Dịch giả: Anh Vũ
Chương 93
Do đâu mà người ta bắt đầu tin rằng cuối cùng Porthos sẽ là qnam tước và d'Artagnan sẽ là đại uý

Mười phút sau Aramis đến, có Grimaud và chín mươi nhà quý tộc đi cùng. Anh hớn hở ôm chầm lấy các bạn và nói:
- Thế là các anh đều được tự do rồi! Tự do không cần sự giúp đỡ của tôi? Thế là mặc dầu tôi đã hết sức cố găng mà chẳng làm được gì.
- Bạn thân mến ơi, chớ phiền lòng. Cái gì hoãn lại không phải là mất đâu. Nếu anh chưa làm được thì rồi anh sẽ làm.
- Tuy nhiên, tôi đã dùng nhiều biện pháp, - Aramis nói. - Ông chủ giáo cho tôi sáu mươi người; hai mươi người gác các bức tường từ Rueil đi Saint-Germain; hai mươi người phân tán trong rừng. Nhờ bài binh bố trận như vậy, tôi đã chặn được hai người mang thư của Mazarin gửi hoàng hậu.
Mazarin vểnh tai lên.
- Nhưng - D'Artagnan nói, - Tôi chắc rằng anh đã hành động một cách đứng đắn là gửi trả lại ngài giáo chủ những bức thư đó.
- À vâng, - Aramis đáp. - Đối với ông ấy mà tôi phải sốt sắng làm cái điều lịch sự như vậy ư? Trong một bức thư, giáo chủ tuyên bố rằng két vàng bạc đều rỗng và Hoàng thượng không còn tiền.
Trong bức thư kia, ông ta bảo rằng sẽ cho chuyển các tù nhân của mình đến Melun, vì Rueil không tỏ ra là một nơi khá an toàn. Bạn thân mến ơi, anh có biết không, bức thư sau này cho tôi nhiều hy vọng. Tôi cùng sáu chục người đã mai phục bao vây toà lâu dài, chuẩn bị ngựa và giao cho Grimaud thông minh này trông coi; và tôi chờ người đưa các anh ra. Tôi tính là phải đến sáng mai, và không mong giải thoát cho các anh mà không có đánh nhau. Thế mà tối nay các anh đã được tự do, tự do không có chiến đấu, càng tốt? Các anh làm thế nào mà thoát khỏi cái lão Mazarin đê tiện ấy? Các anh chắc oán lão ấy lắm nhỉ?
- Ít thôi - D'Artagnan nói.
- Thật ư?
- Có thể nói chúng tôi phải hài lòng về ông ấy.
- Vô lý!
- Thật đấy! Nhờ ông ấy mà chúng tôi được tự do.
- Nhờ ông ta?
- Phải. Ông ấy đã cho Bernouin, người hầu phòng của ông, dẫn chúng tôi ra vườn cam, rồi từ đó chúng tôi theo ông đến chỗ bá tước De La Fère. Rồi ông ta đề nghị trả tự do cho chúng tôi, chúng tôi chấp nhận, và ông ta còn tỏ ra ân cần đến mức chỉ đường và đưa chúng tôi đến tận bức tường của khu vườn mà chúng tôi vừa mới trèo qua với nỗi sung sướng nhất đời và đã gặp Grimaud.
- A, hay lắm, - Aramis nói, - việc này giúp tôi dàn hoà với ông ấy và tôi mong ông ấy có mặt ở đây để nói với ông ấy rằng tôi không tin rằng ông ta lại có khả năng làm một việc đẹp đẽ như thế.
- Không thể nhịn được lâu, d'Artagnan nói:
- Thưa Đức ông, tôi xin giới thiệu với ngài ông hiệp sĩ D'Herblay, ông ta đang muốn - Như ngài vừa nghe đấy - Dâng những lời chúc tụng cung kính lên Các hạ.
Và anh tránh ra để lộ Mazarin đang bối rối trước cái nhìn kinh hãi của Aramis.
- Ô ô! Aramis kêu lên, - giáo chủ à? Chiến lợi phẩm tuyệt quá? Ơ này, các bạn ơi, ngựa đâu, ngựa đâu?
Mấy kị sĩ chạy đến.
- Mẹ kiếp! - Aramis nói. - Có lẽ tôi cũng đã có ích cho một việc gì đó. Thưa Đức ông, xin ngài hãy hạ cố nhận cho tất cả những kính lễ của tôi. Tôi cuộc rằng ông thánh Christophe de Porthos(1) đây đã làm cái việc này! À, tôi còn quên…
Và anh khẽ ra lệnh cho một kỵ sĩ.
D'Artagnan nói:
- Tôi nghĩ rằng, ta nên thận trọng đi ngay thôi.
- Ừ, nhưng tôi còn đợi một người…, một người bạn của Arthos.
- Một người bạn à? - Bá tước hỏi.
- Kia rồi, anh ta đang phóng ngựa đến qua các bụi rậm.
- Ông bá tước ơi ông bá tước ơi! -Một giọng thơ trẻ vang lên khiến Arthos rùng mình.
- Raoul, Raoul! - Bá tước de La Fère reo lên.
Trong giây lát, chàng thanh niên quên bẵng sự kính lễ thông thường; anh nhẩy lên bá lấy cổ cha.
- Ngài giáo chủ xem đấy, - Aramis nói, - Thật là tai hại khi chia rẽ những con người yêu thương nhau như chúng tôi.
Rồi quay lại phía các kỵ sĩ đến tập hợp mỗi lúc một đông thêm, anh nói tiếp:
- Xin các ông hãy vây quanh Các hạ để tỏ lòng tôn kính ngài. Ngài rất muốn chiếu cố đánh bạn với chúng ta; tôi mong rằng các ông sẽ biết ơn ngài. Này, Porthos, chớ có rời mắt khỏi Các hạ nhé.
D'Artagnan và Arthos đang bàn bạc với nhau Aramis cũng đến bàn với họ.
- Nào, - D'Artagnan nói, - Sau năm phút bàn luận, chúng ta sẽ lên đường!
- Chúng ta đi đâu? - Porthos hỏi.
- Đến chỗ cậu ở Pierrefonds, bạn thân mến ạ. Toà lâu đài tráng lệ của cậu xứng đáng là nơi trú ngụ vương giả để mời Các hạ đến. Vả lại ở nó ở cách Paris chẳng gần quá mà cũng chẳng xa quá, người ta có thể thiết lập những việc liên lạc dễ dàng giữa đấy và Paris. Đến đấy, Đức ông sẽ như một ông hoàng, vì ngài cũng là một ông hoàng hẳn hoi.
- Một ông hoàng sa cơ, - Mazarin nói một cách thảm hại.
- Chiến tranh có những may rủi, Đức ông ạ, - Arthos nói - nhưng xin ngài hãy yên tâm là chúng tôi sẽ không lợi dụng nó đâu.
- Không, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng nó, - D'Artagnan nói.
Suốt đêm những kẻ cưỡng đoạt phóng với nhịp độ nhanh không biết mệt xưa kia, Mazarin ủ rũ và đăm chiêu, phó mặc cho người ta lôi cuốn mình đi giữa cuộc chạy đua của những bóng ma. Đoàn người phóng liền một mạch mười hai dặm thì trời vừa rạng đông. Một nửa đoàn mệt lử, mấy con ngựa ngã quỵ.
Porthos nói:
- Những con ngựa ngày nay không bằng những con ngựa ngày xưa. Mọi thứ suy vi cả.
Tôi đã phái Grimaud đến Dammartin, - Aramis nói, - Hắn ta phải mang đến năm con ngựa khỏe, một cho Các hạ và bốn cho chúng ta.
Điều cốt yếu là chúng ta không rời Đức ông; số người còn lại trong đoàn sẽ đuổi kịp chúng ta sau, đi qua khỏi Saint-Denis thì là chẳng còn sợ gì nữa.
Vừa đúng lúc Grimaud dẫn đến năm con ngựa. Vị lãnh chúa mà bác đến hỏi là một người bạn của Porthos. Ông vội vã không phải để bán như người ta yêu cầu, mà ông rất vui lòng đem biếu những con ngựa khoẻ mạnh hất của ông.
Mười phút sau, đoàn người đến Ermenonville, nhưng bốn người bạn với niềm hăng hái mới, phóng nhanh hộ tống Mazarin.
Giữa trưa họ đi vào con đường của lâu đài Porthos. Mousqueton đi bên d'Artagnan suốt dọc đường chẳng nói câu nào bây giờ mới thốt lên.
- A! Xin ông hãy tin rằng, từ khi ở Pierrefonds ra đi, đây là lần đầu tiên tôi mới thở được.
Và anh ta cho ngựa phi nhanh về để báo cho các gia nhân tin ông Du Vallon và các bạn bè ông sắp về.
D'Artagnan nói với các bạn:
- Chúng ta có bốn người, ta sẽ thay phiên nhau canh giữ Đức ông mỗi người canh ba giờ, Arthos đi thăm lâu đài cốt làm cho nó có thể cố thủ trong trường hợp bị bao vây. Porthos lo việc cung cấp, và Aramis lo việc đóng quân. Nghĩa là Arthos sẽ là kỹ sư trưởng, Porthos là tổng chỉ huy hậu cần, và Aramis là quan tổng trấn địa phương.
Trong khi chờ đợi, người ta đặt Mazarin tại gian phòng đẹp nhất của lâu đài. Khi đã yên vị, Mazarin nói:
- Thưa các ông, tôi đoán rằng các ông không giữ tôi ở đây lâu một cách bí mật chứ?
- Không đâu, - D'Artagnan đáp, - Trái lại chúng tôi tính sẽ sớm công bố việc chúng tôi giữ ngài.
- Thế thì các ông sẽ bị bao vây.
- Chúng tôi có tính đến chuyện ấy.
- Thế các ông sẽ làm gì?
- Chúng tôi sẽ tự vệ. Nếu như giáo chủ de Richelieu còn sống, ông ta sẽ kể cho ngài nghe một câu chuyện về pháo đài Saint-Gervais mà chỉ có bốn chúng tôi cùng với bốn đầy tớ đã chiếm giữ được, chống lại cả một đạo quân và còn diệt mười hai tên địch.
- Ông ơi, nhưng chiến tích ấy chỉ làm có một lần và không tái diễn nữa đâu.
- Cho nên ngày nay chúng tôi không cần phải anh dũng đến thế, ngày mai quân đội Paris sẽ được báo tin và ngày kia sẽ ở đấy rồi. Chiến sự đáng lẽ xảy ra ở Saint-Denis hoặc Charenton, sẽ diễn ra ở phía Compiègne hoặc Villers Cotterêts.
- Ngài Hoàng thân sẽ đánh bại các ông như đã luôn luôn đánh bại các ông.
- Cũng có thể, Đức ông ạ. Nhưng trước khi đánh nhau, chúng tôi sẽ đưa Các hạ đến một lâu đài khác của ông bạn Du Vallon chúng tôi, ông ta có ba lâu đài như cái này. Chúng tôi không muốn phơi bày Các hạ ra trước những sự may rủi của chiến tranh.
- Này ông, - Mazarin nói, - Tôi thấy là cần phải đầu hàng.
- Trước khi có cuộc bao vây ư?
- Phải, điều kiện có lẽ sẽ lợi hơn.
- A! Thưa Đức ông, về chuyện điều kiện, ngài sẽ thấy chúng tôi là rất biết điều.
- Thử xem những điều kiện của các ông là gì.
- Xin ngài hãy nghỉ ngơi đã; chúng tôi sẽ suy nghĩ…
- Tôi không cần nghỉ ngơi, tôi cần được biết tôi ở trong tay bạn bè hay thù địch.
- Bạn bè, Đức ông ạ.
- Vậy thì, hãy nói ngay điều mà các ông muốn để tôi xem có thể àn xếp giữa chúng ta được không? Bá tước de La Fére hãy nói đi.
- Thưa Đức ông, - Arthos nói, - tôi chẳng có gì để đòi hỏi cho riêng tôi, nhưng lại có quá nhiều để đòi hỏi cho nước Pháp. Cho nên tôi xin khước từ và nhường lời cho ông hiệp sĩ D'Herblay.
Arthos nghiêng mình và lùi lại một bước, rồi đứng tựa vào lò sưởi, như một khán giả bình thường của cuộc đàm phán.
- Ông hiệp sĩ D'Herblay nói đi, - giáo chủ bảo. - Các ông muốn gì? Đừng quanh co, mơ hồ. Xin nói rõ ràng ngắn gọn và rành mạch.
- Đức ông ạ, tôi sẽ chơi đường hoàng, bài đặt trên bàn.
- Vậy ông hãy ngả bài ra.
- Tôi có sẵn trong túi, - Aramis nói, - bản dự thảo các điều kiện mà phái đoàn đã đề ra cho ngài ngày hôm kia ở Saint-Germain, tôi là thành viên phải đoàn đó. Ta hãy tôn trọng những quyền lợi cũ, những yêu Pont-Neuf đưa thêm vào chương trình sẽ được chấp thuận.
- Chúng ta hầu như đã đồng ỷ về những điều kiện đó, Mazarin nói, - Ta hãy chuyển sang những điều kiện đặc biệt.
- Ngài tưởng rằng có những điều kiện đặc biệt ư? - Aramis mỉm cười hỏi.
- Tôi cho rằng tất cả các ông chẳng phải đều có tính vô tư giống như bá tước de La Fère đâu - Mazarin nói và quay chào Arthos.
- A! Thưa Đức ông, ngài nói đúng đấy, - Porthos đáp, - và tôi sung sướng là cuối cùng đã thấy ngài thừa nhận điều đó cho bá tước.
Bá tước de La Fère là một linh hồn thượng đẳng bay lượn lờ ở trên những ham muốn tầm thường và những dục vọng trần tục của con người. Đó là một tâm hồn cổ kính và cao thượng. Bá tước là một con người riêng biệt. Thưa Đức ông, ngài nói đúng, chúng ta không sánh được với bá tước, và chúng tôi là những người đầu tiên thú nhận với ngài điều đó.
- Porthos, - Arthos nói, - anh chế giễu đấy à?
- Không đâu, bá tước thân mến ơi, tôi nói điều mà chúng tôi nghĩ. Nhưng mà anh nói phải đấy, cái chính không phải là bàn về anh, mà về Đức ông và kẻ tôi tớ không xứng đáng của ngài là hiệp sĩ D'Herblay.
- Thế nào, - giáo chủ nói, - Ông mong muốn gì ngoài những điều kiện chung mà chúng ta sẽ bàn lại.
- Thưa Đức ông, tôi muốn rằng người ta ban xứ Normandie cho bà De Longueville, với sự xá tội hoàn toàn và đầy đủ, và năm trăm nghìn livres. Tôi muốn rằng Đức vua chiếu cố làm người đỡ đầu cho đứa con trai mà bà ta mới sinh hạ; Đức ông sẽ dự lễ rửa tội cho nó và sau đó sẽ đi dâng kinh lễ lên đức Thánh Cha giáo hoàng.
- Nghĩa là ông muốn tôi rút lui khỏi chức vụ tể tướng, tôi rời bỏ nước Pháp, tôi tự đi lưu đầy.
- Ấy tôi muốn rằng Đức ông sẽ là Giáo hoàng ngay kỳ khuyết vị đầu tiên, và tôi chờ dịp để khẩn cầu sự xá tội hoàn toàn cho tôi và các bạn tôi.
Mazarin nhăn nhó một cái thật khó tả.
- Thế còn ông? - Giáo chủ hỏi d'Artagnan.
- Thưa Đức ông, - Chàng Gascon nói, - Tôi đồng ỷ về mọi điểm với hiệp sĩ D'Herblay, trừ điều khoản cuối cùng mà tôi hoàn toàn khác với ông ấy. Tôi chẳng mong Đức ông từ giã nước Pháp mà muốn ngài ở lại Paris. Tôi chẳng mong ngài trở thành giáo hoàng mà muốn ngài vẫn làm tể tướng, bởi vì Đức ông là một nhà chính trị lớn. Nếu như vấn đề tuỳ thuộc tôi, thì tôi còn cố gắng để ngài cầm đầu cả phải La Fronde nữa; nhưng với điều kiện là ngài sẽ nhớ một chút đến những bầy tôi trung thành của đức vua và ngài sẽ trao đại đội ngự lâm quân đầu tiên cho một người nào đó mà tôi sẽ chỉ định. Thế còn ông, ông Du Vallon?
- Phải, - Mazarin nói, - đến lượt ông, nói đi.
- Tôi ư? - Porthos nói. - Tôi muốn rằng để làm vẻ vang cho ngôi nhà của tôi mà giáo chủ đã trú ngụ và để ghi nhớ cuộc phiêu lưu này, ngài sẽ phong tước Nam tước cho mảnh đất của tôi với lời hứa hẹn là thưởng huân chương cho một người bạn của tôi trong kỳ thăng nhiệm đầu tiên mà Hoàng thượng sẽ làm.
- Ông biết rằng muốn được thưởng huân chương phải tỏ rõ tài năng.
- Người bạn ấy sẽ tỏ rátrõ. Vả lại nếu nhất thiết cần như vậy. Đức ông sẽ bảo cho ông ta biết làm thế nào để tránh thủ tục ấy.
Đòn đánh thực là trực tiếp. Mazarin cắn môi để dằn cơn tức giận và trả lời với giọng cộc lốc.
- Tất cả những điều đó hình như dung hoà với nhau rất khó, các ông ạ. Vì nếu tôi thoả mãn người này thì tất nhiên sẽ làm mất lòng người khác. Nếu tôi ở lại Paris, tôi không thể đến Rome: nếu tôi trở thành Giáo hoàng, tôi không thể còn là tể tướng, và nếu tôi không làm tể tướng thì tôi không thể phong đại uý cho ông d'Artagnan và phong Nam tước cho ông Porthos.
- Đúng thế, - Porthos nói, - Ý kiến của tôi là một số ít, tôi xin rút kiến nghị của tôi về chuyện đi Rome và việc từ chức của Đức ông.
- Thế tôi vẫn là tể tướng à? - Mazarin hỏi.
- Ngài vẫn là tể tướng thoả thuận rồi Đức ông ạ, - D'Artagnan nói, - Nước Pháp cần đến ngài.
- Còn tôi, - Aramis nói, - Tôi xin từ bỏ những yêu sách của mình, Đức ông vẫn là tể tướng và là sủng thần của hoàng hậu nữa, nếu như bà vui lòng ban cho tôi và các bạn của những điều mà chúng tôi đòi hỏi cho nước Pháp và chúng tôi.
- Xin các ông hãy lo cho các ông và để nước Pháp dàn xếp với tôi như nó muốn, - Mazarin đáp.
- Không được, không được - Aramis nói, - Cần phải có một hiệp nghị với những người Fronde và xin các hạ vui lòng thảo ra và ký trước mặt chúng tôi và trong đó còn cam kết là sẽ được hoàng hậu phê chuẩn.
- Tôi chỉ có thể bảo đảm cho mình tôi, - Mazarin nói, - và không thể bảo đảm về hoàng hậu. Nếu như hoàng thượng từ chối thì sao?
- Ồ, d'Artagnan dap, Đức ông thừa biết rằng Hoàng hậu chẳng từ chối ngài cái gì.
- Này - Aramis hỏi, - Đây là bản hiệp nghị do phái đoàn Fronde đề xuất, xin Các hạ hãy đọc và xem xét.
- Tôi biết rồi, - Mazarin đáp.
- Vậy xin ngài ký đi.
- Các ông cần suy nghĩ rằng một chữ ký hạ bút trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay có thể bị coi là bị giật lấy bằng bạo lực.
- Đức ông sẽ có đó để nói rằng đây là tự nguyện ký.
- Nhưng cuối cùng, nếu tôi từ chối thì sao?
- Thế thì, thưa Đức ông, - D'Artagnan nói, - Các hạ sẽ hứng chịu những hậu quả sự từ chối ấy.
- Các ông dám đụng chạm đến một giáo chủ ư?
- Thì Đức ông đã từng đụng chạm mãi đến những ngự lâm quân của Hoàng thượng rồi còn gì.
- Hoàng hậu sẽ trả thù cho tôi!
- Tôi không tin đâu, Đức ông ạ, mặc dầu tôi không nghĩ rằng Hoàng hậu chẳng thiếu lòng mong muốn ấy. Nhưng tôi sẽ đến Paris cùng với Các hạ, và dân chúng Paris là người bảo vệ chúng tôi.
Aramis nói chêm vào:
- Lúc này ở Rueil và Saint-Germain, người ta lo lắng lắm đấy! Người ta hỏi nhau là giáo chủ ở đâu, tể tướng ra sao rồi, sủng thần đi đâu? Hắn là người ta đang nhao nhác tìm kiếm Đức ông ở khắp các hang cùng ngõ hẻm? Hắn là người phải bình luận ghê lắm, và nếu La Fronde biết tin Đức ông mất tích thì hẳn là La Fronde rất đắc chí
- Thật là ghê gớm, - Mazarin lẩm bẩm.
- Đức ông hãy ký bản hiệp nghị đi! - Aramis bảo.
- Nhưng nếu tôi ký mà Hoàng hậu không phê chuẩn thì làm thế nào?
- Tôi đảm nhận đến gặp Hoàng thượng, - D'Artagnan nói, - Và xin chữ ký của bà.
- Hãy coi chừng - Mazarin nhắc nhở: Tại Saint-Germain ông sẽ chẳng nhận được sự đón tiếp mà ông cho là có quyền chờ đợi đâu.
- Lo gì! - D'Artagnan nói, - Tôi sẽ thu xếp làm sao để mình là người được hoan nghênh, tôi có một kế.
- Kế gì?
- Tôi sẽ đưa Hoàng hậu bức thư mà Đức ông bảo với bà rằng tài chính đã hoàn toàn bị kiệt quệ.
- Rồi sao nữa. - Mazarin hỏi.
Rồi khi thấy Hoàng hậu bối rối đến cực điểm, tôi sẽ đưa bà đến Rueil, tôi sẽ dẫn bà vào vườn cam và tôi sẽ trỏ cho bà xem một cái lò-xo nào đẩy nó làm xoay chuyển một bồn cây.
- Thôi thôi, ông ơi! - giáo chủ lẩm bẩm. - Bản hiệp nghị đâu?
- Đây - Porthos đáp.
- Ngài, thấy rằng chúng tôi đại lượng lắm đấy chứ, - D'Artagnan nói, - Vì rằng với một bí mật như vậy, chúng tôi có thể làm được khối chuyện.
Aramis đưa bút cho giáo chủ và nói:
- Vậy thì xin ngài ký đi.
Mazarin đứng lên, đi đi lại lại một với vẻ mặt trầm ngâm hơn là thất vọng. Rồi đột nhiên ông dừng bước và hỏi:
- Các ông ơi, khí tôi ký rồi, thì có gì đảm bảo cho tôi?
- Lời thề danh dự của tôi, ông ạ, - Arthos nói.
Mazarin rùng mình, quay lại phía bá tước de La Fère, ngắm nghía một  gương mặt thật cao quý và trung thực ấy rồi cầm lấy bút và nói:
- Thế là đủ cho tôi rồi ông bá tước ạ.
Và ông ta hạ bút ký.
- Và bây giờ, - Ông nói thêm, - Ông d'Artagnan hãy sửa soạn đi Saint-German và mang một bức thư của tôi tới Hoàng hậu.
Chú thích:
(1) Theo truyền thuyết, thánh Cristoff đã kiệu cậu bé Giêsu lên vai để đi qua sông.