CHƯƠNG III
CÁC QUAN THỐNG ĐỐC

I- ÔNG PHUỐC
Ông Phuốc, thống đốc xứ Đahômây, cai trị giỏi đến nỗi người bản xứ nào ở thuộc địa ấy cũng kêu ca về ông ta. Để xoa dịu lòng công phẫn, người ta vờ phái sang đó một viên thanh tra. Viên thanh tra này kiểm tra giỏi đến nỗi chưa thèm xét gì đến đơn khiếu nại của nhân dân đã cuốn gói chuồn thẳng(1).
Về việc này, chúng tôi có nhận được một bức thư của uỷ ban hành động Pháp - Hồi ở Poóctô - Nôvô(2) trong đó có những đoạn chính như sau:
"Trước lúc người Pháp đến Đahômây rất lâu, ở Poóctô - Nôvô đã có một thủ lĩnh Hồi giáo gọi là Imăng có nhiệm vụ đại diện cho tập thể người Hồi ở bất cứ chỗ nào cần thiết, quản lý tài sản của tập thể Hồi giáo ấy và trông nom việc lễ bái.
"Theo tục lệ, Imăng phải do một đoàn cử tri bầu lên, chọn trong những người Hồi giáo ngoan đạo, có tiếng là đức độ và đã từng làm phó Imăng một thời gian lâu. Hơn nữa, trước khi chết, Imăng đương quyền có ý kiến về vị phó nào có đủ tư cách để thay thế mình.
"Ý kiến của Imăng lúc đó là ý kiến không được sửa đổi.
"Trước khi qua đời, Imăng Cátxumu đã chỉ định viên phó Xarucu làm người kế vị mình. Đoàn cử tri và đa số người Hồi giáo cũng đã tán thành.
"Khi Cátxumu mất, đáng lẽ Xarucu phải được bầu lên, nhưng tên Inhaxiô Paredô dựa vào thế của thống đốc đã độc đoán cản trở, bắt ép người Hồi giáo phải nhận tên Lavani Cốtxôcô là bạn thân của y, làm Imăng. Tên Cốtxôcô, cũng như y, chỉ theo đạo Hồi trên danh nghĩa.
"Thấy đoàn cử tri và đa số người Hồi giáo chống lại việc cử tên Cốtxôcô một cách bất hợp pháp, Paredô liền nhờ viên thủ lĩnh cao cấp là Hútgi can thiệp. Hútgi là tín đồ đạo bái vật, được chính phủ che chở, nên hắn cứ cử tên Lavani Cốtxôcô làm Imăng, bất chấp nguyện vọng người Hồi giáo.
"Kể ra, nếu Lavani Cốtxôcô là một người Hồi giáo tốt và lương thiện thì chúng tôi cũng làm ngơ việc hắn được cử làm Imăng, nhưng hắn lại là một tên bất lương chưa từng thấy trên đời này. Chúng tôi nói như thế là có bằng cứ:
"Lavani Cốtxôcô sinh ở Lagốt (xứ Nigiêria thuộc Anh). Hắn là dân thuộc địa Anh. Vì can nhiều tội giết người và nhiều tội ác khác ở Nigiêria thuộc Anh, nên bị nhà chức trách Anh truy nã.
"Ông thống đốc của chúng tôi hồi đó đã thu dụng tên dân thuộc địa Anh bất lương này và như để thưởng công cho hắn, đã cử hắn làm tù trưởng các xã ven hồ như Ápphôtônu Aghêghê, Áplăngcăngtăng, v.v.. Toàn dân vùng ấy ngày nay đều ghê tởm những hành vi nhũng lạm, những tội ác của hắn, và kêu ca về hắn.
"Nguyên chúng tôi có một điện thờ ở khu phố Atpatxa tại Poóctô- Nôvô. Nhà đương cục Pháp đã phá huỷ điện thờ ấy với lý do vì lợi ích công cộng rồi bồi thường cho chúng tôi năm nghìn phrăng.
"Tiền bồi thường không đủ để xây dựng một điện thờ mới. Chúng tôi đã mở một cuộc lạc quyên riêng, thu được 22.000 phrăng.
"Paredô là người có chân trong tiểu ban mua sắm vật liệu và phát lương cho thợ.
"Khi viên phó Imăng Bítxiriu - người nắm giữ chìa khóa két - chết, thì Paredô trở thành người giữ chìa khoá két. Hắn lợi dụng địa vị ấy để biển thủ số tiền 2.775 phrăng. Tiểu ban bắt buộc phải khai trừ hắn ra khỏi tiểu ban.
"Inhaxiô Paredô căm tức, bèn bàn mưu tính kế với ông thống đốc. Thế là ông này cho thi hành những biện pháp độc đoán đối với chúng tôi, và làm trở ngại việc xây dựng điện thờ của chúng tôi.
"Giờ đây, do mưu mô của Inhaxiô Paredô được ông thống đốc tiếp tay cho trong việc cử một cách trái đạo tên Cốtxôcô làm Imăng, dân Hồi giáo ở Poóctô - Nôvô đã chia thành hai phe. Tình trạng ấy làm tổn thương tình đoàn kết, hoà hợp của người Hồi giáo, làm hại cho việc tự do hành đạo của chúng tôi và gây ra những vụ lộn xộn lớn".
II- ÔNG LÔNG
Dưới đây là mấy đoạn trích ở một lá thư của đại tá Bécna gửi cho báo La République Française, ngày 6 tháng 12 năm 1922. Thưa ngài Bộ trưởng, xin ngài vững tâm, đại tá Bécna không phải là cộng sản đâu.
"Con số hàng xuất khẩu ở Đông Dương, bức thư viết, hiện đang giẫm chân tại chỗ, thậm chí còn đang sụt xuống. Năm 1914, Đông Dương đã xuất khẩu 45.000 kilô tơ lụa, 99.000 tấn ngô, 480 tấn chè; năm ngoái chỉ xuất khẩu có 15.000 kilô tơ lụa, 32.000 tấn ngô, 156 tấn chè.
Người ta cũng tưởng rằng hiện nay chính phủ Đông Dương đang tích cực tiến hành những công trình lớn cần thiết cho việc khai thác thuộc địa. Ấy thế mà, từ năm 1914 đến nay, người ta không hề đặt thêm được một kilômét đường sắt nào, cũng không khai thác được lấy một hécta ruộng nào. Cách đây 10 năm, ông Xarô có đưa thông qua một chương trình kiến thiết, bao gồm việc xây dựng con đường sắt từ Vinh đến Đông Hà và bốn hệ thống đại thuỷ nông; tất cả những công trình đó đều đã ngừng lại từ hơn 5 năm nay, lấy cớ là không có kinh phí. Nhưng, cũng trong thời gian ấy, xứ Đông Dương lại bỏ ra 65 triệu đồng tức là 450 triệu phrăng để làm đường và dinh thự. Mời ông Phaghê hãy suy nghĩ về những con số đó xem! Tiêu gần nửa tỷ để làm những đường ô tô mà trên đó không hề lưu thông một tấn hàng hoá nào; để xây dựng những dinh thự và phòng giấy cho đám công chức đang mọc đầy rẫy lên ở Đông Dương như cỏ cây vùng nhiệt đới; trong khi ấy thì những công trình đã được thừa nhận là cần thiết và đã được Nghị viện thông qua, lại bị bỏ rơi!
Nhưng đừng tưởng là người ta có ý muốn thay đổi phương pháp ở Đông Dương. Để hoàn thành chương trình năm 1912, ông Lông đã xin Nghị viện cho phép phát hành một đợt công trái. Nay, ông ta lại xin phát hành một đợt thứ hai nữa. Những kẻ hiện đang điều khiển việc khai thác Đông Dương hình như đã định tâm không làm cái gì thật sự có ích lợi cả nếu trước hết người ta không cho phép họ vay nợ. Còn đối với tài nguyên ngân sách, đối với những dự trữ tích luỹ được trong và sau thời kỳ chiến tranh, thì họ quyết vung tay ném qua cửa sổ nếu Nghị viện không đưa vào nền nếp".
III - ÔNG GÁCBI
Ông Gácbi, toàn quyền đảo Mađagátxca, vừa về Pháp. Cũng như tất cả các viên thống đốc, bạn đồng nghiệp của ông, ông Gácbi rất lấy làm hài lòng về cái thuộc địa "của mình": tiến bộ, giàu có, trung thành, an cư lạc nghiệp, có tổ chức, có dự án này, chương trình nọ, v.v.. Đó là cái bọc hành lý muôn thuở, bất di bất dịch của các ngài thống đốc về nghỉ, mà nay đến lượt ông Gácbi lại ân cần mở ra cho tất cả những ai muốn xem... Và vượt lên trên tất cả những ngón bịp bợm cũ rích ấy, ông Gácbi còn khéo léo giở ra ngón bịp khác (hay đúng hơn ngón bịp của người khác) rất mực tinh vi: việc khai thác thuộc địa. Chúng tôi xin chào mừng quan toàn quyền mới về, và xin hỏi ngài:
"Phải chăng phái đoàn thanh tra của bộ đã không có đủ xà phòng để xát(3) lên đầu quan toàn quyền, đồng thời thoa trơn cái dốc, trên đó cụ lớn phải trượt thẳng về chính quốc để ở lại đó mãi mãi đến mãn đời trọn kiếp?
"Phải chăng để cứu vớt thể diện cho ngài, một vài tên tay sai đắc lực đã tổ chức một tiệc rượu tiễn hành, và để làm việc đó, chúng đã phải chạy bở hơi tai, vì ngoài ban tổ chức ra, không ma nào buồn đến dự tiệc cả?
"Phải chăng bọn tay chân của quan toàn quyền đã định làm một lá đơn ái mộ xin ngài trở lại thuộc địa, nhưng lại không dám đưa ra vì sợ có đơn chống lại?
"Sau cùng, phải chăng nhân dân bản xứ đã tặng ngài lời chúc thân ái này: "Thôi nhé, chú Gácbi! Xin chúc không bao giờ gặp lại chú nữa!"
IV- ÔNG MÉCLANH
Vận mệnh hai mươi triệu người An Nam tốt số đang nằm trong tay ông Mácxian Méclanh.
Các bạn sẽ hỏi tôi: "Cái ông Méclanh ấy là ai vậy?". Đó là một ông đã từng làm quan cai trị ở quần đảo Gămbiê, sau giữ chức phó thống đốc Tây Phi, rồi lên làm thống đốc xứ ấy. Đó là một ông đã bỏ ra ba mươi sáu năm của đời mình để nhồi nhét cái văn minh đầy ân huệ của nước Pháp vào đầu óc người bản xứ.
Có lẽ các bạn cho rằng đưa một người không hiểu gì về Đông Dương đến nắm vận mệnh Đông Dương thì thật là một trò hề lớn kiểu Đông Dương chứ gì.
Đúng đấy! Nhưng đó là cái "mốt". Một bạn đồng nghiệp cho biết rằng: tại Bộ Thuộc địa, một viên quan cai trị cũ ở Đông Dương ngồi chễm chệ tại vụ Tây Phi thuộc Pháp; một viên quan cai trị cũ ở Tây Phi phụ trách vụ châu Phi xích đạo thuộc Pháp; một viên chức cũ ở Xuđăng phụ trách những vấn đề về Mađagátxca; còn đại diện cho xứ Camơrun ở hội chợ triển lãm thuộc địa lại là một viên chức chưa hề bao giờ đặt chân lên đất Camơrun.
Thế nên, trước khi sang Đông Dương khai hoá cho người Đông Dương, quan toàn quyền Méclanh định bắt đầu khai hoá những người Đông Dương chết ở Pháp, tức là những người đã hy sinh vì tổ quốc, vì công lý, và vì vân vân ấy mà!
Cười trong nghĩa địa là một cái thú đối với những vĩ nhân, nhưng cười một mình ở đó thì có lẽ là không khoái lắm. Bởi vậy, Cụ lớn Méclanh đã ra lệnh cho những thanh niên An Nam được trợ cấp phải theo Cụ lớn đến nghĩa trang Nôgiăng trên bờ sông Mácnơ để đọc một bài diễn văn trước sự chứng kiến long trọng của ngài. Nhưng bài diễn văn ấy phải đệ trình cho Cụ lớn kiểm duyệt trước. Họ đã làm đúng như thế. Nhưng Cụ lớn thấy bài diễn văn quá ư quá khích, nên Cụ bỏ phắt đi và thay bằng một bài khác do Cụ tự tay vạch ra dàn bài.
Dĩ nhiên, bài diễn văn được xào xáo theo kiểu nhà quan như vậy thì phải sặc mùi trung thành và quyến luyến.
Nếu người chết mà nói được, như bọn phù thuỷ thường bảo, thì hồn ma của những người An Nam chôn ở Nôgiăng, hẳn đã nói rằng: "Ngài toàn quyền ôi! Xin c... cảm ơn ngài! Nhưng xin Ngài làm ơn... xéo đi cho!"(4).
V- ÔNG GIÊRÊMI LƠME
Chúng tôi đọc tờ Annales coloniales thấy mẩu tin ngắn như sau:
"Chúng tôi được tin Giêrêmi Lơme, cựu thống đốc thuộc địa, cựu nghị viên của Ấn Độ thuộc Pháp, đương bị truy tố trước toà. Ông ta nguyên là chủ tịch một nhà băng do ông Phrơdun làm quản trị- uỷ nhiệm. Nhà băng ấy đã tuyên bố vỡ nợ cách đây hai năm.
"Đó là sự kết liễu đích đáng con đường công danh của tên vô lại ấy".
Ô! Ô! Thế ra cũng có những tên vô lại trong cái giới thống đốc và nghị viên thuộc địa cao quý ấy ư? Ai ngờ nhỉ!
VI- ÔNG UTƠRÂY
Ông Utơrây là một nghị viên Nam Kỳ (ông ta là người Nam Kỳ cũng giống như ông P. Lôti là người nước Thổ vậy). Ông ta đọc diễn văn ở nghị viện, và kinh doanh ở Sài Gòn. Là nghị viên ông ta nhận cấp phí đều đặn; là thực dân, ông ta không nộp thuế. Ông nghị liêm chính này có một đồn điền 2.000 hécta, và mười lăm năm nay, ông chủ đồn điền đáng kính đó không nộp một xu nhỏ thuế nào. Khi sở thuế yêu cầu ông làm đúng luật lệ thì ông trả lời: c...ảm ơn. Vì ông ta là nghị viên nên người ta không động đến ông.
Đã có một thời, cái ông Utơrây ấy đã giữ chức quyền thống đốc Nam Kỳ.
Xứ Nam Kỳ do một thống đốc cai trị, viên thống đốc này do sắc lệnh tổng thống Pháp bổ nhiệm. Để làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình, vị quan cao cấp này dựa vào một hội đồng hỗn hợp gồm cả người Pháp lẫn người An Nam, gọi là hội đồng quản hạt. Một trong những quyền hạn chắc là quan trọng nhất của hội đồng này là hằng năm biểu quyết dự toán ngân sách của thuộc địa. Chúng tôi xin nói ngay rằng nguồn thu của ngân sách ấy là các khoản thuế trực thu và gián thu do người An Nam nộp, còn các khoản dự chi, thì trên nguyên tắc (nhưng không bao giờ trên thực tế!) là phải được chi tiêu cho những công cuộc có lợi cho người An Nam; tóm lại là quyền lợi của người An Nam được giao phó cho cái hội đồng quản hạt ấy. Thế nhưng cái hội đồng quản hạt quý hoá này lại gồm nhiều người Pháp hơn là người An Nam: có 18 người Pháp, thì 12 là đại biểu do tuyển cử bầu ra, 6 là đại biểu của các công ty, phòng thương mại, phòng canh nông v.v., và 6 người An Nam. Cứ cho rằng luôn luôn đủ mặt đi nữa thì 6 phiếu của người An Nam kia tài nào mà chống lại được 18 phiếu của người Pháp? Vì thế chính phủ cứ việc tuỳ ý mà dự toán và chắc chắn là tất cả các khoản dự toán đều đã được biểu quyết trước rồi.
Hầu như sự việc luôn luôn xảy ra như thế. Cho nên năm 1905, cũng bằng cách ấy, quan quyền thống đốc Utơrây nay là nghị viên của người Pháp ở Nam Kỳ đã tăng thuế điền thổ vốn đã quá nặng, lên một trăm phần trăm. Việc tăng thuế này đã làm cho tên tuổi Utơrây trở thành bất tử trong trí nhớ của người An Nam, nó đã làm cho các đại biểu người An Nam trong hội đồng nhất loạt từ chức! Cần quái gì! Utơrây liền thay họ bằng những người khác do ông ta đích thân bắt cử tri An Nam phải bầu. Trước ngày bầu phiếu, một tay chân của ông ta là viên quan cai trị Maxperô (tỉnh Biên Hoà) chẳng đã bắt giam tất cả cử tri ở tỉnh ấy lại, không cho họ tiếp xúc với những người ứng cử đó hay sao? Người ta doạ trừng phạt để buộc họ phải bỏ phiếu cho Bùi Thế Khâm, người do Utơrây đưa ra nhằm ngăn cản việc bầu lại ông Hoài, một đại biểu vừa từ chức đã có lỗi là không làm theo ý muốn của Utơrây.
Chú thích
1) B)ản tiếng Pháp: "Celuici inspecte si biên qu'il f... le camp", viết tắt của từ foutre le camp, có nghĩa là "chuồn thẳng". Từ này bắt đầu chữ f như tên ông thống đốc Fourn.
2) Porto Novo. Thủ phủ Đahômây.
3) Savonner. Nghĩa đen là xát xà phòng, nghĩa bóng là khiển trách kịch liệt.
3) M... erci à toi,... F... nous la paix! Trong Pháp văn chữ M viết tắt, người ta thường hiểu là Merde, là một tiếng chửi rủa rất tục, cũng có nghĩa là phân; chữ F. là Foutre, có nghĩa là cút, xéo đi, để yên... (Foutre le camp, Foutre la paix... ). Đây là lối chơi chữ của tác giả.