Mẹ gỡ tờ lịch đặt xuống mặt bàn, thốt lên như tiếng thở dài: “Trời, sao thời gian trôi nhanh quá vậy”. Tôi vẫn nằm yên trên giường, kéo chăn lên trùm đầu, tự hỏi tại sao lúc nào mẹ cũng thốt lên được một câu đầy ngạc nhiên như vậy.
 
Đã mấy năm nay rồi, lúc nào đối diện với thời gian mẹ cũng vậy. Cũng thấy ngày mới là một cái gì đó bất ngờ, cũng như muốn níu kéo một điều gì đó. Không bù cho tôi.
Tôi nằm trong chăn, thấy thời gian trôi như một bà già chậm chạp. Mẹ hỏi sáng nay Phương Anh không đi đâu à? Tôi lắc đầu, ngày nghỉ mà mẹ. Mẹ ừ nhỉ, lại thứ bảy rồi. Sao thời gian trôi nhanh thế không biết. Phương Anh có biết hôm nay là ngày bao nhiêu rồi không? Tôi cười, con chẳng để ý nữa, ngày tháng bây giờ có gì khác nhau đâu mà quan tâm hả mẹ.
Mẹ lắc đầu, hồi tưởng, ngày bằng tuổi Phương Anh, lúc nào mẹ cũng đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi con, chẳng có thời gian mà nghỉ chứ đừng nói gì đến nằm dài ngao ngán. Thôi mà mẹ, cả tuần con đã phải đối phó với sếp rồi. Một tuần chỉ có hai ngày nghỉ mà mẹ. Tôi cười nịnh, ôm vai mẹ. Mẹ cười, Phương Anh nhà mình chỉ được cái nịnh mẹ là giỏi thôi.
Mà gần mười giờ rồi, mày có ăn gì để mẹ đi nấu? Tôi lắc đầu, thôi mẹ ơi. Mẹ cứ để con tự làm. À mà hôm nay chú Cường không sang hả mẹ? Mẹ cười, ông ấy đi thăm con gái, đến chiều mới đến. Tôi rụt cổ vào chăn, đùa, hóa ra sáng nay mẹ cô đơn nên con mới có ân huệ được mẹ phục vụ đồ ăn sáng. Mẹ nheo đôi mắt vẫn còn rất đẹp, đỏng đảnh đi vào nhà trong, không ăn thì thôi, kệ mày.
Tôi nhìn theo bóng mẹ khuất vào nhà trong, thở dài, từ khi cha đi, lúc nào mẹ cũng coi tôi như là trẻ con, lúc nào cũng muốn bao bọc cho tôi như vậy. Ngày cha quyết định cùng đi với cô Mười, tôi tưởng là mẹ không sống được. Cô Mười là bạn thân của mẹ, thế mà cuối cùng lại là dì hai của tôi. Tôi nhớ, chiều đó mưa rất to, mẹ gần như chết ngất sau cánh cửa cha khép lại cùng lá đơn ly hôn, tưởng như không còn gượng dậy được nữa. Tôi đã ngồi một mình, tự hỏi rất nhiều lần rằng tại sao cha lại ra đi, nhưng không tìm được câu trả lời. Hỏi mẹ thì chỉ nhận được lời giải thích ngắn gọn rằng mẹ đã sai lầm khi đến với cha. Thế là hết. Mọi sự đều được gói gọn trong hai chữ sai lầm. Sau này, khi chia tay với chú Nghị, mẹ cũng chỉ ngắn gọn rằng mẹ sai lầm hệt như vậy. Dì Huyền và bà ngoại đã hết sức phản đối khi chú Nghị mang trầu cau đến nhà bà. Lúc ấy mẹ ba mươi sáu tuổi, đã qua những tháng ngày buồn rầu không có cha, đôi mắt đã đong đầy niềm vui, long lanh lắm. Mẹ bỏ ngoài tai mọi lời nhận xét của bà. Không nói được con gái, bà bực mình lôi tôi về nhà bảo mẹ mày đến già rồi cũng vẫn còn dại. Thế rồi những ngày tháng hạnh phúc bên chú Nghị cũng chỉ được chưa đầy bốn năm là chấm dứt. Chú Nghị hình như có bồ mới, mẹ cũng chẳng còn thiết tha gì.
Bà ngoại thở ngắn than dài khi mối tình thứ hai của mẹ nát tan. Bà bảo Phương Anh phải tránh vết xe đổ của mẹ. Tôi ngồi nghĩ mông lung, không biết làm thế nào để tránh. Những ngày đầu, mẹ và chú Nghị thật hạnh phúc, ít nhất là bên ngoài như vậy. Nhưng sau đó cứ nhạt nhẽo đi, dù chẳng ai thèm gây sự cãi vã. Chú Nghị thưa dần không về ăn cơm, mẹ thì hay về nhà bà ngoại. Chú Nghị bảo Phương Anh biết không, mẹ Hương của Phương Anh cực đoan quá nên tự làm khổ mình. Chú không thể nào hiểu đến tận cùng của Hương để cứu vãn mọi thứ được. Tôi công nhận là chú Nghị nói đúng, mẹ làm mọi thứ theo cảm hứng, và đã ghét ai thì ghét đến cùng. Công bằng mà nhận xét, chú Nghị là người tốt, chỉ có điều đa tình quá nên mẹ không chịu được. Những lúc mẹ bỏ về nhà bà ngoại, chú Nghị hay ngồi nói chuyện với tôi. Tôi cũng đã có những ngày tháng cố gắng hàn gắn cuộc hôn nhân của mẹ nhưng không có kết quả. Mẹ đã quyết định chia tay với chú Nghị và coi đó là một sai lầm. Chú Nghị đa tình thế mà vẫn sốc.
Thỉnh thoảng chú Nghị vẫn gọi điện rủ tôi đi ăn cơm trưa. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba đại học. Chú Nghị bảo chú thực sự mong Phương Anh sau này không giống mẹ. Tôi cười, con gái không giống mẹ thì giống ai? Mắt chú Nghị như xa xăm, giống mẹ Hương thì Phương Anh sẽ lại khổ. Chú Nghị là bố dượng nhưng không hẳn là dượng, đôi khi như một người bạn có thể chia sẻ những chuyện không đâu. Bạn bè nhìn vào không hiểu tại sao tôi và chú Nghị lại có thể nói chuyện với nhau được như vậy? Tôi cũng chẳng biết tại sao, có thể vì tôi đã quá quen với những cảnh như thế. Năm mười hai tuổi, cô Mười đã là dì hai của tôi. Tuy không thể tốt như mẹ, nhưng cô Mười là một phụ nữ dịu dàng. Tôi chấp nhận hằng tuần đến nhà cô Mười ăn cơm với bố vào bữa tối, lâu dần thành quen, không thấy cô Mười là người xấu như mẹ vẫn mắng. Chú Nghị cũng vậy. Chỉ có điều, tôi đặt ra nguyên tắc, bố mẹ chỉ có một và chỉ một người được gọi là bố là mẹ mà thôi.
Mẹ bây giờ đã gần năm mươi mà vẫn đẹp đến đáng phải ghen tị. Thụy đến nhà chơi thường đùa, em với mẹ giống hai chị em. Thụy là người hay đùa, nhưng điều ấy thì tôi công nhận anh nói thật, vì mọi người quanh tôi ai cũng nhận xét thế. Vẻ đẹp của mẹ quý phái mà không lạnh lùng, càng nhìn càng đậm đà. Sau chú Nghị, không ít người đến với mẹ, nhưng mẹ bảo mẹ không còn muốn tính đến chuyện hôn nhân. Tôi buồn cười, mẹ già rồi mà không muốn tính, còn tôi thì có muốn cũng không được. Những lần sau này gặp, câu đầu tiên mà chú Nghị quan tâm nhất là tình yêu tình báo gì chưa? Tôi lắc đầu, vẫn không đâu vào đâu hết. Chú Nghị cười ha hả, con gái chẳng giống mẹ chút nào. Mẹ đắt duyên thế mà con thì cứ như bà cô già. Mắt chú Nghị cười mà như có chút gì đó nuối tiếc. Tám năm rồi sau cuộc hôn nhân thất bại với mẹ, chú Nghị vẫn chưa có vợ mới, nhưng bồ bịch thì nhiều vô cùng. Tôi nghe chú kể mối tình gần đây nhất là với một cô làm chung phòng, kém gần mười lăm tuổi.
Đồng hồ đánh mười một tiếng, chậm chạp. Chiếc đồng hồ này là kỷ niệm chú Nghị mang từ Nga về, thứ duy nhất mẹ còn giữ lại. Bây giờ mẹ cần gì đã có chú Cường lo, mà nói chung là mẹ cũng chẳng cần gì, vì mọi thứ mẹ đã đầy đủ. Tôi vẫn nằm trong chăn, thấy chân tay mỏi rã rời. Cả tuần ngủ ít cứ ước mong có một ngày thứ bảy không phải dậy sớm, chỉ ngủ thôi. Thế mà ngủ nhiều quá thì cũng thấy người mình bải hoải như là làm sao vậy. Tôi với tay lấy điện thoại, bấm vào máy của Du, hỏi có muốn đi cà phê ở đâu không vậy? Du cười, từ sáng đến giờ đã hai cữ rồi, đang ngồi ở Phố Cũ, đến đi.
Tôi chồm dậy, với tay khoác chiếc áo len. Cái áo này Thụy đã mua cho tôi từ vài năm trước, đến tận giờ vẫn đẹp. Ngày Thụy đi học ở Anh, ai cũng bảo sao tôi lại “thả” người yêu như vậy. Thụy đẹp và đa tình, chú Nghị bảo sợ Phương Anh không giữ được nó đâu. Khi mới đi, gần như ngày nào Thụy cũng gửi email về, nhưng càng ngày tình cảm càng nhạt bớt. Đến tận bây giờ thì nhiều khi viết thư tôi còn phải ngồi nghĩ khá lâu xem mình định viết gì. Tất cả có vẻ chỉ còn chờ một lá thư chia tay mà chưa ai viết. Tôi thì không dám, còn Thụy, chắc không nỡ làm tôi đau.
Vì thế mà tôi đến giờ vẫn còn cô đơn. Không hẳn là mất Thụy nhưng tôi biết mình sẽ chẳng có anh được nữa. Hai mươi tám tuổi, đẹp, có học, có mối tình với một tiến sĩ đang ở nước ngoài, nhiều người nhìn vào tôi tưởng như hạnh phúc, thế mà lúc nào tôi cũng cảm thấy cô đơn. Du đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ trên môi, hỏi sao đến muộn thế. Tôi kéo ghế, mới ngủ dậy, thứ bảy mà. Du ừ, cắn hạt dưa tí tách. Đến cả cách Du cắn hạt dưa cũng sành điệu. Du đẹp, một cách lộng lẫy khiến ai thấy cũng phải ngoái nhìn. Không ít lần đi với Du, tôi đã ghen tị vì vẻ đẹp ấy. Đàn ông nhìn thấy sự thành công của nhau thì đố kỵ, còn phụ nữ ghen tị vì sắc đẹp của người khác. Đôi khi, tôi tự an ủi mình Du đẹp nhưng nhạt nhẽo. Phải nhìn thấy điểm yếu của người khác thì mới chơi với người ta được, không thì lại suốt ngày ghen tức mất thôi.
Du hỏi, dạo này anh Thụy có hay gửi email về không? Tôi không ra gật cũng không ra lắc đầu, đáp lại ơ hờ thỉnh thoảng cũng có liên lạc. Du nhìn tôi như thương hại, hay là Phương Anh yêu người khác đi. Yêu ai và ai yêu, tôi thốt lên. Cảm thấy bực mình vì bao giờ gặp tôi Du cũng chỉ hỏi về chuyện đó. Tại sao Du không mang những câu chuyện khác ra để chuyện trò? Còn Du thì sao? Tôi nhăn nhó. Vẫn vậy, vẫn có mấy thằng dở hơi theo đuổi nhưng không duyệt ai hết. Trên đời này bọn đàn ông lịch thiệp chết hết rồi hay sao mà mình toàn gặp những thằng dở hơi? Du ôm đầu, có vẻ như thở than. Tôi chán nản vì lại phải nghe những điệp khúc đã quá quen thuộc của Du. Có quá nhiều người vây xung quanh Du nên lúc nào nó cũng coi thường người khác. Tôi cố gắng cười với Du, thôi đi mà, bà trẻ. Đừng trèo cao rồi ngã đau. Thấy bải hoải hết cả người, tự nhiên muốn về nhà kinh khủng.
Tôi về nhà khi anh Long Vũ đang hướng dẫn người chơi giải nốt những ô chữ cuối cùng của chiếc nón. Mẹ đang say sưa cùng ngồi giải với ba người chơi trên truyền hình. Mẹ thật lạ, càng nhiều tuổi mẹ càng là một người lạc quan, dường như chẳng có gì làm mẹ phải phiền lòng cả. Bao nhiêu nỗi buồn của mẹ, chỉ cần qua một trận khóc là theo nước mắt trôi đi hết. Mẹ thấy tôi mở cửa vào nhà, quay sang hỏi sao đi uống cà phê gì mà nhanh thế, hết chuyện để buôn à? Tôi cười vì ngôn ngữ trẻ trung của mẹ, nói vâng. Mẹ cười, tiếp tục say sưa với mấy ô chữ, hồi lâu bất ngờ bảo mẹ cũng có chuyện muốn nói với Phương Anh. Con còn hứng thú nói chuyện không vậy? Tôi bảo mẹ cứ nói đi, hứng thì không nhưng mẹ nói con vẫn nghe được. Mẹ nhìn tôi, gần như là thăm dò, rồi tắt máy truyền hình.
Đôi mắt mẹ dài, lóng lánh những niềm vui. Khi mẹ buồn hay vui, đôi mắt đều không giấu được. Mẹ hỏi, Phương Anh có biết hôm nay chú Cường đi thăm con gái vì chuyện gì không? Tôi lắc đầu, làm sao con biết được.
Để nói một chuyện quan trọng, mẹ và chú Cường sắp lấy nhau, con thấy thế nào? Tôi thở dài nhẹ nhõm, chẳng thấy thế nào hết. Đó là kết cục mà tôi nghĩ, đã phải đến từ cách đây hai năm trước chứ không phải bây giờ. Vợ chú Cường mất sáu năm rồi, chú cũng có một người con gái đã lấy chồng, và điều quan trọng là chú yêu mẹ. Mẹ cười, bẽn lẽn. Đáng nhẽ mẹ muốn chờ Phương Anh đi lấy chồng. Cả mẹ và chú Cường đều muốn lo cho con, mẹ sợ con buồn. Nhưng bây giờ thì không biết Thụy thế nào... Tôi vâng, cúi đầu. Không có gì phải lo cho con hết, con lớn rồi mà mẹ. Mẹ lại cười, hạnh phúc, như thể đó là mối tình đầu. Lần nào yêu ai và kết hôn mẹ cũng cười như vậy. Nụ cười của mẹ như thể quên hết ưu phiền. Tôi chịu không làm nổi. Cũng có lẽ như thế mà mẹ trẻ lâu, vì mẹ chẳng có gì phải suy nghĩ hết.
Đêm dài miên man, những đợt gió mùa Đông Bắc gõ vào cửa kính ào ạt. Tôi nằm, không thể chợp mắt được khi nghĩ đến đám cưới của mẹ. Không lẽ nào tôi lại để mẹ phải chờ đợi con gái đi lấy chồng rồi mới được cưới? Đó là niềm hạnh phúc mẹ đáng được hưởng. Ngày mẹ bằng tuổi tôi, mẹ đã có con gái được sáu tuổi, mà tôi thì đến tận bây giờ vẫn không biết tương lai tình yêu của mình thế nào, không dám làm gì để thay đổi. Bởi vì tôi không muốn phạm phải sai lầm của mẹ, vì tôi không thể vô tư làm lại và cả lý do là tôi không đủ sức hấp dẫn như mẹ. Rất lâu rồi tôi mới khóc, cho cuộc sống hai mẹ con của mình. Và cuối cùng, tôi quyết định bật đèn ngồi vào máy tính viết thư cho Thụy. “Thụy ơi...”.