Chiêm Hoá đây rồi

Đoàn thuyền chúng tôi đi được một quãng, xa xa thấy một vùng đồi, nhấp nhô những mái nhà ngói đỏ, màu vôi trắng như có nhiều nhà gạch, nhà thờ… Người lớn bảo:
- Chiêm Hoá đây rồi!
- Nhưng mình không rẽ vào đâu.
- Còn phải tiếp tục đi xa nữa. Đoàn thuyền lại tiếp tục ngược nguồn…
Chiêm Hoá một huyện lỵ của tỉnh Tuyên Quang thuộc căn cứ địa cách mạng trước 1945. Chiêm Hoá chính là nơi Cứu quốc quân đã giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh từ trước Tháng 8 năm 1945.
Chúng tôi không rẽ vào huyện Chiêm Hoá, tiếp tục theo Sông Gâm ngược nguồn. Các gia đình chúng tôi rời thuyền, nhiệm vụ người nào người nấy đã được phân công. Hồi đầu còn chưa có ba lô, mỗi đứa trẻ 2 túi đeo hai bên đựng đầy quần áo và những đồ dùng được phân công giữ. Mẹ tôi đã có sẵn cái địu để địu em Huy. Sống quen với dân tộc Tày ở Lạng Sơn, mẹ tôi hiểu việc đi rừng, người phụ nữ leo dốc, vượt đèo không thể bế con đi xa được. Theo đúng phong tục dân tộc, mẹ tôi đã may sẵn địu từ bao giờ tôi không được biết. Chỉ thấy mẹ tôi đã dịu em Huy sát lưng mẹ. Vào những năm 60-70, cuộc sơ tán bom Mỹ ở Hà Nội bắt đầu, mẹ tôi lại ngồi máy sẵn địu cho tôi chuẩn bị cõng con. Bà có nhắc đến thế hệ thứ ba phải chứng kiến bom đạn! Hơn ai hết, người mẹ Việt Nam mong muốn hoà bình biết bao!
Chúng tôi rảo bước đi trên đường rừng. Đón chú Di có ông Thiết (cách gọi thời xưa, cụ Di - ông Thiết đều còn trẻ). Sau này tôi được biết đó là y tá Bệnh viện, đảng viên Cộng sản, được cử giúp “gia đình cụ Di” ổn định cuộc sống trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Thiết ở nhà chúng tôi khá lâu. Ông Thiết người Huế, để lại người vợ trẻ từ Hoà Xá theo đoàn y bác sĩ di chuyển toàn bộ Bệnh viện rời Hà Nội. Tôi có gặp lại ông Thiết khi tôi về làm việc ở Tổng cục Đường Sắt, lúc này ông đã là bác sĩ và làm Bí thư đảng Uỷ Y tế Đường sắt Việt Nam. Năm 1987, ông Thiết đã qua đời (bị ung thư phổi).
Chúng tôi theo đoàn vào sâu trong rừng. Từ cửa rừng trời đang nắng gắt thế mà càng vào sâu trời càng âm u và ẩm ướt. Giữa trưa mà những tia nắng không chiếu nổi qua kẽ lá. Bỗng có tiếng người lớn ồn ào phía trước, trẻ con hai tay ôm hai túi dết hai bên chạy le te lên xem:
- Đâu đâu! Vắt đâu?
- Cho con xem với!
Mọi người ngó vào chân cô Di. Tôi chỉ còn thấy máu chảy. Thế là người lớn lấy bông nhét vào tai trẻ con, có ai đó bảo rằng:
- Vắt cắn lấy xà phòng bôi vào là nó nhả ra ngay.
- Hạnh, Lan, hai chị em xắn quần chặt vào để nó không bò lên chân.
Ở mãi trên rừng, chúng tôi chẳng còn sợ vắt như thời kỳ đầu.
Thuyên Nữ Hiếu và Bích Hà có các chú dẫn đường thay nhau cõng. Mẹ tôi luôn hỏi tôi và Lan có mỏi chân không? Có mệt không? Tôi chẳng thấy mệt, cũng không thấy mỏi chỉ thấy mình dang dũng cảm vượt lên phía trước. Lòng tự hào là mình không biết sợ, có thể chịu đựng được hết thảy. Mọi điều mới lạ còn đang ở phía trước! Chúng tôi hăm hở dắt tay nhau băng băng đi trước người lớn, theo sau ông Thiết. Thuyền nan đã chờ sẵn, chúng tôi nhanh chóng tản lên các thuyền con ngược theo dòng ngòi. Nước chảy xiết hơn ở trên sông. Có cù lao nổi giữa dòng như hòn đảo con trên biển cả. Chỗ này vừa sâu, vừa chảy mạnh, thuyền lướt sát cù lao, làm làn cỏ lướt vào mặt, tôi vội kéo bứt được ngọn cỏ xanh. Mùi hương hoa cẩm chướng mát dịu làm tôi bỗng nhớ tới Hà Nội.
Ở Hà Nội, mỗi khi ông ngoại có khách mời cơm; mẹ tôi thường mua hoa cẩm chướng về cắm hoa bát và tôi thường theo mẹ tung tăng thả mỗi chỗ ngồi một bông (các màu) bên chiếc thìa, cạnh bát đũa đã bày sẵn trên đĩa lúc đó hương thơm mát dịu của cẩm chướng làm tôi nghĩ đến nơi xa xăm mênh mông nào đó (có lẽ là những cảnh thiên nhiên ở Sầm Sơn, Đồ Sơn mà cha mẹ cho tôi ra nghỉ trong những dịp hè) đã có từ bao giờ với một cảm giác về không khí trong lành. Thế mà hôm nay không nhìn thấy bông cẩm chướng nào nhưng mùi cỏ có hương cẩm chướng lại làm tôi nhớ tới đô thành! Nhớ Hà Nội da diết! Nhớ tới phòng ăn rộng lớn tráng lệ, những bộ bàn ghế sắp đặt ngăn nắp và những khăn trải bàn thêu lịch sự…
Cảnh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc làm tan đi những ký ức, kéo tôi trở lại với thực tại. Không hiểu sao những suy nghĩ trên đọng lại trong tôi sâu đậm đến thế. Khi ngồi viết những dòng này, hình ảnh của hai cảnh tượng vẫn hiển hiện rõ ràng trong tôi…
Ngọn cỏ bên cù lao lướt qua mặt, tôi vội túm lấy ngon cỏ còn đang ướt như vừa mới xảy ra!
Thế mới biết tuổi thơ, những gì mà tôi yêu mến đã luôn sống trong lòng tôi với tình cảm vô cùng êm ấm!
Khi thuyền cập bến, ông Thiết nói với chú Di:
- Thưa cụ, dây là Ngòi Quãng, gia đình lên trên này, tất cả đã sẵn sàng đón tiếp.
Các gia đình gặp gỡ anh chị em, cô bác tản cư lên trước. Sinh viên đã đang ổn định để dựng trường lớp và bệnh viện. Chúng tôi ăn cơm, nghỉ ngơi ngay trên đồi của Trường Đại học Y khoa non trẻ của chính quyền non trẻ.
Năm 1947, khi lên tới Chiêm Hoá, tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng. Bấy giờ (tôi đâu có hay) bọn trẻ không biết được mà chỉ đến ngày chạy liên miên vào các lán thì mới biết là giặc đang rượt đuổi chúng tôi.
“Bấy giờ bộ đội chủ lực của ta đã tổ chức được thành 30 đại đội độc lập và 16 tiểu đoàn tập trung cùng dân quân du kích 12 tỉnh chặn đánh địch ở khắp mọi nơi chúng đến. Ngày ấy ta đã bắn rơi máy bay chỉ huy của giặc. Đại tá Lambert, Tổng tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cùng!!!8347_3.htm!!! Đã xem 57667 lần.