Dịch giả: Anh Vũ
Chương 17
Phép xã giao của Arthos

Artagnan đi nằm để được được một mình suy nghĩ đến tất, cả những điều mắt thấy tai nghe trong buổi chiều tôi nay hơn là để ngủ.
Do bản chất tốt và ngay thoạt đầu đối với Arthos đã có một cảm tình bản năng nó dẫn đến một tính bằng hữu chân thành d'Artagnan vui mừng được gặp lại một con người nổi bật về trí dũng, chứ không phải là một gã say rượu đần độn mà anh chờ đợi nom thấy say mềm nằm vật vạ trên một đống phân; anh chẩp nhận mà không quá phản kháng cái ưu thế bất biến của Arthos đối với mình, và thay cho lòng ganh ghét và thất vọng có thể làm phiền muộn một bản chất kém khoan dung, rốt cuộc anh chỉ cảm thấy một niềm vui chân thành và trung thực khiến anh mang những kỳ vọng thuận lợi nhất cho cuộc thương lượng của mình.
Tuy nhíên anh không thấy Arthos thành thực và minh bạch về mọi điểm. Cái cậu thíếu niên mà anh ta nói là con nuôi và giống anh như đúc ấy là thế nào nhỉ? Việc trở lại cuộc sống của xã hội thượng lưu và vẻ thanh đạm cường điệu mà anh nhận thấy ở bàn ăn là thế nào?
Một điều bề ngoài có vẻ vô nghĩa là sự vắng mặt của Grimaud mà xưa kia Arthos không bao giờ xa rời, và tên hắn ta cũng không hề được nhắc đến mặc dầu có những chuyện đã hé đề cập tới, tất cả những điều đó khiến d'Artagnan băn khoăn. Như vậy là anh không còn được bạn mình tin cậy, hoặc giả Arthos đã bị vướng mắc vào một sợi dây vô hình nào đó, hoặc là đã được báo trước về chuyến viếng thăm của anh.
Anh không thể không nghĩ đến Rochefort, đến điều mà ông ta nói với anh ở nhà thờ Đức bà. Phải chăng Rochefort đã đến nhà Arthos trước anh? D'Artagnan không có thì giờ để mắt vào những việc nghiên cứu lâu la. Nên anh quyết là ngày hôm sau đi đến một sự lý giải. Cái tài sản ít ỏi được Arthos ngụy trang khéo léo báo hiệu lòng ham muốn xuất hiện và tiết lộ chút tham vọng còn sót lại dễ dàng bị đánh thức dậy. Sức mạnh về tinh thần và sự rành rọt về tư tưởng của Arthos khiến anh một con người dễ xúc cảm hơn kẻ khác. Tính hoạt động vốn có của anh được nhân đôi vì nhu cầu riêng, anh sẽ càng hăng hái gấp bội bước vào những kế hoạch của quan tể tướng.
Những ý nghĩ ấy khiến d'Artagnan thao thức mặc dầu rất mệt mỏi; anh vạch ra những kế hoạch công kích và dù biết Arthos là một đối thủ đáng gờm, anh ấn định hành động vào ngày hôm sau, sau bữa ăn lót dạ.
Tuy nhiên anh cũng tự chủ về một mặt khác, trên một trường đấu khá mới mẻ phải tiến lên một cách thận trọng, nghiên cứu trong nhiều ngày những hiểu biết của Arthos, theo dõi và tìm hiểu những thói quen mới của anh ta; qua việc tập đấu kiếm hoặc đi săn với cậu thiếu niên, thử moi ở cậu những tin tức gián tiếp mà anh còn thiếu, để nối liền chàng Arthos ngày xưa với chàng Arthos ngày nay; điều ấy chắc dễ dàng vì rằng người thầy giáo nào chẳng lây lan một phần con người mình sang tâm trí học trò. Nhưng bản thân d'Artagnan vốn là một chàng trai rất tinh ma, ngay lập tức anh hiểu rằng những rủi ro gì sẽ chờ đợi anh trong trường hợp một sự không kín đáo hoặc vụng về có thể làm lộ tẩy những cuộc vận động của anh trước con mắt lão luyện của Arthos.
Rồi có cần nói đến điều này nữa không? D'Artagnan sẵn sàng dùng mưu mẹo chống lại tính giảo quyệt của Aramis hoặc thói huênh hoang của Porthos, nhưng anh hổ thẹn nếu phải lắt léo với Arthos, con người thẳng thắn và trung hậu. Anh thấy dường như trong khi công nhận anh là bậc thầy của họ về khoa học xã giao. Aramis và Porthos sẽ càng coi trọng anh hơn nữa, còn Arthos thì trái lại sẽ coi thường anh.
- A! Tại sao cái tên Grimaud câm lặng lại không có đây nhỉ? - D'Artagnan nghĩ - Trong cái im lặng của hắn có khối điều mà ta có thể hiểu. Grimaud có một sự im lặng thật là hùng hồn. Trong khi đó những tiếng ồn ào lần lượt tắt dần trong ngôi nhà, d'Artagnan đã nghe đóng các cửa giả; những tiếng chó sủa chốc chốc vang lên đáp lại nhau trong thôn xóm cũng im ắng, cuối cùng một con hoạ mi lạc lõng trong một lùm cây có lúc hót lên những cung điệu du dương giữa đêm thâu cũng ngủ nốt; trong lâu đài chỉ còn tiếng bước chân bình thản và đều đều ở phía dưới phòng anh; anh đồ chừng đó là phòng của Arthos. Anh ngẫm nghĩ:
- Anh ta đi đi lại lại và suy nghĩ, nhưng suy nghĩ đến cái gì cơ chứ? Đó là điều không thể biết được.
Người ta có thể đoán ra cái khác, chứ không thể đoán ra điều ấy.
Cuối cùng chắc hẳn Arthos đi nằm, vì cái tiếng động cuối cùng ấy cũng tắt ngấm.
Im lặng và mệt mỏi hùa với nhau đã thắng d'Artagnan, đến lượt anh nhắm mắt lại và hầu như ngay lập tức anh thiếp đi.
D'Artagnan không phải là người ngủ nhiều. Bình minh vừa mới nhuốm vàng các tấm rèm, anh đã nhảy ra khỏi giường và mở cửa sổ.
Qua tấm mành anh thấy như có người lảng vảng ở ngoài sân và tránh gây tiếng động. Theo thói quen không khi nào để lọt qua một vật nào trong tầm nhìn của mình mà không biết chắc đó là cái gì, d'Artagnan chăm chú nhìn không gây tiếng động và nhận ra chiếc áo chẽn màu đỏ và bộ tóc màu nâu của Raoul.
Chàng thiếu niên, vì đúng là cậu ta, mở chuồng ngựa dắt ra con ngựa màu hồng nhạt mà hôm qua cậu đã cưỡi, tự mình thắng yên cương với vẻ nhanh nhẹn và khéo léo như người kỵ sĩ thành thạo nhất rồi cho con ngựa đi ra theo lối bên phải của con đường nhỏ, kéo ngựa ra ngoài, đóng cửa lại sau mình, rồi qua mép bờ tường, d'Artagnan trông thấy cậu ta phóng đi như mũi tên, cúi mình dưới những cành nở hoa rủ lòng thòng của những cây phong và cây keo.
Từ hôm qua d'Artagnan đã thấy đó là con đường dẫn đi Blois.
- Hề! Hề! - Chàng Gascon nói, - lại một thằng nhóc bắt đầu biết đi tán gái, nó chẳng giống Arthos luôn thù hằn phái đẹp. Không phải nó đi săn vì chẳng mang súng ống và chó; cũng không phải được đi sai làm việc vì nó có vẻ len lén. Len lén giấu ai cơ? Ta hay bố nó?… Mà ta chắc chắn rằng bá tước là bố nó… Mẹ kiếp về chuyện này ta sẽ rõ, vì ta sẽ nói thẳng với Arthos.
Trời sáng dần, tất cả những tiếng động mà ban đêm d'Artagnan nghe lần lượt tắt ngấm bây giờ lại nối tiếp nhau bừng dậy: con chim trên cành cây, con chó trong chuồng bò, đàn cừu ngoài cánh đồng. Những con thuyền neo trên bờ sông Loire cũng sống động lên, rời bến và trôi theo dòng nước. D'Artagnan cứ đứng thế ở cửa sổ để khỏi làm ai thức giấc, rồi khi đã nghe tiếng các cửa của toà lâu đài mở ra, anh vuốt lại mái tóc, vân vê lại chòm ria, theo thói quen phủi vành mũ bằng ống tay áo chẽn và đi xuống. Vừa mới bước qua bậc thang cuối cùng anh đã nom thấy Arthos đang cúi xuống đất với cái vẻ của một người đang tìm một đồng tiền trên cát.
- A! Xin chào chủ nhân thân mến, - D'Artagnan nói.
- Chào bạn thân mến. Đêm qua ngủ ngon chứ?
- Tuyệt, Arthos ạ, như cái giường của anh, như bữa ăn tối của anh, nó đã dẫn tôi đến giấc ngủ, như sự tiếp đãi của anh khi gặp lại tôi. Nhưng kìa, sao anh nhìn cái gì chăm chú thế? Hay là tình cờ anh trở thành nhà tài tử chơi hoa tuy líp đấy?
- Bạn thân mến ơi, không nên vì thế mà cậu giễu cợt tôi nhé. Ở nông thôn các thị hiếu thay đổi nhiều lắm và người ta yêu thích mà không hay biết tất cả những cái đẹp được. Chúa làm nảy ra từ lòng đất và rất bị coi thường ở thành thị. Tôi đang nhìn những cây hoa iris ( Huệ tím ) tôi đặt bên cạnh cái bể này đã bị giẫm nát sớm nay. Bọn làm vườn là những tay vụng về nhất đời. Cho ngựa đi kéo nước xong trở về họ để chúng giẫm lên cả các vạt đất trồng cây.
D'Artagnan mỉm cười. Anh nói:
- Anh tưởng thế à?
Và anh dẫn bạn theo dọc lối đi in đầy những vết chân giống hệt những vết chân đã giẫm lên những cây iris.
- Arthos xem này, cả những vết ở đây nữa, - D'Artagnan thản nhiên nói.
Ù nhỉ mà những vết chân còn mới nguyên.
- Mới nguyên, - D'Artagnan nhắc lại.
- Sáng sớm nay, ai mới đi ra ngoài nhỉ? - Arthos băn khoăn tự hỏi, - hay là một con ngựa đã xổng chuồng?
- Không thể như vậy được, - D'Artagnan nói, - vì những bước chân rất đều và thư thả.
- Raoul đâu rồi? - Arthos kêu lên. - Sao tôi không trông thấy nó nhỉ.
- Sụyt! - D'Artagnan đưa một ngón tay lên miệng và cười.
- Có chuyện gì vậy. - Arthos hỏi.
D'Artagnan kể lại điều anh đã trông thấy và theo dõi sắc mặt của chủ nhân.
- A! Bây giờ tôi đoán ra rồi, - Arthos khẽ nhún vai nói, - thằng bé tội nghiệp lại đi đến Blois.
- Để làm gì?
- Ồ, lạy Chúa! Để hỏi tin tức về con bé La Vallière. Cậu biết đấy, con bé bị ngã trật chân hôm qua.
- Anh nghĩ thế à? - D'Artagnan nói, vẻ không tin.
- Không những tôi nghĩ mà tôi chắc chắn như vậy. - Arthos đáp, - Anh không nhận thấy rằng Raoul nó phải lòng à?
- Chà! Phải lòng ai? Con bé bảy tuổi ấy à?
- Bạn thân mến ơi, ở cái tuổi của Raoul, trái tim nó đầy chan chứa đến nỗi nó phải cho tràn ra một vật nào đó dù là mộng hay thực. Cho nên, tình yêu của nó cũng nửa là mộng nửa là thực.
- Anh đùa đấy ư? Sao? Con bé nhỏ tí ấy à?
- Anh đã không nhìn ư? Đó là một tạo vật xinh đẹp nhất đời: mái tóc hoe ánh bạc, cặp măt xanh thế mà đã vừa linh lợi vừa thẫn thờ.
- Nhưng anh nói gì về mối tình đó?
- Tôi chẳng nói gì hết, tôi cười và mặc kệ Raoul; nhưng những nhu cầu đầu tiên ấy của con tim rất khẩn thiết, những nỗi tương tư chan chứa ở những người trẻ tuổi ấy nó êm ái mà đồng thởi cũng đắng cay đến mức nó như thường mang tất cả những đặc điểm của một mối tình si. Tôi còn nhớ hồi ở tuổi Raoul, tôi say mê một pho tượng Hy Lạp mà đức vua Henri IV cho cha tôi và tôi nghĩ đến phát điên lên vì đau khổ khi người ta bảo tôi rằng câu chuyện về Pygmalion chỉ là một chuyện hoang đường(1).
- Đó là vô công rồi nghề. Anh không giao đủ việc cho Raoul và tự nó kiếm chuyện đấy.
- Chẳng có việc gì khác. Cho nên tôi đã nghĩ cho nó đi khỏi nơi đây.
- Anh làm thế là tốt.
- Chắc thế, nhưng việc đó sẽ làm nó tan nát cõi lòng và nó sẽ đau khổ như với một mối tình thực sự. Từ ba bốn năm rồi khi ấy chính nó cũng là một đứa trẻ, nó đã quen trang điểm và ca ngợi cái thần tượng bé bỏng ấy mà một ngày nào đó nó sẽ đi tới tôn thờ nếu như nó ở lại đây. Hai đứa trẻ ấy suốt ngày cùng mơ mộng với nhau và chuyện trò hàng nghìn điều nghiêm túc cứ như là những tình nhân thực sự hai mươi tuổi. Từ lâu bố mẹ của con bé La Vallière đã buồn cười về chuyện này, nhưng gần đây ông bà ấy đã bắt đầu cau mày rồi đó.
- Chuyện trẻ con vớ vẩn! Nhưng Raoul cũng cần được giải khuây; nên nhanh chóng cho nó đi khỏi đây nếu không thì, mẹ kiếp, chẳng bao giờ anh làm cho nó nên người được.
- Tôi định gửi nó đến Paris.
- A! - D'Artagnan kêu lên.
Và anh nghĩ rằng thời kỳ chiến tranh đã đến.
- Nếu anh muốn, - anh nói, - chúng ta có thể tạo một vận mệnh cho cậu thiếu niên ấy.
- A! - Đến lượt Arthos kêu lên.
- Tôi cũng muốn hỏi ý kiến anh về một điều này ra trong khối óc tôi.
- Nói đi.
- Anh có nghĩ là đã đến lúc lại ra làm việc không?
- Thì cậu đã chẳng đang làm việc đấy ư, d'Artagnan?
- Tôi muốn nói công việc hành động. Cuộc đời xưa kia chẳng còn gì cám dỗ anh nữa sao? Và nếu như những lợi ích thật sự đang chờ đợi anh, anh chẳng vui lòng lại bắt đầu những chiến công của thời trai trẻ chúng ta ở đại đội của tôi hoặc đại đội của anh bạn Porthos ư?
- Thế là cậu đưa ra với tôi một đề nghị? - Arthos nói.
- Rõ ràng và thẳng thắn.
- Để lại vào trận?
- Phải.
- Của ai và chống lại ai? - Arthos hỏi đốp lại ngay và nhìn chàng Gascon bằng con mắt thật sáng suốt và thật nhân hậu.
- A! Quỷ thật? Anh vội vã thế?
- Và nhất là minh bạch: Cậu nghe đây, d'Artagnan, chỉ có một nhân vật hay nói đúng hơn một lợi ích vì đó mà một người như tôi xem ra còn có thể có ích: đó là lợi ích của nhà vua.
- Chính xác như vậy đấy, - chàng ngự lâm nói.
- Phải, chúng ta hãy thông với nhau, - Arthos nghiêm trang nói tiếp - nếu như cậu hiểu lợi ích của Mazarin là lợi ích của nhà vua, thì chúng ta nên thôi không tìm cách hiểu lẫn nhau nữa.
- Tôi không nói chính xác, - chàng Gascon lúng túng đáp.
- Này, d'Artagnan, - Arthos nói, - ta đừng chơi cái trò lập lờ ấy: sự ngập ngừng và những kiểu loanh quanh của cậu cho tôi thấy rõ cậu từ phía nào đến. Cái lợi ích ấy quả thật người ta không dám lớn tiếng thú nhận, nhưng khi người ta chiêu mộ cho nó thì tai cụp xuống và giọng nói lúng túng.
- A! Arthos thân mến của tôi, - D'Artagnan kêu.
- Ê! - Arthos nói tiếp - Cậu biết rõ là tôi không nói cậu, cậu là hòn ngọc của những người dũng cảm và táo bạo, tôi nói với cậu về cái lão người Ý bần tiện và mưu mô, về cái đứa thô bỉ đang cố đặt lên đầu nó một cái vương miện mà nó ăn cắp ở dưới một tám gối, về cái thằng bần tiện nó gọi đảng phái của nó là đảng phái của nhà vua và tính đến bắt giam các thân vương mà không dám giết họ như ông giáo chủ của chúng ta, vị giáo chủ vĩ đại đã làm; một tên biển lận cân các đồng êquy vàng và giữ những đồng tiền bị cắt xén vì dù rằng chuyên cờ bạc bịp hắn vẫn sợ nhỡ ngày hôm sau thua bạc; cuối cùng, một tên vô lại nó hành hạ hoàng hậu, theo người ta nói chắc như vậy với lại cũng mặc kệ bà ta! Và trong ba tháng nữa hắn sẽ gây ra một cuộc nội chiến chống lại chúng ta để giữ gìn những khoản lương bổng của nó. Đây là vị minh chủ mà cậu đề nghị với tôi ư, d'Artagnan? Xin đa tạ nhé!
- Anh nóng nảy hơn xưa đấy, xin Chúa tha tội! - D'Artagnan nói. - Năm tháng đã không làm nguội lạnh đi mà hun nóng dòng máu anh. Ai bảo anh đó là minh chủ của tôi và tôi muốn áp đặt cho anh?
"Chết thật! - Chàng Gascon  tự nhủ. - Ta chẳng dại gì mà trao những bí mật cho một người không sẵn lòng đến thế".
- Bạn thân mến ơi, - Arthos nói tiếp, thế bây giờ những đề nghị ấy là gì?
- Ôi lạy Chúa! Chẳng có gì đơn giản hơn: Anh sống trong điền địa của anh và hình như anh lấy làm sung sướng trong cảnh sống xuềnh xoàng mạ vàng của mình. Porthos có năm sáu chục nghìn livres niên thu thì phải; Aramis lúc nào cũng có mười lăm bà công tước giành nhau vị tu giáo cũng như ngày xưa tranh giành nhau chàng ngư lâm quân; đó cũng còn là một đứa con cưng của số mệnh; nhưng còn tôi tôi làm cái thá gì ở cõi đời này? Tôi mang tấm áo giáp và miếng da trâu từ hai mươi năm nay, bảm chặt lấy cái chức vị quèn này, không tiến không lùi mà cũng chẳng sống nổi. Tóm lại là tôi chết!
Vậy mà khi đối với tôi là chuyện hồi sinh lại đôi chút, thì tất cả các anh đều nhao nhao bảo tôi là: Đó là một tên bần tiện? Đó là một thằng vô lại! Một đứa thô bỉ! Một lão xáu xa? Ồ, mẹ kiếp tôi đồng ý với các anh lắm, nhưng các anh hãy tìm cho tôi một kẻ khá hơn, hoặc là làm sao cho tôi có nguồn thu nhập đồng niên đi?
Arthos ngẫm nghĩ mấy giây đồng hồ, và trong mấy giây ấy, anh hiểu ra mưu mẹo của d'Artagnan, cậu ta lúc đầu đi quá trớn nay ngắt đi để che giấu trò chơi của mình. Anh thấy rõ ràng những đề nghị bạn đưa ra với anh là có thật và được bày tỏ một cách đầy đủ nhất, dù anh chỉ mới hơi lắng tai nghe:
"Được? Anh tự bảo, d'Artagnan là của Mazarin".
Từ lúc ấy, anh giữ gìn cực kỳ thận trọng.
Về phía mình, d'Artagnan chơi chặt chẽ hơn lúc nào hết.
- Nhưng rốt cuộc cậu có ý kiến gì?- Arthos hỏi.
- Tất nhiên. Tôi muốn nghe lời khuyên của tất cả các anh và tính xem nên làm cái gì đó, vì nếu có người này mà thiếu người kia, chúng ta bao giờ cũng khập khiễng.
- Đúng thế. Cậu nói với tôi về Porthos; vậy cậu đã định đoạt cho cậu ấy đi tìm kiếm hạnh vận chưa?
- Hạnh vận ấy, cậu ta có rồi mà.
- Chắc hẳn cậu ta có; nhưng con người ta sinh ra như vậy đấy, bao giờ cũng ao ước một điều gì. Thế Porthos ao ước gì nào?
- Được là Nam tước.
- À phải rồi? Tôi quên mất, - Arthos cười nói.
"Phải rồi, - D'Artagnan ngẫm nghĩ. Nhưng ta nghe ở đâu ấy nhỉ? Hay là anh ta liên lạc với Aramis? – A! Nếu ta biết điều đó thì ta sẽ biết tất cả?"
Cuộc trò chuyện chấm dứt ở đây, vì lúc ấy Raoul về.
Arthos muốn mắng nhẹ một câu, nhưng thấy cậu thiếu niên buồn rũ rượi, anh không có can đảm và chỉ hỏi xem có chuyện gì.
- Tình trạng cô bé láng giềng của chúng ta có nặng lên không?- D'Artagnan hỏi.
- Ôi thưa ông,- Raoul hầu như nghẹn ngào vì đau đớn nói. - Cô bé ngã thế là nặng đấy, tuy bên ngoài không thấy biến dạng, nhưng thầy thuốc lo ngại rằng cô ta sẽ bị tàn tật suốt đời.
- A! Thế thì ghê gớm lắm!- Arthos nói.
D'Artagnan toan đùa một câu, nhưng nhìn thấy Arthos chia sẻ tai họa đó, anh ghìm lại.
- Ôi, thưa ông, điều làm tôi ân hận nhất, - Raoul nói tiếp,- là tai hoạ ấy lại do chính tôi gây nên.
- Sao lại anh, Raoul?- Arthos hỏi.
- Không nghi ngờ gì nữa. Chẳng phải vì muốn chạy đến với tôi mà cô bé ấy đã nhảy từ trên đống gỗ cao xuống, đấy thôi?
- Raoul thân mến của tôi ơi, - D'Artagnan nói, - chỉ còn có một cách là anh hãy cưới cô ta để đền tội.
- Ôi chao, thưa ông.- Raoul nói, - Ông đùa trên một nỗi đau khổ thực sự, thế là không tốt đâu.
Raoul đang cần ở một mình để khóc cho đã, bèn đi vào phòng mình và đến lúc ăn sáng mới ra.
Hoà khí giữa hai người bạn rất tốt, nên không vì cuộc xô xát buổi sớm mà bị phai lạt; cho nên họ ăn lót dạ một cách thật ngon lành, chốc chốc, nhìn cậu bé Raoul tội nghiệp, mắt ướt mọng ra và lòng nặng trĩu, ăn cho qua bữa.
Vào cuối bữa ăn, có hai bức thư đến, Arthos đọc hết sức chăm chú và không tránh khỏi rùng mình nhiều lần. D'Artagnan nhìn bạn đọc thư, từ phía bên này bàn sang phía bên kia, với con mắt xuyên thấu anh thề rằng không còn hồ nghi gì nữa, anh đã nhận ra nét chữ nhỏ li ti của Aramis. Còn bức thư kia là chữ đàn bà, viết dài và rắc rối.
Thấy Arthos có vẻ muốn ngồi một mình để phúc đáp thư hoặc suy nghĩ, d'Artagnan bảo Raoul:
- Ta đi quanh ra phòng binh khí một lát, nó sẽ làm anh khuây khỏa đấy.
- Cậu thiếu niên nhìn Arthos vẻ dò hỏi và được đáp lại bằng một dấu hiệu ưng thuận.
Cả hai ngươi đi sang một gian phòng thấp có treo những thanh kiếm tập, mặt nạ, găng tay, áo giáp và các thứ dụng cụ đấu kiếm.
Chừng mười lăm phút sau, Arthos đến và hỏi:
- Thế nào?
- Arthos thân mến ạ, đã ra vẻ tay kiếm của anh rồi đó, - D'Artagnan nói, - và nếu có thêm tính bình tĩnh của anh nữa thì tôi chỉ còn có chúc mừng anh ta mà thôi.
Cậu thiếu niên hơi xấu hổ. Có một vài bận cậu chạm được vào tay hoặc chân d'Artagnan thì ngược lại cậu bị đâm tới hai chục lần vào giữa thân mình.
Vừa lúc ấy, bác Chatlot vào đưa cho d'Artagnan một bức thư khẩn do một phái viên mang đến.
Bây giờ đến lượt Arthos liếc nhìn.
D'Artagnan đọc thư không để lộ một cảm xúc nào, và khi đọc xong anh khe khẽ gật đầu.
- Này bạn thân mến ơi, - anh nói, - công việc phụng sự là như thế này đây. Thật tình anh không muốn tham gia lại là đúng: ông De Treville(1) ốm và đại đội không thể thiếu tôi được, thành thử việc nghỉ phép của tôi mất toi.
- Cậu trở về Paris à? - Arthos vội vã hỏi.
- Ôi, lạy Chúa. Phải! - D'Artagnan đáp - Thế còn anh, anh không đến đấy ư?
Arthos hơi đỏ mặt và đáp:
- Nếu tôi đến đó, tôi sẽ rất sung sướng được gặp cậu.
D'Artagnan đứng ra cửa và gọi to:
- Ơ này, Planchet! Mười phút nữa ta sẽ ra đi, cho ngựa ăn lúa mạch đi nhé.
Rồi quay lại phía Arthos, anh nói:
- Tôi thấy dường như còn thiếu cái gì ở đây và tôi rất lấy làm tiếc phải từ giã anh mà không được gặp lại bác Grimaud hiền lành ấy.
- Grimaud à! - Arthos nói, - À, phải đấy, tôi cũng lấy làm lạ sao không thấy cậu hỏi về hắn ta. Tôi đã cho một người bạn mượn rồi.
- Ai mà có thể hiểu nổi những dấu hiệu(2) của hắn? - D'Artagnan nói.
- Tôi cũng hy vọng, - Arthos đáp.
Hai người bạn ôm hôn nhau thân mật.
D'Artagnan bắt tay Raoul và bắt Arthos hứa nếu đến Paris sẽ ghé thăm, mà nếu không đến thì cũng viết thư cho anh, rồi anh lên ngựa.
Planchet bao giờ cũng chính xác. D'Artagnan cười nói với Raoul:
- Anh không đi cùng với tôi ư, tôi đi qua Blois đấy.
Raoul quay lại phía Arthos, anh ngăn cậu ta bằng một dấu hiệu khó nhận thấy.
- Thưa ông, không ạ, - cậu thiếu niên đáp, - tôi ở lại với ông bá tước.
- Thế thì xin từ biệt cả hai, hai người bạn tốt của tôi, - D'Artagnan vừa nói vừa siết tay họ một lần cuối, - và cầu Chúa phù hộ cho các bạn giống như chúng ta thường nói với nhau mỗi lần từ biệt nhau dưới thời vị cố giáo chủ.
Arthos giơ tay chào, Raoul cúi mình thi lễ và d'Artagnan cùng Planchet lên đường.
Bá tước nhìn theo họ, tay vịn lên vai cậu thiếu niên đã cao gần bằng anh; phút chốc họ đã khuất sau bức tường.
- Raoul, - bá tước bảo, - tối nay chúng ta đi Paris.
- Sao!- Cậu thiếu niên nói, mặt tái nhợt.
- Anh hãy đến nhà bà Saint-Remy nói những lời từ biệt của tôi và của anh. Tôi sẽ đợi ở đây lúc bảy giờ.
- Cậu thiếu niên cúi chào với vẻ đau khổ xen lẫn biết ơn, rồi đi ra thắng ngựa.
Còn d'Artagnan vừa đi khuất đã móc bức thư ở trong túi ra đọc lại:
"Trở về Paris ngay lập tức J. M.".
- Bức thư thật khô khan, - D'Artagnan lẩm bẩm và nếu như không có một dòng tái bút, có lẽ ta cũng chẳng hiểu gì, nhưng may thay lại có dòng tái bút. Và anh đọc cả dòng tái bút trứ danh ấy, nó làm cho anh phớt qua cả cái khô khan của bức thư.
"Tái bút. Hãy đến ông trưởng kho bạc của nhà vua ở Blois, xưng tên ông ra và đưa bức thư này cho ông ta xem: ông sẽ được lĩnh hai trăm pistoles".
D'Artagnan nói:
- Dứt khoát là ta thích cái lối văn xuôi này và ông giáo chủ viết hay hơn ta tưởng nhiều. Nào Planchet, chúng ta hãy đến thăm ông trưởng kho bạc của nhà vua, rồi thì ta phóng.
- Về Paris ư, thưa ông?
- Về Paris.
Rồi cả hai người cho ngựa phi nước đại.
Chú thích:
(1) Theo truyền thuyết của đảo Syprơ, Pygmaliông là một nhà điêu khắc, ông tạo nên bức tượng nàng Galatê rồi si mê ngay bức tượng ấy. Sau nữ thần Aphrôdít ban phép cho bức tượng thành người sống và Pygmaliông lấy nàng Galatê
(2) Đại uý chi huy ngự lâm quân của nhà vua từ trong tập truyện "Ba người lính ngự lâm".
(3) Grimaud là người hầu của Arthos có thói quen sai bảo hắn việc gì toàn bằng dấu hiệu và cử chỉ. Grimaud làm theo hoặc đáp lại cũng bằng cử chỉ và dấu hiệu và thường câm lặng suốt ngày.