Dịch giả: Thanh Vân
Chương 13
Bực mình và bất hoà ở sát vách

Lúc này tôi đang ẩn nấp trong xưởng vẽ của hoạ sĩ, một căn phòng rộng mênh mông, trần lắp kính. Tôi sẽ lưu tại đây một thời gian. Xưởng không có cửa sổ, có những hốc tường ở cả hai phía, có cửa che kín những hốc đó. Vợ chồng Bogucki đã xếp cho tôi một cái giường gấp, và sau một thời gian dài ngủ trên phản gỗ, cái giường ấy như một tiện nghi tuyệt vời. Tôi vô cùng hạnh phúc vì không phải nhìn thấy một tên Đức nào. Giờ đây tôi không còn nghe tiếng chúng quát tháo, không còn sợ một tên SS đánh hoặc giết chết bất cứ lúc nào. Trong những ngày này, tôi cố không nghĩ đến trước mắt, trước khi chiến tranh kết thúc, nếu tôi còn sống sót đến lúc ấy. Tôi vui mừng vì một hôm Janina báo tin: quân đội Xô viết đã chiếm lại Kharkov. Vậy tôi sẽ thành cái gì nhỉ? Tôi hiểu rằng không thể ở lại trong xưởng quá lâu. Perkowski phải tìm một người thuê nhà trong vài ngày tới chỉ vì bọn Đức công bố sẽ điều tra dân số, cảnh sát sẽ kiểm tra từng nhà xem cư dân có đăng ký hợp pháp, chính xác và có quyền ở đó hay không. Hầu như ngày nào cũng có người đến thuê nhà xem phòng, lúc họ đến tôi phải trốn vào trong một cái hốc tường và khóa kín lại từ bên trong.
Hai tuần sau Bogucki đã thoả thuận với ông Edmund Rudnicki, nguyên giám đốc âm nhạc của đài phát thanh Ba Lan, chủ cũ của tôi trước chiến tranh, là một buổi tối sẽ đến cùng với kỹ sư Gebczynski. Tôi sẽ dọn xuống nhà của viên kỹ sư và vợ của ông ở tầng trệt cùng ngôi nhà đó. Tối hôm ấy, lần đầu tiên sau bảy tháng trời, tay tôi chạm đến những hàng phím đàn. Trong bảy tháng trời đó tôi mất hết những người thân yêu, sống trong sự thanh trừng của ghetto, đập phá các bức tường, xách vôi, khuân gạch. Tôi đã cưỡng lại lời thuyết phục của bà Gebczynski, nhưng cuối cùng tôi bị thua. Những ngón tay của tôi cứng quèo chuyển động một cách miễn cưỡng trên phím đàn, những âm thanh nghe lạ lùng đến chói tai làm tôi điên tiết.
 Cũng trong buổi tối đó tôi được nghe một mẩu tin đáng ngại nữa. Một người bạn thạo tin vừa gọi cho Gebczynski, báo tin hôm sau sẽ có một cuộc săn người trên toàn thành phố. Tất cả chúng tôi hết sức lo lắng, song té ra chỉ là tin đồn nhảm, thời đó có rất nhiều tin như vậy. Ngày hôm sau nhạc trưởng Czeslaw Lewicki, đồng nghiệp cũ của tôi ở đài phát thanh xuất hiện, sau này anh trở thành bạn thân của tôi. Anh có căn hộ độc thân được tuỳ ý sử dụng ở phố Pulawska, số 83, nhưng anh không ở đấy và anh đồng ý để tôi ở nhờ.
Lúc bảy giờ tối ngày thứ Bảy, 27 tháng Hai, tôi rời khỏi nhà Gebczynski. May mà trời tối như mực. Chúng tôi lên một cái xe ngựa ở Plac Unii đến phố Pulawska không gặp chuyện gì rủi ro và chạy vội lên tầng bốn. hy vọng không gặp bất cứ ai trên cầu thang.
Căn hộ độc thân hóa ra là một căn nhà có sẵn đồ đạc, tiện nghi và thanh lịch. Đi qua phòng ăn lớn là đến buồng tắm, có một tủ treo tường lớn, một bếp ga ở đầu đàng kia phòng ăn. Căn phòng có một đi văng êm ái, một tủ chén bát, một giá sách xinh xắn, một cái bàn nhỏ và vài cái ghế rất tiện lợi. Tủ sách đầy các bản nhạc và các bản tổng phổ, cũng như một số sách rất kinh viện. Tôi cảm thấy như ở trên thiên đường. Đêm đầu tiên ấy, tôi không ngủ nhiều, tôi muốn tận hưởng sự thoải mái ấy, được nằm trên một chiếc đi văng êm ái tuyệt vời.
Ngày hôm sau Lewicki cùng một người bạn, chị Malczewska là vợ của một bác sĩ, đem đến cho tôi ít đồ dùng. Chúng tôi bàn xem tôi sẽ ăn uống xoay sở ra sao nếu hôm sau xảy ra cuộc điều tra dân số. Tôi phải ở trong phòng tắm suốt ngày, khoá trái cửa như tôi đã làm trong xưởng vẽ. Nếu bọn Đức có ập vào nhà trong lúc điều tra, chúng tôi cho rằng không chắc chúng sẽ để ý đến cánh cửa nhỏ tôi trốn phía sau. Chúng sẽ tưởng rằng đó là một cánh cửa tủ bị khóa.
Tôi tuân theo kế hoạch này rất cẩn thận. Buổi sáng tôi mang sách vào phòng tắm và kiên nhẫn đợi cho đến tối, chắc chắn chẳng dễ chịu gì trong một khoảng thời gian dài như thế, và lúc đó tôi chẳng mơ gì ngoài việc đến trưa có thể duỗi thẳng chân ra. Toàn bộ mưu mẹo ấy tỏ ra là thừa, chẳng ai đến ngoài Lewicki ghé vào buổi tối vừa tò mò vừa lo lắng xem tôi ra sao. Anh mang đến vodka, xúc xích, bánh mì và bơ. Và chúng tôi ăn uống như những ông hoàng. Kế hoạch điều tra dân số cho phép bọn Đức theo dõi và bắt toàn bộ dân Do Thái đang ẩn trốn ở Warsaw trong một cuộc vây bắt trọn vẹn. Chúng không tìm thấy tôi và tôi cảm thấy một niềm tin tưởng mới.
Lewicki sống cách đấy không xa, anh và tôi thoả thuận mỗi tuần anh chỉ mang đồ ăn đến hai lần. Tôi phải sử dụng bằng cách này hay cách khác cho hết thời gian giữa các buổi đến thăm mong đợi của anh. Tôi đọc rất nhiều và học cách nấu nướng những món ăn ngon lành theo lời chỉ bảo của vợ viên bác sĩ. Mọi việc phải được làm thật khẽ, không được gây ra tiếng động. Tôi đi lại thật chậm, rón rén, lạy Trời đừng có đụng tay chạm chân vào bất cứ thứ gì! Tường rất mỏng, bất cứ một thứ tiếng động nào cũng dễ bị hàng xóm phát hiện. Tôi nghe thấy rất rõ tiếng họ đang làm gì, nhất là những người hàng xóm bên trái. Bằng vào giọng nói, những người thuê căn hộ này là một cặp vợ chồng trẻ, tối tối thường bắt đầu câu chuyện bằng những tên gọi nựng nhau rất âu yếm, “con mèo con”, “con chó cún”. Song sau khi tranh cãi khoảng mười lăm phút, giọng họ bắt đầu cao vút lên, và lúc này những tên gọi nựng của họ đã đi ra khỏi phạm vi những con thú vật nuôi rú rú trong nhà, và cuối cùng là con lợn. Sau đó là cuộc hoà giải, tiếng nói lặng đi một lát, rồi tôi nghe thấy tiếng thứ ba, âm thanh của chiếc dương cầm mà người phụ nữ trẻ chơi đầy cảm hứng, mặc dù cô nhấn một số nốt sai. Tuy vậy, tiếng đàn của cô thường ngân vang không lâu. Tiếng nhạc ngừng và giọng nữ cáu kỉnh khơi lại cuộc cãi cọ:
Hay lắm, bây giờ em sẽ không chơi nữa! Em vừa bắt đầu chơi là anh quay đi luôn!
Và họ lại bắt đầu lướt qua giới súc vật một lần nữa.
Lúc lắng nghe, tôi thường nghĩ tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu được đặt bàn tay lên chiếc dương cầm xinh xắn, cũ kỹ, lạc giọng, gây nên biết bao chuyện bực mình và bất hoà như thế ở nhà kế bên.
Nhiều ngày trôi qua, hoặc chị Malczewska hoặc Lewicki thường xuyên đến thăm tôi hai lần mỗi tuần, mang đồ ăn và những tin tức về chuyển biến chính trị mới nhất. Những tin tức chẳng có gì đáng khích lệ: tôi buồn lòng khi nghe tin Hồng quân Liên xô đã rút khỏi Kharkov lần nữa, quân Đồng minh lại rút khỏi châu Phi. Bị đoạ đày, gần như không hoạt động,suốt ngày gần như chỉ có một mình với những ý nghĩ u ám, ủ ê ngẫm nghĩ về số phận bi thảm của gia đình, càng ngày tôi càng thấy ngờ vực và thất vọng. Lúc nhìn qua cửa sổ ngắm dòng xe cộ, lúc nào cũng thấy bọn Đức đi lại bình thản như bao giờ, làm tôi thấy tình trạng của các sự việc này như sẽ không bao giờ kết thúc. Lúc đó tôi sẽ thành cái gì? Sau bao nhiêu năm chịu đựng vô nghịã, một ngày nào đó tôi sẽ bị phát hiện ra và bị bắn chết. Điều hay nhất mà tôi có thể mong là thà tự tử còn hơn sống và rơi vào tay bọn Đức.
Tâm trạng tôi không khá hơn cho đến khi quân Đồng minh tổng tấn công vào châu Phi và được tôn vinh nhờ những thắng lợi liên tiếp. Một ngày tháng Năm nóng nực, tôi đang làm món súp cho bữa trưa thì Lewicki xuất hiện. Thở dốc vì chạy thẳng lên tầng bốn, anh dừng lại lấy hơi và vừa hổn hển anh vừa báo tin cuộc chống cự của Đức và Ý ở châu Phi cuối cùng đã sụp đổ!
Gần như tất cả bắt đầu sớm hơn! Giá như lúc đó quân Đồng minh bắt đầu chiến thắng ở Châu Âu chứ không phải ở châu Phi, có lẽ tôi đã nhanh chóng khôi phục nhiệt tình của mình. Biết đâu số dân Do Thái ít ỏi còn lại trong ghetto của Warsaw sẽ nổi lên, có tổ chức và ít ra có cơ may thắng lợi dù rất nhỏ bé. Song song với những tin tức ngày càng tốt lành, Lewicki đưa tới nhiều chi tiết ngày càng khủng khiếp nghe được về các hành động thê thảm của những người Do Thái anh chị em tôi: một nhúm người Do Thái đã quyết kháng cự với bọn Đức trong giai đoạn cuối cùng, vô hy vọng này. Theo những tài liệu bí mật tôi đọc được, tôi biết về những cuộc nổi dậy của người Do Thái, các trận đánh dành từng ngôi nhà, từng khu vực của từng đường phố, và gây nhiều tổn thất lớn lao cho bọn Đức. Chúng đã huy động cả pháo binh, xe tăng và không lực đến các trận đánh ở ghetto. Mất rất nhiều tuần lễ Đức mới đàn áp được quân kháng chiến vốn yếu hơn chúng rất nhiều. Không người Do Thái nào muốn bị bắt sống. Khi bọn Đức chiếm được ngôi nhà, phụ nữ đưa bọn  trẻ con lên tầng thượng, rồi ôm bọn trẻ nhảy từ ban công xuống mặt đường phía dưới. Nếu tôi thò đầu ra khỏi cửa sổ vào ban đêm lúc đến giờ đi ngủ, tôi có thể thấy ánh lửa ở phía Bắc thành phố Warsaw, những cuộn khói nặng nề bốc lên tận bầu trời trong trẻo đầy sao.
Đầu tháng Sáu, Lewicki đến thăm tôi bất ngờ vào một buổi trưa, không theo thời khóa biểu tôi đã quen. Lần này anh không mang tin gì tốt lành. Anh không cạo râu, nhiều quầng thâm quanh mắt chứng tỏ anh đã không ngủ suốt đêm. Và vẻ mặt thất vọng rõ rệt:
Mặc quần áo vào! – Anh thì thào bảo tôi.
Có chuyện gì thế?
Đêm qua bọn Gestapo đã niêm phong căn phòng của tôi ở nhà bác sĩ và chị Malczewska rồi. Chúng có thể đến đây bất cứ lúc nào. Chúng ta phải đi thôi.
Đi ngay? Giữa ban ngày ban mặt, vào lúc buổi trưa? Chẳng khác gì là tự tử, chí ít là về phần tôi. Lewicki càng sốt ruột:
Nhanh lên, đi thôi! – Anh giục tôi, còn tôi cứ đứng đó, không làm theo ý anh muốn là đi gói ghém đồ đạc. Anh quyết định động viên tôi và làm cho tôi vui lên:
Đừng lo – anh nói, giọng bồn chồn – tất cả mọi việc đều được lo liệu cả rồi. Sẽ có người đón cậu cách đây không xa, và sẽ đưa cậu đến chỗ an toàn.
Tôi vẫn chưa muốn rời khỏi chỗ này. Muốn ra sao thì ra, tôi nghĩ. Đàng nào Lewicki cũng thoát và bọn Gestapo sẽ không tìm ra anh. Nếu cái rủi nọ tiếp theo cái rủi kia, tôi thà chấm dứt cuộc đời ở đây còn hơn là liều mạng đi lang thang trong thành phố. Đơn giản là vì tôi không đủ sức mà ra đi thôi. Tôi giải thích mọi điều cho bạn tôi và chúng tôi ôm lấy nhau, cả hai đều tin chắc sẽ không bao giờ gặp lại nhau trong đời. Sau đó Lewicki rời căn hộ.
Tôi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, dường như nó trở thành nơi an toàn nhất trên trái đất, mặc cho lúc này nó giống như một cái cũi. Tôi ở trong đó gần như là một con vật, vấn đề là chỉ là thời gian trước khi những tên đồ tể kia đến tìm thấy và giết tôi thôi. Chúng sẽ hả hê với mẻ đánh bắt này. Trước kia tôi chưa bao giờ hút thuốc, nhưng hôm ấy, lúc  đợi chờ cái chết, tôi đã hút cả gói một trăm điếu thuốc mà Lewicki để lại cho tôi. Nhưng cái chết cứ lần lữa từ giờ này sang giờ khác. Tôi biết bọn Gestapo thường hay đến vào lúc ban đêm hoặc sáng sớm. Tôi không cởi quần áo, không bật đèn, nhưng nhìn chăm chú vào chấn song ban công qua cửa sổ và lắng nghe những âm thanh nhỏ nhất vọng lên từ dưới phố hay cầu thang. Những lời từ biệt của Lewicki vẫn còn vang trong tai tôi. Bàn tay anh đã đặt lên quả đấm cửa, nhưng rồi anh quay lại, rồi tiến đến tôi, ôm tôi lần nữa và nói:
Nếu chúng nó đến và xông vào nhà…Cậu cứ nhảy qua ban công. Cậu không muốn chúng nó bắt sống cậu mà! – Rồi anh nói thêm, muốn tôi nhẹ nhõm với cái quyết định tự tử - Mình sẽ uống thuốc độc. Chúng cũng sẽ không bắt sống mình được đâu.
Nhưng lúc này đêm đã khuya. Xe cộ trên phố đã hoàn toàn im tiếng, các cửa sổ trong ngôi nhà đối diện lần lượt tắt đèn, cái này tiếp theo cái kia. Bọn Đức vẫn chưa tới. Thần kinh của tôi căng thẳng đến cực điểm. Thi thoảng tôi chợt thấy tôi ước giá chúng đến ngay di, càng sớm càng tốt. Tôi không muốn chịu đựng sự giày vò này thêm nữa. Có lúc nào đó trong đêm, tôi nghĩ đến cách tự tử khác. Bất ngờ tôi chợt nghĩ đến việc treo cổ thay cho việc nhảy ban công, và dù không thể nói tại sao, tôi thấy chêt theo kiểu này dễ dàng hơn, êm ả hơn. Vẫn không bật đèn, tôi dò dẫm trong  phòng tìm thứ gì để làm dây. Cuối cùng tôi tìm thấy một sợi dây thừng nhỏ, dài, chắc và bền đàng sau những quyển sách trên giá.
Tôi gỡ bức tranh treo bên trên giá sách xuống, kiểm tra cái móc trên tường có vững không, làm sẵn một cái thòng lọng, và đợi. Bọn Gestapo vẫn chưa tới.
Đến sáng chúng vẫn chưa tới, cả mấy ngày sau cũng thế. Nhưng đến mười một giờ ngày thứ Sáu, tôi đang năm trên đi văng sau một đêm hầu như không ngủ, tôi nghe thấy tiếng súng trên phố. Tôi vội đến bên cửa sổ. Một hàng cảnh sát chăng hết bề rộng của con phố,kể cả vỉa hè, bắn loạn xạ và hú hoạ vào một con quạ đang bay. Lát sau mấy chiếc xe hơi SS chạy đến, một khu vực lớn của con phố bị bao vây, kể cả ngôi nhà tôi đang trú ẩn. Nhiều tốp sĩ quan vào trong các ngôi nhà thuộc khu vực này và lôi đàn ông ra khỏi nhà. Chúng vào cả ngôi nhà của tôi.
Không còn ngờ vực việc chúng sẽ thấy chỗ ẩn nấp của tôi. Tôi đẩy một chiếc ghế đến bên giá sách, để có thể với tới cái móc treo tranh dễ dàng hơn, sửa lại nút thòng lọng và đến bên cửa nghe ngóng. Tôi nghe thấy tiếng bọn Đức quát tháo trên cầu thang ở dưới tầng dưới. Nửa giờ sau lại im lặng. Tôi nhìn ra cửa sổ. Chướng ngại vật đã được dỡ bỏ, xe của bọn SS đã rời đi.
Chúng không đến.