Mỗi người một số phận

Bà con bên nội
Sau khi bà nội tôi mất, cô Tư Đường đưa con gái về Hà Nội tần tảo buôn bán như xưa. Bởi vì chú Tư đã mất, hai mẹ con cô dựa chính vào cửa hàng này.
Thu đông 1947, cả khu ấp Thanh Thuý phải chạy vào rừng ẩn nấp. Chú thím Quý là em út của cha tôi cũng đưa em Dương, em Phong tản cư về Thanh Thuý. Khu vực thím và hai em trốn bị bao vây, chúng bắt tất cả lên xe đưa về Hà Nội. Chú Quý bấy giờ đang theo học Trường Y Việt Bắc. vội bỏ về tìm thím và hai em.
Cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, tôi mới được gặp lại chú (khi chú từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tiễn đưa cha tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng). Mỗi số phận khác nhau. Chú thím lo cho các em trốn quân dịch nên Dương, Phong đều sang học ở Pháp, Bỉ. Trước ngày giải phóng Miền Nam, thím tôi đưa em Giáng Hương sang Pháp thăm các con trai nên bị nghẽn ở Paris. Bác Toại gái xin với ông Phạm Văn Đồng để chú được sang đoàn tụ gia đình lúc tuổi già. Kể từ đó chú lại phải học lại nghề y và bắt đầu kiếm kế sinh nhai bằng nghề châm cứu”.
Khi con trai tôi sang học đã gặp được ông bà Quý lúc này đã nghỉ việc. Chia tay thím năm 1946, mãi tới năm 1997 tôi mới gặp lại thím thân yêu. Thím vẫn xinh đẹp, đầy nhiệt tình như xưa. Nhớ lại ngày bé thím rất yêu tôi, lúc nào cũng rủ tôi lên phòng ngủ (trên gác trại Minh Tâm) để xem tranh, ngắm tủ đầu giường mà thím có rất nhiều tấm bưu thiếp đẹp.
Thím cháu chúng tôi gặp nhau ôn chuyện xưa, thím đã kể lại những ngày đầu kháng chiến: “Ngày Tây tấn công Việt Bắc 1947, thím một nách 2 con, một tay dắt Dương, một tay bế con, cháu cùng cụ Phủ và vợ chồng chị Thu, chạy không kịp theo đoàn người ùn ùn lao về phía trước. Hồi bấy giờ mấy mẹ con lạc mất chú, thím đành theo mấy người nấp dưới lùm cây vệ đường. Con chó của chị Thu cứ sủa làm cho Tây phát hiện, thím đành phải đứng lên. Thím nói được tiếng Pháp nên chúng bắt tất cả đưa lên xe cho về làng Đông Viên tức làng Tề. Tại đây thím cũng phải tìm cách buôn bán tơ tằm gửi tại nhà dân để kiếm kế sinh sống cùng hai em. Công an kháng chiến tìm được thím gọi về khu bác Toại ở, bấy giờ không dám nhận tơ tằm là của mình. Sau đó thím đã nhờ anh Doãn (con rể bác Toại) gửi được thư cho chú. Bấy giờ chú đã lên Phú Thọ và theo học trường Y kháng chiến. Chú đã về tìm thím và các em. Cùng lúc đó, Tây lại đánh Phúc Yên, thím theo cụ Tuần Mía tức là cụ trẻ vợ ông Phan Kế Viễn (em bác Toại) để về quê Mía (Sơn Tây). Khi tiễn thím và các em theo thuyền về Mía thì chú cũng nhảy thuyền theo luôn về Mía cùng gia đình”. Vào thời kỳ 1947 - 1948, khi trở lại Hà Nội, chú đã tiếp tục theo học trường Y.
Ở phú Thọ tôi còn được gặp chị Nga, Trung, Thu là các chị lớn mà mỗi lần cỗ bàn giỗ kỵ là các chị bận rộn vô cùng.
Chị Nga là con gái đầu của bác Hai Vịnh. Ngày cưới anh Phong tôi cũng có mặt. Sau rồi hai anh chị đưa cháu ảnh và Nhất cùng về An Toàn Khu (anh chị đều làm ở Bộ Ngoại giao). Ngày ở Thanh Thuý, cả họ sửng sốt được tin cháu Nguyệt Ảnh mất vì cơn bệnh hiểm nghèo trên ATK! Sở dĩ tôi nhớ được là do mọi người nhắc về cách anh chị đặt tên con thứ lại là Nhất mà con cả chỉ ảnh (Nguyệt Ảnh) mà thôi.
Chị Trung và chị Thu là em gái của anh Chính. Tôi đã gặp lại chị sau bao nhiêu năm xa cách. Ngày tiễn đưa cha tôi thì chị Trung mới bay từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Còn chị Thu, hồi ở Thanh Thuý, chúng tôi biết là anh Đức hàng binh Nhật đã lấy chị. Cùng lúc có chị Viên con gái bác cả Đắc cũng lấy một anh Nhật hàng binh. Hai người gặp hai số phận éo le.
Khi chị Thu mang con cùng về Nhật với anh thì đã được gia đình đón tiếp như một ân nhân và chị đã ở lại Nhật sống cuộc đời hạnh phúc. Sau năm 1975, anh chị đã về thăm Hà Nội. Gia đình tôi đã đón tiếp thân tình như ngày gặp các anh chị ở Thanh Thuý vậy. Không may cho chị Viên, gặp phải gia đình giàu có truyền thống của Nhật. Họ không chấp nhận huyết thống pha tạp của người con, nên chị đã đem con trở về nước. Sống một cuộc đời tự lập và đi bước nữa.
Bác Toại trai ở An Toàn Khu còn bác gái cùng các anh Phúc, Lộc, Bình và chị Lệ Thuỷ sống ở Thanh Thuý. Tuy xa Hà Nội nhưng bác luôn kèm cặp các anh chị học tập. Do vậy khi gặp hai anh Phúc, Lộc mà chúng tôi thường gọi là anh Tấm, anh Mật đều đã lên trường Hùng Vương để học Trung học phổ thông cùng với Nguyễn Quang Vinh, con lớn của chú Hưởng.
Trong số anh chị em của cha tôi vắng mặt tại Thanh Thuý chỉ có gia đình chú Phú vẫn làm nghề chụp ảnh ở Hà Nội và các anh chị con bác Sửu (tức là chị cả của cha tôi đã mất) đều ở Hà Nội, ngoài anh Yến từ Bến Then, Bình Ca tạt về Thanh Thuý ít ngày rồi lại lên đường. Vào những năm 1953 - 1954, tôi lại gặp anh Yến ở Khu học xá Trung ương, Nam Ninh, Trung Quốc. Anh Yến có cô cháu gái là Tố Uyên (con chị Oanh), một thời ai cũng biết cuốn phim “Con chim lành khuyên” và Tố Uyên chính là cô bé đó.