Dịch giả: Thanh Vân
Chương 8
Tổ kiến bị đe doạ

Lần này Goldfeder và tôi cố tổ chức một buổi hoà nhạc buổi trưa để kỷ niệm ngày thành lập bộ đôi (duo) của chúng tôi. Buổi hoà nhạc sẽ được trình diễn vào ngày 25 tháng Bảy 1942, trong khuôn viên của Sztuka. Chúng tôi đang lạc quan. Tâm lực của chúng tôi đang dồn hết cho buổi hoà nhạc và chúng tôi có bao nhiêu điều phải lo. Trước ngày hoà nhạc chúng tôi còn không tin nó không xảy ra. Chúng tôi chỉ hy vọng lại một lần nữa, tin đồn về cuộc tái định cư là vô căn cứ. Ngày 19 tháng Bảy, tôi chơi nhạc trong khuôn viên một tiệm cà phê trên phố Nowolipki, và không bao giờ nghĩ đây là buổi biểu diễn cuối cùng của tôi trong ghetto. Khuôn viên đầy ắp người nhưng tâm trạng chung khá ảm đạm.
Sau buổi diễn, tôi ghé vào Sztuka. Lúc này khá muộn, trong tiệm không còn khách, chỉ có các nhân viên đang tíu tít với những việc vặt trong ngày. Tôi ngồi với viên quản lý một lúc. Ông ta cũng đang rầu rĩ, ra các mệnh lệnh mà chẳng để tâm, làm như đó chỉ là vì hình thức.
Ông đang dọn dẹp cho buổi hoà nhạc của chúng tôi vào thứ Bảy? – tôi hỏi.
Ông ta nhìn tôi như thể không biết tôi đang nói gì. Lúc đó bộ mặt ông lộ rõ vẻ thương cảm châm biếm cho sự dốt nát của tôi đối với các sự kiện làm số phận của ghetto xoay chiều khác hẳn.
Anh thật lòng tin chúng ta còn sống sót đến thứ Bảy ư? – ông hỏi và nhô người qua bàn về phía tôi.
Tôi tin chắc như thế - tôi đáp.
Lúc này câu trả lời của tôi hình như đã mở ra một triển vọng mới cho sự an toàn, và sự an toàn ấy phụ thuộc vào tôi, ông ta chộp lấy bàn tay tôi và nói một cách nồng nhiệt:
Hay lắm, nếu thực là chúng ta còn được sống, anh có thể gọi bất cứ món gì anh thích cho tối thứ Bảy tới đây, tôi chi hết và … - đến đây ông ngập ngừng giây lát, nhưng quyết làm cho ra trò ông nói thêm – anh có thể gọi những chai ngon nhất trong hầm rượu của Sztuka, tôi cũng chi hết, anh muốn bao nhiêu cũng được!
Theo lời đồn đại, chiến dịch tái định cư sẽ bắt đầu vào tối thứ Bảy. Song buổi tối trôi qua êm ả và đến sáng thứ Hai, mọi người lại mạnh dạn lên, có lẽ một lần nữa chẳng có gì xảy ra theo như các tin đồn?
Song đến tối sự sợ hãi lại bùng lên một lần nữa, theo tin mới nhất, tối nay chiến dịch tái định cư sẽ nổ ra trong ghetto nhỏ, và lần này không còn nghi ngờ gì nữa. Dân chúng bối rối khiêng ra các bọc, gói, các vali lớn, đưa trẻ con từ ghetto nhỏ sang ghetto lớn qua chiếc cầu vượt bọn Đức đã bắc trên phố Chlodna, tách chúng tôi khỏi cơ hội cuối cùng liên hệ với khu Aryan. Họ hy vọng tránh xa khu vực bị đe doạ trước giờ giới nghiêm. Gia đình tôi vốn theo thuyết định mệnh nên chúng tôi quyết định ở lại. Đêm khuya, những người hàng xóm nghe được tin từ tổng dinh cảnh sát Ba Lan rằng đã có báo động. Vậy là sự tồi tệ sắp xảy ra. Tôi Tôi không thể ngủ cho đến bốn giờ sáng và ngồi bên cửa sổ để mở. Nhưng đêm hôm đó cũng trôi qua yên bình.
Sáng thứ Ba, Goldfeder và tôi đến Hội đồng Do Thái. Chúng tôi vẫn chưa mất hy vọng rằng dù sao thì mọi sự có thể suôn sẻ, chúng tôi muốn có thông tin chính thức của Hội đồng về kế hoạch của bọn Đức đối với ghetto trong mấy ngày tới. Chúng tôi đến gần toà nhà thì một chiếc ôtô phóng vèo qua. Trong xe là đại tá Kon, đứng đầu sở y tế của cộng đồng, xanh xao và để đầu trần, cảnh sát vây quanh. Nhiều công chức Do Thái cùng bị bắt vào lúc ấy, và cuộc săn lùng bắt đầu trên các đường phố.
Buổi chiều cùng ngày xảy ra một sự kiện lay động toàn bộ thành phố Warsaw, ở cả hai bên bức tường. Bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng người Ba Lan là Raszeja, đứng đầu ngành và là giáo sư đại học Poznan được gọi đến ghetto để biểu diễn một cuộc giải phẫu khó. Tổng hành dinh cảnh sát Đức ở Warsaw đã cấp cho ông thẻ vào ghetto, nhưng lúc ông tới và bắt đầu cuộc giải phẫu, bọn SS xông vào nhà, bắn chết bệnh nhân đã được gây mê nằm trên bàn mổ, rồi bắn chết luôn viên bác sĩ cùng những người khác có mặt trong phòng.
Ngày thứ Tư 22 tháng Bảy, khoảng mười giờ sáng tôi vào thành phố. Tâm trạng trên phố đỡ căng thẳng hơn đêm hôm trước. Có tin đồn đoan chắc rằng các viên chức của Hội đồng bị bắt hôm qua đã được trả tự do. Vì thế bọn Đức không có ý định tái định cư chúng tôi nữa, vì trong những trường hợp như thế (chúng tôi nghe tin trong các bản báo cáo từ bên ngoài Warsaw, nơi các cộng đồng Do Thái nhỏ hơn, tái định cư từ lâu), chúng luôn bắt đầu bằng việc thanh toán các viên chức.
Lúc 11 giờ tôi đến cầu vượt trên phố Chlodna. Tôi đang đi và mải nghĩ ngợi nên lúc đầu tôi không chú ý nhiều người đang đứng lặng lẽ trên cầu và chỉ vào một thứ gì đó. Sau đó họ vội vã bỏ đi, rất bối rối.
Tôi sắp bước lên các bậc dẫn đến cây cầu gỗ uốn vòng cung, thì một người bạn đã lâu tôi không gặp nắm lấy cánh tay tôi:
Anh làm gì ở đây? – Anh rất kích động nên khi nói môi dưới co rúm lại trông rất tức cười, giống miệng thỏ - Về nhà ngay!
Có chuyện gì vậy?
Một giờ nữa chiến dịch bắt đầu.
Không thể được!
Không thể? – Anh ta bật cười, cay đắng, căng thẳng, rồi xoay tôi đối diện với hàng chấn song rồi chỉ xuống phố Chlodna – Nhìn kìa!
Một tốp lính mặc quân phục màu vàng lạ lẫm đang hành quân trên phố Chlodna, dẫn đầu là một sĩ quan Đức. Cứ vài bước chúng lại dừng và một tên lính vào vị trí cạnh bức tường bao quanh ghetto.
Người Ukrainia đấy. Chúng ta bị bao vây rồi! – Anh nức nở hơn là nói những lời đó, rồi anh vội vã chạy xuống những bậc cầu thang quên cả chào tạm biệt.
Thế là chắc chắn rồi. Đến trưa các đội quân bắt đầu thực sự quét sạch các ngôi nhà dành cho người già, nhà của các cựu chiến binh và những lều trú tạm qua đêm. Các lều này là chỗ trú cho người Do Thái từ các vùng quê quanh Warsaw đã bị dồn vào ghetto, cũng như những người bị trục xuất khỏi Đức, Tiệp khắc, Hungary và Roumanie. Đến chiều, nhiều tấm áp phích dán khắp thành phố thông báo bắt đầu chiến dịch tái định cư. Tất cả những người Do Thái đầy đủ sức khoẻ sẽ bị đưa về phía Đông. Mỗi người được mang 20 ký lô hành lý, lương thực cho hai ngày và đồ châu báu. Khi đến nơi làm việc sẽ ở tập trung và làm trong các nhà máy của Đức tại địa phương. Riêng các viên chức thuộc các tổ chức xã hội Do Thái và Hội đồng Do Thái thì được miễn. Lần đầu tiên có một sắc lệnh không có chữ ký của Hội đồng Do Thái. Czerniaków đã tự tử bằng thuốc độc.
Thế là việc xấu nhất đã đến: dân cư của cả một khu lên tới nửa triệu người bị tái định cư. Câu chuyện có vẻ vô lý, Không người nào có thể tin nổi.
Trong mấy ngày đầu tiên, chiến dịch được tiến hành như một cuộc xổ số. Các ngôi nhà bị bao vây hú hoạ, lúc ở góc này, lúc ở góc khác trong ghetto. Một hồi còi rít lên triệu tập tất cả cư dân trong nhà ra sân, chất tất cả mọi người lên xe, bất chấp tuổi tác, giới tính, từ trẻ con đến cụ già, đưa họ đến Umschalagplatz – trung tâm tập trung và quá cảnh. Rồi các nạn nhân bị nhét vào các toa hàng và được chở đi đến nơi nào không biết.
Lúc đầu, chiến dịch này do cảnh sát Do Thái làm, cầm đầu là ba phụ tá của bọn đao phủ Đức Đại tá Szerynski, đại uý Lejkin và đại uý Ehrlich. Bọn chúng nguy hiểm  và tàn bạo chẳng kém bọn Đức, có khi chúng còn tồi tệ hơn, vì kiếm ra được những người trốn ở nơi nào đó thay vì tập trung dưới sân, chúng vờ không thấy nhưng chỉ vì tiền. Những giọt nước mắt, những lời van xin, thậm chí những tiếng la hét tuyệt vọng của trẻ con chẳng làm chúng mảy may mủi lòng.
Vì các cửa hàng đã bị đóng cửa và ghetto bị cắt mọi nguồn cung cấp, chỉ sau vài ngày nạn đói bắt đầu lan tràn, và lần này ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Dân chúng không thôi để việc đó làm khổ họ nhiều: họ tìm một thứ quan trọng hơn đồ ăn. Họ muốn có một tờ giấy chứng nhận việc làm.
Tôi chỉ có thể nghĩ ra một hình ảnh so sánh với cuộc sống của chúng tôi trong những ngày giờ khủng khiếp ấy, giống như một tổ kiến bị đe doạ. Khi những bàn chân hung bạo đi giày đinh của một thằng ngốc ích kỷ phá huỷ tổ, bày kiến nhốn nháo chạy đây, chạy đó, cuống quýt thăm dò đường tẩu thoát, nhưng không biết chúng bị đờ đẫn vì bị tấn công bất ngờ, hay lo số phận con cháu hoặc có thể cứu lấy bất cứ thứ gì, mà chúng quay trở lại như bị một thế lực hiểm ác chi phối. Thay cho việc đi thẳng và thoát khỏi khu vực, lúc nào chúng cũng trở lại đúng những con đường nhỏ ấy, và đúng những nơi ấy, không thể thoát khỏi quỹ đạo chết người và thế là bỏ mạng. Giống y như chúng tôi vậy.
Đây là một thời kỳ kinh khủng đối với chúng tôi, nhưng lần này bọn Đức đã vớ bẫm ra trò. Các công ty Đức mọc lên trong ghetto nhan nhản như nấm gặp mưa, tất cả đều sẵn sàng cấp giấy chứng nhận thuê người. Lẽ tất nhiên là với con số hàng ngàn người, nhưng quy mô ấy không làm cho người ta nản lòng. Hàng người dài dằng dặc bên ngoài văn phòng các công ty có nhà máy thực sự lớn và quan trọng như Toebbens và Schultz chẳng hạn. Những người đủ may mắn có giấy chứng nhận bèn ghim vào quần áo, điền tên và nơi làm việc giả định. Họ tưởng mảnh giấy đó sẽ che chở cho họ thoát khỏi cuộc tái định cư.
Tôi có thể dễ dàng kiếm được một tờ giấy chứng nhận kiểu đó nhưng một lần nữa như vaccine Risketteria, chỉ cho riêng bản thân mình. Không người nào trong những người quen của tôi, dù có mối quan hệ thân thiết nhất, ủng hộ ý tưởng cấp giấy chứng nhận cho cả gia đình tôi. Sáu cái giấy chứng nhận tự do hẳn là rất nhiều hy vọng, nhưng tôi không có khả năng thanh toán tất cả dù với giá thấp nhất. Tôi kiếm sống lần hồi, và tôi kiếm bất cứ thứ gì ăn được. Lúc bắt đầu chiến dịch ở ghetto, trong túi tôi chỉ có vài trăm zloty. Tôi chóang váng vì không tự lo liệu được, vì thấy những bạn bè giàu có hơn dễ dàng cứu cả gia đình an toàn. Đầu bù tóc rối, mặt không cạo, không một mẩu thức ăn trong người, tôi lê bước từ sáng đến tối, từ văn phòng công ty này đến văn phòng công ty khác, van vỉ người ta rủ lòng thương chúng tôi. Sau sáu ngày như thế, huy động mọi đường dây quen biết, bằng cách này hay cách khác, tôi đã xoay sở được đủ những mẩu giấy ấy.
Chắc rằng lần gặp Roman Kramsztyrk tuần trước chiến dịch là lần gặp gỡ cuối cùng. Trông ông hốc hác và căng thẳng, dù cố che giấu. Ông hài lòng gặp lại tôi:
Cậu chưa đi lưu diễn à? – ông nói, cố đùa.
Chưa – tôi đáp ngắn gọn. Tôi không thích nói đùa. Rồi tôi hỏi ông cái câu mà chúng tôi thường hỏi nhau vào thời đó – Anh nghĩ như thế nào? Liệu chúng có tái định cư tất cả chúng ta không?
Ông không trả lời câu hỏi của tôi và tránh né bằng một nhận xét:
Trông cậu khiếp quá – ông nhìn tôi thông cảm – Cậu suy nghĩ nhiều quá đấy.
Biết làm thế nào được? – Tôi nhún vai.
Ông mỉm cười, châm thuốc, không nói gì một lát rồi tiếp:
Cậu cứ đợi xem, một ngày nào đó mọi việc rồi sẽ chấm dứt, bởi vì… - ông vẫy vẫy hai cánh tay – thực ra tất cả chuyện này đều chẳng có nghĩa lý gì, phải không?
Ông nói câu đó với vẻ hài hước và khá thuyết phục, dường như toàn bộ sự vô nghĩa của chuyện đang diễn ra sẽ chấm dứt một cách hiển nhiên.
Roman Kramstzyrk là một trong những người thiệt mạng đầu tiên lúc bọn chúng bắt tay vào chiến dịch tái định cư. Ngôi nhà ông ở bị bao vây, nhưng ông không chịu xuống sân lúc nghe thấy tiếng còi. Ông thích thà bị bắn chết trong nhà, giữa các bức tranh của ông còn hơn.
Vào khoảng thời gian này, những tên chỉ điểm cho Gestapo là Kon và Heller đều đã chết. Chúng không củng cố vị trí của chúng đủ khéo léo, hoặc có lẽ vì chúng quá phát đạt. Chúng chỉ phải nộp tiền cho một trong hai tổng hành dinh SS ở Warsaw và không may cho chúng, lại rơi vào hết tay người này sang tay người khác. Những giấy phép do đơn vị SS đối thủ cấp làm bọn bắt giữ chúng bầm gan tím ruột hơn, chúng không hài lòng chỉ bắn Kon và Heller, chúng còn vứt xác bọn chỉ điểm lên xe rác, giữa những đống đồ phế thải và rác rưởi bẩn thỉu. Hai tên trùm tư bản đã đi quãng đường cuối cùng của chúng qua ghetto đến ngôi mộ tập thể như thế đấy.
Bọn Ukrainia và Lithuania chẳng thèm chú ý gì đến giấy chứng nhận lao động. Sáu ngày xin xỏ của tôi là một sự ráng sức vô ích. Tôi cảm thấy con người phải thật sự làm việc, nhưng vấn đề sắp tới là làm như thế nào mà thôi. Tôi đã mất hoàn toàn sự nhiệt tâm. Lúc này tôi nằm suốt ngày trên giường, lắng nghe những âm thanh dội lên từ đường phố. Mỗi lần nghe tiếng bánh xe ầm ầm trên mặt đường lát nhựa đường là tôi hoảng hốt. Những chiếc xe ấy đưa người đi Umschlagplatz. Nhưgn tất cả không xuyên thẳng qua ghetto, và bất cứ chiếc xe nào trong số đó cũng có thể dừng lại trước ngôi nhà chúng tôi. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng còi rít trong sân bất cứ lúc nào. Tôi nhảy ra khỏi giường, đến bên cửa sổ, rồi lại nằm xuống, rồi đứng lên.
Tôi là người duy nhất trong gia đình cư xử nhu nhược đáng hổ thẹn như vậy. Có lẽ vì mình tôi có thể cứu được chúng tôi nhờ tiếng tăm là người biểu diễn và tôi cảm thấy mình có trách nhiệm vì thế.
Cha mẹ, anh chị tôi hiểu họ chẳng thể làm được gì. Họ tập trung toàn bộ vào việc tự kiềm chế bản thân và duy trì cuộc sống theo tưởng tượng và bình thường. Cha tôi chơi vĩ cầm suốt ngày, Henryk học, Regina và Halena đọc sách, còn mẹ tôi mạng quần áo.
Bọn Đức tìm ra một ý tưởng khôn ngoan nữa để nhiệm vụ của chúng đỡ căng thẳng. Nhiều sắc lệnh công bố được dán trên tường nói rằng nếu các gia đình tự nguyện đến Umschlagplatz “di cư” thì sẽ được một ổ bánh mì và một ký mứt, và các gia đình tình nguyện sẽ không bị chia cắt. Lời gợi ý này được hưởng ứng rằng mạnh mẽ. Dân chúng chấp nhận vì họ đang đói và hy vọng gắn kết số phận cùng  với nhau bước vào con đường lạ lẫm, đầy khó khăn.
Thật bất ngờ Goldfeder đến giúp chúng tôi. Anh có cơ hội thuê một số người nhất định ở khu trung tâm thu nhận gần Umschalagplatz, nơi phân loại đồ gỗ và của nả từ các ngôi nhà người Do Thái bị tái định cư. Anh chọn tôi, cha tôi và Henryk đến đó, và tiếp đó chúng tôi đưa được mẹ và các chị tôi cùng đến với chúng tôi. Mặc dù họ không cùng làm trong trung tâm thu nhận nhưng họ trông nom “nhà mới” của chúng tôi trong ngôi nhà đã thành nhà kho của chúng tôi. Khẩu phần chẳng có gì đặc biệt: mỗi ngày mỗi người được nửa ổ bánh mì và một phần tư lít súp, và chúng tôi phải chia ra hết sức thông minh mới đỡ cơn đói.
Đây là việc làm đầu tiên của tôi với bọn Đức. Từ sáng đến tối, tôi chở bằng xe bò các loại đồ gỗ, gương, thảm, quần áo lót, khăn trải giường, quần áo, những thứ đồ đạc trước đây mấy ngày còn thuộc về một người nào đó, đồ nội thất thể hiện nhà của người có hoặc không có khiếu mỹ thuật, giàu có hoặc nghèo khổ, tử tế hoặc tàn ác. Lúc này chúng chẳng thuộc về ai. Chúng bị hạ cấp thành những đống đồ vật, bị xử lý thô bạo, và thỉnh thoảng lắm, lúc tôi ôm một ôm nặng quần áo lót, mùi nước hoa ưa thích của người nào đó thoang thoảng hết sức tinh tế như một hoài niệm, hoặc có thể liếc qua những chữ viết lồng sặc sỡ trên nền vải trắng tinh một lát. Nhưng tôi chẳng có thời gian mà nghĩ đến mọi thứ. Mỗi lần ngắm nghía hoặc lơ đễnh là bị cảnh sát đá rất đau bằng mũi ủng bọc sắt hoặc đánh bằng dùi cui cao su.
Sáng sớm ngày 2 tháng Tám có lệnh sáu giờ chiều hôm ấy tất cả dân Do Thái phải rời ghetto nhỏ. Tôi đã thành công trong việc dành thời gian kiếm một số it quần áo và đồ trải giường ở phố Sliska, cùng các bản nhạc của tôi, một bộ sưu tập các bài phê bình những buổi diễn và sáng tác của tôi với tư cách nhạc sĩ và cây vĩ cầm của cha tôi. Đấy là tất cả những thứ chúng tôi có.
Một hôm, vào khoảng ngày 5 tháng Tám, lúc tôi đang giải lao và đi bộ xuống phố Gesia, bất ngờ tôi trông thấy Janusz Korczak và bọn trẻ mồ côi của ông đang rời khỏi ghetto.
Sáng hôm ấy đã có lệnh trại mồ côi Do Thái do Janusz Korczak quản lý phải tản cư. Bọn trẻ phải được đưa đi riêng. Ông có dịp thoát thân, và điều khó khăn duy nhất khi ông thuyết phục bọn Đức cùng đưa ông đi. Ông đã dành nhiều năm trời sống cùng với bọn trẻ, và trong chuyến đi cuối cùng này, ông không nỡ để các em đi một mình. Ông muốn làm nhẹ mọi việc cho chúng. Ông bảo với bọn trẻ là chúng sắp được về vùng nông thôn cho nên chúng rất vui. Ít ra chúng cũng  có thể đổi các bức tường kinh khủng của thành phố ngột ngạt, lấy những cánh đồng đầy hoa, có những dòng suối chúng có thể tắm, những khu rừng đầy dâu dại và nấm. Ông dặn chúng mặc bộ quần áo đẹp nhất, vì thế khi bọn trẻ ra sân, xếp hàng đôi, ăn mặc sạch sẽ và tâm trạng vui sướng.
Một đội hình hàng dọc nhỏ, dẫn đầu là một viên SS yêu trẻ như người Đức vẫn thế, dù là những đứa hắn sắp thấy trên đường vào thế giới mới. Hắn khoái một cậu bé mười hai tuổi, một tay chơi vĩ cầm, cặp cây đàn dưới cánh tay. Tên SS bảo em đi lên đầu đoàn diễu hành trẻ em và chơi đàn, thế là các em lên đường.
Lúc tôi gặp cả đoàn trên phố Gesia, các em đang mỉm cười và hát đồng thanh. Cậu bé chơi vĩ cầm và Korczak dắt hai đứa bé nhất, ông đang kể cho chúng nghe một chuyện vui gì đó, mặt chúng rất rạng rỡ.
Tôi chắc rằng trong buồng hơi ngạt, lúc khí Cyclon B bóp nghẹt các cổ họng của trẻ thơ, và nỗi sợ hãi bất chợt thay cho niềm hy vọng lan vào trái tim của trẻ mồ côi, nhà thông thái già ắt phải thì thầm, rán sức lần cuối cùng “Ổn cả thôi mà, các cháu, tất cả rồi sẽ ổn thôi mà”, để ít ra ông có thể dành trách nhiệm nhỏ bé của mình cho những đứa trẻ sợ hãi đang chuyển từ cuộc sống sang cái chết.
Cuối cùng ngày 16 tháng Tám 1942 đến phiên chúng tôi. Một cuộc tuyển lựa được tiến hành ở trung tâm thu nhận, chỉ có Henryk và Halina đủ sức khoẻ để làm việc. Cha tôi, Regina và tôi được bảo trở lại nhà kho. Lúc chúng tôi về đó, toà nhà đã bị bao vây, và chúng tôi nghe thấy tiếng còi rít lên trong sân.
Thế là không cần đấu tranh hơn nữa. Tôi đã làm những gì có thể để cứu những người tôi yêu quý và bản thân mình. Rõ ràng việc đó là không thể ngay từ lúc bắt đầu. May ra Henryk và Halina được ăn uống khá hơn những người còn lại trong gia đình tôi.
Chúng tôi mặc quần áo thật nhanh vì đã nghe thấy tiếng quát tháo và tiếng súng ở dưới sân giục chúng tôi nhanh lên. Mẹ tôi gói một bọc nhỏ bất cứ thứ gì đến tay, rồi chúng tôi xuống sân.