Chương chín
Chiến tranh

Chiến tranh là một trong những
hình thức đấu tranh cao nhất để
ổn định những mâu thuẫn giữa
các giai cấp, các quốc gia và các
thế lực chính trị.
M.T.Đ.
Chính trị xây dựng trên tương
quan lực lượng. Những tư tưởng
không mùi vị chiến đấu, sợ chiến
tranh, lẩn tránh ánh sáng của
lưỡi lê đều không phải là những
tư tưởng có khả năng điều khiển
xã hội.
 PROUDHON
Chiến tranh
Chiến tranh là kết quả của chính trị đã đến một giai đọan mà tính quyết liệt nhiều lên, tính thỏa hiệp bớt đi, đấu tranh chính trị đã đi vào giai đọan vũ trang để thực hiện một đường lối đổ máu.
Ngày nay chiến tranh là một hình thức đấu tranh cao nhất, tính chất đấu tranh của nó mỗi ngày mỗi tăng. Nguời khám phá ra tính chất đấu tranh trong chiến tranh và có tư tưởng hệ thống đầu tiên là một quân sự gia người Đức, ông Carl Von Clausewitz với cuốn sách De la guerre. Ông viết:
- Chiến tranh không có cứu cánh riêng của nó, chiến thắng quân sự không có mục đích tự nó. Sự giao thương giữa các nước vẫn tiếp tục đều đều mặc dầu thùng thuốc súng đã nổ.
- Chiến tranh không những là một hành vi chính trị, mà còn là một công cụ của chính trị, một sự tiếp nối các quan hệ chính trị, và thực hiện những đường lối chính trị bằng một cung cách khác.
- Chiến tranh phải khắng khít gắn liền với những mưu đồ chính trị và chính trị phải phù hợp với những phương tiện chiến tranh sẵn có.
- Cái yếu tố đam mê xúc động của chiến tranh là để giành cho dân chúng, yếu tố may rủi thắng bại là dành cho vị tướng chỉ huy, còn yếu tố trí thức chính trị là của chính phủ, và chính yếu tố này mới điều khiển tòan bộ chiến tranh.
- Quân đội bao giờ cũng là một tổ chức xã hội.
Những hiện tượng của nhiều cuộc chiến tranh "napoléonienne" trên tòan cõi Âu châu, Ai cập v.v... đã đem lại cho Clausewitz nhiều nhận xét mới về tính chất chiến tranh. Quân đội của Napoléon trên chiến trường không còn phải là quân đội đánh thuê của các lãnh chúa trước đây nữa, quân sỹ chiến đấu với một lòng tin chiến đấu cho chính bản thân của họ. Tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp cũng là những sức mạnh phi thường làm lung lay đến cỗi rễ chế độ phong kiến Trung cổ Âu châu, đồng thời chúng cũng giúp cho Napoléon thắng lợi dễ dàng.
..................................
Lúc Pháp kháng chiến chống Đức, tướng De Gaulle đã rất đồng tình với ông Léon Blum về bức thư mà Blum gửi De Gaulle với lời lẽ dưới đây:
"Tất cả những người chiến đấu bên cạnh ông, xa hay gần đều cùng chung ý nguyện về sự thắng lợi tối hậu là dành lại cho nước Pháp nền độc lập, cho dân tộc Pháp đầy đủ chủ quyền. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là tất cả những gì của nước Pháp cũ mà chúng ta sẽ xây dựng lại với cái lối sửa chữa cái máy sau thời gian gián đọan vì hư hại. Nước Pháp dân chủ tương lai phải khác hẳn trước..."
Trong chiến tranh ngày nay, tính chất chiến tranh chiến đấu (guerre combat) đang giảm dần và tính chất chiến tranh đấu tranh (guerre lutte) càng lúc càng tăng. 
Giấc mơ 1945
Thần thọai Hy lạp ghi rằng:
Các vị thần trên trời thường có một lối trừng phạt rất quái ác đối với lòai người là ban cho họ vượt quá mức những điều họ ước muốn.
Trái bom nguyên tử xuất hiện, rồi đến bom khinh khí thành hình, theo ước lượng thì sức mạnh của mỗi trái bom, mặc dầu bé nhỏ nhưng sức tàn phá ngang bằng nhiều triệu tấn chất nổ. Lòai người vui mừng vì họ cho rằng quyền lực của vũ khí nguyên tử sẽ là khả năng tốt nhất để bảo đảm vĩnh cửu nền hòa bình thế giới. Nhưng một lần nữa sức mạnh nguyên tử thêm lần nữa chứng minh cho thấy lối trừng phạt quái ác kia. Sức mạnh nguyên tử chỉ đem đến cho lòai người một thời gian hòa bình quá ngắn ngủi như giấc mơ. Kể từ năm 1945, năm mà tất cả đều nghĩ là hòa bình trở lại vĩnh cửu trên trái đất, thực ra chỉ là năm đầu cho một cuộc chiến tranh khác giữa những thế lực khác.
Trong một bài diễn văn quan trọng, Tổng thống J.F. Kennedy nói:
"Trên thực tế năng lực trả đũa bằng bom nguyên tử của chúng ta chưa đủ. Nó không thể ngăn cản cuộc xâm lăng của Cộng sản khi cuộc xâm lăng đó quá nhỏ để có thể dùng võ khí nguyên tử được. Nó không thể bảo vệ những quốc gia trung lập chống lại một cuộc cướp chính quyền của Cộng sản bằng cách xử dụng những lực lượng địa phương hoặc những lực lượng du kích. Nó không thể đem ra dùng được trong những cuộc bao vây vẫn được mệnh danh là quét lửa. Nó không được dùng tại Hàn quốc, Đông dương, Hung gia lợi, Suez, Liban, Kim môn, Tây tạng hoặc Lào. Tóm lại nó không thể ngăn ngừa Cộng sản gặm nhấm dần dần lãnh thổ của thế giới tự do, cho đến khi nền an ninh của chúng ta bị tiêu hao dần từng mảnh vì mỗi cuộc tiến binh của Cộng sản đều quá nhỏ để có đủ lý do chúng ta trả đũa ào ạt có thể gây ra những hậu quả lớn lao. Và lịch sử chứng minh rằng đó mới là mối đe dọa lớn lao chứ một cuộc tấn công nguyên tử tòan diện đâu phải là mối đe dọa đáng kể?"
Đặc điểm một loại chiến tranh mà Tổng thống Kennedy nói bao gồm nhiều yếu tố mới. Nó đã vượt ra ngòai "tầm tay" của trận mạc rất xa. Nó chính là hành vi chính trị tinh vi nhất cùng với những họat động xã hội phức tạp. Những nguyên lý quân sự để vận dụng trận mạc tuy không hẳn lui xuống hàng thứ yếu, nhưng cũng không đứng địa vị chủ yếu như trước nữa.
Trước kia với chiến tranh chiến đấu trận mạc, vấn đề đặt định chiến lược người ta không cần một sách lược chính trị bao trùm lên, người ta chỉ việc điều nghiên năm yếu tố thường lệ thuộc kỹ thuật quân sự như:
- Tinh thần (tâm lý chiến đấu)
- Vật lý (trang bị và lực chiến đấu)
- Số học (quy luật kỷ hà về dốc độ tuyến tác chiến)
- Địa lý (hình thế đất đai)
- Thống kê (những thủ đọan cấp dưỡng).
Bây giờ, đấu tranh xã hội làm chủ động việc quyết định hình thể chiến tranh đồng thời quyết định việc thắng lợi, nghĩa là những yếu tố xã hội quyết định chiến lược hay sách lược chính trị bao trùm lên chiến lược quân sự.
Hãy lấy tỷ dụ như quy định tính chất kẻ thù chẳng hạn:
Lúc chiến đấu chống Nhật bản, các nhà lãnh đạo Trung quốc đã đánh giá trị quân Nhật và chính phủ chủ trương chiến tranh như một tập đòan chính trị đại biểu cho quyền lợi thiểu số tư bản Nhật, chứ không phải đại biểu cho tòan thể nhân dân Nhật. Cho nên nếu bị sa lầy, chủ trương hiếu chiến tất sẽ bị dân chúng Nhật phản đối. Bị dân chúng phản đối, phe quân phiệt Nhật đương nhiên sẽ mất ưu thế. 
Chiến tranh Quốc Cộng, Cộng sản Trung quốc nhận định Quốc dân đảng Trung hoa là một tập đòan đại biểu quyền lợi thiểu số mại bản quan liêu tư bản địa chủ, cho nên cái lực mạnh ban đầu của Quốc dân đảng chẳng qua chỉ là ưu thế giả.
Chiến tranh bây giờ, điều quan hệ hàng đầu là phải quy định được đúng tính chất chính trị kẻ thù, có như thế mới phát hiện được những nhược điểm và nhận biết những ưu điểm của lực lượng địch để xây dựng chiến lược. Những ưu và nhược điểm đó nằm trong quan hệ giữa những giai tầng xã hội. Phải tấn công vào các nhược điểm xã hội của địch mà làm băng họai xã hội địch cùng bộ máy chiến tranh của nó.
Quy định tính chất chính trị kẻ thù là xét xem nó đại biểu cho lực lượng nào trong xã hội? Bất kể kẻ thù ấy thuộc màu sắc gì, đỏ đen hay trắng, Cộng sản, trung lập, đế quốc, phản động, đều có thể là những đòn bẩy tốt khả dĩ dựa vào đấy tạo sức mạnh.
Trải qua nhiều thất bại, thừa dịp Nhật xâm lăng, đảng Cộng sản Trung quốc liền đưa ra chủ trương: đòan kết kháng Nhật để dựa vào danh nghĩa dân tộc, một mặt cứu vãn nguy cơ quân sự, một mặt làm điểm tựa cho đòn bẩy mà phát triển lực lượng. Thủ đoạn này, Trung cộng mệnh danh là sách lược thống nhất chiến tuyến gồm tám điều:
a) Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Nhật bản, đổ tới giọt máu cuối cùng, phản đối mọi thỏa hiệp.
b) Tổng động viên nhân sự tòan diện, phát khởi kháng chiến tòan diện. Phát triển chiến tranh du kích. Cải cách công tác chính trị quân đội.
c) Tổng động viên nhân dân tòan quốc. Đòi tự do vũ trang, tự do kết đảng, tự do ngôn luận, xuất bản, tập hội thực hành kháng Nhật cứu nước. Phế bỏ pháp lệnh cũ, ban bố pháp lệnh cách mạng. Giải phóng chính trị phạm.
d) Cải cách cơ cấu chính trị. Triệu tập đại hội quốc dân. Ban hành hiến pháp dân chủ. Quyết định phương châm kháng Nhật cứu nước. Tuyển cử chính phủ quốc phòng. Chấp hành chính sách cách mạng.
e) Cải thiện sinh họat nhân dân. Đặt lại chính sách đãi ngộ quân đội, công nhân, v.v... Phế bỏ sưu cao thuế nặng, giảm tô, giảm tức, cứu tế thất nghiệp.
f) Thực hiện kế họach huấn luyện vũ trang học sinh tòan quốc. Đề cao giáo dục kháng Nhật.
g) Tiêu trừ bọn Hán gian thân Nhật.
h) Trên cơ sở hợp tác Quốc Cộng, kiến lập trận tuyến thống nhất với các đảng, các phái, lãnh đạo chiến tranh kháng Nhật.
Với tám điều trên, C.S. Trung quốc đã xuyên qua ý thức và nhiệt tình kháng Nhật của dân tộc làm chiếc đòn bẩy lợi hại làm bật rễ chế độ Quốc dân đảng sau này. Giảm tô, giảm tức, chống sưu cao thuế nặng đi đôi với tự do vũ trang, kết đảng, lập hội là tái thiết thực hiện nội chiến ngay trong kháng chiến một độ cao hơn trước. Chiếc đòn bẩy Cộng sản len lỏi vào tất cả các cơ tầng xã hội Trung hoa để rồi chế tạo sự nổi lên chống chế độ Tưởng tùy theo quyền lợi và bản chất của mỗi cơ tầng.
Cá với nước
Trong sách Chiến tranh và vấn đề chiến lược, Mao Trạch Đông viết: "Hình thức đấu tranh chủ yếu tại Trung quốc là chiến tranh, hình thức tổ chức chủ yếu là quân đội. Quân đội của nhân dân, quân đội với nhân dân khắng khít như cá với nước." Sở dĩ nhân dân có quân đội là vì "yếu tố" xã hội làm chủ động chiến tranh. Nhưng giới lãnh đạo của Tưởng đã không nghĩ thế, họ cho rằng sức mạnh quân sự làm chủ động chiến tranh. Họ nghĩ cá với nước ư? Ta sẽ mang đại đội binh mã đi bắt những con cá ấy ra khỏi nước, hoặc sẽ giết hết cá. Ít lâu sau chắc cá không còn. Kết quả của ý nghĩ sai lầm ấy là họ Tưởng đã ra Đài loan nằm. Gần đây có một quan niệm khá mới trông bên ngòai mang vẻ tiến bộ, nhưng thật ra vô hiệu quả: tât nước ra cho cá chết cạn. Đàng rằng cá với nước là hai vật hoàn tòan khác hẳn nhau, và vật nọ không sinh ra vật kia được. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận một sự thực hiển nhiên: có nước mới có cá và cá chỉ sống ở trong nước. Mang nước đi đâu, cá sẽ nhờ nước mà sinh ra nếu gặp điều kiện thuận lợi. Bắt cá hay tát nước cho cá chết cạn đều thất bại, bởi tại vấn đề không ở đấy. Vấn đề ở nơi làm sao cho cá với nước không chịu nhau. Cá nước mặn vào nước ngọt tất hết sống, ngược lại cá nước ngọt ra nước mặn cũng chẳng thể nào tồn tại.
Đặc điểm hai
Cách đây bốn chục năm Lénine bảo rằng muốn tiến đến Ba lê chúng ta phải vòng qua ngả Bắc kinh. Thật thế, ít năm gần đây, Hồng quân Sô viết rất ít khi trực tiếp công khai đánh chiếm nước nào, tuy nhiên thế lực Cộng sản đã mở rộng biên giới không ngừng. Ngược lại các nước thuộc thế giới tự do đang nỗ lực để bảo vệ cho xứ sở của mình ở trên một nước khác ở cách xa hàng vạn cây số, hoặc phải giúp một quốc gia khác chống giặc. Hiện tượng này các nhà báo đặt tên cho nó là chiến tranh ủy nhiệm (war by proxy). Chiến tranh ủy nhiệm tuy mới lạ nhưng nguồn gốc của nó vẫn chỉ là một phương pháp chiến tranh đã có tự ngàn xưa: chiến lược tấn công gián tiếp (indirect approach). Những thế lực nắm trong tay vũ khí nguyên tử không muốn tự sát, trong khi trên thế giới còn bao nhiêu vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Chính trị còn đầy rẫy mầm mống đấu tranh. Để giải quyết họ trở về với hình thức chiến tranh quy ước cũ với phương pháp tấn công gián tiếp đã được đưa đến mức độ cao nhất. Muốn tiến đến Ba lê chúng ta phải vòng qua Bắc kinh. Nhà lý thuyết quân sự, ông Liddell Hart, viết:
"Lịch sử chiến lược, trên căn bản chỉ là công việc ghi nhận những cách áp dụng và sự tiến hóa của lối ứng chiến gián tiếp. Sau khi đã tìm hiểu trong nhiều chiến dịch tôi nhận thấy rằng tính gián tiếp hơn hẳn tính trực tiếp đối với chiến tranh là một điều không thể chối cãi được. Bởi vậy tôi lấy tính gián tiếp làm ánh sáng cho những tìm tòi về chiến lược. Thật vậy tính gián tiếp từ ngàn xưa vẫn được áp dụng rất nhiều ở mọi cuộc chiến tranh. Từ lớn nhất là tòan bộ sách lược chiến tranh đến nhỏ nhất là chiến thuật chiến đấu, hết thảy đều có mặt tính gián tiếp và chính tính ấy xây dựng nên nghệ thuật cao cho khoa quân sự."
Vây nước Ngụy, cứu nước Triệu là một sách lược hao tổn ít lại dành lợi nhiều. Đọc Tam Quốc Chí chắc ít người quên Tào Tháo không giáp chiến với chủ lực Viên Thiệu ở Quan độ mà thắng Thiệu bằng việc đánh kho lương Ô sào. Đặng Ngải không đi đưởng chính để vào Ba thục, mà vượt núi Âm bình.
Tôn Tử nói: Phải tránh chỗ thực để đánh vào chỗ hư. Tránh chỗ mạnh để đánh vào chỗ yếu. Đó là nguyên tắc căn bản để vận dụng tính gián tiếp.
Chiến tranh ngày nay do những vận dụng mới mẻ và tài tình tính gián tiếp vào chính trị để dành ưu thế quân sự nên đã nẩy ra những hiện tượng: chiến tranh khởi nghĩa, chiến tranh lật đổ, chiến tranh cách mạng, chiến tranh du kích v.v... nghĩa là những lọai chiến tranh do chính trị làm chủ động. Ở những lọai chiến tranh mới này kẻ đối địch không phải chỉ là một chiến tuyến, một quân đội đứng phía bên kia mà là một tập đòan có những quyền lợi về lề lối sinh họat xã hội hợp lý hơn, là sự thay thế giữa hai chế độ, trong đó có những lý do và yếu tố xã hội giữ vai trò chủ động đối với việc quyết định hình thể chiến lược và thắng lợi của chiến tranh. Chính vì thế mà năm 1814 khi trở về Ba lê, Napoléon đã vòng qua dãy núi Alpes chứ không đi vào thung lũng miền Rhône, bởi lẽ vùng Alpes có nhiều người theo chính trị cộng hòa, còn vùng Rhône thì là khu vực của phe bảo hòang. Trotsky sửa sọan tổng phản công Denikine, nhưng phải chờ Denikine đến vùng Donetz mới đánh, chứ không đánh ở Kouban. Nguyên do, Kouban là vùng dân Cô giắc lúc ấy đang chống chế độ Sô viết mà Donetz là nơi phong trào Sô viết lên mạnh nhất.
Chiến tranh bây giờ không phải là chuyện thắng bại giữa hai bộ đội mà của quần chúng rộng lớn căn cứ trên quyền lợi xã hội và chiều hướng lịch sử.
Đặc điểm ba
...................................................................................................
Chiến tranh gắn liền với đấu tranh chính trị, đấu tranh không chỉ hạn chế trong quan hệ giữa những người cùng một nước mà nó dũi dài vào tranh chấp quốc tế. Ở mỗi cuộc chiến đều có liên hệ tới đấu tranh chính trị đối nội và đối ngoại. Chiến lược trong chiến tranh hiện tại sẽ không mang một giá trị nào nếu nó chỉ được đặt trên cơ sở thuần túy quân sự mà không chấp nhận thực tiễn xã hội trong nước và xã hội quốc tế làm chủ đề.
Chiến tranh ngày nay có một đặc điểm rất quan hệ là cùng một lúc nó thực hiện cách mạng xã hội, cùng một lúc nó trở thành một khâu trong xâu chuỗi tranh chấp nhiều nước. Xung đột nội bộ ảnh hưởng từ tranh chấp quốc tế. Nội chiến để giải quyết một chính sách đối ngọai. Chính cũng vì những lẽ trên nên Cộng sản mới lý luận: Chiến tranh giải phóng dân tộc là hình thức đấu tranh cao nhất của cách mạng giai cấp. Ranh giới giữa nội chiến, chiến tranh quốc gia và tranh chấp quốc tế nay đã trộn lẫn với nhau. Tranh chấp quốc tế dũi dài vào nội chiến, nội chiến cũng không hạn chế ảnh hưởng trong riêng một nước mà dũi dài tới tranh chấp quốc tế. Mọi xung đột xã hội được khơi lên thành đấu tranh vũ trang, gây thành nội chiến. Từ nội chiến chuyển vào chiến tranh giải quyết tranh chấp quốc tế. Sự tuần hòan ấy, kết hợp cùng các đấu tranh trên mọi mặt đã mang lại cho chiến tranh hiện tại ý nghĩa vô hạn trong đó bao gồm tư tưởng chiến, chính trị chiến, ngọai giao chiến, kinh tế chiến, tuyên truyền chiến, gián điệp chiến v.v...
Năm 1945 Nhật đầu hàng. Hòa bình chưa trở lại đất Trung quốc được bao lâu thì đảng Quốc dân của Tưởng Giới Thạch liền phát động chiến tranh tiễu cộng và đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông cũng phát động chiến tranh lật đổ chính quyền Tưởng Giới Thạch. Chiến tranh giữa Quốc Cộng ở Trung hoa có hai mặt. Mặt quốc tế nó là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm của hai khối tư bản và xã hội. Mặt quốc nội nó là cuộc đấu tranh giữa những lực lượng xã hội, giữa những hòan cảnh sinh họat trái nghịch nhau. Thắng bại của nội chiến Trung quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến tương quan lực lượng quốc tế.
Đặc điểm bốn
Các nhà xã hội học từ bao lâu nay vẫn thường đặc biệt chú ý đến hiện tượng chiến tranh và không ngớt đi tìm cho nó một định nghĩa chính xác. Đại khái trên sách vở người ta tìm thấy những định nghĩa sau đây:
- Cuộc chiến đấu giữa những con người (Martens)
- Cuộc chiến đấu giữa nhiều nước độc lập (Blunt-Schili, Twins, Pradier)
- Giao tranh giữa những tổ hợp người như bộ lạc, quốc gia (Bogulawsky)
- Xung đột giữa hai lực lượng vũ trang của những nền văn hóa, của những tình cảm khác biệt (Quincy, Wright)
Tất cả những định nghĩa trên đã không làm thỏa mãn khi được đem ra để giải thích chiến tranh hiện tại. Sở dĩ như vậy là bởi tại các định nghĩa đó hòan tòan dựa trên nhận thức các chứng kiện lịch sử đối với bây giờ đã trở nên quá cũ.
Riêng định nghĩa của Kamarowsky đúng nhất. Kamarowsky viết: Chiến tranh là đấu tranh vũ trang giữa những đảng chính trị. (Luttes armées partis organisés politiquement).
Tác dụng của đảng đối với chiến tranh ngày nay đã hiển hiện rõ rệt lắm. Người ta có thể chứng minh bằng những sự kiện hiển nhiên.
a) Bộ máy chiến tranh ngày nay chẳng những đại biểu cho lực lượng và uy thế quốc phòng, uy thế nhà nước mà còn là đại biểu cho một lực lượng xã hội, một đường lối xây dựng xã hội.
b) Bộ máy chiến tranh là một lực lượng cách mạng vũ trang đấu tranh với lực lượng chống cản nó.
c) Mục đích chiến tranh trong tranh chấp quốc tế không còn đặt trọng tâm vào việc xử dụng bộ máy chiến tranh để tấn công chiếm cứ, cướp bóc và khai thác của một quốc gia này đối với một quốc gia khác. Chiến tranh ngày nay tìm đến kết thúc, đến thắng lợi bằng sự phát triển một phương pháp xây dựng cơ sở xã hội mới, phương pháp phát triển kinh tế, lề lối sinh họat, đặt lại quan hệ nhân quần.
.......................................................................................
Trong cuốn Entre la peur et l'espoir, Tibor Mende cũng ghi những dòng sau đây:
Sự giúp đỡ của các nước mạnh cho các nước hậu tiến không chỉ thuần túy là vật chất. Điều quan hệ hơn cả chính là một phương pháp, kỹ thuật để đẩy mạnh tiến bộ xã hội, cải tạo xã hội.
Tiêu chuẩn thắng lợi của chiến tranh ngày nay cũng biến đổi hẳn. Chiến thắng không hòan tòan đặt trên vấn đề tiêu diệt được bộ máy chiến tranh hay lực lượng bộ đội của địch chưa? Mà phải đặt trên một tầng cao hơn là: Bộ máy chiến tranh của địch đã mất uy thế chính trị chưa? Nếu uy thế chính trị mất thì bộ máy chiến tranh tất sẽ dần mòn tiêu diệt. Nếu uy thế chính trị còn thì dù bộ máy chiến tranh có thể tạm thời yếu đi, nhưng không bao giờ tiêu diệt cả. Một ngày nào đó, cơ hội thuận tiện, chiến tranh lại dấy lên tiếp tục những vấn đề còn bỏ dở. Cộng sản T.Q. sau những thảm bại ở các vụ Nam xương, Lưỡng hồ Thu thâu, Quảng châu, bộ máy chiến tranh hầu như tan rã, nhưng cộng sản còn bộ máy đấu tranh. Cho nên chỉ ít lâu sau, nhờ đường lối chính trị đúng đắn như: thống nhất chiến tuyến kháng Nhật, chính sách ruộng đất v.v... Cộng sản lại dần dần gây uy thế chính trị, dựa vào uy thế chính trị mà tái lập vũ trang rất nhanh để tiếp tục cuộc chiến tranh với Quốc dân đảng.
Tiêu chuẩn thắng lợi biến đổi, lực lượng quân sự thêm một mặt đại biểu là đại biểu cho lực lượng xã hội đang lên bên cạnh trách nhiệm đại biểu cho lực lượng quốc phòng đã khiến cho bộ máy lãnh đạo chiến tranh cũng biến đổi tính chất. Nó chuyển từ tổ chức nhà nước sang tổ chức đảng và nhu yếu đảng lồng vào nhu yếu nhà nước. Bên cạnh công tác quân sự có công tác chính trị, vì bên cạnh chiến tranh có đấu tranh. Tính chất đấu tranh càng nặng, chiến tranh chiến dịch, chiến đấu càng phản ảnh tính quyết liệt của tình trạng đối nghịch xã hội thì yếu tố đảng càng hệ trọng.
Đặc điểm năm
Ở bất cứ biến động lịch sử nào người ta cũng thấy tổ chức quân sự cũng bị tiêu hủy theo chế độ chính trị. Quân đội quý tộc của vương triều Bourbon trong cách mạng Pháp được thay thế bởi quân đội quốc dân. Đảng Bôn-sê-vích khi đọat chính quyền nước Nga đã biến lập ngay quân đội mới mệnh danh là quân đội của giai cấp nông dân vô sản để thay thế quân đội hòang gia của các Tsars. Tào Tháo phải tiêu diệt các quân đội thuộc khuôn khổ bộ khúc để kiến lập quân ngũ thống nhất.
Trong các biến động lớn, những lực lượng sinh động của xã hội tham gia chiến tranh không chỉ trên tư cách chiến đấu hay cấp dưỡng cho chiến trường mà còn trên tư cách một thế chính trị mới, hay nói một cách khác đi là mỗi thế chính trị đều cần phải có một quân đội riêng cho mình (une armée pour sa politique).
Cách đây mấy trăm năm, trong cuốn sách nhan đề The art of war, Machiavel là người Tây phương đầu tiên đã phát biểu trên bút mực phổ biến quan niệm về quan hệ chặt chẽ giữa tổ chức chính trị với tổ chức quân sự. Theo ông thì mỗi tổ chức xã hội và mỗi tổ chức chính trị đều có một tổ chức quân sự riêng biệt. Chính trị nào quân đội ấy. Thời kỳ quân quyền tuyệt đối hay Trung cổ, với quan niệm chiến tranh bảo vệ tôn giáo, người ta thấy quân đội do giai cấp kỵ sỹ (chevalier) nắm giữ. Thời kỳ thương nghiệp bắt đầu hưng thịnh, giai cấp kỵ sỹ dần dần xuống thế trong khi tổ chức quân sự chuyển sang hình thức dân quân được mua chuộc bằng tiền bạc.
Bây giờ các nhà xã hội học sau khi đào sâu vấn đề cũng đều công nhận như Machiavel với định luật:
"Une armée est toujours une organisation sociale l'expression de la collectivité tout entière".
Như vậy ta có thể khẳng định rằng:
Nếu không có một đường lối chính trị thực tâm thực sự phục vụ cách mạng thì không khi nào có quân đội cách mạng được.
Chiến trường chủ yếu
Quân sự gia người Đức Von Bulow nói rằng: "Chiến tranh là một sự rối loạn đuợc tổ chức và có tổ chức. Mục đích của chiến tranh bây giờ là đấu tranh vũ trang giành lấy quyền thực hiện một sinh họat xã hội mới thay thế cho sinh họat xã hội cũ. Sự thay cũ đổi mới đó, thể hiện lên qua tổ chức xã hội, khi tổ chức xã hội cũ không còn thích hợp với tiến bộ của thời đại trên các mặt sinh họat, kể cả mặt ý thức, tổ chức của chế độ cũ sẽ trở thành một thứ chướng ngại. Nó đòi hỏi sự tham gia đấu tranh của tất cả các lực lượng sinh động xã hội từ văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội đến quân sự. Vì tính chất tòan diện đó nên chiến trường chủ yếu của chiến tranh bây giờ là đấu tranh tổ chức."
Vấn đề tổ chức hết sức phức tạp vì ở chiến tranh hiện đại có sự tham dự của nhiều ý thức hệ, sự tham dự của nhiều lực lượng đối lập nhau ở trong cũng như ở ngòai nước cho nên muốn lãnh đạo chiến tranh trước hết phải khắc phục được vấn đề tổ chức gay gắt và khó khăn.
Làm thế nào nắm vững được quy luật sinh họat xã hội với các mặt đối lập và thoả hiệp, vì thế công tác tổ chức phải đi sâu vào các ngành sinh họat xã hội từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, từ nông thôn đến thành thị để hoàn thành một hệ thống đấu tranh suốt mặt: Tổ chức hay là thua! Đó là điều kiện gốc cho chiến tranh ngày nay.
Nói rằng: Chiến tranh trên căn bản phải giữ được liên hệ mật thiết với quần chúng rộng lớn... Nói rằng ngòai mặt trận thì quân đội xung phong đánh giặc, miền hậu tuyến thì dân chúng ra sức tăng gia sản xuất, nông dân ngòai đồng ruộng, công nhân trong xưởng máy đều cùng một nhịp họat động phục vụ tiền tuyến... Nói rằng lực lượng vũ trang gồm có quân đội chủ lực, quân đội địa phương, và dân quân vũ trang, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xã là một căn cứ quân sự, mỗi tổ chức thôn xã là một bộ tham mưu.... Nói rằng hết sức thêm bạn bớt thù, đòan kết mọi lực lượng có thể đòan kết được, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập được, phân hóa mọi lực lượng có thể phân hóa được, phát triển và củng cố lực lượng vũ trang.
Hết thảy đều là vấn đề đấu tranh tổ chức vậy.
Đấu tranh tổ chức gồm hai mặt:
Một mặt tổ chức, củng cố tổ chức, phát triển tổ chức để không ngừng mở rộng, thêm sức mạnh cho lực lượng ta, đồng thời chống phân hóa chia rẽ nội bộ. Lúc nào cũng có khả năng đối phó kịp thời với những đột biến. Một mặt vận dụng tổ chức để phân hóa chia rẽ hàng ngũ địch, làm thối nát đời sống địch, làm rối lọan, gieo mâu thuẫn khắp nơi, gieo xung đột nội bộ địch trên mọi mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, quân đội v.v... Những điều kể trên, ngàn xưa cũng đã có, nhưng ngày nay những điều đó phức tạp hơn nhiều và để thực hiện chúng, công việc đòi hỏi một kế họach hành động mà kỹ thuật đạt tới mức tuyệt hảo. Ngày nay chiến tranh trên sự thực đã rõ rệt là một hình thức đấu tranh cao nhất, chiến tuyến quân sự với chiến tuyến chính trị như đã trộn lẫn với nhau cho nên ở mỗi giai đoạn lại thóat ra những mâu thuẫn, những thỏa hiệp mới. Ở mỗi hình thế lại có những bạn mới, thù mới, những kẻ thù phụ, thù chính, thù sau lưng và thù trước mặt. Điều kiện tiến hành chiến tranh theo với đà phát triển của chính trị quốc tế, quốc nội và diễn tiến của chiến lược mà biến đổi bất thường. Những yếu tố chính trị, kinh tế, tâm lý v.v... đòi hỏi tổ chức chính trị phải thích ứng được với hòan cảnh chiến tranh và tổ chức quân sự phải hòa hợp được với hòan cảnh đấu tranh.
Thủ đọan tổ chức
Đề cập đến tổ chức phần lớn người ta, thứ nhất là các học gia phương Tây, chỉ đưa ra vận dụng nguyên lý và kỹ thuật tổ chức, mà quên mất thủ đoạn đối với vấn đề ấy, như vậy không thể dùng danh từ đấu tranh tổ chức. Thủ đọan của vấn đề tổ chức là:
1) Vận dụng chính trị vào đấu tranh tổ chức
2) Vận dụng lý luận vào đấu tranh tổ chức
3) Đấu tranh cán bộ - đấu tranh tổ chức.
Một đường lối chính sách đúng có thể cho lực lượng lớn mạnh thêm. Một đường lối chính sách sai có thể làm cho lực lượng nhỏ yếu đi. Chính trị ảnh hưởng to tát đến vấn đề tổ chức như vậy.
Làm thế nào để sự rối lọan theo định nghĩa Bulow được tổ chức và có tổ chức?
Phải dựa vào đường lối chính trị và công tác chính trị. Có đường lối chính trị thì chiến tranh mới có mục đích rõ ràng. Có đường lối chính trị thì mới phát hiện được trong mỗi hình thế những mâu thuẫn và thỏa hiệp để định rõ kẻ thù, định rõ bạn đồng minh. Từ đó mà gây ra phân hóa cô lập kẻ thù, tranh thủ thật rộng rãi bạn đồng minh để đánh ngã kẻ thù trước mắt.
Vào thời đại Clausewitz và Luddendorf các nước đã hòan thành thống nhất nội bộ, ý thức quốc gia đang lên cao. Chỉ cần đứng dưới một màu cờ, một nhung phục là bạn thù đã phân biệt rõ rệt. Cuộc nổi dậy năm 1848 sở dĩ thất bại cũng vì lực lượng thợ thuyền chưa bị hoàn tòan lôi cuốn vào thuyết đấu tranh giai cấp và phe chống đối nổi dậy còn quá mạnh với ý thức quốc gia dân tộc đang bành trướng.
Bây giờ khác hẳn, đấu tranh với chiến tranh không còn ranh giới rõ rệt nữa. Chiến tranh giữa các nước tiến hành cùng một lúc với chiến tranh trong nước. Do đó vấn đề tổ chức trở nên phức tạp hơn. Dân tộc hay quốc gia nếu không mang một nội dung chính trị đấu tranh nào sẽ thành vô vị và nhạt nhẽo.
Trong hình thức chiến tranh hiện tại, vấn đề tổ chức không chỉ để cung cấp cho nhu yếu chiến tranh mà nhiệm vụ chính là cung cấp cho nhu yếu đấu tranh. Vấn đề tổ chức không chỉ ở trên mặt đấu tranh quân sự mà còn rộng rãi ở trên nhiều mặt đấu tranh khác.
Tổ chức rộng rãi quần chúng nhân dân đòan kết thành một trận tuyến thống nhất, mở rộng chiến trường ra khắp nơi và khắp các lãnh vực. Dùng tổ chức để khóang triển lực lượng chiến đấu, dùng tổ chức để phân tán kẻ thù, dùng tổ chức để vũ trang quần chúng đánh đối phương bất cứ chỗ nào, dùng tổ chức để biết rõ cơ mưu của địch, phá họai cơ cấu bảo vệ của địch đồng thời bảo vệ cơ sở tổ chức của ta, còn dùng tổ chức để làm tan rã sức đối kháng của địch trên tư tưởng, trên quan niệm, trên ý thức, trên hứng thú, trên sinh họat v.v... Hành động nào cũng do lý luận mà ra, lý luận đúng, hành động đúng, lý luận sai hành động sai, không đưa đến kết quả. Mặt khác, muốn tổ chức trước hết phải thuyết phục người có tiếp nhận ta thì mới chịu tổ chức. Cho nên đấu tranh tổ chức chỉ đúng có thể thực hiện được hòan hảo khi nào ta đã thắng địch trên mặt trận lý luận. Hay nói khác đi nếu đấu tranh lý luận, đấu tranh giáo dục, đấu tranh tuyên truyền là suy động cơ của đấu tranh tổ chức (?)
Đấu tranh lý luận giữ vai trò cực quan hệ trong đấu tranh tổ chức. Nội chiến Trung quốc chứng minh điều này. Khi phe Quốc dân đảng đã mất lục địa, đa số nhân vật lãnh đạo thuộc phái duy vũ lực cho rằng thất bại của họ là thất bại về quân sự. Sự thất bại quân sự chỉ là hậu quả của thất bại đấu tranh lý luận tuyên truyền và giáo dục. Hàng vạn phần tử trí thức, hàng trăm vạn nông dân vì nghe lý luận và tuyên truyền cộng sản đã không sợ nguy hiểm vuợt vòng phong tỏa để chạy về khu vực cộng sản, đem đến cho cộng sản một lực lượng quân đội lớn lao và một lực lượng cán bộ phong phú. Sự kiện đó chứng tỏ cộng sản đã nắm vững được mối liên hệ giữa đấu tranh lý luận, tuyên truyền với đấu tranh vũ trang.
Trong khu vực do Quốc dân đảng kiểm sóat, vì bị mê hoặc bởi lý luận và tuyên truyền cộng sản mà nhân dân các giới không sợ tróc nã, hình tội đã gia nhập các tổ chức địa hạ của cộng sản mà phá họai, mà vận động quần chúng nổi lên đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang ngay trong lòng địch thì đó là sự thất bại quân sự hay vì cộng sản đã kết hợp được liên hệ đấu tranh lý luận, đấu tranh tuyên truyền với đấu tranh tổ chức?
Cộng sản nhờ lý luận và tuyên truyền thẩm thấu mà đặt nhân sự lọt sâu được vào những cơ cấu lãnh đạo chính trị, quân sự để phá họai đến trung tâm các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế của Quốc dân đảng thì đó là thất bại quân sự, tình báo hay vì Cộng sản đã khéo vận dụng được liên hệ đấu tranh lý luận, tuyên truyền với đấu tranh bảo vệ?
Phe Quốc dân đảng thất bại bởi đã không thắng trên trận tuyến văn hóa. Đấu tranh lý luận của phe Quốc dân đảng thất bại bởi nó thiếu tính hòan chỉnh, tính hệ thống, và tính chiến đấu cao độ. Cũng do nguyên nhân này mà bản thân Quốc dân đảng càng ngày càng hủ hóa, các phái bộ đảng tranh giành nhau quyền lợi riêng lẻ bỏ quên quyền lợi chung.
Đấu tranh tuyên truyền của Quốc dân đảng thất bại bởi tuyên truyền chỉ để tuyên truyền chứ không để tổ chức, tuyên truyền chỉ có tính cách phiến diện chứ không có tính chất giáo dục để lãnh đạo quần chúng. Đấu tranh lý luận, đấu tranh tuyên truyền làm nhân quả cho nhau. Đấu tranh lý luận, đấu tranh tuyên truyền phải phối hợp chặt chẽ với đấu tranh tổ chức.
Đó là nguyên tắc cơ bản để tranh thủ lực lượng quần chúng để đọat được về mình lợi khí làm ung thối và tan rã kẻ thù.
Phạm vi đấu tranh rộng lớn và phức tạp như vậy, để gánh vác nó, đương nhiên phải có một lực lượng đã được củng cố vững chắc trên tư tưởng, trên chính trị và trên tổ chức. Lực lượng ấy có hay không tất cả tùy thuộc vào đấu tranh cán bộ. Cán bộ sẽ đi bên cạnh quần chúng để giáo dục, đi sâu vào trận doanh địch mà phát triển các tổ chức tế bào. Do thắng lợi từ đấu tranh cán bộ sẽ đem lại cho ta bảy điều có tại khắp nơi:
a) Có uy thế chính trị
b) Có quyền lực xã hội
c) Có lực lượng bổ sung
d) Có phương tiện vật chất
e) Có tai mắt
f) Có lực lượng chiến đấu ngay trong lòng địch
g) Có chiến trường đã chuẩn bị trước.
Và quan trọng hơn hết là bộ máy cán bộ đem đến khả năng thích ứng chiến tranh vào những ý nguyện chính trị để tiến hành một cuộc đấu tranh đúng mức.
Hòa bình
Chiến tranh là công cụ của chính trị, nhưng nếu coi nó là công cụ duy nhất và tuyệt đối thì chính trị sẽ phá sản. Ở đây vấn đề hòa bình hiện lên. Nhưng nói đến hoà bình đa số thường mang một quan niệm rất sai lầm là khi đem nó đối chiếu với chiến tranh thì nhất định chiến tranh là một màu đen ảm đạm, còn hòa bình là một màu hồng hạnh phúc, nghĩ hòa bình là thiên đường còn chiến tranh là địa ngục. Và chỉ chấp nhận hẳn hoi là một sự trái ngược chứ không chịu là một sự liên hệ tương bằng giữa chiến tranh và hòa bình. Sự thật hòa bình hòan tòan là một thực tế chính trị, nó cũng như chiến tranh, nó là một mặt khác nữa của đấu tranh nhằm giải quyết những xung đột chính trị. Hòa bình chỉ là sự tạm im hơi của tiếng súng để chuyển chiến tranh vào các chiến tranh khác như:
Chiến tranh tư tưởng (Ideological war)
Chiến tranh chính trị (Political war)
Chiến tranh ngọai giao (Diplomatic war)
Chiến tranh văn hóa (Cultural war)
Chiến tranh kinh tế (Economic war)
Chiến tranh tuyên truyền (Publicity war)
Chiến tranh gián điệp (Intelligence war)
và ở hòa bình tính quyết liệt mặc dù máu đã bớt đổ, cũng không giảm đi, mọi hình thức đấu tranh như: Thủ đọan mưu mô, áp lực đe dọa, trừng phạt vẫn còn. Người xưa với câu nói: Bình thời giảng võ, lọan thế độc thư; thật quả đã ý thức minh bạch sự liên hệ (notions corrélatives) của chiến tranh với hòa bình.
Vậy hòa bình là đấu tranh (La paix est lutte) đọc sách lúc lọan là để đấu tranh khi hòa bình. Hòa bình mang muôn hình vạn trạng, không có một kiểu mẫu nhất định nào, nó tùy thuộc những đổi thay của các tương quan lực lượng (Il n'y a pas d'arché type unique de la paix mais autant de formes qu'il y a de types de rapports de forces ou de puissances).
Có những hòa bình vì thế quân bình, có những hòa bình vì rơi vào liệt thế, có những hòa bình để tiến hành một âm mưu lật đổ v.v...