Chương 12

Dịch giả: Văn Hoà – Kim Thuỷ
Chương 9

Beatrice ngồi trong phòng làm việc của mình. Giấy tờ đủ cỡ đủ loại bày biện trên bàn trước mặt cô. Cô chống cùi tay lên bàn, bàn tay ôm lấy đầu, mắt nhìn đăm đăm vào chiếc tủ kính ở trước mặt, tâm trí chỉ xoay quanh việc ông luật sư đã khuyên cô: phải bán bớt đất, có lẽ phải bán đến hai chục mẫu. Vì, giá đất đang cao, nên cô có thể trang trải tiền lời cấm cố ngôi nhà, trả số nợ như chúa chổm của ba cô; hay ít ra cũng trả được nợ cho công ty cho vay. Còn về nợ đánh bạc quả là một vấn nạn. Theo như lời ông Coulson nói, thì đây là một vấn đề danh dự. ông ta lại còn khuyên giảm số người làm xuống còn một nửa, nhưng cô cương quyết chống lại ý kiến nầy: Số người làm ít ỏi nầy đã nói lên uy tín của gia đình, cô chỉ cần có thế, cô chỉ cần có ngôi nhà và uy tín của gia đình, cô sẽ cương quyết duy trì hai thứ nầy cho đã Ôi, đúng thế. Thế đấy, cô phải duy trì cho được.
Cô lại nhìn xuống các hoá đơn để trên bàn. Leonard đã thanh toán một số rồi. Nhưng một số khác lại ùn ùn kéo đến, tất cả đều là nợ bí mật. Hai hoá đơn trong số nầy đã làm cho cô cắn mạnh vào môi đến tươm máu, vì những hoá đơn nầy là của cửa hàng bán đồ thời trang ở Newcastle. Hai hoá đơn mua áo dài cho phụ nữ, cách nay đã mười tám tháng rồi. Mặc dầu cô biết cô thừa hưởng nhiều nét bên ngoài của ba cô, nhưng nếu bây giờ có mặt ông ta ở đây, thế nào cô cũng sẽ làm cho ông không còn trông giống cô nữa: cô hình dung ra cảnh ba cô đứng trước bàn và nghe giọng ông nói: "Con đã xem những hoá đơn chi tiêu trong nhà rồi đấy. Rồi con sẽ tìm cách để xoay xở cho tốt hơn".
Mấy tuần qua, cô đã học được một bài học rất xứng đáng. Những người gọi là bạn đã tung tin về vụ "tai tiếng" nầy đi khắp nơi, họ đã kể hết đủ các thứ chuyện có liên quan đến vụ nầy. Mọi người quanh vùng đều biết chuyện ba cô không để lại di chúc, mà chỉ để lại một đống nợ vô số kể. Nhất là chuyện ông luật sư đã có lòng tốt gọi hành động sai trái của ba cô là do nhẹ dạ, được mọi người truyền miệng cho nhau nghe trùng với lúc bà vợ của Dave Wallace đến quán trọ trong tình trạng xơ xác, hai mắt bầm tím.
Cô ngồi tựa người ra lưng ghế. Ngôi nhà rất yên lặng: chỉ có mình cô; cô không nghĩ đến giải pháp cho người làm nghỉ bớt.
Rosie đã đi Newcasue để gặp Edward Golding, anh ta từ London lên đây có công việc. Anh ta sẽ ở đây hai ngày. Rõ ràng anh ta có việc gì đấy quan trọng muốn nói với Rosie, có lẽ về nhiệm sở, anh ta hy vọng được làm ở Newcastle và nơi họ sẽ sống.
Từ khi Rosie biết sự thật về bản chất của bố, cô đã thay đổi tính tình. Mặc dù chuyện của bố đã làm cho cô sững sờ, đau đón, nhưng cô vẫn không mất đi bản chất vô tư của mình. Tâm hồn của cô vẫn trẻ thơ, không bị thực tế của cuộc đời làm héo úa. Phải nói cô là người vô tâm thanh thản. Thế nhưng Beatrice vui mừng khi em cô lấy chồng mà dù ở nơi gần cô. Mặc dù em cô tính tình hay thay đổi, nhưng cô vẫn thích cô ta. Thực vậy, cô thích cô ta hơn là thích Manon hay Helen. Đúng thế, He len thường làm cho cô bực mình, và người chồng tốt bụng của nàng cũng thế. Đúng, đúng… anh ta có lòng tốt chi trả những phiếu nợ, nhưng vì anh ta giàu, có nhiều tiền mới làm thế được. Thế mà trước đây cô không biết anh ta giàu. Ôi, giàu có cũng có nhiều thứ bậc khác nhau. Nhưng còn Helen thì cô không thể chịu đựng nổi. Lúc nào nơi nàng cũng có thái độ khiến cho cô cảm thay cô không phải là người trên nàng, không phải là chị của nàng.
Có lẽ vì nàng cao hơn và xinh đẹp. Thế nhưng mỗi khi hai chị em gặp nhau, nhìn thái độ của nàng là cô ghét cay ghét đắng.
Có tiếng gõ cửa, cô đáp lớn:
- Vào đi - Frances Middleton bước vào, bưng trên tay cái khay bạc, chị ta nói:
- Thưa cô có thư nữa.
- Để xuống đấy.
- Beatrice đưa tay chỉ vào một góc bàn. Cô không cám ơn cô gái một tiếng nào mà cứ viết tiếp.
Một lát sau, cô miễn cưỡng mở thư ra xem. Lá thư đầu cô biết ngay là một phiếu nợ khác, vì các phiếu nợ đều có những phong bì đặc biệt. Cô đã bắt đầu nhận, ra thư nào là thư đòi nợ. Nhung chiếc phong bì thứ hai cô nhìn thật kỹ.
Trước khi bức thư đến đây, người ta đã chuyển nó đến hai địa chỉ khác rồi. Cô mở phong bì ra, và khi nhìn vào đầu tờ giấy, cô biết ngay bức thư xuất phát từ một công ty luật. Bức thư bắt đầu bằng câu:
Đại tá Steel thân mến, Cô liền nhìn lại vào phong bì. Bức thư gửi cho Đại tá Steel, gởi cho ông nội cô chứ không phải gửi cho ba cô. Cô đọc tiếp:
- Thưa ngài, tôi xin báo cho ngài hay rằng bà chị gái của ngài, Alice Benton Forester, đã chết vào ngày 17 tháng Hai vào tuổi đại thọ: 98 tuổi. Chúng tôi rất khó khăn trong việc tìm địa chỉ của ngài, và bà giờ chỉ nhớ có tên của ngài mà thôi. Bà không để lại di chúc, và đương nhiên là tiền trợ cấp hàng năm cho bà cũng hết luôn. Đồ đạc của bà để lại rất ít: một cái vòng đeo tay và một sợi dây chuyền, không có thứ nào là đáng giá hết. Nhưng nếu ngài muốn, tôi sẽ gởi hết đến cho ngài.
Tôi đã có gặp bà một vài lần, nhưng đã cách nay vài năm rồi. Bà là người hiền từ, cư xử dịu dàng với nhân viên trong bệnh viện tư, hộ cho tôi biết rằng trong hồ sơ có ghi căn bệnh của bà đã có biến chuyển tốt từ năm bà được 40 tuổi, khi ấy căn bệnh từ tâm thần điên loạn thường khiến cho bà thích cởi áo quần và đồ đạc trên người đã bắt đầu giảm dần. Rõ ràng nhân viên trong bệnh viện đã rất thương mến bà.
Bà được chôn cất trong khu nghĩa trang ở địa phương, và vì có lẽ ngài sẽ không thể đến đây được cho, nên tôi xin ý kiến của ngài cho biết tôi có cần gửi những thứ nữ trang rẻ tiền nầy đến cho ngài không.
Tôi đợi lời phúc đáp của ngài.
Trân trọng chào, ngài.
Thomas Harding.
Cô lướt mắt nhìn lên đầu trang, cô thấy có ghi: "Công ty Luật Harding & Bright". Ở bên dưới hang chữ và nằm về một bên là địa chỉ của công ty Falmouth.
Người đâu mà chỉ để lại vài thứ nữ trang rẻ tiền. Cô ném bức thư sang một bên, vẻ ghê tởm. Cô biết đấy là bà cô Ally, cả nhà đều nhớ bà nội cô thường nhắc đến bà ấy và ông nội cô thường đích thân không ngại đường xa đến tận Cornwallis thăm bà.
Cô quay mặt sang một bên, vẻ ghê tởm khi nghĩ đến từ "cởi bỏ áo quần".  Được rồi, họ cứ giữ lại mấy món nữ trang rẻ tiền ấy đi. Cô sẽ không viết thư trả lời đâu cô đã có lắm thư từ trong óc quá rồi không còn tâm trí đâu mà tính đến chuyện nầy, vì cô biết cô sẽ nhận thư tiếp theo gửi chi phiếu thanh toán đám tang của bà cô. Cô biết rõ các ông luật sư. Cô đã ớn cái ông luật sư Coulson nầy quá rồi. Luật sư là người được xem để giúp đỡ người ta, để thu xếp công việc cho người ta, thế mà ông ta chỉ khuyên cô bán đất. Rồi đương nhiên là sẽ có lời khuyên của Helen nữa, nàng sẽ khuyên cô tách gian nhà ngang ra, nhà nầy là một ngôi nhà riêng biệt. Được rồi, cứ để cho nàng khuyên gì thì khuyên, cứ khuyên tách riêng ngôi nhà ấy ra mà cho thuê.
Bỗng cô đứng dậy, nói:
- Hôm nay thế là đủ, không làm gì nữa, - rồi cô ta bước ra khỏi phòng. Cô ngần ngừ dừng lại ở hành lang. Cô đã định đến phòng khác, nhưng cô nghe có tiếng động ở đấy, cô biết có người giúp việc đang làm việc ở trong phòng. Cho nên cô xuống thang lầu. Đến đầu cầu thang, cô dừng lại, đưa mắt nhìn dãy ban công và nhìn dọc theo hành lang. Hôm nay sao ngôi nhà trông có vẻ trống vắng thế nhỉ? Có lẽ vì do Rosie đi vắng. Khi Rosie lấy chồng rồi, cổ sẽ làm gì? Dĩ nhiên là cô ấy sẽ ở gần thôi, nhưng dù sao thì cũng không như chung một nhà.
Tuy nhiên, chọn con đường sang Ấn Độ như Marion, và Helen thích sống ở Hampshire thế mà hay. Đương nhiên Helen chọn sống ở đấy để gần bà con bên chồng có chức tước. Cô ấy cho rằng tất cả đàn ông đều muốn bay nhảy… Và phải chăng cô ấy thích sống với đàn ông?
Cô đi vào phòng ngủ của mình, bước đến cái bàn bên giường, mở nắp hộp kẹo sôcôla, lấy một cái bỏ vào miệng. Khi quay đi bỗng cô ngần ngừ ngồi lại, rồi cô lấy hộp kẹo bước đến ngồi bên cửa sổ, ăn hết cái nầy đến cái khác. Mỗi khi cô thấy buồn bực cô có tật ăn đồ ngọt và kẹo sôcôla là thứ làm cho cô giải sầu có hiệu quả nhất.
Bỗng cô ngừng ăn, đẩy hộp kẹo đi. Cô đang mong Rosie về nhà.
Cô nhìn quanh phòng. Mọi thứ đều bóng láng; nhưng cảnh tượng nầy không làm cho cô thoải mái trong tình trạng hiện tại, vì trước mắt cô mọi vật đều có vẻ mới mẻ và có phần xa lạ: cô chưa bao giờ cảm thấy mình cần có người như thế nầy. Cô thường sống xa cách với mọi người: việc nói chuyện nhảm và cười đùa thường làm cho cô tức giận.
Cô lại quay lui nhìn ra ngoài cửa sổ bầy quạ đã quay về làm tổ trong đêm.  Cô đứng dậy. Cô ghét quạ và ghét tiếng kêu không ngớt của chúng. Ngày mai cô sẽ lấy súng ra. Mặc dù cô nhắm bắn không chính xác bằng bố, nhưng cô thường có thể bắn được vài con. Lần vừa qua chúng đã dời tổ đi, số tổ chúng làm trên đọt cây gần nhà nhất.
Có tiếng cánh cửa trước nhà mở mạnh làm cô giật mình, cô vội vàng ra khỏi phòng, xuống thang lầu, vừa lúc Rosie tháo những chiếc kim găm cài trên mũ.
Cô đến gần em gái, lên tiếng nói:
- Ồ, chắc em lạnh.
- Không, em không lạnh - Rosie cười toe toét - Em xuống xe ngựa ở bến xe rồi đi bộ về nhà trời thật đẹp.
- Vừa cởi áo khoác, cô vừa nói với chị:
- Em muốn uống một tách trà.
- Để chị gọi cho. Ta đến phòng khách nhỏ, trong phòng khách lớn, bọn chúng đang dọn dẹp lau chùi.
Khi Rosie đã ngồi vào chiếc ghế nệm dài, Beatrice hỏi:
- Em ăn cơm với Teddy có ngon không?
- Ngon, ngon, tuyệt lắm. Em sẽ cho chị biết tin vui. Ngồi xuống đây.
- Rosie vồ vào chiếc nệm trên ghế dài bên cạnh mình. Khi Beatrice ngồi xuống rồi, cô nắm bàn tay chị và nói:
- Em quá kinh ngạc, - cô lắc đầu và nói tiếp.
- Em không tin được. Em không tin được. Có lẽ em sẽ sang Mỹ.
Beatrice ngồi im một hồi lâu mới hỏi:
- Sao? Sang Mỹ à? - Hai mắt cô nheo lại như thể đang cố để hình dung ra đoạn đường sang Mỹ bao xa.
- Phải, phải, sang Mỹ. Chị thấy đấy, Teddy sắp làm việc ở Newcastle thì ảnh đựơc gọi đến gặp Đức Ngài - Cô vỗ vào tay chị - đấy là từ mà anh thường gọi là thủ trưởng của mình. Theo Teddy cho biết thì ông ta là nhân vật rất quan trọng, nếu ai không được phép thì sẽ không bao giờ được lên gặp ông ta, thế mà anh ấy cho biết ảnh đã đến gặp ông ta.
- Cô cười khúc khích - Và chị biết sao không?
Ông ta hỏi ảnh có muốn sang làm việc bên Mỹ không? Có một nhân viên của ông ta ở bên ấy lâm bệnh chết.
- Nụ cười tắt trên môi cô, cô nói tiếp:
- Anh đang còn trẻ, và… chưa vợ. Vấn đề quan trọng là ở chỗ nầy - mặt cô trở nên ủ dột -
Vấn đề quan trọng là ở chỗ nầy. Họ thích đưa những thanh niên chưa vợ sang làm việc bên ấy, nhưng chắc họ cũng dành cho trường hợp ngoại lệ, và trước khi Teddy trả lời dứt khoát với họ, ảnh muốn biết em có bằng lòng kết hôn với ảnh không.
Rosie cắn vào môi để khỏi bặt cười.
- Ảnh còn ở lại Newcastle hai hay ba hôm nữa và ảnh sẽ đến thăm chị. Vì ba mất rồi, cho nên ảnh muốn đến xin phép chị như đến xin phép ba vậy. Anh ấy rất đứng đắn, là Teddy, mặc dù ảnh còn trẻ quá. Ờ, mà không trẻ quá đâu, ảnh hai mươi bốn tuổi rồi. Ảnh ở tại khách sạn George, ảnh muốn chúng ta đến đó dùng cơm với ảnh vào đêm trước khi ảnh ra đi. Ôi - cô nhắm hai mắt và ôm chặt hai tay vào người - em sung sướng quá đến phát khóc lên được. Sang Mỹ! Sang Mỹ! - Bỗng cô mở mắt, nhìn chị rồi hỏi: Chị không mừng cho em à? Em biết, em biết xa chị là điều rất khủng khiếp. Ở nhà chỉ còn lại hai chúng ta thôi, nhưng… nhưng chắc chị thông cảm, thời gian gần đây em rất đau khổ, vì… vì nhưng việc làm của ba, cho nên em muốn ra đi… - Cô bỗng cầm hai bàn tay của Beatrice và nói tiếp:
- Chị có thể sang đấy nghỉ ngơi. Bây giờ đi dễ rồi; tàu chạy rất nhanh. Chỉ cần tám ngày là đến, mà có bao giờ chị đi khỏi đây lần nào đâu.
Hai chị em ta chưa bao giờ đi khỏi đây. Đấy, chị Manon đã sang Ấn Độ, nghe nói tuyệt vời lắm. Trong lá thư vừa rồi chị ấy cho biết bên đó kỳ diệu lắm.
Nhưng chị vẫn còn chị Helen ở gần bên cạnh đấy. Nếu chị muốn là chị ấy đến thăm chị ngay.
- Cô nắm hai tay cô chị kéo lên ngực mình và để yên như thế. -
Chị chưa khi nào hoà thuận với chị Helen hết, nhưng chị hãy cố sống vui vẻ với chị ấy, chị Beatrice à. Chị ấy rất dễ thương đấy chứ. Chị ấy thường nghĩ đến chị, rất lo lắng cho chị. Chị ấy nói với em như thế.
Beatrice rút ra khỏi tay cô em và đứng dậy, nhìn xuống cô em gái, cô nói:
- Tôi không muốn Helen hay bất kỳ ai thương hại tôi hết. Mọi người đều khỏi cần lo lắng cho tôi; tôi có thể tự lo cho tôi được rồi. Còn về phần cô, cô cho tôi biết cô sẽ đi Mỹ! Thế là cô có thèm nghĩ gì đến tôi đâu, phải không? Tôi sẽ phải ở lại đây một mình, nhưng không sao. Đúng, không thành vấn đề.
- Cô quay về phía lò sưởi.
- Tôi vẫn còn ngôi nhà, và… và ngôi nhà mới là vấn đề làm cho tôi quan tâm. Cô hãy nhớ cho điều đó, tôi có ngôi nhà và có thể giữ gìn được ngôi nhà.- Mặc dù nói thế, nhưng cô biết ngôi nhà không phải là vấn đề làm cho cô hoàn toàn quan tâm mà cô cần có người để bầu bạn, cô cần có Rosie.
Dĩ nhiên cô cần ngôi nhà, ngôi nhà là vật chủ yếu trong đời cô, nhưng cô muốn có người chia xẻ ngọt bùi… không phải chia xẻ ngọt bùi với bất kỳ ai, mà chỉ muốn chia xẻ với một trong số các cô em đã cùng cô lớn lên ở đây, đã cùng thương yêu trìu mến ngôi nhà, chăm sóc ngôi nhà như cô. Cô là ngôi đã nghĩ đến ngôi nhà như cha cô. Nhưng mấy ngày gần đây, cô không muốn nghĩ về cha cô nữa.
Rosie đứng đậy đến bên cạnh cô chị, cô van xin chị:
- Thế chiều mai chị bằng lòng gặp anh ấy chứ? Anh ấy đã nói chắc chiều mai ảnh sẽ đến.
- Ừ, ừ, dĩ nhiên là tôi sẽ gặp anh ta. Dù sao đi nữa, theo luật pháp tôi vẫn là người chăm sóc cô mà tôi có thể bác bỏ được việc nầy.
- Nhưng chắc chị sẽ không bác bỏ chứ, chị Beatrice? Chắc chị biết em muốn ra đi như thế nào rồi.
- Mà tại sao cô lại muốn đi? Đây là nhà của cô kia mà.
Bỗng Rosie bước lui khỏi Beatrice, cô nói lớn:
- Đây không phải là nhà tôi! Tôi không còn xem đây là nhà của tôi nữa. Nói thật với chị, tôi xem nhà bên kia tường mới thật là nhà của tôi.
- Ồ đúng, đúng. Tao đã nghĩ như thế rồi, tao biết cái thằng chăn lợn vô tích sự với mẹ nó…
- Chị không được gọi anh ta là đồ chăn lợn vô tích sự! Nếu tìm cho ra người chủ trại thật sự, thì phải gọi anh ấy là nhà chủ trại. Chỉ có điều anh ấy không có đủ đất để làm thôi. Nếu anh ấy mà có đất nầy - cô giang rộng hai cánh tay -
Chắc chị sẽ mở mắt ra mà xem.
Beatrice mở to mắt nhìn cô em gái: quả cô đang nhìn một thiếu phụ, người thiếu phụ nầy không có dáng dấp gì là một cô bé hay là một cô gái còn nhỏ; cô không cần chế ngự ai được nữa, mà cô thì lại muốn có người để bầu bạn. Mặc dù cô biết có thể cô không còn khả năng để chế ngự cô em được nữa, nhưng cô vẫn thấy cần sử dụng quyền lực của mình để buộc cô em gái phải nghe theo lời mình.
Khi Rosie đi qua căn phòng, giọng cô vang lên, tức tối:
- Tôi sẽ đi Mỹ, chị không thể cản tôi được. Cô vung tay, bàn tay chụp lấy bộ lò sưởi, Beatrice sững người, cô nghĩ, cô không thể nào can ngăn cô em được.
Bỗng cô khuỵu xuống, ngồi phịch lại trên ghế nệm dài, hai tay ôm lấy mặt, cô rên rỉ than van. Cô muốn khóc mới lạ chứ.
Cô ngồi thẳng người lên, lấy khăn tay lau mặt, hít thở mấy hơi thật dài như thể cố xua đuổi tất cả những chuyện vừa xảy ra…
Mười phút sau, ở trong phòng khách, cô loay hoay sắp xếp trên bàn làm việc.
Việc cuối cùng cô làm là lấy số thư đã mở rồi nhưng chưa phúc đáp, cho vào một chiếc phong bì lớn. Trong khi tộng những lá thư vào phong bì lớn, cô trông thấy lá thư của người luật sư gửi đến, lá thư nói đến cái chết của người đàn bà cô không hề biết mặt sống trong một bệnh viện tư.
Cô còn nhớ thuộc lòng những câu phương ngôn khi còn học mẫu giáo. Ngừa bệnh để khỏi chữa bệnh. Hạt sồi nhỏ sẽ sinh ra cây sồi lớn. Mắt cô vẫn nhìn vào lá thư trong khi óc cô suy nghĩ mông lung, cô nhẩm đọc câu phương ngôn khác nữa: Dĩ độc trị độc.
Bỗng cô lấy riêng bức thư của ông luật sư ra, đọc lại một lần nữa, mắt cô dừng thật lâu trên hàng chữ:
Căn bệnh tâm thần điên loạn thường khiến cho bà thích cởi bỏ hết áo quần và đồ đạc trên người…
Bỗng cô xòe mấy ngón tay đè trên bức thư như thể ép bì thư xuống mặt bàn.
Cô nhìn lại cuộc đời của cô em út. Có dòng máu ấy di truyền trong cô ta: Rõ ràng có dòng máu điên trong người cô ta. Chắc cô không ngoa chút nào. Bỗng cô lấy bức thư lên, xếp lại, tìm một hồi mới thấy chiếc phong bì cô đã ném nó vào sọt rác - rồi cô đứng lên, và một lần nữa cô hít hơi vào thật dài ba lần, nhưng lần nầy thì vì lý do khác.