Chương 5
Chính trị không phải là giấc mơ hoa trong chuyện thần tiên mà là một thực tế tàn nhẫn.

If you happen to be in power,
don't think you are so almighty
SUHARTO
Thái độ có cả hay là không có gì không phải là thái độ chính trị đúng. Mỗi giai đoạn chỉ có một khả năng thực hiện hạn chế. Mỗi giai đoạn cần một nỗ lực để thêm khả năng cho giai đoạn sau. Khổng Minh muốn Kinh châu làm bàn đạp lấy Ba thục, không có Kinh châu Lưu Bị không thể xưng vương đất Thục.
Mọi biện pháp chính trị đều xây dựng trên nguyên tắc từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, và tìm cho ra khía cạnh thuận lợi của chướng ngại để vượt qua.
Mọi sự việc nút kết khó khăn nói khái quát bao giờ cũng có ba lọai:
thứ nhất: Tất cả những gì thuộc vấn đề nhân sự;
thứ hai: Tất cả những gì thuộc về vấn đề nhân lực vật lực;
thứ ba: Tất cả những gì thuộc vấn đề điều kiện khách quan.
Đối với vấn đề nhân sự, phương pháp giải quyết là tiêu diệt những phân tranh nội bộ, những thành kiến và xây dựng một lãnh đạo quyền vững chãi. Những khẩu hiệu chính trị ta thường nghe thấy như: chấn áp phần tử phản cách mạng đoàn kết, phê bình và đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn để tiến tới đoàn kết trên cơ sở mới, hết thảy đều là những biện pháp nhằm giải quyết vấn đề nhân sự.
Đối với vấn đề nhân lực vật lực, phương pháp giải quyết là thu thập ít sau nhiều. Đảng cách mạng nào lúc đầu cũng chỉ có năm mười người, sau mới thành ngàn vạn người. Đám cháy lớn nào cũng khởi sự bằng ngọn lửa không to hơn ngọn lửa trên đầu que diêm.
Đối với vấn đề điều kiện khách quan, phương pháp giải quyết là xây dựng khả năng đấu tranh căn cứ vào hoàn cảnh hiện thực. Phải thận trọng quan sát những triều nước lớn và nước rút xuống của lịch sử. Biết biến cơ hội thành sự thực, nhưng cũng biết ngừng ở đâu.
Nói về quy luật nhượng bộ
Dostoevsky viết trong cuốn Nhật ký của một nhà văn:
... Bạn bước xuống một ga tỉnh nhỏ và ngẫu nhiên được nghe tin chiến sự loan báo có hơn mười ngàn người chết, điện tín vừa loan báo xong. Rồi bạn lại trông thấy một chàng trai trẻ với nét mặt say sưa không phải anh ta hoan hỉ vì số tử nạn nhưng vì anh ta say sưa vì lý tưởng cao siêu, anh ta thành khẩn kêu gọi: hỡi các người ngoan đạo, cuộc đời rồi cũng hủy diệt, tất cả đều hủy diệt.
Bạn hãy nhìn kỹ tên đó, bạn sẽ thấy ngay hình dáng của một tên khốn nạn đang tự đầu độc mình và đầu độc những người chung quanh.
Có kẻ kia, y thường quỳ gối cảm ân Thượng đế vì y không bị đánh đập, nếu có ai đánh đập y, y cũng cảm ân Trời Phật là may mắn y không bị giết chết. Rồi có ai giết chết y, y sẵn sàng cúi lạy Thượng đế đã giải phóng linh hồn bất diệt của y ra khỏi cái trái đất đau khổ này.
Trên đây là những lời công kích chủ nghĩa chủ bại.
Anton Tchekhov viết trong vở kịch Ba chị em:
Cuộc đời thật cam go. Có nhiều người trong chúng ta quá bi quan cho rằng tất cả sẽ dẫn chúng ta đến tuyệt địa và không còn hy vọng gì hết... nhưng rồi nó lại sáng sủa huy hoàng, không lâu đâu tất cả rồi sẽ lại sáng lạn như xưa.
Sologub viết trong tiểu thuyết Ngôi nhà cũ, ngôi nhà có người bị tử hình vì chính trị:
Ý nghĩ về Boris đã bị treo cổ không hề ám ảnh họ. Những lúc ánh mặt trời chói chan, những lúc ánh trăng trong vắt bầu trời, chuyện ấy lại trở về thức tỉnh tâm hồn họ... Đôi lúc nó vò xé dằn vặt đớn đau... Nhưng rồi chính những dằn vặt vò xé đớn đau ấy lại trở lại thức tỉnh họ.
Trên đây là những lời đầy hứa hẹn khi phải áp dụng sách lược đảo thóai.
Chỉ có những con người chính trị sáng suốt lắm mới nắm được quy luật nhượng bộ. Mỗi cuộc chiến tranh đều phải tiến hành một cách rất biện chứng, nếu không hiểu như thế, không thể lãnh đạo đấu tranh. Đấu tranh là hủy diệt những chướng ngại trước mắt để tiến, muốn hủy diệt những chướng ngại đấu tranh cần lòng dũng cảm cứng rắn, nhưng không phải chỉ có hành động dũng cảm cứng rắn vì đôi khi sự lùi bước cũng là để hoàn thành việc tiến lên.
Quy luật nhượng bộ như thế nào?
1) Giữ chặt trận địa tối hậu, những cứ điểm khác có thể tùy thời nhượng bộ. Tỷ dụ bỏ thành thị để giữ chặt nông thôn. Tuyên bố học tập Tam Dân Chủ nghĩa để chặn cuộc tấn công quân sự nhằm tiêu diệt Cộng sản của Tưởng Giới Thạch. Bỏ Thụy kim chạy lên Diên an.
2) Khoáng triển lực lượng ra bên ngòai, nhưng có thể tùy thời bỏ tùy thời chiếm. Tỷ dụ: Chấp nhận rút lui khỏi Cuba để giành lời cam kết của Mỹ đối với chế độ Castro. Ký hòa ước Tilsit.
Nhượng bộ là chiến thuật không phải là chịu hàng xin thua, nguyên tắc căn bản của nhượng bộ là lùi một bước để tiến hai bước.
Nhượng bộ như chính sách của Phạm Lãi Văn Chủng nhằm bảo toàn lực lượng, nhằm làm cho Ngô vương đắc ý. Có nhượng bộ ở Cối kê mới có thắng lợi ở Cô tô.
Nhượng bộ để làm gì?
Chiến tranh hay đấu tranh bắt đầu và chấm dứt bằng một chuỗi thắng lợi không gián đoạn không thể có trong lịch sử. Nó phải kinh qua những giai đoạn khác nhau, lên bổng xuống trầm.
..............
Nói về thỏa hiệp
Thỏa hiệp không kể lọai nào và thỏa hiệp với bất cứ kẻ nào trong những điều kiện thuận lợi cũng cần thiết chẳng kém gì bạo lực để đánh kẻ thù trong những điều kiện thuận lợi khác. Cả hai đều hướng chung vào mục đích tránh bị tiêu diệt (bởi/và tiêu diệt?) đối phương.
Thỏa hiệp chính trị mang rất nhiều hình thái, trong lịch sử cận đại người ta thấy:
- Trung cộng thỏa hiệp với Quốc dân đảng Trung Hoa cùng nhau kháng Nhât để dùng cuộc kháng chiến mà khoáng triển lực lượng.
- Trung cộng lập trận tuyến thống nhất thỏa hiệp với các đảng phái để thêm vây cánh chống Tưởng.
- Trung cộng đề ra chính sách thỏa hiệp với phú nông diệt địa chủ, rồi thỏa hiệp với trung nông để diệt phú nông, rồi lại đem bần cố nông diệt trung nông.
- Trung cộng sau khi tiếp thu đại lục đã thỏa hiệp với các công thương kỹ nghệ gia để chấn chỉnh thương mại và công nghiệp, sau mới thay thế và tiêu diệt lần mòn.
- Trung cộng thỏa hiệp với Anh về Hương cảng để giải quyết lối thóat cho mậu dịch, và làm cái cửa ngõ cho bang giao quốc tế.
- De Gaulle thỏa hiệp với Salan về vấn đề Algérie để lật đổ nền đệ tứ Cộng hòa.
- De Gaulle thỏa hiệp với Ben Bella để giải quyết vấn đề Algérie, để tiêu diệt đạo quân bí mật (O.A.S.).
- Hồ Chí Minh thỏa hiệp với Leclerc để đem quân đội Pháp lên Bằc Việt, đuổi quân đội Tàu đi.
- Đảng Bôn-sê-vích thỏa hiệp với phe tư sản Kerensky để chống chế độ Tsar hoàng.
- Thỏa hiệp của Tòa thánh với Phát xít để diệt phong trào Cộng sản ở Espagne.
Trên đây là kể những thỏa hiệp lớn, thỏa hiệp chính sách, đời sống chính trị còn hàng trăm thỏa hiệp nhỏ như:
- Hai phe chiến tranh nhưng vẫn có thỏa hiệp trao đổi tù binh.
- Hai kẻ thù nhưng vẫn đều đều ký với nhau và rất tôn trọng những thỏa hiệp thương mại.
- Hai ranh giới chiến thời nhưng vẫn có thỏa hiệp ngầm cho sự giao thương để giải quyết vấn đề tin tức.
Lúc nào thì buộc phải thỏa hiệp?
Khi cả hai bên đều nhận thấy không thể lấn nhau được bước nào hết nữa, đó là lúc chín mùi cho một sự thỏa hiệp. Khi mỗi bên đều có những khó khăn nội bộ phải giải quyết, đó là lúc cần thiết một sự thỏa hiệp.
Những năm sau của năm 1917, những tay áp phe quốc tế đều chịu ảnh hưởng của Urquhart nhất định đặt lại chế độ Tsar hoàng ở nước Nga. Chế độ mới của nước Nga phải chịu biết bao cay cực để chấn chỉnh nền thương mại. Khi đã khả quan rồi, chính phủ Sô viết phái Krassine sang Anh để gặp Urquhart, ban đầu Urquhart vẫn bảo thủ ý kiến cũ, nhưng lúc Krassine đưa ra nhiều điều kiện mới có lợi, Urquhart đổi sắc diện và cầm bút viết vào giấy những chữ giá cả ra sao? số lượng bao nhiêu? ký kết mấy năm?
Tưởng Giới Thạch bao vây Diên an để tiêu diệt Cộng sản, vụ Tây an nổ ra, nội bộ Quốc Dân đảng chia rẽ vì phong trào kháng Nhật sôi nổi, Tưởng Giới Thạch đành chịu thỏa hiệp rút quân về, tuyên chiến với Nhật.
Thỏa hiệp là một chiến thuật không thể không có, nội dung của bất cứ thỏa hiệp nào cũng có thể chứa đựng nhiều mưu mô. Cho nên khi thi hành thỏa hiệp phải đề phòng chỉ nhìn vào hành động đối phương và nhất định không để bị lôi cuốn bởi những lời, những chữ ký kết trong bản thỏa hiệp.
Về việc đưa đảng liên minh với phe tự do dân chủ, Lénine nói:
Cánh trí thức trong tổ chức của ta chỉ chú trọng vào mấy danh từ ngôn ngữ hão để làm điều kiện thỏa hiệp. Còn cánh vô sản thì hoàn toàn trông cậy vào sự tranh đấu. Cánh trí thức hy vọng vào những người tư sản tốt, tư sản đứng đắn. Cánh vô sản trông cậy vào lòng tốt hay đứng đắn của tư sản. Thỏa hiệp vì chính trị đòi hỏi như vậy dù phải thỏa hiệp với bọn tư sản xấu xa nhất để chống lại bọn vua chúa quý tộc. Rõ ràng là vô sản ủng hộ tư sản dân chủ không phải tin tưởng vào lòng tốt của chúng mà là để đánh kẻ thù chính của chúng ta là: Tsar.
Nói tóm lại, nguyên tắc căn bản của thỏa hiệp là:
Anh hãy cho tôi cái gì, tôi cũng sẽ biếu anh một thứ.
Không bao giờ có thỏa hiệp vĩnh viễn hay thực sự. Trong thời gian thỏa hiệp, hai bên ký kết ngay từ lúc bắt đầu hạ bút ký kết đã sửa soạn để vi phạm thỏa hiệp hoặc ngấm ngầm hoặc ra mặt.
Tuyên bố Quốc-Cộng liên kết và kháng chiến chống Nhật rồi về Nam kinh chấn chỉnh xong nội bộ, phe Quốc Dân đảng liền tạ sự Cộng sản bất phục tòng mệnh lệnh để tước súng ống, mệnh danh khu vực Cộng sản là gian khu mang quân lên tiễu phạt.
Ngược lại Cộng sản sau khi chánh thức chịu quyền chỉ huy của Tưởng rồi, rảnh tay phóng ra phong trào tuyên truyền chống Tưởng đã theo Nhật, mở rộng khu du kích Cộng sản, tăng cường võ trang chống Tưởng.
Hồ Chí Minh lập chính phủ liên hiệp với phe Nguyễn Hải Thần, nhưng liền sau đó nhiều cán bộ quốc gia bị đưa đi thủ tiêu, nhiều khu vực quốc gia bị bộ đội V.M. tấn công.
Thủ đoạn thỏa hiệp có thể thu gọn vào câu dưới đây:
Vừa đấu tranh vừa thỏa hiệp, muốn thỏa hiệp phải đấu tranh, muốn đấu tranh phải thỏa hiệp.
Thầy tu Jesuit Balthazar Gracian nói:
"Đời sống nhân lọai là một cuộc đấu tranh chống lại sự quỷ quyệt của con người. Người khôn ngoan bao giờ cũng dùng đủ mọi mưu lược vào trong ý định của mình. Hắn ta không bao giờ để hở cho ai biết hắn muốn làm gì, hắn có nhằm mục đích nào đó thực đấy nhưng hắn phải tìm cách lừa không cho ai trông thấy cái dã tâm của hắn. Hắn tung ra những lời nói mà rút cục hắn làm những điều mà không ai nghĩ đến. Những lời nói chẳng qua chỉ để làm vừa lòng địch thủ của hắn, khi địch thủ bận bịu vì những lời nói kia lập tức hắn thi hành một việc khác."
Để đối phó với cuộc sống đó người ta phải dùng tới trí thuật.
Phe đạo thống có thời khi nói về trí thuật thường đưa ra những tên gọi khác nhau, kỳ diệu để khen, sảo quyệt để chê. Thực ra trí thuật đều có phân biệt, khi đã dùng thủ đoạn thì thủ đoạn nào cũng tốt miễn là nó mang đến hiệu quả. Còn sự xấu tốt của trí thuật là do dùng thủ đoạn ấy vào việc chính hay vào việc tà, việc tầm thường hay việc khác thường.
Napoléon nói:
"Sở dĩ tôi thắng trận Vandée là bởi tôi tự biến thành người Công giáo, nhưng sang đến Ai cập dĩ nhiên tôi cần phải tin đạo Hồi. Và nếu có ngày nào tôi cai trị người Do thái tôi sẽ cho tu bổ ngay đền Salomon."
Người chính trị lúc nào cũng bị chìm ngập trong những biến chuyển dồn dập, họ phải đáp ứng với bao đòi hỏi từng giờ. Họ có quyền nói thẳng thắn những điều họ nghĩ hôm nay, nhưng ngày mai họ có quyền nói khác hẳn hay nói trái ngược những điều họ vừa nói hôm trước.Người chính trị có quyền nói hôm nay rằng chúng ta thất bại vì chính sách mềm dẻo, bây giờ phải cứng rắn và ngày mai họ vẫn cũng có quyền nói rằng: chính sách cứng rắn có thể đem đến thất bại và ta lại phải mềm dẻo. Cái khó ở điểm làm sao nói xuôi ngược như thế mà người ta phải nhận là đúng.
Như vậy ngụy trị là vận dụng phương pháp giả diện và thiện biến.
Đức xâm chiếm Pháp, đảng Cộng sản Pháp lao mình vào cuộc kháng chiến trong khi Nga Đức ký hòa ước bỏ rơi đảng Cộng sản Pháp.
Muốn cho chân tướng thành tựu thì phải biết giả diện. Giả diện là một khúc tuyến để đưa chính trị đến thành công.
Đế vương chuyên chế muốn cho đám quần thần khỏi tác loạn nên lấy học thuyết Khổng Tử làm căn bản đạo đức sinh hoạt. Sự tôn thờ Khổng học cũng được kể như một lối dùng giả diện tuyệt diệu.
Trong 36 kế của Lã Thái Công, có kế "tiếu lý tàng đao" (trong cái cười giấu con dao sắc) cũng thuộc lọai giả diện. Nễ Hành chửi Tào Tháo, Tào Tháo vẫn cười rồi còn khen Nễ Hành là con người tiết tháo hiếm có, nhưng Tào Tháo đã âm mưu để cho Hoàng Tổ giết Nễ Hành. Tháo mượn tay Hoàng Tổ để tránh cho mình cái tiếng giết người hào sảng trung lương. Lưu Bị nghe tiếng sét đánh rơi đôi đũa đang cầm trên tay để cốt che đậy cho Tào khỏi nhìn thấy chí khí anh hùng. Tôn Tẫn không giả điên chắc Bàng Quyên đã giết chết.
Mao Trạch Đông trong thời gian kháng Nhật đã nhận được rất nhiều tiếp tế vũ khí của Mỹ nhờ ở hành động giả diện, chính tướng Marshall và nhiều yếu nhân Mỹ nhận định Mao Trạch Đông không phải là Cộng sản mà chỉ là nhóm cách mạng tiến bộ muốn cải cách ruộng đất.
Giả diện là ngụy trí đối với người, nhưng đừng giả diện với chính bản thân mình, nghĩa là đừng đem cái bộ mặt giả đó mà lừa luôn ta. Bởi thế khi Hứa Du hỏi Tào Tháo về số lương còn chừng bao nhiêu, lúc đầu Tào Tháo còn nói dối quanh, sau Tào Tháo phải thực sự trình bày để xin Hứa Du mách kế. Hẳn hòi Tào Tháo vận dụng để cho lòng quân khỏi nao núng, nhưng trong thâm tâm thì Tào Tháo biết rõ ràng cái thế nguy hiểm của mình.
Về phương pháp giả diện, chính trị học Trung quốc đưa ra hai nguyên tắc:
a) Giả diện dĩ cầu thực bất cầu danh (làm mặt giả để tiến tới cái thực chứ không chủ trương bề ngoài hay danh nghĩa).
b) Hình dũ chân tắc giả diện dũ khả hoành hành vô kỵ (hình tướng càng thực bao nhiêu thì giả diện càng hoành hành tha hồ không còn lo gì nữa).
Con cáo đội lốt con cừu mới chắc ăn, con hoẵng đội lốt con hổ thì dễ chết.
Mục đích của thủ đoạn
Đã nói thủ đoạn, đã biết thủ đoạn thì phải xử dụng, đã xử dụng thì xử dụng đến cùng.
Dương Tu giỏi chẳng kém gì Tào Tháo, nhưng Dương Tu chết vì năng mưu nhi bất năng động. Chỉ khoe cái giỏi nào biết khẩu hiệu Kê cân là Tào Tháo sắp rút, nào biết Tào Tháo muốn làm cửa lớn. Cái biết ấy chỉ tổ làm cho Tào Tháo nghi ngờ. Thà như Trần Cung giỏi nhưng đối lập với Tào Tháo, Tào Tháo còn quý mến, thà như Quách Gia Tuân Úc giỏi và đứng hẳn về phe Tháo. Chứ như Dương Tu dùng cái giỏi của mình làm mối lo cho người hay đem cái giỏi để chế riễu chỉ là một hành động khôn ngoan lắm oan trái nhiều.
Quỷ Cốc nói: "Biến sinh sự, sự sinh mưu, mưu sinh kế, kế sinh nghị, nghị sinh thuyết, thuyết sinh tấn, tấn sinh thóai". (Biến động tạo ra sự việc, sự việc đòi hỏi mưu kế, muốn có mưu kế thì phải bàn bạc, bàn bạc sinh ra thuyết này thuyết khác đặt định lẽ tiến lẽ thóai).
Hành động bao giờ cũng đi song đôi với mưu kế. Mưu kế là lo toan từ trước, cho nên có thể nói rằng mưu kế đi trước hành động. Tính trước rồi mới hành động sau, như thế gọi là mưu định nhi hậu động.
Mục đích của mưu là lợi. Tôn Tử nói: Không có lợi không động, không được gì không dùng, mỗi hành động chính trị phải dành cho được một lợi ích.
Mục đích là lợi nhưng phải biết phân tích được chữ lợi. Bỏ lợi nhỏ để đến với lợi lớn. Thái tử Đan hy sinh Phan Ô Kỵ để lấy phẩm vật mà Tần Thủy Hoàng ưa thích, thi hành kế thích Tần Vương của Kinh Kha mới thành. Nhương Thư phải mượn cái đầu của Trang Giả để lập uy. Lénine phải ký hiệp ước Brest Litovsk để cứu vãn cuộc cách mạng tháng Mười. Đó là phương pháp trừ to lớn không cần thắc mắc đến cái nghĩa nhỏ của Lý Tĩnh khi ông đem quân đánh Đột Khuyết, đành để Trương Kiệm vị sứ thần phải chịu chết. Hàn Phi nói:
"Hành tiểu trung tắc đại trung chi tặc, cố tiểu lợi tắc đại lợi chi tàn." (Lòng trung vặt làm hại lòng trung lớn lao, làm lợi nhỏ mất lợi to.)
Họat động bao giờ cũng phải nhân hoàn cảnh nào, thời cơ nào. Thời cơ, hoàn cảnh gọi là thế. Thế cũng giống như nước đối với con cá. Cá được nước mới thả cửa vẫy vùng. Người được thế dễ bề họat động. Khổng Tử đi bao nhiêu nước, rút cục không thi hành được đạo mình, chẳng phải vì đạo của ông không tốt, cũng chẳng phải Khổng Tử là người xấu, chẳng phải là ông thiếu khả năng làm việc. Thời thế chưa đến đấy thôi. Tuy nhiên Khổng Tử cũng có một phần lỗi là ông không xét cho chính xác thời thế. Bởi vậy ông bị rơi vào tình trạng một nhà tiên tri tay không. Khổng Tử là một triết nhân hơn là một nhà chính trị. Cho nên sau này Hàn Phi phê bình Khổng Tử rằng: Điều ông nói cũng có thể đưa đến lợi lớn, nhưng ông đã nói bằng những danh từ quá cao siêu, xa cách lòng người nên thất bại. Mạnh Tử cũng vậy, cái thất bại của ông chẳng phải vô cớ. Thời Chiến quốc sở dĩ chỉ tôn trọng quyền lực thực tế trước mắt, bởi vì lực thống nhất hãy còn yếu quá, lực thống nhất yếu thì cục thế phân lập vẫn nặng nề. Trong cục thế phân lập cần phải sống còn bằng lợi hại. Khoẻ thì ăn người, yếu bị người ăn. Muốn khỏe phải mưu phải lợi hại. Trọng lợi trọng mưu là cái thế Chiến quốc không cho phép nhân nghĩa của Khổng Mạnh phát triển. Khi nhà Hàn thống nhất, chính trị vương đạo lập thì thuyết nhân nghĩa kia mới đắc dụng.
Câu chuyện điển hình về vấn đề xét thế của Lý Tư thật lý thú. Theo Sử ký Lý Tư chép: Vào cầu tiêu chợt thấy lũ chuột ăn toàn của dơ, đôi khi còn bị người bị chó đuổi đánh. Ông vào kho thóc, cũng thấy con nào con ấy ăn thóc béo mập, toà nhà rộng lớn tha hồ tung tẩy, không bị người đánh cũng không bị chó đuổi. Lý Tư mới thở dài nói rằng: Người hiền với kẻ dở cũng không khác gì lũ chuột, khác nhau chỉ vì biết tìm cho mình cái thế. Từ đấy ông dốc lòng cầu học, đến trường của Tuân Khanh để học thuật đế vương. Chuột ở cầu tiêu, đương nhiên phải ăn của dơ, chuột ở vựa thóc đương nhiên được ăn lúa. Thế định như vậy. Thẩm thế là xét tìm đường thuận lợi đẹp đẽ để tự xử. Học Tuân Khanh thành tài rồi, Lý Tư ngồi nghĩ việc thiên hạ, nhận thấy Sở Vương không đáng thờ, sáu nước kia yếu quá không hy vọng gì xây dựng nghiệp lớn. Chỉ còn lại nước Tần, liền quyết định đến Tần. Lý Tư vào từ biệt Tuân Khanh nói:
"Theo con nghĩ cái thế tranh thiên hạ thì bây giờ phải ở trong tay nước nào có vạn cỗ xe trở lên. Nay con trông chỉ có nước Tần đủ sức nuốt thiên hạ, xây dựng nghiệp Đế Vương, vậy con từ giã thầy để sang Tần đem những gì con học được của thầy ra thi thố."
Lý Tư đã áp dụng phương châm thức thời thế giả vi hào kiệt của Tuân Khanh.
Đến nước Tần gặp lúc vua Tương Vương vừa chết, Lý Tư liền tìm đến nương nhờ người có thế lực ở Tần lúc đó là Văn Tín hầu Lã Bất Vi. Nhờ Lã Bất Vi tiến cử, Lý Tư mới gặp được vua Tần. Lý Tư nói: Ngày xưa Tần Mục Công làm bá chủ chư hầu mà không nuốt được sáu nước là vì thế lực chư hầu còn mạnh, đức nhà Chu còn lớn. Nhưng từ Tấn Hiếu Công đến nay, Chu Thất đã suy vi, chư hầu yếu rồi. Tần có thể thừa thế sai bảo chư hầu. Và chư hầu phải thần phục Tần như một quận huyện. Với thế mạnh của ta, ta quét sạch một phen để thồng nhất thiên hạ. Thế đã đến phải làm cho mau, nếu chần chừ chư hầu hồi phục, liên minh với nhau thì thật khó tính.
Tất cả cái học của Lý Tư là cái học về thuật thừa thời xử thế.
Nương tựa
Tay trằng tạo dựng sự nghiệp, thành công chẳng phải nhờ bàn tay trắng mà nhờ những điểm tựa. Nương tựa cũng ví như chiếc cầu, con thuyền để ta qua sông. Nguyễn Trãi phải nương tựa Lê Lợi để trả thù nhà nợ nước. Lý Tư phải nương tựa Lã Bất Vi, đành rằng Lý Tư có tài song nếu không nhờ Lã Bất Vi thì cái tài ấy chắc cũng mai một đi. Đến cả Lã Bất Vi cũng phải nương tựa vào Tử Sở. Nếu Lã Bất Vi coi Tử Sở như một thứ hàng hóa quý báu thì Lý Tư cũng trông cậy ở Lã Bất Vi như ngôi nhà che chở. Lại nói đến Tử Sở, khi mẹ bị thất sủng đói khát ở Cam đan, vất vơ vất vưởng phải nương tựa vào tiền bạc của Lã Bất Vi. Sự nương tựa lẫn nhau giữa Lã Bất Vi và Tử Sở, nẩy sinh ra một vụ nương tựa khác là Hoa Dương phu nhân. Hoa Dương phu nhân không có con, được Tử Sở để nương tựa(?) Cả ba lúc đầu chẳng có gì nương tựa, đã biết tìm đến nương tựa lẫn nhau. Vụ nương tựa này đã làm thay đổi lịch sử không ít.
Hán Cao Tổ áo vải lên ngôi Thiên Tử, dùng chiến tranh đọat thiên hạ. Người đời sau cho rằng Lưu Bang không cần phải nương tựa. Nhưng xét cho kỹ nếu không có sự tư trợ của Lã Công có lẽ Lưu Bang cũng chẳng nên cơm cháo gì. Ấy là chưa kể đến công lao của Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín, Phàn Khóai.
Trong chính trị sự nương tựa rất là cần thiết. Hitler nếu không có Hinderburg che đỡ, chắc đảng Quốc xã không thể nắm chính quyền. Lénine nếu không được Đức quốc thả về gây loạn, chắc cuộc cách mạng tháng Mười sẽ do người khác làm.
Xưa kia còn có thể có ông tướng râu xoăn không bao giờ chịu khuất thân dưới người nào. Ai làm vua ở chỗ này, ông liền bỏ đi nơi khác xưng hùng, dù phải trốn vào rừng rậm làm thảo khấu.
Nhưng ngày nay không thể còn như vậy được nữa. Xã hội kỹ nghệ tổ chức rất chặt chẽ, bậc thang xã hội đều trải qua những nâng đỡ che chở.
"Pour l'ambitiuex l'humilité est l'échelle.
Vers laquelle le jeune grimpeur tourne le regard."
Hai câu nói của Brutus trong vở kịch Cesar, ta thật rõ ràng tình trạng nương tựa và che chở trong chính trị bây giờ.
Cấy thế
Không có thế thì gây thế. Thế nhờ vun bón mà lớn lên.
Cấy thế ra khắp nơi.
Lý Thế Dân mở khoa thi để vơ vét nhân tài thiên hạ về phò giúp. Lý Thế Dân lên ngôi do sự biến Huyền Vũ Môn, trong vụ đó ông đã giết anh là Lý Kiến Thành và em là Lý Nguyên Cát. Biết việc mình thiên hạ không phục lắm nên Lý Thế Dân ra công tranh thủ quần chúng của Kiến Thành và Nguyên Cát bằng chính sách hóa thù làm bạn, kết quả Ngụy Trưng và Lý Tĩnh, hai tay chân đáng sợ của Kiến Thành và Nguyên Cát, trở về thần phục.
Tô Tần và Trương Nghi cùng học thầy Quỷ Cốc, khi Tô Tần đắc chí thì Trương Nghi còn túng quẫn. Tô Tần sợ nước Tần phát động chiến tranh quá sớm có thể làm hại cho công cuộc du thuyết hợp tung của mình, nên vận động cho Trương Nghi vào Tần với nhiệm vụ làm chậm chiến tranh lại. Quả nhiên Trương Nghi thành công giúp Tô Tần như sở nguyện.
Cái lực vô địch là cái lực có thế đi kèm bên. Có thế thì lực họat động càng thêm lớn, thành công càng thêm nhanh chóng. Vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn nhường ngôi cho vua Vũ cũng như nhà Hạ mất bởi nhà Thương, nhà Thương mất bởi nhà Chu, nhường hay mất đều do thế không thể đừng được vậy, chẳng phải vua Nghiêu hiền đến độ không nhường ngôi cho con. Khi quyền hành ở trong tay Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng gả con(?) cho Trần Cảnh thì thế của nhà Lý kể như mất hẳn. Huệ Tông dù có trốn vào chùa tu cũng không thóat khỏi tay Trần Thủ Độ đã nhổ cỏ thì nhổ cả rễ.
Trước khi nhà Tấn tiêu diệt lục quốc, Tần đã có kế trồng thế rất tài tình. Ban đầu Tần thi hành chính sách ngồi yên để nuôi thế, lấn rợ Nhung phía Tây để mở rộng lãnh thổ luyện tập vũ nghệ để củng cố thế đã có. Sau đó là chính sách thống nhất tiền tệ, cân đo và chính sách tự do mua ruộng đất, luật pháp bảo vệ tư bản. Chính sách này ban bố, những tay giàu có tụ tập về Tần như nước chảy, tiền thiên hạ đổ vào nước Tần phát triển Tần thành đại cường quốc. Như vậy gọi là phép thực thế (trồng thế). Thế do trồng mà có, do nuôi dưỡng bồi đắp mà lớn, cho thật khỏe rồi mới dùng. Không cấy thế tất không có thế, không có thế tất không thể thừa thế, như không xe không ngựa không thể đi đâu.
Trồng thế còn phải biết nhận thế. Tần nhân lúc lục quốc đánh lẫn nhau, ngồi yên để làm giàu làm khoẻ cho nước mình. Như vậy gọi là dĩ thế thành thế hay dĩ thế dưỡng thế. Trồng thế còn phải biết phá thế. Tần dụng Trương Nghi đánh bại chính sách hợp tung, phá xong thế hợp tung rồi, việc trồng thế của Tần càng thêm vững vàng thêm tươi tốt. Thế của kẻ khác bị phá, tức là thế của ta thành.
Lại còn những thuật khác như:
- Mượn thế của người làm thế của ta.
- Tranh thế của người để dùng cho ta.
- Tranh thế của người để ta có thế.
- Dùng thế của địch mà phá thế của địch.
- Để cho mọi người tranh thế, rút cục thế về ta.
Thóat dĩnh
Anh hùng hào kiệt như lưỡi gươm sáng quắc khi vị ngộ còn nằm trong bọc. Lưỡi gươm sáng đó phải có lúc hiện ra. Sự hiện ra đó gọi là thóat dĩnh.
Thóat dĩnh có trăm ngàn phương sách. Trung quốc có câu chuyện điển hình về thóat dĩnh là chuyện Trần Tử Ngang.
Trần Tử Ngang tới kinh đô, chẳng ai thèm để ý đến ông. Trong khi ấy, tại kinh đô có người bán cây đàn quý giá đáng cả ngàn lạng vàng, người giàu có thế lực ở kinh đô cũng bàn tán về cây đàn, nhưng không một ai hiểu tại sao cây đàn lại quý báu đến thế. Trần Tử Ngang bèn đến chỗ người bán đàn, giữa lúc nhiều người tụ tập đến xem ông nói: tôi biết chơi đàn này. Mọi người reo lên xin ông gẩy cho nghe. Trần Tử Ngang hẹn ngày mai hãy đến xóm Tuyên dương, ông sẽ trổ tài. Hôm sau từ sáng sớm tinh mơ thiên hạ nô nức kéo đến. Trần Tử Ngang ngồi trên phiến đá uống rượu ngâm thơ hồi lâu, ăn uống xong ông đứng dậy cầm cây đàn và nói rằng: Ta là Trần Tử Ngang, người quán đất Thục, văn chương chữ nghĩa trên đời chẳng ai bì kịp, thế mà đành chịu so so súi súi ở chốn kinh đô này, chẳng bằng cái thằng bán đàn ngu dốt. Nói xong ông giơ cao cây đàn đập xuống phiến đá, đàn vỡ tan thành trăm mảnh. Ai ai cũng sửng sốt, nhưng cũng từ đây thiên hạ biết đến Trần Tử Ngang.
Fidel Castro mang quân vào trại Moncada, việc này đem cho Castro rất nhiều tiếng tăm đối với dân chúng trong nước cũng như đối với quốc tế.
Mao Trạch Đông nổi tiếng lên nhờ những bài phê bình trong các đại hội đảng, và nhờ những tư tưởng quân sự.
Nằm lấy điều mới lạ để vượt người
Mahomet trong những ngày đầu tiên thành lập Hồi giáo, ông loan truyền chuyện Trời nói với ông ngòai đồng cỏ. Để tụ tập dân chúng nghe mình thuyết pháp, ông bèn nói đại lên rằng ông có phép gọi những vật vô tri vô giác biết cử động. Khi dân chúng bu đến đông nghẹt, ông liền diễn thuyết hồi lâu, dân chúng bị ông dụ hoặc quên mất việc làm phép kia.
Toàn bộ Evangile chỉ ghi chú những phép lạ của Jésus nào chữa cho người mù thành sáng, nồi cơm bao người ăn không hết v.v...
Đời nhà Lý nhà sư Minh Không đem đạo Phật vào chính quyền bằng y thuật chữa cho vua khỏi hóa hổ.
Cải cách ruộng đất, phân chia ruộng đất là món quà kỳ lạ như một phép lạ của Cộng sản đem cho nhân dân mà thi hành kế dụ hoặc.
Đưa ra những điều mới lạ thích hợp tâm lý và hoàn cảnh xã hội tượng trưng cho một hy vọng hay cuộc đổi đời. Vượt người để gây vốn chính trị.
Ba giai đoạn cho việc khoáng trương lực lượng
Theo Lã Vọng thì lực lượng chính trị lớn lên theo ba giai đoạn:
1) Thời kỳ chưa có vốn thì phải khổ công, cố gắng tìm mọi cách lợi dụng thế bên ngòai.
2) Thời kỳ có chút vốn rồi thì phải đấu trí, đánh những trận nhỏ để thâu họach thắng lợi.
3) Vốn lớn rồi thì tranh thủ thời cơ cướp thiên hạ.
Lấy sự phát triển của Trung cộng trên lục địa Trung Hoa và thế giới làm tỷ dụ. Vào năm 1920, năm thứ hai của vận động văn học ngũ tứ, hoa kiều Dương Minh Trai nghe lệnh của đệ Tam Quốc tế mang một phương án thiết lập đảng về nước. Tới Thượng hải, Trai gặp Trần Độc Tú và Lý Đại Khâm hai giáo sư đại học Bắc kinh tổ chức hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác xít. Hội nghiên cứu này từ Thượng hải phát triển thành nhiều phân hội tại các tỉnh khác.
Hội phát triển có mòi vững chãi, Trần Độc Tú liền biến Hội thành Đảng gồm những người đắc lực và tận tâm của hội, chừng gần năm chục người. Chủ trương của đảng trong những ngày họat động đầu tiên là:
- Phát triển tổ chức.
- Đẩy mạnh tuyên truyền.
- Phát triển công vận.
Mặc dầu làm việc rất hăng say nhưng kết quả chẳng được gì vì nhân dân Trung Hoa không hiểu đảng Cộng sản là cái quái gì thấy có búa liềm và lũ người tuyên truyền xung phong hò hét, dân chúng lại tưởng đám rước hay đám xiệc. Trong khi đó Quốc Dân đảng vì lật đổ Mãn Thanh nên rất nhiều người theo Đảng Cộng sản Trung quốc liền thay đổi chiến lược. Chiến lược mới gồm có:
Đổi khẩu hiệu, trước đây chỉ toàn khẩu hiệu Cộng sản, bây giờ toàn khẩu hiệu dân tộc.
Bí mật cho cá nhân gia nhập Quốc Dân đảng để mượn thế của quốc dân đảng. Nhờ chiến lược mới Cộng sản phát triển mạnh.
Tưởng Giới Thạch lãnh đạo phe quân nhân của Quốc Dân đảng nhìn thấy âm mưu tu hú đẻ nhờ của Cộng sản nên quyết định dùng vũ lực giải quyết, dù cho việc giải quyết này trong tình thế khó khăn thời đó có là một chuyện dũng sỹ cắt cỏ tay nhiễm độc cũng đành chịu vậy.
Hành động của phe Tưởng làm cho con thuyền Cộng sản đang thuận buồm xuôi gió bị đứng khựng lại. Cộng sản phải đành đưa chiến lược mới là:
Kết thúc sự hợp tác với Quốc Dân đảng, nhưng vẫn duy trì liên lạc với phe Quốc Dân đảng thiên tả.
Dùng hai vạn đảng viên làm cơ sở vũ trang, vũ trang nông dân để triển khai đấu tranh cải cách ruộng đất.
Thanh trừng nội bộ.
Phía Tưởng Giới Thạch, sau khi củng cố xong, ông tiếp tục dùng binh lực đuổi đánh Cộng sản.
Ở Diên an, Cộng sản sau một phen khánh kiệt lại bắt đầu gây vốn, nhờ cuộc kháng chiến việc làm ăn rất phát đạt cho đến ngày có đủ lực tranh thiên hạ.
Lề lối khoáng trương lực lượng của Cộng sản theo diễn trình từ điểm đến tuyến và từ tuyến đến diện, cũng không khác gì ba giai đoạn của Lã Thái Công vậy.
Bàn về chữ thuật của người xưa
Xét động tĩnh của công việc để chế ngự công việc, biết ứng biến đến vô cùng. Đó là thuật. Nói đến chính trị thì hai chữ vô cùng kia lại càng vô cùng nữa. Chính trị đòi hỏi biết bao nhiêu là thuật, nào là thuật dùng người, thuật kinh tế, thuật cai trị, thuật chiến thắng, thuật hiệu triệu, thuật tranh dân, thuật biện thuyết lý luận v.v...
Nói đến thuật là nói đến học hỏi không biết đến chỗ nào là chừng vì thuật không có trình độ nào nhất định.
Ngày xưa Trịnh Tử Sản được người đem đến biếu con cá. Ông mới sai người nhà thả con cá xuống ao nuôi. Người nhà đem làm thịt ăn vụng, rồi vào bẩm lại với Trịnh Tử Sản: Con cá khi thả xuống ao, nó quẫy đuôi mạnh và bơi nhanh mất hút. Trịnh Tử Sản nghe xong rồi nói: Đúng lắm, đúng lắm! cá gặp nước mà. Người nhà ông Tử Sản về nói chuyện với vợ con ông rằng: Ai bảo Trịnh Tử Sản là con người trí mưu, ta ăn thịt con cá mà ông cũng chẳng biết.
Mạnh Tử nghe chuyện ấy mới phê bình: Đúng lắm, đúng lắm, người quân tử có thể bị lừa dối bằng cái vẻ thẳng thắn. (Quân tử khả khi dĩ kỳ phương).
Nếu xử dụng cho chính xác chữ thuật thì hiệu quả của nó sẽ không lường. Thuật là để thi hành mưu kế. Nó chỉ được việc khi nào nó thật tinh xảo. Tinh xảo ở đâu mà ra, ở học mà ra, cho nên cổ nhân nói bất học vô thuật (không học thì không có thuật) là nghĩa ấy.
Về thuật cai trị Quản Trọng khái quát vào bảy điểm:
1) Tắc: Tức là tính nguyên tắc và tính quy luật
2) Tượng: Nên phân định ra từng lọai để đối phó.
3) Pháp: Đặt ra điều lệ, tiêu chuẩn, mực thước, kỷ luật.
4) Hóa: Thuyết phục đưa vào khuôn mẫu.
5) Quyết tắc: So sánh giữa lợi với hại, chết với sống, khó với dễ, nguy hiểm và an toàn để đặt định kế họach.
6) Tâm thuật: Lấy lòng nhân ái và tấm lòng thành thật đối xử với người với việc.
7) Kế số: Dùng mưu kế hư thực, xa gần, mềm rắn để đối xử với người với việc.
Thuật dùng người
Người là vốn quý nhất của chính trị. Cán bộ quyết định hết thảy.
.......................................................................................................................................................................................
Chính trị phương Đông cổ xưa rất chú trọng đến vấn đề dùng người và biết người. Khổng Tử bảo rằng lười tìm người, dạy người, dùng người thì khó nhọc khi trị việc, chăm biết người, dùng người và tìm người thì nhàn khi trị việc. Một nửa thuật chính trị quy vào sự biết khai thác cái vốn quý báu đó vậy.
Nghiệp lớn của Lưu Bang cũng chỉ thu vào mấy chữ: Tri nhân thiện nhiệm
Về thuật đối phó với người để giải quyết việc tìm hiểu người, dùng người, các lý thuyết gia chính trị Trung quốc khái quát vào tám nguyên tắc:
1) Lọai: Phân định ra từng lọai khác nhau. Hoàng Thạch Công nói: người nào cũng có thể dùng được, ngu, trí, dũng, bần. Kẻ trí thích lập công, kẻ dũng thích thực hiện chí nguyện, kẻ nghèo dễ hám lợi, bọn ngu liều lĩnh không sợ chết.
2) An: Làm sao dùng người mà người không ý thức được đã bị ta dùng. Sách Thân (?) viết: Trên chế ngự dưới như phép đi câu tay câu phải cho tĩnh để cho cá không ngờ cái mồi câu có móc vào lưỡi câu. Từ gần mà chế ngự xa như người cầm cương ngựa, tay phải đều đặn để xử dụng chiếc hàm thiếc. Hãy nhìn đứa trẻ chăn gà chăn vịt sẽ thấy ngay phép trị dân. Đứa trẻ biết nghề không gấp quá khiến cho gà vịt kinh hãi, không chậm quá khiến gà vịt trì trệ. Lúc muốn cho bầy gà vịt rẽ phía nào thì nó đứng chắn một góc đê lại. Nó không bức bách vì bức bách làm gà vịt bay nhẩy tán loạn. Nó cũng không để sơ hở gà vịt mỗi con sẽ đi một đường. Trị dân cũng thế, làm thế nào trị mà như không trị mới thật là tuyệt giỏi.
Giả Nghị nói: từ quân thần đến thứ dân, ai ai cũng cảm thấy tình thế sắp nguy sắp đổ vỡ, không ai đứng yên ở phận mình tất động loạn đến nơi. Tình hình này chẳng cần vua Thang vua Vũ, chỉ cần một tên Trần Thiệp cũng đủ làm sôi thiên hạ.
3) Tiện: Nên dễ hiểu dễ nghe. Kinh Dịch viết: "Dị tắc dị tri, gián (giản?) tắc dị tòng. Dị tòng tắc hữu công, dị tri tắc hữu thân. Hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân chi đức, khả đại tắc thánh nhân chi nghiệp. Dị, giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ, thiên hạ chi lý đắc, nhi thành vị hồ kỳ trung hỹ". (Dễ là dễ biết, giản nên dễ theo, dễ theo nên việc mới thành, dễ hiểu nên thân nhau? Có thân nhau việc mới lâu bền, việc có thành mới trở nên lớn. Giữ lâu bền là cái đức của hiền sỹ, gây được lớn lao là sự nghiệp của thánh nhân. Dễ làm, dễ hiểu, dễ nghe là nắm được cái lý của thiên hạ. Có nắm được cái lý của thiên hạ thì mới thành công).
Hàn Phi Tử nói: Lời nói bí hiểm khó khăn, đến bậc thượng trí còn không hiểu, huống chi còn đem nó để làm khuôn phép cho dân chúng thì dân chúng biết đâu mà làm. Ngày nay chính trị là công việc của dân gian, nên lấy những điều đơn giản như vợ chồng con cái thường nói với nhau để trị dân. Bởi tìm những điều dành cho bậc thượng trí để trị dân là công việc phản bội chính trị.
Vân Trung Tử nói: Người quân tử không trách người không theo kịp, người không làm nổi không trách người bằng điều người không biết.
4) Thế: Đẩy người vào cái thế khiến người đành phải chịu để ta dùng.
Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng về thuật làm thế nào cho dân liều chết, làm cho dân giữ tín nghĩa.
Quản Trọng đáp: Có ba điều gốc ấy là: dân mong bảo vệ ông cha, dân muốn gìn giữ nhà cửa của cải, dân được lo lắng cho vợ con.
Vương Nhân Giám nói:
Có những việc bị bức bách vào cái thế không chiến đấu không xong như trước mắt hang sâu, đằng sau là hổ đói. Không làm cách vượt hang sâu thì ngồi chờ hổ đói đến ăn thịt hay sao.
Hàn Phi nói:
Muốn dạy thuần thục con chim, người dạy chim cắt bớt lông cánh khiến chim không bay được nữa và chịu người nuôi ăn. Nếu chịu để người cho ăn làm thế nào chim không thuần phục. Vua trị quần thần cũng thế. Quần thần rời vua sẽ mất danh vị lợi lộc, hỏi quần thần làm sao không phục.
5) Sát: Luôn luôn dò xét kiểm sóat để chống sự làm bậy làm loạn.
Quản Trọng viết trong thiên Cửu thủ:
- Phải có mắt lớn, tai to để biết được cả những việc ngòai ngàn dặm, việc trong hầm trong xó để phá gian loạn.
- Nghe nhiều nhưng không cự tuyệt ngay cũng không hứa hẹn vội vàng. Giữ lòng như núi cao nhìn không thấy ngọn, như hố sâu dò không thấy đáy.
- Dùng việc làm thực tế để sáng tỏ danh nghĩa, rồi lại dùng danh nghĩa để thúc đẩy việc làm thực tế.
6) Chế: Vận dụng và tổ chức phương pháp để chế ngự.
7) Ngu: Dùng thuật để làm cho người không hiểu bị ta dùng vào việc gì.
Khổng Tử nói: "Dân khả sử do chi bất khả sử tri chi." (Bảo dân làm nhưng không cần bảo dân biết).
Hoài Nam Tử nói: "Trí giả dịch sử quỷ thần, ngu giả tín chi, thư dịch do vị thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo." (Người trí xử dụng quỷ thần, kẻ ngu tin theo như vậy, kinh Dịch gọi là thánh nhân thiết lập tôn giáo để dạy dỗ).
8) Cảm: Đem lòng thành cùng cơm no áo ấm mà cảm hóa người khiến cho người sống chết vì ta.