Bản dịch Thái Độ
Chương IV
KAPP, HAY LÀ CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG BA CHỐNG MARX

"Chúng ta, vốn đặt tin tưởng ở một cuộc cách mạng tại Balan, và cuộc cách mạng này đã không xẩy đến", đó là lời tuyên bố của Lénine với Clara Zetkin vào mùa thu 1920. Đối với những người như Sir Rumbold cho rằng rối loạn là điều cần thiết nhất trong mọi tình thế thuận lợi để đảo chính, thì lý do nào biện minh những phần tử bạo động cách mạng Balan? Sự hiện diện của quân đội Trotzky trên ngưỡng cửa Varsovie và sự suy yếu cùng cực của chính phủ Witos cùng tinh thần dấy loạn của dân chúng không là những tình thế thuận lợi cho một âm mưu cách mạng hay sao? Balachovitch đã nói: "Bất cứ một tên ngu ngốc nào cũng có thể chiếm đoạt quyền hành". Vậy mà vào năm 1920 không chỉ ở Balan mà toàn châu Âu đầy rẫy những kẻ ngu ngốc như vậy. Như vậy tại sao lại không hề xẩy ra một âm mưu đảo chính tại Varsovie, kể cả từ phía người Cộng sản?
Kẻ duy nhất không mang ảo vọng về khả năng thực hiện cách mạng ở Ba lan, đó là Radek. Chính Lénine đã thú nhận tình trạng này với Clara Zetkin. Radek đã hiểu sự bất lực của những phần tử cách mạng bạo động của người Ba lan và quan niệm rằng cuộc Cách mạng ở đây phải được tạo ra một cách giả tạo, từ bên ngoài. Radek cũng không vọng tưởng ở các phần tử bạo động cách mạng ở các quốc gia khác. Diễn tiến các biến cố đã xẩy ra tại Ba lan vào mùa hè 1920 không những phơi bầy tình trạng bất lực của các phần tử cách mạng bạo động tại Ba lan mà còn phơi bày sự bất lực của các phần tử ấy ở toàn thể châu Âu nữa.
Bất cứ kẻ vô tư nào nhận định tình hình châu Âu vào những năm 1919 và 1920 không thể không tự hỏi bởi phép lạ nào mà Âu châu đã có thể thoát khỏi một cuộc khủng hoảng cách mạng trầm trọng đến thế. Trong hầu hết các nước, giới trưởng giả tự do đã tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ Quốc gia. Phương pháp bảo vệ của họ bao gồm và chỉ bao gồm việc áp dụng thuần túy và đơn giản mạng lưới cảnh sát công an, phương pháp mà vào bất cứ lúc nào, và cho đến ngày nay, người ta đều ưa dùng dù là các chính phủ độc tài hay chính phủ tự do. Nhưng sự bất lực của giới trưởng giả trong việc bảo vệ quốc gia đã được bù trừ bởi sự bất lực của các đảng Cách mạng trong việc sử dụng một chiến thuật tấn công tân kỳ chống phương pháp phòng vệ cổ hủ của các chính phủ và chống lại các biện pháp cảnh sát bằng một kỹ thuật cách mạng.
Ngưởi ta cũng ngạc nhiên thấy rằng vào năm 1919 và năm 1920, trong thời kỳ khủng hoảng cách mạng trầm trọng nhất ở châu Âu, những phần tử cách mạng bạo động của phe hữu cũng như phe tả đều không biết lợi dụng kinh nghiệm của cuộc cách mạng Bôn sê vích.
Họ thiếu hiểu biết về phương pháp, chiến thuật và kỹ thuật mới về đảo chính mà Trotzki đã từng cho bài học kiểu mẫu đầu tiên. Quan niệm chiếm đoạt quyền hành của họ, là một quan niệm lỗi thời chắc chắn dẫn dắt họ đến địa thế do chính đối phương đã lựa chọn, làm hao mòn các hệ thống và khí cụ mà bất cứ chính phủ yếu hay thiển cận nào cũng có thể chống lại thành công bằng những hệ thống và khí cụ cổ điển thường dùng để bảo vệ quốc gia.
Tình hình cách mạng của châu Âu đã chín muồi, nhưng các đảng cách mạng tỏ ra không biết lợi dụng tình thế thuận lợi cũng như những kinh nghiệm của Trotzky. Đối với họ thành công của cuộc khởi loạn Bôn sê vích tháng mười năm 1917, thành công chỉ vì những điều kiện đặc biệt của nước Nga và do những lỗi lầm của Kérenski. Họ không thấy rằng Kérenski có uy quyền hầu khắp các quốc gia châu Âu; họ không hiểu rằng trong quan niệm và trong sự thực hiện cuộc đảo chính. Trotzky không may (mấy?) để ý đến những điều kiện đặc biệt đó. Sự mới mẻ do Trotzky sáng tạo trong chiến thuật khởi loạn, chính là không thèm đếm xỉa đến tình trạng chung trong nước. Chỉ có những sai lầm của Kérenski là ảnh hưởng tới quan niệm và sự thực hiện cuộc đảo chính Bôn sê vích. Cho dù tình hình nước Nga có khác thế, chiến thuật của Trotzky vẫn không thay đổi.
Những sai lầm của Kérenski hồi đó vẫn là đặc điểm của giới tư sản tự do ở châu Âu ngày nay. Sự yếu kém của các chính phủ thật tồi tệ: Vấn đề tồn tại của họ chỉ còn là một vấn đề cảnh sát công an. Tuy nhiên các chính phủ tự do đã có cái may mắn là những phần tử cách mạng bạo động cũng coi cách mạng như một vấn đề cảnh sát công an.
 
Cuộc đảo chính của Kapp là một bài học cho những ai quan niệm chiến thuật cách mạng như một vấn đề chính trị chứ không phải là kỹ thuật.
Trong đêm 12 rạng ngày 13 - 3 - 1920, vài sư đoàn từ Baltique, tập trung gần Bá linh dưới mệnh lệnh của đại tướng Von Luttwitz, gởi một tối hậu thư cho chính phủ Bauer, hăm dọa chiếm thủ đô nếu chính phủ không trao lại quyền hành cho Kapp. Mặc dù Kapp tự phụ tự cho mình là làm một cuộc đảo chánh  bằng đường lối nghị viện và mình là Siéyès của Von Luttwitz, nhưng ngay lúc khởi đầu, mưu toan cách mạng của ông  vẫn giữ khuôn mặt cổ điển của một cuộc đảo chính quân sự rõ rệt ngay trong quan niệm cũng như trong hành động.
Trước mệnh lệnh trên của Von Luttwitz, chính phủ Bauer đã từ chối và xử dụng những biện pháp cảnh sát cần thiết để bảo vệ quốc gia và giữ trật tự công cộng. Trong trường hợp như vậy, thường thường chính phủ đối kháng với quan niệm quân sự bằng một quan niệm cảnh sát; cả hai đều giống nhau và chính vì đó đã làm mất đi tính chất cách mạng của cuộc khởi loạn quân sự. Cảnh sát bảo vệ quốc gia như thể bảo vệ một thành phố, quân đội tấn công quốc gia như thể đó là một pháo đài.
Biện pháp cảnh sát của Bauer là dựng chướng ngại vật trên các công trường, các đường phố chính và chiếm đóng các công thự. Von Luttwitz tiến hành cuộc đảo chính bằng cách đưa các toán quân của mình thay thế các phân đội cảnh sát án ngữ các ngã ba đạo lộ, các lối dẫn đến các công trường, trước trụ sở quốc hội Reichstag và trước các bộ ở khu vực Wihelmstrasse. Vài giờ sau khi vào được thành phố, Von Luttwitz đã làm chủ tình hình. Cuộc chiếm đóng thành phố đã hoàn tất không đổ một giọt máu, đều đặn như một vụ đổi phiên gác. Nhưng nếu Von Luttwitz là một nhà quân sự thì Kapp, nguyên cựu tổng giám đốc Nông nghiệp, lại là một công chức cao cấp, một thư lại. Trong lúc Von Luttwitz tin đã chiếm chính quyền bằng hành động duy nhất là thay thế cảnh sát bằng binh đội riêng của mình trong các công sở an ninh công cộng thì Kapp, vị thủ tướng mới quan niệm rằng sự chiếm đóng các Bộ đủ để bảo đảm sự chuyển vận bình thường của guồng máy Quốc gia và tấn phong tính cách hợp pháp cho chính phủ cách mạng.
Vốn là kẻ tầm thường nhưng có nhiều lương tri, hiểu rất rõ các tướng lãnh và công chức cao cấp của chế độ Reich nên ngay buổi đầu, Bauer đã biết rằng chống đối lực lượng quân sự đảo chính của Von Luttwitz là vô ích và nguy hiểm. Sự chiếm đóng Bá linh bởi những đoàn quân Baltique là điều không thể tránh được. Cảnh sát không thể chiến đấu nổi với binh lính thiện chiến: cảnh sát chỉ là một vũ khí có khả năng chống lại những âm mưu và những vụ nổi dậy vô tổ chức, nhưng chống với các tay lão luyện, nó chẳng có nghĩa gì. Khi những chiếc mũ sắt xuất hiện, phân đội cảnh sát án ngữ lối vào khu Wihelmstrasse đã đầu hàng quân nổi loạn. Ngay chính Noske, một người đầy nghị lực, kẻ tán thành chủ trương chống cự đến cùng, khi được tin về sự rã ngũ đầu tiên, cũng đã quyết định tán thành thái độ của Bauer và các bộ trưởng khác. Nhược điểm của chính phủ cách mạng, theo Bauer suy luận, chính là bộ máy nhà nước. Bất cứ ai đình chỉ bộ máy hay chỉ ngăn các chuyển vận, cũng đã là đập thấu tim chính phủ Kapp. Muốn làm ngưng trệ Quốc gia, phải làm tê liệt mọi sinh hoạt công cộng.
Thái độ của Bauer là thái độ của một người tiểu tư sản được giáo huấn ở trường phái Marx. Chỉ một kẻ trưởng giả ở giai cấp trung lưu, một kẻ tiêm nhiễm những tư tưởng xã hội có thói quen xét đoán con người và những sự kiện xa lạ nhất căn cứ vào tâm lý, vào giáo dục và quyền lợi với bản chất khách quan và hoài nghi của một công bộc quốc gia, mới có thể mang một dự tính táo bạo làm đảo lộn sâu xa và mãnh liệt sự sinh hoạt công cộng, để ngăn trở Kapp củng cố quyền hành bằng việc sử dụng trật tự đã có.
Chính phủ Bauer, trước khi rời Bá linh để ẩn náu ở Dresde, đã kêu gọi giới vô sản, hô hào thợ thuyền tuyên bố (đình công?). Quyết định của Bauer đã tạo cho Kapp một tình thế hiểm nguy. Cuộc phản công của các lực lượng vẫn trung thành với chính phủ hợp pháp Bauer đối với Kapp còn ít nguy hiểm hơn là một cuộc tổng đình công, bởi vì quân đội Von Luttwitz sẽ dễ dàng thanh toán các lực lượng đó. Nhưng làm thế nào ép buộc đám thợ thuyền khổng lồ đó đi làm việc trở lại?
Chắc chắn không phải bằng vũ lực rồi. Vào buổi trưa ngày 13.3, Kapp còn tin tưởng còn làm chủ được tình hình, thì ngay buổi chiều hôm đó đã trở nên tù nhân của một kẻ thù không ngờ tới. Trong vài giờ, sinh hoạt Bá linh đã tê liệt. Cuộc đình công lan tràn khắp nước Phổ. Thủ đô ngập chìm trong bóng tối; các con đường trung tâm thành phố vắng ngắt; sự yên tĩnh tuyệt đối bao trùm khu ngoại ô thợ thuyền.
Tê liệt đã bóp chết các công sở: cả những y tá cũng rời bỏ bệnh viện. Giao thương giữa nước Phổ và phần nước Đức còn lại cũng đình trệ; chỉ sau buổi trưa vài giờ, Bá linh đã thấy đói. Về phần giới vô sản, không một cử chỉ bạo động, không một hành động phiến loạn nào. Thợ thuyền rời khỏi nhà máy rất lặng lẽ. Sự rối loạn đã xẩy ra cùng khắp.
Trong đêm 13 rạng 14 tháng 3, Bá linh như chìm đắm trong giấc ngủ say. Tuy nhiên ở khác sạn Adlon, trụ sở những phái bộ Liên minh, mọi người thấp thỏm chờ đợi những biến chuyển quan trọng cho đến sáng. Thủ đô lúc bình minh không có bánh mì, không nước, không báo chí, nhưng vẫn yên tĩnh. Trong các khu dân cư, chợ búa vắng ngắt; sự đình chỉ vận chuyển hoả xa đã cắt đứt lương thực cung cấp cho thành phố. Và cuộc đình công như vết dầu loang tràn trong mọi công, tư sở. Các điện thoại viên, điện tín viên không có mặt ở nơi làm việc; các ngân hàng, tiệm buôn và quán giải khát vẫn đóng cửa. Ngay một số công chức trong các bộ cũng không thừa nhận chính phủ cách mạng. Bauer đã tiên đoán được sự lây lan này. Bất lực trong phản ứng chống lại sự đối kháng thụ động của thợ thuyền, Kapp cầu cứu các kỹ thuật gia và công chức tin cậy để ráng sức cho chạy các bộ phận tế nhị nhất của guồng máy công vụ; nhưng đã quá muộn. Sự tê liệt đã lan tràn đến ngay cả guồng máy Nhà nước.
Quần chúng thợ thuyền các khu ngoại ô không còn giữ thái độ yên tĩnh của những ngày đầu: những dấu hiệu thiếu kiên nhẫn, lo âu và nổi loạn phát lộ đó đây. Những tin tức dồn dập từ các tiểu bang miền nam đã đặt Kapp trong sự chọn lựa, hoặc đầu hàng nước Đức đang bao vây Bá linh, hoặc thường lại Bá linh đang cầm tù chính phủ bất hợp pháp. Phải trao quyền hành lại cho Bauer hay giao cho Ủy ban lao động đã đang là chủ nhân các khu ngoại ô? Cuộc đảo chính chỉ đem lại cho Kapp quốc hội Reichstag và các bộ. Tình hình mỗi lúc mỗi tồi tệ hơn: chính phủ cách mạng không còn lấy một yếu tố, một cơ hội nào để đánh một lá bài chính trị. Liên lạc tiếp xúc với các đảng tả phái và ngay đối với các đảng hữu phái dường như là điều không thể được nữa. Một hành động bạo lực chắc hẳn sẽ đưa tới những hậu quả không thể tưởng được... Vài mưu toan của quân đội Von Luttwitz để ép buộc thợ thuyền làm việc trở lại chỉ làm cho máu chảy vô ích. Những bài học đầu tiên tìm thấy trên đường phố: lỗi lầm tai hại nhất của một chính phủ cách mạng là đã quên chiếm cứ các trung tâm điện lực và các nhà ga xe lửa.
Giới thượng lưu đó đã để lại một vết hoen rỉ không xóa mờ được trên bộ máy nhà nước. Sự bắt bớ vài viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao vào buổi chiều thứ ba đã cho thấy sự vô kỷ luật đã làm tan rã chế độ thư lại với mức độ như thế nào. Ngày 15-3, ở Stuttgart, nơi Quốc hội được triệu tập, Bauer bày tỏ cùng Tổng thống Ebert khi thông báo tin tức về những sự kiện đẫm máu ở Bá linh: "Lỗi lầm của Kapp, chính là đã làm rối loạn sự mất trật tự"
Kẻ làm chủ tình hình là Bauer, kẻ tầm thường Bauer, một kẻ mẫu mực, là kẻ duy nhất hiểu rằng muốn chiến đấu chống lại âm mưu cách mạng của Kapp thì vũ khí quyết định, đó là sự rối loạn. Một kẻ bảo thủ thấm nhuần nguyên tắc quyền bính, một kẻ có tự do tôn trọng pháp luật, một kẻ dân chủ trung thành với quan niệm đại nghị trong đường lối đấu tranh chính trị, hẳn là không bao giờ dám gây ra sự can thiệp bất hợp pháp của quần chúng vô sản và ủy thác việc bảo vệ nhà nước cho một cuộc tổng đình công.
Trong tác phẩm Le Prince, MACHIAVEL đã cực lực hô hào dân chúng giúp sức để ngăn một cuộc tấn công bất ngờ, một âm mưu của hoàng cung. Tuy nhiên, Le Prince của Machiavel chắc chắn còn bảo thủ hơn một Tory trong thời kỳ nữ hoàng Victoria, dù rằng quốc gia đã không dự phần vào, bằng những thành kiến luân lý hay bằng nền giáo dục chính trị. Nhưng ông đã được giáo huấn do những bài học kinh nghiệm đầy trong lịch sử, của những chế độ độc tài: tại Âu châu, Hy lạp, và các lãnh chúa nước Ý thời Phục hưng. Trái lại, trong tinh thần truyền thống của các chính phủ, bảo thủ hay tự do, của châu Âu hiện đại, ý niệm về nhà nước không chấp nhận trông cậy ở bất cứ một hành động bất hợp pháp nào của quần chúng vô sản, dù cho hiểm nguy có là thế nào. Sau này ở Đức, người ta tự hỏi thái độ của Stresemann sẽ là thế nào nếu ở trong tình trạng của Bauer. Chắc chắn rằng Stresemann sẽ xem hành động Bauer hô hào giai cấp vô sản ở Bá linh là một phương sách rất bất xứng.
Ở đây, phải hiểu rằng giáo dục mác xít hiển nhiên đã khiến cho Bauer không hề ngần ngại trong sự lựa chọn phương tiện để chống lại một mưu toan cách mạng. Ý tưởng sử dụng cuộc tổng đình công như một khí giới hợp pháp của các chính phủ dân chủ để bảo vệ quốc gia chống lại một cuộc tấn công bất ngờ của phe quân sự hoặc phe cộng sản, không thể nào xa lạ đối với một kẻ được giáo dục bằng lý thuyết Marx. Bauer đã là kẻ đầu tiên áp dụng một trong những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa mác xít trong việc bảo vệ một quốc gia tư sản. Bài học kinh nghiệm này đã có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử cách mạng thời đại chúng ta.
Ngày 17-3 khi Kapp tuyên bố trao trả quyền hành vì lý do "nước Đức đang trong tình thế cực kỳ trầm trọng, mọi đảng phái, mọi công dân nhất thiết phải đoàn kết tạo thành một mặt đối phó với nguy cơ cách mạng của Cộng sản", niềm tin của dân chúng Đức đối với Bauer trong suốt 5 ngày có chính phủ bất hợp pháp đã nhường chỗ cho nỗi lo lắng và sợ hãi. Đảng Xã hội không còn kiểm soát được cuộc tổng đình công, và những kẻ làm chủ thực sự tình thế lại là những người Cộng sản. Vài khu ngoại ô Bá linh đã tuyên cáo theo chế độ Cộng hoà đỏ. Các Ủy ban Lao động thành lập hầu hết khắp nước Đức. Tại vùng Saxe và Ruhr, cuộc tổng đình công chỉ là màn khởi đầu của cuộc khởi loạn. Quân lực Đức đã đối đầu với một quân đội Cộng sản thực sự, trang bị trung liên và đại bác. Bauer sẽ làm gì? Cuộc tổng đình công đã lật đổ Kapp, cuộc nội chiến sẽ cuốn trôi Bauer?
Trước nhu cầu lấy sức mạnh đàn áp cuộc nổi loạn của thợ thuyền, nền giáo dục mác xít trở thành nhược điểm của Bauer: "Nổi loạn là một nghệ thuật", Karrl Marx đã khẳng định như thế. Nhưng đó là nghệ thuật chiếm đoạt quyền hành, không phải là để bảo vệ quyền hành. Mục tiêu của chiến lược cách mạng của Marx là chinh phục quốc gia; lấy đấu tranh giai cấp làm phương tiện. Để giữ vững quyền hành, Lénine đã phải đảo lộn một vài nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa mác xít. Đấy là điều Zinovieff đã nhận thấy khi ông viết "Ngày nay con người Marx thật sự không thể thiếu Lénine". Trong tay Bauer, cuộc tổng đình công là một khí giới bảo vệ chế độ, (bảo vệ nền Cộng hoà?) Reich phải là Quân lực Đức. Quân đội của Von Luttwitz bất lực trước cuộc tổng đình công nhưng chắc thắng cuộc nổi loạn của Cộng sản một cách dễ dàng: nhưng Kapp đã từ bỏ quyền hành ngay vào lúc giới vô sản đem lại cho ông cơ hội đương đầu với cuộc đấu tranh ngay trong chính lĩnh vực riêng của mình. Một lỗi lầm như thế, từ một kẻ phản động như Kapp thực không thể hiểu và không thể biện minh được. Nhưng về phía một kẻ mác xít như Bauer thì sự lầm lỗi không hiểu rằng vào lúc đó, Quân lực Đức là vũ khí hiệu nghiệm duy nhất để chống lại sự nổi dậy của giới vô sản, lại là điều có thể biện minh được về mọi phương diện. Sau những nỗ lực hòa giải vô ích với các lãnh tụ của phe Cộng sản nổi loạn, Bauer trao trả quyền hành lại cho Muller. Kết cuộc buồn bã cho một kẻ khá thật thà và tầm thường.
Âu châu tự do và cách mạng bạo động còn phải học hỏi nhiều ở Lénine và Bauer.