II. ĐẤT TỔ

Máy bay lượn vòng, sắp hạ cánh xuống Nội Bài.
Đủ thì giờ cho chúng ta nhìn qua cảnh vật, trong một vòng sáu mươi đến bảy mươi ki-lô-mét quanh Hà Nội. Một con sông đường bệ, đỏ ngầu, một mạng lưới dày đặc chi lưu kênh mương, hai bờ những con sông lớn nhỏ là những con đê, và rải khắp giữa những đồng ruộng bát ngát, hàng nghìn thôn xóm với lũy tre xanh, những mái ngói mới; bao quanh là những dãy núi đồi không cao lắm, thường gọi là đất trung du.
Đồng bằng Bắc bộ đấy, một châu thổ (delta) do sông Hồng bồi lên với một lượng phù sa khổng lồ (100 triệu tấn 1 năm), một châu thổ không rộng lắm (15.000km2 tức 1,5 triệu héc-ta), một tam giác với ba đỉnh là Việt Trì, Quảng Yên, Phát Diệm. Một miếng đất đỏ đóng vai trò quyết định trong sự hình thành của dân tộc, là cái nôi, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi sinh trường lớn lên của người Việt.
Đồng bằng sông Hồng và vành đai đồi núi trung du, nơi đây tổ tiên chúng ta đã tự nghìn xưa xây dựng nền tảng cuộc sống của mình, để từ cái gốc vững mạnh ấy vươn lên với lịch sử.
Đồi núi xanh tươi, hay chỉ lơ thơ ít cành sim mua, xóm làng trù phú, “Những cánh đồng thơm ngát, những ngả đường bát ngát, những lòng sông đỏ nặng phù sa” (Nguyễn Đình Thi), nay trông vào người ta dễ có cảm tưởng đất nước này trời đất sinh ra đã nguyên vẹn như vậy. Không đâu, miếng đất tổ này dựng lên được, giữ vững được đã phải bao thế kỷ đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu xương máu.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Về nước đúng dịp, bạn sẽ không bỏ lỡ cơ hội cùng nhân dân từ khắp nơi về đền Hùng dự ngày giỗ Tổ; không đúng dịp vẫn nên lên đây ôn lại những bước đi ban đầu của dân tộc. Theo quốc lộ 2, xe qua ngã ba Bạch Hạt, nơi ba con sông, sông Thao, sông Đà, sông Lô kết tủa thành con sông Hồng, cũng gọi là sông Cái tức sông Mẹ, nơi bản lề giữa đồng bằng và đồi núi, ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú, xưa là đất Phong Châu - trung tâm của nước Văn Lang.
 Rừng cọ đồi chè, có cả những đồi cây sơn, những rặng bạch đàn, đền vua Hùng nằm giữa cảnh trung du quen thuộc ấy. Khắp cả một vùng, đi đâu cũng có đền miếu thờ các vua Hùng và các Lạc tướng, cũng nghe nhân dân kể truyền thuyết, nhắc chuyện thời xa xưa ấy. Bốn nghìn năm đã qua mà hàng năm đám người về giỗ Tổ vẫn đông nghịt. Uống nước nhớ nguồn, nghìn thu vẫn nghĩa tình trọn vẹn, phải chăng đây là đức tính căn cơ của những người con Hồng cháu Lạc.
Bốn nghìn năm, lòng dân còn ghi nhớ công ơn khai sơn phá thạch của tổ tiên; sau bao nhiêu năm cặm cụi đi sâu vào lòng đất, ngành khảo cổ đã giúp ta tìm lại dấu vết của người xưa, ngay trên mảnh đất này, xác định rõ ràng cha ông ta đã sinh sống nơi đây mấy nghìn năm rồi, và từ nơi dây tiến về xuôi dần dần dựng nên nước Văn Lang, tiền thân của Đại Việt sau này, là Việt Nam ngày nay.
Kể ra trước lúc lên đây, một buổi ghé thăm Bảo tàng Lịch sử xem qua những công cụ đồ đá, đồ đồng được khai quật lên trong một loạt di chỉ rải ra từ Phong Châu đến tận cuối đồng bằng sẽ làm cho cuộc thăm viếng đền Hùng mang thêm nhiều ý nghĩa. Còn dưới từ đền Hùng, tức đất Phong Châu về dưới đồng bằng, chính là con đường của cha ông từ vùng đồi núi trung du tiến theo sự hình thành của đồng bằng, mở rộng nơi cư trú và đầy tiến bộ kỹ thuật, nghệ thuật từ đồ đá mài, đồ gốm, đến những trống đồng thật là kỳ diệu. Nhìn vào những hoa văn in trên mặt trống, mang tính nghệ thuật vừa hiện thực vừa cách điệu, ta thấy như tổ tiên còn bên cạnh ta chèo đò, giã gạo, ca múa, chiến đấu với những con vật quen thuộc như hươu nai, cò vạc. Công nhân và kỹ sư ngày nay hết sức ngạc nhiên không hiểu làm sao cách đây gần ba nghìn năm rồi mà đã có một kỹ thuật đúc đồng cao như vậy. Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, khảo cổ học đã xác định được những giai đoạn phát triển văn hóa Lạc Việt từ bốn nghìn năm đến thiên niên kỷ thứ nhất.
Về đến trung tâm đồng bằng, vào thế kỷ thứ III trước công nguyên lúc đất nước đã mang tên Âu Lạc, đặt dưới quyền trị vì của Thục Phán An Dương Vương, cha ông ta đã xây dựng thành Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội hai mươi ki-lô-mét. Lũy thành ngoài dài tám ki-lô-mét nương theo bờ sông Hoàng phía bắc, nối liền những gò đồi tự nhiên, nay còn lại ba vòng: ngoài, giữa và trong cao trung bình bốn đến năm mét, có nơi cao mười hai mét, chân lũy hơn hai mươi mét, mặt lũy từ sáu đến mười mét. Ngoài là hào sâu, thuyền bè qua lại được, chung quanh là đầm hồ. Các nhà khảo cổ tính ra phải đào đắp trên hai triệu mét khối, đòi hỏi vài triệu ngày công. Đây là một căn cứ vừa cho bộ binh, vừa cho thủy binh. Năm 1959, phát hiện ra hàng vạn mũi tên bằng đồng nhắc ta câu chuyện nỏ thần và lầm lỗi của An Dương Vương mất cảnh giác, mất cả cơ đồ.
Đến Cổ Loa, tất nhiên người ta nhớ đến bi kịch của nàng Mỹ Châu, và cũng không nên quên sự tích ông Cao Lỗ, người đã giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sáng chế nỏ thần bắn một lần nhiều phát với mũi tên đồng lợi hại. Về sau nghe bọn nịnh thần gièm pha, vua đối xử tệ bạc với Cao Lỗ, ông rời bỏ triều đình vì vua không chịu nghe lời can ngăn của ông. Quân Triệu Đà vào đánh, vua bỏ chạy, Cao Lỗ trở lại xông pha trận mạc và hy sinh trên mặt thành. Dân ta lập đền thờ ông ở Cổ Loa.
Hơn 200 năm sau vua An Dương Vương, đất nước bị quân ngoại xâm lấn; từ đất Mê Linh, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú; từ cửa sông Hát, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Trong những năm qua, các nhà sử học phát hiện trong cả vùng đồng bằng rồi nhiều dấu vết của cuộc khởi nghĩa ấy; đền thờ truyền thuyết của nhiều anh hùng nữ kiệt. "Tướng tá" của hai Bà rải khắp nơi: Ba chị em họ Đào nay còn thờ ở ngõ Thổ Quan (phố Khâm Thiên, Hà Nội), ông tổ lò vật Nguyễn Tam Trinh nay thờ ở Mai Động và hàng năm còn hội vật tưởng nhớ người xưa, nàng Tía được thờ ở Vĩnh Ninh - Thanh Trì, chàng Quách và hai chị em họ Bạch Nương, Tích Nương ở Thượng Cát (Từ Liêm), và đến mấy chục vị anh hùng khác.
Còn đền thờ hai Bà thì dựng ở nhiều nơi: Hát Môn (Hà Tây), Hạ Lôi (Vĩnh Phú), Đồng Nhân (Hà Nội); mỗi năm ngày mồng 6 tháng hai có lễ lớn, rước kiệu, bơi thuyền ra giữa sông lấy nước, nấu trầm hương tắm cho tượng.
Kỹ thuật và nghệ thuật trống đồng, qui mô của thành Cổ Loa. cuộc khởi nghĩa lớn rộng của Hai Bà Trưng cho thấy trình độ phát triển của một dân tộc đã trưởng thành.Lớn lên trong một cuộc chiến đấu lâu dài chống thiên nhiên, năm này qua năm khác đến nay còn tiếp diễn; tiến về đồng bằng cha ông ta đặt chân lên một bãi lầy mênh mông, đụng đầu với một con sông hung hãn, mùa mưa nước cuồn cuộn dồn về, phù sa đỏ ngầu, dâng lên tràn ngập cánh đồng bát ngát. Đây là lãnh vực của Thủy Tinh, từ Phong Châu đến tận bờ biển, con người muốn sinh sống phải giành giật từng tấc đất với thiên nhiên. Hàng năm Sơn Tinh tung quân đánh lùi Thủy Tinh. Thần núi ấy là ai, nếu không phải là sức mạnh của cộng đồng người Việt, đắp đê đắp bờ, đẩy lùi sình lầy, tạo ra miếng đất để sinh sống.
Những con sông hung hãn dần dần hết tác oai tác quái buộc mình chạy vào giữa hai hàng đê. Đê kéo dài đến đâu, đàng sau đất khô ráo đến đấy, con người biến sình lầy thành đồng ruộng làng xóm. Sông tuôn phù sa ra biển, bồi thành những bãi lầy; sú vẹt mọc lên bám giữ bùn lầy, nhưng sóng biển đánh vào cướp lại miếng đất mới nhô lên, biển với đất giằng xé nhau không ngớt. Con người Việt Nam không chịu bó tay đứng nhìn cuộc tang thương biến đổi; cha ông ta đã tiếp tay cho sông, cho đất, đắp đê ngăn biển, đất bồi lên được đê bảo vệ, lúc đầu trở thành ruộng cói, hết mặn biến thành ruộng lúa, một làng mới lại xuất hiện. Sông với con người, con sông nặng tải phù sa, con người kiên cường nhẫn nại đã hợp sức lấn biển, phía đông nam đồng bằng mỗi năm lấn đến 100m.
Bạn về nước nên dành ít thì giờ ngắm cảnh những bờ đê với "Những đàn sáo đen sà xuống moi vu vơ. Mấy cánh bướm rờn trôi trước gió. Những trâu bò thả cúi ăn mưa" (Anh Thơ); rồi về Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, xem dấu vết của con đê ngăn biển đắp đời Hồng Đức (1471) nay đã nằm sâu 15km trong đất liền, về Tiền Hải, Kim Sơn ngắm công trình lấn biển với qui mô lớn lao của nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1830) và những nông trường được xây dựng từ 1959 như Rạng Đông trên những bãi lầy cứ dần dần tiến ra biển, để thấy hết công lao của dân tộc, mấy nghìn năm đào đắp, tạo ra một mạng lưới đê sông, đê biển dài hơn 2.000km, có nơi cao đến 14m (Hà Nội), 18m (Việt Trì) một công trình vĩ đại, không kém Vạn Lý Trường Thành hay Kim Tự Tháp (Pyramides). Sau những bờ đê như sau những thành lũy, cuộc sống của con người diễn theo nhịp mưa nắng, hè về mưa đổ thác nước ngập đồng ruộng, rồi suốt cả một mùa khô nhiều khi không có một giọt. Phải đắp đê ngăn lũ lụt, phải tát nước ra, phải đưa nước vào đồng ruộng, phải phân phối nước nơi cao nơi thấp, đồng cao đồng trũng, phải giữ nước lại trong những ngày khô hạn. Luôn luôn đào kênh, đắp bờ, khơi ao vét hồ, nằm sau mạng lưới đê điều mọc lên một mạng lưới kênh ngòi, bờ vùng, bờ thửa. Bàn tay con người không bao giờ ngơi để cho thu xuân cây mạ xanh rờn, cuối hè sang thu đồng ruộng ửng vàng lên với nhành lúa chín. Có ngăn được nước, có giữ được nước mới có đất làm ăn, đất quyện lấy nước, hai tiếng đất nước kết tụ với nhau, gợi nên trong tâm tư mỗi chúng ta những âm vang sâu sắc:
 Tấc đất, tấc vàng
Hạt gạo, hạt vàng
Đất của ta, đất vàng đất bạc
Đất màu mỡ ngọt nước phù sa
Trăm nghìn đời sương trộn nắng pha
Đất cũng như người chuyên cần nhẫn nại
Phải bao nhiêu mồ hôi mới ra một hạt gạo. Một em bé Việt Nam viết nên những vần thơ:
 Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(…)
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay...
(Trần Đăng Khoa)
Nếu bạn có họ hàng ở thôn quê, nên về thăm ít lâu, nếu không cũng nên cố gắng dành vài hôm về ở cùng bà con trong một làng quê nào đó, tỉnh nào cũng được. Ngày nay ô tô có thể vào tận các làng, nhưng tốt hơn là đi xe đạp hay đi bộ giữa những đồng ruộng xanh tươi, những đám vườn xum xuê, những bờ ao yên lặng, bạn sẽ đi sâu vào tâm tư của dân tộc, vì đã đến với làng xã, tế bào cơ bản của xã hội Việt Nam. Một bờ đê, một cánh đồng lúa chín vàng hay lúa con gái xanh rờn, với một mái đình chạm trổ, ruộng với vườn, ao với nhà, ngõ với xóm, đường thôn tiếng cười nở, một cái giếng đầu làng nơi hò hẹn gặp gỡ, tiếng gà gáy xôn xao, tâm hồn mỗi người Việt Nam xoay quanh những hình ảnh, những ký ức ấy. Tôi còn nhớ ngày mới về nước sau hai mươi sáu năm bôn ba nơi hải ngoại, ngồi trên tàu hỏa từ Trung Quốc về, khi thấy lại cảnh làng quê, đã ghi ngay cảm tưởng:
“Một con cò đủng đỉnh lùng cá giữa đám ruộng nước, xong tung đôi cánh trắng bay cao giữa trời biếc trên những hàng lúa còn xanh, những bụi tre rập rờn. Không còn ngờ gì nữa mình đã về trên đất nước của cha ông rồi, bao nhiêu danh lam thắng cảnh của năm châu cũng không thấy đằm thắm như hình ảnh kia, một cánh cò tung bay giữa đồng ruộng xanh tươi”.
(trong bài Paris - Hà Nội - 1968)
Canh cánh bên lòng mỗi con người Việt Nam, dù có đi bốn biển năm châu, vẫn ghi sâu trong tâm tư hình ảnh một làng quê, với bờ tre kĩu kịt đưa theo làn gió và ký ức những lúc cùng nhau chống hạn, chống lụt, đùm bọc nhau khi ốm đau, giỗ tết, cưới hỏi, tang ma, buồn vui chia sẻ cùng bà con cùng làng cùng ngõ. Sự phân hóa giầu nghèo, tôn ti trật tự phong kiến không ngăn được nhân dân giữa tinh thần cộng đồng, lá lành đùm lá rách, bầu bí thương nhau vì sống chung một giàn. Vào đầu xuân, bạn có thể dự những ngày hội làng, mấy năm gần đây dần dần được phục hồi, chiêng khua trống gióng, người đi làm ăn xa lấy chồng quê khác, du khách từ Hà Nội, Hải Phòng cũng về đông đủ. Hội Tết mừng xuân, hội mừng gặt, ăn cơm mới, phong đăng hỏa cốc. Hội thi tài nấu cơm, săn bắn, kéo co, bơi chải, đánh phết, đánh còn. Hội múa rước thánh Gióng ở làng Phù Đồng, hội Cờ Lau bày trận ở Hoa Lư, hội của nhiều làng diễn lại sự tích khai hoang hay diệt giặc của Thành Hoàng.
Hội để trai gái gặp nhau, thổ lộ tâm tình, duyên lành đính ước qua những lời ca câu đố. Từ lúc mận mới hỏi đào một câu lửng lơ, đến khi hẹn ước với nhau, rồi trách móc hờn dỗi biết bao nhiêu câu quan họ, hát ghẹo, hát ví, hát xoan, tạo nên một nền văn học phong phú.
- Xa xôi xin chớ ngại ngùng
Xa người xa tiếng nhưng lòng không xa
- Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
- Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Dạo qua thôn quê trên đồng bằng sông Hồng, làm quen với cuộc sống và văn hóa làng xã, bạn lại bắt gặp nền văn hoá chính thống của các triều đại xưa cùng phát triển song song qua các thế kỷ. Đinh Tiên Hoàng lập nước Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm thủ đô; ở đây núi rừng hiểm trở, sông ngòi thuận tiện, có thể tiến ra nắm cả đồng bằng, rút về kiên trì chống giữ. Ở đây cảnh núi đá với những hang động rải bên bờ con sông Hoàng Long uốn khúc, và giữa những cánh đồng đầy nước, một cảnh vật người ta thường gọi là vịnh Hạ Long trên cao, các đời sau dựng nên đền thờ vua Đinh, người chăn trâu đã làm nên lịch sử, đền thờ Lê Đại Hành, người anh hùng dẹp Tống, bình Chiêm giữ vững một nền độc lập vừa mới tranh đoạt được sau nghìn năm Bắc thuộc. Ở Hoa Lư cũng có đền thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga, một con người lúc tổ quốc lâm nguy đã biết vượt qua lễ nghi phong kiến, vì quyền lợi dân tộc, lấy áo long bào của chồng mới chết khoác lên cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, trao quyền trị nước và cầm quân đánh giặc.
Thời ấy, và sau này thời Lý – Trần lấy đạo Phật làm quốc giáo, chùa chiền mọc khắp nơi. Giữa làng mạc, trên sườn đồi những tháp vươn lên, những mái chùa nấp bóng cây cổ thụ, tiếng chuông khánh ngân vang sớm chiều. Bạn sẽ về chùa Bút Tháp xem tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, đến Hà Bắc xem vết tích chùa Phật Tích, trèo núi Yên Tử (Quảng Ninh) thăm nơi tu hành và thuyết pháp của vua Trần Nhân Tông, người đã chiến thắng quân Nguyên Mông và cũng là thiền sư sáng lập phái Trúc Lâm, về Nam Định thăm chùa Phổ Minh dựng năm 1262 nay còn cây tháp dựng năm 1305.
Tượng Phật là sản phẩm nghệ thuật phổ biến của những thời ấy. Tượng A Di Đà Phật Tích tạc năm 1057; tư thế nghiêm nghị trầm mặc của Phật được kết hợp với cái tinh tế chải chuốt của các trang trí với những hoa sen tượng trưng lòng trong trắng, những dàn nhạc với mõ, tỳ bà, nhị, trống bồng.
Thời Lý là thời xuất hiện con rồng, có nhiều khúc uốn lượn mềm mại hình rắn, bay nhẹ nhàng trên không trung. Về sau vào đời Lê con rồng đã cách điệu hơn, có vẻ oai nghiêm hung dữ hơn khi rồng trở thành biểu tượng của một nền quân chủ xa cách nhân dân. Bao nhiêu cung điện chùa chiền ngày nay không còn nữa, nhưng những hiện vật còn lại cũng cho ta thấy một nền nghệ thuật phong phú. Một nghệ thuật kế tục văn hóa Đông sơn và tiếp nhận một số yếu tố văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Chiêm Thành, nghệ thuật tôn giáo hòa hợp với nghệ thuật dân gian. Qua thời Lê, chùa chiền trước kia được trùng tu và cạnh các ngôi chùa xuất hiện những kiến trúc mới. Nhân dân các làng xã xây dựng những ngôi đình đồ sộ, nơi dân làng hội họp, vui chơi, những tháp mới như Bình Sơn (Vĩnh Phú), Cổ Lễ (Nam Hà) cũng xây dựng vào thời ấy. Đặc biệt những ngôi đình như Tây Đằng, Chu Quyến, Thổ Tang qui mô rất lớn, và nghệ thuật dân gian ở đây được phát huy đến mức cao; nghệ thuật tôn giáo, nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian được đúc kết lại tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Nghệ thuật dân gian đưa cuộc sống hàng ngày vào nghệ thuật: các tượng La Hán ở chùa Tây Phương thoát khỏi ước lệ, mang theo hình dáng và tâm tư của những con người thực. Trên cột kèo của nhiều ngôi đình, lên những bức tranh dân gian, cả một cuộc sống được thể hiện, không gò bó vào một vài tượng long, ly, quy, phượng, những chạm trổ miêu tả những cảnh gánh con đi chợ, trâu bò húc nhau, và cả những cô gái tắm mát hồ sen, thân hình chỉ che một tấm lá sen, hình như để minh họa câu Kiều:
 Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
(Nguyễn Du)
(điêu khắc ấy có thể xem bản chế lại ở bảo tàng Hà Nội).
Đê điều, kênh mương, ruộng lúa đông khoai, đình chùa, cảnh vật ấy cứ lặp đi lặp lại từ làng này qua làng khác, không có gì nguy nga tráng lệ cả.
Việt Nam không có Cung A Phòng và
Trường Thành Vạn lý
Chí có đôi mái cong nhè nhẹ chùa Keo
Ít con rồng bay trên cột trên kèo
Và những vẻ suy tư của các bậc La Hán
(Chế Lan Viên)
Nhưng có dành thì giờ dạo làng này qua làng khác trên mảnh đất tổ nhìn biển lúa rập rờn, cánh cò bay lả, nhớ lại chuyện em Gióng tuổi mới lên ba vươn mình cưỡi ngựa sắt đuổi giặc Ân, vọng nghe tiếng sóng Bạch Đằng, hịch Hưng Đạo, Đại cáo Bình Ngô, nghe vua Trần thuyết pháp về thiền, Chu Văn An lớn tiếng đàn hặc bọn nịnh thần, Quận He Nguyền Hữu Cầu kêu gọi dân nghèo đứng dậy, mới hiểu được dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam là như thế nào.
Đẹp vô cùng làng nước ta đi
Đẹp vì ruộng vườn xanh tươi
Đẹp vì nghìn năm bất khuất
Đẹp vì con người thủy chung tình nghĩa
Tôi không muốn bạn chỉ trầm ngâm ôn nhớ chuyện xưa.
Đất tổ nghìn xưa nay đã nhiều lần thay đa đổi thịt và đang thai nghén cả một tương lai. Bạn nên dành thì giờ về làng dự buổi họp của các ban, các đoàn thể khác, của các nhóm thanh niên, phụ nữ, của các cụ về hưu. Nên vào thăm các cô mẫu giáo dạy dỗ các em như thế nào, các trạm y tế khám bệnh trồng cây thuốc ra sao, nên gặp một số anh chị em chủ nhiệm, chủ tịch, bí thư, một vài giáo viên hay cán bộ trồng trọt, thủy lợi, chăn nuôi; bạn có thể đi sâu tìm hiểu kế hoạch đầu tư, phân phối của các xã, chi thu của một vài gia đình. Bạn nên về các vùng Ki Tô giáo như Hải Hậu, Phát Diệm, bạn nên trực tiếp trò chuyện với một số người già hoặc người đứng tuổi, nghe họ kể lại những bước đường làng xã và bản thân họ đã đi qua trong mấy mươi năm qua.
Mấy chục năm từ khi có những người về nông thôn nêu lên khẩu hiệu giành độc lập phải đi đôi với trả lại ruộng đất cho dân cày, độc lập rồi phải tiếp lên chủ nghĩa xã hội mấy chục năm hết đánh Nhật đến đánh Pháp, hết đánh Pháp đến chống Mỹ, hết cải cách ruộng đất đến hợp tác hóa nông nghiệp, trên một phần đất dành cho một người chỉ một phần mười héc ta mà phải bao lần suy nghĩ, bao lần lựa chọn cho đúng đường đi. Một phần mười héc ta cho một đầu người chỉ bằng một phần ba của dân Ấn Độ, từ đó phải rút ra miếng ăn, đồ mặc, làm nhà, sắm xe đạp cho con đi học, có thuốc chữa bệnh, đóng góp cho nhà nước lấy vốn xây dựng công nghiệp, bài toán của đồng bằng sông Hồng là như vậy; không trách giáo sư Pháp Gourou sau nhiều năm điều tra tỉ mỉ đồng bằng này đã kết luận: đành vậy, đành kéo dài vĩnh viễn cảnh nghèo khó, đừng gợi cho nông dân một viễn cảnh, một ước mơ nào, rồi thất vọng họ lại khổ hơn (xem quyển Les paysans du delta tonkinos).
Tôi không bảo là chúng ta đã giải quyết mọi vấn đề. Bước đường mấy mươi năm qua của đồng bằng này đầy gian truân, thành tựu cũng nhiều, sai lầm cũng không ít; cuộc sống còn thiếu thốn đủ thứ, chính sách còn rất nhiều điều bất hợp lý, nạn tham quan cường hào chưa thật xóa bỏ, nhưng tổng hòa lại, cộng trừ mọi mặt thành công, thất bại tôi có thể phủ định kết luận của ông Gourou: ở đây đời sống, số phận của nông dân đã thay đổi (điều này những anh chị em Việt kiều trước kia là nông dân nghèo, năm 1939-1940 bị thực dân Pháp bắt sang châu Âu, nay trở về quê đều thấy rõ), ở đây tuy không dễ dàng, nhưng có khả năng con đường tiến tới một tương lai tất đẹp.
Tôi không muốn áp đặt kết luận ấy cho ai cả, chỉ mong anh chị em về nước không chỉ dạo quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà bỏ thời giờ về thăm các làng xã, suy nghĩ về những bước đường đã qua, và nay mai sẽ phải đi của nông thôn ta, của dân tộc. Nếu chỉ quanh quẩn ở thành phố không thể nào hiểu rõ đất nước.