Dịch giả: Trần Bình Minh
Chương 82- 83

82.
Hãy gạt bỏ tất cả những gì mình đã biết về tảng thiên thạch.
Vốn đang suy nghĩ rất lung bung về tảng thiên thạch, giờ nghe Rachel hỏi, Michael Tolland cảm thấy vô cùng bất an. Ông nhìn phiến đá mỏng trên tay.
- Giả sử có người đưa cho ông miếng đá này và không nói bất cứ điều gì về nguồn gốc cũng như đặc tính của nó. Những phân tích của cá nhân ông sẽ là gì nào?
Tolland biết, câu hỏi của Rachel chứa đựng rất nhiều hàm ý. Nhưng nếu để phân tích vấn đề một cách logic, thì câu hỏi đó quả là hợp lý. Nếu gạt bỏ hết những dữ liệu người ta đã chuyển cho ông khi ông vừa chân ướt chân ráo vào trong bán sinh quyển, Tolland phải thừa nhận rằng những phân tích của ông tỏ ra khá thiên kiến - tảng đá có hoá thạch ở bên trong là thiên thạch.
Nếu người ta không nói gì với ông về tảng thiên thạch thì sao?, ông tự hỏi. Dù chưa thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào khác, Tolland vẫn tự ép mình phải dành thời gian để gạt sang một bên giả thuyết về "tảng thiên thạch". Càng suy nghĩ theo hướng ấy, ông càng cảm thấy băn khoăn. Tolland và Rachel, cùng với Corky, đang cùng nhau bàn luận.
- Tức là… - Rachel nhắc lại, giọng căng thẳng - Mike, anh nói xem, nếu có người đưa cho anh mẩu đá hoá thạch này và chẳng giải thích gì hết, thì có thể anh đã kết luận rằng đây chỉ là đá trái đất mà thôi.
- Dĩ nhiên. - Tolland trả lời. - Làm sao kết luận khác được? Khẳng định rằng đã tìm thấy một thiên thạch chưa hoá thạch động vật quả thực khác rất xa việc khẳng định rằng đã tìm thấy một tảng đá của trái đất có chứa mẫu hoá thạch. Năm nào các nhà khoa học chả phát hiện ra hàng chục loài sinh vật mới.
- Những con chấy dài hơn nửa mét sao? - Corky lên tiếng, đầy hoài nghi. - Anh cho rằng con vật này có xuất xứ từ trái đất hay sao?
- Có thể không phải là trong thời đại của chúng ta, - Tolland đáp, - không nhất thiết phải là một loài đang còn tồn tại. Đây là mẫu hoá thạch mà. Nó có niên đại những 170 triệu năm. Cùng thời gian với kỷ Jura, vô khối động vật hoá thạch thời tiền sử to lớn đến nỗi khi phát hiện hoá thạch của chúng, người ta phải giật mình - những loài bò sát biết bay, khủng long, cả chim nữa.
- Tôi không hiểu gì nhiều về vật lý, Mike ạ, - Corky nói - nhưng lập luận của anh có lỗ hỗng rất lớn. Những động vật thời tiền sử mà anh vừa kể tên - khủng long, bò sát, chim - đều có xương bên trong. Cho nên chúng có khả năng phát triển thành những loài to lớn, bất chấp lực hút của trái đất. Nhưng hoá thạch này… - ông ta giơ cao mẩu đá. - Những động vật này có vỏ cứng ở bên ngoài. Thuộc bộ chân đốt. Loài bọ. Chính anh cũng đã nói rằng những con bọ to thế này chỉ có thể sống trong những môi trường có lực hút nhỏ. Nếu không, chính cái vỏ lớn này sẽ bị đổ sụm xuống vì trọng lượng của chính nó.
- Chính xác. - Tolland nói. - Nếu loài này di chuyển trên mặt đất thì nó sẽ bị để bẹp bởi chính trọng lượng của nó.
Corky bực bội nhướng mày.
- Mike, trừ trường hợp có người tiền sử nào đó lập ra những trại gia súc phi trọng lượng… Tôi không thấy có cách gì giải thích cho sự tồn tại của một con bọ dài những hơn nửa mét trên Trái đất cả.
Tolland mỉm cười một mình vì Corky lại có thể bỏ qua một chi tiết quan trọng đến thế. Thật ra thì còn có khả năng khác nữa. Ông quay sang người bạn thân của mình:
- Corky này, tạm dừng nhìn lên một lúc đi, thử nhìn xuống mà xem. Ngay trên trái đất của chúng ta cũng có khối môi trường không trọng lực đấy chứ. Và chúng tồn tại suốt từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay.
Corky trợn tròn mắt:
- Anh đang nói cái quái quỷ gì thế?
Cả Rachel cũng thấy bất ngờ.
Tolland đưa tay chỉ mặt biển lóng lánh ánh trăng bên dưới máy bay:
- Đại dương.
Rachel khẽ thốt lên:
- Ừ nhỉ.
- Nước là môi trường có trọng lực yếu. - Tolland giảng giải.
- Trong môi trường nước, mọi thứ đều có trọng lượng nhỏ hơn. Vì thế trong đại dương có những dạng sống yếu ớt vô cùng, đến nỗi không thể tồn tại được trên cạn - sứa này, mực ống lớn này, lươn này…
Corky đồng tình nhưng không sốt sắng lắm.
- Đúng thế. Nhưng trong lòng đại dương thời tiền sử làm gì có những con bọ khổng lồ thế này?
- Chắc chắn là có! Ngay cả ngày nay nữa ấy chứ. Người ta vẫn dùng làm thức ăn hàng ngày mà. Chúng còn là đặc sản của nhiều vùng ấy chứ.
- Mike, làm quái gì có ai ăn những con bọ biển to thế!
Tất cả mọi người vẫn ăn tôm hùm và cua đấy thôi.
Corky tròn xoe mắt…
- Loài giáp xác chiếm tỉ lệ rất lớn trong số các sinh vật biển. - Tolland giải thích. - Chúng là một hệ của loài chân khớp - chấy, cua, nhện, sâu bọ, châu chấu, bò cạp, tôm hùm - tất cả đều có họ với nhau. Chúng đều có khung xương ở bên ngoài và các phần phụ có đốt.
Corky trông như sắp phát ốm.
- Nhìn từ góc độ đó, chứng rất giống các loài bọ. - Tolland giải thích tiếp. Loài cua hình móng ngựa trông rất giống những con bò ba thuỳ khổng lồ. Và chân tôm hùm trông rất giống chân của bò cạp.
Corky tái mét.
- Ừ nhỉ. Tôi cũng mới ăn tôm hùm.
Rachel cảm thấy vô cùng phấn khích. Tức là các loài chân đốt trên mặt đất có kích cỡ nhỏ bé là do tác động của trọng lực. Nhưng trong môi trường nước, trọng lượng cơ thể của chúng giảm đi, cho nên chúng trở lên to lớn hơn.
- Chính xác. - Tolland nói. - Con cua lớn ở vùng Alaska có thể bị nhầm với con nhện khổng lồ nếu chúng ta chỉ có một phần hoá thạch.
Sự phấn khích của Rachel dần chuyển sang thành trạng thái lo lắng.
- Mike này, một lần nữa hãy gạt bỏ giả thiết rằng đây đích thị là tảng thiên thạch, hãy nói cho tôi nghe: Anh có cho rằng mẫu hoá thạch chúng ta nhìn thấy trên phiến băng Milne có thể có nguồn gốc từ dưới biển không? Biển trên trái đất ấy?
Ánh mắt chăm chú của cô khiến cho Tolland cảm nhận rất rõ sức nặng của câu hỏi.
- Về mặt lý thuyết thì có đấy. Dưới đáy biển cũng có những bộ phận có niên đại một trăm chín mươi triệu năm. Giống như những mẫu hoá thạch này. Và trên lý thuyết, đại dương cũng có thể bao gồm những dạng sống rất giống thế này.
- Xin anh! - Corky nhạo báng. - Tôi không còn tin nổi vào tai mình nữa. Gạt sang một bên tính xác thực của tảng thiên thạch này à? Đó là một tảng thiên thạch, không thể chối cãi được. Thậm chí nếu đáy đại dương của trái đất cũng có niên đại y như thế đi nữa, thì lấy đâu ra lớp vỏ ngoài bị nung chảy đây? Lại còn hàm lượng nickel rất dị thường, cả các chondrules nữa chứ. Lập luận này rất thiếu cơ sở.
Tolland biết Corky có lý. Tuy nhiên, nghĩ rằng những mẫu hoá thạch đó chẳng qua chỉ là một loài sinh vật biển làm cho nó mất thiêng đi nhiều. Lúc này, nó không còn mang dáng vẻ xa lạ nữa.
- Mike này, - Rachel nói - thế tại sao các nhà khoa học của NASA không xem xét khả năng hoá thạch này là của những sinh vật biển? Thậm chí là biển trên một hành tinh khác?
- Có hai lý do. Các mẫu hoá thạch ở biển - được lấy lên từ đáy đại dương - thường chứa nhiều loài sinh vật lẫn lộn. Bất kỳ loài nào sống trong đại dương rộng lớn đều chìm xuống dưới đáy sau khi chết. Như thế tức là đáy đại dương là nghĩa địa của tất cả các loài sống ở tất cả các độ sâu, các tầng áp suất và môi trường nhiệt khác nhau. Nhưng mẫu đá ở Milne thì rất sạch - chỉ có một loài. Nó giống với một mẫu tìm thấy trên sa mạc hơn. Một số những sinh vật cùng loài bị chôn vùi trong trận bão cát chẳng hạn.
Rachel gật đầu.
- Còn lý do thứ hai khiến anh nghĩ tới môi trường cạn thay vì đại dương?
Tolland nhún vai.
- Chỉ là bản năng thôi. Các nhà khoa học vẫn cho rằng nếu có sự sống trong vũ trụ thì chắc chắn có dạng giống sâu bọ. Và quả thật, khi quan sát vũ trụ, chúng ta thấy đất và đá nhiều hơn so với nước.
Rachel lặng im.
- Mặc dù… - Tolland nói thêm. Ông vẫn đang tiếp tục suy nghĩ. - Phải thừa nhận rằng ở đáy biển có những vùng rất sâu mà các nhà đại dương học coi là vùng chết. Chúng ta chưa thực sự hiểu hết những nơi đó, nhưng đó là những khu vực mà điều kiện về hải lưu và thức ăn không cho phép sự sống tồn tại. Chỉ một số ít những loài ăn xác thối dưới đáy biển thôi. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng những mẫu hoá thạch chỉ có một loài duy nhất không phải là không có.
- Này, này… - Corky làu nhàu. - Thế còn lớp vỏ bị nóng chảy? Còn hàm lượng nickel? Còn các chrondrule? Giải thích thế nào về chúng?
Tolland không nói gì.
- Vấn đề hàm lượng nickel này, - Rachel nói với Corky - anh giải thích hộ tôi lần nữa đi. Hàm lượng nickel trong các loại đá của trái đất thường hoặc rất cao hoặc rất thấp, còn trong các tảng thiên thạch thì lại ở mức trung bình, đúng không?
Corky gật đầu quả quyết:
- Chính xác.
Và hàm lượng nickel trong mẫu đá này rơi vào đúng giới hạn trung bình đó chứ?
- Rất sát, đúng như thế.
Rachel ngạc nhiên:
- Gượm đã nào. Sát à? Thế nghĩa là sao?
Corky như sắp nổi cáu.
- Như tôi đã giải thích từ trước, tỉ lệ khoáng vật học trong các tảng thiên thạch không giống nhau. Mỗi khi các nhà khoa học tìm thấy những thiên thạch mới, chúng tôi lại phải cập nhật chuẩn mới về hàm lượng nickel của các thiên thạch.
Rachel giơ cao mẫu đá, kinh ngạc. Tức là tảng thiên thạch này buộc anh phải đánh giá lại mẫu chuẩn về hàm lượng nickel? Nó không nằm trong khoảng trung bình được thừa nhận từ trước hay sao?
- Chỉ một chút xíu. - Corky đốp chát.
- Sao trước đó chẳng thấy ai nhắc đến chuyện này?
- Cái đó không quan trọng. Vũ trụ học là ngành khoa học động, luôn luôn được cập nhật.
- Trong khi tiến hành một phân tích vô cùng quan trọng ư?
- Tôi nói thế này nhé, - Corky tức tối - Tôi đảm bảo với cô rằng tỉ lệ nickel trong tảng thiên thạch đó gần với các tảng thiên thạch hơn là các loại đá trái đất.
Rachel quay sang Tolland:
- Anh đã biết chuyện này chưa?
Tolland miễn cưỡng gật đầu.
- Lúc đó, mọi người coi nó là chuyện vặt. Tôi đã được thông báo rằng hàm lượng nickel trong tảng đá này cao hơn so với các tảng thiên thạch khác chút xíu. Nhưng các chuyên gia của NASA đều tỏ ra không quan tâm.
- Trên cơ sở vững chắc? - Corky ngắt lời. - Bằng chứng về tỉ lệ khoáng chất ở đây không dẫn đến kết luận rằng tảng đá này có "nguồn gốc vũ trụ", nó chỉ cho phép kết luận rằng tảng đá này không giống đá trái đất.
Rachel lắc đầu.
- Xin lỗi anh, nhưng trong ngành của tôi, kiểu lập luận lỏng lẻo như thế có thể làm người khác bị chết oan. Thừa nhận rằng một tảng đá không giống đá trên trái đất chưa đủ để chứng minh rằng nó là một tảng thiên thạch. Như thế mới chỉ chứng minh được rằng nó khác với các loại đá trên trái đất mà chúng ta đã biết.
- Như thế thì có gì khác nhau!
- Chẳng khác nhau chút nào. - Rachel đáp. - Nếu anh đã nghiên cứu tất cả mọi loại đá trên trái đất.
Corky im lặng giây lát.
- Thôi được, - cuối cùng ông ta nói - nếu cô thấy có vấn đề thì chúng ta bỏ qua hàm lượng nickel. Chúng ta vẫn còn lớp vỏ bị nóng chảy và các chodrule.
- Chắc chắn rồi. - Rachel nói, vẫn chưa hết nghi ngờ. - Hai trong ba bằng chứng, không tồi chút nào.
83.
Đại bản doanh của NASA là toà nhà kính khổng lồ hình tứ giác toạ lạc tại số 300 phố E, Wasington. Bên trong toà nhà là hệ thống dây cáp tải dữ liệu chằng chịt dài tới hai trăm dặm và vô số máy tính với trọng lượng lên tới hàng ngàn tấn. Đây là nơi làm việc của 1134 nhân viên dân sự, những người hàng ngày vẫn điều hành mười hai trụ sở của NASA trải khắp trên toàn nước Mỹ, những người tiêu tốn của Chính phủ mỗi năm mười lăm tỉ đôla.
Dù đêm đã về khuya, Gabrielle không hề ngạc nhiên khi thấy phòng chờ của toà nhà đầy chặt người, những nhân viên của NASA trong tâm trạng rất hồ hởi, và những phóng viên báo chí cũng phấn khích không kém. Gabrielle hối hả tiến vào. Lối vào trông khá giống một viện bảo tàng với những mô hình tên lửa và vệ tinh nhân tạo cỡ lớn treo lủng lẳng trên đầu. Mấy toán phóng viên truyền hình đang tác nghiệp trong căn phòng rộng lớn lát đá hoa cương. Một số nhân viên của NASA vừa bị chặn lại để phỏng vấn.
Gabrielle đưa mắt nhìn khắp lượt, nhưng không thấy người nào trông giống Giám đốc Dự án PODS Chris Harper. Một nửa số người trong sảnh đeo biển nhà báo, tất cả những người còn lại đeo thẻ ra vào của NASA. Gabrielle không có thẻ. Trông thấy cô gái đeo thẻ ra vào của NASA, Gabrielle lại gần.
- Xin chào! Cô có biết Chris Harper ở đâu không?
Cô gái chăm chú nhìn Gabrielle, như thể láng máng nhận ra cô, nhưng không chắc chắn lắm.
- Tôi nhìn thấy tiến sĩ Harper được một lúc lâu rồi, mình như ông ấy lên gác rồi thì phải. Tôi có biết chị không nhỉ?
- Chắc là không đâu. - Gabrielle đáp, quay mặt đi chỗ khác.
- Làm thế nào để lên được tầng trên?
- Chị có làm việc cho NASA không?
- Không.
- Thế thì chị không thể lên được đâu.
- Thế à? Thế ở đây có máy điện thoại…
- Này. - Cô ta nói, bất thần trở nên cáu kỉnh. - Tôi biết chị. Tôi đã trông thấy chị trên truyền hình, cùng với Thượng nghị sĩ Sexton. Làm sao chị dám vác mặt…
Gabrielle đã kịp biến mất trong đám đông, không còn ở đó nữa. Nhưng vẫn nghe rõ mồn một cô ta đang oang oang loan báo cho những người xung quanh rằng cô đang ở đây…
Khiếp thật. Mới cô hai giây, mình đã bị liệt vào danh sách truy nã.
Trên tường có sơ đồ toà nhà. Cô nhìn bao quát một lượt khắp sơ đồ, tìm cái tên Chris Harper. Không thấy. Sơ đồ này không ghi tên người. Chỉ có các phòng ban.
PODS? Cô tự hỏi, nhìn khắp sơ đồ lần nữa, hy vọng thấy dấu hiệu nào đó liên quan đến máy chụp cắt lớp địa cực trong quỹ đạo.
Cũng không thấy. Cô bồn chồn nhìn lại đằng sau, sợ bị nhân viên của NASA phát hiện. Gabrielle vừa trông thấy trên tường một hàng chữ có vẻ hứa hẹn, tầng 4:
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TRÁI ĐẤT, GIAI ĐOẠN HAI
Hệ thống quan sát trái đất (EOS)
Vẫn cố gắng không để người khác nhận ra mình, Gabrielle đến bên thang máy được bố trí cạnh đài phun nước. Cô tìm nút bấm điều khiển thang máy, nhưng chỉ nhìn thấy mấy cái hốc để đưa thẻ vào.
Chết tiệt. Thang máy ở đây chỉ dành cho nhân viên - phải có thẻ ra vào thì mới sử dụng được…
Một toán thanh niên hăm hở đến bên thang máy, nói cười hoan hỉ. Họ đều đeo thẻ ra vào của NASA. Gabrielle ngay lập tức làm ra vẻ cúi xuống bên đài phun nước, mặt quay ra phía khác.
Một anh chàng mặt đầy trứng cá đưa thẻ vào khe cửa thang máy, cánh cửa mở ngay lập tức. Anh ta vừa gật gù đầy hưng phấn vừa cười lớn.
- Mấy anh chàng bên SETI chắc đang hoá điên! - Anh ta nói khi cả nhóm đã ở trong buồng thang máy. - Mấy cỗ máy ọc ạch của họ suốt hai mươi năm nay hoài công săm soi các giải thiên hà, trong khi bằng chứng về sự sống lại bị chôn vùi trong băng hà ngay trên trái đất suốt ngần ấy năm!
Cửa thang máy khép lại, toán thanh niên biến mất.
Gabrielle đứng thẳng dậy, quệt mồ hôi trên trán, không biết nên làm gì. Cô đưa mắt nhìn quanh, tìm máy điện thoại nội bộ.
Không thấy. Cô nghĩ đến chuyện ăn cắp thẻ ra vào, nhưng ngay lập tức tự nhủ rằng như thế là dại dột. Gabrielle nhìn thấy cô gái ban nãy vừa tỏ ra bực bội với cô. Cô ta đang len qua đám đông, cùng với một nhân viên an ninh của NASA.
Người đàn ông đầu hói, có ria, hối hả bước tới thang máy.
Gabrielle lại cúi xuống bên đài phun nước. Ông ta không hề để ý xưng quanh. Gabrielle lặng lẽ nhìn ông ta tra thẻ vào khe cửa. Cửa thang máy lạỉ mở, ông ta bước vào.
Nhanh lên. Gabrielle tự nhủ, quyết tâm chớp lấy cơ hội. Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ…
Cửa thang máy sắp khép lại, Gabrielle nhảy bổ vào, tay giữ cánh cửa. Hai cánh cửa lại mở rộng ra, cô bước vào, ánh mắt ngời sáng, đầy phấn chấn.
- Anh đã bao giờ được chứng kiến sự kiện nào giống thế này chưa?
Cô nhanh nhẩu nói, làm ông ta giật mình.
- Lạy Chúa, quá tuyệt vời! - ông ta gật đầu nhìn cô lạ lẫm.
- Mấy anh chàng bên SETI chắc sắp hoá điên! - Gabrielle nói. - Mấy cỗ máy ọc ạch của họ suốt hai mươi năm săm soi dải thiên hà, trong khi bằng chứng về sự sống thì nằm chơn vùi trong băng hà ngay trên Trái đất!
Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên:
- À… ừ… Đúng là… - Ông ta nhìn Gabrille, tỏ vẻ băn khoăn vì không thấy cô đeo thẻ. - Xin lỗi, cô là…
- Cho tôi lên tầng 4. Tôi vội đến nỗi suýt quên cả áo lót! - Cô cười khanh khách, mắt liếc thật nhanh thẻ ra vào của ông ta: JAMES THEISEN, trưởng phòng tài vụ.
- Cô có phải là nhân viên không? - Ông ta có vẻ không thoải mái. - Cô là…?
Gabrielle giả bộ há hốc miệng.
- Jim! Em thất vọng quá! Phụ nữ ghét nhất là bị quên tên đấy!
Ông ta tái mặt, mất tự nhiên, bối rối gãi đầu:
- Tôi xin lỗi. Quá phấn khích ấy mà, cô biết đấy. Quả thật trông cô quen lắm. Cô ở chương trình nào nhỉ?
Chết tiệt. Gabrielle tự tin mỉm cười:
- EOS.
Ông ta chỉ tay vào con số bốn đang nhấp nháy sáng trên tường.
- Dĩ nhiên rồi. Chính xác là dự án nào nhỉ?
Tim Gabrielle đập thình thịch. Cô chỉ nghĩ được duy nhất một cái tên.
- PODS.
Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thế à? Tôi tưởng tôi đã biết hết nhân viên của tiến sĩ Harper rồi.
Cô ngượng ngùng gật đầu.
- Chris giấu tôi kỹ lắm. Chính tôi là nhân viên lập trình ngớ ngẩn đã nhầm chỉ số voxel khi viết phần mềm.
Lần này ông ta há hốc miệng.
- Hoá ra là cô à?
Gabrielle nhăn nhó.
- Tôi mất ngủ mấy tuần liền.
- Nhưng tiến sĩ Harper đã nhận hết trách nhiệm cơ mà!
- Tôi biết. Chris là người như thế. Vô cùng độ lượng. Nhưng mà buổi họp báo tối nay thì tuyệt vời. Tảng thiên thạch ấy mà. Tôi phát điên lên mất!
Thang máy đừng lại ở tầng bốn. Gabrielle bước ra ngay.
- Rất vui được gặp lại anh, Jim ạ! Cho tôi gửi lời hỏi thăm các chàng trai ở phòng tài vụ nhé!
- Tất nhiên rồi. - Ông ta lắp bắp khi cửa thang máy khẻp lại. - Rất vui được gặp lại cô,