Dịch giả : Chưa rõ
Chương 27

Bảo Đại dán mắt nhìn vào con quay màu đen. Con người nhỏ thó trước mặt ông cũng không dám nhìn ông. Gã lặng lẽ trải các con bài trên thảm xanh. Không ai nói với ai một lời. Đột nhiên những chi tiết mang một tầm quan trọng hiếm có. Chiếc nhẫn mắt đá to tướng hay chiếc đồng hồ bẹt bằng bạc gần như trắng mà người Mỹ vuốt ve giữa hai lần chia bài, hay chiếc cổ áo mở rộng. Anh ta không đeo cà-vạt, bất chấp kỷ luật của nơi nầy. Anh ta giàu có và nổi tiếng nên những người phụ trách sòng bạc không bắt buộc anh ta phải tuân theo quy tắc áp đặt cho những con bạc khác. Quanh chiếu bạc những kẻ tò mò nín thở theo dõi ván bài. Phần lớn trong số họ cũng là những nhân vật tên tuổi. Điều đó cắt nghĩa sự có mặt của họ ở cái nơi gọi là đất thánh của các đất thánh Palm Beach nầy. Bên ngoài rộ lên tiếng cười của những người đang tắm hay tiếng lao xuống nước của những người nhào lộn. Bể bơi liền kề, khá rộng, nhìn ra biển. Bảo Đại không đến đấy bao giờ.
Ông đi thẳng vào phòng đánh bạc. Ra dáng lịch sự, theo thói quen ông mặc bộ đồ trắng, nhưng không đeo kính đen như mọi lần. Mặc dù mặt trời cuối buổi trưa còn hắt ánh nắng chói chang, bên trong phòng đánh bạc tuy rộng nhưng vẫn hơi tối.
Nhưng lần nầy, rủi thay cựu hoàng thua, mà thua đậm! Ba trăm năm mươi triệu franc vào túi đối thủ là Jack Warner, trùm điện ảnh Hollywood. Thua đậm khiến sáng hôm sau các báo, ít nhất là các báo vùng Cannes đều đưa tin thất thiệt nầy với những hàng tít lớn.
Tin đó không làm ai ngạc nhiên. Cựu hoàng Bảo Đại là một trong những tay cự phú mà dân chơi đều quen mặt. Trong những năm 50, thành phố đông, vui như vào hội. Đã thành mốt. Những buổi dạ hội nối tiếp nhau, y phục lấp lánh trang kim. Gái đẹp nô nức. Tiền lại chảy vào các vụ làm ăn. Kể cả việc buôn bán tiền Đông Dương.
Theo mốt thời thượng, Palm Beach trở thành sòng bạc mùa hè ở Cannes, nơi đặc biệt hấp dẫn đối với cựu hoàng. Một kiệt tác kiến trúc quái gở với những khía răng khế chạy xung quanh, khiến nó có phong cách Hồi giáo. Từ xa người ta đã nhận ra nó như một cây đèn biển trên mỏm Croisette khép lại vịnh Cannes về phía đông.
Những cái đầu từng mang vương miện chen chúc đến đây. Một tối mà có đến ba Hoàng đế và một chục hoàng tử đến góp mặt cùng nhau nốc sâm banh và lả lướt trên sàn nhảy rộng. Farouk, quốc vương Ai Cập, Hoàng đế Hailé Sélassié, quốc vương Iran, hoàng thân Umberto của Italie, các quốc vương Zogu của Albanie, Faycal của Ả-rập Xê-út và nhiều người khác. Bảo Đại chỉ là cựu quốc vương giữa những người khác. Không có gì nổi bật nhưng duy nhất có ông là Quốc trưởng một nước đang có chiến tranh.
Ông là một khách quen, một cột trụ trung thành của các dạ hội. Không phải chỉ bây giờ. Thời rất trẻ, ông đã tham gia Uỷ ban danh dự của Motor Yacht Club (Câu lạc bộ du thuyền y-at có động cơ).
Lâu đài Thorenc từ một biệt thự bình thường trở thành dinh chính phủ. Hình như không ai ngạc nhiên thấy 6 tháng một lần trụ sở thực sự của chính quyền Việt Nam một nước đang có chiến tranh, lại đặt trên Côte d'Azur. Một cơ hội làm ăn béo bở của các khách sạn lớn nhờ có vũ hội của các nhân vật quan trọng, các bộ trưởng, các quan chức từ khắp nơi đến Cannes để yết kiến Quốc trưởng. Họ đông đảo và giàu có. Giáo chủ đạo Cao đài Việt Nam cũng như các đại diện chính phủ Pháp thường có mặt định kỳ tại Carlton.
Trong toà nhà bằng đá cẩm thạch, chung quanh Bảo Đại khoảng hai chục người cộng tác: tổng lý văn phòng, thư ký, cố vấn, sĩ quan hầu cận, lái xe. Cựu Hoàng hậu Nam Phương cũng có một văn phòng riêng trong đó luôn luôn có Nguyễn Tiến Lãng và vợ, kể cả Bảo Long mỗi khi đi đâu đều có thư ký riêng đi theo.
Bảo Đại vẫn ở Cannes khi phòng tuyến trên con đường số 4 sụp đổ và quân đội Việt Minh làm chủ chiến trường miền Bắc. Ông vẫn ở đó trong khi Điện Biên Phủ bị bao vây và vào lúc cuộc tiến công của tướng Giáp diễn ra trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương...
Thất bại của quân đội Liên hiệp Pháp ngày càng dồn dập báo hiệu kết cục bi thảm của cuộc chiến khó bề tránh khỏi lan rộng nhưng ông vẫn giữ nguyên các thói quen của mình. Bao giờ ông cũng muốn có những nguồn cảm xúc mạnh. Ở Đà Lạt, trong rừng đêm ông liều lĩnh xông pha vào rừng để chạm trán với hổ. Ở Cannes ông nhảy lên môtô lao sâu vào những con đường nhỏ phía sau thành phố.
Bảo Đại vốn ưa liều lĩnh, tốc độ, vực thẳm, tiếng gẩm rú của chiếc môtô Norton. Luôn luôn phải tạo hứng thú như trước đây ông đã có lần ngồi sau tay lái bứt xa các cảnh binh bở hơi tai theo sát ông.
Vào các buổi chiều hay tối, ông chơi trò liều lĩnh trong các canh bạc. Những năm đó Cannes là thành phố đứng đầu nước Pháp về sòng bạc. Bảo Đại tự tay lái những chiếc xe limousine lộng lẫy dừng trước thềm các sới bạc. Có ai tin được không? Tin đồn đại thời đó cho biết ông là con bạc khát nước ham đánh to để rồi thua đậm như lần đánh bạc với ông trùm điện ảnh Mỹ Jack Warner. Những hồ lỳ trong Casino thành phố còn nhớ mãi về ván bạc đông người chơi mà không ồn ào.
Tối đó cựu hoàng thết đãi khoảng chục bạn bè, có những phụ nữ trẻ và vài người châu Á, trong đó có hoàng đệ Vĩnh Cẩn. Ông nầy vừa đến nơi là bước luôn vào phòng đánh bạc, rồi ở lỳ trong đó cho đến khi mọi người ra về. Họ còn nói Quốc trưởng Bảo Đại, một con bạc trầm tĩnh, uể oải dặt tiền rất thận trọng và dè sẻn. Ông uống ít, chỉ nước trà thôi, hiếm khi uống rượu. Thời gian như dài ra, những cái bóng người xúm xít bận rộn ba bốn giờ liền quanh các bàn đồ sộ để đánh bạc. Thường như thế. Nhiều buổi chiều trong tuần. Còn những ngày khác? Cũng như thế trong các sòng bạc khác, Nice, Monaco hay trong một số câu lạc bộ bài bạc khác. Họ phung phí ở đó những gì kiếm được ở một sòng bạc khác, chẳng hạn như Đại Thế giới đang làm mưa làm gió ở Sài Gòn. Rồi tiền lãi từ các vụ chuyển tiền từ đồng bạc Đông Dương sang tiền franc, chảy không ngớt vào một nhúm xun xoe nầy.
Cựu hoàng Bảo Đại sống như đế vương nhưng ông vẫn giữ nguyên phong cách quen thuộc của ông. Gặp ai ông cũng làm cho người đó hài lòng, mến phục ông bất kể địa vị xã hội như thế nào dù là hoàng thân công chúa hay nhân viên bình thường. Thời gian ông ở Sài Gòn không lâu, nhưng cũng để lại nhiều tình bạn và lòng tôn kính. Ai cũng cảm nhận ông là con người kín đáo, lịch sự, lễ độ và thông minh. Ông kết bạn cả với một anh hồ lỳ sòng bạc và mời anh ta đến ăn với ông tại lâu đài Thorenc. Paul Paccim, tay tổ chức có tài trong các buổi liên hoan dạ hội ở Cannes kể lại: một lần hắn cùng ông đi máy bay từ Nice đi Paris. Dọc đường máy bay trục trặc động cơ nên phải quay lại Nice. Paccini tổ chức một bữa ăn tạm tại quán ăn trong lúc chờ xe lửa chạy suốt đến thủ đô. Được tin báo, tất cả cộng đồng người Việt quanh vùng kéo đến hoan hô.
Nhiều phụ nữ đến với ông. Đủ loại. Thường là những gái làng chơi chuyên nghiệp, hay vợ các gia nhân đầy tớ, những người tình quen thuộc trong đó có "thứ phi" Bùi Mộng Điệp, được ông tậu cho một biệt thự ở Antibes. Ông có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Một cựu bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh đã tiết lộ: ông Bảo Đại khoe, từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người khác.
Người ta xì xào về những cuộc phiêu lưu tình ái của ông. Lucien Bodard kể lại: "Cựu hoàng mang về Việt Nam một cô nhân tình ở Cannes. Khi mọi người báo trước rằng cô ta sẽ lừa dối ông. Ông gạt đi: Tôi biết thế, nhưng anh muốn gì, cô gái ấy có nụ hôn như một thiên thần. Cô ấy hành nghề của cô ấy. Nhưng chính tôi mới là một con điếm đích thực"(1).
Một người thân thiết với ông bình phẩm chính xác hơn về nét đặc trưng của Bảo Đại là "một phần mười của Farouk, hai phần mười của Machiavel và bảy phần mười của Hamlet"(2).
Nếu người dân thành phố Cannes còn giữ những kỷ niệm về một ông hoàng ham thích hưởng lạc với những thú vui trần thế thì Nam Phương để lại kỷ niệm về một bà hoàng buồn bã. Đôi khi bà cũng tham dự những cuộc vui ở Palm Beach, nhưng không để lại ấn tượng gì và không bao giờ bà theo chồng vào các phòng đánh bạc. Bà ghê tởm cuộc sống ở Cannes. Bà không ưa những con người bà gặp ở đây, căm ghét những thói hư tật xấu của chồng, không chịu được lối sống buông thả của ông, không thể quen được với các thủ đoạn lừa dối trâng tráo, những hành vi bội bạc của ông. Tuy nhiên sắc đẹp của bà cũng làm xao xuyến tâm can nhiều vương công hoàng tử nhất là Giáo chủ Agha Khan, xứ Ấn Độ, đã liên tiếp mời mọc và nhiều lần được đón tiếp bà và các con trong dinh thự rộng mênh mông của ông. Nhưng tin đồn đại ở Cannes cũng không cho biết gì thêm. Chắc chắn bà Nam Phương vẫn là một người vợ chung tình.
Bọn trẻ rất mê thành phố Cannes. Chúng được đến thăm cả những phòng đánh bạc nữa, nhờ có phép đặc biệt của bộ trưởng Nội vụ. Mỗi ngày có những thú vui, những môn thể thao riêng cho ngày đó. Cả những chuyến đi chơi xa không dứt. Các bản tin của sở tình báo ghi nhận những chuyến đi Vitell, Paris, Evian, đảo Corse bằng chiếc Libérator, máy bay riêng của cựu hoàng.
Ông rất hài lòng và cám ơn chính quyền địa phương đã đón tiếp ông. Ông viết cho thị trưởng Maurice Cornut Gentille: "Tôi sẽ không quên sự chu đáo, kín đáo và ân cần mà các ngài đã dành cho tôi, nhờ đó không lúc nào tôi cảm thấy mình là người nước ngoài mà luôn luôn thấy mình được đùm bọc như là một đồng bào của các ngài"(3).
Một cuộc sống quả là vui vẻ, đẹp đẽ, thú vị và nhẹ nhàng, nếu ở quê hương xa xôi của ông không có chiến tranh - cuộc chiến tranh bẩn thỉu với những đau thương khôn lường: 460 nghìn người Việt Nam, 60 nghìn người Pháp chết từ năm 1949.
Một tháng sau chuyến viếng thăm Sài Gòn lần cuối cùng những cuộc thương thuyết hoà bình bắt đầu. Cuộc xung đột giữa hai bên Pháp-Việt đã trở thành vấn đề quốc tế. Các cuộc thương lượng để đem lại hoà bình cho Đông Dương đã diễn ra ở Genève, tại trụ sở của Liên hợp quốc, có năm nước tham dự: Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và Pháp. Chính giữa gian phòng lớn, hai đoàn đại biểu của hai bên Việt Nam ngồi đối diện nhau: đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn đại biểu của chính quyền Bảo Đại.
Cùng thời gian đó, Thủ tướng Joseph Laniel ký tại điện Matignon - dinh thủ tướng, một hiệp ước chẳng biết thứ mấy dành cho Việt Nam quyền độc lập hoàn toàn. Rõ ràng là quá muộn.
Vào giờ hội nghị lập lại hoà bình ở Đông Dương khai mạc tại Genève, Bảo Đại đang ở Cannes. Những nhà thương thuyết đi lại như con thoi giữa lâu đài Thorenc và thành phố Thuỵ Sĩ để thông báo với Bảo Đại - Tất cả những người đứng đầu chính phủ Pháp đều trịnh trọng thề tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam - không có chuyện trở lại vấn đề thống nhất đã phải trả giá đắt mới giành được. Bảo Đại không tin. Lúc đầu chính phủ của ông từ chối không ngồi chung bàn với đại diện Việt Minh. Georges Bidault, lúc đó là bộ trưởng Ngoại giao phải bảo đảm bằng văn bản do chính ông ta viết, rằng: "Chính phủ Pháp không tìm cách lập ra hai quốc gia riêng biệt, mỗi nước có khuynh hướng quốc tế riêng, có hại đến sự thống nhất của Việt Nam", đến lúc đó chính quyền Bảo Đại mới chịu cử đại biểu đến Genève.
Đúng ngày hội nghị khai mạc, Điện Biên Phủ thất thủ, cùng với nó là sự sụp đổ tinh thần của quân đội Pháp - Việt. Sự tan rã hoàn toàn của lực lượng đồn trú trong tập đoàn cứ điểm đã gây choáng váng tai hại hơn bất kỳ một thất bại quân sự quan trọng nào dù nặng nề đến đâu. Chính là ở đây, trong cuộc đối đầu tổng lực, quân Pháp đã tin chắc là phải đánh bại quân Việt Minh. Lần đầu tiên có lẽ từ khi chiến tranh bắt đầu, công luận Pháp thể hiện sự quan tâm đến nỗi thống khổ ở xứ thuộc địa cũ châu Á. Dư luận chăm chú theo dõi những cực nhọc khốn khó, những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng của quân đội Pháp trong năm mươi bảy ngày bị bao vây. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mang giá trị biểu tượng: hình ảnh những xác chết phủ kín chiến hào, những đoàn dài tù binh Pháp đi diễu dưới sự áp tải của những người lính Việt Minh thấp bé đã khiến dư luận ở chính quốc ngao ngán. Còn quân đội quốc gia Việt Nam, đội quân đã được Bảo Đại tô vẽ cho đẹp mỗi khi duyệt binh đang tan rã tơi tả. Chỉ vài tuần sau Điện Biên Phủ đã có hai mươi nhăm nghìn lính quốc gia bỏ ngũ(4).
Cùng với sự thất bại Điện Biên Phủ, các chính phủ Pháp và Việt theo nhau đổ. Tại Paris, Pierre Mendès France thay Joseph Laniel. Ở Sài Gòn, hoàng thân Bửu Lộc xin từ chức. Ngô Đình Diệm nhận lời mời của quốc trưởng Bảo Đại đứng ra lập chính phủ mới...
Mendès France cam kết đem lại hoà bình bằng thương lượng trong vòng một tháng. Trái với những lời bảo đảm của người tiền nhiệm, ngay lúc đầu ông đề nghị chia cắt Việt Nam thành hai miền riêng biệt.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, các nhà thương thuyết đồng ý rạch một vạch ngang trên vĩ tuyến 17 phía trên Huế một chút. Huế nằm trong vùng không Cộng sản. Các bên thoả thuận sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và quyết định chế độ chính trị của Việt Nam.
Hai bên đình chiến tại chỗ. Chiến tranh chấm dứt.
Việt Minh tuy là người thắng trận, chỉ chấp nhận chấm dứt xung đột dưới áp lực của các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng với Bảo Đại, đó là sự phá sản. Ông không được đếm xỉa tới. Không ai buồn nghe những lời phản kháng của ông. Những đại biểu của ông chỉ đóng vai phụ. Ông hạ lệnh cho họ rời khỏi hội nghị. Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết không mang chữ ký của đại biểu chính quyền Bảo Đại. Phe ông không chỉ thất bại mà Việt Nam lại bị chia cắt làm đôi.
Thống nhất của Việt Nam, đó là mục tiêu đấu tranh của ông. Độc lập, thống nhất là trên hết. Vì nền thống nhất ông đã làm điên đầu người Pháp từ nhiều năm, đã thoái thác, lần lữa mãi trước khi chấp nhận "giải pháp" của họ. Kết cục của hội nghị Genève đối với ông còn hơn là một thất bại, nó còn là một cú đá sau lưng.
Dường như định mệnh và các cường quốc lúc đó đã quét ông như quét một hạt bụi vô giá trị, không hề tôn trọng hàng chục nghìn binh lính đã bỏ xác trên chiến địa chết vì những ý tưởng của ông. Khác nào một tên đầy tớ bị người ta tống cổ đi mà không thèm cho biết là nó bị đuổi.
Chú thích:
(1) Lucien Bodard. La Guerre d'Indochine, L'humiliation (Chiến tranh Đông Dương - Sự nhục nhã) - Nhà xuất bản Gallimard, 1973.
(2) Jean Bresson, La Fabuleuse Histoire de Cannes (Huyền thoại về thành phố Cannes) - Nhà xuất bản Le Rocher, 1981.
(3) Cannes: Hồ sơ Lưu trữ thành phố.
(4) Georges Chaffard, Carnets secrets de la Décolonisation (Tài liệu mật về phi thực dân hoá) Nhà xuất bản Calmann-Lévy, Alain Ruscio trích dẫn trong La guerre française d'Indochine (Chiến tranh Đông Dương của Pháp).