Chương II
Ngôi sao trong tâm hồn

Mùa hè đã đến lúc như chiếc khăn thần giải bàn bỗng một chốc cho thiên nhiên biết bao món ăn quí; trong rừng sâu, hắc mai đã chín, ở những khu rừng rậm, bên những sông nhỏ và dòng suối hay cạnh các mạch nước, anh đào dại đã trĩu quả. Đây là lúc không khí sặc mùi phúc bồn tử đen, cây tầm ma, và đầy tiếng vo ve của hàng triệu con côn trùng có cánh. Những chiếc mạng nhện lớn, lấp lánh như bạc dưới ánh nắng mặt trời. Trên các mỏm đất cao, việt quất chín mọng khoe màu sặc sỡ.
Tất cả những ai có thể đi vào rừng taiga là đều đi hái quả. Những quả hắc mai màu xanh đen được phủ một lớp bụi lông trắng mỏng, trông đẹp một cách lạ lùng. Những quả chín mọng nước, to bằng đầu ngón tay út đung đưa trên những cành mảnh khảnh, chỉ cần khẽ đụng một cái là có thể rụng xuống đất hàng loạt. Người ta hái hắc mai bằng những chiếc gáo con, làm bằng vỏ đồ hộp, mép trước có răng cưa. Chỉ cần kéo đi kéo lại vài lần chúng đã rụng đầy gáo. Thậm chí, cả những người chậm chạp nhất cũng có thể hái đầy thùng trong vòng hai ba giờ. Hắc mai được đem làm bánh ngọt, cho lên lò sưởi sấy khô để dành mùa đông, đem ăn với sữa, một thời gian lâu sau, răng vẫn cứ xanh lè. Vào những dịp này, nhà ai cũng phảng phất mùi quả chín ngọt dịu.
Sau hắc mai là đến lam mai, một loại quả lớn hơn, có màu lam, nhưng trong thời gian chiến tranh, người ta ít hái vì chua, chỉ để làm mứt là tốt nhưng không có đường. Việt quất là thứ quả được dân Taisét hái nhiều hơn cả. Mà việt quất thì nhiều lắm. Ai đi hái chẳng thích. Hắc mai còn bị khô héo, dập nát chứ việt quất thì cứ như những hạt đậu nhỏ lăn vào gáo rồi vào giỏ, những chiếc lá nhỏ, cứng, kêu sột soạt. Về nhà dễ nhặt sạch và vặt lá, một công việc khá thú vị. Người ta thường đặt lên bàn một tấm gỗ dốc thoai thoải, hai bên có mép chắn. Đổ việt quất lên tấm gỗ, quả lăn xuống dưới còn rác và lá thì đọng trên mặt gỗ. Sau đấy, chúng được đem ngâm để dành mùa đông; cho vào thùng, đậy nắp gỗ lên rồi lấy đá nặng nén chặt. Dần dần, việt quất sẽ cho một thứ nước giống rượu nho ủ lâu năm, ngày một giọt. Sau một công việc nặng nhọc, hay sau khi ở nhà tắm hơi ra được uống một cốc thì không còn gì bằng!
Suốt bốn mùa, cái đặc sản hiếm có này của rừng Xibêri đã giúp rất nhiều cho người dân ở đây.
Vào ngày chủ nhật cuối cùng của háng Tám, các cậu rủ nhau đi hái mâm xôi cạnh ga Bairônốpca. Đây là vùng nhiều phúc bồn tử, cả những người ở xa cũng tìm tới đây.
Tối hôm trước, Côlia gặp Tamara ngoài đường làng, cạnh giếng, khi cô bé đi lấy nước. Suốt mùa hè, Tamara cùng các bạn trong lớp làm việc ở nông trang tập thể. Cô bé lớn hẳn lên và bây giờ trông giống một cô gái Xibêri chính cống – đi chân đất, mặc áo xaraphan điểm hoa, một tay xách hai chiếc thùng, một tay cầm chiếc đòn gánh.
- Thế nào, đã về rồi à? – Côlia hỏi, thậm chí quên cả chào, ngắm nhìn cô bé như mới gặp lần đầu.
Tamara nhận thấy điều đó, lúng túng. Cô bé để chiếc đòn gánh lên vai, không hiểu để làm gì rồi lại đặt xuống, mặt đỏ ửng
- Mình vội, Côlia ạ. Ở nhà đang chờ nước – Tamara liền nói rồi đi lại gần giếng nước - Bọn mình về hôm qua…
- Sao Tamara phải ra đây lấy nước? Cạnh nhà bạn có giếng cơ mà? – Côlia hỏi tiếp, quên khuấy là các bạn đang chờ mình ở nhà Giamin.
- Người ta quên đậy nắp giếng, có con mèo nhà ai bị chó đuổi đã rơi xuống đó… - Tamara vừa đáp, vừa cho gầu xuống giếng. Cô bé phải nhón chân khi quay tời kéo nước. Côlia nhìn Tamara và nghĩ thầm: nhỡ ra tay quay bỗng tuột khỏi tay cô ta thì sao?
- Để mình giúp nhé? - cuối cùng cậu cũng nghĩ ra việc cần làm, rồi nắm lấy tay quay, quay vù vù làm lắc mạnh cả giàn giữ.
- Ôi! – Tamara kêu lên – Khéo không đứt dây đấy…
- Mình mà quay thì không đứt được! – Côlia vui vẻ đáp, vừa lấy lòng bày tay hãm dần tay quay, cho đến khi chiếc gầu chạm mặt nước, dây kéo căng. Côlia kéo dây xách gầu nước và nói: - Đấy, thấy không, ổn cả… Bọn mình sắp đi hái phúc bồn tử - cậu nói tiếp – Chúng mình biết những chỗ chỉ hai ba giờ là có thể hái đầy thùng.
- Làm gì có chuyện ấy! – Tamara nói vẻ không tin
- Tamara không tin à? Cứ hỏi Giamin mà xem…
- Cho bọn mình đi với.
- Bọn mình là ai?
- Là mình và Nhura. Mình chưa bao giờ hái quả ở rừng taiga thực sự.
- Không hiểu các cậu ấy thế nào chứ mình thì… được thôi…
Trong lúc nói chuyện, Côlia đã múc đầy cả hai thùng nước. Tamara móc hai đầu đòn gánh vào thùng, rồi bước đi từng bước ngắn. Nước trong thùng sóng sánh té ướt chân và gấu váy cô gái. Côlia rất muốn lại giúp nhưng một cảm giác xấu hổ nào đó rất khó tả đã bắt cậu ta đứng im.
- Thế là bọn mình ngày mai cùng đi với các cậu nhé? – Tamara ngoái lại nói
- Được, chuẩn bị đi! – Côlia nói theo rồi chạy một mạch tới nhà Giamin, nơi các bạn đang đợi cậu.
- Cậu làm gì mà lâu thế? - mấy cậu kia hỏi
- À, mình phải giúp cô bé người Matxcơva lấy nước – Côlia lấy giọng bàng quan đáp
- Cô ấy đã về rồi à? – Giamin đỏ mặt hỏi
- Ừ, - Côlia đáp – cô ta bảo có con mèo rơi xuống giếng ở nhà… Trông cô ta mà buồn cười. Người thì bé, phải với tay mới tới tay quay… Thành ra mình phải giúp… Buồn cười thật…
- Có gì mà phải buồn cười? – Giamin bỗng hỏi - Thế cậu cho là nếu cô ta cao như cây sào thì hơn à?
- Cây sào? Mình nói là nói thế thôi, chưa gì cậu đã bảo là “cây sào”… Mình chỉ giúp cô ta…
- Thì hãy nói trắng ra là cậu thích cô ấy – Gôga vừa nói vừa cho thức ăn vào thùng và nhìn Côlia vẻ ghen tị - Con gái Mátxcơva cơ mà!
- Này, nếu cậu muốn biết thì mình nói cho mà nghe. Mình hoàn toàn không thích một đứa nào trong bọn con gái cả, - Côlia nổi nóng – Còn cái cô này thì được nước gì nào? Hả? Có đuôi sam và tóc quăn à? Người thì thấp bé, gánh có hai thùng nước mà đã còng lưng, rụt cổ lại. Chắc là lần đầu tiên đi chân đất ra đường, lúng túng, không biết nhìn vào đâu. Chỉ có mình không để lộ ra mà thôi…
- Sao lại nói với mình làm gì? Đối với mình thì điều đó hoàn toàn không quan trọng – Gôga nói để làm bạn nguôi giận – Thôi, giúp mình chuẩn bị đi, kẻo sáng mai phải dậy sớm.
Giamin nghe hai bạn đấu khẩu nhau và cảm thấy tất cả những gì liên quan đến cô bé Mátxcơva không phải là không quan trọng đối với cậu. Suốt mùa hè qua, một ngày làm việc mười hai giờ, cậu không hề gặp Tamara một lần nào. Tất nhiên, cậu có thể gặp nếu đi vào rạp chiếu bóng hay câu lạc bộ đường sắt, nhưng có lúc nào được rỗi đâu. Từ xưởng về, cậu phải giúp mẹ bổ củi để dành mùa đông, tưới rau, xách nước… Chủ nhật thì cầm liềm vào rừng cắt cỏ cho bò, xếp lên xe chở về nhà phơi khô. Tuy thế, Giamin vẫn luôn luôn nhớ đến Tamara và lúc nào cũng thấy lo lắng, hình như những người xung quanh đã thấu tận đáy lòng của cậu và biết được tình cảm của cậu đối với cô bé người Mátxcơva kia. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là trước kia, đi làm về, cậu ngủ say không bao giờ mộng mị, thế mà bây giờ hầu như đêm nào cậu cũng mơ thấy Tamara, bao giờ cũng muốn nói với cô một điều gì, hay làm một việc gì tốt lành nào đó. Một lần trong mơ, thậm chí cậu còn định hôn cô ta nữa, nhưng cô ta, đúng như cậu vẫn thấy trong phim, đã cho cậu một cái tát nên thân, làm cho cậu chợt tỉnh. Từ đó, Giamin cố không nghĩ về Tamara. Thế mà bây giờ Côlia lại đang nói về Tamara như thể đoán ra Giamin đang nghĩ gì, và chủ tâm trêu cậu…
- Này các cậu, - Côlia thận trọng nhìn Gôga, hạ giọng nói – mình chưa nói với các cậu điều quan trọng nhất: đó là việc Tamara và Nhura muốn đi hái phúc bồn tử với bọn mình - rồi cậu lại liếc nhìn Gôga, tin lần này chắc Gôga thế nào cũng chế giễu.
- Và tất nhiên cậu vội bảo: hay lắm, chuẩn bị đi! Bọn tớ có các cô đi sẽ vui hơn! – Gôga chộp ngay
- Thì cậu bảo tớ còn biết nói thế nào nữa! Cô ta bảo chưa bao giờ được thấy rừng taiga thực sự…
- Đấy, đấy, thế mà cứ bảo là cậu không thích cô bé Mátxcơva
Giamin cố giấu không cho các bạn nhận thấy là mình đang vui sướng. Ngày mai, Tamara sẽ ở với các cậu suốt ngày. Cậu sẽ xách giỏ cho cô, hái cho cô những quả to nhất, chín nhất. Tamara chỉ việc hát và hái hoa. Lúc này trong rừng, trên các gò đất cao có thể hái được hoa xaranca, một loại hoa màu da cam có chấm. Không hiểu sao cậu cảm thấy như loại hoa này, trong điệu nhạc buồn, có thể tự kể cho mọi người nghe vì sao chúng đẹp thế mà không có mùi thơm. Từ ngày biết Tamara yêu hoa, Giamin cũng bắt đầu chú ý tới chúng, cái đẹp, cái kì lạ của thiên nhiên. Cậu sẽ dạy Tamara cách đào cả bụi xaranca, và nhất định sẽ cho cô nếm các củ của nó có vị ngọt như dưa bở. Như tất cả các cậu bé Taisét, Giamin rất thích ăn củ loại hoa này. Không hiểu Tamara có thích không nhỉ? Sao lại không? Như cậu chẳng hạn, cậu sẽ thích tất cả những gì Tamara thích… Và sau nữa, thế nào cậu cũng phải làm một việc gì đó thật đặc biệt để Tamara chú ý đến cậu… Bỗng Giamin cảm thấy hoảng hốt: nếu Tamara thích Côlia hơn cậu thì sao? Cậu cảm thấy hai má mình nóng bừng. Và cậu tưởng tượng bỗng có con gấu nhảy từ bụi rậm ra, há miệng xông vào Tamara. Lúc ấy, Giamin sẽ cho mọi người biết cậu là người thế nào! Cô bé thấy gấu thì sẽ hoảng sợ kêu thét lên. Còn cậu thì vượt lên mọi người, lấy gậy gõ vào chiếc thùng rỗng, tiến thẳng về phía chúa tể rừng taiga…
“Giamin, quay lại!” – Tamara sẽ kêu lên và ngã xuống, bất tỉnh. Còn Giamin, thì vẫn tiếp tục gõ thùng, vừa đuổi theo con gấu đang bỏ chạy rồi quay lại với Tamara, bế cô lên tay mang về tận nhà. Côlia và Gôga tất nhiên sẽ muốn giúp đỡ, nhưng cậu nhất định sẽ không giao cô bé cho ai. Còn Nhura lắm mồm thì thế nào cũng sẽ chạy theo, than thở cho đến tận nhà: “Trời ơi, Tamara, làm sao thế này! May mà cô có được một người bạn dũng cảm như vậy”.
- Này, cậu làm sao thế? – Côlia cắt đứt dòng suy nghĩ của Giamin – Mình gọi, gọi mãi mà cậu cứ như thằng điếc…
Giamin lúng túng một lúc rồi sôi nổi nói:
- Không, các cô ấy sẽ không đi hái phúc bồn tử với bọn mình.
- Và chính mình cũng nghĩ thế - Gôga lên tiếng.
- Cậu quên là vùng ấy năm ngoái gấu đã tha đi một bà à? Bà ấy đi xa mọi người chừng bốn chục bước, thế mà… Và chắc cậu còn nhớ chính bọn mình cũng đã gặp ở đấy một chú gấu con, phải không? Cũng may mà bọn mình đang đứng tụm với nhau và gõ thùng đến nhức óc nên nó phải bỏ chạy. Còn bọn con gái, thì chỉ cần thấy thế cũng đủ chết ngất rồi…
- Ừ, đúng thế, - Côlia nói – Nhưng khốn nỗi cô ta tha thiết xin đi… Và nói là muốn được thấy rừng taiga thực sự.
- Cô ta là con gái thì cô có thể xin đi, - Gôga lại nói – Cô ta có biết vùng ta đâu. Cứ làm như công viên Mátxcơva không bằng… Chắc lại nghĩ là ở công viên Mátxcơva có cây thì trong rừng taiga cũng có cây. Thật buồn cười… Các cậu có nhớ năm ngoái cả lớp vào khu rừng cạnh Taisét không? Cô ta hái đúng một ôm hoa lan tiên, hoa anh đào dại… Người khác hỏi tại sao hái nhiều thế, cô ta ôm chặt vào ngực, đáp: “Thế nhỡ sau không tìm thấy nữa thì sao?” Đấy, buồn cười không? Sợ không tìm thấy hoa ở rừng taiga!
- Có gì mà buồn cười? – Giamin vặn lại - Cậu mà đến Mátxcơva xem có làm người ta ôm bụng lăn ra mà cười không?
- Bao giờ thì các cháu mới tản về nhà hở? – Thím Samsura hé cửa sổ, nói vọng ra - Định sáng mai dậy sớm mà bây giờ cứ chần chừ mãi, thật là những người hái quả hạng bét.
- Chúng con xong rồi, trong khoảnh khắc thôi mẹ ạ - Giamin đáp
- Miệng bảo trong khoảnh khắc mà suốt một giờ rồi vẫn cứ quanh quẩn bên mấy chiếc thùng. Như thể sửa soạn đi xa hàng tuần ấy không bằng… Giamin, đi tìm con bò về hộ mẹ. Bò người ta về hết rồi mà con Pêxtrukha nhà mình vẫn chưa thấy đâu…
- Vâng ạ.
Các cậu kiểm tra lại một lần nữa xem có quên cái gì cần thiết không; hai chiếc rìu con, diêm, chảo, dao đi săn tự làm giống như những chiếc kiếm nhỏ kiểu Thổ Nhĩ Kì, muối, cuộn dây. Các cậu đặt chiếc thùng ở phòng ngoài.
- Sáng mai sáu giờ mình sẽ lại gọi các cậu, - Côlia nói – Mình về đây. Còn phải bổ mấy khúc bạch dương và xách nước nữa. Mẹ mình định sáng mai giặt quần áo mà chưa có tro.
- Ừ, về đi! Bây giờ mình cũng phải đi tìm con Pêxtrukha – Giamin bảo bạn.
- Để mình đi với cậu, - Gôga buồn rầu nói - Ở nhà, bà mình không để mẹ mình và mình yên. Quân phản chúa, bà mình bảo, đã làm hại con trai bà – Không biết đây là lần thứ mấy Gôga kể thế với bạn – Ngày nào bà mình cũng chỉ nói đi nói lại một điều: “Trời tru đất diệt chúng mày đi! Một mình con bà còn đáng bằng cả mẹ con chúng mày”. Rồi bà mình khóc, ôm lấy mình kể lể: “Cháu giống hệt bố cháu. Mắt bố mày cũng xanh này, còn thân hình thì thật đúng là dòng giống nhà ta…”. Mình chán lắm rồi. Mình cũng thương hại bà mình, nhưng vẫn thấy khó chịu khi bà mình cứ xỉ vả mình và mẹ mình mãi như thế.
Giamin kiên nhẫn nghe bạn, chẳng biết nói gì. Cậu biết là ở nhà, Gôga đang khốn khổ như thế, nhưng bất lực không giúp được gì, nên lại càng cảm thấy khó nghĩ hơn.
- Hay cậu đến ở với mình? – Giamin đột ngột đề nghị.
- Sao được? – Gôga ngạc nhiên – Còn mẹ mình thì sao? Giá mình chong chóng được cấp chứng minh thư lúc ấy chắc bà mình không còn làm ầm ĩ lên như bây giờ.
- Hẳn là thế
- Giamin này, cậu nói mình nghe nhé… Có điều phải nói thật – Gôga bỗng bối rối, ngập ngừng, lúng túng.
- Cậu định nói gì? Mình có điều gì bí mật đâu?
- Đành thế… Nhưng cậu phải nói thật, - Gôga quay mặt - cậu… có thích Tamara không?
Giamin đớ người. Mặc dù đã chập tối, cậu vẫn sợ Gôga thấy mình đang đỏ mặt và tự đoán hiểu hết mọi chuyện…
- Thì sao? – Giamin cố trấn tĩnh, hỏi lại
- Cậu biết đấy… Nói chung, cô ta cũng không sao, chân thật. Kể ra cũng hơi buồn cười một tí; đáng lẽ hái hoa anh đào dại thì cô ta lại vơ tàn những cỏ. Cưa không biết cầm, gặp bò thì sợ đến chết… - Gôga im lặng một lúc rồi hạ giọng nói tiếp như người có lỗi – Nhưng mình thích cô ấy…
Giamin lại lặng người vì ngạc nhiên. Cậu tưởng chỉ mình cậu thích Tamara thôi, hoá ra…
- Pêxtrukha, Pêxtrukha! – Giamin bỗng kêu to rồi không trả lời Gôga chạy thẳng về phía rừng bạch dương, nơi có bóng những con bò lạc đàn thấp thoáng đi lại.
Trên đường về hai cậu im lặng không nói chuyện với nhau. Chỉ nghe tiếng con bò thở đều đều. Mỗi cậu đi một bên, hai tay để lên hông âm ấm bốc mùi sữa của nó. Hai con chó nhà ai chạy ra cất tiếng sủa vu vơ. Trong các sân, ngỗng kêu quang quác trước khi ngủ. Có tiếng ai gọi to trong đêm: “Burenca, Burenca!”
Tới nhà Gôga bảo:
- Liệu chừng sáng mai đừng có ngủ quên đấy.
Giamin mở cổng, vỗ nhẹ lên lưng con Pêxtrukha, cho nó vào chuồng. Để đáp lại, con bò ve vẩy đuôi như muốn nói: vâng, tôi biết là người ta đang chờ tôi.
- Gôga, thực ra… mình rất… - Giamin không nói hết câu, mà có nói hết thì Gôga cũng không nghe thấy vì cậu ta đã đi xa.
- Con đi đâu mà lâu thế? - tiếng mẹ cậu đang sửa soạn thùng vắt sữa từ phòng ngoài vọng ra - Mẹ chờ sốt cả ruột, người ta thì vắt xong, lọc rồi mà mẹ vẫn cứ phải chờ con mỏi mắt.
- Bò nhà ta chạy vào ăn ở rừng bạch dương, - Giamin vẫn còn đứng cạnh cổng khẽ đáp
Bây giờ cậu cảm thấy hoảng sợ vì điều vừa mới xảy ra, vì lời tự thú của mình. Cái điều mà cậu chưa bao giờ nói với ai, thậm chí không dám nghĩ tới nữa, thế mà bỗng chốc tự một nơi nào đó tận đáy lòng đã buột ra, và cậu có cảm giác nó đã xuyên qua trời chiều, sẵn sàng bay tới tận các vì sao. Nó đã làm xao xuyến tim cậu, làm má và tai cậu nóng bừng, làm đầu óc choáng váng.
Bây giờ toàn thân cậu như bị điện giật, người cậu run bần bật như đang lên cơn sốt. Lần đầu tiên, cậu thấy tim mình đập mạnh và dồn dập. Cậu bỗng hoảng sợ vì trạng thái này, nhưng rồi liền lúc ấy, cậu nhảy lên và như một chú dê con chạy lon ton ra sân.
Thím Samsura đang ngồi xổm cạnh con bò sữa, vừa nói những lời âu yếm, vừa lấy nước ấm rửa sạch các đầu vú của nó.
- Có chuyện gì thế? - người mẹ ngạc nhiên hỏi, vẫn tiếp tục dùng khăn lau cẩn thận các đầu vú đang có những dòng sữa ấm chảy ra - Thấy không, đi lang thang lắm, bây giờ căng sữa chảy cứ như là suối. Chúng mày cả hai là chúa thích đi chơi…
- Mẹ-ẹ! – Giamin kéo dài giọng và nắm lấy hai chiếc sừng ngắn cũn của Pêxtrukha hôn đánh chụt một cái vào mõm nó. Pêxtrukha lắc đầu, đánh đuôi vào hai bên hông.
- Sao mày cứ quấn lấy con bò thế? Vào nhà đi – bà mẹ nghiêm khắc bảo rồi chăm chú nhìn con trai - Đốt ấm xamôva có hơn là đứng quấy rầy con Pêxtrukha không?
- Con đi đây, mẹ ạ! – Giamin nói to và hôn vào mõm con bò một lần nữa rồi chạy vào nhà.
Vừa lẩm bẩm hát lẫn từ bài này sang bài khác, Giamin nhanh nhẹn đặt ấm lên lò, dùng chiếc ủng cũ thổi hơi cho to lửa rồi ngồi xuống cạnh chiếc cửa sổ để ngỏ. Bầu trời xanh điểm sao hôm nay đẹp lạ lùng. Giamin ngồi im và mỉm cười vì hạnh phúc mà chữ “yêu” không nói ra, nhưng đầy sức quyến rũ, đã mang lại cho cậu.
Cậu nghe rõ tiếng sữa nhỏ từng giọt vào mép và đáy chậu hứng, và sau là tiếng sữa chảy từng dòng đều đều. Cậu tưởng tượng thấy sữa nổi bọt, làm thành những chiếc bong bóng nhỏ. Con Pêxtrukha thì chốc chốc lại ngoái cổ nhìn mẹ cậu như muốn hỏi: bà còn định hành tôi đến bao giờ mới thôi đấy? Còn mẹ cậu thì vẫn như mọi lần, âu yếm bảo nó: “gượm nào, chờ tí nữa. Vắt kĩ thì mày sẽ nhẹ người hơn mà…”