Xem biểu diễn văn nghệ

Nhiều lần được xem đoàn biểu diễn, tôi còn nhớ chị Hồng đóng giả vợ tiễn chồng là anh Hải đi chinh chiến, chị hát: “Xót xa thay, lúc chia tay, em tránh sao khỏi ngậm ngùi. Kẻ chăn đơn, người sương gió còn chi vui, Thế là chị nức nở như khóc thật làm chúng tôi ngồi xem cũng mủi lòng. Xem nhiều nên chúng tôi cũng thuộc cả bài hát. Các đoàn văn nghệ sĩ đã lên Chiêm Hoá biểu diễn, tuyên truyền. Diễn cả vở Lưu Bình - Dương Lễ. Các văn nghệ sĩ về đây hát vang trên núi rừng Việt Bắc những bài ca về Bác Hồ, về chiến khu như bài Bắc Sơn, hát những bài khải hoàn ca, Đoàn Vệ quốc quân… rồi hát cả bài Thiên Thai, Suối mơ. Chúng tôi ai cũng nhớ Hà Nội, nên lúc nào các buổi diễn cũng dông nghịt người. Cô “Yến Lư” mang cả cháu đi theo để biểu diễn. Cái Tý hay hát bài “Già Hồ ơi, bé đến đây, già Hồ ơi bé yêu Hồ” rồi còn biểu diễn điệu bộ “mời già Hồ xơi kẹo với em”. Chúng tôi rất thích bài hát đó.
Có khi cô và Tý đến chơi nhà ông cụ Ích, chúng tôi đã xin cô cho Tý múa lại. Còn cô Yến khi lại nhà thì hay hát bài “Thu cô liêu tịch tiêu”, rồi bài “Đàn ơi tan nát tim ta nhiều rồi”… Theo các nghệ sĩ, chúng tôi thuộc cả bài “Bướm bay… chàng đi tìm yêu…”. Mẹ tôi có một quyển sách chép các bài hát, có nhiều bài do các anh sinh viên hoặc các anh văn nghệ sĩ chép tặng mẹ. Mẹ tôi đã cùng chúng tôi hát những bài hát này trong các đêm kháng chiến, rồi đến khi có các cháu bà lại mang cuốn sách giờ đây đã ngả màu vàng để hát ru. Từ những buổi biểu diễn chung đến những buổi biểu diễn thăm hỏi gia đình tản cư, vãn nghệ sĩ với gia đình chúng tôi trở nên rất thân quen.
Đến năm 1988, mẹ tôi ốm nặng, cô Yến hay tin cũng chạy lại thăm và cùng nhau nhớ tình xưa trên Việt Bắc. Quả đất tròn và nước Việt Nam không phải là quá lớn. Cho nên sau 10 năm tôi lại gặp cô Yến. Cuộc đời lại đổi thay. Cô vào Nam ra Bắc liên tục.
Trên chuyến xe đưa ông Nguyễn Khắc Viện về nơi an nghỉ cuối cùng tôi lại gặp cô, lúc này cô đưa vòng hoa cườm do hãng cô sản xuất đến viếng ông Viện. Cô cháu lại nhận ra nhau trong cảnh ngộ khác. Cô đã thành bà chủ của Công ty sản xuất phục vụ công việc tiễn đưa con người đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Bẵng đi gần nửa thế kỷ, vào một dịp tiễn đưa bác Nguyễn Mạnh Tường về nơi an nghỉ, tôi lại gặp chị Hồng nay đã là “cụ” tóc bạc phơ nhưng vẫn rất đẹp lão. Qua chuyện mới biết chị là cô Hồng có giọng ngâm thơ hay trên Đài tiếng nói Việt Nam. Chị ngâm cho tôi nghe, 70 tuổi mà giọng thơ vẫn còn nguyên chất nghệ sĩ. Tại buổi lễ tôi được biết chị là em họ của bác Nguyễn Mạnh Tường.
Chiêm Hoá, làng Ải nơi những nghệ sĩ đã nghỉ chân sau những ngày đi khắp chiến trường biểu diễn. Có hôm ngồi trên nhà “Phong Lan” nhìn qua đường làng Ải thấy bóng người phụ nữ bé nhỏ cuộn búp tóc gọn gàng đi ven bờ sông, bước đi vội vã về phía làng Bình. Tôi hỏi mẹ: “Ai đấy hả mẹ?”. Mẹ tôi trả lời: “Bà Trần Ngọc Danh” (Thái Thị Liên). Gia đình tôi biết nghệ sĩ pianô Thái Thị Liên từ năm 1949. Bà là mẹ của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, người đã làm vẻ vang nền nghệ thuật của Việt Nam. Qua mẹ tôi từ ngày trên Việt Bắc, chúng tôi đã cảm phục tấm gương của bà vượt khó, chăm sóc chồng bị ho lao. Bà từ nước ngoài về đã cùng chịu chung cảnh như các gia đình chúng tôi. Mẹ tôi cảm thông với bà hơn ai hết bởi lẽ lúc bấy giờ mẹ tôi đã phải chăm sóc em Hiếu bị lao xương chân. Bà Thái Thị Liên sau này trở thành nhà giáo nhân dân và là nghệ sĩ ưu tú.
Mỗi người có một số phận khác nhau nhưng đều cùng gắng chịu đựng mọi gian khổ để vì một ý nguyện phục vụ kháng chiến đến ngày toàn thắng. Tất cả hoạt động văn hoá, văn nghệ lúc bấy giờ nhằm khẩu hiệu “Yêu nước và căm thù”, ngợi ca chiến công ngoài tiền tuyến. Chiêm Hoá là nơi đón nhiều đoàn văn nghệ về biểu diễn. Những buổi liên hoan sinh viên cũng hát. Tôi nhớ nhất có một lần được nghe anh Phạm Khuê hát bài Quốc kêu.
Khi anh cất tiếng hát, tôi đang chơi quanh đó phải dừng lại để lắng nghe và chỉ một lần nghe anh hát mà tôi nhớ cả âm điệu và lời bài hát:
Ôi này, Quốc kia ơi
Nhớ gì như nhớ “Quốc Gia”
“Như giục chúng ta lên đường
Ôi đau thương, mấy phen rồi…”
Cho đến bây giờ, trải qua 30 - 40 năm rồi, mà đêm biểu diễn mừng chiến thắng Trung Du, anh Hải lên độc tấu bài kể chuyện giữa 2 người nông dân và người chiến sĩ gặp nhau vẫn còn ghi sâu trong trí nhớ của tôi:
Kìa chào anh nông dân
Anh vác cuốc đi đâu?
Trong ngày xuân vui mừng
Mừng chiến thắng Trung Du
Anh vác cuốc đi đâu?
Ơ hờ anh bạn ơi
Ô hoan hô anh bạn vàng
Mời anh ngồi xuống đây
Lặng yên nghe
Chuyện Trung Du
Tôi giết giặc Tây
Tuyên truyền bằng văn nghệ đại chúng, trẻ con bé như tôi lúc đó còn hiểu được chắc rằng ở nông thôn bà con sẽ dễ dàng đón nhận nhanh chóng những thông tin về chiến công ngoài mặt trận.
“Bác Ích gái cũng biết đọc rồi”
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Đầu tiên là diệt giặc đói, mẹ tôi đã hưởng ứng trồng khoai lang ngay trong vườn hoa khi còn ở Hà Nội. Còn diệt giặc dốt, chắc là mẹ tôi phải thấm nhuần hơn, bởi lẽ đó là công việc mà cha tôi đang phục vụ kháng chiến.
Sau một năm lời kêu gọi ban ra, trên hai triệu công dân Việt Nam đã biết đọc biết viết. Trong 9 năm kháng chiến trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, hàng loạt khẩu hiệu chỉ đnhân mổ dạ dày cho chú Tám.