Dịch giả: Thái Kim Lan
Bích Thảo hóa thân

     huở ấy khi vừa bước vào thiên đường, Bích Thảo đến trước một cây kỳ lạ; vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Bích Thảo kính cẩn cúi chào cây và hỏi: “Chào cây, cây có phải là cây của sự sống không?” Nhưng khi có con rắn muốn thay cây trả lời thì Bích Thảo quay lưng bỏ đi. Chàng tập trung nhìn, mọi thứ ở trên thiên đường đều làm cho chàng thích thú. Chàng cảm thấy rõ là mình đang ở chốn quê hương, đang ở nơi cội nguồn cuộc sống.
Chàng lại gặp một cây kỳ dị khác, cây này vừa là mặt trời vừa là mặt trăng. Bích Thảo hỏi: “Này cây ơi, cây có phải là cây của sự sống không?”
Mặt Trời gật đầu và cười toét miệng còn Mặt Trăng thì gật nhẹ đầu và nhoẻn miệng cười mủm mỉm.
Những bông hoa tuyệt diệu nhất chớp mắt nhìn Bích Thảo với nhiều màu sắc và ánh sáng khác nhau, với nhiều đôi mắt long lanh và nhiều vẻ mặt khác nhau. Có những khóm cây gật đầu cười toe toét. Vài cây khác chỉ gật đầu cười chúm chím. Có những cây chẳng gật đầu mà cũng chẳng mỉm cười. Chúng lặng yên mê mẩn, đắm mình ngơ ngẩn, như say sưa trong suối hương nồng, hoa hương quyện lẫn.
Một đóa hoa cất tiếng ca bài Tím nhạt, đóa khác hát bài hát ru con Xanh thẫm. Một đóa hoa có đôi mắt to màu xanh da trời, còn một đóa khác có gương mặt làm cho Bích Thảo nhớ đến mối tình đầu tiên của chàng. Có đóa hoa thơm mùi hương của khu vườn thời thơ ấu, hương thơm ngọt ngào thoáng nhẹ như giọng nói của mẹ chàng. Có đóa hoa tươi cười chào chàng và thè cái lưỡi đó uốn cong đến gần chàng. Chàng đưa lưỡi chạm vào hoa, cảm nhận hương vị nồng nàn man dại như nhựa cây, như mật ong và như nụ hôn của một người đàn bà.
Bích Thảo đứng giữa ngàn hoa, lòng tràn ngập những hoài vọng và niềm vui mong manh. Như chiếc khánh ngân, tim chàng đập nhanh, tim đập liên thanh; và nỗi khát khao của chàng bừng cháy cuống họng vào tận nơi chưa từng biết, vào tận bến bờ của niềm linh cảm huyền diệu.
Bích Thảo tiếp tục nhìn ngắm thiên đường, bỗng thấy một con chim đậu xuống. Chim nấp trong đám cỏ, xanh xanh đỏ đỏ, lấp lánh muôn màu, hầu như tất cả màu sắc trên thế gian chim đều chiếm hết. Chàng hỏi chim mỹ miều muôn sắc: “Này chim, vậy hạnh phúc ở đâu vậy hỡi chim?”
“Hạnh phúc hả?”, con chim mỹ miều nói và cười bằng cái mỏ vàng của nó, “Này bạn ơi, hạnh phúc ở khắp nơi nơi, trên núi dưới đồi, trong hoa tươi nở, trong ngọc sáng ngời”.
Vừa mới buông lời, con chim hớn hở rũ lông, rụt cổ, nhịp đuôi, há mỏ cười một lần nữa rồi lại ngồi bất động trong đám cỏ. Và này hãy xem: Thoáng chốc con chim đã hóa ra một đóa hoa sặc sỡ, lông chim là những ngọn lá, móng chim là rễ cây. Trong vẻ lóng lánh muôn màu, giữa lúc nhảy nhót múa may con chim lại biến mình thành một cái cây. Bích Thảo trố mắt kinh ngạc chứng kiến trò ảo thuật kỳ diệu.
Ngay sau đó, “đóa hoa chim” rung động những ngọn lá và chuỗi bụi phấn của hoa. Chán cảnh làm hoa, hoa chim không còn rễ cây nữa, chuyển mình nhẹ nhàng rồi từ từ cất bổng mình lên cao, rồi bỗng hóa ra một con bươm bướm sáng ngời, lượn mình trên không nhẹ bổng nhẹ bông như không có trọng lượng. Hoa bấy giờ toàn thân là ánh sáng, là hào quang. Bích Thảo ngây người càng mở lớn đôi mắt kinh ngạc.
Con bươm bướm mới, con bướm hoa chim sặc sỡ, hớn hở, màu sắc sáng rỡ ấy, nhởn nhơ lượn quanh Bích Thảo sững sờ, lấp la lấp lánh trong ánh mặt trời, bướm bay bay lượn lượn rồi từ từ đậu xuống đất nhẹ nhàng như một nắm tơ, đậu sát vào chân Bích Thảo. Bướm thở nhẹ nhàng, rung khẽ thân mình với đôi cánh lóng lánh, rồi khoảnh khắc lại hóa thành một viên pha lê muôn màu, ở một góc pha lê lóe ra một tia sáng đỏ hồng.
Từ trong đám hoa cỏ xanh tươi, viên pha lê đó chiếu lấp lánh tuyệt vời, sáng rỡ, giòn giã như tiếng chuông ngân ngày hội. Nhưng rồi hình như có tiếng gọi về của quê hương - đó là lòng của trái đất - cho nên viên ngọc từ từ thu bé lại và sắp sửa lịm dần vào lòng đất...
Chứng kiến cảnh này, trong lòng Bích Thảo bỗng nổi lên một ham muốn mãnh liệt, chàng vội vàng nhặt nhanh viên ngọc lên trước khi ngọc sắp tan biến. Bích Thảo mê người ngắm nhìn ánh sáng thu hút huyền hoặc của viên ngọc trong tay, ánh hào quang như rọi sáng vào tận tim chàng một thứ linh cảm về mọi nỗi niềm hạnh phúc trên đời.
Trong lúc ấy, bỗng nhiên con rắn trườn đến quấn mình vào một nhánh cây khô, ghé đầu rít vào tai chàng: “Viên ngọc này có thể biến mày thành điều gì mà mày muốn Bích Thảo ạ. Hãy nói nhanh cho viên ngọc biết điều ước của mày trước khi ngọc thu nhỏ lại, kéo chậm mất!”
Bích Thảo giật mình, sợ đánh lỡ mất hạnh phúc, vội vàng nói nhanh ước muốn của mình, lập tức chàng biến thành một cái cây. Bởi đã từ lâu chàng mơ ước mình được làm một cái cây, cây đối với chàng là sự bình an; là nhựa sống, là niềm vinh dự.
Như vậy Bích Thảo hóa thân thành một cây xanh.
Chàng đâm rễ vào lòng đất, lớn nhanh và vươn mình lên cao. Lá và cành mọc ra từ tứ chi của chàng. Chàng rất tự mãn về sức lớn của mình, với những rễ cây khát nhựa đâm mình hút sâu vào lòng đất, với những cành lá... Chàng phất thân cao lên trong tầng thiên thanh. Những con bọ bắt đầu tìm đến cư ngụ nơi thân cây. Thỏ và nhím đến tá túc ở gốc cây, chim đến làm tổ ở cành cây.
Cây “Bích Thảo” rất đỗi hạnh phúc, không màng đến năm tháng trôi qua. Nhiều năm qua đi trước khi chàng nhận ra rằng thật sự hạnh phúc của mình không được trọn vẹn. Phải mất một khoảng thời gian chàng mới học được cách nhìn với “con mắt cây”. Cho đến khi chàng đạt được cách nhìn này thì chàng đâm ra buồn rầu.
Chàng nhìn thấy được rằng ở trên thiên đường, quanh chàng mọi vật thường đổi kiếp thay thân. Thật thế, chàng thấy mọi vật đều nằm trong vòng luân lưu ảo thuật của sự hóa thân vĩnh cửu. Những bông hoa biến thành cây ngọc hay hóa thành những con chim líu lo đầy ánh sáng vụt bay đi. Chàng thấy bên cạnh mình có nhiều cây bỗng biến mất, có cây tan ra thành nguồn suối, có cây thành cá sấu, có cây lại bơi lội nhởn nhơ, tung tăng khoái chí, thích thú tột cùng, bơi đi làm cá, hết làm cá rồi, thay hình mới mẻ, chúng lại bắt đầu những trò khác lạ. Những chú voi đổi áo của mình với các tảng đá núi, những chàng hươu cao cổ đổi hình dạng của mình với các bông hoa. Chỉ riêng chàng - cây Bích Thảo - thì vẫn giữ nguyên là cái cây, chàng không thể biến đổi ra cái gì khác nữa.
Từ khi nhận biết được điều này, hạnh phúc của Bích Thảo biến mất; chàng bắt đầu trở nên già cỗi, bắt đầu có dáng điệu mệt mỏi nghiêm nghị và lo âu. Điều này người ta thường thấy được hằng ngày ở các loài ngựa; loài chim; loài người - những sinh vật thường trở nên già nua nếu chúng không có được khả năng hóa thân, với thời gian, chúng sẽ rơi vào sự buồn nản và lo âu xao xuyến, cứ thế mà mọi vẻ đẹp dần dần biến mất.
Cây Bích Thảo cứ đứng yên như thế ở thiên đường...
Cho đến một ngày nọ, một người con gái trẻ đi lạc vào chốn thiên đường ấy. Cô gái có mái tóc vàng óng ả, mặc chiếc áo xanh màu thiên thanh. Cô bước đi thảnh thơi trong chốn Bồng Lai, nhởn nhơ dưới cây xanh, vừa hát vừa nhảy múa, trong đầu cô chưa bao giờ nghĩ đến việc ước mong có biệt tài hóa thân.
Những chú khỉ khôn ngoan mỉm cười sau lưng cô, có lùm cây chạm nhẹ vào cô một cách dịu dàng bằng những nhánh dây leo, các cây khác lại ném tặng cô một búp hoa, một hạt dẻ, một trái táo mà cô không để ý đến, cứ thảnh thơi đi, hát và nhảy múa.
Khi Bích Thảo thấy cô gái, chàng cảm nhận trong tim nỗi nhớ nhung mông mênh chảy dội về, nỗi khát khao hạnh phúc như chưa bao giờ trong đời chàng khát khao như thế. Đồng thời một sự hồi tưởng sâu kín xâm chiếm tâm hồn, bởi vì chàng cảm thấy như chính dòng máu của mình lên tiếng gọi: “Bích Thảo, hãy suy nghĩ kỹ đi. Trong giờ phút này hãy nhớ lại cả cuộc đời mình, nếu không sẽ muộn mất thôi, và không bao giờ, không bao giờ nữa mày sẽ gặp được hạnh phúc”.
Bích Thảo nghe theo tiếng gọi của trái tim. Chàng nhớ về cội nguồn của mình, nhớ những năm làm người, nhớ lúc nhập vào thiên đường và nhất là nhớ đến giây phút trước khi chàng biến thành cái cây, lúc cầm trong tay viên ngọc nhiệm màu ấy. Nhớ đến thuở ấy, khi mọi sự hóa thân đối với chàng còn mở ngỏ, cái thuở mà cuộc sống như chưa bao giờ nóng bỏng đến thế. Chàng nhớ lại con chim ngày ấy đã cười vang, nhớ cái cây kỳ lạ vừa là mặt trời vừa là mặt trăng. Trong thoáng chốc, chàng linh cảm được thuở ấy mình đã bỏ lỡ một cơ hội nào đó; đã quên một điều gì đó, lời khuyên của con rắn không phải là lời khuyên tốt lành.
Đang đi, cô gái tóc vàng chợt nghe trong đám lá của cây Bích Thảo có tiếng rì rào như một lời kêu nho nhỏ. Cô ngẩng đầu nhìn lên cây, tim bỗng nhói lên một niềm cảm xúc; từ đáy lòng nghe rạo rực những tưởng tượng mới mẻ, một ước muốn, mộng mơ chưa bao giờ có ở trong tâm. Như bị cuốn hút bởi một sức mạnh lạ lùng, cô đến ngồi dưới cây. Cô thấy như cây Bích Thảo có vẻ cô đơn, lẻ loi và buồn bã, nhưng lại có một vẻ gì đẹp đẽ dễ rung cảm và cao quý trong nỗi buồn câm lặng. Tiếng ca của tán cây lao xao nhỏ nhẻ vẳng lên làm cô ngây ngất. Cô gái tựa mình vào thân cây xù xì, cảm nhận thân cây rùng mình và nghe trái tim mình đang cảm nhận cùng một nỗi xao động. Trên bầu trời, những đám mây như vụt bay đi. Tim cô nhói đau một nỗi đau lạ lùng; không khóc mà nước mắt từ từ lăn khỏi bờ mi. Có chuyện gì thế này? Có thể đớn đau đến thế này hay sao? Tại sao tim chỉ chờ phá tan lồng ngực để chảy tràn ra, tan biến đến Người, vào tận trong Người; Người cây cô đơn đẹp đẽ kia?
Cây Bích Thảo run lên nhẹ nhàng đến tận gốc rễ. Rồi với sức lực bình sinh, cây thu hết tất cả nhựa sống, hướng về phía người con gái trẻ với tất cả ước muốn nóng bỏng được tan hòa với nàng. Cây nghĩ: “Chà, ta đã bị con rắn độc đánh lừa để tự đưa mình vĩnh viễn bất di bất dịch thành một cây duy nhất. Ôi ta đã mù quáng biết bao! Ôi ta đã điên rồ biết bao! Ta đã không có một tri thức nào cả hay sao? Tại sao sự bí mật của cuộc sống đối với ta lại xa lạ đến thế? Không, không, thuở ấy ta đã cảm thấy mơ hồ và đã linh cảm điều ấy rồi”. Chàng nhớ đến cái cây vừa là đàn bà vừa là đàn ông với nỗi buồn rầu và nỗi giác ngộ sâu xa.
Giữa lúc ấy có một con chim bay đến; con chim xanh lục đỏ điều, con chim mỹ miều, con chim anh điểu, con chim vàng ảnh vàng anh; bay lượn quanh quanh. Cô gái nhìn chim bay quanh, thấy từ mỏ chim nhả ra một vật gì xuống cỏ; vật ấy long lanh màu đỏ như máu, đỏ như than hồng. Nó rơi xuống đám cỏ xanh xanh, chiếu sáng trong đám cỏ mành mành, như ánh xuân xanh, màu đỏ chiếu sáng rộn rã tưng bừng đến nỗi cô gái phải cúi mình xuống nhặt vật màu đổ ấy lên. Hóa ra đó là một viên ngọc dạ quang pha lê, ở đâu có ngọc ấy, ở đấy không bao giờ có bóng tối.
Lúc cô gái cầm viên ngọc kỳ diệu trong bàn tay trắng nõn nà thì lập tức điều ước của Bích Thảo liền thành sự thực, điều ước mà tim chàng bấy lâu nay đang ấp ủ. Lập tức cô gái đẹp liền thoát xác, gục xuống hóa thân dính liền với cây Bích Thảo làm một. Từ thân cây, một nhành cây non trẻ và mạnh mẽ trồi lên, vươn lên cao đến gần chàng.
Bây giờ mọi sự việc đều hoàn thiện, bấy giờ thế giới mới được an bài và chỉ trong khoảnh khắc này thiên đường mới thực sự tìm thấy. Bích Thảo không còn là cái cây ưu tư già cỗi nữa, bây giờ chàng cất cao tiếng hát: “Bích Thảo ơi! Thanh Thảo ơi! Vẹn toàn rồi”.
Chàng đã hóa kiếp. Và bởi vì lần này chàng đã đạt được sự hóa thân đúng đắn và trường cửu, bởi vì chàng đã từ cái Một Nửa trở thành cái Toàn Thể, cho nên chàng có thể thay đổi thân xác từng giờ từng phút thành bất cứ cái gì chàng muốn. Dòng luân lưu ảo diệu của sự trở thành tuôn chảy không ngừng trong huyết mạch của chàng, vĩnh viễn chàng có thể tham dự vào sự sáng tạo chớm nở trong từng phút từng giây.
Chàng biến thành nai, thành cá, thành người, thành rắn, thành mây, thành chim... Nhưng trong mỗi hình hài chàng vẫn là cái Toàn Thể, vẫn là “Một Đôi”, vẫn mang trong mình mặt trời và mặt trăng, đàn ông và đàn bà.
Như một con sông “sinh đôi”, chàng chảy mê mải qua núi đồi đồng ruộng. Và lấp lánh trên nền trời, chàng sáng ánh sáng của “ngôi sao đôi”

Truyện Iris - Huệ tím Lời giới thiệu !!!841_3.htm!!! Đã xem 13336 lần. --!!tach_noi_dung!!--

Dịch giả: Thái Kim Lan
Chuyện chàng Augustus

--!!tach_noi_dung!!--
     ưa có một người thiếu phụ sống ở đường phố Mostacker. Ngay khi vừa mới thành hôn, chồng nàng mất, để lại nàng nghèo nàn và bơ vơ, thui thủi trong căn phố nhỏ, chờ ngày sinh đứa con sớm mồ côi cha. Sống trong nỗi đơn chiếc, nàng chỉ biết dồn tất cả mọi ý nghĩ của mình vào đứa con sắp chào đời. Không có cái gì trên đời đẹp đẽ, huy hoàng và đáng để ganh tị mà nàng lại không dành nghĩ đến cho con mình, ước muốn cho con mình, mơ mộng cho con mình: Một ngôi nhà xây bằng đá, lót bằng những tấm gương soi với một giếng nước phun trong vườn chỉ vừa đủ tốt cho con thôi nhé - nàng nghĩ - còn tương lai của con thì ít nhất sau này con phải là một ông giáo sư hay một ông vua...
Ở cạnh nhà nàng Elisabeth tội nghiệp có một ông lão - hiếm khi người ta gặp ông ta. Đó là một ông già bé choắt, tóc bạc phơ, đầu đội một cái mũ nồi. Lão có một cái dù che mưa màu xanh, những que dù làm bằng xương cá như thời cổ xưa. Lũ trẻ con sợ hãi ông ta, còn người lớn thì bảo rằng ông già nọ có những lý do riêng để sống ẩn thân một mình như thế. Thường hiếm khi người ta thấy lão ra vào. Nhưng có những buổi chiều tối, từ ngôi nhà bé nhỏ xiêu vẹo, người ta nghe một điệu nhạc thanh tao tựa như tiếng hòa tấu của nhiều loại nhạc cụ nhỏ bé và tinh vi vẳng ra. Trẻ con thường hỏi mẹ: “Nếu bây giờ con chạy qua nhà ông lão thì con có thấy được các thiên thần hay các nàng thủy thần đang ca hát trong nhà ông ấy hay không?” Mẹ chúng không biết gì điều ấy cả và gạt đi: “Ồ! Không, không phải đâu, đấy chỉ là tiếng nhạc bay ra từ một hộp đồ chơi nhạc trẻ con mà thôi”.
Ông già bé nhỏ ấy - hàng xóm thường gọi ông là Binsswanger - có một mối tình bằng hữu đặc biệt với nàng Elisabeth. Thật ra họ chưa bao giờ nói chuyện với nhau nhưng mỗi khi lão già lùn Binsswanger đi ngang qua cửa sổ nhà láng giềng, lão thường chào nàng một cách thân thiết nhất và nàng cũng gật đầu đáp lại một cách biết ơn, lòng đầy cảm mến. Cả hai người thầm nghĩ: “Nếu có lần ta gặp phải điều gì khổ sở vô cùng thì chắc chắn ta sẽ qua nhà người láng giềng để xin ý kiến”.
Chiều chiều, khi trời bắt đầu tối, Elisabeth thường cô đơn ngồi cạnh cửa sổ buồn nhớ người yêu nhất đời đã quá cố hay nghĩ đến đứa con sắp ra đời và đắm mình trong những giấc mộng lan man. Những lúc ấy, lão Binsswanger nhẹ nhàng mở rộng cánh cửa sổ nhà mình, rồi từ căn nhà tối tăm đó chảy ra êm đềm và long lanh như ánh bạc một điệu nhạc đầy an ủi, tựa như một tia trăng sáng mong manh nhỏ xuống trần gian qua kẽ hở các đám mây.
Lão Binsswanger để các chồi hoa phong lữ thảo già cỗi ở cửa sổ sau nhà và thường bỏ quên không tưới nước. Vậy mà chúng vẫn luôn luôn xanh tốt, sum sê những hoa và không có một ngọn lá úa nào, bởi vì chúng đã được Elisabeth tưới bón và chăm nom mỗi buổi sớm.
Trời đã sang thu. Vào một buổi chiều mưa gió tả tơi, trên đường phố Mostacker không một bóng người qua lại, người thiếu phụ tội nghiệp kia bỗng cảm thấy giờ sinh nở đã gần kề, nàng hãi sợ cho nỗi một mình đơn chiếc. Nhưng may sao, khi đêm xuống, có một bà lão cầm đèn lồng đi đến, bước vào nhà người sản phụ, bắc nước sôi, quây màn kín gió cho nàng và làm tất cả mọi thứ cần phải làm để chuẩn bị cho một đứa bé sắp ra đời. Elisabeth yên lặng để mọi việc diễn ra. Đến khi đứa nhỏ được nằm cạnh mình và thiếp giấc ngủ trần thế đầu tiên trong tấm tã thanh sạch mới mẻ, Elisabeth mới lên tiếng hỏi bà mụ từ đâu đến.
Bà mụ bảo: “Ông Binsswanger đã bảo tôi qua đây”, vừa nghe qua, người sản phụ đã thiếp đi trong cơn mệt mỏi. Sáng hôm sau, khi nàng tỉnh dậy, thấy sữa bò đã nấu để sẵn cho mình và mọi thứ ở trong phòng được thu xếp gọn gàng tươm tất. Bên cạnh nàng, đứa bé đang khóc đòi bú, còn bà lão thì không thấy đâu cả.
Người mẹ bèn bế con vào lòng, vui sướng thấy con mình xinh đẹp và bụ bẫm. Nàng nhớ đến người cha đã mất của nó không được thấy con; rưng rưng nước mắt, nàng ôm chặt con vào lòng và rồi lại mỉm cười với con. Rồi cùng với con, nàng lại ngủ thiếp đi, khi tỉnh giấc thì lại thấy sữa và cháo đã nấu sẵn, đứa bé thì được quấn tã mới rồi.
Không lâu sau đó, người mẹ khỏe lại, đã có thể tự chăm sóc cho mình và bé Augustus. Bấy giờ nàng mới sực nhớ là con của mình phải được rửa tội và chưa có cha đỡ đầu. Khi trời nhá nhem tối, thoảng nghe tiếng nhạc ngọt ngào vắng ra từ túp lều nhỏ của ông lão láng giềng, nàng bèn đi qua thăm ông Binsswanger.
Rụt rè, nàng vừa gõ vào cánh cửa đen đúa của túp lều thì nghe bên trong ông lão lên tiếng niềm nở: “Xin mời vào!”, rồi tiếng nhạc trong lều ngưng bặt và ngay sau đó ông bước ra đón khách. Trong căn lều có một cây đèn nhỏ bé cũ kỹ đặt trước một quyển sách, còn các đồ đạc khác cũng giống như ở mọi nhà.
Elisabeth bảo: “Tôi đến tìm ông để cảm ơn ông đã cho bà mụ tử tế đến giúp. Tôi sẽ trả tiền cho bà ấy khi tôi có thể làm việc lại và kiếm được chút tiền bạc. Nhưng hiện nay tôi đang có một mối lo khác, ông Binsswanger ạ: Tôi nghĩ đứa bé phải được rửa tội và được nhận tên Augustus như cha nó, nhưng tôi không quen biết ai cũhg như không có người nào làm cha đỡ đầu cho nó”.
“Ờ, điều đó lão cũng đã nghĩ đến rồi” người láng giềng vừa nói vừa vân vê bộ râu bạc, “Nếu đứa nhỏ có một người đỡ đầu tốt bụng và giàu có để có thể chăm nom nó ngộ nhỡ những lúc cô ốm đau bất thường thì không có gì hay hơn. Riêng lão, lão cũng chỉ là một lão già đơn độc, có ít bạn bè; cho nên nếu như cô không muốn nhận lão làm cha đỡ đầu cho đứa bé thì lão không thể giới thiệu ai khác cho cô được”.
Người mẹ tội nghiệp nghe nói rất đỗi vui mừng, cảm ơn người đàn ông bé nhỏ kia và xin nhận ông làm cha đỡ đầu cho con mình. Chủ nhật kế đó, họ bế đứa nhỏ cùng đến nhà thờ làm lễ rửa tội. Bà mụ hôm nọ cũng xuất hiện và tặng đứa bé một đồng tiền. Khi người mẹ không dám nhận, mụ bảo: “Cô cứ cầm lấy đi, tôi đã già và có đủ các thứ cần thiết rồi. Có khi đồng tiền này đem lại may mắn cho đứa bé đấy. Việc này là bởi vì tôi muốn làm vui lòng ông lão Binsswanger đấy thôi, chúng tôi là bạn cũ với nhau ấy mà”.
Sau đó, họ cùng nhau đi về nhà. Elisabeth pha cà phê mời khách, ông láng giềng thì đem qua một ổ bánh ngọt, ngày hôm ấy trở thành một buổi tiệc rửa tội đúng nghĩa. Sau khi uống cà phê và ăn bánh ngọt, đứa bé đã ngủ thiếp từ lâu, ông Binsswanger mới khiêm tốn nói: “Như thế giờ đây lão là cha đỡ đầu của thằng nhỏ Augustus, lão rất muốn tặng cho nó một lâu đài vương giả và một túi đầy ắp những vàng, nhưng lão không có các thứ ấy, lão chỉ có thể đặt tặng nó một đồng tiền bên cạnh đồng tiền của bà mụ đỡ đầu thôi. Vạn dĩ bất cứ điều gì mà lão có thể làm được cho bé thì lão sẽ làm ngay, cô Elisabeth ạ chắc chắn cô đã ước mong cho đứa con trai mình nhiều điều đẹp đẽ và tốt lành. Giờ đây cô hãy suy nghĩ thật kỹ, đối với cô điều gì là tốt nhất cho con mình rồi lão sẽ tìm mọi cách để điều đó thành sự thật. Cô được phép có một điều ước cho con trai mình, nhưng chỉ được một điều mà thôi. Vậy cô hãy đắn đo nghĩ kỹ một điều ước, cho đến chiều tối nay, lúc nào nghe tiếng nhạc từ hộp đồ chơi của lão vang lên thì cô hãy kề miệng nói điều ước của cô vào tai trái của đứa bé - điều ước ấy rồi sẽ được toại nguyện”.
Nói xong ông lão từ giã đi ngay, bà mụ đỡ đầu cũng bước theo để lại Elisabeth một mình với bao nỗi ngạc nhiên, nếu không có hai đồng tiền nằm ở trong nôi cùng mẩu bánh ngột còn lại ở trên bàn thì nàng đã tưởng mọi sự chỉ là một giấc mơ. Nàng đến ngồi cạnh nôi; vừa đong đưa chiếc nôi ru con vừa đắm mình suy tư, ta nên ước điều gì đẹp nhất tốt nhất cho con đây. Thoạt tiên nàng muốn ước cho con mình giàu sang, rồi ước con mình xinh đẹp, hay con phải cường tráng anh dũng, hay là giỏi giang và thông minh... nhưng chưa có điều ước nào là hoàn toàn, ở mỗi điều ước đều vướng những khúc mắc nghi ngại. Cuối cùng Elisabeth đâm ra hoài nghi và tự nhủ “Chà, có lẽ đây chỉ là lời nói bông đùa của lão Binsswanger mà thôi”.
Ngoài sân trời tối dần, bên cạnh chiếc nôi, Elisabeth thiếp ngủ đi, mệt mỏi phần vì việc tiếp khách, phần vì lắm nỗi lo âu, phần vì ngốn ngang bao điều ước muốn. Đúng lúc ấy, một điệu nhạc thanh thoát và êm dịu vắng đến từ nhà ông lão láng giềng, điệu nhạc êm ái và quý giá vô song như chưa từng nghe được từ một hộp đồ chơi trên thế gian. Nghe tiếng nhạc, Elisabeth sực nhớ lại, rồi chợt tỉnh, nỗi nghi ngờ biến mất, nàng lại tin tưởng vào lời của ông láng giềng Binsswanger và món quà nhân dịp làm cha của ông. Càng đắn đo suy nghĩ bao nhiêu, càng muốn mong ước bao nhiêu thì mọi ý nghĩ trong đầu lại càng rối tung lên bấy nhiêu, đến nỗi nàng không quyết định được điều gì cả. Nàng đâm ra lo sợ và nước mắt trào mi khi tiếng nhạc càng lúc càng nhỏ dần, càng lúc càng yếu ớt hơn. Nàng nghĩ trong khoảnh khắc này không nói lên được điều ước của mình thì sẽ muộn mất và sẽ hỏng mất mọi sự. Nàng thở dài, cúi xuống đứa con và thì thào vào tai trái của nó: “Con ơi, con trai yêu quý của mẹ ơi, mẹ ước muốn cho con, mẹ ước muốn cho con...” Khi ấy tiếng nhạc mỹ miều hầu như sắp dứt hắn, nàng giật mình thảng thốt nói nhanh: “Mẹ cầu mong là tất cả mọi người đều phải yêu thương con!”
Bấy giờ mọi âm thanh đều tắt lịm, chỉ còn sự yên lặng câm chết trong gian phòng tối tăm. Người mẹ vật mình bên chiếc nôi con, khóc nức nở, lòng đầy xao xuyến và lo âu kêu lên: “Con ơi, mẹ vừa cầu mong cho con điều tốt nhất mà mẹ biết được, nhưng biết đâu điều ấy chưa phải là điều thật đúng. Và nếu trên cõi đời này tất cả, tất cả mọi người sẽ yêu thương con, thì cũng không thể có ai yêu con hơn mẹ của con đâu”.
Augustus hay ăn chóng lớn như những đứa trẻ khác, trở thành một cậu bé tóc vàng tuấn tú, đôi mắt sáng ngời dũng cảm, được mẹ nuông chiều và được mọi người yêu thương. Không lâu sau, Elisabeth cảm nhận ngay ra rằng điều ước ngày rửa tội của mình đang thành sự thật. Đứa bé vừa đến tuổi biết đi, biết chạy ra đường và đến với người khác thì ai ai cũng thấy nó xinh xắn, láu lỉnh và khôn ngoan. Thật hiếm có một đứa trẻ như thế, mọi người đều đưa tay đón nó, nhìn vào mắt nó và tỏ ra mến chuộng nó. Những bà mẹ trẻ tươi cười với nó, các bà già thì tặng nó trái táo ngọt, nó có làm điều gì xằng bậy ở đâu đó thì không ai tin nó là kẻ gây ra, hay nếu không chối cãi được thì người ta nhún vai nói xuôi: “Thật không nên chê trách một thằng bé dễ thương như thế”.
Do sự chú ý đặc biệt đến đứa bé, nhiều người bắt đầu đến với mẹ nó. Người mẹ - trước đây không ai biết đến, cũng như ít nhận được công việc may vá tại nhà - trở nên nổi tiếng vì là là mẹ của bé Augustus và được nhiều người bảo trợ ngoài sự mong muốn. Cuộc sống của cô và cậu bé trở nên dễ chịu. Hai mẹ con đi đến đâu, láng giềng cũng đều vui vẻ đón mời và đều đưa mắt nhìn theo hai kẻ hạnh phúc.
Đối với bé Augustus thì điều đẹp đẽ thích thú nhất là được chơi ở bên nhà người cha đỡ đầu. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, ông lão gọi cậu sang túp lều của ông. Lúc trời vừa nhá nhem, trong túp lều chỉ có một ngọn lửa đỏ cháy leo lét trong cái lò sưởi đen ngòm. Trên tấm thảm da trải ở nền nhà, ông lão kéo cậu bé vào lòng, cả hai ngồi nhìn ngọn lửa cháy im lìm, rồi ông bắt đầu kể cho cậu nghe những câu chuyện dài. Nhiều lần, khi câu chuyện dài chấm dứt, chú bé đã buồn ngủ díp mắt, nhưng trong sự yên lặng u tối vẫn cố nhìn ánh lửa với đôi mắt lim dim, bỗng trong cõi mịt mùng chú lại nghe có tiếng nhạc ngọt ngào với nhiều âm thanh khác nhau vang lên. Cả hai ngồi yên lắng nghe tiếng nhạc một hồi lâu và thường diễn ra cảnh: bỗng nhiên căn phòng đầy những đứa trẻ con nhỏ xíu và sáng lóng lánh, chúng bay qua bay lại thành vòng tròn với những đôi cánh bằng vàng chói lọi, và như trong các vũ khúc tuyệt diệu, chúng bay quanh nhau rất đẹp mắt rồi lại bay song đôi. Chúng vừa múa vừa ca hát, tiếng ca của chúng như ngân lên trăm vạn lần niềm vui sướng và vẻ đẹp trong sáng. Đấy là điều đẹp nhất mà Augustus đã từng nghe và thấy trong đời. Sau này, khi nhớ đến thời thơ ấu thì hình ảnh túp lều nhỏ bé, tĩnh mịch và tối tăm của người cha đỡ đầu; ngọn lửa hồng trong lò sưởi cùng điệu nhạc vang vọng, với các điệu bay lượn kỳ ảo huy hoàng của các thiên thần luôn làm cho Augustus nhớ nhà.
Thế rồi cậu bé Augustus ngày càng lớn lên. Bây giờ, đã có nhiều lúc bà mẹ buồn phiền vì cậu, và buộc bà phải nhớ đến cái đêm rửa tội cho con ngày xưa. Augustus vẫn hớn hở chạy chơi ở các con đường gần đấy, và được đón mừng khắp nơi. Cậu nhận được hạt dẻ và trái lê, bánh ngọt và đồ chơi, người ta cho cậu ăn uống; để cậu cưỡi lên đùi và cho cậu hái hoa trong vườn. Cậu thường về nhà rất trễ và đẩy đĩa xúp của mẹ một cách bực dọc sang bên. Khi mẹ vì thế buồn rầu mà khóc thì cậu thấy điều ấy thật đáng chán và phụng phịu bỏ đi ngủ. Có lần, mẹ la mắng phạt cậu thì cậu la hét ầm ĩ, than phiền là tất cả mọi người đều dễ thương, tử tế với cậu, chỉ có mẹ thì không. Người mẹ có những giờ phút lo âu có những lúc tức giận về con mình, nhưng khi nhìn con ngủ yên trên gối và ánh nến lung linh trên khuôn mặt trẻ thơ vô tội thì tất cả mọi sự cứng rắn đều biến mất trong tim, bà cúi hôn con một cách cẩn thận để cho con đừng thức giấc. Tất cả là do lỗi của bà khi mọi người đều thích Augustus, nhiều lúc bà rầu rĩ và kinh hãi nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu bà chưa bao giờ nói ra điều ước nguyện ấy.
Một lần nọ, bà đang đứng bên cửa sổ hoa phong lữ thảo của ông Binsswanger, dùng cái kéo nhỏ cắt những bông hoa héo ra khỏi chồi hoa, bỗng nghe thấy trong sân ngôi nhà gần đấy tiếng nói của con trai mình. Bà cúi xuống để nhìn cho rõ hơn. Bà thấy con đang tựa lưng vào tường, gương mặt đẹp hơi kiêu hãnh, một cô gái đứng trước mặt cậu, cao hơn cậu, đang nhìn cậu một cách van lơn và nói: “Phải không? Anh thật dễ thương. Cho em một cái hôn, được không anh?”
“Ta không thích” Augustus trả lời và thọc hai tay vào túi quần.
“Có mà, em xin anh,” cô gái nhỏ nói, “em cũng muốn tặng anh một món quà đẹp mà”.
“Cái gì vậy?” Cậu bé hỏi
“Em có hai trái táo”, cô gái rụt rè nói.
Nhưng cậu bé quay lưng lại và nhăn mặt.
“Ta không thích táo”, cậu nói một cách khinh bỉ và định bỏ chạy.
Cô bé nắm cậu lại và nói một cách van lơn:
“Anh này, em cũng có một chiếc nhẫn”.
“Đưa đây xem”, Augustus nói.
Cô bé cho Augustus xem chiếc nhẫn. Augustus nhìn thật kỹ rồi rút chiếc nhẫn ra khỏi tay cô bé, đeo vào tay mình, đưa lên ánh sáng nhìn ngắm với vẻ thích thú.
“Vậy thì em có thể nhận được một chiếc hôn đấy”, cậu nói kẻ cả và cho cô bé một nụ hôn phớt qua trên môi.
“Giờ anh có muốn đi chơi với em không?” Cô bé hỏi giọng tin cậy và khoác tay vào cánh tay cậu bé.
Nhưng cậu ta hất cô ra và hét lên: “Bây giờ để ta yên đi - ta có những đứa bé khác mà ta có thể chơi được”.
Trong lúc cô gái nhỏ òa khóc, lủi thủi đi ra khỏi sân, cậu bé nhăn mặt chán nản bực dọc, rồi quay quay cái nhẫn xung quanh ngón tay, ngắm nghía nó, bắt đầu huýt sáo và bỏ đi.
Bà mẹ đứng đó với cái kéo cắt hoa trên tay, sững sờ và kinh hãi trước sự tàn nhẫn và miệt thị của con khi nhận sự yêu thương của người khác. Bà để mặc các bông hoa, lắc đầu nói đi nói lại với mình: “Nó thật là độc ác, nó không có trái tim”.
Nhưng ngay sau đó, khi Augustus về nhà, bà mẹ muốn chất vấn cậu thì cậu lại vừa cười vừa nhìn mẹ với cặp mắt xanh ngây thơ không chút cảm giác tội lỗi. Rồi cậu bắt đầu hát và nịnh mẹ, cư xử với mẹ một cách tinh nghịch, dễ thương và dịu dàng đến nỗi bà phải bật cười tự nhủ, đối với con trẻ, người ta không nên vội vã xem mọi sự nghiêm trọng đến thế.
Nhưng các việc làm tệ lậu của cậu không phải hoàn toàn không bị trừng phạt. Người cha đỡ đầu là người duy nhất mà Augustus kính sợ. Khi nào cậu đến thăm cha đỡ đầu, nghe ông nói: “Thế nhé, ngày hôm nay lửa trong lò không cháy và không có âm nhạc, các thiên thần nhỏ bé đang buồn rầu vì con độc ác đấy!”, thì Augustus lặng thinh trở ra, đi về nhà, gieo mình xuống giường nằm khóc. Sau đó nhiều ngày, cậu bé cố gắng tỏ ra phục thiện và ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, những lần lửa trong lò sưởi cháy càng ngày càng hiếm hoi hơn, Augustus không thể “lấy lòng” cha đỡ đầu bằng nước mắt và những lời âu yếm được nữa. Khi Augustus mười hai tuổi; điệu vũ ảo thuật của thiên thần trong căn phòng của cha đỡ đầu đã trở thành giấc mơ xa xôi. Nếu cậu có lần trong đêm mơ thấy nó, thì ngày hôm sau cậu lại càng man rợ và ồn ào gấp bội; với tư cách lãnh tướng, cậu lại điều khiển đồng bọn của mình bạo tợn bất chấp mọi gian nguy.
Về phần mẹ cậu, từ lâu bà đã mệt mỏi khi nghe những lời ngợi khen con mình. Với họ, cậu ta có thanh nhã, có xinh xắn đáng yêu như thế nào chăng nữa, riêng bà chỉ có những nỗi lo âu. Một hôm, thầy giáo của cậu đến gặp bà, kể cho bà là có người sẵn sàng đưa cậu vào trường tốt nhất để học. Bà liền sang bàn chuyện với người láng giềng.
Không lâu sau đó, vào buổi sáng mùa xuân, một chiếc xe đến nhà. Augustus trong bộ quần áo mới tinh đẹp đẽ, bước lên xe, chào giã từ mẹ, cha đỡ đầu và láng giềng. Cậu được đi học tại thủ đô. Mẹ cậu chải rẽ mái tóc vàng cho cậu một cách tươm tất lần cuối cùng và nói lời cầu nguyện cho cậu. Thế rồi ngựa bắt đầu rảo bước, Augustus dấn thân vào thế giới xa lạ.
Sau nhiều năm, khi Augustus trở thành sinh viên, mang mũ đỏ và để râu mép, có lần chàng trở về quê cũ, bởi vì cha đỡ đầu viết thư báo tin mẹ cậu đau nặng chắc không còn sống lâu được nữa. Buổi chiều, người thanh niên về đến nhà, mọi người xôn xao ngưỡng mộ đứng nhìn cách chàng bước xuống xe như thế nào, cách người đánh xe mang cho chàng chiếc va-li kếch xù bằng da vào nhà như thế nào. Người mẹ đang nằm chờ chết trong căn phòng cũ kỹ và thấp bé. Khi chàng sinh viên đẹp đẽ nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch khô héo nằm trên chiếc gối trắng chỉ có thể nhìn chàng bằng đôi mắt lặng yên, chàng gục xuống bên cạnh giường, khóc và hôn đôi bàn tay mát lạnh của mẹ, quỳ bên cạnh mẹ suốt cả đêm cho đến khi bàn tay mẹ lạnh hẳn đi và đôi mắt khép lại vĩnh viễn.
Khi chôn cất bà mẹ xong, cha đỡ đầu Binsswanger nắm cánh tay chàng và cùng đi với chàng vào túp lều nhỏ. Bấy giờ đối với chàng trai, căn nhà lại càng thấp hơn và tối tăm hơn. Họ ngồi với nhau, thật lâu và khi những cánh cửa sổ nhỏ bé chấp chới một cách yếu ớt trong bóng đêm, ông già bé nhỏ vuốt chùm râu xám bạc của mình bằng những ngón tay gầy guộc và nói với Augustus: “Cha muốn nhen lửa trong lò sưởi, như thế chúng ta khỏi cần dùng đèn. Cha biết ngày mai con sẽ lại đi khỏi chốn này và bây giờ mẹ con đã khuất thì chắc cha sẽ không chóng gặp lại con đâu”.
Trong lúc nói, ông già nhen một ngọn lửa nhỏ trong lò sưởi và xích chiếc ghế bành của ông lại gần hơn. Chàng sinh viên cũng kéo chiếc ghế của mình lại. Họ ngồi như thế một lúc lâu, nhìn những thanh củi tàn lụi dần cho đến khi các tia lửa bay lên rời rạc. Lúc ấy, ông lão hiền lành nói: “Tạm biệt Augustus - cha chúc con những điều tốt đẹp. Con đã có một người mẹ hiền thục và mẹ đã lo toan cho con nhiều hơn con biết. Lẽ ra cha cũng muốn mở âm nhạc cho con nghe một lần nữa và chỉ cho con thấy các thiên thần hạnh phúc, nhưng con biết đấy, việc đó không thể nào còn được nữa. Tuy vậy con không nên quên chúng và nên biết rằng các thiên thần vẫn luôn luôn ca hát và có lẽ chính con cũng sẽ có lần nghe chúng trở lại, nếu một khi con ao ước thấy chúng với một trái tim cô đơn và khao khát. Hãy đưa tay cho cha, con của cha, cha già rồi và phải đi nghỉ”.
Augustus đưa tay cho ông lão và không thể nói một điều gì. Chàng buồn rầu đi về ngôi nhà vắng vẻ, nằm ngủ lần cuối cùng ở chốn quê xưa. Trước khi thiếp đi, chàng mơ hồ tưởng mình lại nghe tiếng nhạc ngọt ngào của thời thơ ấu vẳng lên từ bên kia, êm đềm và rất đỗi xa xăm. Sáng hôm sau; chàng bỏ đi và từ đó người ta bặt tin chàng.
Chẳng bao lâu, chàng cũng quên luôn lão Binsswanger và tiếng nhạc của ông. Cuộc sống giàu sang nở phồng quanh chàng; chàng leo lên sóng của nó mà đi. Không ai như chàng có thể cưỡi ngựa tài tử như thế qua các nẻo đường rộn rã, chào các cô gái đang ngước nhìn theo với cái nhìn chế giễu, không ai biết khiêu vũ nhẹ nhàng và quyến rũ như chàng, không ai có thể đánh xe ngựa một cách nhanh nhẹn và tinh tế như chàng, có thể đánh chén và huênh hoang suốt cả một đêm hè ở vườn như chàng... Một bà góa chồng giàu có - chàng là người tình của bà - đã cho chàng tiền, áo quần, ngựa và tất cả những gì chàng cần và muốn có. Chàng du lịch với bà đến thủ đô Paris, qua Rome và ngủ trong giường lụa của bà, nhưng tình yêu chàng lại dành cho cô gái con nhà phú gia tóc vàng hiền dịu. Đêm đêm, chàng mạo hiểm đến thăm nàng trong khu vườn của cha nàng, nàng viết cho chàng những bức thư dài nóng bỏng những khi chàng viễn du.
Nhưng có một lần chàng không trở về nữa. Chàng đã tìm được bạn bè ở Paris. Bởi vì người yêu giàu có làm chàng chán ngấy, việc học làm chàng bực bội, chàng bèn lưu lại nơi viễn xứ và sống như một đại thế gia, nuôi ngựa, chó, đàn bà, mất tiền và được tiền từng cuộn. Ở khắp mọi nơi; mọi người đều chạy theo chàng, sẵn sàng hiến mình cho chàng sở hữu và phục vụ chàng. Chàng mỉm cười, nhận lấy tất cả, như xưa kia chàng là chú bé đã nhận chiếc nhẫn của cô gái nhỏ. Sự linh nghiệm của điều ước nằm sẵn trong đôi mắt và trên đôi môi chàng. Những người đàn bà xúm xít quanh chàng với sự âu yếm dịu dàng; bạn bè đều ngưỡng mộ chạy theo chàng, và không ai biết - chính chàng cũng không cảm thấy rõ điều ấy - rằng trái tim chàng đã trở nên trống rỗng và tham lam, còn tâm hồn thì bệnh hoạn và khổ đau. Lắm khi chàng cảm thấy mệt mỏi trước sự yêu thương của mọi người và phải hóa trang thành kẻ lạ mặt đi lang thang cô đơn qua những thành phố xa lạ. Nơi nơi chàng đều thấy con người điên rồ; quá dễ dàng để chinh phục, nơi nơi chàng đều thấy tình yêu quá buồn cười, nó cứ chạy theo đuôi chàng một cách vội vã để được thỏa mãn với vài thứ nhỏ nhoi. Đối với chàng, đàn bà và đàn ông thường trở nên ghê tởm bởi họ không thể tự trọng hơn một chút. Chàng trải qua nhiều ngày một mình với bầy chó của mình hay ở trong những vùng đi săn đẹp trong núi. Một con hươu chàng theo dõi và bắn được còn làm cho chàng vui thú hơn là việc đi tán tỉnh một người đàn bà đẹp và được nuông chiều.
Có lần, trên một chuyến hải du, chàng gặp phu nhân của một vị đại sứ, một người đàn bà nghiêm nghị và mảnh mai xuất thân quý tộc miền Bắc. Nàng đứng giữa những người đàn bà quý phái khác và những nhân vật lịch thiệp hào hoa với một vẻ mặt đặc biệt kỳ diệu; kiêu hãnh và yên lặng như thể không người nào sang trọng bằng nàng. Chàng nhìn và quan sát nàng, và khi ánh mắt của nàng dường như cũng phớt qua chàng dù cho chỉ là thoáng chốc và vô tình, nhưng đối với Augustus, thì đây là lần đầu tiên trong đời chàng biết được tình yêu là gì. Chàng liền có ý định chiếm cho được tình yêu của nàng. Và từ lúc ấy trở đi, mỗi ngày mỗi giờ chàng đều ở sát cạnh nàng và đứng trong tầm mắt nàng. Vì chính chàng cũng luôn được những người đàn bà và đàn ông khác chiêm ngưỡng, tìm cách giao thiệp vây quanh, cho nên chàng đứng với người phụ nữ xinh đẹp kia giữa đám khách du hành như một ông lãnh chúa với bà quận chúa của mình. Thậm chí, chính người chồng của người đẹp tóc vàng cũng ưu đãi chàng, cố tìm cách làm vừa lòng chàng.
Chưa bao giờ chàng tìm được dịp ở một mình với nàng, mãi đến khi tại một phố cảng miền Nam; đoàn du khách rời tàu để đi thăm viếng vài giờ trong thành phố lạ và để trong một lúc có lại được cái cảm giác chạm gót giày trên đất liền. Chàng không rời nàng nửa bước cho đến khi tìm được dịp giữa một khu chợ sặc sỡ, giữ nàng lại trong một cuộc hàn huyên. Rất nhiều con đường hẻm nhỏ hẹp, tối tăm chạy đến nơi này, chàng dẫn người đẹp đi vào một trong những con đường hẻm như thế. Nàng tin tưởng đi theo chàng và khi bỗng thấy đang đứng một mình với chàng, nàng trở nên e ngại. Khi không thấy mọi người đâu nữa, chàng hướng về nàng một cách rạng rỡ, nắm lấy bàn tay rụt rè của nàng, van xin nàng hãy ở lại với chàng trên đất liền và đi trốn cùng mình.
Người đàn bà lạ tái mặt, hướng tia nhìn xuống đất. “Ô điều này thật không hào hiệp mã thượng chút nào cả”, nàng nói nhỏ nhẹ, “ngài hãy để cho tôi quên những điều mà ngài vừa nói!”
“Tôi không phải là hiệp sĩ”, Augustus kêu lên, “tôi là người đang yêu, và một người đang yêu không biết gì hơn ngoài người yêu, và không có ý nghĩ gì khác hơn là được ở cạnh người yêu. Ôi người đẹp ơi, em hãy đi với tôi và chúng ta sẽ hạnh phúc với nhau”.
Nàng ta nhìn chàng một cách nghiêm trang với đôi mắt xanh sáng đầy de dọa: “Từ đâu ngài có thể biết được,” nàng vừa thì thào vừa rên rỉ, “là tôi yêu ngài? Tôi không thể nói dối: Vâng, tôi yêu ngài và mong ước rằng ngài là chồng của tôi. Bởi vì ngài là người đầu tiên mà tôi yêu bằng cả con tim. Ôi tình yêu sao có thể lầm lạc quá xa đến thế này! Tôi đã không bao giờ nghĩ là tôi có thể yêu một người mà người ấy không trong sạch và đường hoàng. Nhưng một ngàn lần hơn tôi thà ở lại với người chồng mà tôi ít yêu nhưng lại là một hiệp sĩ đầy danh dự và cao quý, điều mà ngài không biết đến. Và bây giờ xin ngài đừng nói thêm một lời nào nữa, hãy đem tôi trở về bến tàu, nếu không tôi sẽ gọi người ta đến cứu tôi khỏi sự hỗn xược của ngài”.
Mặc chàng cầu xin, mặc chàng nghiến răng, nàng vẫn quay ra và toan bỏ đi một mình nếu chàng không chạy theo tháp tùng và yên lặng đưa nàng về tàu. Ở đó chàng đem hành lý lên đất liền và không chào giã biệt một ai.
Từ ngày ấy, hạnh phúc của kẻ được nhiều người yêu bắt đầu đi xuống. Đức hạnh và danh dự là hai điều chàng ghét cay độc, chà đạp chúng dưới chân. Đối với chàng; trò tiêu khiển là cám dỗ được những người đàn bà đức hạnh bằng mọi nghệ thuật từ sức ảo thuật của mình, hay khi bóc lột những kẻ ngây thơ mà chàng đánh bạn được một cách dễ dàng rồi bỏ rơi họ một cách khinh bỉ. Chàng làm cho các phụ nữ và thiếu nữ nghèo đi, rồi chối bỏ họ ngay sau đấy. Chàng chọn lựa những chàng trai trẻ từ các nhà quý tộc, cám dỗ và làm hư họ. Không một hướng thụ nào chàng tìm đến mà không tận hưởng, không một trụy lạc nào mà chàng không học quen rồi lại vất bỏ đi, nhưng con tim chàng không có niềm vui nào nữa và tâm hồn chàng không thấy có một chút âm hướng từ cái thứ tình yêu thường dễ đến với chàng ở khắp mọi nơi.
Chàng dọn về ở trong một biệt thự vùng quê xinh đẹp tại bờ biển với tâm trạng u tối và cáu kỉnh. Chàng đày đọa đàn bà và bạn bè những lúc họ đến thăm với tính cách bất thường, sự độc ác điên rồ nhất của mình. Điều chàng khao khát là hạ thấp mọi người và tỏ cho họ thấy sự khinh bỉ; chàng thấy chán ngán và buồn ngấy việc được bu quanh bởi những tình yêu không cầu mà có, không đòi mà đến và không tốn công mà được. Chàng cấm nhận được sự vô giá trị của cuộc đời bị phung phí và bị tàn phá của mình, một cuộc đời đã không bao giờ biết cho mà luôn luôn chỉ biết lấy. Đôi khi chàng nhịn đói một khoảng thời gian dài, hòng chỉ để cảm nghe được lại một lần nữa sự ham muốn thực sự và có thể thỏa mãn được chút khát khao.
Tin loan ra trong bạn bè rằng chàng bị bệnh, cần sự yên tĩnh và cô đơn. Thư từ gửi đến, những thư không bao giờ chàng đọc, một vài người lo lắng đến hỏi thăm đám người giúp việc về sức khỏe của chàng. Riêng chàng chỉ ngồi trong căn phòng bên bờ biển, lẻ loi sầu muộn vô tận. Phía sau chàng cuộc đời trống rỗng và hoang vu như dòng thủy triều xám bạc đang nhấp nhô kia. Trông chàng thật xấu xí trong cách ngồi chồm hổm trên cái ghế bành bên cạnh cửa sổ cao, ngấu nghiến một cuộc kết toán với chính mình. Những con hải âu trắng thả mình theo cơn gió biển lượn qua cửa sổ. Chàng nhìn chúng với ánh mắt mất hồn, niềm vui và sự sốt sắng đều biến mất. Duy đôi môi chàng còn nhếch nụ cười mỉm cứng cỏi và độc ác. Khi đã chấm dứt mọi suy tư, chàng bấm chuông gọi người quản gia đến. Chàng ra lệnh cho mời tất cả bạn bè của mình đến tham dự một buổi tiệc vào ngày đã được xác định; chủ ý của chàng thật ra là nhằm làm cho những người đến sẽ hoảng kinh khi thấy một căn nhà hoang và xác chết của chàng trong ấy và qua đấy mỉa mai chế giễu họ. Bởi vì chàng đã đi đến quyết định sẽ kết liễu đời mình bằng thuốc độc.
Vào buổi chiều trước buổi tiệc sắp tổ chức, chàng phái tất cả những người giúp việc đi khỏi nhà, trong các phòng lớn chỉ còn sự yên vắng, rồi đi vào phòng ngủ của mình, khuấy một chất thuốc độc mạnh vào trong ly rượu vang Zypern và nâng ly kề môi.
Nhưng khi chàng định uống ly thuốc độc, thì có tiếng gõ lách cách vào cửa phòng. Chàng không trả lời, cánh cửa mở ra và một ông già bé nhỏ bước vào. Lão đi thắng tới Augustus, cẩn thận lấy cái cốc khỏi tay chàng và nói một giọng thật là thân thuộc: “Chào con, Augustus, con có khỏe không?”
Kẻ bị bất ngờ, vừa cáu kỉnh lại vừa hổ thẹn, mỉm cười một cách mỉa mai và nói: “Ông Binsswanger, ông cũng còn sống à? Đã lâu lắm rồi nhỉ, và xem ra ông không già hơn chút nào. Nhưng trong lúc này ông đang quấy rầy tôi đấy, ông lão thân mến ạ, tôi đang mệt và định uống một ngụm để ngủ”.
“Lão thấy rồi,” người cha đỡ đầu trả lời, “con muốn uống để dễ ngủ, và con có lý, đây thật là thứ rượu cuối cùng còn có thể giúp con đấy. Nhưng trước khi uống, chúng ta hãy tâm sự với nhau một lát, con trai của ta, và bởi vì cha đã đi một quãng đường xa xôi để đến đây, nên con không phiền nếu cha được uống một ngụm cho khỏe người một chút chứ!”.
Nói xong ông cầm cái ly đưa lên miệng, trước khi Augustus có thể kịp thời ngăn cản thì ông đã nâng ly lên nốc cạn một hơi thật nhanh.
Augustus mặt mày tái ngắt như thây chết. Chàng nhảy xổ vào người cha đỡ đầu, lay vai ông và hét lên thất thanh: “Này lão già, cha có biết cha đã uống cái gì đó không?”
Ông Binsswanger gật cái đầu bạc khôn ngoan của mình và mỉm cười: “Đó là ly rượu vang Zypern như cha thấy, và rượu thật không đến nỗi tệ. Xem ra con không đến nỗi thiếu thốn nhỉ. Nhưng cha còn ít thời giờ và cũng không muốn làm phiền con lâu, nếu con thích nghe cha nói”.
Người đàn ông thất chí nhìn sâu vào đôi mắt sáng của người cha đỡ đầu với nỗi kinh hoàng và chờ đợi trong từng khoảnh khắc sẽ thấy ông lão gục xuống chết.
Lúc ấy người cha đỡ đầu đặt mình ngồi xuống ghế một cách thoải mái và gật đầu thân thiện với người bạn trẻ.
“Con lo lắng là ngụm rượu kia có thể hại ta chăng? Con hãy yên tâm! Nhưng việc con lo lắng cho ta là một điều tốt, ta đã không nghĩ như vậy. Bây giờ chúng ta hãy chuyện trò với nhau như thời xưa kia. Ta có cảm tưởng là con chán ngấy cái cuộc đời dễ dãi của mình rồi phải không? Điều đó cha có thể hiểu được và khi cha đi rồi thì con lại có thể rót đầy ly trở lại và uống hết. Nhưng trước đó cha phải kể cho con nghe chuyện này”.
Augustus dựa lưng vào tường, lắng nghe giọng nói khoan hòa tốt lành của người đàn ông bé nhỏ già nua, tiếng nói từ thuở ấu thơ đã rất thân thuộc với chàng và đánh thức dậy trong tâm hồn chàng những bóng đen của dĩ vãng. Một nỗi hổ thẹn và buồn rầu sâu đậm xâm chiếm toàn thân chàng, trong mắt chàng quãng đời thơ ấu vô tội của mình hiện ra.
“Chất thuốc độc của con cha đã uống hết,” ông lão tiếp lời, “bởi vì chính cha mới là người có lỗi trong sự khốn khổ của con. Mẹ con đã nói lên một điều ước vào dịp rửa tội cho con và cha đã làm mãn nguyện lời ước đó, mặc dù lời ước này khá điên rồ. Con không cần phải biết đến nó nữa; nó đã trở thành một lời nguyền rủa như chính con đã cảm thấy như thế. Cha rất khổ tâm thấy sự việc xảy ra như vậy và cha sẽ rất vui sướng nếu cha còn có thể được sống lại một lần nữa cái cảnh con ngồi trước lò sưởi ở nhà cha và nghe những thiên thần ca hát. Điều đó không phải là dễ đâu, và trong giờ phút này, đối với con, việc trái tim con còn có lúc có thể trở lại khỏe mạnh, trong sáng và vui sướng như ngày xưa; thật là chuyện không tưởng. Nhưng điều ấy có thể được con à, và cha xin con hãy cố thử lại một lần nữa. Lời ước của người mẹ tội nghiệp của con đã làm cho con đau khổ, Augustus à. Vậy bây giờ con nghĩ thế nào khi cha đề nghị con hãy cho phép cha làm cho con thỏa mãn một điều uớc, bất cứ một điều ước nào đấy? Chắc con sẽ không muốn tiền bạc, tài sản, cũng không muốn thế lực và tình yêu của đàn bà, những thứ ấy con đã có quá đủ rồi. Hãy suy nghĩ kỹ, bao giờ con cho rằng con biết được một phép mầu nào có thể biến cuộc đời hư hỏng của con lại thành đẹp hơn, tốt hơn và có thể làm cho con vui tươi trở lại một lần nữa, thì con hãy ước nguyện điều ấy!”
Augustus ngồi trầm ngâm suy nghĩ, chàng đã quá mệt mỏi và vô hy vọng. Một lúc sau, chàng nói: “Con cảm ơn cha; cha Binsswanger ạ, nhưng con tin rằng cuộc đời của con không một chiếc lược nào có thể chải suông trở lại được nữa. Cho nên tốt hơn là con sẽ làm điều mà con đã nghĩ là nên làm trước khi cha bước vào nhà này. Nhưng con cám ơn cha đã đến đây với con!”
“Ừ,” ông lão trả lời một cách đắn đo, “cha có thể tưởng tượng được là đối với con mọi sự không phải dễ dàng. Nhưng có lẽ con nên suy nghĩ lại một lần nữa Augustus ạ, có lẽ rồi con sẽ sực nhớ ra được một điều gì mà cho đến bây giờ con vẫn thấy thiếu nó nhất hay là có lẽ con có thể sực nhớ lại thời xa xưa nhất lúc mẹ con còn sống và lúc con thỉnh thoảng chạy qua nhà cha vào buổi chiều. Lúc ấy con đã có nhiều lần cảm thấy hạnh phúc, có phải không?”
Augustus gật đầu: “Vâng thuở ấy!” Và hình ảnh của quãng đời thơ ấu huy hoàng chợt hiện ra xa xôi và nhợt nhạt như đến từ một tấm gương xưa cũ. “Nhưng thuở ấy không thể nào trở lại được nữa. Con không thể nào ước mình sẽ trở lại là một đứa bé được! Ồ, rồi tất cả lại bắt đầu trở lại từ đầu!”
“Không, điều đó sẽ không có ý nghĩa, con nói có lý đấy. Nhưng hãy thứ nhớ lại một lần nữa cái thời con ở với chúng ta tại quê nhà, đến cô gái tội nghiệp mà lúc còn là sinh viên con đã đến thăm vào ban đêm trong vườn của cha cô ấy và hãy nghĩ đến người đàn bà đẹp tóc vàng mà con đã cùng đi trên chuyến tàu đại dương, hãy nghĩ đến tất cả những giây phút mà có lúc con thấy mình hạnh phúc và những lúc mà cuộc đời đối với con còn tốt lành, đầy giá trị. Có lẽ rồi con có thể nhận ra được điều ấy xưa kia đã làm cho con hạnh phúc và con có thể ước muốn điều ấy cho mình. Hãy vì thương cha mà làm điều ấy đi; con trai của cha”.
Augustus nhắm nghiền đôi mắt, nhìn lui lại quãng đời của mình, như khi người ta đứng từ một ngõ hẻm tối tăm dõi tìm một điểm ánh sáng xa xôi xưa kia, nơi mà từ ấy chàng đã xuất thân, rồi bao nhiêu ký ức đẹp đẽ quanh chàng, và rồi dần dần trở nên đen tối và đen tối hơn như thế nào, cho đến lúc chàng đứng hoàn toàn trong khoảng mịt mù, không một điều gì có thể làm cho chàng vui thú nữa. Chàng càng suy nghĩ nhiều và càng nhớ ra nhiều hơn thì điểm sáng xa xôi ấy càng chiếu đến một cách đẹp đẽ hơn, đáng yêu hơn, đáng được mơ ước hơn và cuối cùng chàng nhận ra được tia sáng ấy. Nước mắt chàng trào ràn rụa.
“Con muốn thứ làm điều ấy,” chàng nói với người cha đỡ đầu, “xin cha hãy lấy lại điều ảo thuật cũ khỏi người con, nó đã không giúp cho con chút nào, và bù vào đấy xin cha hãy cho con điều này, đấy là cho con có thể yêu thương mọi người!”
Vừa khóc chàng vừa quỳ xuống trước người cha già, vừa sụp người xuống, lập tức chàng cảm nghe trong tim một thứ tình thân cũ đối với lão già bừng dậy, sục sạo tìm kiếm lại ngôn từ và cử chỉ để diễn đạt đã bị bỏ quên từ lâu...
Người cha đỡ đầu, người đàn ông bé nhỏ ấy, dịu dàng đỡ chàng trên đôi cánh tay ông và bế chàng vào giường, đặt chàng xuống, vuốt tóc chàng khỏi vầng trán nóng hổi.
“Tốt rồi,” ông thì thào vào tai chàng một cách nhỏ nhẹ, “tốt rồi đấy, con của cha, mọi việc sẽ tốt đẹp!”
Trong lúc nghe các lời ấy, Augustus cảm thấy một cơn mệt mỏi nặng nề xâm chiếm cả thể xác, dường như trong khoảnh khắc chàng đã già hắn đi nhiều tuổi. Chàng lịm vào giấc ngủ mê man và ông lão lẳng lặng rời khỏi ngôi nhà bỏ hoang.
Augustus choàng tỉnh bởi những tiếng huyên náo hỗn loạn đang rộn lên vang dội trong căn nhà. Khi chàng chồm mình dậy, mở cánh cửa gần nhất ra, thì thấy phòng khách và tất cả các phòng đầy những người bạn cũ. Họ đến dự tiệc nhưng chỉ thấy căn nhà trống không. Họ nổi giận và thất vọng. Chàng liền đến gần họ, để chinh phục tất cả mọi người, như thường lệ, với một nụ cười mỉm và một lời bông đùa. Nhưng bỗng nhiên chàng cảm thấy thế lực chinh phục ấy đã rời khỏi mình. Vừa mới thấy chàng, mọi người liền ùa đến la mắng. Khi chàng mỉm cười một cách yếu ớt, đưa hai tay ra chống đỡ thì họ nhảy xổ vào người chàng một cách giận dữ.
“Mày, thằng đếu cáng,” một người quát lên, “tiền mày nợ tao đâu rồi hử?” Một người khác: “Thế con ngựa tao cho mày mượn đâu?” Một người đàn bà đẹp giận dữ: “Cả thế giới biết hết bí mật của tao là do mày hoạch toẹt ra! Ôi tao thù ghét mày biết chừng nào, thằng ghê tởm!” Một người trẻ tuổi mắt sâu hoắm thét lên với bộ mặt méo mó: “Mày có biết là mày đã hại người ta ra sao không, hớ thằng quỷ sa tăng, thằng hại đời thiếu niên kia?”
Cuộc chửi rủa cứ tiếp diễn mãi, họ phủ lên đầu chàng những lời lăng nhục và thóa mạ. Họ đều có lý. Nhiều người đánh đấm chàng. Trước khi bỏ đi, họ còn đập phá các tấm gương và đem theo nhiều thứ quý giá. Augustus nhổm mình từ sàn nhà lên, bầm giập và đầy sỉ nhục. Chàng đi vào phòng ngủ, nhìn vào gương để rửa mặt thì thấy mình đối diện với một gương mặt héo hắt xấu xa, cặp mắt đỏ ngầu chảy nước mắt và máu rỉ ra từ trán.
“Đây là sự trả thù”, chàng tự nói với mình; trong lúc rửa sạch vết máu trên mặt.
Chàng vừa tỉnh hồn một chút thì lại có tiếng ồn ào khác tràn vào nhà. Một số người ập vào chạy lên thang lầu, những chủ nợ, mà chàng đã cầm cố căn nhà; một người chồng mà vợ người ấy chàng đã quyến rũ; những người cha mà các con trai của họ bị chàng cám dỗ đi vào con đường trụy lạc và suy đồi; những đầy tớ nam và nữ bị sa thải; cảnh sát và các luật gia. Một giờ sau, chàng bị trói ngồi trong xe và bị đưa vào ngục thất. Đuổi theo xe, cả đám người còn la hét chửi bởi và hát những bài hát chọc ghẹo mỉa mai, một thằng bé vỉa hè còn ném qua cửa sổ xe vào mặt người bị dẫn đi một nắm phân.
Cả thành phố đầy rẫy những hành vi bỉ ổi của con người mà ai ai cũng đã từng quen biết và thương mến. Không có một thói xấu nào của chàng mà không bị tố cáo và không tật hư nào mà chàng chối đi. Có nhiều người chàng đã quên bẵng từ lâu, bây giờ đứng trước quan tòa khai ra các điều chàng phạm những năm trước. Những nô bộc mà chàng từng tặng thưởng cũng như đã ăn cắp của chàng đến kể ra hết những điều bí mật về tính phóng đãng của chàng. Mỗi khuôn mặt đều đầy sự kinh tởm và thù hận. Không một ai đứng ra bênh vực, khen ngợi, tha thứ cho chàng hay nhớ đến những điều tốt đẹp của chàng.
Chàng để yên mọi việc xảy ra, để yên cho họ đưa vào khám rồi từ khám ra trước quan tòa với các nhân chứng. Đầy ngạc nhiên và buồn bã, chàng đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn sâu vào những gương mặt độc ác, giận dữ và xấu xí. Nhưng lạ thay, giờ đây ở mỗi khuôn mặt này chàng lại nhận ra được đằng sau những cuồng thâm của sự thù hằn và xuyên tạc, lấp lánh một sức quyến rũ đáng yêu bí ẩn và ánh sáng của con tim. Tất cầ những người này trước kia đã yêu chàng còn chàng đã không yêu một ai trong bọn họ. Bây giờ chàng lại xin mọi người thứ lỗi và tìm cách nhớ lại một cái gì tốt đẹp ở mỗi người.
Cuối cùng chàng bị kết án giam vào ngục, không ai được phép đến thăm. Chàng nói chuyện trong cơn mê sốt với mẹ, với cha đỡ đầu Binsswanger và người đàn bà quý phái miền Bắc trên con tàu. Khi chàng tỉnh dậy, ngồi cho qua những ngày khủng khiếp trong cô đơn và rẻ rúng thì lại đau cái đau của nỗi nhớ nhung, của sự ruồng rẫy và sự mòn mỏi khát khao được thấy một gương mặt người, như chưa bao giờ ở trong đời chàng đã mòn mỏi khắc khoái như thế khi chạy theo bất cứ một hướng thụ hay chiếm đoạt nào.
Khi được phóng thích khỏi nhà tù, chàng già hẳn đi và bệnh tật. Không ai còn biết chàng nữa. Thế giới vẫn chạy theo nhịp đời. Người ta đi xe, cưỡi ngựa và dạo chơi trên các nẻo đường, hoa quả đồ chơi và báo chí vẫn được trưng bày ra mua bán, chỉ duy có Augustus thì không ai nhìn đến nữa. Những người đàn bà đẹp mà xưa kia chàng đã ôm ấp cặp kè trong tiếng nhạc và rượu sâm banh, vẫn dập dìu từng đoàn ngựa xe lướt qua bên chàng và để lại đằng sau xe họ đám bụi phủ lấy chàng Augustus.
Nhưng sự trống rỗng và nỗi cô đơn khủng khiếp mà trước đây giữa quãng đời hào nhoáng chàng tưởng như bị bóp nghẹt ấy bây giờ đã hoàn toàn biến mất. Khi chàng bước vào hiên nhà nào đó, để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời trong chốc lát hay khi tiến vào sân sau để xin một ngụm nước, chàng thường ngạc nhiên không hiểu tại sao mọi người lại nghe chàng một cách hậm hực và thù địch đến như vậy. Họ là những người trước đây đã từng rối rít cám ơn chàng về những lời nói kiêu ngạo và vô tình chàng ban cho họ và trả lời chàng với cặp mắt sáng ngời, về phần chàng, giờ đây sự gặp gỡ với mỗi người đều làm chàng sung sướng, cảm xúc và rung động, chàng yêu thích trẻ con đang chơi đùa và đi đến trường, chàng thương mến người già nua đang ngồi trên ghế dài trước cửa nhà đưa đôi tay tàn úa của mình sưởi ấm trong ánh mặt trời. Một cậu trai trẻ đang theo dõi một cô gái với cái nhìn thèm muốn, một người lao công trở về nhà bế con trên tay, một bác sĩ lịch sự đang lái xe lặng lẽ và vội vã, tâm trí chỉ nghĩ tới bệnh nhân, hay một cô gái giang hồ nghèo, ăn mặc tồi tàn mỗi chiều đứng đợi khách dưới cột đèn vùng ngoại ô vắng vẻ và mời ngay cả chàng, kẻ bị mọi người xua đuổi... Tât cả những người này, với chàng đều là anh em, chị em của mình, và mỗi một người đều mang trong mình hoài niệm về một người mẹ rất mực thương yêu, về một xuất xứ tốt lành hơn hay về một dấu hiệu bí mật của một sự an bài đẹp đẽ và cao quý hơn. Đối với chàng, mỗi người đều đáng yêu, đáng trân trọng và đều cho chàng một cơ hội để nghiền ngẫm suy tư, không ai là người xấu như chàng tự cảm cho chính mình.
Augustus quyết tâm đi khắp cả thế gian tìm một nơi mà ở đó chàng có thể giúp ích mọi người bằng mọi cách và chứng tỏ cho họ tình yêu của mình. Chàng phải tập quen với việc là bây giờ ánh nhìn của chàng không làm cho ai vui sướng cả; gương mặt chàng đã nhăn nheo, áo quần giày dép đều là những thứ của một kẻ ăn mày, ngay cả giọng nói, dáng đi của chàng không còn một chút gì của thời xưa đã làm cho mọi người vui thích và mê hoặc nữa. Trẻ con sợ hãi chàng bởi vì bộ râu bạc xồm xoàm dài lòng thòng, những người ăn bận lịch sự né tránh gần gũi chàng, cạnh chàng họ cảm thấy khó chịu sợ bị vấy bẩn lây, còn những người nghèo thì nghi kỵ chàng như một kẻ lạ chỉ chực chớp đi của họ miếng ăn. Chàng phải nhọc công tốn sức để phục vụ mọi người. Nhưng chàng vẫn học hỏi và không để một điều gì làm bực dọc. Thấy một đứa bé con nhướn người lên gần cái then cửa của tiệm bánh mì nhưng đôi tay nhỏ không với tới, chàng có thể giúp bé ngay. Lắm khi chàng còn tìm ra được một kẻ còn nghèo hơn cả mình; một người mù hay một kẻ bị liệt chẳng hạn, chàng có thể đến đỡ họ một chút trên quãng đường đi và an ủi họ. Và ở đâu chàng không làm điều ấy được thì chàng vẫn còn trao tặng được một cách vui vẻ cái ít ỏi mà chàng có, một tia nhìn tươi sáng và nhân hậu, một lời chào anh em, một cử chỉ hiểu biết hay thương cảm. Trên các nẻo đường đi của mình, chàng học được cách đọc thấy ở mọi người điều họ chờ đợi nơi chàng. Có người thích một lời chào tươi mát, có kẻ thích một cái nhln yên lặng, lại có kẻ khác thích người ta lánh xa và không ai quấy nhiễu. Hằng ngày chàng đều ngạc nhiên thấy trên thế gian có biết bao nhiêu điều khốn khổ và con người dù vậy vẫn có thể vui thú. Chàng thấy thật tuyệt diệu và hào hứng, có thể nhận ra được làm sao bên cạnh mỗi sự đau khổ vẫn tìm được tiếng cười vui, bên cạnh mỗi tiếng chuông báo tử vẫn tìm được một bài hát trẻ thơ, bên cạnh mỗi sự cùng quẫn và mỗi sự đểu giả vẫn tìm được một sự trung hậu đứng đắn, một câu chuyện vui, một lời an ủi, một nụ cười.
Đối với chàng, đời người như đã được sắp xếp một cách ưu việt. Khi chàng rẽ vào một góc đường, đụng phải một đoàn học sinh chạy ngược lại, chàng thấy từ mọi đôi mắt lóe sáng biết bao can đám, vui sống và vẻ đẹp thanh xuân. Khi bọn trẻ chọc ghẹo và hành hạ mình, chàng không thấy điều đó là tệ hại, ngược lại lại thấy điều đó dễ hiểu. Chàng tìm lại được chính mình khi thấy bóng mình phản chiếu trong cửa kính trưng bày hay khi uống nước trong giếng, dáng dấp thật tàn tạ và khốn cùng. Không, đối với chàng giờ đây vấn đề không còn nằm ở chỗ làm vừa lòng mọi người với vẻ bề ngoài hay sử dụng thế lực, những thứ ấy xưa kia chàng đã có thừa rồi. Giờ đây đối với chàng, điều đẹp đẽ và phấn khởi là khi được nhìn những người khác đang vươn lên tự hào trên những chặng đường kia, những quãng đường mà ngày xưa chàng đã đi qua, khi được nhìn mọi người; đầy hăng say và với tất cả sức lực cũng như với bao kiêu hãnh và niềm vui theo đuổi mục đích của mình như thế nào. Đó là một trò kịch đời tuyệt diệu.
Trời vào đông rồi lại sang hè. Augustus bị bệnh nặng nằm liệt giường trong một nhà thương cho những người nghèo một thời gian dài. Ở đấy, chàng lại thưởng thức một cách lặng lẽ và biết ơn sự may mắn được chứng kiến cảnh những người nghèo khổ bị quỵ ngã nhưng họ vẫn có sức lực dai dẳng và hàng trăm ước muốn cố bám lấy cuộc đời, cố vượt khỏi cái chết. Thật là tuyệt diệu khi thấy được trên nét mặt của những người trọng bệnh sự nhẫn nại và trong đôi mắt của người đã bình phục sự ham sống rõ rệt đang đâm chồi. Đẹp thay những gương mặt bình yên và đáng kính của những người từ trần. Đẹp hơn tất cả là tình thương, sự kiên nhẫn của những nữ điều dưỡng xinh đẹp. Nhưng khoảng thời gian này rốt cuộc cũng đến hồi kết thúc. Gió thu thổi về, Augustus tiếp tục đi lang thang. Trời chuyển dần sang mùa đông. Có một sự nóng lòng kỳ lạ xâm chiếm khi chàng nhận ra mình đã tiến lên một cách vô cùng chậm. Chàng còn muốn đi khắp mọi nơi và còn muốn nhìn vào mắt của biết bao con người trên thế gian. Tóc chàng đã nhuốm bạc, đôi mắt đỏ ngầu vì bệnh tật, miệng lấp lánh những nụ cười ngớ ngẩn. Dần dần ký ức của chàng cũng trở nên vẩn đục, đến nỗi lắm lúc chàng nghĩ chưa bao giờ mình nhìn cuộc đời khác hơn ngày hôm nay; nhưng lòng thì thỏa mãn và thế gian đối với chàng thật là tuyệt vời và đáng yêu.
Một buổi chớm đông, chàng phiêu bạt đến một thành phố. Tuyết bay trên các nẻo đường tối tăm, một vài cậu bé lêu lổng về muộn ném theo những trái banh tuyết vào người lữ hành. Vạn vật tĩnh mịch trong bóng chiều. Augustus quá mệt mỏi. Chàng lần vào một con đường hẹp; thấy con đường ấy rất quen thuộc. Chàng lại rẽ vào một con đường nữa, ở đó hiện ra ngôi nhà của mẹ chàng và nhà của ông lão Binsswanger; nhỏ bé và cũ kỹ trong cơn tuyết bay lạnh lẽo. Bên nhà của người cha đỡ đầu thấy một cửa sổ sáng, đang lấp lánh ánh hồng ấm áp và thanh bình trong đêm đông giá.
Augustus bước vào gõ lên cánh cửa lều. Người đàn ông nhỏ bé già nua ra mở cửa cho chàng rồi yên lặng dẫn chàng vào trong túp lều. Ở đó thật ấm áp và yên tĩnh, một ngọn lửa nhỏ và sáng đang cháy trong lò sưởi.
Người cha đỡ đầu hỏi: “Chắc con mỏi mệt lắm phải không?” Lão trải tấm da rộng cũ kỹ của mình ra nền nhà rồi cả hai người già nua ngồi thu mình bên nhau trên đó và cùng nhau nhìn ngọn lửa.
“Con đã đi một quãng đường dài nhỉ?” Người cha đỡ đầu nói.
“Ồ, vâng, tuyệt vời lắm, con chỉ hơi mệt một chút thôi. Con có được phép ngủ lại đây với cha không? Ngày mai con sẽ tiếp tục đi”.
“Được chứ, con có thể ngủ lại đây. Con không thích thấy lại những thiên thần nhảy múa ngày trước hay sao?”
“Những thiên thần ư? Ồ có chứ, con muốn lắm ạ, ước gì có lần con trở thành một đứa bé con bố nhỉ”.
“Thật là lâu lắm chúng ta không gặp nhau rồi nhỉ!” Người cha đỡ đầu lại khơi chuyện. “Bây giờ con đã trở nên thật là đẹp đẽ, đôi mắt của con đã trở lại trong sáng và hiền lành như thuở xưa, như hồi mẹ con còn sống. Con thật là dễ thương khi đã đến đây thăm cha”.
Trong bộ quần áo rách rưới; người lữ hành ngồi gục mình bên cạnh người bạn già. Chưa bao giờ chàng mệt mỏi đến thế, sự ấm áp tuyệt vời và ánh lửa hồng làm chàng hoang mang đến nỗi không thể phân biệt giữa ngày hôm nay và thuở xa xưa một cách rõ ràng được nữa.
“Bố Binsswanger ạ,” chàng nói; “con đã không ngoan ngoãn một lần nữa rồi và mẹ con đã khóc ở nhà đấy. Bố phải nói chuyện với mẹ và bảo mẹ là con sẽ lại ngoan ngoãn. Bố sẽ nói với mẹ phải không bố?”
“Bố sẽ nói,” người cha đỡ đầu bảo, “con hãy yên tâm, mẹ con luôn thương yêu con mà”.
Ngọn lửa cháy nhỏ dần, Augustus nhìn ngọn lửa hồng yếu ớt với đôi mắt mở to ngái ngủ y hệt như ngày thơ ấu của mình. Người cha đưa tay đỡ đầu chàng vào lòng ông; một điệu nhạc thanh tao và hân hoan vang lên trong căn phòng, đầy êm ái và hạnh phúc. Rồi bỗng hàng nghìn bóng dáng nhỏ bé sáng ngời bay lơ lửng đến, sắc thái tươi vui, chúng lượn vòng quanh nhau trong những kiểu bay xoắn xuýt đầy nghệ thuật và những kiểu bay từng đôi trong không gian. Augustus trố mắt nhìn, lắng tai nghe và mở rộng tất cả mọi giác quan trẻ thơ non nớt của mình đón chào thiên đường đã tìm lại được.
Chàng nghe như có tiếng mẹ gọi tên mình, nhưng chàng đã mệt mỏi quá, vả lại người cha đỡ đầu có hứa với chàng ông sẽ nói chuyện với mẹ. Khi chàng thiếp ngủ, người cha đỡ đầu xếp hai tay của chàng lại với nhau. Lão cúi xuống áp tai nghe con tim đã trở nên yên lặng của chàng cho đến khi căn phòng nhỏ ngập tràn bóng đêm.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau
Nguồn: casau - VNthuquan;net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 1 năm 2016

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--