Chương 7

Không biết có phải Yên Hoa gặp may hay vì cô thực sự có năng lực thích ứng với công việc mới mẻ mà cũng đầy khó khăn này không, mà chuyến công tác lần ấy cô lại khá thành công.
Huế là quê mẹ, là nơi mà cứ một hai năm là cô tím dịp để nghé về thăm. Cô yêu Huế gần bằng tình yêu đối với người mẹ đã khuất của mình. Về lại Huế, cô như vẫn còn đầy ắp những cảm nhận thân thương. Giới thiệu về Huế với những tình cảm này đối với cô giống như một lời tâm sự thuộc về ký ức đậm đà.
Những phóng viên Mỹ cũng khá cởi mở. Họ khuyến khích cô kể về Huế, về những kỷ niệm vui buồn mà cô cứ nghĩ là vụn vặt của riêng mình. Họ làm cho cô hầu như quên bẳng mình đang mang "trọng trách", mà cứ thoải mái như đưa bạn bè về thăm và... "khoe" cái hay, cái đẹp của quê hương mình vậy.
Cô đưa họ đi trên dòng sông Hương buổi sáng, để thấy sức sống chuyển mình trong con nước cuồn cuộn, để cảm nhận khung cảnh yên bình mà nên thơ, sống động của cố đô.
Đêm đến, cũng trên sông Hương, cô cùng họ xuôi dòng ngắm nhìn ánh bạc và dòng chảy lặng lờ trong âm vang điệu ca trù đậm đà và tinh tế. Chất giọng Huế thê thiết buồn Khi ca ngân những cung điệu cổ. Yên Hoa cũng khá chật vật khi phải dịch ý thơ, câu chữ hàm súc, bóng gió ấy. May mà cái thần của bài hát đã được các nghệ nhân diễn tả điêu luyện và tuyệt vời sẵn, nếu không cô chắc phải khổ không ít.
Chuyến đi đạt được hiệu quả cao tưởng chừng như không ngờ. Khi về lại thành phố, cả nhóm tám người Mỹ vừa nam vừa nữ ấy đã trở nên thân thiện với cô. Họ khen ngợi cô trước mặt Trọng ở công ty khá nhiều, đến độ cô phải hỉnh mũi tự hào.
Trọng có vẻ mừng vui lắm. Anh đã trịnh trọng bắt tay cô và thông báo về thành công này với toàn công ty trong cuộc họp cuối tháng. Mọi người ùa lại chúc mừng. Thế là cô dịp hứng chí móc hầu bao khao luôn các đồng nghiệp một chầu karaoke đến khuya lơ khuya lắc.
Sau chuyến đi đầu tốt đẹp ấy, Trọng gọi cô vào văn phòng và bảo:
- Yên Hoa, kể từ hôm nay em được mức lương vượt cấp, bù lại em phải tạm thời đi những tour đã lên chương trình của Lân giúp hắn. Em có nghĩ là công việc như thế quá nặng nhọc với mình không?
Yên Hoa lắc đầu:
- Em sẽ cố làm được, chỉ có điều...
Trọng nhìn cô chờ đợi:
- Điều gì?
Cô cười ngượng nghịu:
- Chỉ là nếu có thể thì khi em bí, em nhờ anh... hỗ trợ, có được không?
Trọng cười gật đầu:
- Được chứ. Anh sẵn sàng giúp em. Cũng y như chuyến vừa rồi vậy, cứ gọi điện thoại về hỏi anh mọi lúc khi bị rốị
Cô thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy thì em quá an tâm rồi. Thú thực nếu chuyến đi vừa rồi không có anh giúp em từ xa, thì còn khuya em mới làm ttốt công việc.
Anh mỉm cười
- Giúp em quen với công tác mới cũng là trach nhiệm của anh mà.
Yên Hoa hăng hái:
- Vậy tour sau em phải nghiên cứu trước những gì hả anh Trọng?
Trọng gật đầu nói ngay vào vấn đề:
- Về môi trường, về động vật quí hiếm, về loài chim lưu trú... Tóm lại em nên đọc sách báo thật nhiều về vấn đề này.
- Ủa, tour gì mà phải đọc mấy thứ đó vậy anh Trọng? - Cô ngạc nhiên.
Trọng trả lời vắn tắt:
- Khách của em chuyến này là một đoàn nghiên cứu của một Hội Nghiên cứu và Bảo tồn động vật quí hiếm ở nước ngoài, họ sang đây để tìm hiểu và tham quan về vườn cò vừa tụ hội cả ngàn con ở miền Tây.
Yên Hoa tròn mắt:
- Cái này... em chỉ mới đọc báo sơ sơ thôi, có biết gì về môi trường và chim chóc đâu mà nói hả anh Trọng?
Trọng cười:
- Vì không biết nên anh mới nhắc em nghiên cứu trước. Nhưng em đừng quá lo, cùng đi theo với tour em có một Giáo sư chuyên về Động vật học người Việt mình. Ông này mới là nhân vật chính. Em chỉ có việc hướng dẫn, lo cho đoàn tất cả các chuyện ăn ở, kể cả phương tiện chuyên chở. Anh sẽ giúp em thương lượng và liên lạc với địa phương về chuyến đi.
Cô lấy làm lạ:
- Nhưng sao anh còn bắt em đọc nhiều sách về vấn đề này để làm gì?
Trọng trợn mắt:
- Thì để thông dịch chứ làm chi nữạ Vì nói cho em biết nhé, vị Giáo sư đó lại rành tiếng Pháp hơn tiếng Anh, em phải cố học nhiều vốn từ chuyên ngành Sinh học để thông dịch cho đúng.
Yên Hoa ngẩn ngơ:
- Như vậy là làm thông dịch luôn rồi.
Trọng gật đầu cười:
- Giờ thì em tạm hiểu ra chưa, công việc của Lân đại loại là như thế. Thông dịch viên là chính, còn kiêm luôn hướng dẫn viên nữa. Hiểu ra tại sao hắn siêng đọc sách báo chưa? Kiến thức của Lân cũng khá rộng nên mới làm tốt công việc này đó.
Yên Hoa rụt vai:
- Eo ơi! Khó còn hơn chuyến trước. Bây giờ mới càng thấy anh Lân giỏi thật là giỏi. Em phải ráng học hỏi ảnh mới được.
Dúi cho cô tờ chương trình vừa in ra, Trọng cười:
- Đừng so sánh với nó. Lân nó có biệt danh là "Nhà bác học" từ khi còn ở Giảng đường Đại học lận mà. Nó thích học các môn Khoa học Xã hội, thích đọc sách báo, và đặc biệt là có trí nhớ dai.
Mở cửa cho cô, anh dặn dò:
- Nhớ là sáng mốt xuất phát đó nhé Yên Hoa.
- Dạ - Cô ngoan ngoãn gật đầu.
o0o
Thế là công việc của Lân cứ dồn đổ lên đôi vai mảnh dẻ của Yên Hoa tới tấp làm cô không kịp nghi ngơi cho lại sức.
Công việc cũng nhiều thú vị và tiền thì kiếm được khá nhiều, nhưng có một cái phiền cho Yên Hoa là cô khó có nhiều thời gian thăm Lân.
Giữa những chuyến đi về, cô mệt đuối nên cứ lăn ra ngủ vùi, đến độ sáng hôm nay, vừa thấy cô lếch thếch xách hành lý về, Tố Trang phải kêu lên:
- Cái con nhỏ khùng này. Bộ mày cần tiền lắm sao? Làm việc thì cũng vừa vừa chứ. Sao lại hùng hục đi về như hành xác thế này. Ba mày mà nhìn thấy mày như vậy, ổng sẽ lại nổi cáu lên cho coị
Thả mớ hành lý xuống sàn, Yên Hoa ngồi phịch lên salon nhăn mặt mệt mỏi:
- Ông ấy nổi cáu thì đã sao, tao có cuộc sống riêng của tao mà.
Chợt cô nhổm lên nhìn Tố Trang:
- Nè mày vừa nhắc đến ông ấy, bộ ông ấy tìm đến đây sao?
Tố Trang bối rối thừa nhận:
- Ờ, ổng... có đến đây lúc mày đi Nha Trang, ổng hỏi sơ tao về cuộc sống của mày dạo này.
Yên Hoa cau mày nhìn bạn nghiêm khắc:
- Rồi mày bảo sao?
Tố Trang lúng túng:
- Thì... mày sống sao tao nói vậy. Làm việc... hơi nhiều, ít đi chơi, rồi... tao cũng có nói cho ổng biết mà mới được lên lương.
Yên Hoa cười nhạt:
- Khỏi nói cũng biết ông ấy đã tỏ vẻ khinh thị khi nghe những chuyện này chứ gì?
Nhìn nét mặt Tố Trang cô biết mình đoán đúng, cô thở dài:
- Mặc dù sống với ông ấy chỉ hơn bốn năm, nhưng tao hiểu khá rõ tính tình của người cha ruột của mình.
Cô mệt mỏi lắc đầu:
- Tuy vẫn còn gọi là ba, nhưng tao không muốn ông ấy can thiệp vào cuộc sống của tao, mày tốt nhất đừng nói nhiều về tao cho ông ấy biết.
Tố Trang ngập ngừng gật nhẹ:
- Nếu mày không thích thì... mai mốt có gặp ổng tao không kể nhiều nữa, được không?
Yên Hoa mỉm cười vỗ nhẹ vào vai bạn:
- Vậy được đó. Bây giờ nếu mày đem giùm tao mớ đồ trong valy xuống tiệm giặt ủi dưới nhà, có một cái áo len kiểu mới tao mua làm quà cho mày trong chuyến đi Hà Nội này, nó cũng nằm trong valy đó.
Tố Trang mừng rỡ:
- Ê thật vậy hả? Vậy mày đi tắm cho khỏe người đi để tao soạn valy giùm mày cho, nhưng... - Cô cười hì hì - Cái vụ đem đồ đi giặt thì tao không cần cực khổ lôi xuống lôi lên nữa đâu.
- Sao vậy? - Yên Hoa ngạc nhiên.
Tố Trang nháy mắt:
- Mày đi hoài nên không để ý, cách đây mấy hôm có một tiệm giặt ủi bằng giàn máy tự động mới mở ở đối diện khu nhà của mình nè. Tao đã nói chuyện với bà chủ tiệm đó rồi. Bả biết là tao ăn mặc nhiều nên cách hai ngày cho người lên lấy đồ dơ về giặt, hai hôm sau lại đem lên tính tiền. Hôm nay lại là ngày người ta lên giao đồ đó, tao sẽ gởi luôn mớ đồ của mày.
Yên Hoa gật gù:
- Chà tiện lợi vậy sao. Nếu vậy thì mình khỏe hơn nhiều rồi.
Tắm táp xong trở ra, cô thấy Tố Trang đang săm soi hai cái áo. Cô vừa lau khô tóc, vừa hỏi bạn:
- Sao, nãy giờ đã chọn được cái nào đây?
Tố Tranh quay lại:
- Mày mua hai cái, cho tao cái nào đây?
Yên Hoa cười:
- Thì mày chọn đi, cho mày chọn trước đó, tao lấy cái nào cũng được.
Tố Trang có vẻ phân vân:
- Cái nào cũng đẹp hết, tao biết chọn cái nào đây. Thôi... thì tao chọn đại cái màu đỏ vậy nhé, còn mày lấy cái màu xanh ngọc?
- Được thôi.
Yên Hoa dễ dãi gật đầu, cô hất mái tóc còn ưới ra sau và che miệng ngáp dài.
Tố Trang mặc thử vào người chiếc áo len mới, ngắm nghía trước gương với dáng vẻ hài lòng. Quay lại định hỏi ý kiến của Yên Hoa, bắt gặp vẻ mệt mỏi và buồn ngủ của cô, Tố Trang nhăn mặt kêu lên:
- Lại nữa rồi, sao lần nào đi về, mày cũng trông như hết hơi vậy? Nói được mấy câu thì lại ngáp vắn ngáp dài rồi. Làm việc vừa thôi Yên Hoa, chẳng hiểu tại sao dạo này ở công ty người ta đổ việc cho mày nhiều như vậy.
Yên Hoa cười:
- Công việc hơi nhiều thật nhưng đây là cơ hội cho tao thăng tiến trong sự nghiệp. Tao cần phải cố gắng nhiều để chứng tỏ khả năng và thực lực của mình.
Tố Trang trề môi:
- Ờ phải, thực lực, khả năng. Cho đến khi mày vẻ vang thành đạt trong sự nghiệp rồi thì nhìn lại, mày sẽ ra sao không? Ốm o, gầy còm như một con mắm khô luôn đó.
Yên Hoa phì cười:
- Mày nói gì phóng đại quá vậy.
- Chứ còn gì nữa - Tố Trang trợn mắt - Mày thử ngó lại mày coi. Đâu có còn giống con nhỏ Yên Hoa con gái cưng của mẹ mày nữa.
Cô nàng vung tay diễn tả:
- Tao nhớ hồi Trung học, mày cũng tha thướt yểu điệu lắm đó chứ, tóc dài đen mướt, nhìn đẹp quá trời. Tao cũng là con gái Huế, mà còn phải ngưỡng mộ cái tha thướt đó. Bây giờ thì xem, tóc tai thì cứ hết cột rồi bới, đi đứng thì như tên bắn trông chả còn gì là nét đẹp truyền thống gái Huế ngày xưa nữa.
Yên Hoa lắc đầu cười buồn:
- Sao mày lại so sánh tao bây giờ với khi còn mẹ... Ngày xưa, có mẹ bảo bọc, tao có lo lắng đến chuyện gì đâu. Đến khi mẹ tao mất đi, bốn năm Đại học ở thành phố này, và đến bây giờ, tao đã phải học hỏi và tự thay đổi nhiều để thích ứng mà sống tự lập giữa đời rồi.
Cô nhún nhẹ đôi vai:
- Vả lại bây giờ ra đời làm việc, tao phải càng cố gắng nhiều hơn. Cuộc sống ở thành phố này là cuộc sống công nghiệp, thời giờ rất quí báu, tao nhiều lúc cũng muốn chăm sóc kỹ lại bản thân mình, nhưng cũng không còn thì giờ nữa.
Tố Trang nhăn mặt:
- Nhưng gì thì gì, cũng phải ráng ngó lại mình chứ mày. Chăm sóc dáng vóc và sắc diện thì cũng cần chứ. Nói thật ra mày giống mẹ, có nét đẹp tự nhiên, chỉ cần mày bớt giờ làm việc lại cho đừng hiện cái vẻ mệt nhọc và đôi mắt thâm quầng kia, thì cũng không đến nỗi nào.
Như chợt nhớ ra điều gì, Tố Trang đi lại cái tủ lạnh nhỏ, lấy ra mấy quả dưa leo và cam, chanh tùm lum.
- Coi nè Yên Hoa, có người chỉ tao pha để làm mặt nạ dưỡng da nè, để tao pha rồi mày làm mặt nạ với tao nhé.
Che miệng nén một cái ngáp, Yên Hoa gật đầu:
- Ừ, sao cũng được.
Tố Trang hí hoáy vắt nước cam, nhỏ thêm nước chanh và mật ong vào, rồi mang cái chén nhỏ đựng thứ nước hỗn hợp ấy ra.
- Để tao làm cho mày trước. - Cô nói.
Nhúng miếng bông mềm vào, cô bảo Yên Hoa nằm xuống rồi thoa đều lêm mặt bạn. Vừa làm, cô vừa nói:
- Còn một chuyện cần phải nhắc nhở mi nữa đó Yên Hoạ
Yên Hoa nhắm mắt ậm ừ:
- Gì nữa?
- Mày cứ hay trách tao vô ý và đoảng vị, thì tao cũng không chịu nổi khi thấy mày đơn giản và bụi bặm kiểu lãng tử như những lúc gần đây. Hôm trước, tao bắt gặp quả tang mày vừa đi trên phố vừa gặm bánh mì.
Yên Hoa hơi nheo mắt:
- À, buổi tối hôm trước đó hả. Thì tao xuống dưới nhà bỏ đồ giặt, làm biếng trở lên nấu mì, nên mua ổ bánh mì, vừa đi dạo vừa gặm, có sao đâu.
Nằm dài xuống bên cô, Tố Trang vừa thoa lên mặt vừa nói:
- Mày còn bảo là không sao à? Hôm đó tao có rủ mày đi ăn tối rõ ràng, mày lại từ chối không chịu. Đến chừng tao với anh bạn từ nhà hàng đi đến chỗ làm, thấy mày lang thang bụi đời kiểu đó, hỏi coi có tức không?
Yên Hoa phì cười:
- Tao đi theo làm kỳ đà cản mũi mày làm gì? Mày đừng quá phiền cái vẻ ngoài của taọ Nói về mày đi, dạo này mày thế nào? Tay bồ mới có tốt không?
Nhắc đến vấn đề này thì y như gãi đúng chỗ ngứa của Tố Trang. Cô nàng liền liếng thoắng kể về người tình mới của mình đẹp trai ra sao, đã rủ cô đi du lịch nước ngoài thế nào... Chẳng biết là cô kể tới đâu, khi định quay lại hỏi Yên Hoa xem có nên nhận lời đi du lịch nước ngoài với người ta không thì thấy Yên Hoa đã ngủ khò, trên mặt vẫn còn nguyên hỗn hợp pha chế từ cam, chanh và mật ong.
Phác một cử chỉ chán nản về phía cô, Tố Trang càu nhàu:
- Vậy đó, con gái gốc Huế, ý tứ lắm chứ, bây giờ thì làm mặt lạnh thôi cũng ngủ khò trên salon được, nếu khách khứa mà có đến thình lình giờ này, biết "bứng" mày đi đâu?
Cô chép miệng:
- Người ta nói quả là không sai: "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má liếm lá đầu đường". Đã biết mẹ mất là chịu khổ nhiều thì sao không dẹp bớt tự ái mà về ở với người cha ruột tạm có thể thong dong đường hoàng một chút. Chứ tự lập kiểu như mày giống hệt khổ sai. Để rồi xem, cứ cái kiểu làm việc chẳng còn giờ rảnh như thế thì chỉ vài năm mày sẽ thành một con nhỏ lôi thôi luộm thuộm thôi. Khuyên mãi mà không chịu nghe thì ráng chịu.