Chương 18
Khúc Đô thăng thứ

 Tôi ngồi sụp vào cái ghế gần cửa tủ. Với sự tin chắc của người mộng du, tôi bỗng cảm thấy hết cả sức nếu tôi cố thoát khỏi cái bẫy mới này. Tôi ngồi đó và rên lên, nhìn trừng trừng vào viên sĩ quan. Tôi nói lắp bắp, khó nhọc:
Anh muốn làm gì tôi thì làm, tôi không chạy đâu.
Tôi chẳng định làm gì anh hết – viên sĩ quan nhún vai – Anh sống bằng nghề gì?
Tôi là nghệ sĩ dương cầm.
Anh ta nhìn tôi kỹ hơn, và rõ ràng là nghi ngờ. Rồi liếc nhìn cánh cửa thông từ bê’p đến các phòng khác. Hình như một ý nghĩ chợt đến với anh ta.
Đi theo tôi.
Chúng tôi vào phòng bên, chắc là phòng ăn, rồi đi tiếp sang phòng bên cạnh, có một chiếc dương cầm để bên tường. Viên sĩ quan chỉ vào chiếc đàn và bảo:
Chơi một bài gì đi.
Anh ta không nghĩ rằng tiếng đàn sẽ ngay lập tức gây sự chú ý cho bọn Đức ở chung quanh đó hay sao? Tôi nhìn anh ta vẻ dò hỏi và không nhúc nhích. Rõ ràng là anh cảm thấy nỗi sợ của tôi vì anh nói thêm cho tôi yên lòng:
Không sao đâu, anh cứ chơi. Nếu có người vào, anh sẽ trốn trong tủ đựng thức ăn, còn tôi sẽ nói là tôi đang thử đàn.
Lúc tôi đặt những ngón tay lên bàn phím, chúng run lên. Thế là lần này tôi phải đổi cuộc sống của tôi bằng cách chơi đàn! Đã hai năm rười nay, tôi không chạm đến phím đàn, ngón tay tôi cứng đơ đơ và cáu ghét, từ ngày ngôi nhà tôi ở ẩn bị cháy, tôi không cắt móng tay. Hơn nữa, căn phòng để đàn không có lấy một cửa kính, nên hơi ẩm là cho nó phồng lên và cưỡng lai khi tôi nhấn phím.
Tôi chơi Khúc Đô thăng thứ của Chopin. Âm thanh trong vắt, ngân vang của những dây đàn không đúng điệu rung lên khắp ngôi nhà và  cầu thang vắng vẻ, trôi trên ngôi biệt thự đổ nát bên kia đường và vọng lại thành những tiếng sầu muộn, âm thầm. Lúc dứt tiếng đàn, sự im lặng có vẻ u ám và kỳ quái hơn lúc trước. Một con mèo kêu meo meo ở đâu đó trên phố, tôi nghe tiếng súng ở ngay bên ngoài ngôi nhà, rồi tiếng Đức giọng to, cục cằn.
Viên sĩ quan lặng lẽ nhìn tôi. Giây lát sau anh thở dài và lẩm bẩm:
Dù sao thì anh cũng không nên ở lại đây. Tôi sẽ đưa anh ra khỏi thành phố, đến một ngôi làng. Ở đấy anh sẽ được an toàn hơn.
Tôi lắc đầu:
Tôi không thể rời khỏi nơi đây – tôi nói, giọng cả quyết.
Chỉ đến lúc này anh ta mới hiểu lý do thực tại sao tôi phải ẩn trốn giữa đống hoang tàn này. Anh nhìn tôi chăm chú, vẻ bồn chồn:
Anh là người Do Thái? – Anh hỏi.
Phải.
Anh đứng, hai tay khoanh trước ngực, lúc này anh bỏ hai tay ra và ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh đàn dương cầm, dường như sự phát hiện này gợi lên nhiều nỗi suy nghĩ chán chường.
Ra vậy – anh lẩm bẩm – Bây giờ thì tôi hiểu anh không thể đi được.
Anh lại đắm vào trong suy nghĩ một lát, sau đó anh quay ra hỏi tôi:
Anh đang trốn ở đâu?
Trên tầng áp mái.
Cho tôi xem nó ra sao nào.
Chúng tôi lên gác. Anh kiểm tra kỹ lưỡng tầng áp mái bằng cái nhìn thành thạo. Trong lúc xem xét, anh phát hiện ra một thứ mà tôi không chú ý, trên tầng đó có một tầng phụ, một thứ gác xép được xếp bằng những tấm ván ngay dưới khe mái, ở ngay trên lối vào tầng áp mái. Liếc qua, thoạt đầu không thể thấy vì ở đây ánh sáng chiếu lờ mờ. Viên sĩ quan bảo tôi nên trốn trong căn gác xép đó, anh sẽ giúp tôi tìm một cái thang trong những căn hộ ở phía dưới. Lúc leo vào gác xép xong, tôi phải rút thang theo.
Lúc bàn bạc và thực hiện xong việc này, anh hỏi tôi có gì ăn không.
Không – tôi nói – Vả lại anh đã làm tôi sợ chết điếng trong lúc đang lục tìm các thứ dự trữ.
Thôi được, không sao – anh nói vội, dường như xấu hổ vì cuộc tấn công bất ngờ của anh – Tôi sẽ mang cho anh ít đồ ăn.
Chỉ đến lúc này tôi mới đánh bạo hỏi anh một câu. Tôi không thể nén được nữa:
Anh là người Đức?
Anh ta đỏ bừng mặt, và trả lời gần như quát lên giận dữ, như thể câu hỏi của tôi là một sự sỉ nhục:
Đúng, tôi là người Đức! Và tôi xấu hổ vì những việc như thế này!
Rồi bất ngờ anh bắt tay tôi và bỏ đi.
Ba ngày trôi qua, anh lại xuất hiện. Lúc đó là ban đêm, trời tối đen như mực. Tôi nghe thấy tiếng thì thầm bên dưới chỗ gác xép:
Xin chào, anh có đấy không?
Có, tôi đây – tôi đáp.
Ngay sau đó, một thứ gì đó nặng nề rơi xuống bên cạnh tôi. Qua lớp giấy tôi sờ thấy vài ổ bánh mì và một thứ mềm mềm, hoá ra là mứt, được gói trong một lớp giấy không thấm mỡ. Tôi vội để cái gói sang một bên và gọi:
Khoan đã!
Tiếng nói trong bóng tối có vẻ sốt ruột:
Gì thế? Nhanh lên, lính gác đã nhìn thấy tôi vào đây, và tôi không thể ở lại lâu đâu.
Quân đội Xô viết đang ở đâu?
Họ đã ở Warsaw, ở Praga bên kia sông Vistula. Rán đợi vài tuần nữa thôi, chiến tranh sẽ kết thúc, muộn nhất là vào mùa xuân.
Giọng nói tắt lặng. Tôi không biết viên sĩ quan còn ở đấy hay đã đi rồi. Nhưng bất chợt anh lại nói:
Anh phải đợi thôi, anh có nghe thấy không?
Giọng anh có vẻ gay gắt như đang ra lệnh, và niềm tin vững chắc của anh làm tôi tin rằng chiến tranh sẽ chấm dứt một cách tốt đẹp cho chúng tôi. Đến lúc ấy tôi mới nghe tiếng cửa tầng áp mái khép lại thật khẽ.
Nhiều tuần lễ đơn điệu, vô hy vọng trôi qua. Càng ngày tôi càng ít nghe thấy tiếng pháo kích từ phía sông Vistula. Có những ngày không một tiếng súng phá tan sự im lặng. Tôi không biết lần này tôi có nghĩ đến chuyện tự tử như trước kia đã nghĩ đến nhiều lần, nếu không có những tờ báo do người sĩ quan Đức dùng gói bánh mang đến cho tôi. Đấy là báo mới nhất, và lúc đọc đi đọc lại, tôi thấy khoẻ lên vì tin bọn Đức bị thất bại trên mọi chiến trường. Các mặt trận này đang tiến sâu hơn vào Đức, càng ngày càng nhanh.
Ban tham mưu của đơn vị Đức vẫn tiếp tục công việc trong các cánh nhà còn nguyên vẹn. Binh lính lên xuống cầu thang, thường khuân theo các bọc to lên tầng áp mái và mang những bọc khác xuống nhà, nhưng nơi ẩn nấp của tôi thật tuyệt vời, chưa có kẻ nào nghĩ đến việc tìm kiếm trên gác xép. Lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng chân của bọn chúng, ngày cũng như đêm, và tiếng dậm thình thịch của những bàn chân cho đỡ tê cóng. Lúc cần nước, tôi lẻn vào các căn hộ đổ nát, các bồn tắm ở đấy bao giờ nước cũng đầy ắp.
Ngày 12 tháng Mười hai, viên sĩ quan đến lần cuối cùng. Anh mang cho tôi đồ tiếp tế nhiều hơn lần trước và một cái chăn lông vịt. Anh kể anh sắp rời Warsaw cùng với đơn vị, tôi đừng nản lòng vì hiện nay cuộc tấn công của quân đội Xô viết có thể xảy ra vào bất cứ ngày nào.
Ở ngay Warsaw?
Phải.
Nhưng làm sao tôi có thể sống sót được qua những trận đánh nhau ngoài phố? – tôi hỏi, giọng lo âu.
Nếu anh và tôi đã sống qua được cái địa ngục này hơn năm năm – Anh đáp – Thì hiển nhiên đó là ý Chúa cho chúng ta được sống, thế đấy, đàng nào chúng ta cũng phải tin như thế thôi.
Chúng tôi đã chào từ biệt và anh sắp sửa đi, tôi bỗng nảy ra một ý vào lúc cuối cùng. Đã từ lâu tôi vắt óc nghĩ cách thể hiện sự biết ơn của tôi với anh, nhưng anh nhất định không chịu nhận chiếc đồng hồ đeo tay, vật quý giá duy nhất của tôi.
Anh nghe này – Tôi cầm tay anh và năn nỉ - Tôi chưa lần nào nói tên tôi với anh, mà anh cũng không hỏi, nhưng tôi muốn anh nhớ nó. Ai mà biết sẽ xảy ra chuyện gì. Anh có cả một quãng đường về nhà dài dằng dặc. Nếu tôi sống sót, chắc chắn là tôi sẽ lại làm việc ở đài phát thanh Ba Lan, trước chiến tranh tôi đã làm ở đấy. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, biết đâu tôi có thể giúp anh bằng cách nào đấy, anh hãy nhớ tên tôi là Szpilman, đài phát thanh Ba Lan.
Anh mỉm nụ cười như thường lệ của anh, nửa như phản đối, nửa bẽn lẽn và ngượng ngập, nhưng tôi cảm thấy anh vui vì sự ngây thơ của tôi muốn giúp đỡ anh trong tình cảnh hiện tại.
Trận sương giá ác liệt đầu tiên đến vào khoảng giữa tháng Mười Hai, đêm 13, lúc tôi ra ngoài lấy ít nước, tôi thấy sương giá khắp nơi. Tôi lấy một cái ấm và một cái xoong gần cửa sau của một ngôi nhà không bị cháy và trở về căn gác xép của mình. Tôi cạo ít đá trong xoong và cho vào miệng, nhưng không thoả cơn khát của mình. Tôi nghĩ ra một ý khác, tôi chui vào giữa tấm chăn lông vịt và để cái xoong lên bụng mình, một lúc sau băng bắt đầu tan và tôi có được một ít nước. Mấy ngày sau tôi làm y như thế vì nhiệt độ vẫn là băng giá.
Giáng sinh đến rồi năm mới, năm 1945, Giáng sinh và năm mới lần thứ sáu trong chiến tranh, năm tồi tệ nhất mà tôi biết. Tôi không có bất cứ điều kiện nào để kỷ niệm. Tôi nằm trong bóng tối, nghe tiếng gió gầm rú, xé toạc tấm lợp trên mái và các ống máng hỏng đu đưa dưới các bức tường ngôi nhà, thổi rạp đồ đạc trong các căn hộ chưa bị phá huỷ. Giữa các cơn gió hú giữa đống đổ nát, tôi nghe thấy tiếng chít chít và tiếng lào xạo của lũ chuột nhắt, chuột nhà chạy tới chạy lui trong tầng áp mái. Thỉnh thoảng chúng nhảy lon ton trên tấm chăn lông vịt, cào cả lên tôi lúc chạy qua. Tôi ôn lại từng lễ Giáng sinh trước và trong chiến tranh. Thoạt đầu tôi đang ở nhà cùng cha mẹ tôi, các anh chị tôi. Rồi sau đo’ chúng tôi không có nhà nữa nhưng vẫn được ở cùng nhau. Rồi tôi có một mình, nhưng có những người khác chung quanh. Còn bây giờ có lẽ tôi đơn độc lẻ loi hơn bất cứ ai trên đời, ngay Robinson Crusoe của Defoe, nguyên mẫu của cảnh cô độc lý tưởng, vẫn hy vọng gặp được người khác. Crusoe tự khích lệ mình khi cố nghĩ một việc như thế có thể xảy ra bất cứ ngày nào, và ý nghĩ này giúp anh tồn tại. Nhưng lúc này nếu có bất kỳ người nào đến gần tôi, tôi cần phải chạy trốn và ẩn nấp, sợ chí chết. Tôiphải đơn độc hoàn toàn đơn độc, nếu tôi muốn sống.
Ngày 14 tháng Một, nhiều tiếng động bất thường trong nhà và ngoài phố đánh thức tôi dậy. Nhiều xe chạy đến rồi chạy đi, binh lính chạy lên xuống cầu thang, tôi nghe nhiều tiếng nói cáu kỉnh, bồn chồn, nhiều đồ đạc được khiêng ra khỏi nhà, chắc là được chất lên xe. Sáng ngày 15, tôi nghe thấy tiếng pháo kích từ mặt trận trên sông Vistula mà lúc  trước rất yên ắng. Những quả đạn pháo không tới khu vực của thành phố nơi tôi đang ẩn náu. Song mặt đất và các bức tường của ngôi nhà rung lên dưới những tiếng nổ ầm ầm, đều đều, các tấm lợp bằng kim loại rung lên leng keng, vữa rơi lả tả khỏi tường. Âm thanh ấy chắc phải là dàn tên lửa nổi tiếng Kachiusa của Liên xô, chúng tôi đã nghe kể nhiều về nó trước cuộc nổi dậy. Trong tình trạng mãn nguyện và phấn khởi, tôi đã có một hành động điên rồ không thể tha thứ được trong hoàn cảnh của tôi: tôi uống hết sạch cả một xoong nước.
Ba giờ sau trọng pháo lại im tiếng, nhưng tôi cảm thấy căng thẳng hơn bao giờ hết. Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ, nếu bọn Đức bảo vệ Warsaw đổ nát, cuộc chiến trên đường phố sẽ bắt đầu vào bất cứ lúc nào, và tôi có thể bị giết vào lúc kết thúc toàn bộ những đau khổ trước đây của tôi.
Nhưng đêm trôi qua yên bình. Khoảng một giờ sáng tôi nghe thấy tiếng những tên Đức còn lại đang rời khỏi ngôi nhà. Im lặng bao trùm, một sự im lặng chưa từng thấy bao giờ, kể cả với Warsaw, một thành phố chết trong ba tháng vừa qua. Thậm chí tôi không nghe thấy cả tiếng chân bọn lính gác bên ngoài ngôi nhà. Tôi không hiểu nổi. Liệu có cuộc chiến đấu nào đang xảy ra không?
Chưa đến sớm hôm sau, sự im lặng bị một tiếng động rất to, vang rền, phá vỡ, âm thanh cuối cùng tôi mong đợi. Loa phóng thanh ở đâu đó rất gần, đang truyền đi bằng tiếng Ba Lan lời tuyên bố Đức bại trận và Warsaw được giải phóng.
Quân Đức đã rút chạy không hề chống cự.
Ngay vừa lúc trời sáng, tôi đã luýnh quýnh sửa soạn cho cuộc mạo hiểm ra ngoài đầu tiên. Viên sĩ quan đã để lại cho tôi chiếc áo khoác bên ngoài của lính Đức để tôi khỏi chết cóng lúc ra ngoài lấy nước, và tôi vừa mặc xong thì nghe thấy tiếng chân bước đều đặn của lính gác trên đường phố. Hay quân Xô viết và Ba Lan đã rút? Tôi rúc vào đống nệm. Nằm đấy và hoàn toàn nản chí cho đến lúc một điều mới mẻ vọng đến bên tai: tiếng phụ nữ và trẻ em, những âm thanh tôi chưa nghe thấy trong nhiều tháng nay, phụ nữ và trẻ em nói chuyện vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giống như những ngày xưa, khi các bà mẹ xuống phố cùng với con. Bằng mọi giá, tôi cần phải biết tin tức. Tình trạng không rõ ràng này thật không chịu nổi. Tôi chạy xuống cầu thang, thò đầu ra khỏi ngôi nhà bị từ bỏ, nhìn ra phố Aleja Niepodleglosci. Buổi sáng xám xịt, mù sương. Bên trái tôi, cách đấy không xa, một quân nhân mặc quân phục đứng nhưng ở khoảng cách này khó mà nhận dạng. Một phụ nữ đeo bọc sau lưng đang đến gần tôi phía bên phải. Lúc bà ta đến gần hơn, tôi đánh bạo nói với bà:
Xin chào. Tôi xin lỗi…- tôi gọi bằng giọng khản đặc và vẫy tay ra hiệu với bà ta.
Bà ta nhìn tôi chằm chặp, buông rơi cái bọc và vắt chân lên cổ mà chạy, vừa chạy vừa kêu the thé:
Một thằng Đức!
Ngay lập tức người lính quay lại nhìn về phía tôi bèn ngắm và vẩy khẩu súng lục. Nhiều viên đạn trúng tường làm vôi vữa rơi lả tả xuống tôi. Không nghĩ ngợi, tôi  chạy tuốt lên tầng áp mái và rúc vào chỗ ẩn nấp quen thuộc của mình.
Mấy phút sau nhìn qua cửa sổ bé xíu, tôi thấy ngôi nhà bị bao vây. Tôi nghe thấy tiếng những người lính gọi nhau lúc họ xuống tầng hầm, nhiều tiếng súng và lựu đạn nổ.
Lúc này hoàn cảnh của tôi thật lố bịch. Tôi suýt nữa bị những người lính giải phóng Warsaw bắn chết lúc sắp được tự do, chỉ vì hiểu lầm. Luống cuống, tôi nghĩ thật nhanh cách làm cho họ nhận ra tôi là người Ba Lan, trước khi họ tống tôi đến một cuộc đời mới như một tên Đức đang trốn. Trong lúc đó, một chi đội khác mặc quân phục màu xanh lơ đến bên ngoài ngôi nhà. Sau này tôi mới biết họ là đội cảnh sát đường sắt tình cờ đi ngang qua và được gọi vào giúp binh lính. Thế là lúc này tôi bị hai đơn vị có vũ trang truy đuổi.
Tôi từ từ xuống cầu thang, gào to hết sức:
Đừng bắn! Tôi là người Ba Lan!
Ngay lập tức, tôi nghe thấy nhiều tiếng chân chạy lên cầu thang. Dáng một viên sĩ quan còn trẻ mặc quân phục Ba Lan với một con chim ưng thêu trên mũ đến trong tầm nhìn bên kia chấn song. Anh ta chĩa khẩu súng lục vào tôi và quát:
Giơ tay lên!
Tôi nhắc lại lời kêu gào:
Đừng bắn! Tôi là người Ba Lan!
Viên trung uý đỏ bừng mặt vì cáu:
Thế sao anh không xuống? – Anh ta gầm lên – Và tại sao anh mặc áo lính Đức làm gì?
Chỉ đến khi những người lính nhìn tôi gần hơn và xem xét tình hình, họ mới thực tin tôi không phải là lính Đức. Sau đó họ quyết định đưa tôi về tổng hành dinh, cho tôi tắm rửa và ăn, dù tôi vẫn chưa biết chắc họ sẽ định làm gì tôi.
Tuy nhiên tôi có thể không đi với họ như thế. Trước hết tôi phải giữ lời hứa với bản thân mình là sẽ hôn người Ba Lan đầu tiên tôi gặp sau khi bọn Nazi hết trị vì. Thật khó mà thực hiện lời hứa của tôi. Viên trung uý cưỡng lại lời đề nghị của tôi một lúc lâu, tự vệ bằng đủ mọi thứ lý lẽ trừ một điều là anh quá tốt bụng nên không thể từ chối. Mãi cho đến lúc cuối cùng tôi hôn anh rồi, anh mới giơ một tấm gương nhỏ ra trước mặt tôi rồi vừa cười vừa nói:
Bây giờ anh có thể thấy tôi là một người yêu nước chân chính chưa nào!
Hai tuần sau, được quân đội chăm sóc chu đáo, sạch sẽ và được nghỉ ngơi, tôi – một người tự do, lần đầu tiên trong sáu năm, đi qua các phố của Warsaw mà không sợ hãi. Tôi sẽ đi về hướng Đông sông Vistula, đến Praga, nó từng là vùng ngoại ô đìu hiu, nghèo khổ, nhưng bây giờ nơi đó thuộc Warsaw và bọn Đức không phá huỷ tất cả những gì còn lại của nó.
Tôi đi xuống một đường phố chính rộng rãi, một thời tấp nập ngựa xe, nay vắng tanh suốt phố. Trong tầm nhìn, không thể thấy một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Tôi rẽ vòng quanh những núi gạch, vôi đá vỡ vụn, thỉnh thoảng lại phải trèo qua chúng như là những con đường dốc đầy đá sỏi. Chân tôi mắc trong cả đống lộn xộn những giây điện thoại đứt, đường ray xe điện gẫy, những mẩu vải có thời trang trí cho các căn hộ hay quần áo của những người đã chết từ lâu.
Một bộ xương người nằm cạnh tường một ngôi nhà, bên dưới chướng ngại vật của quân khởi nghĩa. Bộ xương không lớn, cấu trúc xương mảnh dẻ, chắc hẳn đấy là xương của một cô gái, vì vẫn có thể nhìn thấy mái tóc dài màu vàng hoe dính trên hộp sọ. Tóc không bị thối rữa như các bộ phận khác của cơ thể. Cạnh bộ xương là khẩu cacbin han rỉ, mấy mảnh giẻ quanh xương cánh tay phải, cánh băng tay màu đỏ và trắng, chữ AK đã bị bắn văng đi mất.
Các chị tôi đã không để lại một chút di hài như thế. Chị Regina xinh đẹp và Halina trẻ trung nghiêm túc, và tôi sẽ không bao giờ tìm ra được một ngôi mộ để có thể đến cầu nguyện cho linh hồn của họ.
Tôi đứng lại nghỉ một lúc rồi lấy hơi. Tôi nhìn khắp phía Bắc thành phố, nơi đã từng là ghetto, nơi nửa triệu người Do Thái bị sát hại nay chẳng còn lại chút gì. Bọn Đức còn săn phẳng tường của những ngôi nhà cháy ruị.
Ngày mai tôi phải bắt đầu cuộc sống mới. Liệu tôi có thể làm được như thế khi chẳng có gì ngoài cái chết đã lùi lại sau tôi? Liệu tôi có thể rút ra nghị lực để sống từ cái chết được không?
Tôi tiếp tục đi con đường của tôi. Một cơn gió mạnh như dông bão đập lách cách vào sắt vụn trong đống hoang tàn, rú rít và réo qua các cửa sổ trống hoác đã cháy thành than. Sắp chạng vạng tối. Tuyết bắt đầu rơi từ bầu trời xám xịt, nặng như chì.