Chương 3

Nước rút.
Những con sông không tên màu nâu, đỏ bầm, vàng đất sét lần lượt thu hình, chảy chậm dần, tan trong biển nước gạo đang cạn, đứt thành nhiều vũng bùn sền sệt, để lại từng bãi đá duỗi về phía Đông. Làng Cá từ đáy nước nhô lên từng tí một, thưa đi như hàm răng rụng dở, chết lặng. Ngôi đình còn đứng, mang trên hai mái toác lỗ chỗ vì pháo một ngấn bọt vàng xỉn, và nhuộm bùn từ đấy trở xuống. Cây đa to đổi màu lạ, trên xanh dưới nâu. Trên lớp cành rậm của nó đeo vô số bàn ghế, bè, chõng, nia, rế, cả xác người xác thú nằm chìm trong tán lá, bị nước tấp lại che kín. Mãi về sau khá lâu vẫn thỉnh thoảng có một thứ nào đó đột ngột rơi xuống, trở về với đất. Hiện ra cuối cùng là những khoảnh đồng cao ruộng thấp, bờ biến hết, bồi một lớp sỏi cát từ núi lở xuống đáy hàng thước mộc(1). Bên dưới lần vỏ ấy có một mùa lúa gieo bị vùi không sót một hạt, có những trái mìn địch gài sẽ nổ dưới lưỡi cuốc, có nhiều xác đàn bà trẻ em tìm mãi không thấy, một lúc nào đó sẽ hiện ra, lặng lẽ nhắc lại cho loài người hiểu thế nào là tội ác diệt chủng.
Dân làng Cá lần lượt trở về làng. Không thể bỏ quê bỏ đất. Họ cào bùn bằng hai tay, tìm gấp lưỡi cuốc hay con gao, moi lại cái hầm chống pháo trước hết rồi mới kiếm các thứ khác.
Bộ đội và bà con vùng giải phóng vẫn bớt ăn mặc đem xuống giúp mọi thứ. Theo mực nước vợi dần, các nhóm xuồng chèo, xuồng chống, rồi xuồng đẩy lướt bùn, tiếp người cõng hàng lội qua vũng qua cồn, cuối cùng tới những đoàn dân công gánh trĩu vai, cứ tuôn tuôn về vùng bị nạn. Quân địch cũng mon men kéo đến, bị du kích đẩy lùi. Sự sống mọc mầm trở lại từng bước chập chững trên bãi bùn trải từ tỉnh này qua tỉnh khác, bị phi pháo giặc cắn xé từng hồi, trong khi cơn bão số 16 đang quay thông thốc ngoài khơi, đi dần vào bờ biển miền Trung chưa ráo lụt. Nó không dữ dội bằng cơn bão trong lòng người dân làng Cá, người dân bị nhốt trong những ấp chiến lược như làng Cá. Thù giặc hết chỗ nói. Thù đến tắc họng, cháy mắt, chỉ hả được khi nhào vào chúng nó mà chém, cào, đâm, nện, cắn, bóp cổ. Cả những ai trước đây run vì sợ giặc, nay chỉ run vì phải cố nén căm giận, đợi ngày N.
Tam Sa sắp nổi dậy.
Tôi về C.215 bàn đánh phối hợp.
Chẳng hiểu vì sao tôi còn đứng nổi. Lắm lúc tôi xây xẩm sắp ngã, dạ dày lộn trái lên họng, các đốt xương mỏi rã như mọt đục thủng chi chít. Tôi cố gượng, gượng được, lại nhấc súng lên “bia” một phát vào cái mũ bê-rê đỏ bầm màu máu đông trên gò Mù U, hay bổ tiếp những nhát cuốc moi hầm cho bà con. Dầm nước suốt từ đầu mùa lụt, đại đội có nửa số quân đang lên cơn sốt rét, vừa run vừa cười: “Kệ cha nó, sốt rét coi như khỏe, thương hàn trở lên mới là bệnh”. Nghỉ lúc này là nằm trên đống gai. Nghe lệnh ra trận, anh em tung chăn chồm dậy hết, nói mình đã qua cơn, đánh một lát tháo mồ hôi sẽ lành. Và họ lành thật.
Cô Hai Mẫn cùng lên Tam Trân với tôi.
Mẫn đi sau lưng tôi như cái bóng. Không nói một tiếng. Khi dừng trên gò tránh chiếc tàu rà, Mẫn ngồi bó gối nhìn mãi vào khoảng trống, đôi mắt đàn ông cứ lặng đờ dưới khăn trắng. Cha Mẫn bị tù Côn Đảo đã tám năm không một tin nhắn về. Đến nay, nỗi đau mất mẹ và cái khổ chung của làng xóm ập đến, có lẽ quá sức chịu đựng của cô gái mới chẵn hai mươi. Trong công tác Mẫn cứ tỉnh và sắc, nhưng tôi gờm cái dáng cứng lạnh kéo dài ấy. Chị Tám Giàu dỗ mãi, Mẫn nói ráo hoảnh: “Khóc làm gì? Tụi nó sợ đạn, có sợ nước mắt đâu!”
Hết quãng đồi hoang, tôi xắn quần lội suối. Hôm bơi qua chỗ này, Năm Ri gọi nó là sông Rù Rì, ranh giới giữa Tam Sa và Tam Trân. Lúc ấy nó rộng hơn trăm thước, gầm gào tuôn dòng thác màu gạch non qua cánh đồng lớn phủ nước mưa trắng đục. Bây giờ nó trở lại là con suối hiền, rất trong, chẳng họ hàng gì với lớp bùn khô đóng dày trên cây lá viền rậm hai bên bờ.
Không có tiếng chân lội theo. Tôi ngoái lại. Mẫn đứng dựa thân cây, ép bàn tay trên ngực, thở nặng nhọc. Mấy hôm nay Mẫn hay tức ngực như thế. Tôi vội đến đỡ súng và bao lưng cho Mẫn, bảo ngồi nghỉ. Mẫn hít một hơi dài, nói khẽ:
- Chỗ này… pháo giập luôn.
Mẫn đi ven suối ngược lên một quãng, đến bên con mương lấy nước bị lấp một nửa. Cái đập đầu mương trôi mất, chỉ còn mấy khối đá chồng nhau nằm giữa dòng. Chúng tôi bẻ lá lót ngồi bên mương cho dễ nhảy xuống tránh pháo. Tôi vét cái túi ni-lông, bứt lá cánh bướm quấn một điếu thuốc rê, lim dim thả khói. Mẫn ngồi dựa gốc cây, nhắm mắt.
Khi gặp các cô Tam Kỳ, anh Ba Tơ ưa đóng vai ông chú, trêu rất ác: “Lính tao thà cắt tóc đi tu còn hơn lấy con gái Tam Kỳ. Tiền đâu mua thuốc cho tụi bây hút? Mười đứa, đếm đi đếm lại thấy đeo bọc thuốc bên hông đủ một tá. Tam Kỳ nằm giữa Hà Nội với Sài Gòn, là chỗ rốn đường sắt, đẻ ra con gái đứa nào cũng giống y cái đầu máy xe lửa: đen thui, đi ục ịch ục ịch, miệng phun khói phèo phèo, ai động đến thì ré nhức tai như còi!”. Bị các cô xúm lại đấm bịch bịch, anh còn kêu: “Xe lửa qua cầu đó, nghe chưa?”
Tôi cười một mình. Cô gái Tam Kỳ trước mặt tôi không có chút gì là “xe lửa”.
Mẫn có khuôn mặt trái xoan trắng xanh, thân hình dẻo và thon, hơi mảnh khảnh. Ai chỉ quen nhìn các cô nông dân mình tròn má phính, ắt dễ lầm Mẫn là “nông dân cày đường nhựa”, tuy từ nhỏ tới nay Mẫn mới ra thị xã có vài lần, chưa tới Đà Nẵng bao giờ. Nói theo kiểu má tôi bàn với các bà chọn dâu, cô này “ốm như cây sậy, gió thổi bay, nước da như đờn bà đẻ dậy, thứ đó rước về mà thờ chớ làm ăn gì!”. Trước khi tôi về Tam Sa, chị Bỉnh đã cho biết Mẫn là chi ủy viên chính thức phụ trách quân sự, kiêm bí thư xã đoàn thanh niên. “Coi bộ yểu điệu như tiểu thơ mà đánh giặc lì lợm nhứt đó”. Dọc đường Năm Ri gọi Mẫn là chị Hai và khen Mẫn “ăn no vác nặng”. Về cây các-bin liên thanh của hiếm, chị Tám Giàu kể rằng Mẫn đã mượn áo dài quần trắng đi dò mãi trên đường Một, ném lựu đạn hạ được hai tên công an quận, tước một súng ngắn một các-bin. Thì ra cái mẽ ngoài lắm lúc thật trái ngược.
Tôi ngồi im, đợi Mẫn đỡ mệt. Mấy ngày nay tôi chỉ chợp mắt mỗi đêm được ba bốn tiếng, còn Mẫn hình như không hề ngủ, trăm việc đều đến tay, chôn mẹ xong lại tất tưởi chạy chân không bén đất. Về họp với C.215, tôi sẽ thu xếp cho Mẫn nghỉ một chút, khuây khoả một chút.
Những quầng sáng lạ chợt hiện trên mặt cô gái, chạy rập rờn. Hàng mi và một mảng tóc của Mẫn nổi màu vàng kim nhũ từng lúc, tuy Mẫn ngòi dưới bóng cây rậm. Tôi đưa mắt tìm quanh, nhận ra con suối đang đón ánh nắng vừa vén mây, mặt nước đầy những tia rắc ngang như kim, ở giữa chân một mảng thủy ngân loá mắt. Tôi ngắm Mẫn ngồi im giữa những sóng nắng toả từ suối rung rinh rờn trên lá trên người, mỉm cười một mình: đẹp đấy, nếu Mẫn là người yêu của tôi thì đây là cảnh rất nên thơ. Tiếc rằng tôi không yêu Mẫn, chỉ thương và trọng thôi.
Tôi đi xuống suối rửa mặt, chợt thấy những chấm trắng nhấp nhô gần bờ,chỗ nước chảy mé bên dưới. À, bông bạc. Gặp lại bạn cũ rồi.
Cây bông bạc nằm chìm dưới nước, rễ xoà bám đá, duỗi những lá mỏng và dài quẫy mãi theo dòng như một chùm dải lụa xanh. Chỉ có bông hoa nhô khỏi mặt nước. Trên đầu cái cuống xanh mềm, hai ngón tay tháp bút xòe ra trắng muốt, nhè nhẹ vẫy mãi, nhắc mãi một lời hứa nào đó, rất xưa trong tiếng suối thầm thì.
Tôi luồn tay nâng mấy bông hoa gần bờ. Con sông ở quê má tôi cũng nhiều hoa này. Lâu lâu, dọc đường dài từ trận này đến trận khác, thứ hoa kỷ niệm của tuổi nhỏ lại đón tôi ở một nơi có nước trong và bóng mát, vẫy tôi, kín đáo và dễ thương như đôi ngón tay của ai đó đặt gánh gạo bên đường, vừa gặp “anh ấy” trong hàng bộ đội kéo qua… Có tiếng chân nhẹ của Mẫn xuống theo. Tôi ngắt một bông, quay lại đưa cho Mẫn. Mẫn chớp mắt, khẽ nói:
- Đừng hái, anh.
- Mẫn không thích à?
- Thích chớ. Mà để vậy coi xinh hơn.
Ừ nhỉ. Bông bạc đứt cuống nằm trên lòng bàn tay tôi cứ thẳng đờ như hai con tằm chết cứng. Nó là thứ hoa không ngắt cắm bình được. Nó chỉ đẹp khi đang sống, đang uốn quẫy giữa dòng suối biết đi biết nói. Tôi mến nó đã lâu, sao không nhớ cái nét riêng ấy nhỉ… Tôi thả bông hoa vừa ngắt xuống suối, nhìn nó trôi nhún nhảy như đùa với nước lần cuối trước khi héo rã, tan vào nước, chợt thấy ân hận. Cái chết mới tràn qua đất này xong, sao tôi lại đi cắt ngang sự sống, dù chỉ là cuộc sống của ngọn cỏ?
Một loạt pháo từ An Tân bắn lên, nổ gần chỗ lội ban nãy. Đợi mươi phút nữa, chúng tôi đi tiếp về Tam Trân sau khi pháo địch chuyển làn.
 
°
 
Cái kế hoạch bao vây bức rút của tôi bị loại ngay vòng đầu.
Đại đội trưởng Ba Tơ gặp Mẫn, hỏi chuyện làng chuyện nhà, nhăn trán nghĩ mãi rồi lắc đầu: hồi anh ở Tam Kỳ, Mẫn mới theo đội công tác và chỉ được giao nấu cơm vá áo. Anh lại đi cánh Bắc nhiều hơn, ít quen Tam Sa. Nghe kể việc cứu lụt, anh ừ ừ trong mũi, cầm nhíp nhổ mãi một cái cằm đã trụi râu. Rồi anh "hự" một tiếng, gắt tôi trước mặt Mẫn, rất ngang:
- Cái tụi ăn gan uống máu đó mà để cho thoát? Bức rút... hừ, bức rút... Mày hay trách tao nóng mũi, lần này tao nóng hết đầu mình chân tay rồi đó. Đừng nói anh em mình đòi đánh, dân đòi đánh, ngay mấy chục thằng quân địch mới chạy về ta cũng năn nỉ làm sao diệt tụi đầu cọp kia nè! Xưa nay tụi nó hiếp người cướp của chẳng có chừa vợ lính nhà lính đâu! Lại còn bốn thằng Mỹ, cha con thằng gì mà ác ôn đó nữa, cho rút hết à?
Hai gò má sần sùi của anh đỏ rựng.
Chính trị viên Cẩn vừa ghi vừa xoa bụng bằng tay trái- vẫn cái dạ dày. Trung đoàn đang giục đưa tin thêm về tội ác Mỹ - nguỵ. Anh gập sổ, buông gọn:
- Hễ trên không cho thêm quân, xê mình dám lãnh một diệt một không?
Tôi tưởng Ba Tơ sắp nói ngay: "Dám!". Nhưng ngay giữa những cơn nóng ồn ào, anh vẫn tính rất kỹ sức ta sức địch, vẫn "khôn róc mấu" khi xương máu anh em cần được cân nhắc. Anh dịu giọng:
- Tao nói phải diệt, còn ai diệt, diệt cách sao thì đợi bàn cho thấu lý đã chớ.
Chúng tôi đi gặp luôn ban chỉ huy tiểu đoàn đóng cách vài cây số. Tôi nhường Mẫn báo cáo, để dành tiếng nói của mình cho phần cuối: xin đánh. Tiểu đoàn trưởng hỏi rất kỹ, chống cằm ngồi nghĩ, điếu thuốc rơi xuống quần cháy một lỗ tròn không hay. Chính trị viên ra vườn xì mũi, trở vào với cặp mắt đỏ, nói khẽ:
- Đồng chí Mẫn ăn cơm rồi ngủ một giấc, chiều nay họp tiếp. Cậu Thiêm nhớ uống thuốc phòng nghen.
Thì ra ở đời vẫn còn những việc mất thì giờ như vậy: ăn, ngủ, uống thuốc. Chúng tôi đang chăm chăm đợi một tiếng "đánh" thôi mà. Mẫn đưa mắt hỏi tôi:, vẻ tuyệt vọng rõ đến nỗi anh tiểu đoàn trưởng phải lèo thêm:
- Tư Thiêm vẽ giùm cho cái sơ đồ làng Cá với gò Mù U, được chớ?
Xế chiều, Đảng ủy tiểu đoàn họp mở rộng, và tiểu đoàn trưởng mới nói hết ý mình:
- Chẳng những vây diệt đại biệt động của thằng Quỳnh, còn phải khoá họng pháo An Tân, đánh sứt mẻ các cứ điểm đã gây nhiều tội ác trong khu vực Nam Tam Kỳ. Huyện hứa cho bộ đội phối hợp. Đặc công của tỉnh đang sửa soạn làm ăn. Huyện ủy vừa cho biết kế hoạch đồng khởi của vùng dưới, tám đến mười xã, anh Bảy còn muốn làm mạnh hơn...
Mẫn quay nhìn tôi, mỉm cười, mắt vui lóng lánh. Tôi nở mày nở mặt. Chúng tôi nằn nèo xin một cắc, đang sợ bị từ chối, bỗng được tới một đồng, nhiều đồng, hoá ra giàu sụ.
- Riêng cái gò Mù U, đề nghị giao cho xê Ba Tơ chủ công. Cho thêm một xê nữa mở hai mũi phụ vá đường, chặn hết các ngả. Phải băm nát, hốt gọn, diệt cho sạch, xoá phiên hiệu cái đơn vị ác ôn đó, nhất là số Mỹ và cha con thằng Chinh càng không được để sẩy. Các đồng chí thấy sao?
Ngón đòn trả thù lớn hơn mơ ước của chúng tôi nhiều quá. Nó còn lớn lên nữa sau khi Đảng ủy tiểu đoàn đi họp với tỉnh ủy, huyện ủy, có anh phó chính ủy trung đoàn vừa đi vừa chạy từ Quảng Ngãi ra kịp dự. Mẫn cùng đắp bàn cát với tôi ở nhà chị Bỉnh, cười luôn miệng, đôi lúc lại thừ người ra hỏi khẽ: "Cắn cưa rồi chớ, anh Thiêm?". Mẫn cứ sợ mừng hụt. Đối với Mẫn, trận này không chỉ là trừng phạt giặc và giải phóng xã mình, nó còn lấy lại cho Mẫn tiếng cười và tâm hồn thanh thản. Thiếu nó, máu trong người Mẫn cứ mãi là dầu sôi. Hạnh phúc đến trước một ít rồi, toả ngời ngời trên khuôn mặt gầy đang hồng lại như ngấm trầu thuốc.
Nhưng kế hoạch không cắn cưa bấy nhiêu. Liên tiếp có tin mới: trung đoàn điện cho hai xê trợ chiến mới xây dựng được đi thực tập luôn trong dịp này, nện cối 81 và ĐK vào các đồn gần Tam Sa; tỉnh đội Quảng Nam báo tin sẽ đánh vào thị xã Tam Kỳ; một cậu đại đội trưởng đặc công của khu mà tôi quen chợt đến, kéo Mẫn ra góc vườn hỏi về con đường xuống cửa biển An Hoà.... Vẫn chưa hết. Cái máy thu thanh đặt bên chỗ chúng tôi làm việc từng giờ nhắc rằng trả thù cho làng Cá còn có đồng bào Sài Gòn, Đà Nẵng đang đánh lại cảnh sát dã chiến trên đường phố để đòi cứu vùng bị nạn, còn miền Bắc đang dồn gạo, vải, thuốc men gửi vào, còn những người ngay thật trên cả trái đất đang quyên góp và xuống đường. Giặc vừa úp những cái nơm thép xuống làng, thì đây, một tấm lưới trời đang dang rộng ra mãi, dày thêm mãi, sắp chụp xuống rồi.
Bàn cát đã xong. Gọi là bàn đất sét đúng hơn. Tôi cắm lá cờ giấy trên gò Mù U - cờ vẽ một cái đầu cọp nhe răng, miệng tô đỏ lòm bằng thuốc đỏ-vừa nghe chị Bỉnh hỏi mấy giờ. Tôi liếc xuống cổ tay, phải nghĩ một chút mới biết là bốn giờ sáng chứ không phải bốn giờ chiều. Một tiếng rưỡi nữa cán bộ các xê đánh gò Mù U sẽ lên bàn cát. Chưa bào giờ tôi thấy Mẫn tươi khoẻ như lúc này, sau một đêm thức trắng.
 
°
 
Chiều hôm ấy, khi Mẫn và tôi sắp trở về Tam Sa để sửa soạn đón quân, một cậu du kích đến tìm tôi, đưa một lá thư có phong bì giấy trắng hẳn hoi. Anh Liệp, đội trưởng đội võ trang công tác Tam Sa, trân trọng mời tôi đến "dự bữa cơm thân mật với đội, nhằm cảm tạ sự đoàn kết giữa Quân đội giải phóng và địa phương". Tôi đưa thư cho Mẫn, cười:
- Cô này ghê thiệt, ngồi một bên mà nhứt định gởi giấy cho oai. Tụi tôi đi hết chớ?
Mẫn không giấu được bối rối khi đọc thư. Tôi bắt đầu thấy lạ. Đội Tam Sa mời liên hoan, Mẫn không biết. Mà lại mời riêng tôi, tại Tam Trân. Người cầm giấy đúng là du kích Tam Sa thật, nói ăn cơm ở quán thím Liệp. Mẫn bảo tôi nên đi, cách nửa cây số thôi. Mẫn còn mấy việc linh tinh, không dự, sẽ đợi tôi đúng tám giờ tối tại nhà chị Bỉnh để cùng về xã. Cuối cùng là mấy tiếng hấp tấp và cặp mắt nhìn lảng: "Chỗ quán xá có hơi phức tạp, anh giữ ý một chút...". Thế nghĩa là gì?
Tôi theo cậu du kích ra đường ô tô lúc lên đèn.
Rải rác trong vùng giải phóng có những phố chợ nho nhỏ với mươi quán bán tạp hoá, mắm muối, bia cam, bánh xèo và mì Quảng, cùng với các tiệm may, cắt tóc, sửa xe đạp chia chỗ nhau dọc một khúc đường. Nơi họp chợ là một khu vườn mít hay cau gần đấy, có hầm hào tránh tàu bay đại bác càng hay, phiên chợ chỉ kéo dài vài tiếng. Phố chợ Ngọc-lợi này khá nhộn nhịp, lắm hàng. Hàng thành phố có xe khách chở lên hằng ngày, hàng vùng giải phóng được xe thồ và thuyền đưa xuống. Chợ nhỏ buôn lớn, cần mua máy thu thanh Nhật hay đồng hồ Thụy-sĩ đều có sẵn, phải cái giá khá đắt sau nhiều lớp ăn lời. Mậu dịch công doanh cũng vừa đặt một cửa hàng ở đây. Ta chưa chặt cầu phá đường, chỉ soát xe, thu thuế, chỉ đạo giá cả, bắt gián điệp. Địch chưa ném bom đốt dãy quán vì sợ thị xã bị giam đói. Bọn lính địch mỗi khi càn lên đây thường hỏi mua giây dù, vải dù hoa, bi-đông Mỹ, giá rẻ hơn chợ buôn lậu Tam Kỳ.
Quán thím Liệp là một nhà tranh khá rộng nằm bên đường cái, ghép thêm một nhà nữa theo thế chữ đinh ở phía sau. Thím Liệp đón tôi niềm nở, nhắc các con "chào chú" - ba đứa bé rất xinh, lễ phép, mặc vải hoa cùng màu. Thím còn trẻ lắm. Cũng may câu chào đầu tiên của tôi rất là chung chung nên tôi kịp gọi tiếp bằng chị, tưởng đắc sách rồi, ai dè lát sau lại biết con gái đầu của chị đã lấy chồng, chị sắp có cháu ngoại. Chao ôi, cách xưng hô tiếng Việt sao mà rắc rối!
Cơm đã dọn sẵn ở nhà trong. Ba người ngồi uống trà đợi khách, đứng dậy bắt tay tôi hồ hởi. Cả ba đều lạ mặt, sao vậy? Những đồng chí cứu lụt tôi quen đi đâu hết? Tôi không thể nghĩ đây là một pha xi-nê trinh thám, bởi du kích Tam Trân đeo súng ra vào nườm nượp ngoài kia, cười ầm, chị Liệp chia cho mỗi người một nắm thuốc rê và gắt: "Nhỏ nhỏ cái miệng chớ, chú Tám đang có khác!"
Một anh tóc lốm đốm bạc, người cao lớn, mặc bộ ka-ki Mỹ may kiểu bộ đội còn mới, trịnh trọng giới thiệu hai đồng chí Ba Thấn và Sáu Quỳ trong đội Tam Sa, rồi chỉ vào mình: "Tôi là Tám Liệp, đội trưởng". Anh rót rượu a-nít và bia 33, mời tôi nâng cốc với dáng điệu của một sư trưởng đón khách nước ngoài. Tôi đã ăn no và không biết uống rượu, chỉ cầm đũa cho phải phép, nhấp bia và ngắm họ, nghe họ.
Anh Liệp luôn luôn đường hoàng đĩnh đạc, men lên đỏ mặt vẫn không ngớt gọi tôi là "đồng chí đại đội phó". Tôi nhớ ngay anh Tư Luân bí thư Tam Sa, đội phó, gầy chỉ còn toàn xương, lảo đảo ngồi xuống bên tôi, vừa nắn chỗ đầu gối sưng đỏ vừa hỏi: "Còn điếu nào không, Thiêm?". Anh Quì trạc tuổi tôi, chỉ ăn không nói. Anh Thấn có vẻ cởi mở nhất, hết lời khen bộ đội "thương đám dân lành", tôi nghe rất chối tai tuy biết một số đồng chí ta còn nhiễm lối ăn nói vùng địch. Có một cái gì lắt léo đằng sau bữa tiệc gà quay cá hấp rất sang này. Phải chăng các vị cần tôi có mặt để tiện chi mấy trăm bạc quỹ công vào bữa chén? Nếu vậy lý do đã đủ, tôi sẽ rút lui sớm để các vị ăn nhậu với nhau, tôi phải lo đánh giặc để giải phóng quê các vị đây. Bà con dưới kia đang xẻ tư mỗi nắm cơm cứu đói dưới hầm, pháo giặc tưới đất bột trên miếng sắn ghế...
Tôi cố giữ bình tĩnh một lát nữa rồi xin kiếu trước. Tôi bị níu lại. Thì ra họ còn muốn căn dặn mấy lời. Anh Liệp nhắc rằng tư tưởng trong đội đang phức tạp, tôi nghe điều gì trái tai thì chớ tin ngay, nên hỏi lại đội trưởng. Ba Thấn đỡ lời, nói cô Mẫn đánh giặc thiệt tới gan nhưng "sanh hoạt có phần bừa bãi". Anh cười tủm, nháy nháy để tôi hiểu "sanh hoạt" nghĩa là gì. Chị Liệp đi qua cũng ghé vào, tố con Hai Mực là đứa ăn cháo đá bát, theo đuôi ông Luân mà coi trời bằng vung, lau mũi chưa sạch mà đòi hỉnh mũi. Anh Liệp ra vẻ khoan dung: "Thôi, chấp chi con nít mới lớn". Mất một lát tôi mới hiểu "Mực" là tên "móc nối" của Mẫn. Sáu Quì bận gặm cái đùi gà, chỉ lắc đầu thở dài, chẳng biết rầu về ông Luân, cô Mẫn hay cái đùi gà dai.
Nửa giờ sau tôi mới đi thoát, mồ hôi vã ướt lưng.
Bộ đội tới đâu phải tìm gặp cán bộ địa phương trước hết, tôi đã làm việc với mấy chục uỷ ban xã và đội công tác, chưa bao giờ thấy khó chịu như hôm nay. Tôi có nghe loáng thoáng về anh Tám Liệp, còn làm đội trưởng nhưng vừa rớt chức bí thư trong đại hội chi bộ hồi đầu năm vì quá nhát gan. Dù chẳng biết mô tê nào, tôi vẫn không muốn tin lời họ. Đây đó tôi cũng gặp trong hàng ngũ ta một số người lưỡi dài hơn tay, nhờ khéo trốn việc nên rảnh thân rỗi mồm, hễ tụ lại đủ cặp là bắt đầu nói xấu sau lưng một người thứ ba, và cái tật ngồi lê đôi mách ấy có khi được đặt tên chữ là "hội ý hội báo", là "nhận định tình hình nội bộ". Cuộc bôi nhọ vừa rồi còn nặng hơn thế. Cái bộ ba kia - bộ tứ thì đúng hơn, vì chị Liệp chủ quán hiểu hết người và việc trong đội, chi bộ - vừa cơm gà cá gỏi vừa đánh vào lưng những đồng chí đang vào sống ra chết. Nhưng họ ranh quá hoá dại. Họ tưởng tôi cũng tham vặt như họ và ngốc hơn họ. Những người tồi thường hay lấy mình làm thước đo để đánh giá kẻ khác. Trong khi nịnh anh A, đả chị B, trung lập bác C, doạ ngầm chú D, họ không biết rằng họ đang hứng lấy sự khinh ghét của những đồng chí đáng gọi là đồng chí... Tôi không muốn nhúng vào việc nội bộ của đội Tam Sa, nhưng trách nhiệm buộc tôi phải nói hết với huyện ủy khi có dịp. Ý định ấy giúp tôi nhẹ người dần trên đường về.
Chưa đến bảy giờ rưỡi tôi đã bước vào nhà chị Bỉnh. Mẫn không đi đâu cả, ngồi ru con chị Bỉnh đợi tôi. Thoáng một ánh gì như lo sợ trong đôi mắt đen ngửng lên, có thể là xót xa. Tôi chỉ nói sơ rằng chỉ đến cho biết người biết nhà anh Liệp thôi, giục Mẫn đi xuống Tam Sa.
Địch chừng đã đánh hơi có chủ lực về, cho tàu rà và C.47 quần mãi trên cánh đồng lớn của Sáu Trân, ném đèn dù dày như nấm mọc sau mưa. Ruộng sau lụt không còn bờ bụi gì nữa, chúng tôi phải quàng dù hoa kín người, ngồi thụp khi máy bay vòng lại, có khi phải đóng vai hòn đá suốt hai mươi phút. Tới một lúc đèn tắt hết, chỉ còn chùm đốm xanh đỏ của chiếc C.47 vẽ mãi số 8 trên cao, Mẫn phóng lên rất nhanh. Tôi không ngờ cô gái mới ôm ngực thở dốc hôm kia có thể đi vèo vèo như vậy, như xem đường bằng bốn mắt cá chân. Nhanh quá mất. Đi đêm đã nhiều mà tôi theo Mẫn không kịp. Pin không bấm được, trời đen, một cơn mưa nhỏ lại nhuộm sẫm các lối lòn vừa khô xong, khi mới tối còn trắng mờ. Cái khăn tang trên tóc Mẫn bị tấm dù trùm kín. Tôi chỉ còn biết căng mắt nhìn hai bắp chân trắng thấp thoáng đằng trước, một thứ lộ tiêu trời cho, và sấp ngửa đuổi theo. Được một lát thì cặp lộ tiêu ấy biến mất, sau khi Mẫn lội qua một vũng bùn đặc. Tôi bước xuống ruộng một lần, hai lần, buộc lòng phải bảo Mẫn chậm lại. Mẫn nói như xin lỗi:
- Ở đội công tác phải mò đêm quanh năm, tôi quen mắt quen chân...
Chân tôi không kém ai, nhưng mắt thì chịu thua cô này hẳn rồi. Đến sông Rù Rì chúng tôi dừng lại nghỉ. Tôi rất mừng khi Mẫn rửa chân thật sạch và vo quần cao đến vế, rồi bỗng bật cười thành tiếng, thầm giễu mình con nít. Mẫn cười theo:
- Thích quá anh hè. Tôi cứ sợ chiêm bao, thức dậy không còn chi hết, chao!
Lần đầu tôi nghe Mẫn cười. Một tiếng cười dè dặt như chưa dám vui quá sớm.
 
 
Chú thích
Thước cũ, độ 4 dm