Gò Công: đất khởi nghiệp các dòng học quý tộc

Khắp các tỉnh Nam Kỳ, Gò Công tuy là một hạt nhỏ nhưng là đất quý hương bên ngoại của nhà Nguyễn, là nơi phát tích nhiều dòng quý tộc hơn cả. Họ Phạm, họ Nguyễn đều được phong tước công, hầu, bá... vì là tổ phụ của bà Từ Dụ Phạm Thị Hàng và nhạc phụ của cựu Hoàng Bảo Đại.
Truy tầm gia phả của bà Từ Dụ, chúng tôi được biết “viễn tổ” dòng họ Phạm là Phạm Đăng Dinh, gốc thứ dân, quê quán tại Quảng Ngãi. Vào cuối thế kỷ 17, ông Dinh cùng gia quyến theo đoàn người Nam tiến, vào lập nghiệp tại vùng đất mà sau đó gọi là huyện Tân Hoà. Khó hình dung được những khó khăn của lớp người tiền phong, di dân lập nghiệp. Họ đổ mồ hôi để phá rừng, khẩn hoang, lập làng xóm trong khi phải tự cấp tự túc lương thực... Chỉ đọc được một vài dòng trên sách báo cũ “sơ khởi, tổ tiên chúng ta di dân vào phía Nam, phải đương đầu với rừng rậm, muỗi mòng, rắn rít và các loại mãnh thú nguy hiểm”. Ở miền Nam, có nhiều truyền thuyết, giai thoại về những người can đảm giết cọp, đánh nhau với cọp, thuần hoá những con cọp hung dữ, rồi cởi nó như cõi ngựa di ăn giỗ (ông Thống Sô ở Cần Đước). Bên cạnh những thử thách của thiên nhiên, người lưu dân gặp những điều kiện thuận lợi: đất rộng người thưa, mặc tình khai phá tuỳ sức lực. Dưới sông cá tôm nhung nhúc, ăn không hết. Nhờ cha là Phạm Đăng Tiên có chút chữ nghĩa, hồi ở Quảng Ngãi làm chức huấn đạo (tương đương với thầy giáo làng), nên khi tới vùng đất mới, với vốn liếng chữ Nho do cha truyền lại, Phạm Đăng Dinh trở thành ông đồ nghèo vừa dạy học, vừa làm ruộng rẫy... Buổi đầu, gia đình Phạm Đăng Dinh cất nhà ven bờ sông Tra bây giờ. Truyền thuyết về sự phát tích dòng họ Phạm trở thành quý tộc, tôi được nghe một vị cao niên kể lại từ hồi còn bên trại tỵ nạn Mã Lai như sau:
Cũng như bao gia đình khổ khác, buổi đầu gia đình họ Phạm cũng gặp khó khăn trên vùng đất mới. Mỗi nhu cầu hàng ngày họ phải ra sức lự làm để thoả mãn... Ông Phạm Đăng Dinh cất một cái chòi lá ven sông, làm ruộng cùng lấy việc dạy năm ba học trò làm vui, không có lương cố định như bây giờ. Bỗng đâu có nhiều đợt di thần nhà Minh được lịnh chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở vùng Cù Úc (Mỹ Tho, Tân Hiệp, Tây Lý Tây bây giò) do Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến lãnh đạo. Trong nhóm người Hoa mới xâm nhập, có một thầy địa lý phong thuỷ, hàng ngày giả làm người bán rượu, qua lại các vùng đất cao, các gò đống như Gò Rùa, Gò Cát, Truông Cóc, Giồng Xe... có mục đích thầm kín là tìm một thế đất cho gia tộc, hy vọng đời sau con cháu bộc phát công hầu, khanh, tướng.
Một lần, người bán rượu ấy lỡ độ đường. Vừa quá giang qua sông Tra, thì trời lại tối. Thơ thẩn đi tìm nhà trọ, bụng đói lả, khát nước, người bán rượu gần như tuyệt vọng. May mắn, hắn gặp một người nông dân lam lũ, chất phát nhưng hiền hậu, ở trong một căn chòi gần bờ sông. Người nông dân ấy là ông Phạm Đăng Dinh. Lúc đó, gia cảnh ông Dinh khá đạm bạc. Lợi tức của gia đình trông vào mấy công ruộng mới phá, và bắt cá tôm dưới sông để sanh sống.
Thuộc con nhà Nho, hiếu khách. Phạm Đăng Dinh thương người khách lỡ đường, mời vào nhà nghỉ qua đêm. Tối đến, ông còn sai vợ làm thịt gà đãi khách ăn uống no nê... Trước nghĩa cử tốt đẹp và chân tình ấy, thầy địa lý cảm động, thú thật mình là người đi tìm long mạch an táng cho thân phụ, hy vọng con cháu phát quan. Sáng hôm sau, thầy địa lý dẫn ông Dinh ra phía sau nhà, chỉ gò đất cao, hình dáng khum khum như con Rùa, lúc đó người địa phương gọi chỗ này là “Gò Rùa” và nói:
- Thú thật, tôi mấy lần để ý thế đất Gò Rùa này. Nó là cuộc đất quý, nếu hài cốt thân phụ ông được táng vào đó, sẽ phát quan cho nhiều thế hệ, nhưng phải hơi chậm. Cám ơn ông đã giúp tôi qua cơn đói khát, tôi xin đền ơn bằng cách chỉ cho ông cuộc đất này, đừng bỏ qua. Sau khi người khách Tàu ấy đi rồi, Phạm Đăng Dinh đem lời nói thuật lại với con trai là Phạm Đăng Long. Ông Long trở về Quảng Ngãi tìm hài cốt ông nội đem vào táng tại Gò Rùa. Đến thời Phạm Đăng Hưng, cháu nội ông Dinh, có học chữ Nho với thầy đồ, may mắn đi thi, và đỗ Tam trường (Tú tài) tại trường thi Gia Định năm 1796.
Cuối thế kỷ 18, Chúa Nguyễn Ánh lưu lạc vào Nam, bị quân Tây Sơn vây bắt nhiều lần nhưng thoát được. Ánh cần người địa phương giúp đỡ về nhân lực, vật lực và tài lực. Trong số nhân tài ra phò tá Ánh trong buổi trung hưng có Phạm Đăng Hưng. Về sau, Phạm Đăng Hưng có công giúp Chúa Nguyễn, lập công trạng, và có con gái gả cho vua Thiệu Trị. Từ đó, họ Phạm được liệt vào hạng quý tộc. Các vị tổ phụ, luỹ thứ bậc, được ban tước như công, hầu, bá tử, nam... Đến đời vua Tự Đức (1848-1883) bà Từ Dụ được gia phong làm Thái Hậu, là người có ảnh hưởng rất lớn trong mọi quyết định của nhà vua trong việc trị nước. Bà Từ Dụ Phạm Thị Hàng sinh năm 1810 tại Gò Rùa, về sau vua Tự Đức cho đổi tên Gò Sơn Quy. Làm vợ vua Thiệu Trị trong 8 năm (1840-48), làm mẹ vua Tự Đức (1848-83), rồi làm bà nội các vua Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Dục Đức, bà Từ Dụ còn sống qua các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái, sau cùng được truy phong Từ Dụ Nghi Chương Hoàng hậu. Cũng vì Gò Công là quê mẹ của Tự Đức, nên triều đình không muốn vùng đất này lọt vào tay người Pháp, trong khi cả Nam Kỳ trở thành đất thuộc địa. Biết tâm lý đó, người Pháp cũng nhượng bộ bằng cách ghi trong Hoà ước 1862 rằng sẽ “tôn trọng cuộc đất trong phạm vi lăng mộ họ Phạm”.
Ông Nguyễn Liên Phong, soạn giả một quyển sách cổ “Từ Dụ Hoàng Thái Hậu truyện”, in năm 1913, có ca tụng Gò Sơn Quy như sau:
Lệ thuỷ trình tường ngoại,
Quy khâu trúc phước cơ.
Nghĩa là:
Nước ngọt trổ điềm lành,
Gò Rùa vun đất phước
(Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh, tr. 104)
Bà Từ Dụ đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao với Pháp. Trước khi được tiến cung làm vợ của Thiệu Trị, cô Phạm Thị Hàng là người quê quán tại Gò Rùa (sau đổi Gò Sơn Quy), là mẹ của Hồng Nhậm, sau này lên ngôi vua, lấy hiệu Tự Đức.
Trong dân gian vẫn có một nguồn tin nghi ngờ rằng chính bà Phạm Thị Hàng có thông dâm với Trương Đăng Quế, Binh bộ Thượng thư dưới triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Dưới triều vua Thiệu Trị, Trương Đăng Quế được thăng tước Văn minh diện đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý Bộ binh kiêm Cơ mật viện (một trong tứ trụ của triều đình). Ông được cử làm phụ chánh đại thần. Trong thời gian ấy, ông dan díu với bà Từ Dụ sanh Hồng Nhậm (?) Tuy nhiên, nguồn tin ấy chỉ là nghi vấn. Tới nay chưa có ai tìm được chứng cớ rõ ràng. Ngoài ra, ở quê ông Trương Đăng Quế cũng có lời dị nghị trong thiên hạ cho rằng “Trương Đăng Quế đã đem con trai mình đổi lấy con trai vua Thiệu Trị, lúc hai đứa trẻ mới sanh. Dư luận tin rằng vua Tự Đức sau này chính là con trai của Trương Đăng Quế, ứng với lời tiên tri, địa lý Tàu khi tin huyệt mả cho dòng họ Trương. “ Đời đời công hầu, nhứt Đại vương”. (Non nước xứ Quảng của Phạm T. Việt, tr. 87)
Mất ba tỉnh miền Đông rồi (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường), vua Tự Đức lẫn bà Thái hậu Từ Dụ ủ dột mấy tháng liền, mất ăn, biếng ngủ. Thôi thúc bởi cố hương, nhà vua cố làm vui lòng mẹ, không ngại tốn kém, cử một phái đoàn do ông Phan Thanh Giản qua Pháp xin chuộc lại, nhưng thất bại. Hiện nay tại Gò Rùa tức Gò Sơn Quy, nằm ở phía Bắc tỉnh lỵ Gò Công chừng 2 km là phần mộ của tổ tiên họ Phạm, gọi là “Lăng hoàng gia”. Khi ông Phạm Đăng Hưng, tước Đức Quốc Công tạ thế, vua Tự Đức ban cho 100 mẫu ruộng làm tự điền để con cháu lo việc cúng tế hàng năm. Quan sát khu lăng mộ, du khách sẽ thấy:
- Lăng Bình Thành Bá Phạm Đăng Dinh (1717- Quảng Ngãi 1811 Gò Công), viễn tổ bên ngoại của vua Tự Đức, được phong làm Hàn Lâm Viện học sĩ, Bình Thành Bá (tam phẩm).
- Lăng Phước An Hầu Phạm Đăng Long (1730-1796), con của Phạm Đăng Dinh, Từ tiện đại phu, Lại bộ Thượng thư, Phước An hầu, rồi thăng Trang nghị Công (nhị phẩm).
- Lăng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, nằm ngay chính giữa (1765- 1825).
- Mộ của Phạm Thị Tăng, vợ của Phạm Đăng Long (1744- 18 14) được phong “ Tôn phu nhân Đoàn Kiệt”.
- Mộ Phạm Thị Du, mẹ của bà Từ Dụ (1767-1821) được phong Tân Nhứt phẩm phu nhân “Đoàn Tư”...
Những mộ này đều có mái che (nhà bia).
Vua Thiệu Trị cũng có một bà phi khác là Đinh Thị Hạnh cùng quê quán tại Gò Công, cô ruột của Phạm Thị Hàng. Chính bà Đinh Thị Hạnh giới thiệu cháu gái của mình mà Phạm Thị Hàng mới được tiến cung. Bà Hạnh ăn ở với vua Thiệu Trị, sanh một người con trai tức An Phong Công Hồng Bảo (con trưởng). Theo lệ thường, Hồng Bảo con trưởng phải được nối nghiệp làm vua, nhưng không rõ phụ chính đại thần Trương Đăng Quế có dự mưu gì trong việc phế trưởng lập thứ, để đưa Hồng Nhậm lên nối ngôi, lấy hiệu Tự Đức? Vì lẽ đó, Hồng Bảo bất mãn, có lần âm mưu với một số người nước ngoài, định đảo chánh em, tự lập làm vua. Âm mưu thất bại, Hồng Bảo bị bắt giam trong ngục, rồi buộc phải thắt cổ tự tử. Các con Hồng Bảo phải lấy theo họ mẹ (họ Đinh). Khi vua Tự Đức ra lịnh xây lăng cho mình, lúc đó gọi là Vạn Niên Cơ, bắt mấy ngàn dân phu lao dịch cực khổ ngày đêm, dân chúng oán hận. thuở đó có câu ca dao:
Vạn Niên là Vạn Niên nào?
Thành xây xương lính, hào đào máu dân?
Lợi dụng sự bất mãn của dân phu, ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái cùng một số người khác âm mưu tổ chức khởi nghĩa. Họ tôn một người con Hồng Bảo là Đinh Đạo lên làm minh chủ. Nửa đêm, họ tổ chức dân phu từ chỗ xây lăng Vạn Niên kéo về kinh thành, định giết vua Tự Đức. Nhóm dân phu phẫn nộ này lúc kéo về kinh thành mang theo chày giã vôi (xây lăng) làm võ khí, nên sau đó, lịch sử gọi cuộc khởi nghĩa thất bại ấy là “Giặc chày vôi”. Chịu chung số phận với các lãnh tụ cuộc nổi dậy, Đinh Đạo bị xử tử, riêng bà Đinh thị Hạnh bị giáng làm thứ dân, đuổi về quê, mất tất cả phẩm tước của triều đình. Hiện nay tình trạng khu lăng mộ hoàng gia họ Phạm tại Gò Công xuống dốc, tiêu điều. Một người có lòng hoài cổ, viếng lăng, viết bài “Nỗi buồn lăng mộ” tả lại như sau:
Hiện nay khu lăng hoàng gia xuống cấp thảm hại. Khu đền thờ, lăng mộ là nơi an nghỉ, ghi ơn vị công thần dưới triều Nguyễn Phạm Đăng Hưng, lẽ nào hậu thế lại cố tình quên? Lăng hoàng gia, toạ lạc trên một gò đất cao gọi là Giồng Sơn Quy, thuộc làng Tân Niên Đông, cách thị xã Gò Công 3 km. Với diện tích rộng gần 10 hecta, cảnh quan tươi đẹp, khô ráo, đặc biệt không bị ngập lụt. Nơi đây gồm có lăng mộ Phạm Đăng Hưng và 6 ngôi mộ tổ của ông, cùng 8 ngôi mộ khác của dòng họ Phạm. Cách vài chục mét về bên trái, là một ngôi nhà rát lớn, cật bằng gỗ quý, để thờ họ ngoại vua Tự Đức. Họ Phạm là một dòng họ lập nghiệp lâu đời nhứt tại Gò Công. Chinh dòng họ này đã quy tụ nhân dân khai phá đất đai, mở mang kinh tế, phát triển đời sống văn hoá... Phạm Đăng Hưng là cha đẻ bà Từ Dụ, thân mẫu vua Tự Đức Lăng mộ Phạm Đăng Hưng xây theo thế “đảnh trừ” giống hình chiếc nón lá, phân rẽ 8 cánh. Về bên phải có nhà bia, do cụ Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng dựng bia kỷ niệm. Ngoài cùng khu mộ, xây tường uốn vòng, có 4 trụ gạch giông như lăng Thiên Thọ ở Huê. Như vậy mộ phần tỏ ra phong nghi, tam công tứ trụ mà diện cách hàng quân vương chứ không còn ở hàng thần tử nữa. Ngoài những chi tiết trên, mộ còn một nét đặc biệt là phần phong chẩm, đắp nổi hình 5 con sư tử, từ nhỏ đền lớn, biểu hiệu ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam. Sau khi an táng Phạm Đăng Hưng xong, năm 1826 mới bắt đầu xây nhà thờ bằng các loại gỗ quý có 3 gian hai chái. Về sau nhà này xây lại quy mô lớn hơn...
Thời gian cùng với sự thờ ở của con người đã làm tàn phế một di tích cổ có giá trị. Ngôi mộ của Đức Quốc Công họ Phạm mà bao đời nhân dân ngưỡng vọng, hiện tại của ông lúc sinh thời, lần lần đi vào quên lãng. Tường bao bị đập nát, cột đã xiêu đổ. Năm con sư tử lớn nhỏ, được đắp nổi, hài hoà trong tổng thể khu lăng mộ, với nét chạm khắc tinh tế, rắn rỏi, biển hiện sự uy nghi, thiêng liêng đối với công thần đời đời yên nghỉ. Thân thể các chú sư tử ấy toác lở ra, trông chẳng giông hình thù gì nữa. Những hoạ tiết bang sành sứ bị bong ra từng mảng. Các trụ đài sen bầm dập, rơi gần hết cánh. Bốn con rồng châu đầu vào nhau, uốn, lượn như sắp sửa bay. Hai con bị đập mất đầu. Bề mặt lăng tróc lở, cỏ mọc lam nham, rêu phong bám đầy. Tấm bia ghi tên ngày sinh tử, công trạng, sắc phong của ông bị nắng mưa bào mòn hết còn chữ. Án thờ ông hương khói lạnh tanh thuở nào? Đây đó rải rác phân bò, phân trâu, hắt mùi khó thở. Khu quần thể lăng hoàng gia đã xuống cấp đền mức độ báo động.
Còn ngôi nhà thờ dòng họ Phạm cũng đang ở trong tình trạng hư hại nặng. Ngói vỡ, mưa xối, nắng chan triền từ năm này qua năm khác, làm cho đầu cột, kèo lung lay, mục rỗng dần. Bàn thờ Đức Quốc Công và 6 vị cao tổ của ông, đã bị ai đánh cắp? Các bao lam chạm hình rồng, công, phượng với đường nét tài hoa, tinh xảo bị mục nát hoàn toàn. Ai đã từng đền lăng hoàng gia một lần ra về đều tiếc đứt ruột vì sự hư hại nặng nề của nó. Chẳng lẽ con người lại vô cảm trước di tích lịch sử văn hoá có giá trị nghệ thuật cao như thế này ư? Ta cũng không ngờ được từ năm 1975 cho đến nay, chính quyền sở tại chưa chi một đồng, một cắc nào cho công việc bảo quản, chăm sóc, quét dọn cho khu lăng hoàng gia này. Người thủ từ già nua, gầy gò ra tiếp chúng tôi cũng thừa nhận điều đó. Vợ chồng ông sông được cũng nhờ cuộc đất trồng chuối, trồng mảng cầu trong khu lăng mộ. Mấy năm trước, chính quyền không giúp đỡ, còn thu thuế vườn.
Ông Hai Sỹ, người làm văn nghệ ở Gò Công lâu năm, chỉ vào nền đất trông trơn, lổn ngổn gạch đá, bảo tôi:
- Đây là gian nhà khách. Giữa năm 1985, tôi làm đơn xin uỷ ban thị xã Gò Công 6.000 ở thuê người cật dỡ kẻo sợ sập, gây tai nạn chết người. Ngờ đâu sáng xin được tiền, tối đến ngôi nhà sụp đổ.
Tôi giật mình ngoảnh lại khu nhà thờ (phủ thờ) phía sau lưng, đường bệ, tôn nghiêm là thế, kết tinh cho một lối kiến trúc độc đáo của nhân dân ta dưới triều Nguyễn vào thế kỷ 19, cũng đang có nguy cơ bị lật nhào khỏi mặt đất vì mưa nắng, vì sự thờ ở lạnh lùng của hậu thế...
Cộng sản tới đâu phá nát đất nước tới đó. Một vị cao niên đã nói với tôi như vậy. Chiếm được miền Nam rồi, chúng gọi vua chúa “thằng này, thằng nọ”, huống chi lăng mộ của vua chúa, họ muốn phá cho tiêu tan di tích. Bây giờ nghèo túng, họ muốn thu hút khách du lịch nước ngoài, mới bỏ tiền trùng tu một số lăng mộ chớ không phải đã thay đổi quan niệm, cách suy nghĩ của họ. Đừng thấy hiện nay cộng sản tu bổ chùa chiền miễu mạo, lăng tẩm mà vui mừng. Họ bán vé cho khách vào thăm chớ không phải miễn phí như các chế độ trước. Bây giờ cộng sản nhìn ở đâu cũng thấy tiền!

Truyện Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ Nam Kỳ đất lành chim đậu Các cự phú ở làng Đại Điền, Mỏ Cày, Bến tre Các nhà giàu xưa ở Sóc Trăng Nhà ở Cách đặt tên, cưới gả: Cách cưới vợ, gả chồng cho con: Ăn uống, giải trí (cờ bạc, đá gà, uống rượu, thuốc phiện... Các thú vui: đá gà, cờ bạc, thuốc phiện, rượu... Các thú vui: đá gà, cờ bạc, thuốc phiện, rượu... Thuốc phiện Gò công, nơi phát tích các dòng họ quý tộc Huỳnh Công Tấn và “cậu hai Miêng”: Cây đắng sanh trái ngọt? Cậu Hai Miêng (1858- 1899) Mấy thiên tai lớn ở Gò Công Tháng năm “chết nhộn” Giặc “cào cào” (1905) Nạn “Bạch Đồng” 1915 Gò Công: đất khởi nghiệp các dòng học quý tộc Gò Công: quê vợ của hoàng đế Bảo Đại. Vài nhân vật cận đại tiêu biểu của Gò Công Ông Phủ Lê Quang Liêm (1881-1945) Luật sư Vương Quang Nhường, rể vua Thành Thái Các giai thoại, sự tích ở Gò Công Thành “Xăng Đá” và tỉnh lỵ Gò Công Đi lính cho Tây Hội kín Thiên địa hội Gò Công: Một nhà nho cấp tiến: Các cự phú ở Nam Kỳ Bùi Quang Chiêu Trương Văn Bền: nhà kỹ nghệ không bằng cấp kỹ sư Ông cai tổng Lê Quang Hiến ở Cao Lãnh: Diệp Văn Kỳ La Thành Nghệ Lai lịch một dòng họ có truyền thống y dược Giàu có là một trọng tội với cộng sản Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng” “Đạo Tưởng” ông là ai? Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh (4-4-1926) Phụ Lục