Phần 5

21. Anh hùng tương ngộ
Có một anh rất làm biếng, không làm ăn gì cả. Đói cũng chẳng buồn đi ăn mày mà ăn; đến nằm ngửa ở dưới gốc cây sung, há mồm ra, đợi cho quả sung chín rơi vào mồm mà ăn. Nằm mãi cũng chẳng thấy quả nào rơi vào mồm cả. Bụng thì đói, nhưng mà lười, chẳng muốn thò tay nhặt những quả sung rơi ở bên cạnh mình.
Đến sau đói quá, thấy có một anh ở đâu lững thững đi qua đấy. Anh làm biếng ta mới gọi mà bảo rằng:
- Nhờ anh bỏ hộ quả sung vào mồm cho tôi.
Chẳng ngờ anh kia cũng là một phường lười: lại gần lấy chân quặp quả sung bỏ vào mồm cho anh nọ, chứ cũng chẳng buồn cúi xuống.
Anh lười nọ thấy thế, tức mình, mới chửi rằng:
- Đ... mẹ cái đồ làm biếng ở đâu ấy ạ!
22. Anh vô tâm
Có một anh tính hay quên, chẳng làm ăn gì được cả. Vợ nó mới bảo rằng:
- Bây giờ không có lẽ lại cứ ngồi đó mà ăn không được. Phải tìm nghề nghiệp gì làm ăn, chẳng có thì đi lên rừng đẵn củi về để thổi, cũng đỡ khỏi mất tiền mua. Chứ ai lại ở dưng thế vậy?
Anh ta nghe lời vợ, vác dao vào rừng kiếm củi. Lúc đi, vợ nó dặn rằng:
- Tính hay quên thì phải giữ gìn cẩn thận con dao, đừng có bỏ mất!
Đi đường, anh chàng ta mót đại tiện, xuống ruộng, cắm con dao ở bên cạnh mình, rồi ngồi ỉa. Nhưng mà có cái nón đeo ở sau lưng, lại quên không bỏ ra, cho nên ỉa cả vào nón.
Xong rồi, đứng dậy, trông thấy con dao; quên mất là dao của mình, tưởng là dao của ai bỏ quên; mừng lắm, reo lên rằng:
- A! a! a! đ... mẹ đứa nào bỏ quên con dao, ông bắt được!
Nhảy nhót thế nào đụng phải nón đeo ở sau lưng; ngoảnh cổ lại nhìn, thì thấy nón đầy những cứt; giận lắm, chửi rằng:
- Đ... mẹ đứa nào ỉa cả vào nón ông!
23. Dốt có chuôi
Một bác thầy cúng đến cúng cho nhà chủ tên là Nguyễn văn Tròn. Thầy cúng dốt, không biết viết chữ “Tròn” thế nào, vòng khuyên một cái “O”.
Có người nghịch, lấy bút sổ một nét, thành ra “O”.
Đến khi thầy cúng đọc sớ, trông thấy như cái gáo, cứ Nguyễn văn Gáo mà đọc mãi. Chủ nhà bảo:
- Không phải, tên tôi là Nguyễn văn Tròn kia mà!
Thầy cúng ngượng, gắt rằng:
- Đứa thổ tả nào mới tra cái chuôi vào đây thế này?
24. Dương phù, âm trợ
Có một anh, yếu như sên, nhát như cấy, đi thi cử võ, không đỗ. Đến sau nhờ có thần thế, lo chạy, được bổ làm chức Phó Lãnh binh. Khi đi đánh giặc, mới trông thấy hơi bóng giặc, đã cắm đầu, ù té chạy. Giặc đuổi theo, anh ta sợ run, cuống cẳng, chạy không được. Sắp sửa bị quân giặc bắt, bỗng tự nhiên nghe có tiếng bảo rằng: “Có ta giúp đây, đừng sợ!” Anh ta ngoảnh cổ lại nhìn, thì không thấy giặc đâu nữa, mà cũng chẳng thấy ai cả; mới chắp tay, vái rằng:
- Không biết ông Thần nào anh linh, cứu tôi khỏi chết vậy?
Tiếng văng vẳng nói rằng:
- Ta là Thần Bia đây!
- Vậy chứ tôi có công đức gì cảm động đến ngài, mà Ngài cứu tôi? - Ta cứu nhà ngươi là vì rằng: kỳ thi võ mới rồi, nhiều người bắn ta khổ lắm; duy chỉ có một mình nhà ngươi là không nỡ bắn trúng ta thôi, cứ bắn ra ngoài xa cả. Bởi thế cho nên bây giờ ta trả ơn nhà ngươi đấy.
25. Ông thầy chữa mắt
Có một chị con gái cấm cung, đến thì mà chửa có chồng. Một hôm, ngồi buồn, tẩn mẩn, lấy quả chuối nhét vào lỗ hỏm. Chẳng may quả chuối gãy đôi, một nửa mắc ngẵng ở trong, không lấy ra được, bí tiểu tiện! Mấy hôm chẳng dám ăn uống gì cả. Lo sợ quá, không biết làm sao được, mới nhỏ to nói thật sự tình với vú già rằng:
- Bây giờ tôi đã trót lỡ như thế, thì vú xem ai có cách gì chữa được, tìm hộ tôi.
- Có phải vậy, để tôi đi ra phố xem.
- Ừ, vú cố giúp tôi.
Vú già vâng lời ra đi.
Nguyên ở cách đấy mấy phố, có một ông thầy chữa mắt giỏi lắm, xưa nay đã có tiếng; trước cửa thường treo cái biển vẽ một con mắt. Chẳng may hôm ấy thằng người nhà đem biển treo ngược, hóa ra con mắt dọc.
Vú già kia đi đến đấy, trông thấy biển, chắc rằng nhà ông thầy mình đi tìm đấy rồi; mừng lắm, mới vào thưa rằng:
- Thưa thầy, cô tôi đau mấy hôm nay, không ăn không uống gì được. Cho tôi lại đón thầy, mời thầy đến chữa hộ.
Nói đau thôi, chứ cũng không có nói đau ở đâu, bởi vì bụng nghĩ rằng nói thế ông thầy tự khắc hiểu; mà ông thầy cũng tưởng cô nó đau mắt, cho nên mới hỏi rằng:
- Cha, chả! đau đến nỗi không ăn không uống được kia à? Thế thì nặng lắm! Có khi phải đánh mới xong! Vú cứ về trước đi, để tôi sắp đồ sắp thuốc, rồi tôi lại ngay.
Vú già về nói cho cô mừng. Một nhát, ông thầy đến. Cô ả thẹn, nằm ở trong buồng, đóng kín mít cửa; tối om. Lúc ông thầy vào, thấy tối, lại khen:
- Ừ được, kín thế này thì đỡ nắng, đỡ gió, và cũng không chói... Nào, đau thế nào cho tôi xem!
Cô ả giạng háng ra. Ông thầy lấy tay sờ, rồi kêu lên rằng:
- Chết chửa! Đau từ bao giờ mà sưng húp lên thế này?... Sao lại không cho gọi tôi trước, để đến bây giờ mộng thịt lồi lên như thế này, mới cho gọi tôi?... Giả thử để chậm một hôm nữa thì có trời chữa!
Vội vàng lấy gừng muối, thè lưỡi đánh mộng; thấy thối, lại kêu:
- Trời ơi! thế nào mà để thối ra rồi mới cho gọi người ta?
Cô ả gây gây buồn buồn, nhịn không được, bật cười mạnh quá, băng cả chuối và vãi cả đái ra.
Ông thầy thấy thế, tưởng rằng đánh mạnh quá, nổ con ngươi, vỡ nước ra; sợ lắm, ù té chạy mất. Hốt hơ, hốt hoảng về nhà bảo đầy tớ cất ngay biển đi, kẻo nó đến nó bắt đền thì chết. Ai hỏi xin thuốc cũng chối, không bán và không chữa cho ai nữa.
Cách ba hôm sau, cô ả cho vú già mang buồng cau lại tạ thầy.
Vú già đem cau đến, ông thầy tưởng nó đến bắt đền, vội vàng chối rằng:
- Không, nhà tôi có chữa chạy gì cho ai đâu?
- Thưa thầy, thầy quên. Thầy mới lại chữa cho cô tôi hôm nọ, bây giờ cô tôi khỏi cả rồi, sai tôi đem cau lại tạ thầy đây mà!
Ông thầy bấy giờ mới chắc là nó đã khỏi thật; hỏi rằng:
- Thế à? Khỏi cả rồi à?...
- Vâng, cô tôi khỏi cả, như cũ rồi.
- Khỏi cả, như cũ rồi à?...
- Vâng, cô tôi đã đi đái được rồi...
Ông thầy giật mình:
- Sao lại đi đái?
- Phải, trước bí, không đi được, bây giờ nhờ thầy chữa khỏi, cô tôi...
Ông thầy giẫy nẫy người ra, mới nghĩ rằng:
- Thôi chết, l... rồi!!!
Vội vàng khạc nhổ, gọi lấy nước súc miệng váng cả nhà lên.