Dịch giả: Anh Vũ
Chương 7
D'Artagnan gặp khó khăn, nhưng một người quen biết của chúng ta đến giúp anh

D'Artagnan trở về vừa đi vừa đăm chiêu suy nghĩ. Anh thấy hào hứng khi mang túi tiền của giáo chủ Mazarin và khi nghĩ đến chiếc nhẫn kim cương đẹp trước kia đã từng là của anh và có một lát anh đã trông thấy nó lấp lánh ở ngón tay ông tể tướng. Anh tự bảo:
"Giá cái nhẫn kim cương ấy lại rơi vào tay mình, mình sẽ bán ngay lấy tiền, mình sẽ mua hết bất động sản ở chung quanh lâu đài của cha mình, ngôi nhà đẹp thật đấy, nhưng về công trình phụ chỉ có một mảnh vườn lớn gần bằng cái nghĩa trang. Những Kẻ Vô Tội. Ta sẽ ngồi nhà và đàng hoàng ngồi đợi một nàng thừa kế giàu có say mê cái tốt mã của ta và đến lấy ta; rồi ta sẽ có ba cậu con trai, ta sẽ nuôi dạy đứa lớn thành một đại thần như Arthos, đứa thứ hai - một chàng lính bảnh bao như Porthos, đứa thứ ba - một tu viện trưởng lịch sự duyên dáng như Aramis. Thực tình mà nói, như thế còn tốt hơn cuộc sống hiện nay của ta, nhưng khốn thay lão Mazarin là một tên đê tiện, chẳng có hảo ý nhường lại cái nhẫn kim cương ấy cho ta".
Không biết d'Artagnan sẽ nói thế nào khi anh biết rõ rằng hoàng hậu đã nhờ Mazarin đưa lại cái nhẫn ấy cho anh?
Về đến phố Tiquetonne, anh thấy có tiếng ồn ào và một đám tụ tập lớn ở quanh nhà anh.
- A, a! - Anh nói. - Hay là cháy ở quán "Con dê cái nhỏ"? Hay là chồng của nàng Madeleine xinh đẹp dứt khoát trở về.
Chẳng phải chuyện này cũng chẳng phải chuyện nọ. Đến gần, d'Artagnan mơi rõ là người ta tụ tập không phải ở trước nhà anh mà trước nhà bên cạnh. Người ta kêu la om xòm, người ta vác đuốc chạy và dưới ánh đuốc, d'Artagnan nhận ra những bộ quân phục.
Anh hỏi xem có chuyện gì xảy ra.
Người ta cho biết là có một thị dân cùng với hai chục người bạn đã tấn công một cỗ xe có các vệ sĩ của tể tướng đi hộ tống, nhưng có viện binh ập đến, đám thị dân bỏ chạy. Tên cầm đầu đám ấy trốn vào một nhà ở giáp quán và lính đang sục sạo trong nhà ấy.
Hồi còn trẻ, có lẽ d'Artagnan đã chạy tới chỗ anh nhìn thấy những bộ quân phục và giúp sức cho bọn lính chống lại đám thị dân; nhưng bây giờ anh đã ngán tất cả những cơn nóng đầu ấy rồi. Vả lại, trong túi đang có một trăm pistol của ngài giáo chủ, anh chẳng muốn mình phiêu lưu vào trong một đám đông.
Anh chẳng hỏi gì thêm và bước vào quán.
Xưa kia, bao giờ d'Artagnan cũng muốn biết rõ tất cả, giờ đây bao giờ anh cũng biết rõ khá nhiểu.
Anh thấy nàng Madeleine xinh đẹp không chờ đợi anh, vì tưởng anh ở đêm tại cung Louvre như anh đã dặn. Thấy anh trở về bất ngờ, bà mừng rỡ và nồng nhiệt đón tiếp anh, càng mừng hơn vì bà vừa mới trải qua một cơn sợ hãi hết hồn về việc đang xảy ra ở ngoài phố, mà bà thì không có một người lính Thụy Sĩ nào để bảo vệ cho bà.
Cho nên bà muốn bắt chuyện với anh và kể lể việc đã xảy ra; nhưng d'Artagnan bảo bà cho mang bữa ăn tối lên phòng anh và kèm theo một chai rượu vang Bourgogne lâu năm.
Bà Madeleine xinh đẹp được dạy cho quen với cách tuân lệnh kiểu nhà binh, nghĩa là theo một cử chỉ ra hiệu. Lần này d'Artagnan lại còn hạ cố nói nên lời, thành ra anh được bà tuân lệnh nhanh gấp hai lần.
D'Artagnan cầm chìa khóa và cây nến đi lên phòng mình. Để khỏi ảnh hưởng tới việc cho thuê phòng, anh tự bằng lòng với một phòng ở tận tầng tư. Vì tôn trọng chân lý, chúng tôi buộc phải nói thẳng ra rằng căn phòng ở ngay sát dưới ống máng và ở dưới mái nhà.
Đó là chiếc lều Asin(1) của anh. D'Artagnan ở lì trong buồng mỗi khi anh muốn trừng phạt Madeleine bằng sự vắng mặt của mình.
Sự quan tâm đầu tiên của anh là nhét túi tiền vào ngăn một cái bàn cổ mà khoá còn mới, anh cũng chẳng cần kiểm tra xem số tiền là bao nhiểu, rồi một lát sau, bữa cơm tối được dọn ra, chai rượu vang đem đến, anh cho tên hầu đi ra, đóng cửa và ngồi vào bàn.
Không phải suy nghĩ như người ta tưởng; nhưng d'Artagnan nghĩ rằng chỉ có thể làm tốt mọi việc bằng cách làm lần lượt từng việc một. Anh đang đói, anh ăn, rồi sau bữa ăn anh đi nằm. D'Artagnan cũng chẳng phải loại người cho rằng ban đêm thường đem đến cho người ta nhiều điều khuyên bổ ích: ban đêm d'Artagnan ngủ khì.
Nhưng trái lại buổi sáng, trong người tỉnh táo, tinh khôn hẳn, anh tìm thấy những cảm hứng hay nhất. Từ lâu anh chẳng có cơ hội để suy nghĩ vào buổi sáng, nhưng ban đêm anh vẫn ngủ.
Sớm tinh mơ, anh thức giấc, nhảy khỏi giường với một quyết tâm thật là lính và vừa đi lững thững quanh buồng, vừa ngẫm nghĩ.
- Năm 43 - anh nói - khoảng gần tháng sáu, khi cố giáo chủ qua đời mình nhận được lá thư của Arthos. Ở đâu nhỉ! Xem nào… à! Đó là tại cuộc bao vây  Besançon, mình nhớ ra rồi… mình đang ở trong hào? Cậu ta nói gì nhỉ? Cậu ấy ở một mảnh đất nhỏ, phải, đúng thế, một mảnh đất nhỏ; nhưng ở đâu? Mình đọc đến đấy thì có cơn gió cuốn bay đi. Giá như ngày xưa là hắn mình sẽ đi tìm, mặc dù gió cuốn lá thư ra một chỗ trống trơn.
Nhưng tuổi trẻ là một thiếu sót lớn… khi người ta không còn trẻ nứa. Mình đã để cho lá thư bay đi đến chỗ quân Tây Ban Nha, mang theo địạ chỉ của Arthos mà chúng chẳng cần đến và lẽ ra phải trả lại mình chứ. Vậy là không nghĩ đến Arthos nữa. Xem nào… Porthos. Mình đã nhận được bức thư của cậu ta, cậu ấy mời mình đến dự một hội săn lớn trong vùng đất đai của cậu ấy, vào tháng Chín năm 1646. Rủi thay. Hồi ấy mình đang về quê ở Bearn vì ông bố mình mất, lá thư đuổi theo mình, khi mình đi thì nó lại đến. Rồi nó lại theo mình và đến Montmédy mấy ngày sau khi mình rời thành phố này. Cuối cùng nó tới tay mình vào tháng Tư, nhưng lại là tháng Tư năm 1667 mà giấy mời đến dự vào tháng chín cuối năm 1646, cho nên chẳng còn tác dụng gì. Nào ta hãy tìm bức thư ấy và chắc nó phải có tước hiệu trang ấp?
D'Artagnan mở một cái hòm nhỏ cũ kỹ nằm ở góc buồng đầy những gỉấy tờ liên quan đến đất đai của d'Artagnan, từ hai trăm năm nay giấy tờ ấy hoàn toàn ra khỏi gia đình anh, và anh thốt ra một tiếng kêu mừng rỡ: anh vừa nhận ra một nét chữ to đùng của Porthos và ở dưới có mấy dòng chữ nhỏ li ti do bàn tay khô héo của bà phu nhân xứng đáng của cậu ta viết.
D'Artagnan không buồn đọc chơi lại lá thư, anh biết nó viết gì, anh xem vội địa chỉ.
Địa chỉ là: ở lâu đài du Vallon.
Porthos đã quên béng một chỉ dẫn khác. Trong niềm kiêu hãnh của mình, anh ta tưởng tất cả thiên hạ đều phái biết cái lâu đài mà anh ta đã lấy tên mình đặt cho nó.
"Quỷ bắt cái thằng huênh hoang này? - D'Artagnan nói, - bao giờ nó cũng vẫn thế! Tuy nhiên mình cần bắt đầu từ cậu ta, chắc nó chẳng cần đến tiền nong, nó đã thừa kế tám trăm nghìn livres của ông Coquenard (2). Này, đó là người cần nhất mà mình đang thiếu. Arthos uống rượu lắm vào chắc đến đần độn người ra rồi. Còn Aramis hẳn đang chìm ngập trong việc cầu nguyện!
D'Artagnan lại đưa mắt nhìn bức thư của Porthos.
Dưới thư có một dòng tái bút như sau:
"Cùng với chuyến thư này, tôi viết cho Aramis, anh bạn xứng đáng của chúng ta ở tu viện của anh ta".
"Ở tu viện của anh ta! Ừ, nhưng mà tu viện nào? Có đến hai trăm tu viện ở Paris và ba nghìn tu viện ở nước Pháp. Lại nữa khi vào tu viện cậu ta có thể đồi tên đến ba lần. A! Ví phỏng mình thông thái về thần học và chỉ cần nhớ cái chủ đề các luận án cậu ta tranh cãi rất hay với với ông linh mục Montdidie ở Crèvecoeur  và ông tăng viện trưởng dòng Jesus, mình sẽ biết cậu ta thuộc phái nào. Và từ đó suy ra cậu ta thờ phụng thánh nào. Kể ra nếu mình đến ông giáo chủ, xin ông ta cấp cho một giấy thông hành có thể vào bất cứ tu viện nào, kể cả tu viện các nữ tu sĩ nhỉ! Đó cũng là một ý hay và có khi mình sẽ tìm thấy cậu ta. Ở đấy giống như Asin… Ô, nhưng mà như thế khác gì thú nhận ngay từ đầu sự bất lực của mình, và ngay từ việc đẩu tiên mình đã đi đứt trong tâm trí của giáo chủ.
Những quan to chỉ biết ơn khi nào người ta làm cho họ cái việc không có thể. Họ sẽ bảo chúng ta rằng: "Nếu là việc có thể thì tôi tự làm lấy mình cũng được". Và những quan to nói phải. Nhưng hãy đợi tí và xem nào. Mình cũng đã nhận một bức thư của cậu ta, người bạn thân thiết, đúng thế nên cậu ta mới nhờ mình một việc nhỏ và mình đã giúp. À, đúng rồi, nhưng mình đã nhét cái thư ấy vào đâu chứ?
D'Artagnan ngẫm nghĩ một lát, rồi tiến về phía cái mắc áo treo những áo cũ của anh. Anh tìm chiếc áo khoác ngắn của mình dùng năm 1646, và do là một chàng trai có trật tự ngăn nắp, anh thấy nó được móc ở một cái đinh. Anh móc túi áo ra một mảnh giấy, đúng là thư của Aramis. Thư viết:
"Anh d'Artagnan, xin anh biết cho rằng tôi đang có chuyện xích mích với một người quý tộc, hắn đã hẹn tôi chiều nay đến quảng trường Hoàng cung. Vì tôi là một người tu hành và việc ấy có thể hại cho tôi nếu tôi cho người khác biết, ngoài một người bạn thật tin cậy như anh, nên tôi viết cho anh để nhờ anh làm người trợ thủ cho tôi.
Anh sẽ đến đường Neuve-Sainte-Catherine; tới ngọn đèn thứ hai bên phải, anh sẽ thấy địch thủ của anh. Tôi sẽ cùng địch thủ của tôi ở dưới ngọn đèn thứ ba.
Tận tình với anh, Aramis!"
Lần ấy chẳng có đến lời từ biệt. D'Artagnan cố nhớ lại kỷ niệm ấy. Anh đi đến chỗ hẹn, gặp địch thủ như đã dặn và anh chẳng biết tên, tặng hắn một nhát kiếm nên thân vào cánh tay, rồi anh đến chỗ Aramis thì Aramis cũng đã kết thúc cuộc đấu của mình rồi và đang đi đến với anh. Aramis nói:
- Xong rồi, tôi chắc là đã giết chết tên hỗn láo. Nhưng bạn thân mến ơi, nếu anh cần đến tôi thì anh biết rằng tôi hết lòng tận tụy với anh.
Nói xong Aramis bắt tay anh và biến đi dưới những ô cửa tò vò.
Thế là về chỗ ở của Aramis, d'Artagnan cũng chẳng biết rõ hơn chỗ ở của Porthos và Arthos. Vấn đề bắt đầu trở nên rối rắm, thì anh nghe như có tiếng một tấm kính ở phòng anh bị đập vỡ. Lập tức anh nghĩ ngay đến túi tiền ở trong bàn và lao ngay vào phòng.
Anh không lầm: lúc anh vào bằng cửa chính thì có một người vào qua cửa sổ.
- A! Tên khốn nạn! - D'Artagnan kêu lên, anh tưởng đó là một kẻ trộm và vớ lấy thanh kiếm.
- Ấy thưa ông? - Người kia kêu lên. - Lạy trời, xin ông hãy tra kiếm vào bao và chớ giết tôi mà không nghe tôi nói! Tôi không phải là một tên ăn trộm, trái lại, tôi là một thị dân hẳn hoi, có nhà cửa đàng hoàng. Tôi tên là… Ơ này, nếu tôi không lầm thì ông là ông d'Artagnan.
- Còn cậu, Planchet hả! - Viên trung uý kêu lên.
- Để hầu hạ ông, nếu tôi còn làm được, - Planchet mừng quýnh lên nói.
- Có thể lắm, - D'Artagnan đáp, - nhưng mà làm thế quái nào mà cậu lại chạy trên mái nhà vào lúc bảy giờ sáng giữa tiết tháng Giêng này?
- Thưa ông, ông cần biết rằng - Planchet nói, - nhưng xét ra có lẽ ông không nên biết.
- Ô hay, sao thế! Nhưng trước hết hãy đặt một cái khăn trước ô kính và kéo rèm lại.
Planchet vâng lời và khi làm xong, d'Artagnan hỏi:
- Thế nào?
Tên Planchet khôn ngoan đáp:
- Thưa ông, trước hết, ông đối với ông Rochefort thế nào.
- Rất tốt! Sao vậy? Rochefort ư, cậu có biết rằng ông ta bây giờ là một trong những người tốt nhất của tôi không?
- A, càng hay.
- Nhưng giữa Rochefort với cái cách đột nhập vào phòng tôi thì có liên quan gì với nhau hả?
- Ấy đấy thưa ông? Cần phải thưa với ông rằng ông de Rochefort…
- Mẹ kiếp! - D'Artagnan kêu - Tôi thừa biết ông ấy ở ngục Bastille.
- Nghĩa là ông ta đã ở đó, - Planchet đáp.
- Thế nào? Ông ta đã ở đó! - D'Artagnan kêu lên. - Phải chăng ông ta có diễm phúc thoát rồi?
- A, thưa ông, - đến lượt Planchet kêu lên, - nếu ông gọi đó là diễm phúc, thì mọi sự đều ổn, vậy phải nói với ông rằng, hình như hôm qua người ta cho người đến Bastille đem ông Rochefort đi.
- Mẹ kiếp, ta biết thừa, bởi vì chính ta tới kiếm ông ấy.
- Nhưng không phải ông đã đưa ông ta trở lại đó, thật may cho ông; bởi vì nếu tôi nhận ra ông trong đoàn hộ tống thì ông hãy tin rằng bao giờ tôi cũng kính trọng ông quá.
- Nói nốt đi, con khỉ! Nào, thế rồi sao?
- Ấy! Thế rồi khi đến giữa phố Hàng Sắt, nhân xe chở ông Rochefort đi qua một đám dân chúng và bọn lính áp giải hành hạ những người thị dân, thế là người ta ồn ào lên; người tù nghĩ cơ hội thật là thuận tiện, bèn tự xưng tên và kêu cứu. Lúc ấy tôi đang ở đó, tôi nhận ra tên ông bá tước de Rochefort và nhớ rằng chính ông ấy đã cử tôi làm viên đội trong trung đoàn Piémont, tôi bèn nói to lên rằng người tù này là bạn của quận công de Beaufort. Mọi người liền nổi dậy, chặn ngựa lại, đánh tan đoàn áp giải. Trong khi tôi mở cửa xe, ông Rochefort nhảy xuống đất lẫn vào đám đông. Khốn thay khi ấy một đội tuần tra đi qua, chúng hợp với toán vệ sĩ và tấn công chúng tôi. Tôi vừa đánh vừa rút về phía phố Tiquetonne, tôi bị đuổi riết phải trốn vào một nhà ở cạnh nhà này; bọn chúng đã bao vây, sục sạo nhưng uổng công. Tôi đã gặp ở tầng năm một người tốt bụng giấu tôi giữa hai tấm nệm. Tôi đã nằm lại trong chỗ ẩn nấp của tôi, hoặc gần như thế, cho đến sáng, và nghĩ rằng đến chiều họ lại bắt đầu những cuộc lục soát, tôi đánh liều bò lên ống máng, tìm kiếm một lối vào sau đó một lối ra trong một ngôi nhà nào đó không bị canh gác. Câu chuyện của tôi là thế đấy và thưa ông, xin lấy danh dự mà thề rằng tôi sẽ rất thất vọng nếu nó làm ông chán tai.
- Không đâu, - D'Artagnan nói, - thực sự tôi rất mừng là Rochefort đã được tự do, nhưng cậu có biết rõ điều này không: nếu cậu rơi vào tay những người của nhà vua, cậu sẽ bị treo cổ không dung tha.
- Mẹ kiếp, tôi biết lắm chứ! - Planchet nói- Đó chính là điều làm cho tôi sợ hết hồn, và đấy, về sau tôi rất mừng khi gặp lại ông; bởi vì nếu ông mà muốn giấu tôi thì chẳng có ai làm việc đó tốt hơn ông.
- Phải, - D'Artagnan nói, - tôi không đòi hỏi gì hơn, dù rằng tôi chỉ phải hy sinh không hơn không kém cái chức vị của tôi, nếu như người ta biết rằng tôi đã cho một tên phiến loạn ẩn náu.
- Ôi, thưa ông, xin ông biết cho rằng tôi có thể liều mạng vì ông.
- Cậu có thể thêm hẳn vào là cậu liều mạng rồi, Planchet ạ. Tôi chỉ quên những điều tôi cần phải quên, nhưng còn điều này, tôi muốn nhớ lại: Cậu ngồi xuống đây, bình tĩnh mà ăn đi, bởi vì tôi nhận thấy cậu nhìn những món ăn thừa của bữa ăn của tôi với một cái nhìn biểu hiện cảm xúc nhất.
- Vâng, thưa ông, bơi cái tủ buffet của nhà bên cạnh rất hiếm của chất bột, và vì trưa hôm qua tôi mới ăn có một lát bánh với mứt. Mặc dầu tôi chẳng chê các của ngọt khi nó đến đúng nơi đúng chốn, tôi thấy bữa ăn tối hơi nhẹ.
- Khổ thân cậu! - D'Artagnan nói. - Bình tâm lại đi.
- Ôi, ông ơi, ông đã cứu mạng tôi hai lần, - Planchet nói.
Rồi anh ta ngồi xuống bàn và ăn nghiến ngấu như những ngày nào ở phố Phu đào huyệt.
D'Artagnan tiếp tục đi đi lại lại, anh cố moi trong óc xem có cách nào tận dụng được Planchet trong những tình huống hiện nay của anh. Trong lúc đó Planchet ra sức hoạt động để bù lại những giờ đã mất.
Cuối cùng anh ta trút một hơi thở phào khoan khoái của một người đói lả báo hiệu rằng sau khi được chén một đợt đầu tiên và chắc dạ, anh ta tạm ngừng một chút.
D'Artagnan nghĩ đến lúc bắt đầu cuộc lục vấn, bèn nói:
- Nào, ta hãy tuần tự: cậu có biết Arthos ở đâu không.
- Không, ông ạ, - Planchet đáp.
Đồ quỷ! Cậu có biết Porthos ở đâu không.
- Cũng không.
- Đò quỷ! đồ quỷ! Còn Aramis?
- Cũng không nốt.
- Đồ quỷ! đồ quỷ! đồ quỷ!
- Nhưng, - Planchet nói với vẻ láu cá, - tôi biết Bazin ở đâu.
- Sao, cậu biết Bazin ở đâu à?
- Thưa vâng.
- Thế hắn ở đâu nào?
- Ở Nhà thờ Đức Bà.
- Làm gì ở Nhà thờ Đức Bà?
- Làm phụ thủ.
- Bazin phụ thủ ở nhà thờ Đức Bà? Cậu chắc chắn như vậy ư?
- Hoàn toàn chắc chắn, tôi đã trông thấy anh ta, tôi đã nói chuyện với anh ta.
- Hẳn là hắn ta phải biểt hắn ta ở đâu chứ?
- Chắc thế.
D'Artagnan ngẫm nghĩ, rôi lấy áo choàng và thanh kiếm, anh sửa soạn đi ra.
- Ông ơi, - Planchet với vẻ mặt thiểu não nói, - Ông bỏ rơi tôi thế này ư? Xin ông nhớ rằng, tôi chỉ còn hy vọng ở ông thôi.
Nhưng người ta sẽ chẳng đến đây tìm cậu đâu, - D'Artagnan bảo.
Anh chàng Planchet thận trọng nói:
- Cuối cùng người ta đến, ông nhớ cho rằng đối với những người trong nhà không trông thấy tôi vào, tôi ắt là một kẻ trộm.
- Đúng đấy, - D'Artagnan nói. - Này thế cậu có nói được một thổ ngữ nào không?
- Tôi còn biết hơn ấy chứ, thưa ông, - Planchet đáp. - Tôi nói một ngôn ngữ, ngôn ngữ Flamant.
- Cậu học nó ở nơi quái quỷ nào thế?
- Ở Artois, nơi tôi đã dự cuộc chiến tranh hai năm. Ông nghe xem: Goeden morgen, mynheer! ltk ben begeeray te weeten the ge sond hects omstand.
- Nghĩa là gì?
- Chào ông! Tôi nóng lòng muốn biết tình trạng sức khỏe của ông thế nào?
- Nó gọi đấy là ngôn ngữ? Nhưng không sao! - D'Artagnan nói, - thế mà tuyệt đấy?
D'Artagnan đi ra cửa gọi một thằng hầu và bảo nó mời bà Madeleine xinh đẹp lên.
- Ông ơi, ông làm gì đấy, - Planchet nói, - Ông định trao cái điều bí mật của chúng ta cho một người đàn bà sao?
- Cứ yên tâm, bà ta sẽ chẳng hé nửa lời.
Lúc ấy bà chủ quán vào. Bà tươi cười chạy đến, tưởng rằng sẽ thấy d'Artagnan một mình, nhưng vừa nhác thấy Planchet, bà kinh ngạc lùi lại.
- Bà chủ thân mến của tôi, - D'Artagnan nói, - tôi xin giới thiệu ông anh của bà từ xứ  Flandre đến, tôi nhờ ông ấy đến giúp việc tôi mấy ngày.
- Anh tôi! - Bà chủ nói, giọng mỗi lúc một sửng sốt.
- Hãy chào cô em đi, master Peter.
- Vilkom zueter! - Planchet nói.
- Goeden day, broer! - Bà chủ ngạc nhiên đáp lại.
- Câu chuyện là thế này! - D'Artagnan nói. - Ông đây là anh bà, có thể bà không biết. Ông ấy từ Amsterdam đến. Trong khi tôi đi vắng, bà sẽ sắm sửa quần áo cho ông ấy; khi tôi về, nghĩa là độ một giờ nữa, bà sẽ giới thiệu ông ta với tôi và theo sự gửi gắm của bà. Mặc đầu ông ta sẽ chẳng nói một tiếng Pháp nào, do tôi chẳng có gì từ chối bà, tôi sẽ nhận ông ta vào giúp việc cho tôi, bà hiểu chứ!
- Nghĩa là tôi đoán ra điều ông mong muốn và chỉ cần có vậy, - Madeleine nói.
- Bà là một người phụ nữ quý hoá, bà chủ xinh đẹp của tôi ạ, và tôi tin cậy ở bà.
Nói xong, d'Artagnan làm hiệu riêng với Planchet, rồi ra để đi đến Nhà thờ Đức Bà.
Chú thích:
(1) Asin - một danh tướng á thần trong thần thoại Hy Lạp, trong cuộc chiến tranh thành Troa dựng lều trú quân gần thành
(2) chồng cũ đã chết của vợ Porthos