V. MỘT DÃY NÚI - MỘT CON ĐƯỜNG

Chúng ta đã theo đường quốc lộ số 1, đi từ Bắc vào Nam, chạy qua một chuỗi đồng bằng, dọc theo bờ biển, nhưng từ biển vào, nhiều khi những "khách không mời" lại hay đến chiếm đóng những cánh đồng phì nhiêu, quân Minh vào thế kỷ XV, quân Pháp - Mỹ vào thế kỷ XIX -XX, giao lưu Bắc Nam tắc nghẽn. Phải mở một con đường thứ hai song song với con đường 1- A kia, phải có đường 1-B, huyết mạch của dân tộc phải tiếp tục được lưu thông.
Từ Bắc vào Nam về phía Tây là cả một khối núi rừng kéo dài trên 1.000km, mang một tên đầy ý nghĩa, dãy Trường Sơn. Núi cao, dốc đứng, rừng rậm âm u, đầy rắn độc, muỗi vắt, cọp beo, ở đây sốt rét hoành hành, chỉ cần một trận mưa rào là sông suối tràn ngập, lôi cuốn tất cả cây cối, người vật không thương tiếc. Chính những rừng núi ấy, bình thường là chướng ngại vật, lại trở thành những con đường giao liên, mắt địch không thể nhìn thấy, chân địch không thể mò đến, mỗi khi địch cắt ngang con đường ven biển.
Nếu Lê Lợi mới sử dụng một khúc ngắn của con đường ấy, từ Lam Sơn luồn về Nghệ An, nếu đoàn quân của Hàm Nghi chỉ mở một đoạn từ miền tây Thừa Thiên đến Quảng Bình, nếu đường liên lạc trong kháng chiến chống Pháp mới chạy qua rừng núi Trị Thiên và Quảng Bình để nối liền quân khu V và liên khu IV qua Hòa Bình đi lên Việt Bắc, thì đến kháng chiến chống Mỹ, nhân dân ta đã phải mở một con đường chạy suốt từ Bắc vào Nam. Một con đường mà nay cả thế giới đều biết tên: đường mòn Hồ Chí Minh. Một con đường nhiều người nhắc đến như huyền thoại vì chưa hình dung nổi nơi đây đã xảy ra những gì. Du lịch đã bắt đầu dẫn khách tham quan một vài đoạn, nhưng chắc trong vài năm nữa, chúng ta sẽ dễ dàng di lại trên con đường ấy, mỗi chúng ta sau khi đi hết đường 1 A rồi bắt buộc cũng phải đi hết đường 1 B này để hiểu cho hết đất nước. Chúng ta rời Hà Nội tiến về phía tây tới các vùng Chùa Hương, Lương Sơn, Hòa Bình, rồi xuôi nam đến Vụ Bản, Nho Quan, Tam Điệp, Đồng Giao (nơi tiếp giáp hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa). Đây là vùng rìa của dãy núi Tây Bắc, gồm những núi đá vôi đầy hang động. ở đây, giữa một thung lũng sâu và kín, con người qua lại khó khăn, còn tồn tại một khu rừng nguyên thủy, nay được quy định là rừng cấm quốc gia. Đó là rừng Cúc Phương, hầu như chưa bị con người đụng đến, có những cây đến một ngàn tuổi, rừng có bốn - năm tầng cây, cành cây có khi cao đến ba - bốn mét, có những thực vật, động vật hiếm thấy, đúng là một nơi lý tưởng cho những nhà nghiên cứu về rừng nhiệt đới. Không xa đó là di tích lịch sử Hoa Lư, cả hai nơi này đều có khả năng tiếp nhận du khách.
Từ Vụ Bản, Lương Sơn đến Hồi Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) rừng núi ở đây là nơi cư trú của đồng bào Mường. Đây là con đường liên lạc giữa Thanh Nghệ (tức khu IV) với Việt Bắc vào thời chống Pháp. Từ đây ta tiến về Nghệ An, đến Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ thăm những nông trường chè, cam, cà phê, cao su vì đây là một vùng đất ba dan, rồi vượt qua sông Cả, đi vào đất Hà Tĩnh, theo dọc sông Ngàn Sâu (một chi nhánh của sông Cả), con đường chạy song song với dãy Trường Sơn qua huyện Hương Khê, căn cứ của Phan Đình Phùng. Con đường sắt từ Vinh cũng hướng về phía Tây. tránh những cửa sông lớn và dãy Hoành Sơn để vươn mình đi từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình. Vào tỉnh này, gặp vùng núi Kẻ Bàng, khối núi đá vôi lớn nhất ở nước ta (10.000 km2), đường xe chạy dưới những vách đá cao đến tám trăm mét, và những người dân sống trong thung lũng sâu phải gùi trên lưng những con bê, con nghé vào để nuôi. Đây có động Phong Nha, gồm mười bốn buồng nối liền bởi một hành lang một ngàn năm trăm mét và theo nhiều hành lang phụ, có thể dẫn tới nhiều hang động khác. Con sông Chài chảy qua các hang động, có những nơi chưa ai đặt chân đến. Trong một vài buồng, còn di tích văn bia của người Chàm xưa. Phía nam núi Kẻ Bàng cũng trong tỉnh Quảng Bình là vùng núi Ba Rền, U Bò với những đỉnh trên một ngàn mét. Anh chị em trong thời đánh Pháp đi từ khu V ra Bắc đều nhắc lại những chặng đường gian lao qua dốc Ba Rền, U Bò, Khe ngang.
Đến Bình Trị Thiên, tiếp những dãy núi cao là vùng núi thấp, vùng nguồn của những con sông Bến Hải, Thạch Hãn, sông Hương. Con đường số chín từ Đông Hà qua đèo Lao Bảo (350) sang Lào đến Sê Pôn, đến cầu Đa-krông, đường Hồ Chí Minh đến ngang đường số chín. Trong vùng có những thung lũng A Lưới, A Sầu, Khe Sanh nổi tiếng trong thời chống Mỹ. Ở đây cũng thấy rõ tác hại của chiến tranh hóa học, cây cỏ, côn trùng, tôm cá đều bị tiêu diệt và để xây dựng lại hệ thống thực vật, động vật phải đem giống từ các nơi khác về.
Dù sao Mỹ cũng không thể phá hết toàn bộ rừng núi của ta, và Trường Sơn ở dưới độ cao tám trăm mét, ta vẫn gặp loại rừng kín, được gọi là rừng thường xanh mưa nhiệt đới, có nhiều tầng, tầng cao lên ba mươi- bốn mươi mét tạo thành một vùng lá che hết ánh sáng, rồi đến các tầng nhỡ, tầng bụi, và thảm cỏ dại luôn luôn ẩm ướt, có nhiều cây đầy gai sắc như dao, những cây ký sinh chận đường, dưới đất cành lá mục ngổn ngang ẩm ướt, nhung nhúc kiến và sâu bọ khác. Gỗ quí không thiếu: từ Hà Tĩnh trở ra là lim, táu lát hoa, chò chỉ, từ Quảng Bình trở vào là gụ, táu, trầm hương, kim giao... Trường Sơn phía Bắc là nơi gặp gỡ của hai luồng thực vật di cư, luồng từ Hymalaya sang Vân Nam, luồng từ Mã Lai lên vì vậy rất phong phú về thực vật, động vật. Hà Tĩnh còn có truyền thống nuôi hươu.
Tháng hai năm 1965, khi Mỹ bắt đầu tấn công miền Bắc, tôi đang ở Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chưa kịp nghe rít một tiếng thì bom đã rơi và máy bay từ biển đâm vào đã vụt qua Trường Sơn biến mất. Quả là mảnh đất eo hẹp này, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân kéo dài ba trăm ki lô mét, được các nhà chiến lược Mỹ gọi là "cán xoong" khó mà bảo vệ. Trên con đường 1 A từ Vinh trở vào khó có một chiếc xe nào lọt qua những trận bom hạm đội Bảy ngày đêm đổ xuống. Từ Vĩnh Linh đến Kỳ Anh, không một làng nào còn nguyên vẹn, một khúc đường nào, một chiếc cầu nào sót lại. Địch còn chiếm cả đường số chín, từ biển đến biên giới Lào, Thái Lan, không những con đường Bắc Nam tắc nghẽn, mà giao lưu giữa ba nước anh em Việt Nam, Lào, Campuchia cũng bị cắt đứt.
Từ 1959, khi đồng bào miền Nam bắt đầu khởi nghĩa chống Mỹ, việc liên lạc với miền Bắc đã trở nên thiết yếu. Một đơn vị nhỏ mang số hiệu 559 (tháng 5/ 1959) được giao phó nhiệm vụ mở con đường giao liên Bắc Nam qua đãy Trường Sơn. Đây là những chiến sĩ phần đông đã tham gia chống Pháp ở miền Nam, thời ấy họ đã lần mò theo các con đường mòn qua rừng núi đặt liên lạc với miền bắc. Họ không chỉ nắm rõ địa hình, quí hơn nữa họ đã lôi kéo được nhân dân địa phương, đồng bào thiểu số sống trên Trường Sơn về với cách mạng. Nhờ vậy, tìm ra đường đi lối về nơi trú ẩn giữa rừng núi không phải là không làm được. Họ ra đi, ba lô trên vai, súng đạn cơm gạo đều mang lấy, qua sông Bến Hải là bỏ xe cộ đi vào rừng rậm. Cho đến 1964, cuộc chiến đấu trong Nam chưa đòi hỏi quá nhiều phương tiện, con đường cũng mới chỉ dùng để liên lạc, vẫn chỉ là đường mòn, người thì đi bộ, một ít hàng thì gùi trên vai, hay dùng xe thồ, dùng voi cũng đủ. Khó khăn chủ yếu là bệnh tật, nhất là sốt rét.
Nhưng rồi Mỹ đổ bộ vào miền Nam; lính Mỹ lên quá nửa triệu, cộng với mười vạn quân chư hầu khác. Không thể bỏ đồng bào miền Nam chiến đấu đơn độc, không thể không tiếp tay cho anh em Lào, Camphuchia. Không phải chỉ một ít người qua lại, và vài tấn thuốc men phải được đưa vào mà hàng vạn người, hàng triệu tấn súng đạn, cơm gạo, thuốc men... Những con đường mòn phải chuyển thành những đường cho xe cơ giới. Câu chuyện huyền thoại về Trường Sơn bắt đầu với những cuộc hành quân lặng lẽ của các đơn vị nhỏ, khoác những cành lá ngụy trang, với những dấu chân mà người ta cẩn thận xoá sạch sau những lần đi qua, chuyển sang một giai đoạn mới. Phải tạo ra một mạng lưới đường ô- tô, vượt qua sông, núi, xuyên qua rừng, phải làm cầu làm cống, xẻ núi đào hầm, xây dựng kho tàng, trạm cứu thương rồi bệnh viện.
Tất cả phải làm dưới mắt của đội không quân hùng mạnh nhất của thế giới, trực thăng, máy bay trinh sát 24 tiếng trên 24 lượn qua lượn lại, phát hiện dấu vết gì, vài phút sau máy bay ném bom uà tới giội bom, đạn, rốckét, napalm, chất hóa học làm trụi khu rừng, làm sạt từng mảng đường, đánh sập cầu cống.
Ban đêm địch thả pháo sáng như ban ngày, đường nham nhở hố bom, từng mảng núi đổ sụp lên mặt đường, bom bi, bom nổ chậm, mìn máy điện tử rải khắp, rừng cháy trơ trụi không còn che giấu những đoàn xe, đoàn người lũ lượt kéo qua. Địch làm gì thì làm, con đường phải được thông suốt, đồng bào miền Nam phải nhận được tiếp viện đầy đủ không thể nào khác.
Họ từ Thái Bình, Hưng Yên từ Cao Bằng, Lào Cai, từ Thanh - Nghệ Tĩnh, mấy vạn thanh niên, nữ đông hơn nam (vì nam nhập ngũ) bám lấy con đường, từ Hà Tĩnh đến tận Lộc Ninh cắm lán đào hầm hai bên đường, với cuốc xẻng, xe đẩy tay, đòn gánh, rổ tre. Máy bay Mỹ đến, họ tạm núp xuống hầm đào cạnh đường, máy bay vừa đi là họ lại nhảy ra, lấp hố bom, chữa quãng đường sụp lở, đi tìm bom nổ chậm tháo kíp, con đường lại thông, thanh niên xung phong lại hướng dẫn những đoàn người, đoàn xe qua khúc đường mà đơn vị họ chịu trách nhiệm.
Những chiếc xe tải bị địch phát hiện chỉ có cách là chạy thật nhanh trên những con đường đầy hố bom, qua những cầu ngầm bằng đá chìm dưới mặt nước, chạy đường thẳng, chạy qua những đường ngang, chiếc nào chết máy giữa đường là phải cho đổ xuống vực dọn đường cho đoàn xe đi qua. Xe vỡ kính, mang hàng chục vết đạn vẫn chạy, đêm chạy không đèn, ngày đi mười cây số, mười lăm cây số, cuối cùng gạo vải, thuốc men, đạn, pháo và những bộ phận của xe tăng được chở đến tận cửa ngõ Sài Gòn.
Những con sông chảy qua những núi rừng không một bóng người cũng được sử dụng; lương thực đạn dược, gói vào những túi chất dẻo thả trôi theo dòng, rồi ba mươi, năm mươi ki lô mét sau được vớt lên. Chiến tranh mở rộng, xe cơ giới vào trận, nhu cầu xăng nhớt ngày càng tăng. Xe chở dầu dễ bốc cháy, đám cháy uy hiếp cả một đoàn xe. Một câu chuyện lạ lại xảy ra: Trung tâm tình báo hỗn hợp của Mỹ cho biết là từ tháng tám năm 1968, tại một địa điểm cách Vinh hai mươi ki lô mét một đoạn ống dẫn dầu dài ba mươi ki lô mét. Ống lấy ở đâu? kỹ sư nào, công nhân nào? Làm sao xây dựng được dưới bom đạn không ngừng của Mỹ? Ống do các nhà máy cơ khí miền Bắc làm ra, công nhân kỹ sư là Việt Nam, máy bay Mỹ giội bom ngày đêm vẫn làm, rồi qua rừng qua núi, qua suối qua đèo đường ống dẫn dầu ngày cứ kéo dài ra. Có những máy bơm được tháo ra từng bộ phận rồi được gùi lên những đỉnh núi lắp lại, có những nơi chính nông dân gùi đất lên để chôn ống dầu. Hồ sơ của địch để lại cho thấy mấy trăm ảnh từ máy bay chụp xuống đâu là đường ống vắt qua núi, đâu là trạm bơm, đâu là kho xăng, nhưng vẫn chưa tả hết vì đường ngang đường dọc, đường trèo lên núi, đường chui dưới lòng sông, xuyên qua rừng cộng lại tất cả đến năm ngàn ki lô mét.
Năm ngàn ki lô mét ống dẫn dầu, với gần mười lăm ngàn ki lô mét đường ô tô, đường trục dọc, trục ngang, đường vượt khẩu, đường vòng tránh các trọng điểm thường bị oanh tạc, đường kín được ngụy trang cẩn thận - đến 1975 đã trải nhựa bảy mươi ba ki lô mét - vận chuyển 1,3 triệu tấn (năm 1975 đạt hai mươi triệu tấn trên ki lô mét). Lực lượng phòng không đã phải đánh lại hơn một trăm ngàn lẩn máy bay Mỹ, bắn rơi hơn hai ngàn chiếc, lực lượng bộ binh truy lùng và diệt biệt kích thám báo gần mười tám ngàn tên.
Nếu lương thực, súng đạn được chuyển bằng xe, thì con người qua lại chủ yếu dùng đôi chân, để tránh bị máy bay phát hiện. Mà đâu có ít người? Riêng số công nhân, thanh niên xung phong làm và sửa chữa đường, lực lượng bảo vệ, giao liên, y tế, cộng lại đã hơn một trăm ngàn; còn từ Bắc đi vào, từ Nam đi ra tổng cộng hai triệu lượt người, đủ ngành nghề, trai gái, già trẻ. Có những thương binh phải trở ra Bắc, ngoài bộ đội, có cán bộ dân sự chuyên môn vào giúp các vùng giải phóng, có nhà văn, những bác sĩ y tá, những nhà khoa học, có những đoàn ca hát từ Hà Nội, từ thành phố miền Bắc vào khu giải phóng biểu diễn. Chị A, anh T kể lại: chúng tôi học ở Pháp, năm 1960 về Hà Nội công tác, năm 1965 đáp lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam xin về Sài Gòn công tác trong thành, vì chúng tôi là dân thành phố ấy, phố xá quen thuộc. Ra một vùng đồi núi không xa Hà Nội lắm. Ngày tập leo núi vai mang lúc đầu mười ki lô sau tăng dần lên hai mươi, ba mươi. Luyện vài tháng rồi lên đường. Xe đưa đến Vĩnh Linh, từ đó lội bộ, qua rừng qua núi đi từng chặng theo gót anh chị giao liên. Sốt rét nằm lại, mưa lũ nằm lại, địch đánh nằm lại, nằm năm bảy ngày hay vài tuần, sáu tháng sau đến ven thành phố Sài Gòn. Bao nhiêu người đi ra, bao nhiêu người đến, bao nhiêu người hy sinh trên con đường ngàn dặm ấy? Từ 1964 bộ chỉ huy Mỹ đã đặt vấn đề cắt đứt liên lạc Bắc Nam thành mục tiêu chiến lược hàng đầu. Nhưng rồi Taylor, tổng tham mưu trường đành kết luận: "Chúng ta đánh giá thấp quyết tâm hy sinh của người Việt Nam. Tất cả cố gắng của chúng ta nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh đều vô ích".