Dịch giả : Thủy Nguyên
Chương 2

Ta là vua, ta là nô lệ
Ta là sâu bọ, ta là thánh thần
Đergiavin(4)
Ngày hôm sau Tsarxki đi vào dãy hành lang tối tăm và bẩn thỉu của một quán trọ tìm phòng số 35. Chàng dừng lại trước cửa phòng và đưa tay gõ mấy tiếng. Người Ý hôm qua ra mở cửa.
- Đại thắng lợi! – Tsarxki nói. – Công việc của ông ổn lắm rồi. Công tước phu nhân X. cho ông mượn phòng đấy; hôm qua trong một buổi dạ hội tôi đã rủ được nửa thành Pêterburg rồi đấy. Ông cho in vé và quảng cáo đi. Tôi xin cam đoan với ông là nếu không thành công chăng nữa, thì cũng thu được một số tiền kha khá...
- Mà đó mới là cái chính! - người Ý kêu to, đồng thời biểu lộ nỗi vui mừng bằng những cử chỉ khoa chân múa tay thường thấy ở những người quê phương Nam. – Tôi biết rằng thế nào ông cũng giúp tôi mà. Corpo di Baccco!°  Ông cũng như tôi, đều là nhà thơ cả; người ta nói thế nào thì nói, chứ đã là thi sĩ thì thế nào cũng là người tốt! Tôi biết lấy gì để cảm ơn ông đây? Xem nào... hay tôi ứng tác cho ông nghe một bài nhé?
- Ứng tác à?... Chả nhẽ ông có thể ứng tác mà không cần có công chúng, không cần âm nhạc, không cần tiếng vỗ tay?
- Cần gì, cần gì! Tìm đâu ra một công chúng tốt hơn nữa? Ông là nhà thơ, ông sẽ hiểu tôi hơn họ nhiều, và sự tán thưởng im lặng của ông đối với tôi còn quý gấp mấy những tràng vỗ tay ầm ĩ của họ... Ông ngồi tạm đâu đấy và ra đề cho tôi đi.
Tsarxki ngồi lên một chiếc va-li (trong căn phòng chật hẹp có được hai cái ghế, thì một chiếc bị gãy, còn chiếc kia thì chất đầy giấy má và áo quần). Nhà thơ ứng tác với lấy cây đàn ghi –ta để trên bàn và đứng trước mặt Tsarxki đưa mấy ngón tay xương xẩu dạo qua vài nốt đợi chàng ra đề.
Tsarxki nói:
- Đây, ông thử làm đề này: nhà thơ tự chọn lấy đối tượng sáng tác; đám đông không có quyền chi phối cảm hứng của thi sỹ.
Mắt người Ý sáng lên, anh ta dạo qua vài hợp âm, kiêu hãnh ngẩng đầu lên, và những thi tiết nồng nhiệt, thể hiện một cảm xúc tức thì, nhịp nhàng tuôn ra trên đôi môi của thi sĩ... Tsarxki nhớ thuộc lòng bài thơ đó. Một người bạn của chàng có ghi lại và chuyển cho tôi. Bài thơ như sau:
Thi sỹ đi, tròn đôi mắt mở,
Nhưng mắt chàng nào có thấy chi;
Một người qua giữa đường đi
Dừng chân kéo áo thầm thì hỏi han...
Sao chàng cứ lang thang thơ thẩn,
Thả mặc dòng nước vẫn trôi xuôi?
Buớc lên tới chốn cao rồi,
Mắt đà trông xuống vội rời chân đi.
Anh sống thế ích gì anh hỡi
Trông cuộc đời u tối mù sương;
Để thân mệt mỏi chán chường,
Vì bầu máu nóng dễ thường tới đâu.
Kìa vật mọn ai nào tưởng tới
Cũng làm anh bối rối lòng say;
Thiên tài phải vút lên mây
Cánh nhà thơ phải tung bay giữa trời.
Dây đàn phải lựa lời say đắm,
Ca bao tình bay bổng chàng ơi!
- Vì sao gió chẳng lên trời
Quay cuồng gió chẳng chịu rời khe sâu?
Tung ngọn lá lên cao, cao mãi
Cuốn bụi mù bay lại bay qua?
Khi trên nước biếc bao la
Con thuyền khát gió nơi xa đợi chờ.
Vì sao tự lũng mờ sương ấy,
Băng tháp cao tung dậy trời mây,
Đại bàng sải cánh đang bay
Sà chân đậu xuống mảnh cây cõi còm
Sao Đexđêmôna(5) đẹp thế
Lại yêu chàng tráng sỹ da đen
Như vầng trăng sáng diễm huyền
Sao yêu bóng tối trời đêm mịt mù.
Ví ngọn gió cùng chim bằng ấy
Với nỗi lòng cô gái đang xuân
Luật nào ép nổi mà tuân
Và lòng thi sỹ ví bằng thế thôi.
Như ngọn gió những người thi sỹ
Cuốn về đây mặc ý riêng lòng.
Cao bay như cánh đại bàng
Và không bận hỏi lòng nàng yêu ai.
Người Ý ngừng ngâm... Tsarxki lặng thinh, ngạc nhiên và xúc động. Nhà thơ ứng tác hỏi:
- Sao, ông thấy thế nào?
Tsarxki nắm lấy tay anh ta và siết thật chặt.
- Thế nào ông? - người Ý lại hỏi. – Có được không?
Nhà thơ đáp:
- Thật là kỳ diệu. Một ý nghĩ của người khác vừa mới thoáng qua tai ông mà đã vụt trở thành vật sở hữu của ông, tưởng chừng như ông đã từ lâu ôm ấp, phát triển nó không ngừng. Vậy ra ông không hề thấy khó khăn, thấy nguội lạnh, cũng không hề có cái tâm trạng bứt rứt bất an thường thấy trước những phút cảm hứng?... Kỳ diệu, thật là kỳ diệu!...
Nhà thơ ứng tác đáp:
- Tài năng là một cái gì thật khó hiểu. Làm sao chỉ trông thấy một khối đá cẩm thạch sù sì nhà điêu khắc lại có thể thấy rõ hình thần Giupite để rồi dùng búa và đục mà đưa cái hình thù ấy ra ánh sáng? Tại sao một ý nghĩ khi từ trong óc nhà thơ tuôn ra đã được vũ trang bằng bốn âm vận và phân bố thành những câu đều đặn nhịp nhàng? Nghề làm thơ ứng tác cũng vậy, ngoài bản thân người ứng tác nhạy bén, cái liên hệ chặt chẽ giữa nguồn cảm hứng riêng của mình với cái ý chí bên ngoài của một người khác – tôi có giảng giải cho ông nghe cũng vô ích thôi. Nhưng... bây giờ cần phải nghĩ đến buổi ra mắt đầu tiên của tôi trước công chúng mới được. Ông thấy thế nào? Nên định giá vé là bao nhiêu, để cho công chúng khỏi kêu đắt và đồng thời để tôi cũng không đến nỗi thiệt thòi? Nghe nói là la signora Catalani(6) lấy 25 rúp một vé thì phải? Giá ấy được đấy ông nhỉ...
Phải từ những đỉnh núi cao vòi vọi của thi ca tụt xuống cái quầy đếm tiền như vậy, Tsarxki rất lấy làm khó chịu, nhưng chàng cũng hiểu rõ nhu cầu sinh sống của anh bạn và đành bắt tay vào những cuộc tính toán tiền nong với anh chàng thi sỹ người Ý. Trong dịp này nhà thơ ứng tác tỏ rõ một lòng thèm khát tiền bạc say sưa, đến nỗi Tsarxki đâm bực mình, và chàng vội vàng từ giã người Ý, để khỏi mất hẳn cái cảm giác mến phục mà nhà thơ ứng tác đã gây ra trong lòng chàng. Nhà thơ Ý đang mải tính toán, nên không để ý thấy sự thay đổi này. Anh ta tiễn Tsarxki ra hành lang, cúi chào chàng rất kính cẩn và quả quyết với Tsarxki rằng sẽ đời đời nhớ ơn chàng.
°Quỷ tha ma bắt! - tiếng Ý