Những ngày du học

Chú Hưởng sinh năm 1910 và đã luôn cùng cha tôi đi học cho đến năm 1932 thì hai anh em mới xa nhau. Chú kể rằng khi cha tôi đi học thì vào lớp 10 còn chú thì vào lớp 11 (tương đương với lớp 1 hiện nay): “Ba cháu sinh 1905. Nhưng vì mất mấy năm học chữ nho, nên khi xin học trường Tây phải sửa thành 16-1-1908”. Chú kể vậy rồi nói: “Hồi đi học thì nhà còn rất nghèo. Bốn mùa thường mặc quần cộc và đội cái mũ “xi- cút”. Nắng cũng như mưa đều đi bộ. Ăn uống cũng bình thường thôi, ở nhà toàn mua xúc xích, bánh mì trong thành bán ra cho rẻ tiền. Anh Chính lại nhớ về bữa ăn “rất lạ lùng, thức ăn là dứa, là mật… Thời gian đó là lúc chú Huyên, chú Hưởng đã đi học ở Pháp xa xôi lắm!”.
Sau này, bác Toại gái đã được nhận lương tháng là 120 đồng. Thời đó lương như vậy là lớn lắm, lại trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, 1 đồng bằng 26 Franc ( tiền quan ). Vì thế có điều kiện cho cả hai anh em đi Pháp học. Mỗi tháng người đi Pháp học phải gửi sang là 500 Franc, bác chỉ giữ lại 1/6 lương, còn 100 đồng mua ngay “măng đa” để gửi sang cho hai anh em ăn học. Tiền tệ Đông Dương bấy giờ vẫn còn mang hệ thống “ngân bản vị” lấy kim bạc khí đảm bảo. Khi làm thủ tục sang Pháp học cũng gay go lắm. Thời đó là vào năm 1925, cụ Phan Bội Châu trên đường từ Quảng Châu đến địa điểm họp nhóm Cách mạng, vừa đến Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Chúng âm mưu thủ tiêu cụ nhưng không thành phải đưa ra xử ở Toà đề hình Hà Nội. Dịp xử cụ Phan cũng là lần đầu tiên chú theo cha tôi bước vào Toà án Hà Nội. Chú Hưởng say sưa nhắc lại ấn tượng sâu sắc khi được nghe cụ Phan nói lời trước toà sau khi toà đề hình luận tội. Trong đó có mấy điều chú nhấn mạnh lời của cụ: “Nếu cụ (có tội chỉ vì tội muốn cho đất nước được độc lập, là tội dã tổ chức cho học sinh đi du học…”. Cuộc đấu tranh bãi khoá, bãi công bảo vệ tính mạng nhà chí sĩ yêu nước trở thành cao trào rộng lớn. Cuối cùng chúng phải tha bổng cụ Phan.
Chú Hưởng kể: “Khi chú và ba cháu làm thủ tục để đi Pháp cũng lôi thôi lắm, phải chối là không đến Toà án, phải tìm người làm chứng nó mới làm giấy cho đi”. “Hôm hai anh em lên dsf là lúc đê bị vỡ phải đi thuyền sang Gia Lâm, phải chờ mấy tiếng để mua vé đi tầu hoả xuống Hải Phòng rồi xuống tầu Aylerido đi Pháp. Lúc đợi tầu di Pháp, hai anh em ở nhờ nhà bác Phúc Lai chủ hiệu ảnh. Bác Phúc Lai thuộc chi thứ hai dòng họ Nguyễn. Bác có hai anh con trai là Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Quý Đạo sau này cũng sang Pháp học. Cả hai đều đỗ tiến sĩ. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng hai anh em Riệu và Đạo hay trở về thăm nhà và làm công việc nghiên cứu khoa học với các giới khoa học trong nước. Mỗi lần về nước làm việc anh Riệu hay qua lại gia đình chúng tôi. Qua đó tôi được biết anh Nguyễn Quang Riệu là GS.TS Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Đài thiên văn Melldon Paris, Giáo sư vật lý thiên văn. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo là Giám đốc nghiên cứu Phòng thí nghiệm hoá lý Paris, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp Giáo sư trường Centrale Paris. Bác Phúc Lai còn có người con trai ở giữa hai anh em Riệu và Đạo, đó là anh Nguyễn Quang Quyền, bác sĩ y khoa Hà Nội, là người sôi nổi hoạt động phong trào sinh viên từ những năm 1953. Anh đã chuyển vào Sài Gòn sau năm 1975 và là Hiệu phó trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Khoa giải phẫu học kiêm Chủ tịch Hội hình thái học Việt Nam. Cha tôi và chú Hưởng qua tầu Pháp không phải là bằng tầu khách mà là tầu giao và lấy hàng, cho nên đậu cả ở cảng to cảng nhỏ, vì thế hai anh em được tham quan nhiều nơi từ Việt Nam tới Pháp. Trước tiên là đến Sài Gòn hai anh em còn đi tầu điện vào Thủ Đức ăn nem. Đến Côlôngbô bị anh xe bắt nạt, hai anh em còn dở vốn tiếng Anh ít ỏi để cãi nhau, anh xe phải chịu, rồi kịp xuống tầu đi tiếp… Qua biển Terane trời rất rét. Ngày 2-12-1926 thì tới Pháp. Có người quen cũ là ông Darius ra đón và đưa về Montpellier.
Sau này tôi được biết trường Đại học Montpellier là một trường nổi tiếng được thành lập từ năm 1222. Năm 1970, Đại học Montpellier chia thành 3 trường tách biệt, trường Montpellier III tiếp nhận cả sinh viên nước ngoài đến học về ngôn ngữ và văn chương Pháp, được mang tên văn hào Pháp Paul Valéry người đã từng học tại Montpellier và cũng là người có kỷ niệm sâu sắc với cha tôi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường kể lại thì thời bấy giờ sinh viên Việt Nam sang Pháp học thường tập trung 2 nơi: Aix-en-Provence và Montpellier. Là vùng miền Nam nước Pháp, nơi có mặt trời mọc quanh năm. Thành phần sinh viên thì phức tạp về nguồn gốc xã hội. Đa phần cha ông họ là điền chủ Miền Nam. Có ít sinh viên ngoài Bắc. Những sinh viên gốc tư sản càng ít, có cả loại xuất thân từ các tầng lớp tiểu tư sản thành thị viên chức nhỏ, tiểu thương cũng bóp bụng cho con đi du học. Đời sống của hai anh em Huyên, Hưởng cũng như ông Tường thuộc loại học trò nghèo mà từ cổ kim ta vẫn có.
Nhờ ông Darius giúp, hai anh em thuê nhà một bà goá, vợ một nha sĩ có máy ép răng. Lúc chú Hưởng và cha tôi ở đó thì bà còn ở cùng cô con gái và cậu con trai Robert Nicolas Delous mới 4 - 5 tuổi. Tấm ảnh cha tôi chụp với Nicolas vẫn còn giữ được. Chú Hưởng và cha tôi khi mới sang Pháp không có Pa-đờ-suy (tức là áo dạ dài mặc vào mùa đông) chỉ có chiếc áo gió khoác ngoài. Mãi sau bà tôi gửi cho hai anh em mỗi người một chiếc áo dài bông thì mới thấy ấm áp. Sang Pháp thì chỉ chúi mũi vào mà học, ngoài giờ nghe giảng ở trường hai anh em còn đi nghe giáo sư giảng thêm các buổi tối những môn học mà chú Hưởng gọi là “hóc búa lắm”. Chú còn nhớ: “Hồi mới sang Pháp chiều ăn ở nhà hàng rẻ tiền, có cô phục vụ ngạc nhiên thấy 10 ngày rồi mà món ăn của hai anh em vẫn không thay đổi, vì tiền nhà gửi sang chẳng là bao nhiêu, nên không dám phí phạm. Số anh em con nhà giầu nhận tiền gửi sang, khi có tiền thì tiêu phí cùng các cô đầm, ăn một tuần là hết, ba tuần ăn bánh mì khô. Nhiều người ho lao là vì vậy. Tuy thế không phải tất cả đều như vậy. Có ông Nguyễn Bá Húc, rất giỏi toán bị ho lao ra máu nhiều lắm, chú đã chăm sóc mà không sợ lây. Sau này khi về nước gặp lại nhau, ông Nguyễn Bá Húc cũng đã nhắc về tình bạn đó. Thỉnh thoảng hai anh em lại nhận được quà của bà nội tôi gửi sang. Đó là những bao bì bằng chiếc hộp bánh biscuit ở trong đựng lạp sườn hoặc ruốc. Anh Chính kể rằng mỗi lần bà mua hộp sắt bao bì rồi đóng gói bà lại nhờ bác cả Đắc đem đi phố Hàng Thiếc hàn kín rồi gửi cho hai chú. Suốt mấy năm học, mỗi người lúc nào cũng chỉ có hai bộ quần áo và một đôi giầy. Dù đi họp, đi học, đi chơi cũng chỉ một đôi, khi nào mòn vẹt, rách mới mua đôi khác. Năm 1930, lên Paris học thì ở ngay Trung tâm tại phố Pooc-vai- ăng, tiền nhà đắt quá phải chuyển ra ở ngoại ô. Bấy giờ kinh tế khủng khoảng, 1 Franc ở nhà bà nội có thể mua được 3 - 4 tạ gạo. Rồi chú nhấn mạnh: “Vì vậy mà anh em bảo nhau phải cố mà học khỏi phụ công mẹ nuôi dưỡng”. Bà không còn kham nổi nên đã điện sang báo tin bị ốm và chú Hưởng phải trở về sau khi nhận bằng Cử nhân Luật vào năm 1932, còn cha tôi thì tự kiếm sống để tiếp tục học lên.