Chương 10

Miếng khoai hôm ấy, Đức ăn thấy ngon lạ. Có lẽ từ trước tới nay, nó chưa thấy ăn một thứ gì mà ngon như thế. Củ khoai hôm ấy lại có một cái vị khác ngày thường, cái vị chia bùi sẻ ngọt với một người bạn mình biết rằng thương mình mà mình cũng yêu. Bây giờ thì nó mới hiểu rằng có đói thì ăn mới ngon. Mà ăn một mình thì chẳng thứ gì là có vị cả.
Rồi thì nó bừng nghĩ ra rằng ở đời này, người ta không thể sống một mình được. Phải có cha mẹ, anh em, bè bạn nâng đỡ, khuyến khích, và treo những cái gương đẹp cho mình là khác.
Buổi chiều đói rét ngày hôm qua là một bài học thấm thía cho nó. Nó nhìn thằng Cu Nhớn ăn như nuốt thì ngùi ngùi, bảo thằng Cu Nhớn:
- Giá mày được ra Hà Nội ở với tao thì không bao giờ mày bị đói cả. Mà mày sẽ được tha hồ ăn.
- Biết thế, nhưng tao đi thế nào. Còn chúng nó kia kìa.
- Tao sẽ cho tiền mày để mày gửi về cho chúng nó.
- Ồ, không. Thế thì thầy bu tao đánh chết! Nhà tao nghèo thế, nhưng mà bác tao cho gì, thầy bu tao không chịu lấy đâu đấy nhé. Vay cái gì là thầy bu tao giả sòng phẳng. Bây giờ lại lấy của mày, không phải là họ hàng nhà tao, thì đời nào thầy bu tao bằng lòng. Thôi, cứ lâu lâu mày về chơi với tao ở đây, được rồi. Mày về thì mày nhớ đem một con giao díp cho tao nhé. Tao thấy bác tao có một con dao díp gập bỏ túi được, tiện lắm. Tao mà có một con dao như thế, thì tao tiện gọt cái gì, phải biết đẹp lắm?
- Được rồi, tao sẽ mua hai con, mày một con, thằng Cu Con một con.
Cu Nhớn giật mình, tưởng chừng như em nó đã có con dao díp ở trong tay rồi:
- Ấy chết! Mày mua cho nó cái gì thì mua, chứ đừng cho dao, đứt tay chết! Nhớn như tao thì mới dùng dao được chứ.
Đức ngao ngán mà nhận thấy rằng cậu mợ nó cũng sợ nó chơi dao đứt tay như thế. Thì ra trước con mắt cậu mợ nó, nó cũng như thằng Cu Con trước con mắt thằng Cu Nhớn, chỉ là bé con mà thôi.
Nó lặng thinh, ngẫm nghĩ về cái điều ấy một lát rồi nó mới hỏi Cu Nhớn:
- Nhưng biết em mày nó thích gì mới được chứ.
Cu Nhớn trỏ vào những cái cúc áo của Đức:
- Nó thích những cái cúc như thế này này. Những cái cúc này mà đánh đáo thì phải biết.
Đức ta cầm ngay lấy con dao rựa, toan cắt thì Cu Nhớn đã hét lên:
- Ấy thế thì mày lấy gì mà cài áo? Mà như thế thì nó chơi còn sướng gì nữa. Thôi, thôi, khi nào mày về chơi đây thì mày mang cho nó.
- Áo tao không cần phải cài mà.
Cu Nhớn cương quyết:
- Không, nó xấu áo đi, tao không bằng lòng thế mà.
Nó vác dao đi kiếm củi thì Đức cũng đòi theo đi.
- Xa và phải trèo cơ đấy.
- Tao trèo được. Có xa thì cũng không xa bằng từ đây về Hà Nội.
- Ừ, thì hẳn thế. Ừ, mày muốn đi thì đi.
Trước khi đi, Cu Nhới đóng cổng cẩn thận, và dặn các em kỹ càng như buổi sáng. Cũng như buổi sáng, các em nó dặn nó lấy cho đủ thứ. Lần này thì nó chẳng chiều đứa nào:
- Không, hôm nay thì không lấy gì cả. Hôm nay trưa rồi, với lại tao còn cần phải kiếm nhiều củi để mai đun. Mai tao đi Yên Viên, ai kiếm?
Trẻ con trong xóm, từ sáng đã biết có một thằng bé quần áo tây đến nhà thằng Cu Nhớn, nên khi thoáng thấy hai đứa thì xúm cả lại, hỏi Cu Nhớn tíu tít:
- Ai đấy? Ai đấy?
Cu Nhớn đều một câu:
- Quen với bu tao đấy.
Trong đám trẻ có mấy đứa trẻ cười:
- Nhà mày như thế mà quen được với người như thế?
Câu ấy khiến cho Đức thấy thẹn. Cái phần vinh dự là phải về phần nó được quen với Cu Nhớn chứ. Vì thế cho nên khi thấy đám trẻ nhìn nó bằng con mắt kính phục, thì nó thấy ngượng lạ ngượng lùng. À, giá ngày hôm qua mà như thế thì nó lấy làm đắc chí lắm. Nhưng nó ngày hôm nay với nó ngày hôm qua là hai đứa khác nhau rồi. Hôm nay thì nó đã hiểu giá trị con người ở đâu rồi. Hôm nay thì nó đã biết cái giá trị ấy không phải ở quần áo sang trọng và sự giàu có của cha mẹ nữa rồi.
Muốn tỏ cho lũ trẻ con biết sự kính phục của nó đối với thằng Cu Nhớn, nó mới đỡ lấy cái quang mây:
- Anh để tôi cầm cho.
Cu Nhớn sợ bọn trẻ chế nó, liền bảo:
- Thôi, để tao cầm cũng được. Từ giờ mày đừng gọi tao bằng anh, tao ngượng lắm. Với lại ở đây, trẻ con với nhau, chẳng đứa nào gọi đứa nào bằng anh cả.
Mặc dầu Cu Nhớn nói như thế, Đức cũng cứ gọi nó bằng anh như thường:
- Gọi thế mới phải chứ.
- Nhưng tao không thích.
- Nhưng anh hơn tôi.
Vì Đức cứ gọi Cu Nhớn bằng anh, nên Cu Nhớn buộc lòng phải gọi trả lại:
- Ừ, nếu mày muốn thế thì tao cũng gọi mày bằng anh vậy.
- Ồ, thì anh cứ gọi tôi bằng mày cũng được.
- Ồ, sao lại có thể thế, anh gọi tôi bằng anh, tôi lại gọi anh bằng mày là cái nghĩa lý gì. Không, cứ gọi bằng anh cả.
Lũ trẻ, trước thấy thằng Đức thì có vẻ kính phục lắm, nhưng sau dần dần quen đi, cái dễ quên là sự kính phục của loài người đối với loài người.
Rồi thì có đứa ném đất để trêu thằng Đức.
Thấy hòn đất đầu tiên ném ra, Cu Nhớn liền kéo áo, bảo Đức:
- Thôi, mặc kệ chúng nó. Chúng nó là lũ chăn trâu mất dạy cả đấy mà. Thả trâu rồi đùa nghịch nhảm nhí với nhau. Thầy bu tôi vẫn dặn tôi không nên đàn đúm chơi bời với chúng nó. Chúng nó là con nhà khá, chẳng phải làm gì, chỉ có việc chăn trâu thôi, chứ tôi thì còn phải nhiều việc. Thôi, ta đi kiếm củi, rồi còn về.
Lũ trẻ thấy ném một hòn đầu tiên, hai đứa không nói gì, lại ùa lại ném, ném như mưa.
Đức thấy chúng nó đông, sợ hãi, toan chạy thì Cu Nhớn nắm lại:
- Anh đừng có sợ.
Rồi nó dứ con dao:
- Này, chúng tao không có trêu chúng mày, nếu thằng nào trêu chúng tao thì chúng tao đánh thật đấy. Lúc ấy thì đừng có trách.
Đức đang đứng ở phía sau, thấy bạn cứng cáp thế, cũng tiến lại, đứng sát cạnh bạn.
Bọn trẻ im một lát, rồi thì lại có mấy đứa ném. Cu Nhớn vung con dao lên:
- À, đã thế thì ông chém cho chúng mày xem.
Rồi nó đuổi bọn trẻ chạy ùa như vịt. Đức thích chí, cũng đuổi theo. Cu Nhớn vội nắm áo nó lại:
- Thôi, chúng nó đã sợ rồi, thôi không đuổi nữa. Với lại chúng mình có việc của chúng mình, chứ gây sự với chúng nó làm gì!
Đã phục thằng Cu Nhớn, bây giờ Đức ta lại phục hơn:
- Chúng nó hình như sợ anh ấy nhỉ?
- Không biết. Tôi thì không trêu ai bao giờ, nhưng thằng nào trêu tôi thì tôi đánh ghê lắm, chết thôi. Mình cũng có tay chân, để cho chúng nó bắt nạt thì không được. Thế anh, anh ở Hà Nội, anh có đánh nhau bao giờ không?
- Có, tôi cũng đánh vung mạng.
Có một điều mà thằng Đức không thú là ở Hà Nội, nó trêu người ta chứ không ai trêu nó cả. Đi đâu, cũng có thằng xe nhà nó đi kèm, thì còn ai mà trêu được nó nữa.
- Phải chứ, mình không trêu ai, ai trêu mình, mình phải đánh vung mạng đi chứ. Với lại những đứa nào đi trêu người, toàn là những đứa mất dạy, không đánh còn để làm gì!
Đức ta chín cả ruột, cả gan, nhưng cũng phải nói luôn miệng:
- Phải chứ, phải chứ.
- Tôi ở đây ngoan, cả xóm ai cũng biết. Đứa nào mà đánh nhau với tôi thì y như lúc thầy bu chúng nó biết, chúng nó cũng bị đòn.
Rồi nó thở dài:
- Nhà tôi chỉ kém nhà chúng nó vì nhà tôi nghèo thôi. Nhưng nhà tôi cũng mới nghèo dăm sáu năm nay đấy. Trước thầy tôi cũng có con bò và mấy sào đất. Tại thầy tôi ốm một trận, với lại bu tôi cứ sinh đẻ mãi. Anh tính, một người kiếm, bao nhiêu người ăn. Thật đúng như thầy tôi nói: “đến núi cũng phải lở”
Lại thở dài, và mắt sáng quắc:
- Nhưng không sao. Chỉ vài ba năm nữa, tôi lớn, thế nào rồi tôi cũng kiếm được tiền tậu bò và chuộc ruộng lại. Ruộng, thầy tôi cầm cho bác tôi đấy, chứ có cầm cho ai đâu. Bác tôi cứ muốn cho thầy tôi mượn bò để làm ruộng, nhưng thầy tôi khí khái lắm cơ, cả làng này, ai cũng phải phục thầy tôi, thầy tôi không chịu. Thà đi làm lò, chứ thầy tôi không muốn nhờ vả ai cả.
Rồi thốt nhiên, Cu Nhớn ứa nước mắt:
- Anh chưa biết, trước kia, tôi cũng như anh ấy, chả thích làm cái gì cả. Nhưng một hôm không có gạo, chúng nó khóc, rồi thầy bu tôi vì thương chúng nó, cũng khóc. Từ hôm ấy thì thôi, tôi thôi chơi, và tôi làm, làm như một người nhớn. Bu tôi thấy tôi ngoan ngoãn như thế, mới giao nhà cho tôi trông coi để đi chợ kiếm thêm đấy chứ. Bây giờ thì nhà tôi đã có lợn. Và tuy cũng có khi phải nhịn đói, nhưng hơn trước nhiều. Vì thế mà thầy tôi mới có thể bỏ nhà đi làm lò gạch được đấy chứ.
Nói đến đấy, nhìn bóng nắng đã đổ chếch trên đồi, nó lại hốt hoảng:
- Ấy chết, chúng mình phải đi kiếm củi đi chứ, không tối rồi. À, hôm nay có anh thì chắc được nhiều. Tôi trèo lên cây bẻ cành khô, anh ở dưới nhặt để vào quan cho tôi nhé.
Đức sung sướng:
- Được rồi, được rồi. Lúc về, tôi khiêng với anh nữa.
Khi hai đứa lễ mễ khiêng được bó củi lớn về tới nhà, thì bu thằng Cu Nhớn đã về tới nhà rồi. Thằng Cu Nhớn thấy mẹ, vội hỏi ngay:
- Kìa, sao bu về sớm thế? Thế nào, có kiếm được gạo đấy không?
- Tại có cậu ấy ở đây, nên bu nóng ruột về sớm. Có hôm nay thế là ra ngõ gặp giai. Nhờ vốn bà Chánh, buôn được gánh quít phát tài quá!
Rồi trông thấy Đức nhễ nhại mồ hôi, bu thằng Cu Nhớn liền mắng con:
- Tại sao mày lại bắt cậu ấy đi như thế?
Đức lễ phép:
- Thưa bà, con thích như thế ạ.
Bu thằng Cu Nhớn thấy nó lễ phép như thế thì bằng lòng lắm:
- Nó lam lũ đã quen, chứ cậu thì đi như thế làm gì cho nó khổ thân.
- Thưa bà, con thích được như anh ấy ạ.
Bu thằng Cu Nhớn cười:
- Ai lại thích dại thích dột như thế. Chẳng qua là cái thế không thể được. Cậu đi chơi một hôm thì thích, chứ vài lần thì lại không chối ra ấy à?
- Thưa bà, con thích như thế mãi ạ.
Bu thằng Cu Nhớn lại tủm tỉm cười, rồi quay sang con:
- Thôi, đi lấy gạo thổi cơm đi. Thổi gia gia một ít nhé. À, nhớ mai thì dậy sớm thổi cơm ăn, rồi nắm lấy một nắm mà đi. Đưa cậu ấy cho đến nơi đến chốn nhé. À, bu đã mua muối vừng đây. Rang đi cả một thể, mai khỏi phải rang. Rang nhạt một tí nhé, chứ rang mặn đắng như mọi hôm thì cậu ấy không ăn được đâu.
Thằng Cu Nhớn nhìn mẹ, rồi nhìn bạn một cách sung sướng:
- Thổi gia thì cũng chỉ một bơ nữa thôi nhỉ?
- Thôi, thổi hơn bơ đi, cho chúng nó ăn thật no một bữa. Mấy khi giời cho kiếm được.
Và nhìn thằng Đức một cách yêu mến:
- Ấy chẳng qua cũng là tại cái lộc của cậu ấy mang lại. Người ta ở hiền thì gặp lành. À quên, bu còn mấy quả quít kia, đem chia nhau, rồi cho cậu ấy ăn mấy.
Cu Nhớn sung sướng, nhảy cỡn lên:
- À, lại có quít. Thế thì hôm nay bu phát tài lắm nhỉ!
Rồi nó vỗ vào vai Đức:
- Bu tôi bảo vì có anh đem cái may lại cho nhà tôi, nên mới phát tài như thế đấy. Chứ tôi tưởng đi trưa như hôm nay thì không kiếm được gạo cơ đấy.
Đức cũng mừng:
- Tôi cũng cứ lo ngay ngáy rằng vì tôi mà bu anh không kiếm được. Anh và các em anh đã vì tôi mà nhịn đi rồi.
Nó nhìn anh em thằng Cu Nhớn ăn quít ngon lành như người ta ăn một thứ gì ngon nhất trần đời, mà nó lại bâng khuâng nhớ tới những lúc nó vất những quả cam Triều Châu đi. Thì ra nó bậy thật!
Quả quít Cu Nhớn cho nó, nó tuy khát và thèm lắm, nhưng nó không dám ăn. Nó đem dúi cho thằng Cu Con. Cu Con cầm ngay:
- Thế anh không ăn ạ?
- Không. Tôi ăn sợ… đau bụng.
Cu Con ta sung sướng:
- Tôi ăn thì bao nhiêu cũng chả đau bụng. Đã lâu lắm, tôi mới lại được ăn quít đấy.
Nó bóc, rồi nó chia cho cái Đĩ Nhớn, cái Đĩ Con, mỗi đứa một góc.
Cái cử chỉ ấy lại khiến cho Đức nghĩ tới những lúc nó ăn phần trùm, phần thưởng, đánh bạt cả các em đi, không cho đứa nào lại gần.
Thì ra nội trong cái gia đình nghèo nàn này, dưới cái túp lều này, ai cũng hơn nó cả.
Bây giờ, nó đã biết cái lẽ tại sao người ta không nên khinh những kẻ rách áo.
Bây giờ cũng như buổi sáng. Cu Nhớn thổi cơm, rồi dọn cơm, nhưng có khác một điều là lúc bưng nồi cơm ra, nó hể hả bảo với các em:
- Thôi, bữa này thì cho tha hồ, nhưng ăn vừa chứ, không có bội thực đấy.
Cơm đã nhiều, lại có vừng đậm miệng, các em nó đánh thùng bất chi thình. Còn Cu Nhớn ta chỉ ăn có năm bát. Mẹ nó thấy nồi còn cơm, bảo nó ăn nữa. Nó từ chối:
- Thôi, để cho chúng nó ăn cho thích. Trưa, con đã làm nửa củ khoai rồi.
Nói xong thì nó lại vội vàng giảng ngay:
- Tại anh ấy bẻ cho con đấy. Anh ấy bảo nếu con không ăn thì anh ấy cũng không ăn. Anh ấy cũng chỉ ăn một nửa củ thôi.
Bu nó nhìn các em nó:
- Thế thì thích nhé!
Rồi xuýt xoa:
- Tao tưởng luộc cho cậu ấy ăn cơ chứ. Thế có phải phí đi không. Để ghế vào cơm chiều hôm nay, có phải thừa ra được một bơ không.
Quay sang Đức:
- Thế cậu không ăn quà trưa, cậu không đói à?
Tấm lòng tử tế của bu thằng Cu Nhớn đối với mình như thế làm cho Đức cảm kích:
- Thưa bà, con không đói ạ.
- Tôi tưởng trẻ con ở tỉnh, trưa đến phải ăn quà chứ?
Thì ra bu thằng Cu Nhớn đã nghĩ đến nó hơn nghĩ đến các con. Đức thấy lòng ngùi ngùi:
- Bà tốt với con quá!
- Chẳng qua thấy cậu gặp bước ấy thì tôi thương.
- Thưa bà, con trốn học như thế này là tại con chứ. Nhưng từ giờ giở đi thì con không trốn nữa.
- Ồ, thế thì tốt, ấy thằng bé nhà tôi trước cũng đi học đấy, học giỏi đáo để, nhưng vì nghèo, thành ra phải cho nó thôi.
- Thưa bà, thế mà anh ấy vẫn còn giỏi hơn con đấy. Anh ấy ngoan và tốt hơn con nhiều.
Cơm xong, Cu Nhớn sắp bát, toan đi rửa thì bu nó bảo:
- Thôi, con nghỉ tay mà chơi, để bu rửa cho.
Cu Nhớn không nghe:
- Con nghỉ cả ngày, còn nghỉ gì nữa. Bu đi chợ mệt, nghỉ đi, để con rửa cho. Rửa ít bát có nhọc mệt gì. Con rửa, rồi con còn tắm cơ mà. Đi kiếm củi, mồ hôi ra, chua lắm!
Nó tự tắm cho nó, rồi tắm cả cho các em, rồi nó giặt quần áo của chúng nó, phơi lên dây tử tế.
Mọi việc nó làm xong xuôi thì vừa tối.
Tối đến thằng Đức không thấy nhà nó thắp đèn liền hỏi:
- Nhà anh không có đèn à?
- Có chứ. Nhưng ít khi thắp. Thắp sợ tốn dầu. Trừ hôm nào bu tôi đi chửa về, tôi mới thắp thôi. Bây giờ thì đi ngủ, còn làm gì mà phải thắp? À, Hà Nội có đèn điện sáng lắm phải không?
- Ừ, sáng lắm. Nhà tôi để đèn suốt đêm. Thế anh không để đèn, anh không sợ ma à?
- Có chứ. Nhưng sợ thì cũng phải chịu chứ. Tiền đâu! Hôm nay có anh thì tôi không sợ nữa. À, thế hôm qua anh ngủ một mình ở đường như thế, anh có thấy ma không?
- Tôi không trông thấy, nhưng chỉ thấy nó kêu thôi.
Liền lúc đó thì một hồi tù và ở đầu xóm rúc lên. Đức, mắt trước mắt sau:
- Đấy, tiếng nó đấy.
Cu Nhớn phá lên cười:
- Đấy là tù và người ta gọi tuần ra điếm đấy chứ. Thế Hà Nội không có tiếng tù và à?
- Không! Thế người ta làm thế nào mà thổi kêu to như thế được?
Cu Nhớn cúp tay vào để lên miệng, rồi thổi “tu tu tu” một hồi. Đức phục quá:
- Anh tài nhỉ, cái gì anh cũng biết.
- Đây không có sừng trâu, tôi thổi bằng tay. Chứ có sừng trâu, tôi thổi còn kêu nữa cơ. Nhớn lên, tôi cũng phải đi tuần cơ. Lúc ấy thì không thể sợ ma được nữa.
Sau khi các em đi ngủ với mẹ nó rồi, Cu Nhớn vác một cái chiếu, kéo Đức ra chiếc phản ở gian giữa:
- Đây, tôi với anh, ta ngủ đây.
Đức không thấy có chăn, hỏi ngay:
- Thế nhà anh không có chăn à?
- Không.
- Thế từ trước đến giờ, anh không bao giờ đắp chăn cả à?
- Không.
- Thế anh không rét à?
- Cũng có khi rét, nhưng ngủ say rồi thì nó quên đi chứ.
À, điều này thì Đức ta đã biết rồi. Đêm qua, đã hai lần, nó chả ngủ thiếp đi, quên cả đói, cả rét đấy ư?
Cái giường này thì không sướng bằng cái giường nhà nó, mà đắp chiếu thì không đời nào ấm bằng đắp chăn. Nhưng vì đã nằm qua màn trời chiếu đất một đêm, nó thấy thú đáo để. Càng thú hơn, vì có Cu Nhớn là người bạn nó yêu mến ở bên cạnh.
Nó tả lại cái đêm hôm qua cho Cu Nhớn nghe, rồi kết luận:
- Hôm qua, tôi thấy khổ ghê khổ gớm, và sợ kinh sợ khiếp!
Cu Nhớn cười:
- Có anh ngốc thế, chứ tôi thì chẳng khi nào tôi chịu nằm đêm ở giữa giời. Tôi thấy nhà nào có đèn thì tôi gọi cửa vào xin ngủ nhờ chứ lỵ.
- Thì tôi có đi đâu bao giờ mà tôi biết. Nhưng từ giờ thì tôi đã biết rồi. Tôi mới ra khỏi nhà lần này là lần đầu tiên đấy. Thế còn anh, anh đã đi đâu chưa?
- Tôi đi luôn với thần bu tôi. Cứ ngủ ở ngoài hai ba đêm là thường. Đi như thế thích lắm nhé.
- Tôi chả thấy thích một tý nào.
- À, đi như anh, không có người lớn trông coi cho thì kể gì. Ngủ đường, ngủ xá như thế thì chỉ khổ, chứ còn thú cái nỗi gì! Tôi ấy à… ở nhà thầy tôi không cho tôi hút thuốc lào bao giờ, nhưng đi như thế thì thầy tôi cho tôi hút sái nhỉ. Hút vào say, sướng lắm cơ.
- Ở nhà tôi, chả ai cấm tôi hút, nhưng tôi chả hút bao giờ cả.
Rồi nghĩ đến sự cùng đi với Cu Nhớn ngày mai:
- Tôi thì tôi không cần người nhớn. Cứ đi với anh thì bất cứ đi đâu, ở đâu, tôi cũng thấy thích.
- À, từ đây Yên Viên, đường cái lớn, ai chả đi được. Chứ đi xa, tôi cũng chịu.
- Thế anh đi Yên Viên nhiều lần rồi à?
- Từ khi thầy tôi làm lò gạch ở đấy, tôi ra luôn.