Vượt Biên
Trần Thị Huyền

Đôi dòng về tác giả:
Tôi đến Hoa Kỳ năm 1986 và định cư ở thành phố Oakland. Hiện nay tôi vẫn đang sống tại thành phố này.
Khi tôi đến đất nước Hoa Kỳ này tôi đi làm và ở nhà trông con, nhưng hiện nay con tôi đã lớn, tôi vừa đi làm vừa đi học. Tôi đang theo học ngành y tá có thể giúp đỡ được nhiều người.
Năm 1982. Đó là năm mà mọi người xôn xao để đi tìm tự do, bởi vì họ không thể chịu đựng dưới sự đàn áp của Cộng Sản. Gia đình tôi cúng nằm trong hoàn cảnh này, và cha tôi cũng chạy ngược, chạy xuôi để tìm chỗ cho vợ chồng tôi đi.
Một hôm cha tôi gọi vợ chồng tôi tới và bảo “ Thầy thấy tình cảnh này không ổn, cho nên thầy muốn gia đình mình có người sống ở một nước tự do để còn có thể giúp ích cho gia đình và các em con sau này. Thầy tin tưởng ở nơi con vì chỉ có con mới có thể đương đầu với những gì xảy ra (Tôi là con lớn và còn năm em nhỏ ). Thầy đã có chỗ để cho vợ chống con đi, và là đi đường bộ, vơí giá là ba cây vàng cho một người. Vậy ngày 23 tháng 9 chúng con phải có mặt tại điểm hẹn, ở đó sẽ có người hướng dẫn chúng con đi.”
Tôi rất lo lắng vì tôi phải xa cha mẹ và các em. Hơn nữa tôi mới lấy chồng được một tháng và mới có 18 tuổi, nhưng tôi cũng nghe theo lời cha tôi. Đúng hai hôm là ngày 23 tháng 9 năm 1982. Mẹ tôi khăn gói cho vợ chống tôi ra đi, bà bó cho tôi 5 bộ quần áo, hai chỉ vàng vào gấu áo tôi và một ít đồ ăn đi dọc đường. Sáng sớm cùng ngày, cô tôi dẫn vợ chồng tôi đi Biên Hòa (nhà tôi ở Hố Nai), sau đó đi Sài Gòn rồi lên Cần Thơ để không có ai nghi ngờ. Chúng tôi đến Cần Thơ và rồi đi Châu Đốc, đó là lúc sáu giờ chiều cùng ngày. Cô tôi giao chúng tôi cho một người đàn ông, rồi cô quay về. Trong nhóm chúng tôi có tất cả năm người.
Đúng 7 giờ tối, chúng tôi qua phà Bắc Mỹ Thuận, sau đó đi theo con đường mòn, đi miết tới 11 giờ đêm thì tới cánh đồng nhỏ, ở đó có người chờ sẵn chúng tôi, ông ta cho chúng tôi mỗi người nửa ổ bánh mì rồi đưa chúng tôi qua Campuchia, chúng tôi phải giả dạng là người Campuchia, tôi quấn xà rông đầu đội khăn rồi học nói tiếng campuchia bằng cách tâop. Nói chuyện với người bản xứ. Chúng tôi phải ở đó ít lâu để chờ có đợt rồi người ta dẫn chúng tôi đi tiếp, sau đó ông ta dẫn chúng tôi ra đường bờ ruộng, lội bùn tới đầu gối, với một con đường bùn rất là xa. Tôi mệt quá nên đi được có nửa đường bùn, thì tôi không thể đi được nữa. Chồng tôi làm một cái dây để kéo tôi đi. Lúc đó cũng là lúc mà chúng tôi phải bỏ cái giỏ trên vai đi, bởi vì mệt quá không thể đeo nó được.
Đi tới một cánh rừng có một người Miên chờ sẵn để đưa chúng tôi đi tiếp. Ông ta cho chúng tôi một nắm xôi và một ít mắm bồ hóc, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mắm bồ hóc, cái mùi khó ngửi làm sao, nhưng vì đói quá cũng phải ăn để mà sống, sau đó ông dẫn chúng tôi băng qua rừng già, chúng tôi đi suốt đêm, thân xác rã rời quần áo rách nát, có lúc tôi dẫm lên cả xương người, khi tôi để ý đến dọc đường đi, thì ôi thôi toàn là xương người, xương người lớn xương trẻ con rất nhiều, lẫn cả tiếng thú rừng hú ban đêm nghe sợ hãi, rồi những con muỗi mòng, những con bọ rừng bò lên người mà chích mà cắn, cứ thế tha hồ mà gãi. Đến gần sáng chúng tôi nghỉ trong bụi rậm, mỗi người một bụi, cho tới tối thì chui ra lại đi tiếp, khi chui ra tay chân mặt mũi bị cào xây xát bởi cỏ dại và gai, có những lúc rất nhức nhối bởi vết trầy bị rỉ máu, thuốc thang thì không có. Mỗi ngày chỉ có một nắm xôi và một ít mắm bồ hóc vào buổi tối trước khi đi, còn ban ngày phải nhịn đói chờ đến tối.
Chúng tôi đến trại, họ lục xét từng người vì họ biết những người vượt biên có tiền và vàng, khi họ khám đến tôi đã lấy đi hai chỉ vàng. Họ tưởng tôi còn dấu ở đâu đó nên căn vặn hỏi, tôi nói không còn nữa họ không tin nên bắt tôi uống nước thuốc của tụi nó để đi tiêu ra xem có vàng không. Trong suốt gần hai năm ở đó chúng tôi đã phải chạy giặc luôn bởi vì cứ đến mùa khô thì chúng đánh (Giặc có nghĩa là bộ đội Việt Nam bởi họ muốn lấn chiếm phần đất Campuchia). Mỗi lần chạy như thế rất là dễ chết bởi vì chúng bắn loạn xạ.
Thời gian sống ở Campuchia, tôi luôn luôn hóa trang là một người đàn ông, trên mặt thì lọ nghẹ đen đúa, quần áo dơ dáy, tóc cắt ngắn đi. Ở trong trại người ta phân công đàn ông thì chặt cây hay gánh nước, còn đàn bá thì nấu cơm và làm những việc khác, đến bữa ăn thì mỗi người cầm một cái khay xếp hàng, rồi người ta múc cho mỗi người một phần cứ như nhà tù, mặc dù phần ăn trong trại phát mỗi ngày nhưng không đủ, nên tôi thường xuyên trốn ra ngoài đi làm chui như gánh nước chẻ củi, v v...
Mỗi một công việc như thế làm từ sáng đến tối người ta chỉ trả cho nửa chén gạo. Quần áo thì chỉ có một bộ trên người mặc sáu tháng trời, mỗi khi tắm phải đứng chỗ nắng cho thật lâu, để chờ khô quần áo. Lương thực bữa đói bữa no. Tôi đói quá, trong lúc đi làm bên ngoài tôi thấy có mấy vỏ dưa hấu dơ bẩn liệng ngoài đường liền lượm về nấu canh ăn. Sau bữa đó tôi lên cơn sốt nặng, không có thuốc để chữa bệnh. Tôi tưởng không qua khỏi, may quá có người chỉ cho tôi biết một thứ lá ở trong rừng có thể chữa khỏi bệnh. Tức thì chống tôi đi tìm lá cho tôi uống, thế là tôi khỏi bệnh. Tại trại tối nào cũng như tối nào, tụi Miên vào từng lều khám, nếu thấy đàn bà con gái là chúng hãm hiếp. Nên tôi lúc nào cũng phải hóa trang là đàn ông kể cả ngày lẫn đêm để tránh tụi nó. Nhiều lúc tôi muốn chết đi được. Khoảng mấy tháng sau tôi có thai đứa con đầu lòng. Thiếu đồ ăn, thịt thà thì không có, nên tôi thường xuyên trốn ra khỏi trại đến những nơi có đám cưới hoặc tiệc tùng xin rửa chén và dọn dẹp, thì họ cho được một miếng thịt bằng bốn đót ngón tay. Tôi mang về trại kho mặn để ăn. Ngày qua ngày thân tôi chỉ còn là cái xác không hồn.
Một hôm, vào khoảng nửa đêm có tiếng báo động giặc đến. Chúng tôi phải khăn gói chạy. Chồng tôi gánh một gánh những vật dụng cần thiết, còn tôi thì xách hai cái giỏ đồ cần thiết cho tôi và em bé, cộng với cái thai 6 tháng. Tụi Miên bắn súng, mình thì chạy bán sống bán chết.
Tôi mệt quá bỏ cả cái giỏ mà chạy, chống tôi cũng thế. Được khá xa tôi không lê nổi nữa, chống tôi lấy dây lá trong rừng bện lại rồi kéo tôi đi. Cứ như thế ban đêm thì chạy, ban ngày thì nghỉ trong rừng. Ăn thì hái lá hái trái trong rừng, uống thì nước suối. Cho đến khi chúng tôi đến Thái Lan và dừng chân ở đó.
Trong thới gian sống ở Thái Lan, cuộc sống thì cũng không khác gì ở Campuchia, nhưng người Thái đối xử với mình cũng tạm được, tôi amg bầu đi làm tôi mọi cho người ta từ sáng đến tối cũng được ăn hai bữa cơm thừa, và thêm chút xíu gạo mang về.
Sống ở Thái Lan được hai tháng thì tôi sanh cháu, bà mụ người Thái lại đỡ đẻ cho tôi tại trại, sau đó bà cho tôi đồ ăn để lấy lại sức. Khi con tôi vừa tròn được 1 tuổi, chúng tôi lại phải qua một trại khác lần nữa. Chống tôi thì xách đồ đạc của con, nhiều lúc tôi tưởng chết dọc đường vì tôi hết hy vọng đến Mỹ, nhưng nghĩ đến chồng con tôi lại phải quên đi ý tưởng đó. Lương thực thì thiếu thốn không có chất dinh dưỡng cho con. Chống tôi kiếm được mấy trái dừa liền chặt ra lấy nước cho con uống và hái trái rừng ăn tạm qua ngày. Khi chúng tôi đến trại mới ở đó mất 5 tháng để chờ nhận định cư. Đó cũng là lúc tôi mang bầu cháu thứ hai, và tôi vẫn trốn trại đi làm chui bên ngoài bởi vì đói quá làm liều, ai mướn gì làm nấy. Có lần con tôi nhìn thấy đứa bé người Thái ăn cây cà rem, cháu ao ước có được cây cà rem ăn. Đối với người ta thì cây cà rem không đáng gì nhưng đối với gia đình tôi thì nó rất lớn, bởi vì những gì tôi kiếm được trong ngày đó là củ khoai củ sắn hoặc chén cơm thừa, v v... Còn tiền bạc thì chúng tôi không có đến một đồng từ khi rời mái ấm gia đình tại Việt Nam, hai chỉ vàng mẹ tôi cho thì tụi Miên lấy từ lâu. Tôi thấy con tôi thèm cây cà rem mà lòng đau xót, không biết nói sao cho con hiểu. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc.
Mấy tháng sau thì chúng tôi nhận được giấy gọi phỏng vấn. Chúng tôi vừa mừng vừa run chỉ sợ rớt, khi chúng tôi bồng con lên gặp phái đoàn thì họ có tình cảm với gia đình tôi và hỏi chúng tôi nếu có thân nhân ở Mỹ thì họ sẽ chấp nhận cho gia đình tôi đi. May quá có anh chồng tôi sống ở mỹ đã lâu, nên họ chấp thuận. Tôi cảm thấy cuộc đời tôi chết đi sống lại sau đó gia đình tôi được chuyển tiếp qua Philippine để học tiếng Anh trước khi vào Mỹ. Chúng tôi sống ở Philippine được sáu tháng thì đi Mỹ.
Chúng tôi đến Mỹ vào ngày 20 tháng 11 năm 1986 và sống tại thành phố Oakland, bắc Califonia, định cư và lập nghiệp ở đây cho đến nay.
Khi gia đình tôi nhận được tin chúng tôi tới Mỹ, cha mẹ tôi rất là vui mừng và khóc hết nước mắt vì tưởng chúng tôi đã chết từ lâu. Tôi luôn luôn cám ơn bề trên đã cứu sống gia đình mình trong thời gia vượt biên. Cuộc sống bây giờ đã ổn định, vợ chồng đều đi làm và hai con đang học đại học.
::: Trần Thị Huyền:::