Làng Ải, ổn định nói ở mới

Hai vợ chồng anh chị Tùng ở bên nhà ông Sửu ngay sát vệ đường làng Ải, còn gia đình chú Di và chúng tôi thì đều ở nhờ nhà cụ Ích. Lần đầu tiên được vào nhà người “dân tộc”, đi qua rặng cau trước nhà rồi mới bước vào cổng, bên phải là nhà nước lần”. Suốt ngày nước chảy từ ống máng tre nứa tuôn ra như máy nước Hà Nội, cứ ào ào dội tự động xuống “bể” là khúc cây được đẽo thành hình chữ nhật. Rửa chân sạch sẽ mới được lần theo đường kê bằng những tảng đá vôi xanh nhẵn thín sạch sẽ để lên nhà sàn. Gia đình cụ Ích nhường cho hai gia đình chúng tôi ở hai gian nhà ngoài, còn gia đình cụ ở ba gian nhà trong. Hai phần đều có bếp đất đắp giữa nhà. Gia đình chủ cũng như chúng tôi đều nấu nướng trên bếp đó và cũng là lò sưởi ấm mùa đông giá lạnh. Mẹ tôi và cô Di sống trên Lạng Sơn từ nhỏ, chị Hồ cũng hay về quê với hai bác trong kỳ nghỉ hè. Vì thế mọi phong tục tập quán của người dân tộc không xa lạ với gia đình chúng tôi. Sau này có dịp mở những tập hồ sơ các công trình của cha tôi nghiên cứu trước Cách mạng, vẫn còn những ảnh chụp và các sưu tập về văn hoá vùng cao. Khi đọc tôi lại hình dung cảnh nhà sàn làng Ải cũng có cấu trúc như nhà sàn vùng Đông Nam Á. Mẹ tôi nói tiếng Tày với cụ Ích, nên cuộc sống của chúng tôi hoà nhập với gia đình nhà chủ dễ đàng và nhanh chóng, không xảy ra những vi phạm về tập tục.
Từ nhà cụ Ích ra đường làng phải qua một đoạn rừng rồi mới xuống dốc. Một bên đường làng là rừng quất ổi, một bên là rừng dong, sa nhân mọc xanh um. Đi khoảng 100 mét thì đến đầu dốc. Chân dốc là đường làng Ải. Đứng trên dốc có thể nhìn bao quát qua con đường mòn quanh co uốn khúc là ruộng lúa xanh rờn chạy dọc ven con sông. Bên kia sông là nương ngô, là bãi cát sỏi thoai thoải xen kẽ là núi rừng sừng sững. Khúc ngòi này uốn quanh co bên sườn dốc đứng nên ngòi sâu xanh thẳm.
Từ trên đồi có lúc chúng tôi trông thấy cả đàn khỉ ra bẻ trộm ngô của dân bản trồng ven sông.
Anh chị Tùng, Hồ thỉnh thoảng cho chúng tôi ra sông tắm cùng các anh sinh viên Tỷ, Kỳ, Trác… Có khi cả bọn lớn bé 6 - 7 đứa ngồi trên mảng (5 - 6 cây vầu ghép thành tấm) được mấy anh chở sang bên kia sông để tắm. Anh chị Tùng, Hồ thi nhau bơi qua bơi lại, còn bọn trẻ chúng tôi vừa bơi vừa chơi trên bãi sỏi. Sau này tình hình căng thẳng phải đào hầm trú ẩn bên đồi gần đường làng Ải, sát ngay Phong Lan Đình. Chúng tôi đang tắm bỗng máy bay địch bay qua. Chúng tôi cứ thế ôm quần áo chạy băng qua ruộng để về hầm. Mẹ tôi lo quá phải dặn lại: khi có máy bay hãy nấp ngay bên bụi cây bờ sông kẻo nó trông thấy lia cho loạt đạn là chết! Dòng sông bình thường hết sức hiền hoà, êm đềm trôi, chúng tôi vừa tắm vừa nhìn thấy cá bơi lượn ngay bên cạnh. Cũng vẫn bãi tắm đó có khi chúng tôi chơi cả ngày phơi khô quần áo rồi lại mặc về. Thế mà chị họ tôi mới lên Chiêm Hoá ít ngày đã bị tụt chân xuống vực chết. Có lần nước nguồn tràn về dâng cao đến chân dốc. Mênh mông là nước đục ngầu phù sa, bọt sủi vàng vàng từng mảng như bọt bể, kéo theo cành cây, trôi nổi trên sông. Cả những khúc cây rất lớn, nước rút người ta ra vớt củi, trẻ con ra nhặt quả rừng! Nhiều nhà trên phố Quãng, lúc nửa đêm mới phát hiện nước lên cao thò chân xuống đã ngập nước. Bấy giờ mới ới nhau chạy. Giặc nước cũng gây thiệt hại ghê gớm. Tôi nhìn thấy nóc nhà trôi lập lờ trên sông. Trên nóc nhà còn có con gà sống đứng hùng dũng ngay trên đỉnh nóc nhà. Nó chẳng sợ gì cả vẫn gáy ó o o!
Ngày ấy chị Hồng, anh Hải cùng cha mẹ tản cư về phố Quãng. Anh Hải hát rất hay, nhất là bài “Trương Chi” của Văn Cao. Mỗi khi anh hát trong đêm tối trên đồi chè Thanh Thuý là tất cả mọi người yên lặng theo. Chị Hồng là em anh Hải thường biểu diễn cùng anh nhiều tiết mục trong các đêm liên hoan. Thím Hưởng tôi đã đưa cả gia đình chạy lên Chiêm Hoá và ở nhờ nhà chị Hồng đúng lúc lũ lụt kéo về.