Dịch giả: Lê Quang
Phàn 1 - Chương 1

          Bernhard Schlink sinh năm 1944 ở Bielefeld, Đức. Ông học luật ở Heidelberg và Berlin. Hiện là giáo sư luật tại New York và Berlin. Ông viết nhiều sách giáo khoa và tham luận khoa học về luật, đồng thời giữ ghế thẩm phán tại Toà án Hiến pháp bang Nordrhein-Westfalen của Đức.
          Lê Quang sinh năm 1956 ở Hà Nội; 1974, du học ở CHDC Đức; 1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Bauhaus-Universität Weimar; 1981-1988, làm kiến trúc sư tại Erfurt; từ 1988, thông dịch tự do.
Với 7 triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng, tiểu thuyết Der Vorleser (Người đọc) của Bernhard Schlink (xuất bản lần đầu năm 1995) là một thành công vang dội của văn học Đức và gần đây đã được đưa vào chương trình dạy văn phổ thông của nước này. Cuốn sách mới được dịch giả Lê Quang dịch ra tiếng Việt, Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành tháng 9.2006.
Tóm tắt nội dung
Câu chuyện xảy ra vào những năm 1960, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa, và Tây Đức đang ở giai đoạn phát triển kinh tế vượt bậc. Michael, một học sinh trung học 15 tuổi, tình cờ gặp gỡ Hanna Schmitz, một phụ nữ làm nghề bán vé tàu điện hơn cậu 21 tuổi. Giữa hai người cách nhau hẳn một thế hệ này đã nảy nở một mối quan hệ, thoạt tiên chỉ mang tính nhục dục, nhưng dần dà đã trở thành một thứ nghi lễ dâng hiến. Nghi lễ ấy luôn bắt đầu bằng việc hai người tắm chung, rồi Michael đọc sách cho Hanna nghe - thường là một cuốn tiểu thuyết, sau đó là làm tình. Một ngày kia, Hanna đột ngột biến mất. Michael đau khổ và dằn vặt bởi ý nghĩ vì mình hèn nhát, không dám thừa nhận mối quan hệ tình ái mà Hanna phải bỏ đi. Nhiều năm trôi qua, Michael đã tốt nghiệp phổ thông và trở thành sinh viên luật. Với tư cách là sinh viên dự thính, trong một phiên toà Michael đã bất ngờ gặp lại Hanna - lúc này bị truy tố với tội danh khi làm quản tù đã cùng với các nữ quản tù khác dung túng và tiếp tay giết hại tù nhân ở các trại tập trung Auschwitz và Krakov. Phiên toà phải kéo dài vì thiếu bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng tìm ra được thủ phạm chính là Hanna khi chị thừa nhận rằng đã tự tay soạn thảo một biên bản, bằng chứng của tội ác. Khi phiên toà đi vào giai đoạn kết, Michael đã suy nghĩ và chắp nối tất cả các sự kiện có liên quan tới Hanna và anh phát hiện ra rằng, Hanna không thể là người viết biên bản ấy được, bởi đơn giản chị là người mù chữ. Mù chữ - đấy là nỗi xấu hổ lớn nhất của Hanna. Nó giải thích tất cả những hành vi che đậy kì quặc ở chị, khiến chị thà bị kết tội còn hơn là để lộ cái bí mật mà cả đời chị muốn che giấu. Michael đứng trước một hình huống khó xử. Một mặt, anh biết rằng Hanna bị oan và chỉ cần anh gặp quan toà, nói ra sự thật, Hanna sẽ được giảm tội. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bí mật của Hanna bị phanh phui và chị sẽ phải đối diện với sự khiếm khuyết đầy xấu hổ của mình. Sau những ngày đấu tranh nội tâm, thậm chí hỏi cả ý kiến của bố (vốn là một triết gia, chuyên về Kant và Hegel), Michael đã đi đến quyết định là giữ kín bí mật của Hanna. Kết cục, Hanna bị kết án tù chung thân. Michael tốt nghiệp đại học, làm việc ở ngành lịch sử luật pháp. Anh kết hôn, có con, ly hôn. Suốt thời gian đó, anh không liên hệ với Hanna cũng như không một lần vào thăm chị. Năm thứ 8 khi Hanna ngồi tù, lần đầu tiên Michael gửi cho chị một cuốn băng ghi âm anh đọc truyện. Từ đó đều đặn, cứ vài ba tuần anh lại gửi cho Hanna một băng ghi âm mới. Một ngày kia, nhận được một bức thư: "Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna", Michael biết rằng Hanna trong tù đã tự học đọc và viết... Sau 18 năm tù, đơn xin ân xá của Hanna được chấp nhận. Theo thỉnh cầu của bà giám đốc trại giam, Michael đã đến thăm Hanna. Sau cuộc viếng thăm đó, anh đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để Hanna có thể tái hoà nhập với cuộc sống bên ngoài. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự tử.
Tác phẩm được chia làm 3 phần với dung lượng gần tương đương nhau. Được sự đồng ý của dịch giả, talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu phần 1 của cuốn tiểu thuyết: từ khi Michael gặp gỡ Hanna cho tới khi Hanna biến mất.
talawas chủ nhật
Phần 1
1.
Hồi mười lăm tuổi tôi bị viêm gan. Bệnh phát vào mùa Thu và dứt vào mùa Xuân. Tiết trời càng lạnh và càng tối thì người tôi càng yếu đi. Sang đến năm sau tình hình mới khá lên. Tháng Giêng trời ấm, mẹ kê giường cho tôi ra ngoài bao lơn. Tôi nhìn thấy bầu trời, mặt trời, mây và nghe thấy lũ trẻ chơi trong sân. Sẩm tối một ngày tháng Hai tôi nghe con chim két hót.
Lần đầu tiên ra đường, tôi từ phố Blumenstrasse, nơi gia đình tôi ở trên tầng ba một ngôi nhà bề thế xây hồi cuối thế kỷ, đi đến phố Ga. Vào một ngày thứ Hai hồi tháng Mười, trên đường từ trường về nhà tôi đã bị nôn. Đã từ vài hôm tôi thấy yếu trong người, yếu như chưa bao giờ trong đời. Mỗi bước chân đều làm tôi khó nhọc. Ở nhà hay đến trường, mỗi khi lên thang gác là chân tôi không nhấc nổi. Ăn uống cũng không vào. Kể cả khi đói bụng ngồi vào bàn thì chẳng mấy chốc đã thấy ngán. Sáng sớm ngủ dậy mồm tôi khô khốc và có cảm giác nội tạng nằm nặng chịch và sai chỗ trong cơ thể. Tôi xấu hổ vì yếu nhược như thế. Tôi càng xấu hổ khi bị nôn. Đó cũng là chuyện chưa xảy ra lần nào trong đời. Mồm tôi đầy ứ, tôi mím chặt môi định nuốt xuống, tay bưng mồm nhưng vẫn nôn ộc qua kẽ tay. Rồi tôi dựa vào tường nhà, nhìn đống nôn dưới chân và oẹ ra chất nhầy mầu nhàn nhạt.
Một người phụ nữ chăm sóc tôi, và cô làm việc đó một cách thô bạo. Cô tóm tay tôi, dắt tôi qua một hành lang tối đi vào sân. Bên trên là dây phơi chăng quần áo từ cửa sổ này qua cửa sổ kia. Gỗ xếp ngoài sân, trong nhà xưởng mở toang có tiếng lưỡi cưa rít và mùn cưa bay. Bên cạnh cửa vào sân có vòi nước. Người phụ nữ mở vòi, trước tiên rửa tay tôi, rồi cô hứng nước trong lòng bàn tay khum khum táp vào mặt tôi. Tôi lấy khăn mù soa lau khô mặt.
"Cầm lấy cái kia!" Bên cạnh vòi nước có hai cái xô, cô lấy một cái và vặn nước vào. Tôi hứng nước vào cái xô thứ hai và đi theo cô qua hành lang. Cô lấy đà thật mạnh, nước hắt toé xuống vỉa hè và cuốn bãi nôn xuống cống. Cô lấy xô nước kia khỏi tay tôi và xối thêm lần nữa xuống vỉa hè.
Cô đứng thẳng lên và thấy tôi khóc. "Cậu bé", cô ngạc nhiên nói, "kìa cậu bé". Cô choàng tay ôm tôi. Tôi không cao hơn cô là mấy, cảm thấy vú cô áp vào ngực mình, ngửi thấy hơi thở hôi hám của chính mình cùng mồ hôi mới của cô trong vòng tay ôm chặt và không biết để hai tay vào đâu. Tôi thôi khóc.
Cô hỏi nhà tôi ở đâu, đặt xô vào hành lang rồi đưa tôi về nhà. Cô đi cạnh tôi, một tay cầm cặp sách của tôi còn tay kia nắm tay tôi. Đường từ phố Ga về Blumenstrasse không xa. Cô đi nhanh và dứt khoát, làm tôi cũng dễ bước theo. Đến trước cửa nhà tôi cô chia tay.
Ông bác sĩ mà mẹ tôi mời đến nhà cùng ngày hôm ấy chẩn đoán chứng viêm gan. Một hôm nào đó tôi kể cho mẹ nghe về người phụ nữ. Nếu không thì tôi nghĩ là mình cũng chẳng đến thăm cô. Song đối với mẹ tôi thì dĩ nhiên là khi nào khoẻ trở lại tôi nên bỏ tiền túi mua một bó hoa, đến chào và cảm ơn cô. Vậy là cuối tháng Hai tôi đi đến phố Ga.