CHƯƠNG 2
Người ta làm chính trị bằng đầu óc

Căm giận và tâm lý tranh hùng
đưa con người vào chính trị nhưng
con người làm chính trị phải chế
ngự tất cả những đam mê đó để
chỉ biết chính trị mà thôi
Người ta làm chính trị bằng đầu óc
Nguyễn Phi Khanh bị quân Tàu bắt mang đi, Nguyễn Trãi theo cha khóc lóc, đến quan ải Phi Khanh quay lại bảo con rằng:
"Con hãy đi về tìm kế trả thù cứ lẽ đẽo khóc lóc mà làm nên chuyện gì?"
Tào Mạnh Đức ngồi họp với các quan triều thần, các quan ôm nhau thở ngắn than dài về hành động tàn ác lộng quyền của Đổng Trác, Mạnh Đức cười lớn mà rằng: các ngài thật là lũ ăn hại, cứ than vãn suông thì Đổng Trác có thua chăng?
Trên đây là hai trạng huống thường bày ra trước mặt nhà chính trị. Người chính trị dấn thân trước hết do nguyên nhân căm giận và muốn tranh hùng. Mối căm giận cũng như tâm lý tranh hùng đều là hai đam mê (passion). Nếu chỉ căm giận mà không dám tranh hùng thì chỉ có hành động than vãn khóc lóc. Nếu chỉ hăng tranh hùng mà không căm giận thì không có điểm tựa.
Vì vậy người xưa mới nói, thánh nhân nhất nộ nhi an thiên hạ. Phải giận, phải căm, nhưng phải làm gì để dẹp tan mối căm hờn đó.
Từ căm giận, từ tranh hùng bước sang an thiên hạ, người chính trị lại tiến đến một vấn đề khác: chế ngự đam mê để hoàn thành công việc bằng đôi mắt lạnh lùng. Ở đây Marx Weber viết: "On fait la politique avec la tête et non avec les autres parties du corps ou de l'âme" (người ta làm chính trị bằng đầu óc, không bằng những bộ phận khác của cơ thể hay bằng huyết khí).
Đôi mằt lạnh lùng của người chính trị mang ý nghĩa: Tri tấn thóai tồn vong nhi bất thất kỳ chính (biết tiến thóai còn mất mà không sai lệch đường lối). Đôi mắt ấy được coi như phẩm hạnh cao nhất của người chính trị, vì chúng là kết quả của cuộc đấu tranh giữa kích thích dằn vặt khô cạn với hành động tươi thắm và sáng tạo. Căm giận và tâm lý tranh hùng đưa người vào chính trị, nhưng người chính trị phải chế ngự những đam mê đó để chỉ biết đến chính trị mà thôi. Netchaev một nhân vật tiểu thuyết của Dostoiesky đòi hỏi: Tính chất của một nhà cách mạng chân chính là đuổi hết chủ nghĩa lãng mạn, tâm hồn nhạy cảm, không thù hận nữa, không yêu ghét nữa. Còn lại trong hắn chỉ là thói quen tính toán lạnh hơn băng tuyết.
Nguyễn Trãi căm thù giặc quyết chí trả thù cha, vào Lam Sơn theo phò Lê Lợi với mười năm đánh đông dẹp bắc, cả thắng quân Minh. Nhưng cũng chính Nguyễn Trãi là người cực lực bênh vực chủ trương mềm dẻo với nhà Minh để tranh thủ hòa bình giành thời gian kiến thiết.
Bài Bình Ngô Đại Cáo viết: "Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lạn trúc phá tro bay. Sĩ khí đã hăng quân thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan, Phương Chính, Lý An tìm đường chốn lủi. Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc, lấy Đông Đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông, bến Tụy Động xác đầy ngòi nội khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt Tâm Công chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu nó tới lui, ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương gây mầm tội nghiệp. Cậy mình là phải chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời chẳng bõ bày trò dơ giuốc. Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức, nhằm võ không thôi, lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy. Năm Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng tự Khâu Ôn tiến sang Mộc Thạnh từ Vân Nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo. Mười tám Liễu Thăng thua ở Chi Lăng; hai mươi Liễu Thăng chết ở Mã Yên? Hai mươi lăm Lương Minh trận vong, hai mươi tám Lý Khanh tự vẫn. Lưỡi đao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành, hẹn đến ngày rằm tháng mười diệt giặc. Sĩ tốt ra oai tỳ hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn, đánh một trận, sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ. Thôi Tụ đã phải quỳ mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lãng Giang, Lạng Sơn thây chết đầy đường."
.............................................................................................................................................................................................................................................................................
Hai mặt cứu binh cắm đầu trốn chạy, các thành cũng khấu cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó vẫy đuôi phục tội; lời lẽ Bình Ngô oai hùng như vậy, nhưng lời lẽ trong bài biểu mà Bình Định Vương sai Trần Cao sang sứ đưa vua Tàu khác hẳn như: "Ngờ đâu quân dân xa xôi mới đến thấy voi sợ hãi tức khắc tan vỡ. Việc đã xảy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước cũng là lỗi của tôi.
Giai đoạn căm hận qua rồi thì chính trị phải được đặt lên cao hơn hết. Nộ khí của người chính trị không như nộ khí của dũng sỹ Dự Nhượng. Dự Nhượng trước khi chết chỉ xin đánh vào áo bào kẻ mà mình không giết nổi. Đả long bào dưới con mắt chính trị là một việc hoàn toàn vô ích. Bởi vì chính trị chỉ có quy luật duy nhất là quy luật của hiệu quả. Ngoài hiệu quả ra không còn gì đáng kể nữa, diệt thân mạng kẻ thù chứ không cần đánh vào áo kẻ thù...
Moĩse và mười điều răn
Moĩse đứng trên ngọn núi Sinai truyền phán mười điều răn (décalogue) ông hô lớn: Tu ne tueras point. Đến lúc bọn người Hebreu thần dân của Moĩse tín ngưỡng thờ bò vàng thì Moĩse tức giận ném tượng bò vàng vào lửa dùng gươm chém những kẻ đã dám dự vào lễ thờ thần tượng ngoại giáo.
Người ta tôn sùng Moĩse về mười điều răn, nhưng Moĩse đã thắng lợi nhờ bạo lực. Bị tát má bên phải hãy giơ má bên trái, đó là công việc của thầy tu. Thầy tu khả dĩ nói chớ nên chống trả tội ác bằng bạo lực nếu không anh sẽ chịu trách nhiệm về sự thắng lợi của nó.
Tuy nhiên khi Thượng Đế bênh vực Moĩse liền cho mưa to gió lớn rồi lại làm nắng hạn khiến cho đất cát nứt nẻ để đẩy người Hebreu lang thang đói khát trong vùng sa mạc bao la, chưa nguôi giận Thượng Đế còn thả rắn độc xuống cho thả cửa cắn giết thì chính Moĩse lại quỳ xuống xin Thượng Đế khoan dung và chỉ làm cho rắn bằng thép để cho lũ người Hebreu trông thấy sợ hãi mà thôi.
Hành động dùng kiếm chém người Hebreu là nguyên tắc mà Marx Weber nói: Le moyen décisif en politique est la violence (phương tiện quyết định chính trị là bạo lực). Hành động làm con rắn giả bằng thép và xin Thượng Đế khoan dung là vận dụng nguyên tắc. Theo Machiavel thì phải đem tâm linh của con cáo để dùng cái lực của sư tử.
Việc làm của Moĩse có vấn đề được đặt ra:
Người làm chính trị cần được yêu hay được sợ? đằng nào hơn?
Machiavel trả lời: Với vị quân vương dĩ nhiên điều cần thiết rõ ràng nhất là được nổi danh về đức nhân từ, dung thứ, nhưng phải luôn luôn thận trọng về cái đức ấy. Dù sao thì điều chắc chắn vẫn là được thiên hạ sợ hơn là thiên hạ yêu.
(Un prince doit évidement désirer la réputation de clémence, mais il doit prendre garde à l'usage qu'il fait. Qu'il est plus sûr d'être craint que d'être aimé).
Được yêu do ân mà tới, được sợ do uy mà tới, ân phải tạo bằng thời gian dài, nhưng uy có thể khắc phục khó khăn trong khoảng khắc. Theo ý Machiavel thì do những biến chuyển mau chóng của chính trị mà thường thường uy đi trước ân.
Một trường hợp điển hình về uy trong lịch sử Pháp kể dưới đây:
Năm 1815 khi Napoléon vượt ngục trở về Pháp, tờ báo Moniteur đã báo cho dân chúng biết tin ấy lần lượt từng ngày như sau:
- 9 Mars Tên quái vật đã vượt ngục
- 10 Mars Tên hung bạo đến mỏm Juan
- 11 Mars Con hổ đã xuất hiện ở Gap. Quan quân đang bao vây để lùng bắt nó và nó đã trốn chạy vào vùng rừng rậm.
- 12 Mars Bạo chúa hiện thời đang ở Lyon. Hãi hùng đã hiện ra khắp nơi nào mà ông ta có mặt.
- 14 Mars Người tiếm ngôi chỉ còn cách thủ đô sáu mươi giờ đi.
- 15 Mars Bonaparte cố tiến, nhưng rất khó lòng đến được Paris.
- 20 Mars Napoléon ngày mai sẽ tới chân thành Paris.
- 21 Mars Đại Đế Napoléon hiện đang ở Fontainebleau.
- 22 Mars Ngày hôm qua đức Hoàng thượng Ngài đã vào điện Tuileries. Không gì ngăn được nỗi vui mừng của dân chúng.
Làm cho sợ không phải là hành động tàn ác bất nghĩa
Tôn Vũ Tử thuyết phục vua về phép dùng binh, vua muốn đùa nên sai đám cung nữ cho Tôn Vũ Tử luyện tập. Vào sân cô nào cô nấy cười lả lướt, hàng lối chênh lệch, Tôn Vũ Tử liền ra lệnh ai không nghiêm thì chém. Đám cung nữ vẫn giữ nguyên thái độ đùa cợt. Tôn Vũ Tử thét lôi hai người ra chém. Tất cả đều sợ hãi và tuân lệnh răm rắp, hàng lối chỉnh tề đâu đấy.
Giết người như vậy, Machiavel gọi là hành động tàn nhẫn đáng được ban phước lành (cruautés bénises).
Vua Long Đĩnh tức Ngọa Triều thù ghét bọn tăng ni nên lùng bắt sư rồi sai người lấy mía dựa lên đầu mà róc, thỉnh thoảng dao lại bập vào đầu làm chảy máu đầm đìa, để nhìn rồi cười thích.
Hành động này Machiavel gọi là hành động tàn ác thuần túy.
Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung nhân vì chính quyền thối nát, thái giám chuyên chính đặc vụ hoành hành, lo bên trong, lo bên ngòai, lại gặp lúc mất mùa, nông dân phá sản nên tụ tập một số người nổi lên. Xuất thân là trẻ chăn trâu và đồ tể nên hai gã nghĩ rằng làm cách mạng là loạn đả loạn sát. Khi gây được thế to rồi, hai gã cho dựng tấm bia mệnh danh là thất sát bi và đặt ra bài hát có bảy chữ giết. Quân Lý, Trương đi đến đâu cướp của giết người đến đó. Dân chúng thấy vậy bỏ không theo chúng nữa, cuối cùng cả hai bị giết trong binh loạn.
Machiavel gọi là tàn ác vụng dại (cruautés mal-practiquées).
Nghĩa giả sự chi nghĩa dã, làm nghĩa là làm cho đúng vậy, các học gia Tây phương chấp nhận chủ nghĩa của Đông phương theo nghĩa này nên họ dịch là pertinence. Trong chính trị cần giết để lập uy nhưng giết mà bất nghĩa là đào hố tự chôn mình.
Những lúc nào thì nên dùng thủ đoạn mạnh đó?
Úy Liêu Tử trả lời: Phàm tru diệt là để làm sáng uy vũ. Nếu giết một người mà khiến cho ba quân nghiêm minh thì nên giết lắm; nếu giết một người mà vạn người vui thì ngần ngại gì mà không giết.
Phạm Tăng bảo với Hạng Vũ: Chúa công phải dùng Hàn Tín, nếu không phải giết Hàn Tín đi, chớ để tài của Hàn Tín lọt vào tay người khác.
Thế hòa với Đức Quốc xã không thể tiến được nữa, Staline liền cho người sang Mexique giết chết Trotsky.
Nghĩa "sát" ở đây là một nhu yếu chính trị để bóp chết hậu họa đang lớn lên có phương hại đến sự nghiệp đang tiến hành.
Machiavel gọi là tàn ác khôn ngoan ( cruautés bien-practiquées).
Cái nghĩa của bạo lực
Đây nói về bạo lực vật lý.
Bạn đọc một đoạn trong cuốn tiểu thuyết Les possédes của văn hào Dostoevsky có đoạn đối thọai giữa Verkhovensky và Kirilov:
- Không có Thượng Đế, vậy Thượng Đế là tôi đây.
- Tao không hiểu mày nói gì, tại sao mày lại là Thượng Đế?
- Nếu có Thượng Đế thì tất cả lại do ý muốn của ông ta, và dĩ nhiên nếu là ý muốn của ông ta thì tao không thể chạy thóat được. Nếu không, thì tất cả là ý muốn của chính tao, bằng cớ là tao hoàn toàn có quyền tự giết ngay chính tao.
- Nếu tao nghĩ như mày thì tao giết những người khác để chứng tỏ cái quyền đó.
Những cuốn sách Les possédes, Crime et châtiment, (Dostoevsky), Seven hanged men (Andrev), Family Vitriol (Zoschenko) chú trọng vào vấn đề dùng bạo lực đã ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào khủng bố hồi tiền cách mạng Nga. Khắp nơi phe khủng bố đều chỉ có họat động duy nhất là làm đổ máu kẻ thù nhiều chừng nào hay chừng ấy. Ngược lại cơ quan Okhrana đặc vụ của Nga Hoàng cũng tìm cách tiêu diệt mạng sống của những người trong phong trào mới, gây thành không khí chết chóc thê lương. Lâu dần với cái đà khủng bố hỗn loạn, khiến cách mạng thoái trào. Lénine mới viết cuốn Que Faire? để cứu vãn nguy cơ thóai trào ấy. Lénine kêu gọi hãy tổ chức lại toàn bộ cuộc đấu tranh. Ông đề ra những nguyên tắc mới cho họat động bạo lực.
Bạo lực không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện, bạo lực phải có mục tiêu rõ ràng và nhất định không lãng phí bạo lực. Bạo lực phải được hệ thống hóa không gặp đâu hay đấy. Bạo lực không được phát nguyên từ sự thù hằn cá nhân. Trotzky cũng nói:
"Khủng bố mưu sát thành công có làm cho bọn thống trị khốn đốn hay không? Cái đó còn tùy thuộc vào những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào sự khốn đốn cũng chỉ rất ngắn; nhà nước tư bản không chỉ dựa vào mấy ông Bộ trưởng chính phủ và lẽ đương nhiên nó không chết theo mấy ông ấy. Chết người này, bộ máy tư bản sẵn sàng thừa người thay thế để tiếp tục công việc... Nếu chỉ cần võ trang vài khẩu súng sáu để tiến tới mục đích thì sao lại có sự gắng sức của cả một công trình đấu tranh giai cấp. Nếu có thể làm cho những tên trùm thống trị sợ hãi bằng vài tiếng nổ, thì sao lại cần phải có đảng?"
Đọc sử Việt, Đặng Trần Thường khi bắt được Ngô Thời Nhiệm mới ra câu đối cho Nhiệm rằng: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trên trần ai ai đã biết ai." Câu đó tỏ ý muốn trả thù Nhiệm đã khinh rẻ mình khi trước, rồi giết Nhiệm.
Nguyễn Hữu Chỉnh phật ý vì Đỗ Thế Long, nên khi Long vừa đi khỏi nhà liền bảo tay chân: Long là rồng, thời buổi này không nên để rồng ở trên cạn, nó sẽ quấy phá, phải cho nó xuống nước. Lũ tay chân của Chỉnh liền đuổi theo Long bắt dìm xuống sông Nhị Hà.
Việc làm của Thường và Chỉnh là việc làm tàn bạo do thù cá nhân, không hề vì nhu yếu chính trị. Giết kẻ thù để mua lấy tiếng cười chê là đều cấm kỵ của con người chính trị.
Cũng những sự biến chính trị tương tự nhưng kết quả khác hẳn nhau. Đó là hai vụ: Triệu Quang Nghĩa giết Triệu Khuông Dẫn và Lý Hậu Chủ, Đường Thế Dân giết những người thân thuộc ở Huyền Vũ Môn. Nhưng Triệu Quang Nghĩa bị người đời gọi là kẻ vô đạo còn Lý Thế Dân được mệnh danh là minh quân.
Tại sao? Bởi tại Lý Thế Dân hành động với nhu cầu chính trị còn Triệu Quang Nghĩa giết Triệu Khuông Dẫn để cướp ngôi và giết Lý Hậu Chủ để chiếm vợ người. Lý Thế Dân không vậy.
Cái nghĩa của bạo lực chính là đáp số của bài toán mà đề toán là làm thế nào có lợi cho chính trị.
Làm đến cùng
Chính trị với Trần Hưng Đạo Vương là có thể rút về Vạn Kiếp, nhưng không thể ngưng chiến. Nếu quyền lực chưa đủ để mở lớn thì ẩn nhẫn và gắng lực không cho quyền lực khác lấn át. Ở chính trị, phút nào từ bỏ quyền lực là lúc ấy ta rơi vào nô lệ.
Nhà thơ Voloshin viết:
"Hãy cho đi, hãy chịu nhường tất cả đi rồi bạn sẽ dành được tủi nhục, nghèo đói và làm tên nô lệ khốn khổ nhất."
Đấu tranh là tìm mọi cách để tránh không để bị quỵ xuống và mặt khác cũng là tìm cách đánh cho địch quỵ hẳn. Tất cả những nới tay vô ý thức là nuôi hậu họa về sau. Bàng Quyên định giết Tôn Tẫn, nhưng Tôn Tẫn giả điên dại khiến cho Bàng Quyên sơ hở, Tôn Tẫn mới thừa cơ trốn đi. Rút cuộc chính Bàng Quyên chết bởi chính tay Tôn Tẫn. Ngô Vương Phù Sai tự cấy cho mình cái họa diệt vong từ lúc chỉ bắt Câu Tiễn làm mã phu mà không giết. Tào Sảng bị cái kế giả ốm của Tư Mã Ý mà mất nước. Hết thẩy là cái lỗi không làm đến cùng.
... Nhưng điểm cùng của chính trị ở đâu?
Phải nhận cho rõ.
Khổng Minh bảy lần bắt, bảy lần tha Mạnh Họach tại sao ông nhiễu sự như vậy. Chẳng phải Khổng Minh nhiễu sự chỉ vì điểm cùng của công việc chính trị bình man là thu phục nhân tâm chứ không phải giết Mạnh Họach. Giết Mạnh Hoạch còn gây ra nhiều rắc rối khó khăn hơn, thu phục Mạnh Họach làm tay sai cho mình mới là thượng sách. Điểm cùng của chính trị cho toàn bộ sự nghiệp khác, cho từng giai đoạn khác. Mao Chu vận động tha cho Tưởng ở Tây An, mặc dầu điểm cùng của chính trị Mao Chu là làm thế nào tiêu diệt được họ Tưởng. Tuy nhiên cái điểm cùng ấy không thể đi thẳng tới một mạch mà phải quanh co. Nếu Tưởng Giới Thạch chết trong vụ Tây An thì chỉ Nhật có lợi, toàn thể Trung Hoa trong đó có cả Trung Cộng sẽ bị họa hại bởi chia rẽ. Cho nên Mao Chu đã chọn điểm cùng cho sách lược lúc đó là mượn vụ Tây An cướp lấy danh nghĩa kháng Nhật: mượn vụ Tây An để đòi hỏi Tưởng Giới Thạch nhượng bộ ít điểm chính trị.
Trong đời sống, thứ nhất là trong các vận động lịch sử, điểm cùng thường đổi chỗ luôn luôn một cách rất biện chứng.
Tỷ dụ các nhà quân sự thường nói: Tấn công là một cách phòng ngự tuyệt hảo và phòng ngự cũng là một cách tấn công rất tốt. Tư Mã Ý cố thủ trong thành nhất định không chịu ra nghênh chiến khiến chiến dịch Kỳ Sơn của Gia Cát phá sản. Tào Tháo phải liều tấn công Ô Sào để gỡ thế thua trong phòng ngự.
Thế nào là một nhu yếu chính trị
Chúa Trịnh khi đã mạnh lắm việc lật nhà Lê dễ như trở bàn tay. Ý muốn diệt Lê trước khi được đem ra thi hành, Chúa sai người vào hỏi Trạng Bạch Vân. Trạng Bạch Vân không nói gì chỉ quay ra bảo người nhà: "Người chịu khó quét dọn bàn thờ Phật cho sạch sẽ, thờ Phật thì được ăn oản. Câu nói ấy được về báo cáo với Chúa Trịnh. Chúa Trịnh bèn bỏ luôn ý định kia đi.
Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý. Vua Lý Huệ Tông tuy đã chịu xuất gia đi ở chùa rồi, nhưng Thủ Độ vẫn định bụng giết đi cho khỏi sợ lo về sau. Một hôm Huệ Tông ngồi nhổ cỏ ở sân chùa Chân Giáo. Thủ Độ thấy mới nói: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ nó đi". Huệ Tông nghe thấy, phủi tay đứng dậy nói rằng: "Nhà ngươi nói ta hiểu rồi." Được mấy hôm Thủ Độ cho người đến mời Huệ Tông, Huệ Tông biết ý vào nhà sau thắt cổ tự tử. Thủ Độ đã hại Huệ Tông rồi lại muốn trừ nốt các tôn thất nhà Lý. Đến năm Nhâm Thìn, nhân làm lễ tế tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Đường, Thủ Độ sai đào hầm làm nhà lá ở trên, để đến khi các tôn thất nhà Lý vào đấy tế lễ, thì sụp cả xuống hố, rồi đổ đất chôn sống cả.
Staline không giết Trotzky ngay mà chỉ lưu đày mãi đến khi Đức phát động chiến tranh vào đất Nga thì việc giết Trotzky, Staline cho thi hành gấp. Khoảng thời gian cách nhau chừng mười mấy năm.
Không tiêu diệt trái lại còn tôn phụng.
Tiêu diệt và tiêu diệt tận gốc rễ.
Không tiêu diệt lúc này, nhưng tiêu diệt lúc khác.
Đó là lãnh đạo sự việc chuyển biến tùy theo nhu yếu.
... Nhu yếu chính trị đòi hỏi phải có sự xoay chuyển thật mau lẹ để ứng phó kịp với tình thế. Nhưng không phải quay cuồng như chong chóng để chạy theo những thay đổi chính trị nhỏ nhoi mà quên đi những nét lớn của đường lối để mà hy sinh quyền lợi căn bản cho quyền lợi tạm bợ nhất thời. Nói nhu yếu chính trị là nói nhu yếu của một cái thế lớn. Sự xem xét lại sách lược rất cần thiết bởi vì tình thế cơ trong chính trị biến hóa bất trắc, cần xoay trở để tranh thắng nhưng tranh thắng cho cái thế lớn kia chứ không phải tranh thắng cho những tiểu cục trước mắt.
Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể cảnh thất cơ lỡ vận của Lưu Bị nhẩy qua Đàn Khê. Đọc Hoàng Lê Nhất thống chí nói về lúc Nguyễn Hữu Chỉnh bôn ba lận đận bỏ đất Bắc vào Nghệ an. Cống Chỉnh chẳng gây được sự nghiệp gì còn Lưu Bị thì làm vua đất Thục. Chỉnh thất bại vì Chỉnh không có chủ trương chính trị nào nhất định, bởi thế nên Chỉnh không có cái thế chính trị, đã không có thế chính trị thì làm gì có nhu yếu chính trị mà chỉ có nhu yếu cá nhân. Còn Lưu Bị lúc nào cũng lo lắng đi tìm cho mình một thế chính trị, kể cả lúc hãy còn là gia nhân của Công Tôn Toản.
Chỉ làm vì nhu yếu
Dostoievsky trong cuốn tiểu thuyết A raw youth viết:
"Trên đời có những kẻ bản tính nó đã như thế, nhưng cũng kể bắt buộc phải hành động như thế. Mấy chữ bắt buộc phải hành động như thế đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều, vẫn thường thường ám ảnh tôi."
Người chính trị ai cũng có nỗi ám ảnh trên đây để làm cho thuần những hành động của mình. Nghĩa là không làm đại, không làm bừa. Tất cả mọi hành động mang tính chất phóng nhiệm, không do ép buộc của hoàn cảnh và điều kiện khách quan, không do một nhu yếu chính trị quan hệ đến vận mạng của sự nghiệp chính trị đều là những hành động vô chính trị. Kiệt Trụ dùng cột đồng nung nóng để bắt người trói vào cột, nấu vạc dầu sôi ném người vào. Ít lâu sau Kiệt Trụ bị Chu diệt.
Vua Đinh Tiên Hoàng để chảo vạc dầu trước sân, ném người vào. Nuôi hổ báo trong cũi sắt cho xé xác người. Ít lâu sau nước định.
Hai việc làm giống nhau, nhưng hai kết quả khác nhau chính là tại một đắng thì làm theo ý rông rỡ điên cuồng. Và một đằng thì làm theo sự cần thiết của tình thế.
Không có thực sự thỏa hiệp
Sự giành giật quyền lực không bao giờ có thực sự thỏa hiệp. Mọi thỏa hiệp đều chỉ là kết quả của những nhu yếu trong một thời gian nào đó thôi.
- Đánh bại nước Ngô rồi, thì tranh chấp nội bộ nước Việt bùng nổ. Phạm Lãi nhanh chân chạy thóat, còn Văn Chủng không chạy kịp bị Việt Vương Câu Tiễn bức tử.
- Thống nhất quốc gia xong, Lưu Bang chặt cổ Hàn Tín. Giúp Thái Tổ thu lại bờ cõi, Nguyễn Trãi về ẩn dật ở Côn sơn, nhưng cũng không yên thân, xẩy ra vụ án Thị Lộ đầu độc vua, kẻ thù xúm vào tấn công khiến cho dòng họ Nguyễn Trãi bị giết đến ba họ.
- De Gaulle đi với Salan để lật đổ nền đệ tứ Cộng hòa Pháp. Rồi De Gaulle lại bắt giam Salan để củng cố nền đệ ngũ Cộng hòa.
- Robespierre ngập ngừng không quyết liệt hạ Fouché, vì thế Fouché mới có đủ thời gian vận dụng kế đưa Robespierre lên máy chém.
Tranh chấp chính trị là thường xuyên cho nên thỏa hiệp chính trị không thể vĩnh cửu được bất kể là tranh chấp nào giữa dân chúng với chính quyền, giữa nội bộ chính quyền hay giữa các quốc gia v.v...
Tranh chấp chính trị chỉ có hai thế khả dĩ coi làm vững vàng nhất là: Chết hay toàn thắng. Những câu hỏi lúc nào cũng được nêu ra:
- Ai tiêu diệt ai?
- Ai thắng ai?
Người chính trị đối với chính trị luôn luôn tự hỏi như thế để tự thức tỉnh, để cảnh giác phấn đấu, để đừng bị ru ngủ bởi cái lặng lẽ bên ngòai mà bên trong đang có sẵn những âm mưu lấn đọat. Người chính trị không bao giờ chấp nhận một tình thế hoàn toàn trống rỗng và phải sợ sự yên lặng thiếu tranh đấu như một thứ không khí nguy hiểm, vì đấu tranh không bao giờ ngừng, cuộc đấu tranh này kết thúc bằng sự chết hay đầu hàng của một bên, nhưng liền ngay đấy cuộc đấu tranh khác lại bắt đầu. Chiến tranh nóng chấm dứt thì chiến tranh lạnh khởi sự. Tiếng súng ngừng nổ thì đấu tranh hoà bình mở màn.
Bất luận tính chất cuộc đấu tranh thế nào bằng súng bằng máu hay bằng lý luận bằng mưu, hai kẻ thù chính trị cũng tiến hành họat động vào mục tiêu:
a) Ngăn chặn sức bành trướng của phe đối nghịch.
b) Đẩy lui lực lượng phe kia.
c) Tiêu diệt toàn bộ sức lực phía thù địch.
Ở đấu tranh chính trị không thể có tình trạng mà các học gia phương Tây thường mệnh danh là thỏa hiệp thực sự (real agreement). Người ta có thể nhìn thấy về điều này qua những hiệp ước quốc tế hiện tại như hiệp ước Nga-Đức, hiệp ước tứ cường về nước Đức, hiệp ước Nga-Hoa, hiệp ước Genève về Việt Nam v.v...
Không có thỏa hiệp thực sự, nhưng chẳng phải vì thế mà đấu tranh chuyển ra ác liệt sắt máu ngay. Ai tiêu diệt ai, ai thắng ai lúc nào cũng được đặt ra, nhưng chính trị đã trở thành một nghệ thuật cao nhất trong đời sống xã hội bằng những thỏa hiệp giả, thỏa hiệp tạm để rồi lại từ cái thỏa hiệp giả, thỏa hiệp tạm ấy mà tiếp tục đặt vấn đề ai tiêu diệt ai, ai thắng ai trên một cục thế khác.
Chúng ta đã từng được nếm mùi cay đắng với cái Modus vivendi ký giữa Marius Moutet và Hồ Chí Minh với cái tạm ước phân đôi nước Việt. Chúng ta đã được sống trong sự thay bậc đổi ngôi giữa Diệm với Bảo Đại khoảng 1954-1955.
Bất cứ cuộc đấu tranh nào xẩy đến cũng đều là kết quả của sự đổ vỡ của những thỏa hiệp tạm nói trên. Ngay cả đến cuộc đấu tranh nội bộ cũng thế.
Trong lịch sử:
Lưu Bang ban đầu chỉ là một chư hầu của Hạng Võ. Staline và Trotzky đã từng sát cánh nhau làm việc trong những ngày gay cấn nhất của cách mạng tháng mười.
Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đã từng chia xẻ ngọt bùi với nhau suốt ba mươi năm trường.
Nhờ Rohm, Hitler mới gây được thế lực, nhưng ngay khi nắm được chính quyền Hitler cho lệnh thủ tiêu Rohm (các nhà báo đặt tên vụ này là: nuit des longs couteaux) vì Rohm bị phe quân nhân Đức chống kịch liệt, họ chỉ bằng lòng nhận đảng Quốc xã với điều kiện không có mặt Rohm mà Hitler thì đang cần phe quân sự để ngồi vững ở chính quyền.
Tại sao không thể có thỏa hiệp thực sự
Khi dùng danh từ thỏa hiệp tức là nói hai đường lối chính trị dừng lại ở một điểm nào đó để bắt tay nhau.
Khi bước sang điểm khác thì cái bắt tay kia không còn giá trị nữa. Nó đòi hỏi một bên phải tan biến vào bên kia để chỉ còn đường lối duy nhất. Mao Trạch Đông nêu ra phương châm: Một mặt kết hợp một mặt đấu tranh để cho cán bộ học tập chính sách của thời kỳ thỏa hiệp quốc cộng kháng Nhật. Nếu chỉ nói liên hiệp mà không nói đấu tranh thì có nghĩa C.S. đã thua và tự tan biến vào phe Quốc dân đảng. Phải đấu tranh thì mới tỏ rõ rằng đây chỉ là chính sách thỏa hiệp kháng Nhật. Nhưng không từ bỏ đường lối CỘNG SẢN, nhiệm vụ cán bộ Cộng sản trong thời kỳ này là nhận lệnh của Tưởng Giới Thạch để đánh Nhật, nhưng tất cả việc làm nào cũng không được quên đóng góp xây dựng sự bành trướng của chính trị Cộng sản. Cho đến ngày Cộng sản đủ vây cánh, đủ uy tín rồi, thì lập tức phải tiêu diệt chế độ Tưởng.
Từ ngàn xưa cổ nhân có nói: Nước không thể có hai vua. Chính trị lúc nào cũng đòi hỏi quyết liệt cái thế định ư nhất. Giai đoạn thỏa hiệp là tạm bợ. Ngay ở những nước dân chủ đa đảng hay lưỡng đảng cũng vẫn luôn luôn tiến hành chính trị trên nhu cầu định ư nhất như thường. Nước Mỹ chẳng hạn, đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ đều phải phục vụ chung một chính sách tư bản Mỹ. Chế độ đa đảng ở Pháp, có đảng Cộng sản lớn bậc nhất nhì Âu châu, tuy nhiên nước Pháp từ trước đến nay vẫn hành động với thái độ của nước tư bản, cho đến lúc tình thế gay cấn nhất, chế độ đa đảng đệ tứ Cộng hòa đành phải nhường bước cho đệ ngũ Cộng hòa, trong đó tính chất định ư nhất nặng hơn.
Trong "Cổ học Trung Quốc" có câu:
"Sự việc nếu một thì toàn vẹn, hai là phân chia, nhiều thì tán ly. Một thì trị, hai tất tranh giành, nhiều là loạn. Cho nên phải biến phân tán thành tụ tập, diệt chia rẽ để thành hoàn chỉnh, như thế gọi là nhất."
(Phàm vật nhất tắc toàn, nhị tắc phân, đa tắc tán. Nhất tắc trị, nhị tắc tranh, đa tắc loạn. Cố nhất giả, ước tán quy tập, tụ phân quy chỉnh).
Do nhu yếu định như nhất, do nhu yếu của quyền lực cần phát triển nên thỏa hiệp nào cũng chỉ là thỏa hiệp tạm, không thể là thỏa hiệp thực sự (real agreement).
Tính quy luật trong chính trị
Mở đầu cuốn Đông Chu Liệt Quốc có kể đoạn vua U Vương nhà Chu muốn làm đẹp lòng Bao Tự nên dở hết trò xé lụa, lại đến đốt lửa cấp cứu để quân chư hầu lục tục kéo đến. Việc U Vương chẳng có một quy luật chính trị gì hết, nhưng việc các chư hầu căm giận U Vương và việc nhà Chu mất về những hành động bậy bạ ấy là những quy luật chính trị.
Lịch sử không có sự việc nào xẩy ra lại không do một cần thiết. U Vương chiều Bao Tự đối với lịch sử thật hoàn toàn vô ích, nhưng hành động lại là điều chứng minh cái sa đọa và bất lực của nhà Chu. Và sự nổi loạn chống cái điên rồ của U Vương lại là một cần thiết lịch sử đáng kể.
Lá cờ vạn thắng của Đinh Bộ Lĩnh là kết quả của bao năm trời đất nước lầm than trong loạn Sứ Quân.
Nguyễn Hữu Chỉnh bị Nguyễn Huệ ghét và lưu ý từ ban đầu, bởi vì Chỉnh là người tâm phúc giỏi của Nguyễn Nhạc. Khi xung đột nội bộ giữa anh em Tây Sơn nổ ra đương nhiên Chỉnh ở vào cái thế cần bị trừ khử.
Kháng chiến bùng nổ, dân chúng thành thị tản cư về đồng ruộng tạo ra hiện tượng văn hóa về nông thôn.
Quân Nhật đánh vào phía Bắc nước Trung Hoa trí thức và dân Trung Hoa miền Bắc chạy xuống miền Nam làm thành hiện tượng văn hóa Nam Di.
Cầu không vận Bá linh là kết quả của phân chia Bá linh theo hiệp ước Postdam.
Hết thẩy đều nằm trong tính quy luật, chính trị không có chuyện ngẫu nhiên.
Nếu làm chính trị tùy theo hứng và phó mặc cho ngẫu nhiên, con người chính trị chẳng chóng thì chày sẽ bị đẩy đến thất bại, giống như Hạng Võ sau khi thất trận rồi ngửa mặt lên trời mà than: Trời hại ta.
Còn một điều cần biết là tính quy luật trong chính trị sẽ xếp lớp tuần tự tiến đến khác với quy luật vật lý mà các khoa học gia gọi là định luật. Sở dĩ nó khác với định luật vật lý, bởi vì nó đến hàng hàng lớp lớp theo với sáng tạo của con người.
Merleau Ponty viết:
"La politique est une action qui s'invente".
A đánh cờ với B, nước cờ của A đi buộc B phải đi một nước cờ chịu ảnh hưởng của A và cứ thế những nước cờ của B chống trả, buộc A phải đi nước cờ chịu ảnh hưởng của B và cứ thế những nước cờ của hai bên không ngừng chi phối lẫn nhau.
... Nhìn và nghiên cứu quy luật tính là để hành động cho chính xác, thu xếp công việc bằng kế hoạch hẳn hoi chống lại tính may rủi.
Tôn Tẫn giết Bàng Quyên ở Lăng Đạo. Tôn Tẫn đã dựng nên một kế họach chính xác đến nỗi ông có thể viết vào thân cây mấy chữ: Bàng Quyên phải chết dưới gốc cây này. Quả nhiên Bàng Quyên thua chạy đến đây thấy quân lính bảo rằng ở thân cây có mấy hàng chữ, Bàng Quyên tự mình cầm đuốc soi xem chữ gì. Trong khi Tôn Tẫn cho phục sẵn đội cung thủ ở đây dặn hễ lúc nào trông thấy đốt đuốc ở gốc cây là cứ việc bắn xả vào đó.
Khổng Minh khốn Tào Tháo ở tiểu lộ Hoa Dung, đặt địa lôi ở hang Thượng Phương khiến cho Tư Mã Ý mất vía thảy đều là nắm được tính quy luật. Đến chuyện sang cầu hôn bên Giang Đông thì kế họach của Khổng Minh mới càng tuyệt diệu. Với ba cẩm nang ông giải quyết được mọi sự dễ dàng chẳng phải tốn hao hơi sức. Kể từ việc nhỏ nhất là ngay hôm đến Giang Đông đã cho người phao tin ầm ỹ lên để cho Ngô Quốc Thái biết mà chặn hành động càn rỡ của Tôn Quyền, rồi đến việc nhìn rõ tâm lý Lưu Bị mải vui nên dặn dò Triệu Tử Long vào nhắc nhở v.v... Cẩm nang đâu phải là chuyện huyền bí, chẳng qua là vì ông nắm được vững vàng tính giữ luật của sự việc mà thôi.
Trong truyện nhan đề An Official business nhà văn Tchekow đã tả nỗi lòng đau đớn của nhân vật Lyzhim: Bấy giờ hắn mới nhận thấy rằng đời hắn chẳng đáng một cuộc đời, chỉ là những mảnh vụn chắp nối với hết những ngẫu nhiên này đến những ngẫu nhiên khác không đưa hắn đến đâu cả."
Những phạm trù của tính quy luật
Bắt tay vào việc, trước hết là chữ thời, đúng lúc, nắm cơ hội. Rèn sắt khi miến sắt còn đỏ. Lão Tử nói rằng: "Thời hồ! Thời hồ! Vấn bất cập mưu, ứng thời chi cực gián bất dung tức." (Làm cho đúng lúc, không để lỡ một phút một giây.)
Thứ hai là phân biệt khó dễ. Nhận định khó dễ gồm có bốn điểm chính:
a) Làm sao làm ít mà nhiều lợi.
b) Làm sao giải quyết cho mau chóng.
c) Làm sao giảm chướng ngại, khó khăn nguy hiểm đến mức tối đa.
d) Làm sao không đưa dẫn sự can thiệp của những thế lực khác.
Thứ ba là chuẩn bị chu đáo.
Trước một sự kiện chính trị, quy luật tính thường được phát hiện trên sáu mặt:
1) Bản chất và hiện tượng
2) Nội dung và hình thức
3) Nguyên nhân và kết quả
4) Căn cứ và điều kiện
5) Khả năng và hiện thực
6) Ngẫu nhiên và tất nhiên.