Chương Thứ Ba
THÂN PHẬN

Chính bởi cái bản chất nhã
quí mà phần tử trí thức khi
dấn thân vào thực tế tàn nhẫn
thường bị gạt ra ngoài để mang
cái hình hài thất bại. Hình hài
của Phan Ðình Phùng trước bộ
mặt vô sỉ của Hoàng Cao Khải,
hình hài của Antonio Mella trước
vẻ đắc thắng của tên độc tài
Machado (Cuba), hình hài của
Maiakovsky trước tiếng cười
ngạo nghễ của loại Prissypkine,
hình hài bần hàn trước thái độ
huyênh hoang của bọn bạo lợi.
HAI CHIỀU THÂN PHẬN
Nói đến thân phận phần tử trí thức cần xét trên hai chiều của thân phận.
1) Thân phận cái tôi riêng lẻ.
2) Thân phận liên quan đến giai cấp.
oOo
Thân vô thái phượng song phi dực,
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
Thân phận cái tôi riêng lẻ của phần tử trí thức bắt đầu bằng con người lý tưởng, vì con người lý tưởng đó mà phần tử trí thức thường bất lực trong cuộc đấu tranh thực tế, tâm chất linh thông nhưng lại không có đôi cánh của con phượng hoàng đấy chính là bi kịch của thân phận trí thức.
Tối cao lý tưởng chính trị phương Ðông về vấn đề trị bình thiên hạ là làm sao cho mỗi người đều thành thánh nhân. Thánh nhân chỉ là một điển hình một phạm trù chung cho mọi người. Chính trị không thiên lệch về phía ứng phó với hiện thực, mà chính trị là công cụ lý tưởng để hoàn thành văn hóa nhân sinh. Nếu đem chính trị thoát ly toàn thể con người, đem chính trị vì tâm chất lý tưởng quá hoả biến thành không tưởng, phần tử trí thức không mang vào chính trị cái lạc thú chính trị mà chỉ mang vào cái lạc thú nhân sinh, cho nên phần tử trí thức đối với chính trị vẫn hằng có cái lầm của Ðường Tam Tạng.
Ðường Tam Tạng phải dực vào Tôn Hành Giả cũng như nhân loại cần phải được chính trị bảo vệ. Tôn Hành Giả quay quắt có 72 phép biến hình. Nhờ Tôn Hành Giả nên Ðường Tăng mới qua khỏi nhiều nguy nan mang kinh về. Chính trị biến hóa vô lường có thần thông quảng đại mới đối chọi với bọn Ngưu Ma Vương ở Hỏa Viêm Sơn, cự địch với quạt ba tiêu của Thiêt Phiến Công Chúa. Ðường Tăng chẳng lúc nào không cần thiết có Tôn Hành Giả, cũng như nhân loại không thể thiếu chính trị dù phút chốc. Ðường Tăng cũng biết vậy, nhưng do lý tưởng thúc đẩy Ðường Tăng đã có lần đuổi Tôn Hành Giả đi. Lần ấy là lần Tôn Hành Giả dùng phép quật chết Bạch Cốt Phu Nhân, Ðường Tăng chỉ trông bề ngoài tốt đẹp của Bạch Cốt Phu Nhân mà không biết là con tinh đội lốt nên cho rằng Tôn Hành Giả làm một công việc táng thiên hại lý nên nhất định vất bỏ Tôn Hành Giả. Ðến khi Ðường Tăng đi vào khu rừng tùng đen bị quái Hoàng Bào vây hãm không làm sao ra thoát, vô kế Ðường Tăng phải cho mời Tôn Hành Giả.
Tâm chất lý tưởng và không tưởng khiến cho phần tử trí thức dễ tuyệt vọng với hiện thực chính trị. Cái chết của thi sĩ Vladimir Maiakovsky là một điển hình. Maiakovsky thuộc thế hệ tiền phong của Cách Mạng Tháng 10.
Vì cầm đầu vụ bãi công, Maiakovsky bị đuổi ra khỏi trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật rồi bị tù. Ðược gội rửa bởi nhà giam, thơ Maiakovsky sáng lên với giọng điệu công phá chế độ đưa chàng trở thành nhà thơ cách mạng.
Cách mạng thành công, trong dân chúng lưu truyền rộng rãi câu thơ:
Với tất cả sức lực của thơ,
Ta xin hiến dâng
Cho giai cấp nổi lên mà reo hò tấn công
Nhưng cũng chính Maiakovsky là người đầu tiên tuyệt vọng với chế độ mới. Bởi Maiakovsky trong sạch quá nên chàng không thể chịu đựng nổi sự đau lòng khi trông thấy các chiến sĩ Cộng Sản đang tìm cách tư sản hóa, sự ngộp thở của bộ máy quan liêu đỏ. Chế độ mới không chấp nhận thiên tài dù cho thiên tài ấy đã từng là kẻ dẫn đầu xây dựng chế độ.
Ngày 14 tháng 4 năm 1930, Maiakovsky vừa tròn 36 tuổi lấy súng tự bắn vào đầu, trước đấy ba năm là nhà văn Essinine chết tương tự.
Tại sao các chiến sĩ xã hội, chiến sĩ Cộng Sản cùng lúc lại là bọn côn đồ bóc lột, thích tư hữu. Càng nặng với chủ nghĩa xã hội bao nhiêu lại càng ham vơ vét bấy nhiêu. Tại sao thế?
Ðó là câu hỏi mà Dostoievsky nêu ra, bây giờ nó như nhát búa đập suốt ngày đêm trong đầu óc nhà thơ trẻ tuổi. Ðâu đâu Maiakovsky nhìn thấy bộ mặt tên Prissipkine (nhân vật kịch đại biểu cho người cán bộ Cộng Sản ham giầu sang trong vở "Lũ Rệp" của Maiakovsky). Bây giờ chàng mới hiểu: Chủ nghĩa, lý thuyết, lý tưởng Cộng Sản là một chuyện nhưng đảng Cộng Sản với cái guồng máy quan liêu nặng áp bức lại là chuyện khác. Người ta chỉ có thể là Cộng Sản thuần túy và từ giã đảng để rồi rơi vào tình trạng cô đơn bất lực.
Maiakovsky buồn nản nhận xét nông dân thợ thuyền vẫn rách rưới trong khi các chiến sĩ Cộng Sản đầy quyền uy đi trong xe hơi lộng lẫy, ở tại các lâu đài của Tsar Hoàng.
Cái chết của Maiakovsky là một thảm kịch chính trị. Mặc dầu nhà đương cục tung tin Maiakovsky tự sát vì bị khủng hoảng tinh thần, ông sợ mình đã cạn nguồn sáng tạo, chẳng ai tin.
Không đừng được, Staline phải lên tiếng:
"Maiakovsky mãi mãi là nhà thơ vĩ đại tài ba của kỷ nguyên Sô Viết chúng ta".
Tâm chất lý tưởng và không tưởng biến người trí thức thành Abélard bị thực tế hay thực quyền hoạn thiến.
Abélard giáo sư đầu tiên có những tư tưởng cấp tiến của thời Trung Cổ Pháp, ông dậy thần học ở nhà thờ Ðức Mẹ Paris và ở đây ông sáng lập chủ nghĩa Duy Danh (Nominalisme), ông được nhiều thanh niên Âu Châu tán thưởng. Lúc ấy (1116) quyền tu viện còn mạnh lắm, Giáo Hội không mấy ưa tư tưởng của Abélard.
Héloise vừa mười chín tuổi, nàng mới tốt nghiệp trường nhà dòng và ở với chú là Fulbert quí tộc phong kiến. Héloise đẹp lắm lại nổi tiếng trí thức.
Abélard vận động đến dậy Héloise về môn triết. Hai người yêu nhau. Xã hội thế lực phản đối cuộc tình này. Abélard và Héloise bất chấp, họ cùng nhau bỏ trốn sự nghiệp bỏ trốn gia đình. Họ muốn tìm tự do trong tình yêu. Họ muốn chứng minh tình yêu không phải là kết quả của trái cấm của quỷ cám dỗ. Một đêm kia, Abélard đang nằm ngủ, bỗng số đông người ập tới đè cứng Abélard mà thiến. Ðau khổ Héloise xin vào tu viện còn Abélard bị kẻ thù săn đuổi cho đến phút cuối cùng. Thượng Ðế nhất quyết trừng tội cả hai.
Tâm chất lý tưởng và không tưởng đẩy phần tử trí thức vào tình trạng một kẻ lưu đầy, họ lạc lõng trong cuộc đời thực tế bao vây bởi ngàn vạn phi lý như các nhân vật của Albert Camus (L'exil et son Royaume, L'Étranger) họ là những con thuyền say giữa cuộc đời.
Hình dáng người trí thức đã được các nhà văn lớn miêu tả như Trofimov trong vở kịch Vườn Anh Ðào (Le cerisaie -Antoine Tchekov), mảnh khảnh, đôi mắt buồn rười rượi, mắc bệnh lao nên không kể nóng rét lúc nào cũng có chiếc khăn quàng quấn cổ, thể xác yếu ớt nhưng tinh thần lại tràn đầy sức sống.
- Như Pierre trong tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình (la guerre et la paix -Leon Tolstoi) đại lượng, suy tư tha thiết không thể gần gũi với xã hội quí tộc thối nát.
- Như Mychkine trong tiểu thuyết "Kẻ Ðần Ngu" (L'idiot - Dostoievsky) trong sạch và ngơ ngác trước những bẩn thỉu của đời.
Ðôi khi những "con thuyền say đó" trở thành cuồng sĩ thầy đồ ngông, hoặc họ tự nhận chìm mình trong thú vui ma túy.
NGŨ ÐỘC THƯ
Nếu ai đã từng nghiên cứu về khoa tướng số đều phải biết câu này:
Nhất mệnh
Nhị vận
Tam phong thủy
Tứ âm công
Ngũ độc thư
Người đọc sách hay là phần tử trí thức đã rớt xuống hàng thứ năm không phải là hàng thứ nhất như các nhà trí thức vẫn lầm tưởng đâu. Người đọc sách rớt xuống hàng thứ năm nghĩa là đọc sách có giỏi vẫn thua thằng số tốt, vận tốt, mồ mả tốt và âm đức tốt.
Trên thực tế điều này rất đúng nhưng theo khoa học xã hội người ta có thể giải thích hiện tượng ấy mà không căn cứ vào số tốt, mồ mả tốt, và âm đức tốt. Từ trước tới nay đa số thường nhận lầm phần tử ưu tú (élite) với phần tử trí thức (intellectuel) là một. Dĩ nhiên phần tử trí thức là phần tử ưu tú mà phần tử ưu tú không hề là phần tử trí thức. Nêu không quan niệm được rõ rệt sự khác biệt giữa ưu tú và trí thức rất khó lòng nhận biết tường tận thân phận trí thức.
Danh từ ưu tú để dịch chữ élite ở đây không được chỉnh cho lắm nên cần phải nói thêm rộng cho rõ nghĩa hơn. Ưu tú trong quan niệm của chúng ta qua thói quen thường kiêm nhiệm cả cái nghĩa phẩm hạnh nữa, còn ưu tú ở đây xin hiểu bằng sự loại bỏ phẩm hạnh rồi thu nó vào nghĩa tài giỏi trên mặt nào đó. Ðọc chuyện Ðông Chu Liệt Quốc hồi Mạnh Thường Quân trốn ra khỏi cửa ải Hàm Cốc, lúc đó trời chưa sáng mà quân thù nghịch thì đã đuổi đến nơi. Mạnh Thường Quân lo lắng nhìn các mưu sĩ xung quanh mình xem có kế gì thoát khỏi chăng? Các vị trí thức mưu thần ngơ ngác hỏi nhau, rút cuộc ai cũng chịu bó tay. Bỗng có hai người tiến lên nói mỗi người có một sở trường đặc biệt khả dĩ cứu cơn nguy nan này, một người biết bắt chước tiếng gà gáy và một người biết chui dậu rất giỏi. Mạnh Thường Quân y kế cho hai người chui ra ngoài cửa ải cất tiếng gà gáy, gà các nơi thi nhau gáy theo, quân sĩ canh gác tưởng đã sáng rồi mở các cửa ải, Mạnh Thường Quân thoát. Ðời sau gọi chuyện ấy là chuyện "Kê minh cẩu đậu" ý chỉ những người tài vặt.
Sự so sánh tuy không chải chuốt lắm vì nó hãy còn quá thiếu sót, nhưng nó cũng giúp ít nhiều hình tượng để nhận thức danh từ ưu tú (élite) ở đây. Sau đây là những định lý mà một nhà xã hội học Ý đưa ra để làm tiêu chuẩn phân biệt đối với phần tử ưu tú, Paréto tuy có luận điệu khinh bạc nhưng rất đúng sự thật. Ông viết:
Bây giờ hãy đưa ra một giả thuyết là phê điểm về khả năng của mỗi cá nhân trong từng ngành hoạt động xã hội như ta phê điểm bài vở học sinh.
Tỉ dụ: môt luật sư nổi tiếng đông thân chủ phê 10 điểm, con số "không " thì dành cho kẻ hoàn toàn ngu (les idiots).
- Người kiếm nhiều tiền bạc (lương thiện hay bất lương không thành vấn đề) phê 10 điểm. Người kiếm chừng vài trăm ngàn phê 6 điểm và người chỉ kiếm đủ hai tay vầy lỗ miệng cực nhọc phê một điểm, số không dành cho kẻ ăn xin.
(Nếu Paréto mà sống ở Saigon ngày nay, ông sẽ nhìn thấy phần tử tinh hoa trong giới ăn xin, lưng vốn chừng mươi vạn bạc cho vay lấy lời).
- Tên lưu manh chuyên sống nghề lừa đảo mà chưa lần nào mắc kẹt bị bỏ tù, phê 8 hoặc 9 điểm, tùy theo con mồi nó đã săn được và số tiền kiếm được. Tên ăn cướp vặt dăm bẩy trăm rồi rơi vào tay cảnh sát phê 1 điểm.
- Một nhà thơ được xưng tụng như Musset phê 8 hay 9 điểm và phê cho kẻ làm thơ con cóc 1 điểm.
- Các "bà lớn" kiểu Aspasie de Peridès, Maintenon (de Louis 14), Pompadour (de Louis 15) đã từng dùng tình nhân quyền thế để tạo địa vị làm mưa làm gió cho mình phê 8 hay 9 điểm. Còn các bà được Vua yêu, chúa dấu một thời rồi bỏ rơi chẳng được hưởng chút tăm tiếng lợi lộc phê 0 điểm.
Muốn diễn nôm na định lý Paréto, có thể đưa ra một hình ảnh của xã hội mà chúng ta đang sống hiện tại. Mỹ ào ạt đổ sang V.N., Mỹ cần tài xế lái xe cho các cơ sở tiếp vận, các phần tử ưu tú của ngành hoạt động này tổ chức nhẩy dù hàng Mỹ kiếm cả chục triệu bạc, trong khi các tài xế khác vẫn lương ba cọc ba đồng. Đem anh chàng tài xế thành công kia đặt cạnh một phần tử trí thức nào đó, trên bình diện tư tưởng trí thức, người tài xế thua sút hẳn, nhưng trên một mặt khác, phần tử trí thức phải chịu kém vế, và trong trường hợp phần tử trí thức lại nghèo nữa thì càng hiện lên cái cảnh bần hàn trí thức bên cạnh huênh hoang của ưu tú bạo lợi.
Hai vị bác sĩ, một vị giỏi xoay hành nghề bơm mông bơm vú kiếm gấp mười lần vị bác sĩ lọc cọc cho đơn thuốc hàng ngày. Anh chàng bác sĩ bơm vú bơm mông là loại ưu tú của giới bác sĩ.
Những người mà Paréto phê nhiều điểm nhất đa số thuộc hai loại:
a) Quỷ quyệt (chuyên rình rập cơ hội đoạt quyền đoạt lợi bất cần gia đình tổ quốc, tôn giáo nhưng lại rất giỏi về môn lợi dụng các lý tưởng đó. Bọn này sống quay quắt không sợ thay đổi, hỗn loạn vì họ luôn luôn đủ sức phụ họa với thời thế mới).
b) Táo bạo (chuyên xông xáo, phiêu lưu làm đã rồi mới nghĩ tỉ dụ kẻ đi tìm vàng tìm mỏ dầu ở miền Tây Hoa Kỳ, bọn lính đánh thuê tại Katanga.)
Trong mọi cuộc đấu tranh, phần tử trí thức và phần tử ưu tú cùng đứng hàng tiền phong, nhưng rồi dần dần phần tử trí thức bị đẩy lui để mang cái hình hài thất bại.
Phần tử trí thức mải mê với chân thiện mỹ nên đã trở thành kẻ lưu đầy trong cuộc sống, họ thiếu những gì cần thiết để sống trong xứ ma.
Phần tử trí thức đa số là loại người thiên hướng về lý tưởng, mặc dầu họ không phải không nhìn thấy thực tế, nhưng nhìn để mà chối bỏ, để mong bắt nó vào lý tưởng cho nên họ rất yếu khi đối diện với sự phũ phàng của thực tế.
Ðó cũng là một điều giải thích cái thói quen nếu phải nhận giữa Hitler và Thomas Mann ai là trí thức thì người ta nghĩ ngay Mann, giữa Kroutchev và Pasternak thì Pasternak, giữa Henry Ford và Scott Fritzerald thì Frizerald mặc dầu chẳng ai nghĩ rằng Ford, Hitler và Kroutchev là bọn vô trí thức. Trotzky nhổ bọt vào tay Staline khi Staline chìa tay ra chào đó là lý tưởng muốn biểu lộ sự khinh khi cái tàn nhẫn của thực tế. Trotzky bịStaline đánh bại bỏ nước ra đi đó là điều chứng minh thất bại của mẫu người trí thức khi đối trọi với mẫu người hành động.
THAY BẬC ÐỔI NGÔI
Mỗi biến động xã hội, biến động lịch sử đều có sự lưu hành của các phần tử ưu tú (circulation des élites). Ca dao nước ta có câu:
Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông xuống làm thằng, thằng lại lên ông.
Hai kẻ tiền phong ưu tú và trí thức mỗi kẻ đóng vai trò quan trọng ngang nhau, kẻ nói người làm, người nghĩ kẻ thực hiện họ sát vai bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung.
Ðình Trưởng Lưu Bang và tập đoàn giang hồ Phong Bái đứng bên trí thức Trương Lương, Tiêu Hà, Tào Tham.
Bảo tiêu Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi liên kết với Khổng Minh, Phượng Sồ, Từ Thứ.
Con người lão luyện Tào Tháo kết tập với Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Úc.
Hồng Tú Toàn có Tiền Giang làm phò tá.
Trên Lương Sơn Bạc có ông tú Ngô Dụng.
Lưu Bang mà không có Trương Lương, Tiêu Hà chắc chắn khó lập thành cơ nghiệp Hán. Trương Lương, Tiêu Hà không phò Lưu Bang chắc chắn suốt đời chỉ là thư sinh bất mãn.
Khổng Minh không có Lưu Bị tất quanh năm nằm co thôn dã, Lưu Bị thiếu Khổng Minh thì chẳng bao giờ làm vua đất Thục.
Sát cánh như thế, nhưng khi sắp lại ngôi thứ quyền bính, phần tử trí thức bao giờ cũng đứng thụt xuống. Lưu Bị tuy ba lần gội tuyết đạp mưa chầu chực nơi ngôi nhà lá của Gia Cát Lượng, gặp lúc Gia Cát đang ngủ phải chắp tay đứng chờ, rốt cuộc khi cùng nhau lo việc nước thì Lưu Bị là vua còn Khổng Minh là bầy tôi.
Trí thức đứng thụt xuống là vì là vì trí thức hay so đo cho nên kém dũng khí, theo Từ Lượng Chi thì đấy cũng là cái lý do tại sao ở lịch sử Trung Quốc phần tử trí thức chỉ làm đến tể tướng thôi mà lưu manh nhiều lúc lên ngôi hoàng đế.
Trường hợp trí thức kết hợp với hành động trên một con người như Lenine, Mao Trạch Ðông, Mustapha Kemal, Tào Tháo rất hiếm vả lại dù có thế thì cái địa vị tột đỉnh của họ vẫn do con người hành động mà ra. Trong quá trình diễn biến từ trí thức sang quyền lực để thực hiện kẻ làm đã hơn thưng người nghĩ.
Goethe nói: "Nghĩ thì dễ, làm mới khó, làm được những điều mình nghĩ lại càng khó hơn". Phần tử trí thức có một nhược điểm lớn là muốn tính trước tất cả nhưng rồi không tính trước được tất cả nên trù trừ không dám hành động. Nhược điểm này tạo thành ngôi vị thứ năm của người đọc sách vậy.
BỊ NGƯỢC ÐÃI VÀ BỊ ÐỔ SÁT
Tô Ðông Pha nhiều lần bị giáng chức và bị lưu đầy vì chống không lại với tập đoàn chính trị Vương An Thạch, ông chán chường với thân phận trí thức bằng bài thơ sau đây:
Nhân gia dưỡng tử yêu thông minh.
Ngã bi thông minh ngộ nhất sinh.
Ðản nguyện sinh nhi ngu thả lỗ.
Vô tai vô nạn đáo công khanh.
Nghĩa là:
Người ta nuôi con, mong con thông minh, như ta đây thì thông minh chính là một điều lầm to cho đời ta. Ta chỉ mong sinh ra đứa con vừa ngu vừa lỗ mãng. Như vậy nó vẫn có thể làm quan to mà không bị tai nạn khốn khổ.
Sứ mạng của trí thức là đi tìm chân lý và phê phán. (L'intellectuel a mission de chercher la vérité et de juger). Chính vì phải thực hiện sứ mạng này mà phần tử trí thức bị bạc đãi và bị đổ sát.
Chính vì mang sứ mạng này mà phần tử trí thức đã bắt với một loại thói quen là thường xuyên đối lập.
Phê phán tất đụng chạm, kẻ ngồi tại quyền dù ở lãnh vực nào cũng thế rất không hài lòng và với chỉ trích và phê phán bao giờ. Họ sẵn sàng nếu có cơ hội hoặc sẽ cố tạo ra cơ hội để tiêu diệt phê phán. Kẻ ở tại quyền thù hận phê phán phần tử trí thức như thế nào? Hãy đọc những lời của Barrès:
" Không có gì đáng ghét bằng lũ trí thức nửa mùa tự nhận làm những tay quí tộc tư tưởng, tự cho ta khác xa với đám quần chúng tanh hôi... Bọn ấy đúng là rơm rác mà xã hội đang cố gắng tạo thành tinh hoa. Những thiên tài thiếu tháng, những tâm hồn bị đầu độc đáng cho ta thương như lũ heo, người ta đưa về viện Pasteur để thử thuốc điên rồ. Ðương nhiên người ta phải hạ chúng không thì cũng giam nhốt chúng."
Trung Quốc có danh từ "văn tự ngục" để chỉ sự việc vì văn chương mà bị giam cầm. Văn tự ngục là thân phận trí thức thời phong kiến, văn nhân tham dự hoạt động chính trị, các chính trị gia dã tâm một mặt triệt để lợi dụng họ, mặt khác lại triệt để ghét bỏ họ. Tần Thủy Hoàng định thiên hạ xong, liền thi hành chính sách đốt sách chôn nho. Lấy cớ là bọn nho sĩ thường đem cái xưa cũ ra để chống chế bài bác cái mới mẻ. Lưu Bang bỉ thị phần tử trí thức, ông thường nói: "Trẫm được thiên hạ trên lưng ngựa việc gì trẫm phải quý trọng bọn đọc sách làm thơ." Minh Thái Tổ còn ghét phần tử trí thức hơn nữa, ông lo ngại văn nhân dùng văn chương lưu truyền những vụ phản bội của ông, cùng gốc gác hòa thượng của ông. Chỉ một chút nghi ngờ thôi, ông đem bỏ ngục liền.
Phê phán của phần tử trí thức nguy hiểm và khó chịu như nọc độc của con bọ cạp. Lấy một tỉ dụ kể sau đây: Nước Tống có một người tên Tào Thương, vua phái y đến nước Tần, y đi với vẻ mặt muôn phần đắc ý. Tào Thương giỏi nịnh hót lắm cho nên đến nước Tần, Tần Vương cấp cho ba bốn cỗ xe. Tào Thương vênh vác gặp ai cũng khoe, có lần y đến chơi ông Trang Tử nói bốc giời "mới năm trước đây tôi sống hết sức cơ cực dệt dép cỏ sinh nhai, mặt võ vàng tiều tụy, ở nơi ngõ hẹp mà bây giờ khác hẳn, trong phút chốc được vua một nước lớn thưởng thức cho hàng trăm cỗ xe, thiết tưởng con người đắc ý chỉ đến thế là cùng".
Trang Tử cười nói:
Tôi nghe vua Tần có bệnh trĩ, mời thầy đến chữa thầy nào chữa khá thì cho cỗ xe, nếu tận tâm hơn lấy lưỡi mà liếm chỗ trĩ thì cho đến năm cỗ lận, như tiên sinh vua Tần ban tới trăm cỗ xe chắc cũng đã liếm trĩ nhiều lần lắm nhỉ.
Tào Thương xấu hổ mặt đỏ nhừ. Trang Tử nói nhỏ : "Thôi tiên sinh, tôi xin tiên sinh khoác lác ít chứ." Thứ nọc độc phê phán ấy gây thành thù hận giữa phần tử trí thức với kẻ đương quyền. Thù hận mặc, phê phán vẫn cứ phê phán, người trí thức thà chịu đổ sát ngược đãi chứ không chịu thiên hạ ngó lơ mình. Chân hành tẩu đã làm Cao Bá Quát bực dọc, ông tự coi như bị thờ ơ lãnh đạm nên bằng hai câu phê phán thi đàn của Tự Ðức:
Ngán thay cái mũi vô duyên.
Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An.
để buộc thiên hạ chú ý đến mình. Cũng từ đó cái họa chu diệt nhà họ Cao nẩy mầm.
Người trí thức thà chịu ngược đãi chứ không chịu không nói lên sự thật. Milovan Djilas dù đã ở ngôi vị phó chủ tịch nhà nước (Nam Tư) ông vẫn viết cuốn Giai Cấp Mới để vào ngồi trong tù.
Ðối với kẻ cầm quyền Djilas và Cao Bá Quát đáng hận ngang nhau.
SÁT LONG CHI BỐI
Sách Trang Tử chép:
Có người tên là Chu Bình Man chí lớn lắm muốn học điều gì khác thiên hạ, tìm kiếm mấy năm mới tìm ra ông thầy tên là Chi Ly Ích rất giỏi về khoa giết rồng. Chu Bình Man mừng quá, đến bái tôn làm tôn sư.
Chi Ly Ích đem tất cả bí quyết giết rồng dậy Chu Bình Man. Người họ Chu cũng cực chăm chỉ học, ông bán hết gia nghiệp quyết thành tài chẳng ngại tổn phí.
Thành tài rồi, gặp ai họ Chu cũng nói về cách giết rồng, mổ rồng, cắt tiết, móc mắt lọc xương rồng thế nào. Khốn nỗi chưa ai trông thấy rồng bao giờ nên mọi người chỉ cười. Chu Bình Man vẫn hứa hẹn sẽ có một ngày giết rồng cho bà con xem để mà khâm phục tuyệt kỹ duy nhất trên đời. Nhưng ngày đó chẳng bao giờ tới với người họ Chu.
Ða số phần tử trí thức cũng chịu thân phận giết rồng của Chu Bình Man mà ôm tài năng lạc lõng bơ vơ giữa cuộc đời, cuối cùng đem theo nó vào hòm chôn xuống dất. Là phần tử trí thức với nhiệm vụ hiểu trước biết trước, họ phải đi ra ngoài những tầm thường để tự đứng vào cái thế thiểu số (je suis de ces intellectuels pour qui le rôle est d'être dans la minorité _ Drieu La Rochelle). Karl Marl là một người giết rồng vĩ đại, cuốn Tuyên Ngôn Của Chủ Nghĩa C.S. thời đó thực là mội kỹ thuật giết rồng tuyệt diệu. Lạc lõng bơ vơ, người trí thức đau khổ vì bất lực không thay đổi được thực tại, nhưng thực ra ảnh hưởng của nó rất lớn. Nhiều chính khách đã từng là học trò của các vị giáo sư, đã chịu ảnh hưởng của các văn phẩm. J.F. Kennedy luôn luôn nhắc đến Harold Laski. Rất nhiều điều giảng dạy ở đại học đã được đem áp dụng vào hành chính. Chủ nghĩa kinh tế "Keynessienne" từng bị chê bỏ năm 1935 nhưng đến năm 1955 nó lại là kinh điển cho tư bản mới, là khuôn vàng thước ngọc của các nhà lãnh đạo Tây phương. Rồng không mấy khi hiện ra cho con người có thuật giết nó được tỏ tài năng.
THÂN PHẬN GIAI CẤP
Trí thức phần tử thuộc giai cấp tiểu tư sản đó là một sự thật. Hồ Thu Nguyên viết: đại đa số phần tử trí thức có thể nói là ở giai cấp tiểu tư sản vì lẽ kẻ phú quí không đọc sách, người nghèo khổ không có phương tiện đọc sách, cho nên người đọc sách hầu hết xuất thân từ những gia đình "tiểu khang".
Jean Kanapa viết: Nguồn gốc xã hội của phần tử trí thức bây giờ một phần là tư sản nhưng đại đa số thuộc về giai cấp trung sản, tất cả những phân tích về trí thức phải khởi từ điểm này.
Sự thật ấy đưa lên chính trị, Cộng Sản nhận định trí thức tiểu tư sản như là một trọng tội vì tâm lý hay giao động, dễ phản bội và không vững lập trường giai cấp. Trong khi phát xít và chủ nghĩa Mac Carthisme đối đãi với phần tử trí thức bằng chủ trương: Hoặc ngươi phải làm tay sai cho ta, hoặc ta cho ngươi vào tù, ta đốt hết sách của ngươi. (Ou vous serez mes agents ou je vous jette en prison et brule vos livres).
Phần tử trí thức trên phương diện giai cấp đã có một đời sống đầy mâu thuẫn thù nghịch từ mọi phía. Còn sự thật nữa mà không ai có thể phủ nhận là chính đáng: những phần tử thuộc giai cấp tiểu tư sản ấy đã là tiền phong của Cách Mạng Tháng Mười, ai dám nói Lenine, Trotzky không phải là trí thức tiểu tư sản? Cũng lại chính những phần tử tiểu tư sản ấy đã là những rường cột bảo vệ cho thống trị tư sản, ai dám chối bỏ thân phận trí thức tiểu tư sản của Hitler của Mussolini?
Phần tử trí thức thuộc giai cấp tiểu tư sản đó là một sự thật, nhưng thù nghịch đối với phần tử trí thức lại bắt nguồn từ từ một sự thật khác: đó là mâu thuẫn thường xuyên giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị, người tại quyền người tại dã, kẻ ở trong chính quyền và kẻ ở ngoài chính quyền; ở đấy trí thức lúc nào cũng là quyền lực đáng sợ nếu nó lãnh đạo được phía bị trị nổi lên. Ðổ lỗi lên đầu phần tử trí thức mục đích tạo nên tâm lý tự ti và ý thức phạm tội để biến họ làm công cụ cho quyền thống trị. Nếu đem so sánh chủ trương của Phát Xít: "Hoặc nhà ngươi làm tay sai cho ta, hoặc ta cho ngươi vào tù." Với chủ trương của Lénine:
"Văn học phải là văn học của Ðảng. Ðả đảo bọn văn học vô đảng, đảo đả những siêu nhân của văn học".
(La littérature doit devenir une littérature de parti. À bas les littératures sans parti, à bas les surhommes de la littérature).
Người ta thấy nó chẳng khác nhau bao nhiêu.
Cả hai đều làm công việc cần thiết lúc nào cũng thấy trên chính trị đó là hoạt động "định ư nhất" (uniformity) bằng cách khống chế tư tưởng, bằng cách đào tạo một đội ngũ trí thức mới.
Quan hệ của phần tử trí thức và chính quyền trong chính trị
Có hai loại:
a/ Quan hệ bình thường là hợp tác,
b/ Quan hệ biến thái là mâu thuẫn.
Chính quyền với phần tử trí thức hợp tác tất quốc gia hưng thịnh, ổn định.
Chính quyền với phần tử trí thức mâu thuẫn tất quốc gia suy vong, bạc nhược (nhu yếu một cuộc cách mạng)
Khi người đọc sách tuyệt vọng với tình thế là lúc đất nước khởi sự phục hưng.
Trên đại thể lịch sử, phần tử trí thức bao giờ cũng là đại biểu của quảng đại quần chúng với nhiệm vụ kháng độc, bảo vệ an định. Những quan kiện lớn lao của chính trị quá nửa do phần tử trí thức gánh vác.
Nếu người đọc sách còn giữ được hoạt lực và trí tuệ thì gốc nước không lay chuyển.
Nếu người đọc sách lãnh đạo điều hòa giỏi hiện thực thì quốc thể cường thịnh.
Nếu người đọc sách còn tự tín đoàn kết nhất chí thì dù cho văn hóa có suy kiết vẫn hy vọng cứu vãn.
Có bốn tình hình nguy hiểm như sau:
a) Chính quyền nhục bách trí thức, giam cầm trí thức làm cho lực lượng trí thức còi cọp.
b) Chính quyền hủ bại khiến cho chính bản thân trí thức cũng hủ bại hay phân hóa chân giả.
c) Ðội ngũ trí thức cũ tan rã, trí thức mới chưa thành đội ngũ.
d) Chính quyền hoàn toàn không được phần tử trí thức hợp tác.
WITHDRAW AND RETURN
Là một quy luật lịch sử do nhà sử học Toynbee xướng xuất, nghĩa là thoái ẩn và trùng lai. Lịch sử như nước thủy triều dâng rồi rút xuống. Rút xuống do thoái lạc của chính quyền hủ bại, dâng lên do lực lượng mới nổi dậy kết quả phấn đấu của phần tử trí thức.
Cuộc phấn đấu nổi dậy (trùng lai) này hiện trên ba mặt vận động:
1) Ngay tại trung ương có những vị trung liệt, tuẫn đạo.
2) Tại dân gian giáo dân hóa tục gìn giữ sinh mệnh văn hóa quốc gia.
3) Tổ chức chủ lực phục hưng đề xướng phương hướng mới, học vấn mới, tinh thần mới.