Chương 9

 Khi em tỉnh dậy thì trời đã xế chiều. Me đang ngồi khóc sụt sùi ở đầu giường. Bà nội đang dùng khăn lông bọc nước đá đắp vào trán em.
- Thúy Vy, con tỉnh rồi hả?
- Me!
Me cầm lấy tay em:
- Thúy Vy, con khỏe chưa?
- Me, con không can chi hết. Hai em của con có bị chi không?
Bà Lý láng giềng ngồi cạnh bà nội xen vào:
- Cháu yên tâm, Cu Quang và Bích Ty vẫn bình an, riêng chỉ có ông Huy...
Em vùng ngồi dậy:
- Bác Huy... Bác Huy... Bà Lý ơi, bác Huy của cháu có mệnh hệ chi không bà?
Bà Lý đỡ vai em:
- Cháu cứ nằm xuống bình tĩnh, để bà nói cháu nghe. Sau khi nhảy vào lửa lần thứ hai để cứu cháu, tấm gỗ cháy đỏ trên trần nhà đã rơi xuống trúng vào lưng ông Huy, cháy cả quần áo, ông Huy bị phỏng nặng nhưng vẫn cố gắng bồng cháu ra nơi an toàn. Người ta đã dập tắt ngay ngọn lửa trên người ông và chở ông vào nhà thương rồi. Cũng không đến nỗi chi mô.
Em òa khóc:
- Me ơi, con sợ bác Huy chết quá me ơi.
Me khóc theo em, bà nội nói với me:
- Thu xếp rồi vô nhà thương thăm ông Huy một chút đi con.
Em ngồi dậy:
- Me ơi, cho con vô thăm bác Huy với, nghe me.
Me lấy tay chùi nước mắt, nhìn em gật đầu. Bà nội bưng nồi cơm đi lên:
- Khổ ơi là khổ, đã nghèo lại gặp cái eo. Nhà cháy rồi biết lấy tiền mô mà làm lại.
Me nói nhỏ:
- Thôi mạ, được người mất của, ba đứa nó còn sống là phúc đức lắm rồi. Vả lại mới cháy có một gian buồng, may mà người ta tới chữa kịp.
Bà nội chép miệng:
- Ngồi ăn giỗ mà ruột tao nóng như lửa đốt, ai ngờ ở nhà có chuyện thiệt.
Bà nội nhìn tấm vách gỗ cháy loang lổ:
- Phải mua vén ép làm lại gian buồng. Chà, cũng bộn tiền chớ không phải chơi mô.
Cơm dọn ra bàn, nhưng không ai nuốt nổi một miếng. Em cứ giục me đi thăm bác Huy. Ngồi trên xích lô, me không nói với em một lời nào, có lẽ me đang suy nghĩ, gương mặt me buồn vời vợi. Em cầm bàn tay mềm mại của me bóp nhè nhẹ, lâm râm khấn:
- Lạy trời phật phù hộ cho sức khỏe của bác Huy.
Em và me theo người chỉ dẫn qua một hành lang dài hun hút. Gió thốc mạnh, có lẽ trời sắp chuyển mưa. Me run run đẩy cánh cửa xanh của phòng số 14. Em xúc động không cầm được nước mắt. Bác Huy đang thiêm thiếp trên giường, tấm drap trắng đắp kín tận cổ, ngực bác hơi cộm lên vì lớp băng quấn quanh người. Me quì xuống bên giường, gục mặt vào thân thể bất động đó khóc thút thít. Đầu bác Huy hơi nghiêng lại, bác rên nho nhỏ. Em chạy đến, đứng sau lưng me. Đôi mắt bác hé mở, mệt mỏi, bác nhìn chăm chăm vào gương mặt đầm đìa nước mắt của me vừa ngẩng lên, như cố nhận ra một dáng dấp thân yêu. Một phút qua lâu hơn một ngày chờ đợi bằng con tim hồi hộp của em. Bác Huy cất tiếng thều thào:
- Hà, Hà đấy phải không?
Me nấc lên:
- Anh Huy.
- Hà, các con có sao không?
- Em đội ơn anh, anh Huy. Các con đều bình yên. Anh, anh thấy trong người có đỡ không?
Đôi môi bác Huy cười méo xệch:
- Đừng lo cho anh, Hà. Thúy Vy không sao chớ?
Em òa vỡ tiếng khóc đang chất chứa trong hồn. Bác Huy đã nhận ra em:
- Thúy Vy, Thúy Vy đấy phải không?
Em ôm lấy cánh tay bác Huy sau lớp drap mỏng:
- Bác Huy, bác Huy, tha tội cho cháu.
Những ngón tay bác Huy hơi cử động:
- Không bao giờ bác giận cháu đâu, Thúy Vy.
Cô y tá đẩy cửa bước vào, tay bưng khay thuốc, cô nói nhỏ với me:
- Thôi, xin bà để cho người bệnh nghỉ.
Me chùi nước mắt đứng dậy:
- Anh nằm nghỉ, em sẽ đến thăm anh.
Me lo lắng hỏi vị bác sĩ gặp ở hành lang:
- Thưa bác sĩ, liệu bệnh tình của bệnh nhân phòng số 14 có đáng lo ngại lắm không?
- À, thì ra bà là người thân của ông Trần Huy? Xin bà an tâm. Ông bị phỏng ở lưng. Chúng tôi đã chữa thuốc và băng bó. Vết thương ngoài da không đáng ngại. Ông sẽ bình phục sau một thời gian ngắn.
- Xin cám ơn bác sĩ.
- Không có chi. Chào bà.
Mây đen giăng nghịt một góc trời, gió càng lúc càng mạnh. Me kéo tay em:
- Đi mau lên con, kẻo mắc mưa.
Trời đổ mưa lớn ngay lúc me và em chạy nhanh vào cửa, bà nội nằm trên ghế xích đu nhìn ra:
- May chưa. Tao cứ sợ me con bây về không kịp. Răng? Bây có gặp Huy không? Bệnh tình có nặng lắm không?
Me đưa tay vuốt những giọt nước mưa đọng trên mặt:
- Anh đã tỉnh rồi mạ. Bác sĩ nói không can chi.
Bà nội có vẻ không tin:
- Bác sĩ thì ông mô cũng như ông nấy. Chết đến nơi rồi mà cũng cứ khuyên người ta đừng lo.
Em xen vào:
- Thiệt mà mệ, bác Huy nhận ra me, bác Huy nhận ra con, bác Huy nói chuyện còn được nữa mà.
Bà nội chép miệng:
- Tội nghiệp ông Huy. Không biết ông có bà con họ hàng chi ở đây không. Nếu không thì mình phải lo bới xách cho ông chứ. Dù răng ông cũng là người đã liều thân cứu ba đứa nhỏ.
Em nhanh nhẹn:
- Mệ với me cứ nấu đồ ăn đi. Con sẽ đạp xe qua nuôi bệnh bác Huy.
Em nhìn me:
- Me nghe, me cho phép con nghe.
Me gật đầu, nhưng đôi mắt me như thầm hỏi:
- Thúy Vy, con nói thật à?
Ngày hôm sau, em một mình xách "gà mên" cháo thịt bò sang thăm bác huy. Cô y tá vừa thay băng xong. Hôm nay bác đã tỉnh hẳn, ánh mắt bác thật vui khi nhìn thấy em:
- Thúy Vy qua thăm bác đó à?
- Dạ.
Em đặt "gà mêm" cháo lên bàn:
- Thưa bác, bác thấy trong người có đỡ không bác?
- Cám ơn Thúy Vy, bác thấy khỏe lắm rồi. Sao? Cu Quang và Bích Ty chơi ngoan chứ?
- Dạ.
- Thúy Vy đem cái gì qua cho bác vậy?
Em ngập ngừng:
- Dạ... me cháu... nấu cháo đem sang bác dùng.
Bác Huy hơi nhíu mày:
- Phiền me cháu quá. Bày vẽ làm gì?
Em nói nhỏ:
- Nếu không có bác, ba đứa cháu đã chết queo rồi.
- Đừng xem đó là chuyện ân nghĩa, Thúy Vy à. Nếu cháu nghĩ vậy, bác sẽ buồn và không ăn cháo của cháu đâu.
Em vội chữa:
- Không, cháu không có nghĩ chi hết. Bác đừng giận cháu.
Ông bà ngoại và dì Nguyệt vô cùng ngạc nhiên khi thấy em đút từng muỗng cháo vào miệng bác Huy. Nhất là dì Nguyệt, dì nói nhỏ bên tai em:
- Tao sợ trời sập quá Thúy Vy ơi.
Bác Huy gật đầu nhẹ chào ông bà ngoại và dì Nguyệt. Bà ngoại cảm động nói lắp bắp:
- Anh Huy, anh đã cứu ba đứa cháu của tôi, hành động của anh vô cùng cao quí.
Bác Huy nhìn em lắc đầu chán nản. Em thưa với bà ngoại:
- Mệ, bác Huy không muốn nhắc đến chuyện ân nghĩa. Mệ đừng nói nữa, bác Huy buồn.
Ông ngoại góp lời:
- Dù sao thì anh Huy cũng phải nhận vài lời cảm ơn của chúng tôi chứ.
Bác Huy lại nhìn em. Đôi mắt bác thật lạ, sâu thăm thẳm như lòng đại dương bao la. Đôi mắt đầm ấm và bình yên. Em liên tưởng đến 1 buổi chiều mùa Hạ trời xanh mây trắng soi bóng trên vùng nước lặng lờ không 1 gợn sóng lăn tăn, tâm hồn em thanh thoát, trí não em tan biến muộn phiền. Em đã tìm thấy trong gương mắt của bác Huy thật rõ ràng, hình dáng cô bé tóc thề chấm ngang vai đang nhìn em bằng đôi mắt ướt, môi hồng nở nụ cười tròn trịa như đóa tường vi.
- Có gì lạ mà Thúy Vy nhìn bác lâu vậy?
Không phải bác Huy đang hỏi em, mà là ba. Trước mặt em, ba đấy. Ba với mái tóc bồng bềnh như mây trời mùa Hạ. Ba với đôi mắt hiền hò như vùng biển lặng chiều êm. Ba đang nói với em như ngày xưa ba thường nói:
- Thúy Vy, con nhìn chi trong mắt ba mà lâu rứa?
Cô bé lên 7 lúng túng:
- Tại vì... tại vì... con không biết.
Ba cười thích thú:
- Tại ba thương Thúy Vy, ba nhớ Thúy Vy, nên khi mô ba cũng dán bóng con vào mắt ba.
Em ngây thơ:
- Thiệt hả ba? Rứa b có dán bóng me vô mắt ba không?
Ba nheo mắt với em:
- Có chớ.
- Sao con không thấy?
- Khi mô me nhìn me mới thấy chứ.
Ba lại cười, con mắt có đuôi.
- Thúy Vy, cháu đang suy nghĩ gì vậy?
Em lúng túng:
- Dạ... dạ không.
Ông bà ngoại và dì Nguyệt ở chơi 1 lúc rồi về. Em tiễn mọi người ra cửa rồi quay vào. Bác Huy ngạc nhiên:
- Sao Thúy Vy không về với dì Nguyệt?
Em cho chiếc "gà mên" vào giỏ:
- Cháu còn dọn dẹp đã chớ. Bác nghỉ.
Bác Huy gọi em:
- Thúy Vy, bác có chuyện muốn nói với cháu.
Em ngăn:
- Bác đang còn mệt, nói nhiều có hại. Để khi khác, cháu còn qua thăm bác nhiều lần mà.
- Bác chỉ cần nói với cháu một chuyện thôi. Hôm qua ấy, bác đến nhà là để từ giã me, bác sắp vào luôn Sài Gòn rồi, chừ bác không có ý gì đâu.
Em buông chiếc nón xuống đất:
- Bác nói rứa là bác vẫn còn giận cháu à?
- Không, bác chỉ muốn làm sáng tỏ vấn đề, bác muốn cháu yên tâm. Me vẫn là của cháu. Đừng dại dột bỏ nhà ra đi một lần nữa.
Em quì xuống cạnh giường:
- Cháu xin nghe lời bác.