Chương 14

Tôi tháo xong đầu nổ trái mìn nhảy M.16, nghe một tiếng “hự” đằng sau, quay lại. Anh Luân đứng chống gậy, cau mày nhìn Năm Ri đang lúng túng ngó tôi. Kẹt sự gì rồi. Tôi phủi tay vào quần, bước tới. Anh Luân gãi cái đầu trọc, đằng hắng vài lần rồi mới nói:
- Lão đừng ra bãi mìn nữa. Bày anh em moi thôi. Mình dặn Năm Ri, nó cứ nể…
- Yên chí lớn, tôi gỡ có nghề mà.
- Nghề, nghề cái gì… Lỡ có đứa khác nó hụt tay, cho nhảy một trái, lão chết oan thì sao? Lỡ pháo rớt gần, mìn động kíp nổ bậy trong tay lão thì sao? Việc của lão dưới kia kìa. Tụi này để lão oánh thí xác bấy lâu, cũng là cái thế ón chẳng được đừng, chớ áy náy trong bụng lắm đó.
Tôi lảng vội:
- Út Liềm về chưa anh?
- Chắc vài tiếng nữa. Con nhỏ bụng đã có cái hom, thả thứ gì vô là nằm lòng chắc cứng, khỏi lo đi.
Từ sáng tới giờ vùng biển nhốn nháo hẳn lên. Tàu rà với trực thăng quần như chuồn chuồn trước bão, pháo các đồn rải đạn bậc thang dưới mé đường nhựa, ồn gấp mấy hôm qua địch rút khỏi làng Cá. Tôi nghĩ ngay đến quân Mỹ đổ bộ. Anh em đoán đủ chuyện: đặc công đánh sân bay, tụi Sài gòn đảo chính, cũng có thể là binh biến, phản chiến, các sắc quân ngụy bắn nhau… biết đâu được, chúng nó đang lúc quân hồi vô lệnh. Út Liềm và hai cô nữa phóng xe đạp xuống biển lấy tin, chưa về.
Các em chăn trâu xúm chùm dưới gốc đa cũng “tham mưu con” rất hăng trong khi lựa đạn xếp riêng từng loại:
- Cái thứ bộc phá đằng mình, tụi nó ăn ít trái là sôi bụng dữ ác vậy.
- Xã Chinh chết, con nó xin pháo đánh trống tế cha…
- Chị Cang nói nó bán thân bán xác sao đó, chưa biết, mà tay chân không cục cựa được, nằm ngay đơ vầy nè, ra lệnh cho thằng con củng bố mình.
- Xì, ác ôn tôm tép. Chinh con xuống đó gánh giỏ gắp phân cho Mỹ chớ quyền gì. Bí mật nghen… anh Thiêm nói Mỹ đổ bộ. Ít bữa nữa rảnh rảnh, tụi mình học tiếng Mỹ.
- Biết rồi, Hê-lô, bông-sua, gút, gút?
- Trật bậy hết. Đài mình nói thằng tướng nào lật thằng tướng nào, quên mất, lát tao nhớ…
Anh Luân rủ tôi đi coi máy, có lẽ chỉ để kéo tôi ra xa bãi mìn. Lạ chưa, địch bỏ lại trong góc đình một cái máy thật, máy bơm Nhật gắn động cơ nổ 12 ngựa. Có mấy khúc ống cao su như vòi voi…Chúng định đào giếng bơm nước lên, tránh những cái giếng hay nổ trong xóm chăng? Sáng qua tôi chỉ sục kỹ các lô-cốt và hầm hào…
Ông thầy Mười đứng sẵn bên máy như người dẫn xem bảo tàng, kể ngay sự tích của nó. Hồi mới lên cầm quyền, cha con xã Chinh hối hả làm giàu, mua đâu được cái máy bơm cũ chở về, đốc dân khai mương, tất nhiên là đưa nước vào ruộng nhà chúng là phần nhiều. Còn mấy nhà nữa bị mương nước chảy qua ruộng, phải trả giá cắt cổ đến nỗi cả xã đồn rum: “Xã Chinh bán nước đắt quá, dân sạch túi”. Tay thợ coi máy là bợm rượu, để máy trục trặc luôn, và mỗi lần máy hỏng cha con xã Chinh lại chửi nhau một trận; cha ham thu tô, con ưa làm giàu bằng công nghệ, cái máy bơm nằm giữa hai kiểu hốt bạc ấy, hai khối tham tùy lúc bị nó hút vào hoặc đẩy ra như chơi quấy. Nó được chở đi sửa trước nạn lụt, thoát chết đuối và cũng thoát tịch thu. Hẳn xã Chinh tin lắm lắm ở đợt lấn chiếm này nên mới dám chở máy về, gặt xong là bơm nước cho vụ chính. Rốt cuộc nó cũng về ta, trong khi xã Chinh bị liệt nửa người nằm dưới thị xã, thằng Chinh con chạy tháo thân với lính.
- Bữa hôm xã Chinh cho nổ thử, tụi lái xe chê gắt, nói đồ bỏ uống xăng như nước…
- Uổng hè. Hễ chạy ngon, mình cho vỡ lại mấy chục mẫu bỏ hoá gần sông. Lo là tụi nó càn lên, cướp nghiến mất.
- Khử thằng Hai Chinh mới giữ được ruộng được máy. Tụi lính còn biết sợ dân vây, tới thằng đó làm quá tay níu kéo không thấu…
Da tôi rân rân khi chạm vào khối động cơ lạnh. Nó sống. Như nó chứa một dòng điện rò chừng mười vôn vừa truyền sang tôi. Như tay tôi lâu nay để tê đang dồn dòng máu thợ tuôn vào các mao quản, bắt ngón tay phải cựa quậy mới thấy dễ chịu. Đâu đó trong tôi, từ sâu lắm, một thèm khát bị nén nhiều năm từ từ bốc lên đầu lên ngực khiến tôi choáng váng. Tôi nhớ nghề máy nổ. Tôi thèm làm cho sắt thép quay tít, phát ra sức mạnh giúp người.
Anh Luân cứ nói văng vẳng đâu mé sau:
- Cứ cho bơm. Cả ngàn dân làng Cá, bộ giữ không nổi mà xài sao? Cùng lắm mới chôn giấu…
Tôi không nghe được thêm.
Tay tôi lập cập lật nắp thùng đồ phụ tùng, kéo ra sợi dây khởi động, quấn vào trục bánh trớn, giật mạnh. À, quên mở khoá xăng. Ba tôi đứng bên chắc đã nạt: "Không nhả xăng cũng phải đái vô một bãi chớ!". Ông cụ gắt lắm câu khó chịu thật, nhưng nhớ dai thiên niên vạn đại. Tôi quấn dây, giật nữa. Nổ rồi. Tiếng máy của ta nghe vui lạ, giòn tan, săn cứng, như một chuỗi bi sắt rót đều vào thùng rỗng. Tôi nhác thấy vẻ mặt sửng sốt của anh Luân. Khó gì đâu anh, tôi khơi bật sức sống trong cục sắt này cũng như anh bắt đất nhả ra củ trái thôi. Năm Ri xua các em ra ngoài, tôi mới biết có ba vòng trẻ em vây quanh, coi chừng, đây thiếu hầm. Một chị vẫy tôi bảo về ăn cơm, tôi gật. Sau đó tôi không nhớ gì nữa.
Nhìn bề ngoài, có lẽ tôi vẫn là thằng Thiêm của mọi lúc. Bên trong khác. Như người lên đồng, tôi đang nhập thân vào máy, sâu dần, trọn vẹn dần, cho đến khi trông rõ cái bu-gi đánh lửa châm vào khí xăng nén, cảm được sức miết của các xéc-măng, lần lượt sờ nắn từng cái trục đang quay trong ổ. Những tiếng nổ lia lịa dính cục đã theo lệnh tôi tách rời nhau ra. Mỗi chi tiết ngoan ngoãn diễn thật chậm cho tôi xem vai trò được giao, kể vui buồn với tôi bằng lời riêng của kim loại, háo hức đợi tôi khen hay chê, dùng tiếp hay cho đi chữa bệnh. Cái thế giới đóng kín trong lòng ống xi-lanh, vốn là một bí ẩn đối với người không quen, đã mở cửa đón ông lang máy vào thăm... Đúng rồi, máy có bệnh. Nó chưa già mấy đâu, đừng chê tội nghiệp, nó chỉ mắc bệnh vì cha con xã Chinh bắt quay bơm đến kiệt sức, cho ăn đồ thừa đáng vất đi, cấm nó nghỉ ngơi tắm rửa. Tay thợ coi nó chạy chỉ mê rượu, tay nào vừa sửa nó chỉ nghĩ đến tiền, cũng phải thôi, nó khỏe lên làm gì cho chủ nó thêm gian thêm ác?
Đất rung một lần, hai lần. Một mảng vôi trên tường lở xuống bên máy. Anh Luân kéo vai tôi:
- Ra hầm, lão.
Tôi tắt máy, theo anh bước xuống con hào hẹp do địch đào ngay trong đình, thông ra hầm ngoài vườn. Pháo An Tân bắn lên hú họa. Tôi ngồi xổm, bần thần nhìn bàn tay lấm. Hình như anh Luân khen tôi lắm nghề, gì cũng rành, về sau vợ con được nhờ. Tôi chỉ ngó xuống tay. Những ngón này đây, ba tôi luyện cho từ nhỏ, biết nắm lắc-lê chắc như kìm, cũng biết xuống gân mềm ra để sờ tìm một vết xây xát bằng sợi tóc trên sườn trơn của xi-lanh, đã mất đi cái hạnh phúc được cứu máy. Đến bao giờ nhỉ, tôi mới được vuốt ve một động cơ khỏe đẹp với niềm vui không chút gợn, khỏi phải tìm chỗ nhét mìn, chỉ lo sao nó trẻ và sung sức mãi cho bà con tôi đỡ khổ? Còn lâu đấy. Còn lâu...
- Gì, lão?
Tôi cười, lắc đầu. Tôi buột miệng nói lúc nào chẳng hay. Khá nhiều xe và trực thăng đã nát dưới tay tôi, cả hai máy bay khu trục nữa. Ém đy-na-mít dẻo vào, thả trái nổ, vác búa tạ mà quai, bao giờ cũng nhớ đắp thêm bao tải trước khi tưới xăng châm lửa, bắt cháy lâu nung mềm cho hết bòn mót một bộ phận còn lành đem chắp nơi khác. Và không chỉ có bấy nhiêu. Tôi còn hủy đi gần một trăm cái máy biết nói tiếng Việt hay tiếng Anh. Trước những thân thể khỏe mạnh, tôi đã lái đường ngắm vào đúng sọ. Giặc Mỹ bắt tôi bắn phá, trong khi tôi muốn chi chút đỡ từng mầm cỏ gãy.
Tôi thấy nó rồi, thằng đế quốc, con quỷ ghê tởm quá sức tưởng tượng của chiêm bao, tôi chỉ thấy nó khi thật tỉnh. Con mực ma(1), đôi khi nằm lẫn trong thúng mực ống trên bãi biển Qui Nhơn, đã được nhân lên cỡ trái đất. Nó ôm ghì một mảng nhiều lục địa, hút óc người, máu người, thịt người, để tuôn ra một dòng lạo xạo đen sì những thứ gây chết nhanh chết chậm, từ bom H đến tấm ảnh khiêu dâm, từ tên giặc lái B.52 đến điếu thuốc tẩm cô-ca-in, đủ hết. Tôi đã gỡ được cái lưỡi câu giật đau khi lần đầu tôi đi soát những cái xác rằn ri vặn vẹo, những đống sắt bốc khói. Người thợ sửa máy nổ đã cười to nói hăng khi kể chuyện diệt đoàn xe hay bắn tàu bay, cùng vui say sưa với bà con đồng đội, những người suốt hai mươi năm nay chỉ biết máy rền dưới đất là lính đi càn, khác với tiếng máy rống cao báo bom sắp rơi. Mỗi ngày đánh Mỹ lại mở rộng hơn nữa trong tôi những cung bậc tình cảm tưởng đã lên dây hết mức, mở rộng cả hai chiều cho đau lớn và vui lớn, cho thù sâu ngấm đến tủy và cho yêu thương ngây ngất, yêu thương không nói được bằng lời.
- Ngớt pháo rồi, lão. Cái máy nổ giòn vậy sao tụi nó chê đồ bỏ hè?
Ờ, phải hưởng cái thú chẩn bệnh kê đơn cho máy của ta chứ! Tôi kéo anh Luân lên, mở máy lần nữa, chỉ cho xem luồng khói đen trong khí thải, bắt anh căng tai nghe hai thứ tạp âm: tiếng gõ kim loại khá rõ của xéc-măng mòn, tiếng lách cách yếu hơn của pít-tông bị chạm. Gì đâu, hễ ham rẻ mua xăng xấu dầu tồi thì buồng cháy hay kết muội đen và các chi tiết mau mòn, càng mòn càng đẻ ra muội. Hôm nào rảnh tôi sẽ tháo ra cạo sạch muội và khám lại tim phổi của máy, soát kỹ xăng dầu, nếu ủy ban cho đặt bơm. Bây giờ lo ba chân bốn cẳng chạy về nhà mẹ Sáu ăn cơm đã, mẹ cho con ra gọi tới lần thứ ba rồi, chậm nữa chắc mẹ làm om lên mất.
Cả nhà mẹ ăn xong cả. Mẹ gắt đôi câu, báo tin chị Tám Giàu tìm tôi có việc, rồi dỗ ngọt như dỗ trẻ:
- Ăn hết tao mới chỉ chỗ… Ừ, chắc là cần chứ, ăn no rồi mẹ đi kiếm chị Tám cho.
Cơm để phần tôi ghế khoai ít hơn, lại có một đĩa lòng heo nữa, chắc mẹ mua hồi sáng khi xuống Lộc Chánh chống cối 81. Tôi không dám từ chối, chỉ lén gạt làm đôi ăn một nửa.
Tổ du kích cô Xuân gác đường nhựa mới về. Mẹ Sáu nấu thêm cơm và nói ca kệ trong khi các cô ngả súng ra lau bên bếp, đợi bữa:
- Biết tụi bây binh đao cực khổ, vậy chớ thời nào con gái cũng là con gái, đổi làm trai đâu được. Út Thêm, mày chải dùm cái tóc thử coi, để quạ nó tưởng đống rác nó đẻ trên đầu… Ngáp hả? Lát nữa tao dọn chỗ cho mà ngủ, bây nằm khéo khéo một chút, đàn ông ra vô họ ngó cho được con mắt. Đừng làm như tổ con Thoá... ừ thì con Thoa, bây đổi tên lia lịa ba ai nhớ cho kịp, chiều qua gác về là lăn chình ình ra phản giữa, ngủ sùi bọt mép, áo trật nút phơi bụng, quần xăn tới háng, tao bước vô thấy như bầy cá nhám bày bán chợ trưa, phát ớn... Nè tao nói trước, hễ đứa nào ăn no béo mỡ tha đôi guốc cao gót vô đây là tao chẻ chụm liền. Mình là dân cày cuốc, đừng học đòi cái số đờn bà ở nhà lầu đầu bi-dê, vừa đi vừa xăm nát nhà như thằng Chinh con tìm hầm... Ngó coi, ngồi đó mà gà nhảy ỉa trên bàn không biết! Phải như tao là bà già bây, tao nói ngay một câu liền: dâu mẹ thảo gớm, ăn gà để phần mẹ cả miếng gan...
Các cô cười rúc rích, ngắt lời mẹ từng lúc bằng câu chọc chơi. Đến đây cô Xuân cao lớn mới dài giọng làm nũng:
- Mẹ ẹ e …… Mẹ gả anh Nhái cho chị Hai Mẫn hoài, mẹ không chịu gả cooon……
Chung quanh nổi cười rật rật:
- Nói nữa đi bác. Tụi cháu nghe riết rồi về làm dâu nhà ai cũng dễ.
- Bà già mặc áo bông chanh, ngồi trong đám hẹ nói hành nàng dâu…
- Mẹ chấm con Chín Cang rồi nghen!
Mẹ Sáu bị ghẹo không kịp thở, làu bàu gì đó, vớ ống thổi lửa thổi pho pho, lát mới ngoái cổ lại gắt: "Thôi, hư nên kệ bây!". Tôi ngồi quay lưng xuống bếp, cố nín cười. Tưởng các cô chỉ hay ỷ đông, xúm trêu con trai đi lẻ thôi chứ, té ra bà già cũng bị!
Một lần mẹ Sáu đem gạo ra gò, Năm Ri đã nói sơ về mẹ. Mẹ bị ông trời bắt xấu người, hồi trẻ rất khổ vì cái mũi tẹt và hàm răng vẩu "vừa một tiểu đội núp mưa", bù lại mẹ tốt bụng hết sức và được giọng hát ngọt như chè hai. Nghe kể rằng trai cày bạn gặt tứ xứ tới đây, gặp đêm trăng giã gạo cứ nhào vô hát thi với cô Sáu, mê lắm, hết gạo bỏ trấu vào giã, sáng ra họ lảng hết.
Nội chòm xóm, hễ ai gánh việc nước là mẹ thương, gánh nhiều mẹ thương nhiều. Hai kiểu thương khác xa nhau. Con trai thì ăn ở sao cũng được, mẹ cứ so với ông chồng ngày xưa chỉ biết có rượu, gái và đánh vợ, thấy bây giờ đàn ông tốt ra nhiều. Con gái khó hơn, mẹ so với mẹ và cho rằng chúng nó hơn được cái khoản đánh giặc mà thua nhiều thứ quá. Mẹ ưa kêu chị em du kích tới ăn ngủ nhà mẹ để vừa chăm nom vừa rèn giũa cho. Lấy mình làm mẫu hoài cũng rầy, mẹ hay nêu gương cô Hai Mẫn láng giềng: "Coi chị Hai cầm đầu tụi bây đó, hai tay việc nước việc nhà gọn trơn...". Cậu con thứ của mẹ, tên móc nôi là Nhái đổi ra Kiên Cường, thua Mẫn hai tuổi và thấp hơn Mẫn nửa cái đầu, đi bộ đội huyện, hễ về phép là phải nghe mẹ giảng cái lệ gái hơn hai trai hơn một, và tính chuyện bỏ miếng trầu vô nhà Mẫn. Cậu cười lăn ra, mẹ nổi khùng, tới lần sau cũng y như vậy. Các cô biết mẹ kén dâu, xúm ghẹo: "Lựa dâu sâu con mắt, lựa rể xể cái nmôi, hèn gì coi bác Sáu ốm nhom! Hai Mẫn chịu chưa bác?". Lủng củng bấy nhiêu thôi, mọi mặt khác đều êm xuôi cả, mẹ làm gì cũng được bầu xuất sắc, như mẹ nói là "tao xuất sắc miết rồi quen, thua thiên hạ cái gì tao chịu không thấu". Mẹ nhận nuôi thằng cháu Hoàn giúp Mẫn, "coi như sẵn bầy gà thả thêm một con thôi mà", nhưng mẹ khó giấu cảnh nhà đàn bà goá trời dòm qua mái, ai cũng biết mẹ vất vả thêm nhiều.
Tổ cô Xuân ngả cái nia ăn cơm bên bếp. Tôi biết chỗ tôi là mâm đàn ông, nếu tôi bưng xuống ngồi ăn chung thì cả nhà đều không bằng lòng, nên cứ lẳng lặng chén no.
Mẹ Sáu giã cành cạch thứ lá gì trong cái cối đất nung, bốc mùi hăng hăng quen mũi mà tôi không nhớ ra. Chợt mẹ ngừng giã, nói với các cô, vốn hơi nặng tai nên mẹ xuống giọng mà tiếng vẫn to:
- Bây dỗ con Mẫn chút nghen. Nó uống nước rau răm cầm kinh miết, tao nể phải làm giùm, mà lo về sau nó hết đường chửa đẻ, tuổi già không con ở với ai, chồng bị mất nòi cũng bỏ đi lấy đứa khác. Nuôi thằng Hoàn rồi phải trả lại cho cha nó chớ. Khí huyết đờn bà đâu có dễ…
Chị em suỵt liền liền, mẹ nói thầm hẳn. Tôi ngẩn người. Ra đấy là mùi răm. Mà phải, Mẫn chưa bao giờ kêu đau bụng, cũng không dấm giúi giặt băng và phơi chỗ khuất như mấy chị tôi quen. Lâu nay tôi quên bẵng cái khó riêng ấy của Mẫn, chắc anh em khác đều quên. Các cô chưa chồng, nhất là các cô nông dân, lại cố giấu kinh nguyệt đến cái độ không hiểu nổi vì sao, thật tội
°

*

 
Xong bữa, mẹ Sáu mới chịu chỉ tôi ra gò Trúc. Chị Tám đến đấy tìm Mẫn đang dọn mả bà mẹ.
Trời trưa phủ mây trắng tãi đều, sáng dịu. Nồm thổi mát. Ruộng gần ruộng xa đầy những áo trắng. Súng chưa ngớt nổ, bà con làng Cá đã ùa ra đồng giành lúa với giặc, mặc kệ đạn rít trên lưng khom. Gặt rộ rồi.
Ở nơi đầu gió này, quanh năm súng rền thay biển động, công việc từng núi từng núi cứ đổ xô tới như sóng thần. Làng Cá quẫy sùng sục từ hai giờ sáng tới nửa đêm. Đường xóm đầy nghịt người ra đồng từ gà gáy đầu, áo trắng nón trắng cả cho tụi trực thăng đỡ bắn bậy, cái vằng(2) treo ngoặc trên cổ, xách ấm nước đùm cơm, vai vác đòn xóc và cuốc để moi thêm hầm tránh pháo dọc bờ ruộng. Các ông lão lội ngoài gò, tìm chỗ làm kho giấu thóc tạm, sau mới đào hầm.
Đội du kích chặn phía đường nhựa, sáng nay đánh lùi bọn dân vệ thọc vào Nhơn Thọ và đẩy một đại đội chính quy đi tuần mặt đường xuống lội cát mé dưới. Từ nửa buổi trở đi, anh chị em mới thay phiên nhau về giúp người nhà đang bươn trải trên ruộng chín rục. Từng đồng chí mím môi ghì sợi dây bó lúa, gánh oặt đòn xóc chạy vội về nhà, lại tất tưởi phóng ra đồng, súng nhảy hoài trên lưng áo ướt sũng. Sau bữa cơm tối chập chuội miếng mặn miếng lạt, làng Cá lại chia đôi. Người yếu xếp lúa thành nhả, đánh trâu đạp. Người khỏe đi đào hào cắm chông, nửa đêm về còn gánh thóc đi giấu, được thúng nào cho biến luôn thúng ấy.
Thằng Chinh con xuống nằm dưới Lộc Chánh, ở đấy còn một đại đội chính quy với trung đội dân vệ của hắn, nai lưng ra sửa cái ấp chiến lược bị phá. Mới rút đi sáng hôm qua, hắn đã đưa quân tràn lên hai lần, hằm hè cướp thóc vùng mới mất. Gọi là càn cũng được đi, nhưng đó là một kiểu càn nửa cướp nửa trộm, vừa bệ rạc vừa làm ta mất thì giờ không ít. Lính địch thập thò bên dưới đường cái dòm lên, thấy vắng du kích thì ào vào xóm cướp nhanh cút vội, bị bắn bụp xẹt vài phát chúng nằm bắn trả, nổ nhiều thì co cẳng chạy, kêu cối 81 ở Lộc Chánh và pháo 105 từ An Tân bắn lên một hồi, tụi chỉ huy cho tăng gác ngay để chặn đồng bào đi kiện pháo. Chắc hẳn cái thế kéo cưa lừa xẻ này sẽ kéo dài ít lâu, khi ta chưa đủ sức đưa Nhị Lộc nổi dậy, địch thiếu quân không líp nổi vùng Tứ Nhơn, chỉ hàng ngày thò tay nắn gân nhau qua đường nhựa.
- Ê hèm, chào anh chủ lực! Ra sửa máy đó hả?
Chà, đang vội mà gặp ông thầy Mười, gay đây.
Ông cụ coi vậy mà đã ngót bảy mươi, cháu nội cháu ngoại đủ cả, chỉ cắt thuốc nam và lể ban lể sốt vừa hai bữa rượu, còn bao nhiêu ngày tháng ông chống gậy dạo chơi, tìm người chịu nghe để kể tích xưa hằng buổi một.
Tôi được ông thích vì còn một ít chữ Hán dính ruột đủ đọc câu đối, có thể đưa đẩy đôi lời thánh hiền chép sẵn trong sách Minh tâm bửu giám, lại rất chăm chú nghe ông hôm sốt nằm ngoài gò. Nhưng bây giờ chị Tám ở huyện về đang tìm tôi, chắc là gấp…
- Lại đây tôi chỉ anh coi. Đình làng ta đặt đây là đúng chỗ thiên ngư nhỡn. Các cụ hồi đó xin xăm(3) ba lần được cả ba, mới dám cất đình trên chỗ mắt cá, sau mới suy ra thần cho là chí lý, miễn đừng đào giếng thì thôi, chớ xây đình trồng cây coi như khai quang điểm nhỡn cả làng….
Tôi vâng dạ, đợi thời cơ để rút êm. Thế nhưng câu chuyện của ông lão càng về sau càng hay, tôi bắt ham. Ngồi dưới gốc đa, ngắm chùm tóc trắng sổ lắt lay dưới cái khăn quấn dối, chợt nghĩ đến ngày pho sử sống này biến đi, tôi bỗng lo lo thế nào.
Nói dại, lỡ lớp người mai sau quên ráo ông bà như cụ thầy thuốc này thường trách, chắc sẽ xảy ra lắm sự đau lòng… Ngôi đình cổ này, nếu thoát bom Mỹ, sẽ bị phá lấy gạch xây chuồng heo. Cây đa nhiều thế kỷ sẽ bị xẻ đóng ghế. Thằng cháu Hoàn lớn lên sẽ sổ toẹt ngay những “chuyện đời xưa lẩm cẩm”, sẽ gạt mấy mươi năm đánh Pháp đánh Mỹ ra khỏi trí nhớ cho nhẹ, cũng chẳng thèm biết rằng mẹ nó đã chết vì đã đẻ ra nó, bà nuôi nó đã đưa lưng che mảnh cho nó, cô gái trẻ mà nó gọi là mẹ Mẫn phải ăn đói đánh giặc để giữ nó sống. Lịch sử bắt đầu từ đó thôi mà… Tôi thoáng rùng mình. Không thể được. Không thể xảy ra tai hoạ như thế trong lòng một dân tộc đã phải tưới đi tưới lại cho máu đẫm từng tấc đất mới sống còn tới ngày nay. Ông thầy Mười trách hơi nặng đấy. Lứa tuổi chúng tôi ham bắn máy bay hơn viếng đình chùa, đúng, nhưng chúng tôi biết cái giá rất đắt phải trả để giành lại một viên ngói tráng men xanh. Và nếu đàn con cháu chúng tôi chăm nghe tin sao Hoả hơn đọc tích cũ, ông cũng đừng lên án chúng vội, phải để chúng làm nên lịch sử mới cho nước ta chứ. Vị đô đốc họ Trần hẳn cũng gật đầu ưng ý: những người anh hùng rất dễ hiểu nhau.
- …Tấm bia ghi ơn ông đô đốc chôn thiệt sâu anh à, dưới nền đình, là bởi trào Nguyễn bắt đập. Các cụ tiếc của, lén giấu. Tốn kinh lắm. Phải cho ghe đi mua cẩm thạch nguyên phiến trên núi Ngũ Hành, khúc từ An Tân lên đây chở bằng xe bốn trâu kéo, bị đường lún phải vòng quanh gò, trâu chết lăn ra hai con, mới có tên đèo Trâu Lăn đó. Được cả xứ ruộng thành thử dám làm to vậy chớ. Tạc bia cũng rước thợ Huế vô, công trả bằng bạc lượng chớ tiền kẽm họ chê nặng… Anh biết bốn câu thơ tứ bất của làng Cá không?
Ông mừng ra mặt khi tôi thú thực là chưa biết. Vậy là ông còn “tủ”. Tay vê chòm râu đen nhánh – ông đùa với lũ cháu rằng râu sinh ra sau ắt phải trẻ hơn tóc – ông kể thong thả. Tôi vẫn vừa thích vừa sốt ruột.
Các quan phủ Tam Kỳ thay nhau trị làng Cá. Quan đầu nhạo rằng nửa người nửa cá thì đổi tên là Á Nhơn. Hắn chia làng Cá thanh bốn thôn thượng, hạ, nội, ngoại, đặt hương chức riêng cả. Rồi hắn xử cho đất làng Cá trả về chủ cũ hết. Tới đó, dân làng nổi loạn. Cả ngàn người vác chĩa ba đòn xóc ra dàn trên đường quan, rượt viên đề lại với sáu chủ đất Lộc Chánh lên đòi ruộng, cả lính huyện cũng chạy mửa mật. Vụ kiện kéo dài gần chục năm, khi đẫm máu, khi dịu lại. Quan phủ sau tính nước vỗ êm, cưỡi ngựa về thăm làng, nhân cuộc rượu mà đổi tên bốn thôn cho ngọt tai: Nhơn Phước, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Ái. Vẫn không lấy được đất. Tới quan khác nổi khùng, bắt mấy chục cụ lão làng Tứ Nhơn lên chôn chân phơi nắng giữa sân phủ. Học đòi vua Gia Long đặt lệ tứ bất trong triều, hắn cũng làm bốn câu tứ bất, cho viết bảng to cắm trên đường quan, chỗ rẽ vào làng Cá:
Bất đáo Nhơn Ái đê
Bất ẩm Nhơn Phước khê
Bất giao Nhơn Lộc hữu
Bất giá Nhơn Thọ thê(4).
Rốt cuộc, Tứ Nhơn chịu trả cho Lộc Chánh số ruộng công, ruộng thờ, ruộng nhà nghèo tự vỡ lấy. Bấy nhiêu thôi. Quan không dám trị tới cùng, chốn địa đầu này lắm núi, dân hoá ra cướp thì chẳng quân nào dẹp nổi. Sáu nhà giàu Lộc Chánh đã mất đất còn mất đèo của đút quan, lần lượt bỏ xứ đi hết. Cuộc chia ruộng lạ lùng này cứ thắng, dù quân Tây Sơn không còn. Dân Lộc Chánh cũng dựa hơi làng Cá mà đòi bớt tô, giảm xâu thuế, đến lượt làng họ bị tách làm đôi, từ đó thêm Lộc Thứ…
- Còn con voi ông đô đốc với mẹ con Sáu Thìn chạy vô núi Chúa nữa, nói anh khó tin…
May cho tôi, một chị tới mời ông đi lể ban với chai lùn rượu cầm tay, rất mừng khi tôi giục ông cứu bệnh như cứu hoả. Tôi cũng được dịp chuồn thẳng, tự hẹn sẽ xếp hẳn mấy đêm đến nhà ông nghe bù.
Con đường băng ruộng ra gò Trúc bị thu hẹp còn nhỏ xíu. Hai bên lề cỏ bày ngổn ngang những tấm đệm rơm dày để đắp trên người chống mảnh pháo chụp, những ấm nhôm và mo đài nước chè, gói cơm nắm, rất nhiều nón lá bỏ ra cho mát. Những câu ghẹo phóng theo theo tôi tới tấp, gặt vội dưới pháo mà miệng các cô không kịp kéo da non:
- Mang lệnh tổng khởi nghĩa mới gấp quá vậy chớ!
- Con mình khóc đói rồi hả anh?
- Chị Hai ơi chị Hai, đi đâu bỏ ảnh vật vờ tội chưa…
- Một, hai, một, hai,vấp nè, vấp!
Ai nói con gái miền Trung hiền nhỉ? Tôi liệu bề chọi không nổi, cắm đầu đi biến. Bà con cười rần rần. Sau những ngày vật lộn đứt hơi, tiếng cười trên ruộng mới quý làm sao, tắt rồi mà vẫn sôi sôi mãi trong ngực tôi. Đến khi mấy em dắt trâu ăn rong quanh các miệng hầm bật lên hát “hê hò hê”, tôi không đi được nữa. Tôi ngồi xuống ngay bên bụi mua, rút que xỏ lại quai dép, để cho những giọng trong như nước giếng Tiên chảy vào tai, tan mát rượi trong thân tôi mỏi và bức sốt.
Nghe mẹ rống đâu
Đâm đầu mà nhảy
Huơ con nghé nhỏ
Ham cỏ bỏ bầy…
Có lẽ các em hát hay nhất khi nghêu ngao một mình. Tôi muốn đứng lâu trong buổi trưa nồm lộng dưới trời bông xốp này, nghe mãi thứ tiếng tuyệt vời của sự sống là tiếng hát trẻ thơ ngân dài rung rung như sơn ca mới tập hót, bay vút trên cái nền đen lổn nhổn của súng giặc nổ. Quân thù chỉ có nổ và nổ, một đại mang trên lưng hàng vạn tiếng nổ to nhỏ, những vật từ xa bay tới còn nổ ồn hơn. Các em hát nữa đi cho anh nghe tiếp, bởi anh cứ phải tìm đến nơi nào còn nổ nhiều hơn cả. Hãy gửi tiếng hát theo anh nhé, hãy truyền cho anh sức lớn lên của các em, dù chỉ qua một chút vang vọng mong manh như sợi tơ trời.
°

*

 
Mẫn với chị Tám vừa giẫy sạch cỏ chung quanh mả. Coi bộ chị Tám ung dung, chẳng ồ à gì khi tôi đến, chắc việc thường thôi. Ba Tâm đang cắm thêm những cành gai tre ngăn trâu bò. Út Hoà bó một chùm bông trang đỏ và trắng. Tung hoành nhất chỉ có thằng cháu Hoàn. Nó được đi chơi xa với mẹ Mẫn, sướng mê, nhảy tưng tưng trên mả bà chán lại trèo xuống ôm chân mẹ, bi bô không ngớt. Tôi mới cho đi tàu bay một lát tối qua mà nó đã nhớ tên, chạy a tới đón: “Chú… chú Xiêm!”. Cháu mặt xinh, rất bụ, bồng sướng tay, bị cái lắm rôm và ghẻ chân vì ngủ hầm nhiều. Nó nghe gì thuộc nấy. Mẹ Sáu cũng hoảng, ai lại mẹ mắng nó: “Mày khôn thành tinh Hoàn à”, hôm sau thấy nó vừa đá con mèo vừa kêu: “Mày côn xành chinh mèo à”.
Trong câu giỡn của Mẫn, tôi nhận ra ý phân bua:
- Lâu lắm em mới họp tổ một lần, đi viếng mộ liệt sĩ, bà khách cũng tới tham quan. Giữa ngày mùa, việc búi xờm xờm…
- Có cả khách không mời mà đến!
Chị Tám cười, dừng cuốc:
- Xưa bày nay làm, giáp Tết bà con mới giẫy mả ăn heo. Nhà mày giẫy mả nhè khi người ta gặt, ông xã ra bắt kia, gà đâu tạ làng?
- Lúa đổ bồ rồi gà mọc đuôi tôm, muốn mấy có nấy!
Nhà Mẫn cũng sắp gặt.
Sau lụt, ba chị em hở tay lúc nào chạy ra đồng lúc ấy, hì hụt cào cát bồi, đắp bờ, dọn cấy được bốn ang giống ruộng nhà, tạm bỏ một ang giống(5) ruộng nhà, tạm bỏ đi một ang giống bị sỏi đá phủ dày quá. Số ba ang giống cấy rẽ phải trả lại chủ, thiếu công làm. Sau đó chỉ còn Mẫn, đi công tác đâu về lại tạt xuống ruộng hối hả làm cỏ một lát, nước nôi nhờ bà con coi giùm. Bây giờ Út Hoà đang cự nự rằng anh Tâm được vô Đoàn mà chẳng gương mẫu chút xíu nào, rảnh vài ngày ở làng chỉ xách ná cao su chơi rông. Còn Ba Tâm chê em nhác đừ nhác đượng, người khác đậu y một tá còn Hoà chỉ đậu nửa tá.
Mẫn can hai em:
- Cho qua, cho qua. Chiều nay vầy nè: hai đứa đang rảnh, coi như chủ lực gặt. Chị mắc việc ngập đầu, chiều ra gánh lúa, ừ chưa?
- Mà anh Ba phải làm kho giấu lúa, mất ảnh đền!
- Đền, đền mấy chục tháng học uổng cơm!
Út Hoà đỏ tía tai, ném cuốc cái bịch. Mẫn dỗ:
- Các anh chị cười kìa. Thầy thuốc kiêm mẹ hiền, mẹ gì mà tự ái nhè… Thôi nghen, tao chỉ huy hai đứa không nổi, tao rút lui, bây bầu ai kệ bây! Rồi, ai biểu cãi lộn… Anh Thiêm coi ớn không?
Khi tôi gặp Mẫn đang tắm cho cháu Hoàn hay giọi lại cái lều dựng tạm sau lụt, Mẫn thường buông một câu đùa phân trần, nghe tội tội. Hình như Mẫn nghĩ một đồng chí không chôn nhau cắt rốn ở đây mà lao vào đánh giặc chẳng kể ngày đêm, thì Mẫn là người làng còn phải lăn lộn gấp mấy mới phải, ai lại đi lo việc nhà. Tôi biết, chén cơm manh áo là mối lo canh cánh của những cán bộ như Mẫn.
Cả trăm công tác từ trên rót xuống xã như qua cái phễu đều được nhấn là quan trọng bậc nhất, chủ yếu, trọng tâm, khẩn cấp, trung tâm đột xuất, hàng đầu; tất cả đều đòi hỏi cấp xã phải nghiên cứu kỹ, biến thành ý thức thường xuyên, phát huy sáng tạo, nhất là phải luôn gương mẫu đi đầu; tất cả các đồng chí thuộc các ngành to nhỏ về “quây phong trào” đều trách lãnh đạo xã chưa quan tâm đúng mức đến ngành mình, đều đòi ưu tiên không nhất thì nhì… Mẫn lại không nằm trong loại cán bộ “phiên phiến xong thôi”, ghét thói đùn việc lẩn khéo, nên càng bận rối mù. Bận mấy cũng cứ phải ăn. Mẫn phải nuôi mình, nuôi cháu Hoàn - mẹ Sáu tốt thật mà rất nghèo - gửi gạo cho Út Hoà đi học, sắm quần áo cho hai em để chúng khỏi tủi thân với bạn bè. Riêng Mẫn chỉ có một bộ bà ba lụa đen còn lành, để dành mặc khi có mít-tinh hay họp đông, còn hằng ngày đánh hoài cặp quần áo vải chéo rẻ tiền, vai đã vá đụp mà nước nhuộm gặp mưa vẫn thôi ra xám da. Sáng nay tôi đến nhà Mẫn tìm chú Tâm, dòm qua cái nong rách dựng thay cửa, thấy trong căn lều rỗng có ba hòn đá kê bếp, một cái soong méo, vài cái chén úp trong rổ. Đáng giá nhất chỉ có cái bàn thờ treo dưới mái, bên bát hương đặt một khung ảnh mạ vàng giả mới tinh khôi nhưng chưa có ảnh lồng vào, những nét óng ánh chỉ làm rõ thêm cảnh rách rưới xung quanh.
Khó đếm được bao nhiêu vạn đồng đã qua tay Mẫn trong cả ngàn đêm phá ấp chiến lược.
Mấy năm trước, hồi vùng biển và ven thị trấn chưa nổi dậy, đồng bào ở đấy cứ gióng theo ánh lửa đốt rào ấp mà đến tìm cách mạng; hàng trăm cây tre gỗ chất thành núi, lửa vùng vẫy bốc cao gấp đôi ngọn tre, là ngọn đèn pha chỉ đường vào bến chắc chắn nhất khi mặt trời chưa mọc. Kéo tới cái cửa khẩu Tam Sa hầu hết là các bà các chị, đi dễ và cũng cần đi hơn đàn ông. Thăm về, mỗi người rỉ tai cho năm bảy bà con bạn bè đáng tin nhất: “Lên đó, nhớ tìm chị Hai Mẫn nghen. Con gái mới lớn mặt bấm ra sữa mà chỉ huy con trai rắp rắp, Chu cha, chị ta kẹp cây súng máy bên hông vầy nè, rượt lính chạy té cứt. Nghe đồn một mình chị xách giỏ lựu đạn vô đánh sở Mỹ giữa Tam Kỳ, kinh chưa, tụi ác ôn sợ le lưỡi cóc… Nó lớn bằng con Út nhà bà chớ bao lăm, ừ thì hơn chút xíu, cao tay lắm cũng mười bảy mười tám, nói với tôi nó xưng cháu chớ chưa dám xưng em mà! Với lại đàn bà con gái, hiểu bụng nhau hơn…” Xuýt xoa. Tấm tắc. Một đồn mười, mười đồn trăm, có người chưa bạo mấy cũng liều lên Tam Sa “coi thử xem sao”, về nhà thì thào hàng tháng những Hai Mẫn là Hai Mẫn. Nhiều bà từ Đà Nẵng, Hội An vào thăm con đi Giải phóng, không gặp, giúi cả gói tiền và nhẫn vàng vào tay Mẫn, khóc thút thít ra về. Mấy chị được Mẫn nhắn lên lấy thư và ảnh của chồng tập kết, mừng rú, cởi luôn đồng hồ đeo tay hoặc dây chuyền vàng nhét bừa vào túi Mẫn. Đông nhất là những người quảy lên một gánh mắm hay gánh cá, bán được bao nhiêu tìm Mẫn đưa hết, gửi cho cách mạng.
Đồng bào ở xa đã vậy, ngay bà con Tam Sa ủng hộ cái gì cũng chỉ muốn giao cho Năm Tuất và Mẫn. Anh Luân nằm hầm ngay trong ấp, cần tránh lộ mặt, chân sưng đi lại cũng khó. Ba Thấn sục khắp nơi, nói dẻo như kẹo kéo mà bà con ít tin, buộc lòng mới đưa.
Nhận được bao nhiêu, Mẫn ghi sổ, nộp vào quỹ không sót một xu, nhất định nhờ Năm Tuất chuyển thẳng lên huyện chứ không giao cho Ba Thấn. Hắn về ton hót sao đó, Tám Liệp cự Mẫn một trận vì lấn quyền cán bộ kinh tế, còn bóng gió những sự cầm dầu dính tay, muốn ngoi đầu lên tới cấp trên. Hồi đó cái vụ Tam Sa đóng góp sút đang bị tạm gác, Mẫn trả lời lạnh ngắt: “Chú ở xa không biết, người ta đồn rum là dồn của cho ông kinh tế xây nhà gạch kia nè. Cháu lo đánh giặc không kịp thở, ham gì lấn việc của ai, đã mệt lại dễ mang tiếng. Có điều anh Thấn bôi xấu cháu, cháu chịu được, ảnh ăn cắp đồng tiền của bà con gửi cho cách mạng… mẹ cháu nuôi cán bộ mà bị đòn hộc máu hoài…” Mẫn nghẹn lời bỏ đi, và Tám Liệp phàn nàn: “Cứ lấy nước mắt làm đầu, chẳng chịu nghe phải trái”.
Nhiều bà mẹ Tam Sa thương Mẫn, muốn nhận làm con nuôi, sắm cho cái võng hay cặp quần áo, Mẫn cũng nộp hết. Đến đây, anh chị em du kích và cả anh Luân đều kêu Mẫn giữ kẽ quá, gàn nữa. Mẫn cãi:
- Chú nghĩ thử, hễ cháu thôi làm cán bộ, bà con có cưng cháu nữa không?
Khi kể với tôi những chuyện trên đây, anh Luân lại thấp giọng như sợ Mẫn nghe đâm kiêu:
- Lão coi, nó cả nghĩ khiếp không? Mình cứng họng đó lão. Nhiều khi bà con níu kéo mời mọc, một anh Tư hai anh Tư, mình không nói mà trong bụng thấy sướng sướng, chà, họ trọng mình quá hè. Té ra họ thương chung cách mạng, thương nước thương nòi chớ thương riêng gì thằng Tư Luân này. Mình làm Bí thư, coi như thay mặt Đảng nhận cái thương đó để chuyển cho anh em, hễ mình giữ lấy xài thì coi như mình tham ô, ý con nhỏ là vậy đó… Mà phải, đồng chí mình lặn lội trên núi cao, sống nay chết mai trong tù, nằm dưới cống ngầm Sài Gòn, số đó đáng ăn gà uống rượu nhứt thì lại không được gần dân, còn mình ở đây… không khéo lại giống như tay giao liên lén lấy hàng chuyển trên đường dây!
Tôi ngắm vóc người khô khẳng của anh, nhớ tới những lúc Mẫn ngã ngất vì kiệt sức, chẳng biết bàn góp sao cho phải. Các đồng chí ở xã không được xu phụ cấp nào, nếu ăn một bữa cơm bà con mời cũng ngại là bớt xén… Anh Luân gãi cái đầu trọc:
- Con Mẫn gớm lắm. Nó nói cắn cựa là tay làm hàm nhai thôi. Hồi ở Tam Trân, nắng này mà trưa tròn bóng nó ra gò cuốc đất một mình. Bà con ra giựt cuốc, rầy om: “Chấm cho mày đủ cái điểm gương mẫu rồi đó, chịu mày dẫn đầu sản xuất cho tụi tao theo rồi đó, thôi vô, đừng nướng xác nữa!”. Nó cười, nói chiều sửa soạn đi phá ấp dưới kia. Cô bác thương, lấy cuốc ra làm dùm cho nó mau được nghỉ. Ngó đi ngó lại, mỗi năm nó làm ra bảy tám chục ang lúa với ba bốn ngàn bụi sắn như chơi, thừa tự túc còn gởi nuôi em nữa, ai thiếu nó cho. Về dưới này căng hết chỗ căng, vậy chớ nó làm đá gà từng giờ một cũng cào cát được gần hết số ruộng. Sức mình theo nó không nổi đâu lão… Mà cái lứa con nít mới lớn trong thời kỳ đánh Mỹ bây giờ sao nó mau khôn kỳ cục lắm. Lão coi, mỗi đứa một bao một súng, ném đâu làm được việc đó, gặp giặc là đánh ngon, vô lớp chánh trị là giảng bài, hẹn nửa tháng ấp chiến lược phải nổi dậy thì mới mươi ngày đã nghe lửa đốt trống đánh, chuyện ruộng đất rắc rối vậy cũng làm chạy ro… Nói thiệt với lão, Tám Liệp chưa thấy cái mới đó, mình khuyên miết mà hắn không tin cứ nghĩ số trẻ thừa gan mà thiếu óc, tay to hơn đầu, làm thiên lôi được chứ đừng để làm ông trời. Dân mình khác xưa nhiều, cán bộ đảng viên được rèn giũa hung rồi, hắn không rán theo cho kịp cứ trụt lần lần ra sau, trước cầm đầu bây giờ ra anh cầm đuôi, mình giận mà cũng thương hắn. Sắp tới đại hội chi bộ, chắc hắn truột luốt hết, nhiều đồng chí đang đòi kỷ luật hắn nữa, lão mới về còn nổi khùng huống chi mấy anh em.
Tôi muốn cãi rằng anh Liệp sa sút không chỉ vì “chưa thấy cái mới”. Thiếu gì đồng chí phải xa phong trào lâu mà vẫn gắng gỏi, được quí trọng lãnh đạo tốt! Ngay như anh Luân đấy, quanh năm phàn nàn rằng dốt, lạc hậu, theo không kịp anh em, mà đố có gỡ được chức bí thư Tam Sa, trừ phi cấp trên điều đi chữa bệnh hay giao việc nặng hơn! Có lẽ anh biết tôi nghĩ khác, nên buông tiếp mấy câu lơ lửng và hơi buồn:
- Nghề đời, tư túi của công cũng có năm bảy đường tư túi. Kiếm lợi còn dễ truy, tới người kiếm quyền, kiếm danh, chà, kiểu tham ô đó mới khó thấy. Thiệt tới rầy…
Mặt anh sắt lại và già hẳn đi trong một loáng. Anh chống gậy nhúc nhắc theo mấy bác nông hội mời họp. Câu chuyện đằm thắm rồi cay đắng này ghim vào trí nhớ của tôi, giúp tôi hiểu thêm chiều sâu suy nghĩ của anh cán bộ ngót năm mươi tuổi, cả ngày chỉ cười hề hề và bông lơn cho bà con cười theo, lặng lẽ trút dúm sức khỏe cuối cùng còn lại sau tám năm tù để “vực cày một lứa trâu tơ” rồi mới chịu nghỉ. Có lúc tôi tưởng anh dễ tính và nông cạn, thích ở giữa để chữa đôi bên, thân ai cứ khen phứa cho người ta vui bụng…
Mẫn can xong hai em, chợt kêu:
- Ngó coi thằng Hoàn, rứt hết bông của bà rồi. Bỏ xuống con!
- Bông chủa bà… Hoòng cho mẹ…
- Ừ, cho mẹ. Thôi sắm sửa ta về, lỡ pháo bắn không chỗ núp. Bật lửa đâu Tâm?
Mẫn quay lưng về phía tôi. Áo Mẫn vá một miếng to trên vai phải, dây súng nhai áo chẳng kém chó con ngứa răng. Cô cán bộ gương mẫu đến độ bà con la trời này đánh giá tôi ra sao nhỉ? Đánh giặc khá, vô tư, hay cáu gắt, lười biếng, ừ, lười biếng là cái chắc, dạo ở ngoài gò cứ ngủ lăn quay, cơm dọn xong mới dậy đánh thẳng một lèo năm chén… Mặt tôi nóng hực. Tôi luống cuống rút khăn lau mặt, làm như nóng chỉ tại trời. Khốn khổ, hồi ấy tôi không để ý gì cả. Dù Mẫn có trách tôi lười, chắc tôi cũng nhăn răng cười khà, coi đó là cái tật xấu dễ thương của cánh con trai chỉ ưa ăn no vác nặng mà ngại những việc tỉ mẩn.
May sao không ai nhìn tôi cả. Mẫn thắp hương cắm đầu mả xong, kéo cháu Hoàn đến bên, cầm hai tay nó chắp lại:
- Chào bà, cháu về với mẹ. Nói đi con.
Thằng bé bật cười to, đạp chân nhảy cẫng lên. Có lẽ nó tưởng mẹ đùa, chỉ đống đất bảo gọi bằng bà, Mẫn quỳ một gối, ghé tai nó van vỉ:
- Con nói, mẹ thương… Chào bà, cháu về với mẹ…
- Bà nhấu chơm Hoòng ăn!
- Không. Chào bà…
- Mẹ xương Hoòng hắm hắm, mẹ chơi bới Hoòng!
Mẫn cau mày làm nghiêm: “Hoàn, hư lắm nghen…”. Cặp môi Mẫn chợt run bắn, mím lại vẫn run. Mẫn úp mặt vào lưng đứa con nuôi nấc dồn, giữ cho không ra tiếng. Thằng nhỏ cứ quẫy trong tay Mẫn, cười hết hai hàm răng sữa, mấy khi mẹ chơi nhiều trò như hôm nay. “Bắt mẹ… bắt mẹ…”, nó reo lanh lảnh, cố nhoài tay ra sau túm tóc Mẫn, nắm tai Mẫn. Những ngón tay hồng tí xíu đang ấn vào mũi gai gãy nằm trong ngực tôi. Cháu ngoẹo cổ, thấy tôi, kêu: “chú Xiêm… bắt mẹ cho Hoòng!”. Mắt cháu tròn, sáng rực, sáng không chịu nổi. Tôi cúi đầu, nhắm mắt như bị chói, thấy chập chờn những mảnh thịt lật đỏ tươi trên vải đen. Nhiều tiếng nấc sụt sùi, cố nín, và chuỗi cười vẫn giòn như thủy tinh gieo.
Mươi phút sau chúng tôi ra về. Môi dưới Mẫn còn dấu răng cắn lún sâu, gần chảy máu. Mẫn đi trước, ôm Hoàn lên ngực như ôm bao gạo cho khỏi cấn những băng đạn và túi lựu đạn đeo bên hông. Nó bíu hai tay trên vai Mẫn, rụt cổ tròn vai hệt một chú chó con vịn vành thúng dòm quanh bếp, cười chảy dãi với tôi. Rồi nó giãy, đòi bồng. Mẫn phải tháo nốt nịt đạn đưa cho Tâm để bồng nó bên sườn. Anh cu có âm mưu riêng: nó lùa tay vào áo Mẫn tìm vú. Mẫn hoảng, lôi tay nó ra, nó hét tướng:
- Vú âu? Tả vú mẹ ây! Tả vú Hoòng!
Mặt Mẫn đỏ tận cổ áo. Tôi đón, nó không chịu, cứ rống như còi sừng trâu. Mẫn đành bồng nó chạy vội vào trong một nhà cạnh đường, đóng sập cửa ngay sau lưng. Chúng tôi cười một mẻ tức bụng. Ghê thật sức mạnh của một đứa bé, nó bắt người ta sống và chết vì nó, khóc, đấy rồi cười đấy cũng vì nó…
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chị Tám, thấy chị có cái gì là lạ. Giữa mùa nắng mà da chị trắng ra nhiều. Chị hay đưa mắt liếc xéo, nói thầm và giơ tay che miệng, đi đường phẳng vẫn nhấc chân hơi cao như dò đêm trên đất lạ. Tôi hỏi chặn ngọn:
- Chị mà phải nằm hầm như tụi tôi à?
- Quen rộng quá cũng rầy…
- Việc gì gấp vậy chị?
- Gấp mấy cũng phải đợi ông trời lặn. Tính rủ anh đi ăn cá biển một lứa chơi. Hồi sáng Mỹ đổ bộ Châu Lai rồi. Thằng nào lên bờ cũng hỏi sao không thấy ông Tư Thiêm ra đón. Tin giờ chót mới bấy nhiêu.
- À…
Tôi cười to. Tôi khoái vì đã đoán gần trúng ngày quân Mỹ vào Chu Lai. Cuộc đua nước rút giành lại vùng bàn đạp đã thắng sát nút, ta vừa kịp chiếm đỉnh, dàn trận đón Mỹ. Ngon rồi. Cái thế từ trên lao xuống đã bày ra rồi. Thế nhưng, tiếp theo nỗi mừng bồng bột ấy là một xúc động không rõ nét dâng lên chầm chậm và nặng, pha lẫn nhiều thứ, hình như có cái mệt của những ngày vật lộn với quân ngụy, cái nôn nao muốn biết ngay đánh ngay kẻ thù mới, và… đúng, tôi không lầm, có nỗi đau thầm kín của người lính khi biết một mảnh đất dẹp sắp bị giặc băm vằm.
- Hai Mẫn có cả mớ cơ sở riêng của nó dưới Tam Giang, Tam Hải. Con nhỏ dài tay thiệt. Anh Bảy viết thơ biểu nó cắt một số ở gần Châu-lai, đưa qua cho anh với tôi nắm để theo dõi căn cứ. Nó chịu rồi, tối nó dẫn đi bàn giao. Chiều nay ta gặt giùm nó một buổi nghen anh?
- Phải quá đi chớ!
Tôi thường được cử đi dọn chỗ đánh, nhiều lần thấm đau như thế mà không nói ra. Dù nói, bà con cũng gạt ngay: “Cái mạng các anh không tiếc, tụi tôi tiếc gì nhà cửa ruộng vườn!”. Rồi thì con người còn của, còn da lông mọc còn chồi nên cây, cả kho triết lý đầy ắp của một dân tộc đời này tiếp đời kia phải gánh tro nhà cháy ra bón ruộng, đã quen nén những xót xa riêng để nói lên nghĩa cả. Mỹ vào. Làng Cá nằm trong vành đai trắng. Hơn một ngàn người sống trên hòn đảo xanh này đã ít nhiều đoán được những gì sẽ xảy ra. Họ gặt vội lấy lúa nuôi quân, đào thêm hầm hào, lượm sẵn hàng đống mảnh pháo để xách đi đấu lý.
- Mỹ vô… thì đánh Mỹ chớ sao!
 
 
Chú thích:
Bạch tuộc nhỏ.
Cái hái
Gieo quẻ
Không đến đường ruộng Nhơn Ái, không uống suối Nhơn Phúc, không chơi với bạn Nhơn Lộc, không cưới vợ Nhơn Thọ
Một ang giống ruộng xấp xỉ một sào Trung bộ cũ