạng và cô Quý tỉa hoa mà thôi. Vì sao mẹ tôi lại chú trọng chăm lo cho các chị tham dự vào cái tết cố truyền làm những công việc như vậy? Theo phong tục cổ truyền, Tết Trung thu đâu chỉ phải là Tết riêng của trẻ em.
Cha tôi có một bài viết về lễ hội này vào năm 1942. Ở đó ông có viết một đoạn liên quan đến việc vì sao mẹ tôi lại dạy các chị học để thành con gái khéo tay. Bởi vì Tết Trung thu trong quá trình diễn biến lâu dài của lịch sử đã trở thành Tết của trẻ em, của tuổi trẻ và ông viết: “Mặt trăng trên trời được coi là chỗ ở của ông Tơ bà Nguyệt có nhiệm vụ gắn bó trai gái với nhau bằng những sợi chỉ hôn nhân”.
Vì vậy những cô gái qua cỗ Tết thể hiện tài nghệ nữ công gia chánh để tỏ mình trước các chàng trai và các bà mẹ chồng tương hai. Dần dần phong tục này giữ lại dành cho trẻ em những sự vui thú, còn đối với tôi thì nhớ nhất là trên mâm cỗ năm nào cũng có ông tiến sĩ đầu đội mũ cánh chuồn ngồi chễm chệ trên ghế vòng hai tay trong áo thụng. Bởi vì theo cha tôi Tết Trung thu còn có ý nghĩa “Những thanh niên đã hoặc sắp sửa học hành thành tài lại vui Tết Trung thu theo kiểu của họ. Đối với họ đây là ngày tết của tương hai, ngày tết mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới của họ”.
Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng, mẹ tôi muốn các con theo gương cha học hành tấn tới để thành “ông tiến sĩ”. Còn như khi được đọc tác phẩm của cha tôi mới thật hiểu tại sao ngày xưa con cóc ba chân trên mặt trăng thành con cóc vàng, “kim thiềm thừ” biểu tượng của sự đỗ đạt ở kỳ thi Hương và cây đa che cho chú Cuội của dân gian lại trở thành cây nguyệt quế có hoa nở về mùa thu và đôi khi rụng xuống mặt đất. Cái cây hiếm hoi này, với những cành nhánh oai vệ biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Thảo nào cứ đến Trung thu trên hiên gác “Ha le”, cha tôi lại cho tôi nhìn qua ống nhòm để ngắm “cây nguyệt quế” và chú Cuội. Mẹ tôi mua cho tôi đèn cá chép, những con giống hình kỳ lân…
Cô Quý theo mẹ tôi từ Tấm bé. Cô đã học được nhiều điều để làm một người vợ, người mẹ trong gia đình. Qua bàn tay cô Quý chăm sóc em Huy, mẹ tôi đã có lời nhắn nhủ em ghi nhớ công ơn cô giúp mẹ trong những ngày khó khăn của cuộc Kháng chiến trường kỳ. Mẹ tôi nhắc tới cô Quý cùng hai người cháu yêu quý như sau: “… Cô Quý từ tấm bé, mẹ và bà ngoại đã nâng niu chãm sóc cô, cùng chị Hồ, anh Ái ba người ấy quấn quýt yêu thương nhau từ bập bẹ biết nói biết chơi đùa…”.
Kể từ ngày rời Hà Đông đón mừng Cách mạng, tôi không còn được nhìn thấy mâm cỗ Trung thu của mẹ có ông tiến sĩ nữa. Mặc dù từ ngày có cháu nội ngoại, năm nào bà cũng lo bày cỗ cho các cháu. 15 năm nghỉ hưu, mẹ tôi có hơn 10 bức vẽ về Trung thu. Tết nào mẹ tôi cũng được Thành đoàn mời đến cùng bày cỗ với các cháu thiếu nhi: Năm nào bà cũng thưởng cho các cháu nội ngoại nào ngoan giỏi đi dự cùng bà. Lần cuối cùng bà bày cỗ cho các cháu thiếu nhi Hà Nội là Trung thu năm 1987.
Trong những tranh Trung thu bà cùng vẽ với Hiền, Chi rồi Hậu, Hiếu, sau rồi bà cùng vẽ với Huyền Chi, cháu gái của bà. Trong đó ngoài vẽ sư tử há to mồm trước mâm cỗ bánh nướng, bánh dẻo còn có mặt nạ con thỏ, hổ, mèo… Có năm bà vẽ thêm mặt nạ Phăng-tô-mát nhưng hiền lành và đẹp hơn. Khi có bé Huyền Chi thì bà vẽ con chó bông bằng bưởi mà bà cùng cháu làm. Đôi lúc mẹ tôi tâm sự, khi đi sắm tết Trung thu cho các cháu thấy đồ chơi cho trẻ quá nghèo nàn. Những đồ chơi truyền thống của dân tộc không đẹp, kém hấp dẫn trẻ. Nhiều đồ chơi mới chưa mang lại cho tâm hồn trẻ thơ được lành mạnh… Một hôm mẹ tôi nói với tôi: “Những điều mẹ muốn nói đã được (ai đó) đăng trên báo. Công luận đã cùng lên tiếng thay những gì mẹ trăn trở. Đó là sau hơn 30 năm đón Trung thu Độc lập.