Đón các anh chí em họ lên Chiêm Hoá

Vào thời gian đó bác Chinh gặp rất nhiều khó khăn nên mẹ tôi đã đón một số các anh chị lên Chiêm Hoá.
Hồi tản cư ra Vân Đình các gia đình đều được hai bác Chinh và các anh chị nhường cơm sẻ áo cho chúng tôi. Điều đó thì ai cũng biết… Nay, lúc mà cải cách ruộng đất mang lại ấm no và tinh thần mới để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi thì ai cũng biết.
Gia đình bác Chinh là một điển hình trong muôn nghìn gia đình chịu chung số phận. Trước cảnh đó ba gia đình chúng tôi đón các anh chị Hợi, Cẩm, Biểu lên Chiêm Hoá. Còn anh Phi, chị Hoà, chị Ngà, chị Thục bé bỏng ở lại với hai bác. Các chị kể rằng ngày ấy anh Phi và chị Thục phải đi mót từng củ khoai, ăn đói.
Mẹ tôi kể: “Bác Chinh vất vả lắm! Hai bác đông con có đến 13 - 14 anh chị. Hai bác phải về mượn mẹ gần hêt số tiền bán nhà của bác Lê mà ông chia cho 4 người con gái (bác Chinh, bác Tú Cương, mẹ và cô Di) đề mua đồn điền trên Yên Thế nhằm ổn định cuộc sống!”. Đồn điền đó dành để trồng cam.
Bác tôi có một con trai lớn là anh Dương Hồng Lục và con nuôi Dương Hồng Quế, hồi năm 1945, cũng đã đi chiến khu tham gia Vệ Quốc đoàn. Hai anh cũng không có mặt lại Vân Đình. Chị Lạng con gái lớn của bác cũng không có mặt tại Vân Đình, chị đi lấy chồng từ năm 15 tuổi. Cô Quý kể rằng, chị xinh lắm, hồi bác làm tuần phủ, Nhật săn đuổi nhiều lần vì thế bác vội gả cho anh Phú một thanh niên trẻ đang làm Tri châu trên mạn ngược. Các anh chị kể, anh Phú đã vào Đảng Cộng sản Đông Dương thời còn bí mật. Sau này anh làm việc tại Toà án Tuyên Quang. Người hiền lành, thật thà, ít nói vô cùng. Đến khi cải cách ruộng đất anh cũng bị bắt giam bởi vì họ cho là lý lịch không rõ ràng, để lại vợ trẻ đẹp với hai con không nơi nương tựa. Chị Lạng đành phải đi bước nữa để ổn định cuộc sống kinh tế gia đình!
Nhật ký của mẹ tôi có đoạn viết (1954): “Bấy giờ chị Lạng đang ở Tuyên Quang cùng với mấy gia đình rục rịch chuẩn bị dọn dẹp về Hà nội… Chỉ thương ba mẹ con Lạng còn ở lại Tuyên Quang đợi ổn định mới về. Hoàn cảnh cháu thực vô cùng bi đát. Thương mà không biết làm cách nào giải quyết được. Con thơ chưa biết gì. Một mình chịu đau khổ. Chẳng biết tâm sự giải oan với ai! Ôi cảnh thương tâm bút nào xiết tả! Thật là hồng nhan bạc phận: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đầu xanh tuổi trẻ đã làm gì nên tội mà đầy đoạ số phận thế. Trời cao đất dày không biết giải oan đâu được. Cô thương cháu Lạng nhưng bất lực cháu ơi!
Sau sửa sai chị Lạng đã nhiều lần làm đơn xin trả tự do cho anh Phú. Cha tôi tìm cách giúp đỡ nhiều lần nhưng đều không có hồi âm. Đến tận năm 1975, tức là trên 20 năm sau anh mới được trả tự do.
Vào năm 1944, cô Quý về thăm hai bác ở Yên Thế đã thấy từ chú Thịnh trở xuống đều giúp hai bác công việc chăn tằm, tự quản cuộc sống. Nhờ vậy mà các anh chị đã vượt được những ngày khó khăn nhất trong thời kỳ cải cách ruộng đất và trong suốt tuổi thơ ấu và tuổi trẻ sau này.
Thật không may cho hai bác, rủi này lại tiếp rủi nọ. Cũng trên con sông Quãng mà chúng tôi tắm suốt mấy năm ròng kháng chiến không việc gì. Thế mà chị Hợi con gái của bác lại bị chết đuối ngay tại vực bến mà chúng tôi vẫn thường tắm! Chị Cẩm nhảy theo cứu chị Hợi suýt nữa cũng bị chết. Đấy là nỗi đau thương mà bác gái tôi phải chịu suốt bao nhiêu năm! Tôi lại giống chị Hợi nên mỗi lần gặp tôi, bác lại nhớ tới người con xấu số đó.
Trong kháng chiến, bác Chinh đã tham gia Mặt trận Liên Việt. Ngày toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh Liên Việt, bác Chinh tôi đã có chụp tấm ảnh cùng Bác Hồ, cha Trực, Bùi Bằng Đoàn và có cả bác Phan Kế Toại, ông ngoại tôi. Sau sửa sai bác Dương Thiệu Chinh đã được đưa về nhà nhưng bệnh quá nặng nên đã mất.
Mỗi lần tới thăm bác gái trên bàn thờ có tấm bảng vàng danh dự truy tặng cho anh Dương Hồng Quế đã hy sinh vào đầu thời kỳ kháng chiến cũng trên bàn thờ bác gái đã phải ngậm ngùi vì sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất mà chồng phải chịu thiệt thân
Giữ nguyên truyền thống dòng họ Dương Khuê, bác tôi nhuần nhuyễn giáo lý cổ xưa để nuôi dưỡng các con đi đúng đường: sống xứng đáng là một Con Người.
Trong 30 năm vắng bóng chồng, bác đã nuôi dạy các anh chị đều trở thành con người có học: chị Cẩm kỹ sư gang thép khoá đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa, anh Phi kỹ sư địa chất, chị Ngà cán bộ trường Đại học Bách khoa. Khi các chị Hoà, chị Thục đến tuổi vào Đại học thì bác tôi đã già nên các chị phải đi học trung cấp để sớm tự lập. Riêng chị Thịnh sớm lấy anh Ấm, sau chị cũng theo nghề y tế của anh.
Hồi Hoà bình mới lập lại, chị Ngà đang công tác tại đoàn văn công quân đội được cử đi học bổ túc công nông, song vì thành phần gia đình con cháu họ Dương Thiệu, họ Vi nên gõ cửa nào cũng khó xin việc làm! Cuối cùng thì trường Đại học Bách khoa đã nhận. Anh Phi đã tận tuỵ với ngành địa chất, lên rừng thăm dò lòng đất, chịu dựng gian khó… Anh nói đùa: “Mình suýt anh hùng nếu không phải con cháu họ Dương Khuê và họ Vi”.
Anh Lục phục vụ trong Lục quân Việt Nam Mỗi lần gặp nhau trong kháng chiến anh hay hát bài “Quay tơ, quay rối rít vào em…”. Anh đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và phục vụ trong Quân đội với quân hàm đại tá cho đến ngày nghỉ hưu.
Riêng anh Biểu được người cô ruột cho theo vào Nam tiếp tục chữa bệnh từ năm 1954, mãi tới năm 1975, chúng tôi mới gặp lại. Sau giải phóng Miền Nam anh dưa cả gia đình sang Mỹ định cư.
Khi bác gái qua đời, mẹ tôi đã hướng dẫn các anh chị viết điếu văn phải nêu rõ công ơn vĩ đại của người mẹ đặt nhân đức lên hàng đầu để có được một đàn con xứng đáng với thanh niên thời đại. Ba gia đình chúng tôi chia tay các con của hai bác Chinh kể từ khi ở Vân Đình năm 1946 và các anh chị là khách của “Phong Lan Đình” vào năm 1952-1953. Còn riêng tôi thì mãi đến tận năm 1957 mới có dịp gặp lại khi về nước thăm gia đình.