Dịch giả : Chưa rõ
Chương 21

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, từ mờ sáng, Bảo Long rời khỏi cung An Định, nơi cậu ta sống cùng mẹ và các em từ khi cha thoái vị. Người kéo xe đã chờ sẵn ngoài cổng. Cùng đi còn có một người trẻ tuổi, theo hầu từ lúc chào đời, chắc hẳn còn là người bạn thân thiết của cậu.
Không ai nói với ai một lời, như những kẻ đi trốn, hai người men theo khu vườn rộng, lùi lũi ra khỏi cung về phía thành phố. Trời hửng sáng rất nhanh và trong chốc lát tia nắng trời rụt rè của mùa đông miền Trung đã chiếu hắt lên những bức tường gồ ghề bao quanh khu nhà hát cũ đằng sau cung. Ở Huế, khu phố nầy mang dáng dấp thôn dã, nhưng trong số những người nhà quê hàng ngày vẫn làm ruộng quanh đó, không ai để ý hai người đang lén lút ra khỏi cung. Trong gia đình hoàng gia, kể cả những người thân cận, không một ai nói lên hai tiếng "đi trốn". Bản thân bà Nam Phương cũng thấy chối tai. Ngồi trong nhà bà nhìn theo đứa con trai đầu lòng và người hầu cho đến khi hai người đi qua cổng, vượt bức tường ngăn rồi bước lên chiếc xe kéo chờ sẵn. Lúc nầy xe xích lô còn ít người dùng, không phổ biến như những năm sau. Có ít người ở Trung Kỳ sử dụng xích lô mà một vài năm sau nó trở nên rất phổ biến. Hai người bước lên xe lọt thỏm trong thùng xe bên cạnh túi đựng quần áo và đồ dùng vặt vãnh. Người hầu gái của bà Nam Phương cũng vừa đến. Không hề có ôm hôn, chỉ một chút biểu hiện tình cảm. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, lắc lư. Bà Nam Phương lặng lẽ nhìn theo. Thực ra chỉ đi một quãng ngắn hơn trăm mét là đã đến khu nhà thờ dòng Chúa cứu thế. Ở đó đứng sau cánh cổng, một cha cố đã đợi sẵn. Một vài tuần trước đó, Pháp đã nổ súng gây hấn ở Hải Phòng. Sáu nghìn người chết vì trọng pháo từ tàu chiến bắn vào. Sáu nghìn thường dân vô tội đã phải trả giá cho cơn giận dữ của cả hai bên Pháp và Việt Nam.
Tất cả bắt đầu bằng một vụ tranh chấp hải quan ở cảng Hải Phòng. Quan hệ hai bên vẫn rất căng thẳng. Việc hai bên, kẻ thắng cũng như người thua cùng đóng quân cạnh nhau trước đây còn vui vẻ cùng diễu binh ở Huế cũng như ở nhiều nơi khác nay nhường chỗ cho các cuộc đụng độ. Tình trạng lộn xộn và hy vọng qua đi, đến lúc nổ ra xung đột, tóm lại, là không thể tránh khỏi giữa Việt Nam và Pháp. Nó được nhen nhóm từ nhiều tháng nay, gần như hàng năm nay và vào tháng 12 năm 1946, nó đã thực sự nổ ra. Chính xác hơn là vào đêm 19, đầu tiên là ở Hà Nội, rồi đến Huế, nghĩa là chỉ một vài giờ đồng hồ sau khi Bảo Long rời khỏi cung An Định. Bà Nam Phương đón trước được tình hình nầy là do mạng lưới những người công giáo cung cấp đều đặn tin tức liên quan đến các sự kiện đang diễn ra tại Việt Nam.
Bà muốn đưa hết các con vào lánh trong khu nhà thờ, nhưng bà hoàng thái hậu phản đối. Cuộc tranh luận kịch liệt, không ai chịu ai đôi lúc dẫn đến việc hai mẹ con giận dỗi nhau thật sự...
Thực vậy, vấn đề trở nên nghiêm trọng. Chính quyền cách mạng không hề có thái độ thù nghịch với hoàng gia vậy có nhất thiết phải. rời bỏ cung An Định đang được bộ đội Việt Nam bảo vệ để chạy sang khu vực khác để tìm sự che chở hay không?
Theo tính toán của bà cựu Hoàng hậu, ngài Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ đã bỏ đi, sống đâu đó ở Trung Hoa hay Hongkong, như vậy ông không còn vai vế gì trong chính phủ cách mạng. Ảnh hưởng của ông trên mảnh đất Việt Nam là rất ít, thậm chí là số không. Những người lãnh đạo chính phủ sẽ chuyển sang đường lối cứng rắn. Vì thế bà cựu Hoàng hậu thấy cần phải tìm kiếm một thế lực khác để nương tựa cho chắc chắn.
Biết đi đâu đây? Người Pháp đã cố thuyết phục nhưng bà khước từ dọn đến ở trong khu vực do họ kiểm soát. Đưa ngay gia đình vào khu vực quân đội Pháp để được che chở đưới bóng cờ ba sắc, con trai bà sẽ mất đi mọi cơ may trở lại ngôi báu, tách khỏi trào lưu độc lập trong lúc nầy đang tập hợp được đa số các tầng lớp dân chúng người Việt. Tất nhiên bà cần phải tìm một nơi nào gẩn đó, phòng lúc nguy cấp có thể nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn. Người nữ sinh cũ của trường dòng Les Oiseaux phải xử sự khôn ngoan để không gây phiền hà cho ngài cố vấn vừa không làm liên luỵ tới con trai bà cho nên đã chọn một nơi tạm trú "trung lập" nghĩa là đứng giữa, không ngả về phía Pháp hay Việt Minh và cũng để chứng tỏ rằng không phải bà đã thay đổi lập trường chính trị. Vì vậy bà đã cho Bảo Long đi trước và đã đến nơi trú ẩn một cách dễ dàng.
Bây giờ, bà chỉ còn lo sao cho bản thân và những đứa con khác cũng sẽ ra đi tiếp. Lần nầy không giữ được bí mật nữa. Người chính trị viên đơn vị bảo vệ đã biết rõ ý định của bà đưa các con ra khỏi cung An Định. Thoạt đầu anh ta tức giận không chấp nhận lời thỉnh cầu của bà. Bà cựu hoàng từ tốn và kiên trì giảng giải lý lẽ. Cuối cùng người chính trị viên cũng mủi lòng đồng ý làm ngơ để bà đưa các con ra khỏi cung An Định(1).
Cả gia đình bà cựu Hoàng hậu Nam Phương nay ở nhờ trong trường dòng Cứu thế do các cha đạo người Canada gốc Pháp cai quản.
Trong khu giáo đường tôn nghiêm phấp phới lá cờ Canada. Trung lập theo ý nghĩa chính trị mà cũng là một địa điểm nằm đúng giữa hai phòng tuyến Việt Nam và Pháp trong cuộc giao chiến sắp xảy ra nay mai. Đúng vậy, tu viện dòng Cứu thế, một bên chỉ cách cung An Định, nơi bộ đội Việt Nam đã chiếm giữ làm vị trí tiền tiêu, một quãng ngắn còn Pháp sẽ đóng quân trong nhà thờ Thiên Hựu ở phía đối diện. Tu viện mang một dáng vẻ cổ kính của các nhà thờ tôn giáo dưới thời quân chủ ngày trước, đó là một toà nhà rộng hình chữ nhật gồm hai dãy phòng dành cho các tu sĩ có hành lang bao quanh. Đó là nơi các cha xứ vẫn thường hành lễ và xưng tội. Một toà nhà thật đẹp, được trang trí một cách cầu kỳ bằng những đường chỉ bằng thạch cao. Toà nhà mang dáng vẻ của một toà lâu đài mà ngày nay các cha trông coi vẫn gọi nó với một giọng đầy mỉa mai là "một cung điện Versailles thu nhỏ". Tu viện trông càng sâu thêm khi phía bên trong là một toà nhà khác bình dị hơn, đó là giáo đường hay là một trường dòng, vào thời mà gia đình bà Nam Phương tạm lánh ở đây, thật đông đúc chủng sinh trong đó một số chỉ nhỉnh hơn tuổi Bảo Long. Từ năm 1952, một nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc hiện đại bằng bê tông nằm sát ngay bên cạnh tu viện, làm thay đổi phần nào kiến trúc của tu viện.
Tại sao ở Huế lại có mặt người Canada? Các giám mục Việt Nam mong có các tu sĩ đến để giảng đạo cấm phòng. Toà Thánh đã đề nghị các cha người Canada tới vì xem ra dòng tu Canada hợp với ý nguyện của giáo hội châu Á. Do đó vào một ngày đẹp trời năm 1925 khoảng 15 cha cố người Canada gốc Pháp thuộc giáo phận Sainte-Anne-de-Beaupré xứ Québec thuộc Canada đã đến Huế đảm nhiệm công việc truyền giáo.
Cha Larouste, đứng đầu tu viện, buổi sáng hôm ấy đã thân hành đứng đón Bảo Long ở cổng tu viện. Ông có bộ râu rậm và dài, trắng muốt che kín ngực. Ông được làm quen với bà cựu Hoàng hậu chỉ từ khi bà ra khỏi hoàng thành sau lễ thoái vị của Bảo Đại, về ở cung An Định, hàng ngày bà đi chầu ở nhà nguyện trong tu viện ngay sát gần cung An Định.
Cuộc gặp đầu tiên giữa bà cựu hoàng và đứa con trai của mình với cha xứ diễn ra trong không khí nặng nề, gần như ngột ngạt. Theo ý Cha bề trên, nếu để cho gia đình bà lánh nạn trong trường, cộng đồng người Canada và toàn thể tu viện có thể bị liên luỵ. Bộ đội Việt Minh có thể bắt Bảo Long làm con tin để ngăn cản bà chạy sang phía Pháp.
Trong trường dòng, khi mẹ đưa các em đến, Bảo Long thản nhiên, lạnh lùng không mảy may xúc động, không ôm hôn, rơi nước mắt như phong tục yếu đuối của người Tây phương. Trong bữa ăn đầu tiên ở viện, cả nhà ăn uống bình thường, không làm dấu, không đọc kinh cầu nguyện. Bảo Long suốt ngày mặc quần soóc lửng theo lối phương Tây, được bố trí một phòng riêng.
Cậu ta cảm thấy thoải mái, nhanh chóng thích nghi với môi trường tôn giáo nhất vì mẹ của cậu là người sùng đạo Trong tu viện có nhiều chủng sinh hoặc con em các gia đình lánh nạn khác cùng lứa tuổi, cậu làm quen rất nhanh, mặc dù sau một năm học ở trường công trong thành phố cậu đã quen với nền nếp sinh hoạt nhi đồng theo cách giáo dục của Việt Minh, được hưởng thụ nhiều tự do khác hẳn lề thói giáo dục để làm vua trong hoàng cung trước đây, hoặc tác phong sinh hoạt tôn giáo trong tu viện.
Vào đây không còn có nhiều gia nhân đầy tớ nữa, ngoại trừ một cô hầu phòng duy nhất đi theo bà hoàng... Người hầu Bảo Long từ khi cậu mới ra đời đã đưa cậu đến đây cũng như người kéo xe nay nhận công việc gác cổng trường dòng(2).
Mặc dầu hoàn cảnh chật chội chen chúc, gia đình bà hoàng cũng được Cha bề trên thu xếp cho ở trong bốn căn phòng riêng sát liền nhau có cửa ra vào thông nhau để cả nhà đi lại, ra vào gặp gỡ nhau mà không phải đi qua hành lang, tránh không chung đụng với những gia đình lánh nạn khác. Các tu sĩ từ các nơi dồn về làm tu viện trở nên quá chật chội. Sáu mươi cha xứ và tu sĩ một trăm ba mươi chủng sinh, hàng chục gia đình lánh nạn gồm cả Pháp lẫn Việt. Chăn đệm xếp từng chồng khiến hành lang trở nên chật hẹp, không có chỗ len chân.
Những chiếc bàn dài được kê sát tường. Chính các cha đã thu gọn chúng lại, còn các cha được dành ở tầng hai. Đông người ở chung làm cho cuộc sống trở nên khó khăn. Nước rất khan. Các con bà Nam Phương phải học cách rửa mặt mỗi buổi sáng với một ca nước.
Ngay đêm đầu mới đến, vào khoảng hai giờ sáng, cả tu viện đột ngột tỉnh giấc vì những tiếng nổ chát chúa. Sau đó là tiếng súng liên thanh, súng cối, lựu đạn xen lẫn tiếng thét xung phong bằng cả hai thứ tiếng Pháp, Việt. Đèn phụt tắt, nước trong vòi ngừng chảy. Mọi người hốt hoảng sợ hãi chạy ào ra sân nhảy xuống các đường hào cuối vườn, dán mình vào các gốc cây. Chiến tranh đã bùng nổ. Việt Minh lần nầy đã áp dụng cách đánh tập kích vào ban đêm y như 21 tháng trước đây Nhật đảo chính Pháp đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945. Nhưng lần nầy, quân Pháp được trang bị tốt hơn và ít bất ngờ hơn.
Tại Hà Nội, bộ đội, tự vệ chiến đấu toàn thành phố nhất loạt nổ súng tiến công các vị trí Pháp, đốt cháy hoặc vây hãm các ngôi nhà theo phong cách kiến trúc châu Âu. Đối phương trở tay không kịp, nhiều người bị giết, một số bị bắt làm con tin. Đêm đầu tiên, người ta đã ước tính có 300 người bị mất tích tại thủ đô, trong đó có nhiều thường dân, đa số là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người lai Âu-Á là những nạn nhân chính.
Ngay cả Jean Sainteny, uỷ viên cộng hoà Pháp cũng bị thương khi xe của ông bị trúng mìn. Lệnh tiến công được quy định đồng loạt là 20 giờ tối 19 tháng Chạp nhưng do thông tin liên lạc chậm trễ nên mãi đến nửa đêm Huế mới nổ súng. Sự sai lệch nầy đã làm cho quân Pháp đề phòng và kịp loan báo cho các nơi đóng quân khác.
Lực lượng Pháp đóng tại cố đô phải đương đầu với hàng loạt cuộc tiến công của đối phương. Tuy được trang bị tốt, có xe bọc thép, nhất là được phi cơ yểm hộ (những chiếc Spitfire nổi tiếng mua của Anh) nhưng đối phương là những chiến sĩ quyết tâm, sẵn sàng hy sinh hơn là đầu hàng, miệng hát vang bài quốc ca Việt Nam. Họ tiến công anh dũng các vị trí Pháp khiến người ta nhớ lại các "hành động tự sát" của quân Nhật trước đây. Đi tiên phong trong các trận đánh là những đội quyết tử gồm những người lính mới qua 10 ngày huấn luyện để sẵn sàng hy sinh ngay trong trận đánh mở màn của cuộc tiến công nổi tiếng đêm 19 tháng Chạp(3). Theo kế hoạch đã định, ngay từ lúc bắt đầu nổ súng, bộ đội Việt Minh được lệnh mở đợt tiến công mãnh liệt, kiên quyết, liên tục để tạo thế bất ngờ, nhanh chóng tiêu diệt gọn không để đối phương kịp trở tay. Thế là họ lao vào cuộc chiến và hàng trăm người đã trúng đạn bỏ lại thi thể ngay trên cánh dồng, các hàng rào, trên đường phố. Họ là một đội quân dũng cảm, vô danh không phiên hiệu cũng như không có các vị tướng nổi danh. Họ chỉ là những người lính, những chiến binh sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cao cả. Họ là những dân quân, không mặc đồng phục, xung trận trong bộ quần áo thường dân. Phần lớn bộ đội Việt Nam tập trung trong hoàng thành. Một số khác giữ trụ được ở đầu cầu bờ nam sông Hương là nhờ lực lượng chốt trong cung An Định. Còn quân Pháp tập trung ở gần đó, đóng quân trong trường Thiên Hựu (Providence), trước đây cũng là một tu viện. Xe bọc thép được bố trí trên một thửa ruộng ngay dưới chân đê, chĩa nòng pháo ra xung quanh. Khu vực trường dòng Cứu thế nằm giữa hai vị trí đối địch cho nên sẽ trở thành điểm tranh chấp ác liệt giữa hai bên Pháp, Việt.
Đạn súng cối tầm gần của Việt Minh rơi trúng vào tường của trường dòng, phá huỷ chiếc cổng lớn của trường dòng làm hỏng hàng chiến và các chân cột. Một chiếc cột trúng đạn cối đã sụp đổ. Mái nhà bị nghiêng, khói đạn mù mịt trong các hành lang. Những người trong tu viện dù là tu sĩ hay dân tị nạn đều ở vị trí thuận lợi để quan sát tại chỗ các diễn biến. Bảo Long nhìn thấy một chiếc xe tăng bị trúng mìn và các dù thả quân tăng viện và lương thực rơi xuống cánh đồng ngay bên cạnh, nhận ra những chiếc phi cơ bay thấp ngay trên đầu là những chiếc Spitfire đang bắn phá các toà nhà trong cung An Định, nơi cậu sống mấy hôm trước đội quân nhảy dù sang mặt trận bên kia, cậu cũng nhận ra máy bay Spitfire đang bay sát mặt đất ngay trên đầu cậu để xả đạn vào ngôi nhà mà cậu đã sống ở đó mấy ngày hay mấy giờ trước đây. Cậu nghe thấy cả tiếng lách cách của các súng liên thanh. Sợ nhất là các tiếng nổ vào ban đêm. Bộ đội Việt Nam thường lợi dụng đêm tối để tấn công quân Pháp nhiều hơn ban ngày.
Ngày 20 tháng Giêng, khi trời hửng sáng thì một quả mìn đã được gài sẵn ở trong số các mố cầu ngay sát gần mặt nước nổ tung, làm tung lên một cột nước. Nhưng chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương chỉ bị hư hỏng nhẹ như bất đắc dĩ. Người đi bộ vẫn đi qua được cho đến khi hai tiếng nổ liên tiếp làm cây cầu bị sập hoàn toàn. Bây giờ thì cây cầu nổi tiếng Trường Tiền (đương thời còn gọi là cầu Clémenceau) đã sập hẳn chìm dần trong dòng nước sông Hương. Việc giao thông đi lại trên cầu tạm ngừng. Đám đông tụ tập gần đó thấy đã phá huỷ được chiếc cầu sắt kiên cố reo hò hoan hô. Dân chúng cố đô phần lớn sống tập trung quanh hoàng thành ở bờ bắc sông Hương. Còn quanh khu vực phố Tây ở bên bờ nam thì không thấy bàn tán gì dù cũng có một số người dân ở đây đã có mặt lúc cầu bị đánh sập.
Tiếng reo hò xen lẫn tiếng hát vang lên từng đợt. Tự vệ, dân quân là những người náo động nhất chiếm số đông trong các trận đánh. Quân số của họ là hơn một nghìn rưởi. Họ mặc thường phục trên ngực áo chỉ ghim một miếng vải đỏ-vàng, tượng trưng cho màu quốc kỳ Việt Nam. Lực lượng chính quy Việt Nam gồm khoảng hai nghìn quân. Họ phối hợp với nhau, thay nhau tiến công liên tục các vị trí Pháp. Trên dải đất hẹp trên bờ bắc sông Hương đối diện với các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa bên bờ nam, dân quân và tự vệ - những người lính đầu tiên làm quen với trận mạc - ở thế áp đảo do quân số đông. Ngoài ra bộ đội còn đóng rải rác khắp chung quanh thành phố để bao vây quân Pháp, cố dồn đối phương vào khu phố Tây nhỏ hẹp hình tam giác để tiêu diệt.
Ở Huế, Pháp có 750 quân thuộc trung đoàn 21 bộ binh thuộc địa và một trung đoàn xe bọc thép có những tháp pháo nhô lên nhưng được nguỵ trang kỹ bằng lá cây Cây cầu sắt Clémenceau hoành tráng bắc qua sông Hương, vốn là niềm tự hào của thành phố, nay đã đổ gục, dầm cầu chìm sâu trong dòng nước. Đi lại qua sông phải dùng thuyền bè.
Tiếng đại bác 75 gầm vang át cả tiếng hô xung phong. Nhưng pháo binh Việt Nam chưa biết điều chỉnh được tầm bắn, chưa biết phối hợp với bộ binh, nên chưa phát huy được hoả lực. Sau nầy, trong chiến tranh, các khẩu pháo được đưa đến gần mục tiêu và bắn thẳng nên gây nhiều thiệt hại cho đối phương hơn. Còn giờ đây, tiếng súng đại bác chỉ có tác dụng cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của bộ binh.
Tối ngày 20 tháng Giêng, một bản thông cáo chiến sự đầu tiên làm nức lòng quân và dân xứ Huế. Hơn 100 lính Pháp bị loại khỏi vòng chiến. Một xe Jeep và hai xe bọc thép bị phá huỷ. Chiến công đầu thật đáng phấn khởi. Nhưng không có ý nghĩa quyết định. Vì nhiều lý do, thông tin liên lạc chậm trễ hay chuẩn bị chưa xong, Huế nổ súng chậm hơn Hà Nội đến sáu tiếng rưỡi đồng hồ. Như vậy, còn đâu là yếu tố bất ngờ nữa?
Tuy nhiên, tại Huế, trong những giờ phút giao tranh đầu tiên, bộ đội Việt Nam giành được lợi thế. Máy phát điện nổ tung, đèn tắt ngấm cùng một lúc với hiệu lệnh tiến công. Điện mất thì nguồn nước cũng bị cắt. Kho xăng bốc cháy nguồn xăng dầu có nguy cơ cạn sạch.
Bị tiến công tới tấp, quân Pháp rút bỏ nhiều vị trí bên bờ bắc rút về khu hành chính và khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để cố thủ chờ viện binh. Việt Minh làm chủ khu dân cư bên bờ bắc. Tự vệ, dân quân và bộ đội chính quy dùng hàng trăm chiếc thuyền, ghe vượt sông đổ bộ sang bờ nam, tiếp tục tiến công quân Pháp. Vừa đặt chân lên bờ họ ào ạt xung phong ngay vào các vị trí Pháp đóng trong các toà nhà công sở dọc bờ sông. Hăng hái, dũng cảm có thừa, nhưng tiến công thiếu bài bản, trang bị vũ khí không đủ, sau lưng là mặt sông không có chỗ dựa, họ vẫn xông thẳng lên, bất chấp thiệt hại. Sau cuộc tiến công vào sở Công chính Trung bộ, cả một trung đội hy sinh chỉ có ba người sống sót?
Xác chết ngổn ngang bao quanh các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa. Tuy nhiên họ đã chiến thắng. Quân Pháp rút bỏ dãy nhà công sở dọc bờ sông riêng vị trí Monn ở ngay đầu cầu Clémenceau vẫn trụ vững. Toà nhà khách sạn vuông vức, dáng hơi cổ lỗ, đối diện với hoàng thành là nơi cố thủ của quân Pháp ở Huế, một thách thức đối với lực lượng Việt Minh tập trung trong thành nội ở phía trước mặt bên kia sông Hương. Trận đánh giành giật khách sạn Morin diễn ra ác liệt giữa lực lượng tiến công và quân cố thủ.
Cũng như đạn đại bác, các trái lựu đạn tự tạo của Việt Minh không phát huy hiệu lực do được chế tạo từ các chất liệu kém chất lượng. Các đường đạn của lính Pháp gây nhiều thương vong cho bên tiến công. Việt Minh tiếp tục tăng viện từ bờ bắc sang. Như những con kiến, mỗi người mang một bó rơm để sẽ đốt dưới toà nhà chính trong khách sạn. Nhưng như thế chưa đủ. Phải lâu mới cháy hết. Vì thế họ đổ các xô ớt vào đống lửa. Rơm trộn ớt cháy nổ lép bép tạo ra một đám khói mù mịt đến ngạt thở.
Nhưng đã quá muộn. Xe bọc thép Pháp, đã xuất hiện cách đó chỉ khoảng một trăm mét. Ngay lập tức, chúng nổ súng chặn đứng cuộc tiến công và cuối cùng đánh lui được lực lượng tiến công.
Khách sạn Morin đáng thương, đen sạm khói súng vẫn nằm trong tay quân Pháp. Việt Minh bị thiệt hại nặng, bỏ dở cuộc tiến công, và sau đó không trở lại nữa. Họ bỏ lại các toà nhà đã chiếm được, rút ra ngoại thành thắt chặt vòng vây, tiếp tục quấy rối, tiêu hao lực lượng Pháp. Mấy lần Pháp đưa mấy trung đội cố gắng nống ra phá vây nhưng không thành công. Binh lính và thường dân Pháp ở Huế bị vây chặt trong thành phố trong nhiều tuần(4).
Ngay đêm 19 tháng Chạp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi:
"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thưc dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chử nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp đế cửu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm,. không có gươm thì dùng cuộc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thưc dân Pháp để cứu nước.
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước... "(5)
Chiến tranh lan rộng, giao tranh ngày càng dữ dội và quyết liệt. Cuộc chiến đấu ở Huế kéo dài hai tháng. Hai tháng kinh hoàng cho người dân cố đô. Hai tháng cầu nguyện không dứt đối với các thầy tu trong bầu trời rực lửa. Khó khăn lắm quân Pháp mới ngăn được các cuộc tiến công của đối phương nhưng luôn luôn bị vây chặt và phải chiến đấu từng ngày để khỏi mất thêm các điểm tựa.
Từ mấy tuần trước, khi tình hình trở nên căng thẳng, Bảo Long không đến lớp nữa. Cậu không còn nhắc tới các khẩu hiệu của Việt Minh nữa. Chúng đã lùi về quá khứ mà những người thân trong gia đình bà hoàng cũng cố gắng để cậu không nhớ tới nữa.
Cậu được mẹ cho mặc bộ quần áo hợp với tuổi, khác với quần áo của bọn trẻ cũng đang lánh nạn trong trường dòng. Tuy nhiên từ ngày đến đây, cậu không còn đi bít tất ngắn nữa. Cậu không thích ngủ một mình trong căn phòng dành cho mình. Quá tối, không có không khí, quá kín mít. Mấy tháng sống như bị giam lỏng, cậu phải bỏ sở thích đi chơi lông nhông với lũ bạn trên phố. Cậu cảm thấy gò bó, như bị nhốt trong tù. Cậu thích được ngủ chung với những đứa trẻ khác.
Vài ngày sau, giao tranh đỡ kịch liệt hơn. Đúng vào lúc cậu đã quen với những tiếng nổ đinh tai và những chùm tia sáng xé màn đêm. Lúc đầu cũng thấy sợ. Sợ cuống cuồng, rúc đầu vào nệm, thở hổn hển. Đêm đầu tiên thật kinh khủng. Mọi người trong tu viện đang ngủ, sau những tiếng ùng oàng đầu tiên, vùng ngay dậy, rối rít chạy đi tìm chỗ ẩn nấp, nhưng Bảo Long trong trạng thái quá căng thẳng gần như suy sụp cậu ngồi lì một chỗ. Chẳng thiết ăn uống. Ngay cả Cha bề trên Larouste có bộ râu dài, rất bình tĩnh, ra sức an ủi cậu ta cũng không ăn thua.
Tuy nhiên mấy ngày sau, cậu ta quen dần và còn thấy trong hoàn cảnh tị nạn như thế nầy cũng có cái hay. Giống như một cuộc thí nghiệm độc đáo, gần như một trò chơi. Bây giờ thì đúng là cậu ta không phải vui đùa với đánh trận giả có máy bay mà còn say mê với cuộc xung đột thật sự đang diễn ra. Cậu còn ép buộc các em chơi trò chiến tranh như thể là những sự kiện đang diễn ra ngoài kia vẫn chưa đủ. Cậu thích nhất là máy bay. Cũng giống như cha cậu trước đây khi Huế bị Mỹ ném bom lần đầu tiên, cậu nhận ra đó là những Spitfire bay là là sát mái nhà rồi những chấm trắng nhỏ từ trên trời hạ dần dần xuống. Đó là những chiếc dù mang lương thực và vũ khí do máy bay DC-3 hoặc Dakota thả xuống tiếp tế cho quân đang bị vây hãm. Bảo Long chăm chú nhìn theo dõi, chỉ cho các em từng loại máy bay. Cả những chiếc Junker 52 mới tịch thu được của Đức, được Pháp đặt lại tên là Toucan. Trong những ngày hiếm hoi tạm im tiếng súng, bầu trời yên bình vắng bóng máy bay, Bảo Long ra sân chơi. Chỉ có những trận đánh lẻ tẻ, những cuộc xung phong chớp nhoáng, rời rạc của bên nầy hoặc bên kia. Có những hôm yên ắng, Bảo Long nai nịt quần áo mùa đông bịt kín đầu, chơi trò dựng trại bằng hàng trăm vỏ đạn liên thanh 7,65 do máy bay Spitfire thả xuống rải rác trong vườn của các cha xứ.
Cậu cùng với các em còn nuôi những con vật bị lạc đang lang thang tìm chỗ trú ẩn. Mấy anh em Bảo Long đã quen với cuộc sống kỳ lạ vừa khủng khiếp vừa đau khổ. Dường như không còn gì khiến chúng phải chú ý hay bị "choáng" nữa. Chúng thản nhiên như đã quen với hiểm nguy và cả cái chết.
Bảo Long mặc dù tuổi còn nhỏ phải làm quen với cuộc sống trong tu viện. Cậu vẫn tiếp tục cuộc sống trong tu viện. Chẳng có gì đáng cười. Chỉ có chặt chẽ, nghiêm túc, kém vui vẻ hấp dẫn như ngoài đời từ sau cách mạng. Dậy sớm trước 5 giờ sáng, ăn bữa sáng đạm bạc. Chỉ có cơm và cơm. Không có thức ăn. Thỉnh thoảng các cha xứ chia cho mấy khẩu phần ăn do lính Pháp đem biếu. Khi đó, không khí vui vẻ như ăn tiệc.
Nhưng những bữa tiệc như thế thật hiếm hoi. Tuy nhiên, các tu sĩ quen sống kham khổ. Đôi khi còn chịu nhịn, tô điểm thực đơn của Bảo Long bằng những thức ăn do các con chiên đem biếu các cha nhân ngày giỗ tết ở Huế, thiên chúa giáo và tín ngưỡng truyền thống vẫn chung sống hoà thuận với nhau, không khi nào xung khắc(6).
Đêm đêm, mọi người trong trường dòng đều thức dậy để cầu kinh. Sau khi ngủ lại vài giờ nữa mọi người lại thức dậy hành lễ bước sang một ngày mới. Nhưng điều kỳ lạ nhất đối với bọn trẻ là buổi lễ tiến hành vào các ngày thứ sáu hàng tuần, sau khi đã cầu kinh tối. Các cha xứ gọi đó là lễ đánh roi tự phạt. Các đèn đều bật sáng, mỗi người về phòng riêng của mình, cửa mở tung. Họ trút bỏ quần và tự đánh vào mông bằng những sợi thừng làm bằng cây gai. Trong lúc tự hành xác họ vẫn tiếp tục đọc to kinh sám hối. Lúc nầy bọn trẻ trong gia đình bà hoàng vẫn nằm im ở trong phòng riêng của chúng, không nhìn thấy gì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh mà thôi.
Vài ngày trước lễ Phục sinh, quân Pháp bị bao vây đã hai tháng ròng, việc hành xác sám hối của các cha xứ dòng Chúa cứu thế tăng gấp đôi. Trong lúc đang chơi với lũ trẻ, một cha bỗng nhiên thốt ra một tiếng thở dài đau đớn. Chúng xúm lại hỏi lý do, tỏ ý lo ngại. Cha liền chỉ cho chúng xem cái áo có cài dây kẽm gai bó chặt ngực để sám hối.
Dù lòng nhiệt thành sám hối bằng tự hành xác gây xúc động và căng thẳng, dù các trận giao chiến gây nguy hiểm bà Nam Phương cảm thấy dần dần bớt căng thẳng hơn, trong lòng thanh thản, thậm chí bà còn đem chiếc máy quay phim 9,5 ly ra quay cảnh chíến tranh.
Cũng giống như chồng bà đã từng quay phim những lần máy bay Đồng Minh đi qua trên bầu trời Huế trong thời Nhật chiếm đóng. Bà cảm thấy lại được sức mạnh trong lúc xung quanh bà chỉ có các cha công giáo, những người bạn thực sự của bà.
Tất cả mọi người trong trường dòng đều dành cho gia đình bà và cậu con trai bà sự quý trọng. Tất cả mọi người đều biết rõ tung tích gia đình bà. Những người mới đi tu, 130 thầy tu trẻ măng hay gặp gia đình bà, lặng lẽ quan sát và đôi khi bắt chuyện. Một hôm, một cha xứ tuổi còn trẻ - chính là cha Điệt, nay đã trở thành Cha Bề trên của tu viện dòng Cứu thế tại Huế - đã nói với bà: "Bà là Hoàng hậu, chắc bà phải sung sướng lắm". Bà đã trả lời một cách rất khôn ngoan: "Không phải như vậy đâu, giàu có không đem lại hạnh phúc mà là cái "tâm" của mỗi người". Bà vốn ít can dự vào cuộc sống của cộng đồng tôn giáo ở đây, cũng biết quy định của dòng Cứu thế là không được tiếp người lạ.
Bà hiếm khi ra khỏi phòng riêng và tất cả đều được báo trước để bà khỏi phải đi qua lối hành lang. Bà đọc sách và năng cẩu kinh, được bảo đảm an toàn. Căn phòng riêng của bà được các hành lang bao quanh không có cửa sổ trông ra phố.
Ngay khi chiến sự bùng nổ, bà Hoàng Thái hậu đã rời Huế, đi tản cư tại quê nhà. Cung An Định giờ đây vắng lặng, lo sợ chiến sự lan tới mọi người đã bỏ đi. Chỉ còn một vài người hầu, trong đó có Nguyễn Đức Hoà, một trong những người đã sống ở đây lâu nhất ở lại với một vài người đàn bà có tuổi ông Hoà có đôi khi cũng về tận quê để vấn an bà Hoàng Thái hậu. Cuộc sống thời chiến thật cam go. Toà nhà chính đã sập vì trúng bom. Chỉ còn sót lại hai dãy hai bên đầu hồi ngày trước vẫn dành cho gia nhân.
Nhiều tuần trôi qua, quân Pháp vẫn không phá được vòng vây. Quân tăng viện vẫn chưa đến. Việt Minh cũng chưa có cuộc tiến công lớn nào. Một hôm, Phòng Nhì - cơ quan an ninh Pháp cho biết sắp có cuộc tiến công lớn của đối phương vào trường dòng, Việt Minh đang truy tìm gia đình bà hoàng, nhất là thái tử Bảo Long để ngăn chặn việc tái lập nền quân chủ, khi Pháp trở lại.
Quân Pháp đã báo trước cho các cha xứ biết nếu Việt Minh tiến công trường dòng, họ sẽ lập tức kiên quyết chống trả ngay, nhất định không để đối phương chiếm được trường dòng mặc dù đó là một mục tiêu rất khó bảo vệ.
Trước tiên các cha xứ trong trường dòng Chúa cứu thế tìm cách che giấu tung tích Bảo Long. Cha Bề trên đã ra lệnh cạo trọc đầu cậu bé để dễ trà trộn với các chủng sinh. Người ta còn đặt một tên mới là Nguyễn Ngọc Bảo và bắt phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nếu chẳng may bị bắt thì không bị lộ tung tích. Theo Cha Điệt kể lại, thì trong thời gian ngắn ngủi tạm lánh ở đây, Bảo Long đã vài lần nghe giảng giáo lý... Tuy nhiên, dường như đối với bà Nam Phương và các em gái của Bảo Long thì các cha xứ không đề ra biện pháp che giấu tung tích, mặc dù đức Cha Bề trên đã nghĩ đến việc khéo cải trang hoàng nữ lớn tuổi nhất làm học sinh trường dòng và hai đứa nhỏ tuổi hơn làm con gái nông dân. Tất cả những dự định ấy thật nực cười, đang trong tình hình căng thẳng như thế việc cải trang không dễ gì thực hiện.
Một hôm, tiếng súng máy làm mọi người giật mình. Lúc đó Bảo Long đang chơi ngoài sân. Các tu sĩ hốt hoảng trèo lên mái nhà để phát hiện hung thủ nhưng chẳng thấy ai, không biết có phải Việt Minh định bắn lén Bảo Long không. Mọi người trong trường bàng hoàng lo ngại. Bà Nam Phương càng tin vào luận điệu của người Pháp. Bà thấy cần quyết định dứt khoát ra đi rời khỏi trường dòng để tìm một nơi ẩn náu bên kia phòng tuyến. Ông Bảo Long kể lại: "Người Pháp cũng khéo chơi, thông qua các tu sĩ Cứu thế, họ ra sức lung lạc tinh thần mẹ tôi. Cứ xem cách Việt Minh đối xử và che chở cho bà nội tôi, Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung lúc nầy đang đi tản cư, tôi thiết nghĩ rằng họ sẽ đến tìm và sẽ đón mẹ tôi và các em đi tản cư trong vùng họ kiểm soát. Bởi lẽ có chúng tôi đứng về phía họ, họ sẽ càng được nhân dân ủng hộ".
Nhưng đã quá muộn rồi. Vào tháng 4 năm 1947, bà Hoàng hậu dứt khoát vĩnh biệt tấm bình phong trung lập Canada. Chấp nhận sự giúp đỡ của Pháp có nghĩa là dưới con mắt của Việt Minh, của tất cả mọi người dân Việt Nam và thế giới, bà cựu Hoàng hậu đã chạy theo Pháp.
Ông Bảo Long nói tiếp: "Nhưng nếu mẹ tôi ngả theo Việt Minh thì sao? Tôi cho rằng nếu được như vậy thì vị thế của Việt Minh trước người Pháp sẽ được củng cố khá mạnh và có thể máu sẽ đổ ít hơn. Việc mẹ tôi rời khỏi sự che chở của người Canada chắc chắn đã không giúp được gì cha tôi mà chỉ khiến ông càng dứt khoát rời bỏ cụ Hồ. Về mẹ tôi, tôi thấy bà là một người phụ nữ hiền thục, có phẩm hạnh đáng quý, vào thời điểm thúc bách đó chỉ một mực lo làm sao cho các con được yên ổn chứ không có tham vọng gì về chính trị. Cũng có thể lúc nầy cha tôi đang ở quá xa, bà không có cách nào liên lạc được. Còn trường hợp cha tôi sau nầy thì khác, ông đã đắn đo rất nhiều trước khi quay về hợp tác với người Pháp".
Đúng vậy. Không thể liên lạc được với Bảo Đại lúc nầy đang ở Trung Quốc, bà Hoàng hậu đã tự quyết định một mình. Cũng có thể người Pháp đã tính toán xa hơn nên đã quyết định đón mẹ con bà để sau nầy có con bài Bảo Long nếu không lôi kéo được Bảo Đại nhận một giải phảp có lợi cho họ.
Về phần các cha xứ, họ cũng thấy nhẹ mình, mẹ con bà ra khỏi trường dòng phải chăng họ đã tác động để bà đi đến quyết định như vậy. Họ không muốn liên luỵ về chính trị. Tuy các cha xứ là người Canada trung lập, nhưng là Canada gốc Pháp nên cũng không tránh được nghi ngại ngờ vực của nhà cầm quyền Việt Minh. Kể lại chuyện cũ, Cha bề trên của nhà thờ Cứu thế ở Huế thừa nhận: "Chính các cha xứ Canada gốc Pháp hồi đó đã giảng giải cho bà thông cảm ý muốn của họ là gia đình bà nên ra đi để tránh phiền phức cho họ sau nầy".
Từ trường dòng chỉ cần chạy qua con phố ngăn cách với trường Thiên Hựu, nơi một tiểu đoàn Pháp đang cố thủ. Nhưng lực lượng Việt Minh hiện đóng trong cung An Định đang kiểm soát dọc phố. Nửa đêm, một tiểu đội quân Pháp đã tiến ra dọn đường, mở một lối đi an toàn và chuẩn bị che chắn cho các con bà Nam Phương đi trót lọt ngang qua phố.
Đã đến giờ xuất phát. Bà hoàng, cô hầu phòng và năm đứa trẻ tất cả chờ sẵn ngoài cổng chờ tín hiệu. Mỗi người đeo một túi vải đựng các đồ dùng thiết yếu.
Như thường lệ, Bảo Long là người đi đầu tiên. Phải chạy vài chục mét mới đến chỗ lính Pháp bố trí che chắn. Tại sao chọn Bảo Long đi đầu tiên? Rõ ràng ai cũng biết phải tận dụng yếu tố bất ngờ, người đi đầu sẽ không có nguy cơ bị dính đạn, như người thứ hai hoặc thứ ba, đối phương đã kịp đề phòng. Người Pháp cũng đã tính toán. Phải đảm bảo an toàn cho Bảo Long trước tiên để sau nầy còn có người giữ ngôi báu.
Đã dự kiến nhiều biện pháp đề phòng để tạo thuận lợi cho việc vượt qua con phố, nhưng lính Pháp lại quên không yêu cầu cải trang. Bảo Long vẫn mặc chiếc quần soóc lửng màu trắng hàng ngày, nên đã tạo ra một vệt sáng rất dễ phát hiện trong bóng tối nhá nhem. Một mục tiêu rất dễ lộ. Mặc kệ? Bảo Long cứ nhằm một lối đi qua hàng rào thép gai bao quanh trường Thiên Hựu mà chạy thục mạng, suýt vấp ngã nhưng cuối cùng cũng vượt qua bình an vô sự. Còn lại bà Nam Phương dắt díu mấy đứa con bé chạy theo. Bộ đội Việt Minh, có lẽ bị bất ngờ, không phát hiện ra hoặc không muốn bắn.
Ngay sau khi sang đến nơi an toàn trong trại quân Pháp ở trường Thiên Hựu, tất cả lên xe gắn súng liên thanh Coventry và có xe bọc Humber yểm trợ (những xe nầy quân Pháp mới mua lại của quân đội Anh) rồi tiến về nơi trú ẩn được bảo vệ tốt hơn và xa vùng chiến sự hơn.
Tuy nhiên, vấn đề không phải đi khỏi Huế vì lúc nầy Việt Minh vẫn bao vây chặt các vị trí quân Pháp. Họ chỉ đến một nơi ít trống trải hơn đôi chút và chờ viện binh đến giải vây.
Sau nầy khi chiếm được trường dòng, bộ đội Việt Minh đã lục soát rất kỹ. Sàn nhà bị lật lên kể cả sàn nhà nguyện. Họ chỉ tìm các nơi cất giấu vũ khí. Không ai tra hỏi tung tích mẹ con bà Nam Phương. Sau nầy khi Pháp làm chủ hoàn toàn thành phố Huế, phần lớn các tu sĩ đã trở về Canada, về trường dòng Cứu thế ở Sài Gòn hoặc đi nơi khác. Tuy nhiên trong toà nhà lớn được coi là "điện Versailles thu nhỏ", các cha xứ Việt Nam vẫn ở lại. Các hành lang dài gần như trống rỗng.
Về sau, trường dòng đã đóng cửa hẳn, các trường học cho trẻ em trên 5 tuổi tách khỏi nhà thờ, dạy theo chương trình của Nhà nước. Thay vào đó là trại mồ côi dành cho trẻ em dân tộc ít người ở miền núi.
Chú thích:
(1) Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung vẫn ở lại cung An Định sau khi bà ra sức ngăn cản con dâu không được. Sau một thời gian ngắn đi tản cư tại quê nhà khi chiến sự lan rộng, bà trở về cung An Định và sống ở đó. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, cung An Định bị sung công, bà mới dọn sang ngôi nhà riêng ở gần đó (79 Phan Đình Phùng) cho đến khi mất năm 1980, thọ 90 tuổi.
(2) Người theo hầu Bảo Long năm đó, sau nầy, khi Bảo Đại trở về nắm quyền bính, đã theo hoàng gia sang Pháp và cuối cùng cùng mở một nhà hàng ở Paris.
(3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Cố vấn Chính trị, phụ lục liên quan đến an ninh.
(4) Xem Hồi ký Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4/1995 và báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19 tháng 12 năm 1991.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 1995, tr. 480.
(6) Nói chuyện với Bảo Long tại Paris, tháng 9 năm 1994 và cha Lành ở Huế tháng 2 năm 1995.